Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

NAM KỲ LỤC TỈNH- KHÔNG PHẢI LÀ VÙNG ĐẤT DO VIỆT NAM XÂM LƯỢC TỪ CAMPUCHIA

Lời dẫn: Trên mạng hiện nay có không ít người Việt do mơ hồ về lịch sử cha ông nên đã đưa ra những nhận định sai trái rằng vùng đất Nam Bộ là do Việt Nam xâm lược từ quốc gia láng giềng Campuchia. Quan điểm này trùng hợp với quan điểm của một số nhân vậi thuộc các đảng phái dân tộc cực đoan ở Campuchia hiện nay. Chúng đang hô hào “đòi lại lãnh thổ” nhằm gây bất ổn ở biên giới Tây- Nam của Tổ quốc.
Để làm rõ vẫn đề này, Google.tienlang xin đăng bài viết của GS.TSKH Vũ Minh Giang từ trang web của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
----
                                                                                                                       GS.TSKH Vũ Minh Giang

Từ lâu Nam Bộ đã là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Vịêt Nam, nhưng do tính chất phức tạp của lịch sử nên cho đến nay vấn đề chủ quyền lãnh thổ (territorial sovereignty) vẫn còn có những nhận thức chưa thật đầy đủ. Trên cơ sở trình bày một cách hệ thống diễn biến lịch sử và phân tích những yếu tố khẳng định tính chất chính đáng, phù hợp với thông lệ quốc tế của quá trình thụ đắc lãnh thổ phía nam của dân tộc ta, bài viết này hy vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học và nâng cao thêm hiểu biết về chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ.
Mặc dù những vướng mắc về biên giới giữa Việt Nam và Campuchia nhiều khi là những vấn đề cụ thể liên quan tới đường biên giới hiện tại, nhưng cội nguồn của những vướng mắc đó lại nảy sinh từ lịch sử, trong đó cơ bản nhất, sâu xa nhất là vấn đề lãnh thổ vùng Nam Bộ. Có một quan niệm cho rằng vùng đất Nam Bộ từ xưa vốn là lãnh thổ của Campuchia. Lập luận chủ yếu (mà không chứng minh) của quan niệm này là đồng nhất nước Phù Nam ở trung tâm của vung hạ lưu sông Mê Kông với nhà nước đầu tiên của người Khmer[1]. Trong một hội thảo về Bảo tồn di sản văn hoá tổ chức năm 1993 tại thành phố Nara (Nhật Bản), báo cáo chính thức của Campuchia do ông Vann Molivann, Bộ trưởng Quốc vụ khanh trình bày trước hội nghị cũng xếp văn minh Phù Nam vào nhóm “dạng thức đặc biệt của nhóm Khmer”[2]. Để giải quyết thoả đáng vấn đề này không thể không trở lại xem xét cụ thể nguồn gốc và diễn biến chủ quyền lãnh thổ đối với vùng đất này. Hiển nhiên, việc xem xét lịch sử chủ quyền phải bắt đầu từ nhà nước Phù Nam.
1. Vấn đề nước Phù Nam
Căn cứ vào những ghi chép trong các thư tịch cổ Trung Quốc thì Phù Nam là một quốc gia nằm ở phía nam của Lâm Ấp (Champa) nghĩa là tương đương với đất Nam Bộ ngày nay[3]. Cũng dựa vào các thư tịch cổ, các nhà khoa học đã thống nhất nhận định rằng nước Phù Nam xuất hiện vào khoảng đầu Công nguyên và biến mất vào khoảng thế kỷ thứ VII [4]. Mùa xuân năm 1944 nhà khảo cổ học Pháp Louis Malleret đã tiến hành một cuộc khai quật có ý nghiã lịch sử ở khu vực gần núi Ba Thê (nay thuộc địa phận xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Từ sau cuộc khai quật này bắt đầu xuất hiện khái niệm văn hoá Ốc Eo và một cách tự nhiên các nhà khoa học đã dễ dàng đi tới nhận định rằng vấn đề Phù Nam không thể tách rời vấn đề Ốc Eo. Hay nói cách khác, hoàn toàn có cơ sở khoa học nếu đồng nhất những di vật thuộc văn hoá Ốc Eo là di tích văn hoá vật thể của nước Phù Nam. Vấn đề này đã được khắng định trong nhiều tác phẩm và hội thảo khoa học, đặc biệt là hội thảo về Văn hoá Ốc Eo - Phù Nam do Bộ KH-CN tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh năm 2004, nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện phát hiện văn hoá ốc Eo. Các học giả cũng đã khẳng định Ốc Eo là một nền văn hoá có nguồn gốc bản địa, ít ra là từ thời đại kim khí và trong thời kỳ cường thịnh nhất, Phù Nam đã phát triển thành một đế chế rộng lớn bao gồm toàn bộ phần phía nam bán đảo Đông Dương (Nam Bộ của Việt Nam hiện nay, nước Campuchia, một phần nam Lào), một phần Thái Lan và bán đảo Malaca, nhưng trung tâm vẫn là vùng đất Nam Bộ.
Một vấn đề có ý nghĩa quan trọng là xác định chủ nhân của văn hoá ốc Eo. Trước đây, người ta thường nói mà không chứng minh rằng chủ nhân nền văn hoá này là tổ tiên của người Khmer. Nhưng dưới ánh sáng của những nghiên cứu mới thì vấn đề không phải như vậy. Trước hết, tất cả những di tích thuộc văn hóa Ốc Eo có thể dễ dàng nhận thấy là khác biệt với văn hóa Khmer. Những dấu vết của Chân Lạp trên đất Nam Bộ không thể hiện là sự phát triển liên tục của văn hóa Phù Nam[5]. Về phong tục tập quán, sử liệu Trung Quốc cũng cho biết rằng tang lễ và hôn nhân của Phù Nam gần giống với Lâm ấp (tức Champa).

Về mặt lịch sử, các tư liệu trong thư tịch cổ Trung Quốc cũng phân biệt rất rõ Phù Nam với Chân Lạp (quốc gia của người Khmer). Sử ký của nhà Tùy chép rằng nước Chân Lạp ở về phía tây nam Lâm ấp, nguyên là một chư hầu của Phù Nam. Vua nước ấy là Ksatriya Citrasena đã đánh chiếm và tiêu diệt Phù Nam [6]. Sử ký nhà Đường cũng chép: “Trong nước [Phù Nam] bấy giờ có thay đổi lớn. Nhà vua đóng đô ở thành Đặc Mục, thình lình bị nước Chân Lạp đánh chiếm, phải chạy trốn về miền nam, trú ở thị trấn Na Phất Na[7]. Những sự kiện được chép trên đây diễn ra vào đầu thế kỷ VII. Căn cứ vào sự kiện 627 Phù Nam còn đến tiến cống nhà Đường lần cuối cùng, các học giả cho rằng đó có thể coi đó là năm sớm nhất nước Phù Nam bị tiêu diệt[8].
Như vậy Chân Lạp là một quốc gia xuất hiện ở vùng trung lưu sông Mê Kông, khu vực gần Biển Hồ, lấy nông nghiệp là nghề sống chính. Còn Phù Nam là một quốc gia ven biển có truyền thống hàng hải và thương nghiệp khá phát triển. Trong thời kỳ Phù Nam cường thịnh đã có nhiều nước nhỏ thần phục với tư cách là những thuộc quốc hoặc chư hầu, trong đó có Chân Lạp. Vào đầu thế kỷ VII, nhân lúc Phù Nam suy yếu, Chân Lạp đã tấn công và chiếm lấy. Lãnh thổ Phù Nam về tay Chân Lạp do kết quả của những cuộc chiến tranh.
2. Vùng đất Nam Bộ dưới thời Chân Lạp
Sau khi chiếm được Phù Nam, vùng đất này được gọi là Thuỷ Chân Lạp[9]. Việc cai quản vùng lãnh thổ mới đối với Chân Lạp hết sức khó khăn. Trước hết đây là một vùng đồng bằng mới bồi lấp còn ngập nước và sình lầy, người Khmer với dân số ít ỏi chưa thể tổ chức khai thác trên quy mô lớn. Hơn nữa, việc khai khẩn đất đai trên lãnh thổ của Lục Châu Lạp cũng còn đang đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực. Vào nửa sau thế kỉ thứ VIII quân đội Srivijaya của người Java đã liên tục tiến công vào các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Kết cục là Thuỷ Chân Lạp bị quân Java chiếm. Cả vương quốc Chân Lạp gần như bị lệ thuộc vào Srivijaya. Cục diện này mãi đến năm 802 mới kết thúc. Tuy nhiên người Khmer lúc này muốn dồn sức phát triển các vùng trung tâm truyền thống của họ ở khu vực Biển Hồ, trung lưu sông Mê Kông và hướng nỗ lực bành trướng sang phía tây, vùng lưu vực sông Chao Phaya. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XI, Chân Lạp trở thành một quốc gia cường thịnh, tạo dựng nên nền văn minh Angkor rực rỡ, đồng thời mở rộng lãnh thổ lên tận Nam Lào và trùm lên cả lưu vực sông Chao Phaya. Trong khi đó qua các di tích khảo cổ học, dấu tích của văn hoá Khmer và văn minh Angkor ở vùng Đồng Nai - Gia Định hết sức mờ nhạt[10].


Do chiến tranh và phải tập trung công sức phát triển các trung tâm ở vùng lục địa, sau mấy thế kỷ thuộc Chân Lạp, đến thế kỷ XIII theo Chu Đạt Quan, vùng đất Nam Bộ vẫn còn là một vùng đất hoang vu với những “bụi rậm của khu rừng thấp... tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi… những cánh đồng bị bỏ hoang phế, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy, hàng trăm hàng ngàn con trâu rừng tụ họp thành từng bầy trong vùng này, tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm…”[11].
Bắt đầu từ thế kỷ XIV Chân Lạp phải đối phó với sự bành trướng của các vương triều Thái từ phía tây, đặc biệt là từ sau khi vương quốc Ayuthaya hình thành. Trong gần một thế kỷ Chân Lạp liên tiếp phải đối phó với những cuộc tiến công từ phía người Thái, có lúc kinh thành Angkor đã bị quân đội Ayuthaya chiếm đóng.
3. Công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ
Từ thế kỉ XVI, do sự can thiệp của Xiêm, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc và dần bước vào thời kì suy vong, hầu như không có điều kiện quan tâm đến vùng đất còn ngập nước ở phía đông và trên thực tế đã không đủ sức quản lý vùng đất này. Trong bối cảnh đó nhiều cư dân Việt từ đất Thuận Quảng đã vào vùng Mô Xoài, Đồng Nai (miền Đông Nam Bộ) khai khẩn đất hoang lập làng sinh sống.
Năm 1620 vua Chân Lạp Chey chetta II đã cưới con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên làm vợ. Đối với Chân Lạp, việc kết thân với chúa Nguyễn là để dựa vào lực lượng quân sự của người Việt lúc này đang rất mạnh nhằm làm giảm sức ép từ phía Xiêm. Với chúa Nguyễn, quan hệ hữu hảo này tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt, vốn đã có mặt từ trước, được tự do khai khẩn đất hoang và làm ăn sinh sống trên đất Thuỷ Chân Lạp và tăng cường ảnh hưởng của họ Nguyễn với triều đình Oudong.
Năm 1623 chúa Nguyễn chính tức yêu cầu triều đình Chân Lạp để cho dân Việt mở rộng địa bàn khai phá trên những vùng đất thưa dân và để quản lý, chúa Nguyễn lập ở Pray Kor (vùng Sài Gòn ngày nay) một trạm thu thuế. Vua Chân Lạp đã chấp thuận đề nghị này[12] . Vào thời điểm đó cư dân Việt đã có mặt ở hầu khắp miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn.
Sau cái chết của Chey Chetta II vào năm 1628 nội bộ giới cầm quyền Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc. Nhiều cuộc chiến giữa các phe phái đã diễn ra với sự trợ giúp quân sự của một bên là quân Xiêm, một bên là quân Nguyễn. Những cuộc chiến ấy chẳng những không ảnh hưởng đến việc người Việt tiến hành khai phá những vùng đất hoang hóa ở đồng bằng sông Cửu Long, mà trái lại, còn tạo điều kiện thuận lợi cho chúa Nguyễn thiết lập quyền kiểm soát chính thức của mình trên những vùng đất cư dân Việt đã dựng nghiệp. Trong thời kỳ này sự thần phục của các nhóm di thần nhà Minh góp phần đã đẩy nhanh quá trình xác lập chủ quyền của chúa Nguyễn trên lãnh thổ Nam Bộ. Từ năm 1679 chúa Nguyễn Phúc Tần đã tạo điều kiện để nhóm Dương Ngạn Địch cùng nha môn, quân sĩ vùng Quảng Tây tổ chức việc khai phá và phát triển kinh tế vùng lưu vực sông Tiền Giang (Mỹ Tho), cho nhóm Trần Thượng Xuyên và những đồng hương Quảng Đông của ông chiêu dân tiếp tục mở mang vùng Biên Hòa - Đồng Nai. Trong vòng gần 20 năm, một vùng đất trải dài từ Bà Rịa đến sông Tiền Giang, vốn đã được cư dân Việt đến sinh cư lập nghiệp từ trước, nhanh chóng trở thành những trung tâm kinh tế quan trọng với nhiều làng mạc trù phú, phố phường sầm uất, hải cảng nhộn nhịp có thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Dương, Bồ Bà (Java) tới buôn bán.
Trên cơ sở những đơn vị tụ cư đã trù mật những trung tâm kinh tế đã phát triển, năm 1698, chúa Nguyễn đã cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất này và cho lập ra ở đây một đơn vị hành chính lớn là phủ Gia Định. Như vậy vào cuối thế kỷ XVII chúa Nguyễn đã xác lập được quyền lực của mình tại vùng trung tâm của Nam Bộ, khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất mà trên thực tế, chính quyền Chân Lạp chưa khi nào thực thi một cách đầy đủ chủ quyền của mình.
Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là vào năm 1708 Mạc Cửu ở Hà Tiên xin quy phục chúa Nguyễn. Là một thương nhân Hoa kiều ở Lôi Châu, thường xuyên tới buôn bán ở vùng biển Đông Nam Á, Mạc Cửu đã sớm nhận ra vị trí địa lý thuận lợi của vùng đất Mang Khảm (sau đổi là Hà Tiên) nên đã lưu ngụ lại, chiêu mộ dân sửa sang bến thuyền, mở mang chợ búa, khai phá đất đai, biến một vùng đất còn hoang vu thành một nơi buôn bán sầm uất. Lúc đầu (vào khoảng năm 1680) Mạc Cửu đã từng xây dựng quan hệ thần phục với vua Chân Lạp, nhưng sau này thế lực Chân Lạp suy giảm, không đủ sức bảo vệ cho công việc làm ăn của cư dân vùng đất này khỏi sự tiến công cướp bóc của người Xiêm nên đã tìm đến chúa Nguyễn xin nội thuộc vào năm 1708. Năm 1757 khi đất Tầm Phong Long (tương đương với vùng tứ giác Long Xuyên) được vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng cho chúa Nguyễn để đền ơn cứu giúp trong lúc hoạn nạn và giành lại ngôi vua, quá trình xác lập chủ quyền lãnh thổ của người Việt trên đất Nam Bộ về cơ bản đã hoàn thành.
Từ quá trình lịch sử trên đây, không thể quan niệm một cách đơn giản rằng chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ là do chiếm của Chân Lạp. Chứng cứ lịch sử cho thấy quốc gia đầu tiên trên đất này là Phù Nam mà cư dân chủ yếu là người protomalais, đến đầu thế kỷ thứ VII mới bị Chân Lạp tiến công tiêu diệt. Tuy nhiên, Chân Lạp đã không có điều kiện để quản lý và khai thác vùng đất này. Sự sầm uất, trù phú của Nam Bộ là công lao khai phá của các nhóm cư dân chủ yếu là người Việt từ thế kỷ XVII. Chúa Nguyễn là người bảo hộ cho quá trình khai phá này và việc khẳng định quyền quản lý lãnh thổ là một hệ quả tự nhiên.
Quá trình thụ đắc vùng đất Nam Bộ của chúa Nguyễn chủ yếu thông qua khai phá hoà bình kết hợp với đàm phán ngoại giao để khẳng định chủ quyền. Đó là phương thức được thừa nhận là phù hợp với thông lệ lịch sử và các văn bản quốc tế hiện hành.
4. Thực thi và bảo vệ chủ quyền
Cùng với quá trình khai thác những vùng đất còn hoang vu ở Nam Bộ của cộng đồng cư dân, các chính quyền của người Việt đã liên tục thực hiện các chính sách quản lý lãnh thổ với tư cách là chủ nhân vùng đất này. Từ thế kỷ XVII để thực thi chủ quyền, các chúa Nguyễn đã tổ chức các đơn vị hành chính, sắp đặt quan cai trị, lập sổ sách quản lý dân đinh, ruộng đất và định ra các loại thuế. Phủ Gia Định thành lập năm 1698 gồm hai dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Phiên Trấn (Gia Định) quản lý hơn 4 vạn hộ. Sau năm 1774 vùng đất từ nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau được chia làm 12 dinh, trong đó vùng đất Nam Bộ chia thành 4 dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và Hà Tiên). Trừ Hà Tiên lúc đầu còn là một dinh phụ thuộc, mỗi dinh quản hạt một phủ, dưới phủ có huyện, tổng hay xã. Từ đó, về cơ bản tổ chức hành chính trên vùng đất Nam Bộ đã được kiện toàn. 
Triều Nguyễn thành lập vào năm 1802 tiếp tục sự nghiệp của các chúa Nguyễn đã hoàn thiện hệ thống hành chính và thống nhất quản lý trên quy mô cả nước. Năm 1836 vua Minh Mạng cho lập sổ địa bạ toàn bộ Lục tỉnh Nam Kỳ. Bên cạnh chính sách chính trị, quân sự, triều đình khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội, mở mang phát triển các dinh điền, đồn điền, xây dựng các công trình thuỷ lợi, phát triển giao thông thuỷ bộ. Năm 1817 vua Gia Long cho đào kênh Thoại Hà. Vào đầu những năm 20, vua Minh Mạng giao cho đào kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên dài trên 70km.
Ngay từ khi mới khẳng định quyền quản lý, các chính quyền người Việt đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ. Chính quyền các chúa Nguyễn đã từng kiên quyết đánh bại các cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ của quân Xiêm vào các năm 1715,1771... Tiêu biểu cho ý chí bảo vệ chủ quyền là cuộc kháng chiến chống Xiêm với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vang dội của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào năm 1785. Sang thế kỷ XIX, các Vua Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống các trường luỹ và đồn bảo trấn thủ dọc theo biên giới để bảo vệ lãnh thổ. Trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX cùng với xây dựng nước Đại Nam hùng cường, các vua Nguyễn đã bảo vệ vững chắc chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ.
Những cô gái miền Tây
Khi thực dân Pháp tấn công xâm lược, triều Nguyễn đã tổ chức kháng chiến chống lại. Đến khi triều đình tỏ rõ sự bất lực thì nhân dân Việt Nam đã không tiệc máu xương liên tục đứng lên đấu tranh anh dũng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước của mình. Thắng lợi vẻ vang năm 1975 là đỉnh cao của quá trình chiến đấu hy sinh bền bỉ lâu dài vì lý tưởng cao đẹp đó.
5. Cơ sở pháp lý
Cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ thể hiện ngay trong quá trình thụ đắc lãnh thổ bắt đầu từ thế kỷ XVII. Từ giữa thế kỷ XIX, chủ quyền này được chính thức ghi nhận trong văn bản các Hiệp ước quốc tế. Tháng 12 năm 1845 ba nước An Nam (Việt Nam), Xiêm (Thái Lan) và Miên (Cămpuchia) đã ký một Hiệp ước, trong đó thừa nhận 6 tỉnh Nam Kỳ thuộc Việt Nam. Năm sau, trriều Nguyễn và Xiêm lại ký một Hiệp ước có nhắc lại điều đó. Đây là Hiệp ước mà sau này Cao Miên cũng tham gia[13]. Như vậy muộn nhất là đến năm 1845 các nước láng giềng với Việt Nam, trong đó có cả Cămphuchia đã ký các văn bản pháp lý chính thức công nhận vùng đất Nam Bộ là của Việt Nam. 
Pháp tấn công Nam Bộ rồi sau đó lần lượt chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ là các sự kiện thể hiện rõ sự xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ trên vùng đất Nam Bộ, nhưng Cămpuchia không có bất cứ một phản ứng gì. Trái lại, triều Nguyễn đã điều động quân đội tiến hành kháng Pháp và khi kháng chiến thất bại, đã đứng ra ký các Hiệp định nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông (năm 1862) và 3 tỉnh miền Tây (năm 1874). Đây là những chứng cớ và cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất này.
Sau khi lập ra Liên bang Đông Dương, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử thực thi chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ, Pháp đã tiến hành hoạch định biên giới giữa Nam Kỳ và Cămpuchia theo luật của nước Pháp. Việc khảo sát, đo đạc trên thực địa được tiến hành bởi các chuyên gia Pháp và Cămpuchia. Năm 1889 giữa Pháp và Cămpuchia đã ký một loạt các văn bản pháp lý về hoạch định, phân giới cắm mốc biên giới giữa Nam Kỳ và Cămpuchia. Tất cả các văn bản pháp lý này đều khẳng định vùng đất Nam Kỳ hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
Trước những thắng lợi liên tiếp của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 4 tháng 6 năm1949 tổng thống Vincent Aurol ký Bộ luật số 49 - 733 trả lại Nam Kỳ cho chính quyền Bảo Đại. Trong Bộ luật còn có chữ ký của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp.
Giải thích những thắc mắc của vương quốc Cămpuchia về quyết định này, ngày 8 tháng 6 năm 1949 Chính phủ Pháp đã có thư chính thức gửi quốc vương Sihanouk, trong đó có đoạn nói rõ: “Về pháp lý và lịch sử không cho phép Chính phủ Pháp trù tính các cuộc đàm phán song phương với Cămpuchia để sửa lại các đường biên giới của Nam Kỳ” vì “Nam Kỳ đã được An Nam nhượng cho Pháp theo các Hiệp ước năm1862 và 1874…. chính từ triều đình Huế mà Pháp nhận được toàn bộ miền Nam Việt Nam… về pháp lý, Pháp có đủ cơ sở để thoả thuận với Hoàng đế Bảo Đại việc sửa đổi quy chế chính trị của Nam Kỳ”. Trong bức thư đó Chính phủ Pháp còn khẳng định: “thực tế lịch sử ngược lại với luận thuyết cho rằng miền Tây Nam Kỳ vẫn còn phụ thuộc triều đình Khmer lúc Pháp tới ”  “Hà Tiên đã được đặt dưới quyền tôn chủ của Hoàng đế An Nam từ năm 1715 và kênh nối Hà Tiên với Châu Đốc được đào theo lệnh của các quan An Nam từ nửa thế kỷ trước khi chúng tôi đến” [14].
Vậy là đến năm 1949, vùng đất Nam Bộ vốn từng bị triều Nguyễn “bán” cho Pháp, đã được trả lại bằng một văn bản có giá trị pháp lý. Chính phủ Pháp còn khẳng định những cơ sở lịch sử và luật pháp của văn bản này với vương quốc Cămpuchia. Từ đó về sau chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ liên tục được tất cả các Hiệp định định có giá trị pháp lý quốc tế như Hiệp định Genève (1954), Hiệp định Paris (1973) công nhận.
Như vậy, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ không chỉ được khẳng định bởi tính tính chính đáng trong quá trình thụ đắc lãnh thổ cũng như công lao của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng lãnh thổ đó suốt từ thế kỷ XVII đến nay mà còn phù hợp với nguyên tắc uti possidetis (tôn trọng nguyên trạng), phù hợp thông lệ và các công ước quốc tế hiện hành.
Kết luận
Vùng đất Nam Bộ vốn là một địa bàn giao tiếp và đã từng có nhiều lớp cư dân đến khai phá. Vào khoảng đầu công nguyên, cư dân vùng đất này đã xây dựng nên nhà nước Phù Nam. Trong thời kỳ phát triển nhất vào khoảng thé kỷ V-VI, Phù Nam đã mở rộng ảnh hưởng và trở thành một đế chế rộng lớn với nhiều thuộc quốc phân bố ở phía nam bán đảo Đông Dương và bán đảo Malaca. Vào đầu thế kỷ VII đế chế Phù Nam tan rã, nước Chân Lạp của người Khmer, vốn là một trong những thuộc quốc của Phù Nam ở vùng Tongle Sap đã tấn công đánh chiếm vùng hạ lưu sông Mêkông (tương đương với vùng đất Nam Bộ ngày nay).
Tuy nhiên, trong suốt thời gian gần 10 thế kỷ vùng đất Nam Bộ không đựơc cai quản chặt chẽ và gần như bị bỏ hoang. Từ cuối thế kỷ XVI và đặc biệt là từ đầu thế kỷ XVII, dưới sự bảo hộ của các chúa Nguyễn người Việt đã từng bước khai phá vùng đất này. Người Việt đã nhành chóng hoà đồng với các cộng đồng cư dân tại chỗ và những cư dân mới đến (người Hoa) cùng nhau mở mang, phát triển Nam Bộ thành một vùng đất trù phú. Cũng từ đây người Việt là cư dân chủ thể và thực sự quản vùng đất này. Từ đó đến nay chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đã được khẳng định không chỉ bằng thực tế lịch sử mà còn trên các văn bản có giá trị pháp lý được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Trong suốt hơn ba thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhiều thế hệ người Việt Nam (với ý nghĩa cộng đồng cư dân đa dân tộc) đã đổ biết bao công sức để dựng xây và bảo vệ vùng đất Nam Bộ. Mỗi tấc đất nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi và máu. Chính vì thế mà đối với mỗi người dân Việt Nam, Nam Bộ không đơn thuần chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà cao hơn thế, còn là vùng đất của những giá trị thiêng liêng.


[1] Bộ ngoại giao Campuchia: Sách đen. Phnom Penh, 1978
[2] Vann Molivann: Plan d’ urgence pour la réhabilitation des ressources culturelles, humaines et economiques des Sites d’Ankor, trong tập “Conservation of Cultural Heritage and International Assistance in Asian Countries”, Nara 1993, tr. 45.
[3] Lịch Đạo Nguyên: Thủy Kinh chú.
[4] Xem Lê Hương: Sử liệu Phù Nam, Sài Gòn 1974.
[5] ý kiến của các chuyên gia Ramesh, Raman (Ấn Độ) và N. Karashima (Nhật Bản).
[6] Tùy thư.
[7] Tân Đường thư.
[8] Lê Hương, sđd, tr. 93.
[9] Mã Đoan Lâm: Văn Hiến thông khảo
[10] Võ Sỹ Khải: Nghiên cứu văn hoá khảo cổ ốc Eo: mười năm nhìn lại, Khảo cổ học, số 4/1985.
[11] Chu Đạt Quan: Chân Lạp phong thổ kí (bản chữ Hán, mục Sơn xuyên)
[12] A. Dauphin Meunier: Le Cambodge, Paris 1965, tr.56.
[13] Raoul Marc Jennar, Les Frontières du Cambodge contemporain. INALCO, Paris 1998, tr. 89
[14] Dẫn theo Raoul Marc Jennar, sđd, tr. 97.

Sách dẫn
1. Bộ ngoại giao Campuchia: Sách đen.Phnom Penh, 1978
2. Christopho Borri: Xứ Đàng trong năm 1621, Hà Nội, 1998.
3. Cœdès G.: Deux inscriptions sanskrites du Fou-nan, BEFEO vol. XXXI, 1931.
4. Dauphin Meunier A.: Le Cambodge, Paris, 1965.
5. Lê Hương: Sử liệu Phù Nam, Sài Gòn, 1974
6. Hà Văn Tấn: Phù Nam và Óc Eo: ở đâu? Khi nào? và Ai? // Kỷ yếu Hội thảo khoa học Biên giới Tây Nam, ĐHQG HN, 1996.
7. Vũ Minh Giang: Quá trình xác lập chủ quyền lãnh thổ phía nam của Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo khoa học Biên giới Tây Nam, ĐHQG HN, 1996.
8. Malleret L.: L’Archeologie du Dellta du Mékong, BEFEO vol XL-IXI, Paris 1959 -1963.
9. Nguyễn Văn Hầu: Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long, chặng cuối cùng của cuộc Nam tiến, Sử Địa, 1970 số 19 - 20.
10. Raoul Marc Jennar: Les Frontières du Cambodge contemporain. INALCO, Paris 1998.
11.Vann Molivann: Plan d’urgence pour la réhabilitation des ressources culturelles, humaines et economiques des Sites d’Angkor // Conservation of Cultural Heritage and International Assistance in Asian Countries, Nara 1993.
12. Võ Sỹ Khải: Nghiên cứu văn hoá khảo cổ Óc Eo: mười năm nhìn lại, Khảo cổ học, số 4/1985.
===

65 nhận xét:

  1. Công Nông đối thoạilúc 13:01 15 tháng 7, 2014

    Về nguyên tắc của công pháp quốc tế, biên giới quốc gia đã được định hình trong những biến cố lịch sử từ khi nó được thế giới công nhận, không hồi tố. Đòi lại vùng đất mà cách đây hàng trăm năm đã được sát nhập vào quốc gia khác mà chủ yếu là do tổ tiên mình dâng hiến là không thể xem xét. Sam Rainsy chỉ lợi dụng vấn đề này để kích động tính dân tộc của người Khmer mà thôi.
    Vào sáng thứ Ba 8/7 khoảng 200 người tụ tập biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
    Thực chất đấy là việc các thế lực đối lập cực đoan ở Campuchia mà đại diện là phái Sam Rainsy phối hợp với truyền thông phương Tây, có sự bảo trợ của Trung Quốc đang kích động một nhóm sinh viên biểu tình để phản đối ông Trần Văn Thông Đại sứ Việt Nam tại đây vì đã giải thích: “Pháp vào Việt Nam năm 1858, năm 1863 vào Campuchia”. “Khi vào Đông Dương, Pháp không cắt đất Việt Nam cho Campuchia và cũng không cắt đất Campuchia cho Việt Nam. Cho tới khi nhân dân Đông Dương đấu tranh giành độc lập, khi rút khỏi Đông Dương Pháp cũng không cắt đất Campuchia cho Việt Nam”.
    Chúng yêu cầu “Ông Thông phải xin lỗi công khai về việc ông ta hiểu lầm về lịch sử Kampuchea Krom, mà nay là một phần của miền Nam Việt Nam.” Thực chất, ông Thông đã nói đúng.

    Để hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi xin lược lại lịch sử vùng đất Nam Bộ như sau:
    1. Vương quốc cổ Phù-Nam
    Vùng đất trù phú Nam Bộ của Việt nam ngày nay, từ khu vực Ðồng Nai đến Hà Tiên xưa thuộc Vương Quốc Phù Nam. Phù Nam là tên phiên âm tiếng Hán của từ Phnom có nghĩa là núi. Vương quốc Phù Nam là vương quốc đầu tiên hình thành tại Ðông Nam châu Á, tồn tại từ đầu thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên.
    Lịch sử quốc gia này được biết đến bắt đầu từ khoảng năm thứ nhất sau Công nguyên, tương đương với nhà Tây Hán Trung Hoa. Theo truyền thuyết thì một vị giáo sĩ anh hùng (Brahman) người Ấn Độ tên là Kaundinya được thần linh chỉ đường xuống thuyền xuôi về hướng đông. Sau một cuộc hành trình đầy gian truân, thuyền của Kaundinya đến được đất liền của đồng bằng sông Cửu Long. Bỗng từ đất liền xuất hiện một mỹ nhân trên chiếc thuyền nan bơi ra chặn thuyền của Kaundinya lại. Mỹ nữ này là Nữ Chúa Soma, con gái của vua Rắn Hổ mười đầu. Trận thư hùng diễn ra giữa anh hùng và giai nhân. Nhờ phép thuật thần thông nên Kaundinya thắng trận. Nữ chúa Soma cầu hòa. Sau đó không lâu hai người yêu rồi cưới nhau sinh ra một người con trai. Người con trai này trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc Phù-Nam lấy hiệu là Kampu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Công Nông đối thoạilúc 13:02 15 tháng 7, 2014

      Kinh đô trù phú của vương quốc được xây dựng tại thành Vyadhapura. Vào năm 245 sau Công nguyên nhà Hán Trung Hoa sai sứ giả là K’ang T’ai đi kinh lý vương quốc Phù Nam. Ông đã mô tả là vương quốc này đã biết cách luyện kim, kinh đô Vyadhapura có xây thành bằng gạch kiên cố chung quanh, có hệ thống kênh đào để thuyền bè có thể đi xuyên qua lãnh thổ..
      Trong vòng 300 năm sau ngày lập quốc, Phù Nam đã có một hạm đội chiến thuyền và quân lực hùng mạnh và đã chinh phục được hầu như toàn bộ những khu dân cư của vùng Mã Lai -Thái lan – Miên và nam Miến Ðiện để kiểm soát đường hàng hải của các thương thuyền giữa Trung Hoa và Ấn Ðộ.
      Những thần dân của Phù Nam xưa thuộc giống người thổ da đen Khmer, Môn-Khmer, Miến, và dân đa đảo Malay-indônêsiên. Ngôn ngữ sử dụng thuộc hệ Ấn độ pha trộn với nhiều sắc thái, thổ ngữ địa phương. Người nước Phù Nam theo đạo Bà La Môn và Phật giáo. Vương quốc Phù Nam đạt đến sự cực thịnh dưới triều vua Kaundinya Jajavarman (478-514).
      Vương quốc Phù Nam bị suy tàn bởi nội loạn và sự nổi dậy của dân tộc Khmer (một xứ phiên thuộc của Phù Nam), tràn sang từ vùng đất thuộc nước Lào bây giờ. Một yếu tố khác góp phần vào sự suy tàn của Phù Nam là nền kinh tế của quốc gia đã đi xuống từ sau những tiến bộ về kỹ thuật hàng hải. Thuyền buôn vào thời điểm này đã có thể đi xa bờ và ít có nhu cầu ghé lại Óc Eo trên đường đi qua Trung Quốc. Năm 539 vương quốc Phù Nam bị buộc phải triều cống cho người Khmer lúc đó là Vương quốc Chân Lạp. Ðến năm 627 Phù Nam bị người Khmer dưới quyền vua Chân Lạp là Bhavavarman xóa hẳn tên trên bản đồ. Những thần dân của Phù Nam bị sát nhập vào vương quốc Khmer. Hoàng gia của Phù Nam dùng đường biển tị nạn sang đảo Java của Nam Dương (Indonesia).
      Từ năm 550 trở về sau cho đến khi chúa Nguyễn bành trướng thế lực đến miền nam, người Khmer cai trị xứ này theo niên hiệu các vị vua Chân Lạp. Ngày nay, người Khmer nhìn nhận các vương triều Phù Nam là tổ tiên của dân tộc Khmer và là một phần của lịch sử Khmer. Người Khmer còn được chúng ta biết đến qua nhiều danh xưng Cao Miên, Chân Lạp, Cam bốt và Kampuchia.

      Xóa
    2. Công Nông đối thoạilúc 13:04 15 tháng 7, 2014

      2. Vương quốc Chân Lạp làm chủ khu vực miền nam Việt Nam (thế kỷ thứ 7- thế kỷ 17 sau Công Nguyên)
      Năm 600-611 có triều vua Mahendravarman tiếp theo là vua Isanavarman đóng đô tại Ankor Borey. Năm 750 vua Jayavaman I mở rộng lãnh thổ, xây thêm đền đài, cho khẩn hoang và trồng lúa cùng các loại hoa màu dọc bờ sông Cửu Long xuống tới miền Tây Việt Nam ngày nay.
      Khoảng năm 780 dòng Vương cũ của Phù Nam giờ thành Vương Triều Sailendra của đảo Java (Indonesia) trở nên hùng mạnh đã dùng binh lực chinh phục và buộc vương quốc Chân Lạp của người Khmer phải triều cống và lệ thuộc.
      Từ năm 800 đến 887 nước chân Lạp dưới sự lãnh đạo của vua Jayavaman II (802-887) và Jayavaman III (850-887) đã giành lại được độc lập từ dòng Sailendra của Java. Vương quốc Chân Lạp được đổi tên là Kampuchia. Trong thời này những thế lực phong kiến có khuynh hướng chia đế quốc Chân lạp thành Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp (Thủy Chân Lạp là vùng đồng bằng miền nam tức Phù Nam xưa). Năm 803 Puskarak lên ngôi Vương Thủy Chân Lạp, lấy hiệu là Jayavaman II rồi tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, vương triều của đảo quốc Java không ngừng dòm ngó vương quốc Kampuchia của Jayavaman II. Trong suốt 50 năm trị vì ông đã dời đô 5 lần vì chiến tranh với Java. Khi Jayavaman III qua đời không con nối dõi nên một người bà con họ mẹ đã lên ngôi xưng vương hiệu là Indravaman I (877-889).

      Xóa
    3. Công Nông đối thoạilúc 13:06 15 tháng 7, 2014

      Vua Indravaman I là một vị vua anh hùng, có tài thao lược và cũng yêu nghệ thuật văn thư. Trong đời ông đã có công thống nhất Lục Chân Lạp với Thủy Chân Lạp và xây dựng thêm nhiều thành phố lớn, khuyến khích nông nghiệp và thương mại. Indravaman I cũng khởi đầu nới rộng Ðế quốc Khmer (Kampuchia), thay đổi bản đồ chính trị trên bán đảo Ðông Dương bằng những võ công nổi bật. Con của Indravaman I nối sự nghiệp của cha xưng hiệu là Yaksovaman I (889-900).Yaksovaman I dời kinh đô từ Hari Hara Ley đến Yaso Tha Bura trên cao nguyên Bakheng. Chính vào thời điểm này, sự phú cường của Ðế quốc Kampuchia đã cho phép nhà vua khởi công nhiều công trình kiến trúc vĩ đại trong đó có Angkor Wat (Ðế Thiên Ðế Thích), đền đài Lo Ley, đền đài Phnom Bok. Angkor Wat đã là một công trình kiến trúc vĩ đại nhất của vùng Ðông Nam Châu Á. Những công trình này đa phần nhờ vào sức lực hàng vạn tù binh và nô lệ bắt được từ những trận chiến chinh phạt Xiêm và Lào. Suốt thế kỷ thứ 9 Ðế quốc Khmer-Chân Lạp có 6 triều vương đó là Hashavaman I (900-922), Isanavaman II (922-928), Jayavaman IV (928-941), Harshavaman II (941-944), Rajendravaman II (944-968), và Jayavaman V (968-1001).
      Sau cái chết của Jayavaman V năm 1001 toàn lãnh thổ Chân Lạp rơi vào cảnh đại loạn kéo dài 9 năm. Lãnh chúa Suryavaman I (1002-1050) đã đàn áp được những thế lực khác và thống nhất ngôi Vương tại Angkor Wat. Từ năm 1050 đến 1177 đế quốc Khmer tiếp tục bành trướng. Phía bắc giáp Trung Hoa, phía nam giáp biển Xiêm La (Thái Lan), phía tây giáp Miến Ðiện, phía đông giáp Chiêm Thành. Năm 1177 quân Chăm của Vương Quốc Chiêm Thành (Champa) xâm lăng và giết được vua Khmer là Tri-Bhuvanadit-yavarman khởi đầu cho quá trình suy tàn của đế quốc Khmer từ thế kỷ thứ 13.
      Sự suy yếu của Ðế quốc Khmer vào thế kỷ 13 tạo cơ hội cho người Thái (Xiêm) nổi dậy giành độc lập. Danh xưng “Thái” có nghĩa là “tự do” không còn nô lệ nữa. Quân đội người Thái đã tấn công đế đô Angkor (trong khoảng thời gian 1431-1432) và tàn sát hàng mấy vạn người để trả thù sự tàn bạo hà khắc mà người Khmer đã áp đặt lên họ trước kia. Sự tàn sát đã khủng khiếp đến độ không còn ai sống sót để nhớ lại nơi chốn này. Ðế đô Angkor đã bị quên lãng bởi chính người Khmer trong suốt 500 năm mãi đến thế kỷ 19, ông Henri Mouhot, người Pháp, trong lúc đi thám hiểm rừng sâu mới tìm lại phế tích Angkor Wat năm 1860.
      Năm 1401 vua Chân Lạp Ponhea Yat dời đô về Phnom Penh (Nam Vang) đánh dấu một triều đại mới, chấm dứt kỷ nguyên Angkor. Chữ Phạn Ấn độ cổ Sanscrit không còn được sử dụng nữa. Lối chữ mới theo thể Pali giống Mã Lai được thay vào. Toàn thể những dòng dõi vương tôn, quí tộc cũ theo văn hoá Ấn Ðộ biết đọc, viết chữ Sanscrit đã bị người Thái tận diệt. Năm 1528 vua Ong Chân I lại phải dời đô về Lovek (La Bích). Ðến năm 1593 quân Xiêm lại tấn công La Bích. Từ đó người Thái nắm quyền phế lập các vua chúa Khmer.

      Xóa
    4. Công Nông đối thoạilúc 13:07 15 tháng 7, 2014

      3. Vị thế Chúa Nguyễn và thế lực của người Việt tại Thủy Chân Lạp (thế kỷ 17-18 sau Công Nguyên)
      Một biến cố chính trị tại phương đông, miền cực nam nước Ðại Việt đã làm thay đổi tình thế lúc đó là sự xuất hiện của chúa Nguyễn Hoàng, truyền nhân của Nguyễn Bặc, Nguyễn Trãi và Nguyễn Kim. Chính sách Nam Tiến của các chúa Nguyễn sau đó nhằm để chống lại thế lực của chúa Trịnh ở Thăng Long tạo nên áp lực to lớn cho hai quốc gia lân bang là Champa và Chân Lạp. Trong khoảng thời gian từ năm 1611-1653 vương quốc Champa đã bị dồn nén bởi thế lực của chúa Nguyễn nên co cụm lại một vùng nhỏ từ Nha Trang đến Phan Thiết.
      Sau một thời gian ở Xiêm làm con tin, Chey Chetta II về Chân Lạp lên ngôi vương năm 1618. Tân vương cải cách mọi việc và mang lòng không phục người Xiêm. Chey Chetta II dời đô về Oudong (Long Úc), thuộc tỉnh Kompong Luông. Tân vương tổ chức quân đội có thực lực. Mấy năm liền không thấy Chân Lạp dâng phẩm vật triều cống, Xiêm vương mang quân tấn công vào Chân Lạp hai lần đều bị quân của Chey Chetta II đẩy lui. Tuy nhiên về lâu về dài Chân Lạp sẽ không thể đương đầu với quân Xiêm. Chey Chetta II quyết định nhờ vào thế lực của chúa Nguyễn Ðàng Trong, lúc đó là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635).
      Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã quyết định gả Hoàng Nữ Ngọc Vạn cho vua Cao Miên năm 1620. Chúa còn hai Hoàng nữ khác là Ngọc Khoa gả cho vua Chiêm Pô Romê và Hoàng nữ Ngọc Hoa lại gả cho một thân vương người Nhật. Hoàng nữ Ngọc Vạn được tấn phong Hoàng Hậu với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac.
      Dưới sự bảo trợ của Hoàng hậu Ngọc Vạn, lưu dân người Việt từ Ðàng Trong ồ ạt theo đường biển vào lập nghiệp tại vùng Thủy Chân Lạp. Họ làm nghề nông, buôn bán, tiểu công nghiệp, đánh cá, thợ rèn v.v.. chỉ 3 năm sau, tức năm 1623 lưu dân Việt định cư tại Thủy Chân Lạp lên đến 20,000 người. Sãi vương liền viết thư cho con rể xin mượn vùng đất tại Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé) để tiện việc thu thuế người Việt tại đây. Vua Cao Miên chấp thuận.
      Sau khi quốc vương Cao Miên băng hà chỉ sau 5 năm lấy vợ Việt, toàn vùng Bà Rịa giáp giới Chiêm Thành, Kâmpéâp Srekatrey (Biên Hòa), Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé) đều thuộc quyền người Việt cai trị và thu thuế.
      Từ sau khi vua Chey Chetta II băng hà các hoàng tử con của các bà phi người Chân Lạp liên tiếp lên làm vua: Ponhea To (1629-1630), Ponhea Nu (1630-1640). Sau cái chết mờ ám của vua Ponhea Nu năm 1640 quan phụ chính Prah Outey (là hoàng thúc của vua) đưa con mình là Ang Non I (1640-1642) lên ngôi. Vào năm 1642 một người con của vua Chey Chetta II liên hiệp với người Mã Lai nổi dậy giết toàn gia hoàng thúc Prah Outey để lên ngôi xưng hiệu Ponhea Chan I (1642-1659). Sử Việt gọi vị vua này là Nặc Ông Chân. Các hoàng thân thuộc phe cánh Ang Non I vào cung bà Hoàng Thái Hậu Ngọc Vạn xin cầu viện chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Chúa Hiền nhân cơ hội có lời yêu cầu nên hưng binh chinh phạt Chân Lạp vào tháng 10 năm 1658. Quân Chân Lạp thua to tại ngoài khơi Bà Rịa và trận Gò Bích. Chúa Hiền đưa Hoàng tử So con trai bà Thái hậu Ngọc Vạn lên ngôi vua lấy hiệu là Batom Réachea (1658-1672). Vào thời điểm này triều đình Chân Lạp đã hợp thức hóa chủ quyền của nhà Nguyễn tại Ðồng Nai.
      Năm 1672 vua Batom Réachea bị ám sát. Con trai là Ang Chey tức Nặc Ông Ðài lên nối ngôi. Tân vương dựa thế lực người Xiêm mang quân lấn ép vùng Ðồng Nai. Lưu dân người Việt kêu cứu triều đình chúa Nguyễn. Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sai các tướng Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Diên Thái và Văn Sùng mang quân tới tận Oudong hỏi tội Nặc Ông Ðài rồi đưa Ang Saur tức Nặc Ông Thu hiệu Chey Chetta IV, em của Nặc Ông Ðài lên ngôi Chính Vương ở Oudong Lục Chân Lạp. Chúa Hiền lại đồng thời cho Ang Non tức Nặc Ông Nộn con trai thứ của bà Ngọc Vạn và vua Chey Chetta II làm Thứ Vương vùng Ðồng Nai – Mô Xoài. Vua Nặc Ông Nộn đóng đô tại Sài Gòn tức Prey Nokor. Lúc đó là năm 1674. Cả hai vị vua Chân Lạp đều phải triều cống xưng thần với chúa Nguyễn tại Kim Long. Vua Nặc Ông Nộn ở Sài Gòn đến khi chết năm 1691 thì toàn quyền cai trị tại đây thuộc về chúa Nguyễn.

      Xóa
    5. Công Nông đối thoạilúc 13:10 15 tháng 7, 2014

      4. Các di thần nhà Minh với vùng đất Biên Hòa, Mĩ Tho Thủy Chân Lạp..
      Vào năm 1679 tức năm Khang Hy thứ 18 nhà Ðại Thanh, cựu thần của nhà Minh vì kháng cự lại quân Thanh đến xin hàng phục nhà Nguyễn. Bọn di thần nhà Minh gồm có Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Ðịch, Phó tướng Hoàng Tiến, và Tổng Binh các phủ Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình mang 3000 binh lính thủ hạ và gia quyến trên 50 chiến thuyền đến cửa Tư Dung và Ðà Nẵng xin được làm thần dân của chúa Nguyễn. Chúa Hiền chấp thuận cho giữ nguyên binh hàm chức tước rồi truyền cho vua Cao Miên cho phép người Minh vào định cư xứ Ðồng Nai và sau đó đến Cần Thơ. Nhờ đợt di cư này mà ảnh hưởng của nhà Nguyễn tại đất Thủy Chân Lạp ngày càng lớn. Các tướng nhà Minh giờ làm quan cho triều đình nhà Nguyễn. Họ cũng góp phần xông pha trận mạc mở rộng lãnh thổ cho nhà Nguyễn, nổi bật là Thống Binh Trần Ðại Ðịnh con của Trần Thượng Xuyên triều chúa Ninh Vương. Người Minh vốn cùng văn hóa với người Việt nên hợp nhau khai hoang khẩn đất, lập chợ, xây dựng phố phường, buôn bán tấp nập. Những nơi như Gia Ðịnh, Biên Hòa, Thủ Ðức, Cần Thơ không mấy chốc trở nên sầm uất. Triều đình nhà Nguyễn lại được dịp có thêm dân, thêm đất và thêm thuế thu nhập.
      Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần băng hà năm 1687 ở ngôi 39 năm, Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái (còn gọi là Trăn) lên thay (1687-1691). Nghĩa Vương dời đô về Phú Xuân (Huế). Trong thời gian chúa mới lên ngôi có một di thần nhà Minh là Hoàng Tiến giết chủ tướng là Dương Ngạn Ðịch ở Mỹ Tho rồi tự xưng là Phấn Dũng Hổ Oai Tướng Quân thống lĩnh quân sĩ Long Môn người Minh đóng đồn ở Ðịnh Tường. Hoàng Tiến thả quân qua Cao Miên cướp của giết người. Vua Cao Miên là Nặc Ông Thu bất bình vì việc làm sai quấy này và ngờ là chủ ý của Thiên Vương nhà Nguyễn. Vua Nặc Ông Thu quyết định bỏ triều cống và chuẩn bị binh lính chống lại triều đình nhà Nguyễn.
      Tháng Giêng năm 1690 Chúa Nghĩa sai lão tướng là Vạn Long mang quân đến Rạch Gầm dàn trận. Vạn Long dùng kế bắt được Hoàng Tiến rồi xua quân qua Cao Miên đánh thốc tới Nam Vang và Long Úc (thành Oudong). Vua Cao Miên cả sợ dâng 30 thớt voi, 150 lạng vàng, 600 lạng bạc, 6 con tê giác để xin hòa và giữ lệ triều cống như xưa. Quan quân nhà Nguyễn rút về Phú Xuân tháng 8 năm đó. Chúa Nghĩa không thọ lâu, ngài băng hà năm 1691 thọ 43 tuổi.
      Năm 1698 chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đi đánh Cao Miên và kinh lược mấy tỉnh miền nam. Lễ Thành Hầu chia cắt giới phận, canh cải địa điền, kiểm kê nhân khẩu, lập sổ đinh điền cho có nề nếp. Lúc đó toàn miền nam có dân số 40,000 gia đình (hộ) đất đai mở ra 1000 dặm.

      Xóa
    6. Công Nông đối thoạilúc 13:11 15 tháng 7, 2014

      5. Mạc Cửu với vùng đất Hà Tiên
      Năm 1671 có người Minh tên là Mạc Cửu quê ở Lôi Châu, Quảng Ðông (Trung Quốc) mang gia quyến binh lính 400 người và 10 chiếc thuyền di cư sang Thủy Chân Lạp đổ bộ lên bờ biển Panthaimas vịnh Thái Lan. Mạc Cửu đến Oudong xin yết kiến vua Nặc Ông Thu và ở lại hợp tác giữ chức Óc Nha cho đến năm 1681. Lúc ấy thấy chính sự Chân Lạp rối ren, ông xin vua Chân Lạp cho đi khai khẩn vùng đất hoang Panthaimas. Vua thuận cho. Mặc Cửu chiêu tập đám cướp biển lại mở sòng bạc, chiêu mộ dân phiêu bạt chạy trốn nhà Thanh về lập nên 7 xã là: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Konpong Som), Sài mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Hà Tiên tức Căn Khẩu. Mạc Cửu đặt tên vùng đất của mình là ‘Căn Khẩu Quốc’. Lãnh địa này thuộc Chân Lạp nhưng vua Chân Lạp không đủ sức cai quản nên được qui chế tự trị. Không bao lâu Căn Khẩu Quốc của Mạc Cửu trở nên giàu có, người đi vào buôn bán, cờ bạc, đổi chác tấp nập.
      Thấy kinh tế vùng Căn Khẩu nổi lên như sóng vua Xiêm chuẩn bị thôn tính vùng đất này. Năm 1678 quân Xiêm tràn sang cướp phá bắt Mạc Cửu và gia quyến về Muang Galapuri (Vạn Tuế Sơn). Hai năm sau nhân lúc nước Xiêm có loạn ông mang quyến thuộc trốn về lại Căn Khẩu. Ông lại bắt tay khôi phục lại Căn Khẩu. Mạc Cửu nhiều lần xin triều đình Chân Lạp cứu nhưng Vương triều Chân Lạp lúc đó quá yếu, tự giữ mình còn không xong nên từ chối không thể giúp gì cho họ Mạc. Năm 1711 Mạc Cửu cùng tùy tùng là Trương Cầu, Lý Xá mang vàng lụa đến gỏ cửa Khuyết ở Huế xin thần phục chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Mạc Cửu được giữ chức Tổng Binh toàn quyền cai trị xứ Căn Khẩu mà không phải nộp thuế cho triều đình. Nghe được tin này vua Xiêm cho 20,000 quân tấn công Căn Khẩu quốc, một thuộc địa mới của nhà Nguyễn. Mạc Cửu thua chạy về Gia Ðịnh xin triều đình Huế cứu giúp. Quân Triều Nguyễn đánh đuổi người Xiêm đi và trả lại toàn vẹn đất đai cho Mạc Cửu cai trị nhưng đổi tên Căn Khẩu thành Hà Tiên Trấn với mục đích lưu lại dấu ấn của triều đình họ Nguyễn.
      Mùa hạ năm 1735 Mạc Cửu chết, hưởng thọ 81 tuổi. Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ (có sử ghi là Trú:1725-1739) phong ông làm Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Ðại Tướng Quân, tước Cửu Lộc Hầu. Ðến đời Minh mạng được phong làm Thần hiệu là Thọ Công Thuận Mỹ Trung Ðẳng Thần. Năm 1738 chúa Nguyễn Phúc Thụ ban cho dòng họ Mạc ‘Thất Diệp Phiên Hàn’ (bảy chữ quí tộc) nối đời vinh hiển là: Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Con trai Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ lên nối quyền cai trị Hà Tiên. Con của Tứ là Mạc Công Du, Con của Du là Mạc Hầu Lâm, con của Lâm là Mạc Bá Bình, con của Bình là Mạc Tử Khâm, con của Khâm là Mạc Nam Lan. Bà Nam Lan tuyệt tự hết người thừa kế nhưng cũng vừa tròn bảy chữ vua ban.

      Xóa
    7. Công Nông đối thoạilúc 13:12 15 tháng 7, 2014

      6. Vùng đất Méso – Longhor tức Mỹ Tho, Vĩnh Long
      Năm 1731 quân Chân Lạp đánh Gia Ðịnh. Ninh Vương sai Tướng Trương Phước Vĩnh và Cai Cơ Ðạt Thành cùng tướng quân Trần Ðại Ðịnh (con của Trần Thượng Xuyên người Minh) đem quân ra chống đỡ. Cai Cơ Ðạt Thành bị quân Cao Miên giết ở Bến Lức. Trần Ðại Ðịnh mang quân bản bộ Long Môn đắp đồn Cây Mai ở Sài gòn để cầm cự. Cai đội Nguyễn Cửu Triêm đem quân cứu ứng đến Bến Lức, quân Miên lại rút về Tân An. Tháng 4 năm 1731 Trần Ðại Ðịnh đánh vào Lovek (La Bích). Cha con quốc vương Chân Lạp là Nặc Yêm (Ang Em) và Nặc Tha (Satha II) thua trận xin nhường đất Mésa (Mỹ Tho) và Longhor (Dinh Long Hồ tức Vĩnh Long bây giờ) để cầu hòa. Chúa Nguyễn sai đo đạc, đặt thành Châu Ðịnh Viễn và dinh Long Hồ.

      7. Mạc Thiên Tứ nới rộng thêm lãnh thổ cho Nguyễn Vương Ðàng Trong.
      Mạc Thiên Tứ cai trị trấn Hà Tiên rất thịnh vượng. Tứ mở văn đàn làm thơ, phổ nhạc, vịnh phú, lập Chiêu Anh Các để chiêu nạp nhân tài. Về võ công Tứ cũng lẫy lừng không kém. Năm 1739 Tứ dẹp tan một trận tấn công của vua Cao Miên. Năm 1747 Tứ dẹp yên bọn cướp biển ở Long Xuyên. Năm 1753 vua Cao Miên là Nặc Ông Nguyên (Ang Snguôn) hà hiếp người Chăm từ Chiêm Thành tị nạn Việt Nam qua Cao Miên đồng thời thông mưu với chúa Trịnh ngoài Bắc để đánh úp chúa Nguyễn đòi lại đất đai đã mất. Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) sai Nguyễn Cư Trinh hưng binh đánh Cao Miên mùa hạ năm 1754. Binh triều đi tới sông Vàm Cỏ thì quân địch cả sợ ra hàng. Nặc Nguyên chạy ra Vĩnh Long. Ở vùng Vàm cỏ Nguyễn Cư Trinh chiêu dụ người Chăm tị nạn bây giờ không nơi nương tựa có tới 10,000 người và hộ tống họ đi về Ðồng Tháp Mười (Tà Vô Ân). Ở đây phục binh của vua Cao Miên ùa ra đánh giết người Chăm chết mất 5000 người. Quân tiếp ứng của ông Thiện Chính đến không kịp để cứu. Về sau Vũ Vương gián ông Thiện xuống làm Cai Ðội. Nguyễn Cư Trinh cứu được 5000 người Chăm cho về định cư ở núi Bà Ðen, Châu Ðốc. Nguyễn Cư Trinh lại tuyển người Chăm khoẻ mạnh đưa cho khí giới thúc họ đi tiên phong đánh quân Cao Miên. Quân triều đi sau ủng hộ. Thanh thế to lớn nên vua Cao Miên bỏ chạy xuống Hà Tiên nhờ Thiên Tứ cứu mạng. Vua Cao Miên nhờ Tứ xin với Võ Vương cho dâng hai phủ Tầm Bôn (Gò Công) và Lôi Lập (Tân An) để chuộc tội. Chúa Nguyễn thuận cho và truyền cho nhập vào châu Ðịnh Viễn. Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho vua Cao Miên Nặc Ông Nguyên về nước. Vua Cao Miên là Nặc Ông Nguyên băng hà năm 1758. Dòng họ vua Cao Miên tranh nhau làm vua. Mạc Thiên Tứ giúp cho Nặc Ông Tôn lên làm vua nên được tặng Tầm Phong Lâm (Meat Chruk) tức Châu Ðốc và Sa Ðéc. Nội chiến ở Cao Miên vẫn không dứt. Các vua Cao Miên lại sang triều Nguyễn dâng đất cầu cứu. Thế là Nặc Ông Thuận (Thommo Réchea) hiến Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nặc Ông Tôn (Ang Tong) hiến hết đất từ núi Thất Sơn, Sa Ðéc, Kiên Giang và Long Xuyên về sau đều thuộc chủ quyền chúa Nguyễn.
      Từ đây chấm dứt cuộc nam tiến của dân tộc Việt nam.
      Và như vậy vùng đất Nam Bộ đã thuộc về Việt Nam trước khi người Pháp xâm lược Đông Dương, nó không như luận điệu dối trá của các thế lực Samrensi tuyên truyền.
      Về nguyên tắc của công pháp quốc tế, biên giới quốc gia đã được định hình trong những biến cố lịch sử từ khi nó được thế giới công nhận, không hồi tố. Đòi lại vùng đất mà cách đây hàng trăm năm đã được sát nhập vào quốc gia khác mà chủ yếu là do tổ tiên mình dâng hiến là không thể xem xét. Sam Rainsy chỉ lợi dụng vấn đề này để kích động tính dân tộc của người Khmer mà thôi.

      Xóa
  2. VỤ CAMPOT BIỂU TÌNH ĐÒI ĐẤT VÀ BÀI HỌC NĂM 1979

    Phe đối lập ở Campuchia từ mấy năm nay công khai các luận điệu chống lại Việt Nam và tỏ ra cuồng Trung Quốc, chính sách đối ngoại này dễ dàng đưa ta tới một sự liên tưởng về Ponpot.

    Phe này chưa thắng cử được, nguyên nhân dễ hiểu nhất là đại đa số người dân Campuchia không tin tưởng họ, (nhân đây cũng nhắn các bạn Việt Nam, chửi ai thì chửi đúng người đúng tội, đừng vơ toàn bộ người Cam vào chửi), thứ nữa cũng phải kể đến sự vững mạnh của đảng cầm quyền hiện tại có quan điểm đối ngoại ôn hòa với Việt Nam xuyên suốt từ những năm 80.

    Ở Việt Nam, phe này (tức phe đối lập) và nhất là thủ lĩnh Sam Rainsy nhận được sự "ủng hộ tinh thần" và tưởng thưởng của không ít "anh chị em rân chủ". Nhật ký yêu nước Mỹ không dưới hai lần đăng bài tán dương, các "bô lão dân chủ" cũng tỏ ra hứng thú và công khai niềm đam mê bất tận với Sam Rainsy.

    Trong bối cảnh mà Trung Quốc hết kéo giàn khoan này lại kéo giàn khoan khác, hết hung hăng rồi lại giàn cảnh vấy tội cho người, hết làm sóng nổi biển động lại quấy đục trên Biển Đông.

    Thì, chúng ta không thể không nghĩ đến bài học năm 1979 được, năm đấy Trung Quốc âm mưu với 3 chính sách chính:

    1: Dùng người Campuchia quẩy rối biên giới Tây Nam
    2: Gia tăng xung đột áp lực lên biên giới phía Bắc
    3: Dùng những lực lượng tại chỗ ngay trong nước, kích động bất mãn, gây nghi ngờ chia rẽ trong XH hiện nay để làm yếu nhà nước, làm yếu quân đội.
    từ đó ép VN trong tư thế lưỡng đầu thọ địch.

    Hiện tại không khác là mấy nếu đem Sam Rainsy thay cho Ponpot, Biển Đông thay cho Biên Giới phía Bắc.

    Trong chiến tranh với VN năm 79 Tướng Diệp Kiếm Anh của QGPNDTQ lúc đó vốn đang tranh giành quyền lực và có nhiều bất bình, bất đồng chính kiến với Đặng Tiểu Bình và chính sách cải cách, đã nói:

    "Diệu võ dương oai đánh Việt Nam thì được gì? Không khác gì Gia Cát Lượng Bắc phạt Tư Mã Ý, đánh vào nơi nào và làm sao đánh thắng được? Chúng ta không thể đánh thắng một đội quân lưu động trong nhà của họ. Mỹ muốn báo thù Việt Nam bằng máu Trung Quốc. Không được dùng máu của người Trung Quốc để phục hận cho người Mỹ."

    Thực tế chứng minh nhận định của Diệp Kiếm Anh là đúng, khi Trung Quốc thua ở cả hai mặt trận, thua quân chủ lực Việt Nam ở Campuchia, thua quân du kích Việt Nam ở biên giới phía Bắc.

    Trong tình thế hiện tại, bài học 1979 là rất đáng tham khảo.

    Trả lờiXóa
  3. Sam Raisy chỉ có 1 điểm giống Pôn Pốt, đó là "lòng căm thù cao độ" đối với Việt Nam, còn lại mọi thứ đều khác, mà cái khác cơ bản là Sam Raisy không có chủ trương diệt chủng đối với dân tộc mình, do đó sức hút của Sam Raisy đối với dân tộc Campuchia ngày càng tăng và tăng khá nhanh, uy tín của Sam Raisy trên trường quốc tế cũng không ngừng được nâng cao, bằng chứng là mấy lần Hun Xen đã kết tội được Sam Raisy tù giam nhưng Sam Raisy chưa một ngày nào phải ăn cơm tù, trong khi Hun Xen phải "tự nguyện" ân xá cho kẻ thù về tranh cử với chính mình !

    Trong đợt bầu cử Quốc hội K năm ngoái, Đảng đối lập của Sam Raisy chiếm được tới 55 ghế, so với 68 ghế của Đảng cầm quyền Hun Xen thì đã xuýt xoát. Và, sau khi có kết quả bầu cử, nhân dân K đã xuống đường biểu tình phản đối vì cho rằng Đảng của Hun Xen gian lận, theo họ con số chính xác là Đảng Sam Raisy chiếm được 63 ghế trong khi Đảng Hun Xen chỉ được có 60 ghế, số người biểu tình lên tới con số 20.000, dầy đặc Thủ đô Phnôm Pênh, may mắn là ôn hòa chứ nếu bạo động thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Sam Raisy cuồng Trung Quốc thì có lẻ không cần phải bàn thêm, nhưng Hun Xen diễn biến gần đây cho thấy cũng đã cuồng Trung quốc nhưng Hun Xen vẫn còn một chút tình cảm với Việt Nam, người đã hy sinh "núi xương sông máu" của hàng triệu thanh niên để đổi lấy cái ghế Thủ tướng đầy quyền lực ở K cho Xăm đéc Hun Xen an tọa đã ngót ngét gần 30 năm qua, nhưng đồng thời, cũng đồng nghĩa với từng ấy thời gian biên giới Tây Nam của Việt Nam ta được yên bình. Với kết quả bầu cử như năm rồi thì chuyện nhiệm kỳ tới Hun Xen phải "trèo xuống" để Sam Raisy "trèo lên" không phải là không có khả năng.

    Tất cả những tình tiết vừa nói đã cho thấy nguy cơ Sam Raisy, một kẻ cuồng Trung cộng và không một chút cảm tình với Việt Nam ngày càng rõ dần (tuy gần đây, để lấy phiếu bầu, xóa bớt hình ảnh điên cuồng "bài Juôn " Sam Raisy đã tuyên bố sẽ cấp quốc tịch cho người Việt làm ăn sinh sống ở K nếu Đảng ông ta lên cầm quyền !), hiện thực dần chứ không phải chỉ mới ở mức "liên tưởng về Pôn Pốt". Việt Nam cần phải có kế sách đối phó thích hợp ngay từ bây giờ, đừng để "bất ngờ" như cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam trong quá khứ mà tới nay vẫn còn tranh cãi chí chóe về hai chữ "bất ngờ" này.
    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bố của " từ bo" là đây! (ST). Không tin tự liên hệ.
      "Năm 1994, ông bị cách chức khỏi vị trí bộ trưởng tài chính đồng thời bị khai trừ khỏi đảng Funcinpec và đại biểu quốc hội vào năm 1995. Sau sự kiện này ông đã ra thành lập đảng Sam Rainsy mang tên mình, hiện nay là một trong ba chính đảng lớn nhất ở Campuchia.

      Năm 2005, ông rời khỏi đất nước sau khi mất quyền miễn tố của đại biểu quốc hội. Năm 2006, ông trở về sau khi được Quốc vương Norodom Sihamoni miễn xá.

      Ngày 25 tháng 10 năm 2011, ông tới khu vực đang phân giới cắm mốc giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia, nhổ sáu cọc dấu tạm thời mang về Phnom Penh. Chính phủ Việt Nam đã lên án hành động này của Sam Rainsy và gọi nó là "phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia". Việt Nam cũng nói các phát biểu "vu cáo Việt Nam" của ông Sam Rainsy là nhằm mục đích phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia; và yêu cầu chính phủ Campuchia có biện pháp "xử lý thích đáng" đối với ông. Sau đó, chính quyền huyện Chantrea (tỉnh Svay Rieng) của Campuchia đã kiện ông ra tòa. Sau đó, ông bị xử tù 11 năm về tội tuyên truyền thông tin sai lạc và phá hoại tài sản quốc gia, giả mạo, phát hành tài liệu và bản đồ sai trái nhằm cản trở công tác phân giới cắm mốc của Campuchia. Rainsy sống lưu vong tại Pháp để trốn tránh bản án. Đến tháng 7/2013 ông được Hoàng gia Campuchia ân xá và trở về nước."

      Xóa
    2. EN ông nội của "từ bo".

      " Nhiều chuyên gia quốc tế về Đông Nam Á cho rằng, kẻ đứng đằng sau Sam Rainsy, gây bất ổn ở Campuchia và quấy rối Việt Nam là một cường quốc của sự tham lam, nổi tiếng thực dụng và rất giỏi trong việc đe dọa, mua chuộc chính khách của các quốc gia láng giềng. Không khó để nhận ra điều này khi Sam Rainsy liên tục bốc thơm một cách vô sỉ ai đó thông qua những tuyên bố của mình.

      Hẳn nhiên là như thế, nếu không có chỗ dựa đó, liệu Sam Rainsy có thể bốc hỏa đến mức tâm thần như thế không? Kẻ giật dây con rối dù có cố lén lút lẩn khuất, nhưng sẽ có ngày bị bóc mẽ".

      Xóa
  4. Lịch sử đọc mỏi cả mắt nhưng cuối cùng thì cũng chỉ loanh quanh, lởn vởn trong một vài vấn đề. Chiến tranh, thôn tính của những vị "vua". Có lẽ những ông vua thường họ được sinh ra để thay đổi lịch sử, đi kèm theo là sự chết tróc, chém giết, thôn tính lẫn nhau. Xã hội nào giành được chiến thắng người ta sẽ tung hô vị vua của mình thành những vị thánh sống. Đơn giản là họ cảm thấy cái lợi ích của họ được đảm bảo và tốt hơn. Tôi nhớ thời tam quốc diễn nghĩa một số ông vua thường ban cho những vị tướng giỏi của mình một vài cô gái đẹp. Để lấy lòng và chia sẻ một chút ít lợi ích của mình cho kẻ bề tôi, để đổi lấy là sự trung thành và cống hiến xả thân cho họ. Cuối cùng thì sự thật là họ chiến đấu vì cái gì một vài vị sẽ hiểu ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lích sử của bạn chắc là lịch sử trong sách giáo khoa, lịch sử là vấn đề cực rộng, những gì có trong SGK chỉ để học sinh nắm được các thành phần cơ bản mà thôi; văn học có lịch sử, khảo cổ có lịch sử, khoa học - kĩ thuật cũng có lịch sử, đến cả cái bát, chén cơm, đôi đũa, ngòi bút cũng có lịch sử... cái bạn nói chiến tranh, thôn tính của những vị vua đó nó chỉ nằm ở cấp độ sơ đẳng của lịch sử, ở trong phần lịch sử các thể chế xã hội mà thôi, lấy 1 phần lịch sử để quy chụp cho toàn bộ cả quá trình phát triển là thiếu hiểu biết, thiên kiến... dễ dẫn đến những sơ đoán, phỏng đoán mang tính tiêu cực như của bạn vậy.

      Xóa
  5. Chúng ta đều mong muốn ngài Hun xen cầm quyền lâu thêm nữa.Nhưng phải thừa nhận cá nhân và đảng của ông đang dần k còn chiếm ưu thế như ngày xưa.Rất có thể trong tương lai gần CPC là con bài mà TQ dùng cn dân tộc để chơi khó ta,là 1 hiểm họa mà ta phải đề phòng.Tôi thấy buồn khi ở chính trang mạng này có nhiều kẻ ngu xuẩn đến độ công khai hồ hởi ủng hộ Nga chiếm K R,ủng hộ phong trào ly khai tại UK.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bỏ mặt ra đi tư" bói bù"!
      'Tự hào về nguồn gốc Trung Quốc
      Một tờ báo Campuchia đã miêu tả chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia Sam Rainsy “là một chính trị gia xảo quyệt, vô tổ chức, cơ hội, ích kỉ, ngu ngốc và vô trách nhiệm, một lãnh đạo đối lập tự phong và phải bị truy tố đầy đủ trước pháp luật”.

      "Một trong những thủ đoạn mà Rainsy sử dụng để vận động sự ủng hộ cử tri, kích động mâu thuẫn là tuyên truyền vu cáo Việt Nam chiếm đất, xâm lược Campuchia, hứa hẹn sẽ đòi chủ quyền đảo Phú Quốc của Việt Nam nếu thắng cử, dù rằng ông ta hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để thực hiện điều đó.'

      Xóa
    2. Thằng "bói mù" này giỏi thật từ CPC nhảy sang UK như không có gì, đéo hiểu có liên quan gì ở đây không nữa @.@

      Xóa
    3. Tại mày uống vốt-ka nhiều quá nên ngu không hiểu đó thằng Nặc 0208

      Xóa
  6. Ông Sam Raisy - hậu duệ Polpot có cách bầu cử rất hay, rủ rê dân Căm thịt dân Việt, bầu cử thua (có sự giám sát quốc tế hẳn hoi) thì biểu tình vì "hình như" có gian lận. "Nét đẹp dân chủ" hủ lậu này khá tương đồng với "mồm loa mép giải" của dân chủ Việt, biểu tình của "dân chủ thua" ở Thailand.

    Nhắc đến chiến tranh Tây nam chắc cũng đụng chạm một số vị núp lùm, hèn nhát, cắm mặt vào bãi shit của Polpot ngụy trang khi cầm súng bảo vệ dân Việt. Chắc là lúc đó "bất ngờ" nên "chót hèn". Nghĩ cũng tội.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đâu đã bằng "râm chủ thần thánh", thực lực tỷ đô, giết người không dao, bắn người không cần súng, treo cổ không cần dây, thủ dâm không cần gái... nét đẹp râm chủ hủ lậu này khá tương đồng với gay, les; đặc biệt như biểu tình đòi quyền cởi trần của phụ nữ, blah...blah...blah...

      Nhắc đến chiến tranh, lại nhớ tới khi đó là những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, chỉ vừa sau khi đá đít lũ vong nô chưa lâu; hẳn bên đó thấy tổ quốc bị xâm phạm nhưng "cộng sản" khó khăn lên, khó khăn xuống, lòng chúng hẳn phải hả hê từ tủy sống lên tận óc não ấy chứ. Mà cũng có khi lúc đó "vui như chó về nhà với chủ" nên "lè lưỡi cười không ngớt", nghĩ cũng buồn cười.

      Xóa
  7. bọn cộng sản bon pốt giết người như nghoé ,sao cái bọn công sản bon pốt nó khát máu thế nhỉ ,dúng là cọng sản ,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã đến mức này rồi ư Cường vĩnh phúc? Đến tên mình cũng còn nhầm lẫn, nặng quá..nặng quá!

      Xóa
    2. đúng là con súc vât ' boong ' này dã quên hết tổ chức của mình rùi ,hi hi .thằng súc vật boong này lú rồi ,,

      Xóa
    3. Lại cái loại bợ đít "cs", đi đâu cũng thấy tôn thờ đít "cs", đúng là giống rận chủ sống bẩn quen hơi không thể thay đổi môi trường khác cho dễ thở mà sống tốt được.

      Xóa
  8. Cả Sam Raisy lẩn Hun Xen hiện có cùng 1 người đứng sau, người đó từ thời điểm này trở đi dĩ nhiên không hài lòng đối với Hun Xen bằng với Sam Raisy, bởi Hun Xen dù sao cũng còn chút ân tình với Việt Nam, người đã mang tới cho ông ta tột đỉnh quyền lực ở đất nước chùa Tháp ngót 30 năm đằng đẵng. Như vậy, dưới "cây gậy và củ cà rốt" của ông chủ này, nhiệm kỳ tới, vở tuồng ở K phải theo kịch bản như ý muốn của chủ nhân ông là chuyện tất yếu phải xảy ra. Năm 1979 Việt Nam có Hiệp định hợp tác an ninh với Liên xô và có sự ủng hộ của 2/3 phe XHCN nên không ngần ngại đưa quân qua K để làm 1 công đôi việc là vừa bảo vệ an ninh quốc phòng cho mình, vừa được tiếng giúp bạn thoát nạn diệt chủng, mặc kệ dư luận thế giới, kể cả của một vài nước XHCN "anh em" rằng Việt Nam xâm lược Campuchia. Vị thế hiện tại của Việt Nam khác rất xa năm 1979, bây giờ sau lưng Việt Nam là cả một sự trống vắng tới đáng sợ bởi Liên xô và khối XHCN Đông Âu đã không còn trên bản đồ thế giới từ lâu, Nga "ngố" thì đã và đang lạnh nhạt, coi như không hay biết chuyện thềm lục địa Việt Nam đang bị giàn khoan 981 xâm lược. Thực tế như vậy thì vở tuồng tương lai ở K có diễn ra theo kịch bản nào, Việt Nam cũng chỉ là một khán giả.

    Khi Crime của Ukraina bị "Nga ngố" sáp nhập, lý do cũng không khác gì luận điệu của Sam Raisy nhưng được một số người Việt Nam tung hô và bảo vệ một cách điên cuồng. Nếu nhớ không lầm thì khi đó đã có vài người phản biện cảnh báo đừng có suy nghĩ nông cạn, dại dột như vậy vì đó là kiểu "dẫn đường" cho các phần tử cực đoan K "bắt chước" để đòi lại vùng "Nam kỳ lục tỉnh" của Việt Nam ta. Hậu quả rành rành trước mắt mà có người vẫn chưa ý thức được sai lầm của mình, lại bắt đầu đổi giọng qua "làn điệu" khác, những người này, ai có suy nghĩ sẽ hiểu ngay họ là những người không đáng tin cậy, thực tế họ là những kẻ nối giáo cho giặc nhưng chưa rõ là vô tình hay cố ý.
    (còn nữa)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dialogue 1: mày bị não à, cái lúc đó pol pot xâm phạm biên giới VN liên tục, quấy phá, giết hại không biết không nhiêu người dân lương thiện từ 1975 đến 1978... VN khi đó đã liên tục kêu hòa đàm, hòa giải, nói quá lên thì đã hành động quá nhún nhường... nếu không phải lũ pol pot đem quân đoàn tấn công VN ngày 13/12/1978 thì VN chưa chắc đã đem quân đáp trả... và lúc VN hành quân khi đó chả cần tham vấn nước nào cả nhé, đồ dốt lịch sử mà thích ti toe chính trị.
      Còn chuyện giàn khoan, mày xem Nga đang ở tình thế nào, nói cho cùng lợi ích đất nước mới là tối thượng, nếu lúc đó Nga công khai ủng hộ VN thì sẽ mất đi 1 sự hậu thuẫn duy nhất cho mình, mà có thể sẽ dẫn tới việc trở thành Cuba thứ 2, mà Nga không lên tiếng thì không có nghĩa Nga đồng ý với tq nhé, đến cả bộ ngoại giao Ngaả Nga cũng đã lên tiếng phản bác 1 bài báo xuyên tạc tình hình thì cũng hiểu là Nga ngầm ủng hộ VN rồi nhưng do vướng mắc nên mới không thể lên tiến chính thức được.
      Dialogue 2: phải nói chính xác là Nga "lấy lại", Crim từng thuộc Nga, nhưng được cho Uk năm 1954 vì "1 chữ ký tình anh em" thời Liên Xô, về tình thì giờ Uk bỏ Nga theo phương tây thì Nga lấy lại là hiển nhiên, về lý thì Nga có thể đã phạm 1 sai lầm nhưng chính người dân ở Crimera ủng hộ thì cũng có thể nói cái lý đó đối với những người dân này không quan trọng lắm.
      Sự thật rành rành trước mắt mà không chịu đọc, học hỏi mà cứ dùng giọng điệu cá nhân để quy chụp cho tình hình, sự việc chiến tranh CPC thì bỏ qua sự khiêu khích của Khmer-đỏ, sự việc Crimera thì bỏ qua ý niệm của người dân, lịch sử vùng đất, chẳng biết cố tình hay vô ý nữa.

      Xóa
    2. @thằng bốn trời biển: tao đang tự hỏi ko biết mày là cái giống gì nữa. Nếu ví mày với loài chó thì tao e rằng sẽ là điều sỉ nhục chung và oan cho loài chó quá. Nên đưa mày vào cái thể loại nào đây??? Thằng bại não.

      Xóa
    3. Trả lời cho thằng nặc 0247 : mày nói Uk bò Nga theo phương Tây, Uk có theo Nga bao giờ mà mày nói bỏ, mày uống vốt-ka nhiều quá nên bị bại não à.
      Trả lời cho thằng Tuấn Minh Phạm : mày mất dạy quá, không phải là người thì đừng vào đây nữa.

      Xóa
  9. Vậy là các chúa Nguyễn cho người đi khai hoang mà đã gọi là hoang thì tức là vô chủ nên Nam Kỳ lục tỉnh không thuộc về ai vào thời điểm trước các chúa Nguyễn khai hoang.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải nói chính xác là việc quản lý bị gián đoạn, nhưng khai hoang là người Việt, quản lý và khẳng định chủ quyền cũng là các triều đại Việt, nên không có thể nói nó thuộc CPC được.

      Xóa
  10. Cái loại trẻ trâu mở mồm là chiến tranh, việt cộng giữ chủ quyền khỏi "nhiều thế lực" trong đó có "người bên kia 1 thời đấy".

    Trả lờiXóa
  11. Khựa muốn hậu thuẫn cho Kampuchia đòi lại Miền Nam thì trước hết chúng phải đuổi hết dân Tàu ở Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam đi để trả lại cho VN thì họa may mới ngửi nổi... còn không thì chỉ là việc của mấy thằng ngu nói nhảm cho vui mà thôi.

    Hơi đâu mà quý vị vào lảm nhảm để cái đám Rận đầy tớ của lái súng vào đây ... đục nước béo cò?

    Lái súng coi bộ vẫn còn cay cú về vụ Ukraina lắm nên thua me chúng cho bọn tôi tớ vào đây để gỡ bài cào.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lái súng thì còn đỡ, mày thì lái cha mẹ mày nữa đấy
      Chim sẽ sao biết được chí chủa chim hồng chim hộc. Hahaha.
      Ký tên : Dân miền Nam

      Xóa
  12. VN mình thì bao giờ cũng vẫn mạnh bất chấp các toan tính của Khựa và Lái Súng.


    Nước mình chỉ mạt khi quyền điều khiển đất nước để bị lọt vào tay của đám Tư Bản Đỏ tôi tớ của Lái Súng mà thôi ... còn ngoài ra thằng nào láng cháng với xứ mình thì chỉ có ôm đầu máu như lịch sử nước nhà đã cho thấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VN mình nếu có được một nhà lãnh đạo tài ba cỡ Putin thì Putin VN sẽ "hát bè" với Putin của Nga sẽ khiến cho nước nhà vững như bàn thạch ... chẳng phải đi làm đầy tớ cho thằng nào hết.
      Lúc đó sẽ chấp cả Khựa lẫn Lái Súng hợp lại cũng chẳng làm đách gì được VN mình.

      Xóa
    2. Việt Nam mình bao giờ cũng yêu hòa bình bất chấp tính toán chiến tranh của lũ ngoại xâm và rân chủ thần thành.
      Nước mình chỉ mạt khi quyền điều khiển đất nước để bị lọt bào tay lũ thích khiêu chiến, tôi tớ, nghe lệnh của chính quyền ngoại bang... còn ngoài ra người VN nào cũng yêu hòa bình cả bất chấp lịch sử đau thương ngàn năm còn mãi với mùa xuân hòa bình hôm nay.

      Xóa
  13. Nói cho cùng thì chiến tranh, mở đất, chiếm đất là 1 phần của lịch sử. Không có những việc đó, làm sao các nước nói chung và VN nói riêng có hình hài ngày hôm nay. Đồng chí nào ngu thì mới cho rằng Chúa Nguyễn chiếm đất hoang.

    Dân Campuchia vẫn tự hào về đế chế Khmer, bản đồ của đế chế này đến giờ vẫn được treo ở Hoàng cung Campuchia.

    Tất nhiên đòi thì cứ đòi, nhưng sẽ chẳng bao giờ được, trừ khi VN suy tàn dưới sự lãnh đạo của tham quan ô lại. Đánh nhau thì chẳng nước nào muốn rồi, chỉ có thằng ngu mới máu đánh nhau, hoặc nếu không ngu thì phải là cường quốc. Cả VN lẫn Campuchia đều không phải cường quốc, và các lãnh đạo chỉ tham chứ chưa ngu đến độ phát động chiến tranh. Tuy nhiên nếu Hunxen thất cử thì TQ có thể sẽ chống lưng cho phe Sam Rainsy phá VN ở Tây Nam, TQ lại gây rối ở Biển Đông, ở Biên giới phía Bắc. Và dù đám đần độn có moi móc Sam Rainsy thế nào thì sự thật là ông ta đang ngày một thắng thế. Cha con ông Hunxen đang lâm vào thế khó.

    Rốt cuộc thì câu hỏi đặt ra vẫn là tại sao ĐCS lại toàn bị bạn bè trở mặt thế? Do bản thân gian tà, hay đã ngu dốt, sai lầm trong việc chọn bạn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lảm nhảm vớ vẩn, nên nhớ rằng quá khứ không có biên giới rõ rệt như ngày nay đâu mà phán thế, 1 trong những điều để khẳng định chủ quyền là quản lý dài hạn và liên tục. CPC lúc đó đã bị gián đoạn trong quản lý trong 1 thời gian cực dài và không muốn nói là từ bỏ, vì khi Pháp xâm lược, CPC đã không đem quân chống trả hay có hành động nào để chứng minh mình có liên quan đến Nam Bộ cả nên có thể nói từ khi vùng đất đó được khai hóa đến khi bị Pháp đô hộ nó nằm dưới quyền điều khiển của VN.

      Đế chế Khơ-me chứ không phải vương quốc CPC ngày nay nên có thể coi đó là bản đồ lịch sử chứ không phải bản đồ chủ quyền.

      À, vâng, dĩ nhiên rồi, cường quốc sao mà ngu được, như việc gây nội chiến ở Uk ấy... bỏ tiền thôi, cần gì đem quân sang hay gây chiến tranh làm gì, râm chủ thần thành mà, thần thánh thì chỉ cần chi phối cần quái gì gây xung đột vô nghĩa.

      Trên hệ ý thức giới cầm quyền là ý thức dân tộc, bản chất tq nó ranh ma, quỷ quyệt thì ĐCS tq cũng chỉ thừa hưởng nó mà thôi, xem lại trừ tq ra còn ĐCS nào như thế không mà phán như đúng rồi. Đúng là do bản thân thiếu hiểu biết, hay đã ngu dốt, sai lầm trong việc học hỏi tri thức lịch sử.

      Xóa
    2. Chú Nặc 09:49 vẫn còn thiếu 1 mảng, đó là Lào ! Đàn em tẩm ngẩm tầm ngầm rất ít nói, ít gây Scandal này nhưng đã có vài động thái khiến đàn anh Việt Nam hết sức tức giận nhưng đàn anh Trung cộng lại rất hài lòng. Đó là việc Lào xây đập Xayaburi và dự kiến sẽ xây tiếp 9 đập khác trên dòng chính ở thượng nguồn sông Mekong, hòa cùng hệ thống 11 đập đã xây ở thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung cộng và nếu như tới đây Cam bốt lại rơi vào vòng tay của Trung cộng thì khả năng họ xây đập chặn dòng chính sông Mekong ở lãnh thổ Cam bốt là rất cao. Tới lúc đó, không cần một cuộc chiến tranh quân sự, chỉ bằng hệ thống đập "liên thông" giữa 3 quốc gia Trung cộng, Lào, Cam bốt đã thừa sức biến khu vực đồng bằng sông Cửu Long trù phú, vựa lúa số 1 của Việt Nam và vùng Đông Nam Á trở thành một vùng hoang vu, ngập mặn, cằn cỗi.

      Có lẻ do Trung cộng đã bắt đầu lo chuyện "bảo bọc" Việt Nam kín mít cả 3 bên, 4 phía như vậy nên ở Việt Nam đã xuất hiện những quan điểm phản đối quan điểm thoát Trung đó chú Nặc à.

      Xóa
    3. Ông Tư nói đúng. Việt Nam đang ngày một bị bao vây bởi chính kẻ đã sinh ra mình. Dã tâm của Tàu chưa bao giờ từ bỏ. ĐCS biết điều đó, nhưng vì muốn giữ ghế kiếm ăn nên sống chết cũng bám Tàu bằng được.

      Lợi ích của 90 triệu người, sự an uy của cả 1 đất nước, nói cho cùng thì cũng chẳng là gì so với lợi ích của đám chóp bu, đứng đầu là 14 ông vua đang từng ngày chia nhau xà xẻo đất nước. Tin đồn về việc ĐCS khom lưng quỳ gối ký hiệp ước Thành Đô với lộ trình trở về với "Đất mẹ Trung Hoa" xem ra không phải là không có căn cứ!

      Xóa
    4. Còn thằng Nặc danh12:09 Ngày 16 tháng 07 năm 2014 đúng là thằng ngu. Việt Nam có tính "kế thừa" các chính quyền, Campuchia thì không à? Cái bản đồ đó thể hiện là dân Campuchia chưa bao giờ quên chuyện cũ. Cứ đội bọn tham quan ô lại lên đầu, nhắm mắt đi theo lũ đê tiện đó, đất nước ngày 1 suy tàn. Về kinh tế thì ngày 1 thua kém các nước trong khu vực, về văn hóa thì ngày 1 xuống cấp. Chính trị thì ngày càng thối nát.

      Cái duy nhất để đám ngu xuẩn tự sướng với nhau bây giờ là thời chiến tranh, với hàng triệu người chết.

      Xóa
    5. Ôi giời ơi thằng nặc dốt 1152, kế thừa cái chó gì, mày đọc bài không đấy, 1 trong các điều kiện để khẳng định chủ quyền là quản lý dài hạn và liên tục, CPC lúc đó đã bị gián đoạn trong quản lý trong 1 thời gian cực dài và không muốn nói là đã từ bỏ, vì khi Pháp xâm lược, CPC đã không đem quân chống trả hay có hành động nào để chứng minh mình có liên quan đến Nam Bộ cả nên có thể nói từ khi vùng đất đó được khai hóa đến khi bị Pháp đô hộ nó nằm dưới quyền điều khiển của VN.
      Còn về kinh tế VN thì tao thấy bộ ngoại giao các nước đều khen VN phát triển nhanh và ổn định, cái loại chó sủa tiếng người như mày làm sao bằng được những người có ăn học của bộ ngoại giao các nước mà đòi bàn chuyện kinh tế VN trên họ.
      Cái duy nhất để lũ rận chúng mày tự sướng là nô bộc thời vnch và bách nhục 1975, tham nhũng của 1 bộ phận cán bộ công chức mà thôi.

      Xóa
    6. Thằng ngu. Thời Pháp đánh Đông Dương, cả 3 nước đều yếu như sên. Đánh thế nào mà đánh. Từ khi Chúa Nguyễn chiếm được vùng Nam Bộ, Campuchia không bị "gián đoạn" thì "liên tục" bằng niềm tin à? Lập luận ngu thế này thì bao lâu nữa vùng Hoàng Sa hóa thành của Tàu?

      Anh mày đã nói rồi, việc đánh nhau, chiếm đất là bình thường trong lịch sử. Chẳng có lí gì phải tự tô vẽ lên rằng mình tốt, mình không chiếm đất của ai cả, thằng ngu ạ.

      Mà cũng chỉ có thằng ngu mới nghe cái gọi là "bộ ngoại giao các nước" mà không thấy sự thật sờ sờ trước mắt! Kinh tế phát triển nhanh và ổn định mà lạm phát cao ngất ngưởng, giá cả tăng hàng năm chóng cả mặt à? Phát triển mà thất nghiệp ngày càng nhiều à thằng ngu?

      Xóa
    7. Đờ mờ con chó thích sủa, cứ phải thêm chữ ngu vào câu chữ để chứng minh mình không ngu là thế nào nhỉ?
      Đúng đấy, thời Pháp thuộc cả 3 nước Đông Dương đều yếu cả, nhưng dân tộc VN vẫn cứ chiến đấu đấy ranh con ngu học.
      Mà mày có đọc bài của chủ thớt không đấy nhỉ, hay có đọc mà không thẩm thấu hết được ý? "Chiếm"?
      "Năm 1623 chúa Nguyễn chính tức yêu cầu triều đình Chân Lạp để cho dân Việt mở rộng địa bàn khai phá trên những vùng đất thưa dân và để quản lý, chúa Nguyễn lập ở Pray Kor (vùng Sài Gòn ngày nay) một trạm thu thuế. Vua Chân Lạp đã chấp thuận đề nghị này[12] . Vào thời điểm đó cư dân Việt đã có mặt ở hầu khắp miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn."
      Đọc hiểu ngu như súc vật mà cứ thích ti toe hiểu biết.
      Tao nói rồi, đọc hiểu ấy, tập đọc hiểu ấy, đọc từng chữ từng từ, nghĩ từ câu từng ý ấy. Chẳng có lý gì dốt nát mà phải tô vẽ bản thân mình thông minh, thiên tài, lý luận giáo sư xoay cả, thằng dốt ạ
      Đúng là chỉ có thằng ngu với thích nghe các luận điều của các đài "râm chủ thần thánh" rồi phán sự đời bỏ mặc sự thật rành rành trước mắt. Bên này ấy, chả ai tin mấy cái đài phát thanh chó lợn gà heo của chúng mày đâu, may ra bỏ tiền vào thì kiếm được mấy cái mồm thối hà hơi phụ.

      Xóa
    8. Ngu vật Bằng chứng của cái ""Năm 1623 chúa Nguyễn chính tức yêu cầu triều đình Chân Lạp để cho dân Việt mở rộng địa bàn khai phá trên những vùng đất thưa dân và để quản lý, chúa Nguyễn lập ở Pray Kor (vùng Sài Gòn ngày nay) một trạm thu thuế. Vua Chân Lạp đã chấp thuận đề nghị này" đâu? Có văn tự nào không hay lại tự sáng tác ra với nhau?

      Mà cứ cho là việc "chính thức yêu cầu" kia là có, thế nó có khác gì cậy uy để đòi hỏi không? Đã nói rồi, chiếm đất mở cõi là chuyện bình thường. Việc gì cứ phải tự cho là mình cao cả hơn các dân tộc khác. Tự sướng nhiều có hại cho não đấy thằng ngu ạ.

      Xóa
    9. 1, A. Dauphin Meunier: Le Cambodge, Paris 1965, tr.56.
      Đấy, chủ thớt đã post mà có thèm đọc đâu, cái số 12 chú thích rõ mồn một đó mà còn thích chối, thế mày có định kiếm cái tài liệu đó để mà đọc không đây?
      2, Cậy uy? Đọc lại bài của chủ thớt đi thằng cờ hó thích sủa vu vơ
      "Sau cái chết của Chey Chetta II vào năm 1628 nội bộ giới cầm quyền Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc. Nhiều cuộc chiến giữa các phe phái đã diễn ra với sự trợ giúp quân sự của một bên là quân Xiêm, một bên là quân Nguyễn. Những cuộc chiến ấy chẳng những không ảnh hưởng đến việc người Việt tiến hành khai phá những vùng đất hoang hóa ở đồng bằng sông Cửu Long, mà trái lại, còn tạo điều kiện thuận lợi cho chúa Nguyễn thiết lập quyền kiểm soát chính thức của mình trên những vùng đất cư dân Việt đã dựng nghiệp."
      Rõ ranh con học đòi, tắt máy tính học bài đi.

      Xóa
    10. Ha ha thấy nội bộ nó đánh nhau thì đưa quân, đưa người vào, không thể gọi là "chiếm" được hả thằng đần?

      Xóa
    11. Hết nói nổi với thằng ngu này, ngay cái chữ "với sự trợ giúp" tổ chảng đó mà đéo thấy, bí thì câm mẹ đi cũng chả ai biết mày là ai đâu mà cố thể hiện.

      Xóa
    12. Thằng ngu, trợ giúp quân sự là cái mồm nói lươn lẹo chứ chú mày nghĩ là giúp vô tư à? Trợ giúp giống hồi 1979 giúp Campuchia phải không? Đến giờ thì người được giúp đỡ càng ngày càng ghét người "giúp" mình đấy. Giúp kiểu gì mà kỳ lạ thế hả mấy con bò?

      Xóa
    13. Tao lạy mày, mày quay về quá khứ mà hỏi những tiền nhân ấy, còn vụ CPC thì qua bên đó mà hỏi dân bên đó chứ đừng có nghe lũ tuyên huấn dân chủ, bên CPC còn hàng trăm bảo tàng diệt chủng đấy, luật cấm nói lại lịch sử đấy, qua đó ấy, đến bảo tàng mà hỏi, tìm mấy ông già mà hỏi, tìm những vị giáo sư, tiến sĩ mà nói chuyện, suốt ngày lươn lẹo trên mạng để rồi thành thế này đây.

      Xóa
    14. Thằng ngu, năm nào anh chẳng qua lại Campuchia vài lần. Bọn chã chúng mày qua Cam thì đến vùng Biển Hồ mà tham khảo thêm cuộc sống của người Cam gốc Việt ở bên đó.

      Xóa
    15. Thật bó tay, mày bảo người cpc ghét người VN thì tao kêu mày qua đó mà găp những nhà trí thức mà tìm hiểu chứ có kêu mày đi du lịch vu vơ đâu mà khoe ra @.@

      Xóa
  14. Nhiều người cứ hay nói đến vụ đánh nhau với Polpot rất tự hào. Đúng là bọn ngu. Thời đó bộ đội Việt Nam phải đối phó với chiến tranh du kích, vốn là sở trường của mình. Cuộc chiến đó vô cùng khốc liệt, đã có rất nhiều, rất nhiều bộ đội hy sinh trong cuộc chiến xâm lược này. Bọn ngu thì hay nói đó là tự vệ, nhưng tự vệ bằng cách xông sang nhà người ta đánh giết thì đúng là chuyện nực cười.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng cần biết cuộc chiến nó như thế nào, nhưng có chính nghĩa trong tay là đáng để tự hào rồi. Đúng là thiếu hiểu biết. Bộ đội đã hy sịnh để cứu 1 dân tộc đang trong thời kỳ diệt chủng, được người dân ở đó gọi là "quân đội nhà phật" mà lại không tự hào, chiến tranh thì dĩ nhiên sẽ khốc liệt, không chỗ này thì cũng sẽ chỗ khác, nhưng cho dù khốc liệt nhưng quân dân 1 lòng, không người dân nào thời kỳ đó cho rằng việc VN đưa quân vào CPC là xâm lược cả, chỉ có những kẻ thiếu hiểu biết về sau này mới thấy việc đưa quân đội vào 1 đất nước khác là hành động xâm lược và đánh đồng như đúng rồi.
      Còn nói tự vệ ư, xin lỗi nhầm rồi cưng ạ, VN đã được sự yêu cầu giúp đỡ của những người CPC, và đây là hành động cứu trợ quốc tế; còn thử nghĩ đến những việc mà lũ Khơ-me-đỏ đã làm ở biên giới VN, hay như thằng khốn pon pot đã từng tuyên thệ "giết người VN đến người CPC cuối cùng" thì cho dù là quốc gia nào hiểu tình hình khi đó cũng phải hành động vậy thôi, gặp Mẽo chắc đã cho CPC về thời nguyên thủy luôn rồi.

      Xóa
    2. Tự vệ không đơn giản là chỉ chờ quân địch tới đánh vì chiến tranh trên đất nước nào thì thiệt hại tang thương (xem lịch sử thế chiến thứ nhất lúc Pháp thành chiến trường thì biết). Nếu có đủ sức thì đem lực lượng đi tiêu diệt khả năng chiến tranh của địch là chính sách rất nhiều nước sử dụng. Chẳng hạn như Mỹ trả đũa Al Qaeda bằng cách xâm lăng Afghanistan để tiêu diệt căn cứ của nhóm này. Israel đang tấn công Gaza nhằm mục đích khai trừ khả năng Hamas bắn tên lửa vào Israel. Đồng Minh thế chiến thứ hai sau khi bị Đức xâm lược thừa thắng tấn công vào tận Berlin tiêu diệt hoàn toàn Đức Quốc Xã.

      Thời đó Pol Pot tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp để lấy lại Thủy Chân Lạp. Lính Khmer Đỏ đã qua đất Việt giết hại dân lành. Cứ khăng khăng tự vệ kiểu giữ quân đất mình thì họa càng lớn. Bởi vậy tự vệ cũng gồm có tiêu diệt khả năng bọn Pol Pot gây chiến trên đất Việt.

      Xóa
    3. Bọn ngu. Như thế chính là "cậy mạnh hiếp yếu", như Mỹ đang bị chửi chính là ví dụ. Dù mục đích của Mỹ là ngăn chặn khủng bố nhằm vào dân của mình, giống lí do của Việt Nam hồi đó.

      Tàu nó đánh biên giới, giết dân, đánh đảo, giết bộ đội, sao không sang mà tẩn nó? Lí do chẳng phải là vì nó to và mạnh hơn ư? Ti toe bắt nạt thằng yếu, rồi lại gào lên khi bị thằng lớn hơn bợp tai. Đúng là ĐCS từ khi sinh ra cho đến ngày nay, từ lãnh đạo cấp cao cho đến hạng dư luận viên ruồi muỗi vẫn thống nhất 1 kiểu: thượng đội hạ đạp. Cái gì của mình thì cũng nhắm mắt mà khen, dù có thối hoăng lên đi chăng nữa cũng vẫn cố hít hà khen thơm.

      Giúp dân Campuchia, được nhân dân Campuchia mang ơn...vẫn là giọng tuyên truyền bấy lâu nay. Thực tế thì sao? Thực tế là dân Cam chẳng ưa gì người Việt Nam, và 1 kẻ chống Việt Nam đang ngày càng được ủng hộ.

      Xóa
    4. Còn thằng cùi bắp ngu đần suốt ngày ợ ra nhai lại cái bài "nhường Hoàng Sa", thế ĐCS "nhường" Gạc ma thì anh hùng quá phải không! Chú mày còn đang nợ ông Vốt việc chứng minh Tàu không đủ tiềm lực phòng không, không quân để đánh nhau khi mà VNCH dùng F5, F6 (trong hoàn cảnh viện trợ bị cắt giảm) kia kìa. Nhờ chủ chơi bài xóa còm, không biết nhục lại còn ti toe. Hay mồm chú mày giống như cái lỗ đít, lời nói giống như tiếng rắm, cứ phọt ra mà không cần quan tâm nó thối như thế nào?

      Chú mày nghĩ bọn Tàu ngu như chú mày hay sao mà cứ vác quân khơi khơi đi đánh nhau và không cần chuẩn bị gì?

      Xóa
    5. Thằng nặc lùn 1157 mày ăn gì ngu như súc vật thế, đem so HS với GM, mẹ mày khi đó VNCH thừa thực lực không quân để tái chiếm HS nhé, hơn 100 chiến đấu cơ đã sẵn sàng đấy, thế sao lại rút vào phút cuối, mẹ kiếp đầu óc bã đậu như con súc sinh mà thích ti toe học đòi bàn chuyện thiên hạ.

      Xóa
    6. Thằng ngu. VNDCCH còn đóng quân đầy trong Miền Nam, viện trợ bị Mỹ cắt giảm theo Hiệp định Paris. Lí do đấy!

      Thế lí do của việc "nhường" Gạc ma là gì hả thằng ngu? Chẳng phải là vì nghèo, vì yếu hay sao? Thành trì XHCN Liên Xô cũng lờ đi vụ đấy, khác gì Mỹ lờ đi năm 1974.

      Cũng như VNCH là con rối của Mỹ, ĐCS chỉ là bù nhìn, là quân cờ của của Liên Xô, Trung Quốc thôi thằng ngu ạ, đừng ảo tưởng, tự sướng quá!

      Xóa
    7. Đéo mẹ đâu ra thằng ngu vãi cờ thế này, tao hỏi lại mày đã tập hợp lực lượng không quân rồi tại sao lại hủy vào phút cuối, đéo phải chủ bảo chó phải câm thì chó mà dám sủa à?
      Người ta chiến đấu can trường thế mà bảo "nhường", nhường cái con cu bố tiên sư dòng họ mày ấy thằng cứt chó, còn dám so sánh với cái lại đã tập hợp lực lượng mà đéo dám xuất kích, thứ súc sinh thế kỷ của dân tộc.
      Con rối? Một vị TT Mỹ bảo vnch là chó, vnch câm như đúng rồi; tq bảo VNDCCH trường kỳ kháng chiến, VN thống nhất tổ quốc, cái thứ bại vong rác rưởi đến tận giờ vẫn tự sướng với "vnch", cứ ảo tưởng vong nô mãn kiếp bên đó với chủ chúng mày đi cho sướng tinh thần.

      Xóa
    8. Tổng thống nào gọi nước khác là chó hả thằng ngu? Cho cái nguồn đi. Đừng lấy từ mấy nguồn kiểu như wikiepia hoặc báo đảng nhé con lợn! Mà chú mày nghĩ chuyện đánh nhau có vẻ đơn giản nhỉ, thích là chiến mà không cần cân nhắc lợi hại à?

      Đúng là bọn dư luận viên ngu. Hồi bọn Tàu nó gọi "đứa con hoang đàng" thì tự cắt đi thành "đứa con hoang" rồi bốc lấy mà chửi nhau.

      Xóa
    9. Thằng ngu cùi bắp nghĩ đánh nhau giữa 2 nước chắc giống trò trận giả hoặc trò chơi điện tử nhỉ. Hứng lên là đánh mà không cần suy tính gì. Chú mày đã có bằng chứng nào cho cái lí "năm 1974 Tàu không đủ năng lực Phòng không - Không quân" chưa? Hay mồm chú mày cứ phọt ra thế thôi? Cãi không lại người ta thì bảo chủ xóa còm của họ chứ vinh quang gì mà khoe thế hả chú em?

      Mà thằng ngu này đọc lại xem phía trên có từ nào nhắc đến "tự vệ" khi nói về việc Mỹ phát động chiến tranh ở Iraq, Afganistan...không? Còn cái "bằng chứng" Polpot giết dân Việt chắc cũng nhiều như việc Trung Quốc làm ở phía Bắc. Nhưng bố bảo thì ĐCS cũng không dám đưa quân sang tẩn, vì Tàu nó quá to và mạnh. Bắt nạt Campuchia, bị cấm vận cho liêu xiêu, đất nước bị suy tàn suốt cả chục năm, giờ thì bị dân Campuchia ghét, kẻ chống Việt Nam đang được ủng hộ ngày 1 nhiều. Từng đấy việc cũng đủ cho thấy cái "tính chính nghĩa" của việc "giúp nhân dân Campuchia" rồi. Giúp kiểu gì mà bị ghét, bị thù thế hả thằng ngu?

      Xóa
    10. Thằng nặc ngu này sao cứ lỳ thế nhỉ, muốn chứng minh 1974 vnch không xuất kích là do Tàu quá mạnh, mạnh hơn "đội quân đứng thứ 4 thế giới thời bấy giờ" à?

      Lại 1 sự ngu của thằng này lòi ra, Mỹ cấm vận VN từ năm 1975 chứ đéo phải do chiến tranh cpc đâu thăng dốt sử, ngu mà sao cứ thích sủa nhiều thế nhỉ.

      Xóa
  15. tôi nghĩ ý kiến ông năc 09;49 và ý kiến cuối của ông Tư là đáng suy ngẫm.

    Trả lờiXóa
  16. không tôi nghĩ là việt nam đã chiếm đất của người khmer. Bọn việt cộng đừng bóp méo lịch sử. Tôi là người việt nam nhưng cũng thấy có lỗi với họ. Những trả lại sự thật lịch sủ của họ

    Trả lờiXóa