Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Chủ tịch nước: "Đón bắt thời cơ, phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đưa đất nước tiếp tục tiến lên".

Nhân dịp chào Năm mới 2015, Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có bài viết: "Đón bắt thời cơ, phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đưa đất nước tiếp tục tiến lên". Google.tienlang trân trọng giới thiệu bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vấn đề này.
******************
"Cùng nhân loại chúng ta tạm biệt năm 2014, năm Giáp Ngọ. Đối với chúng ta, năm 2014, một năm với biết bao cam go, sóng gió và những khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta đã vượt qua. Dù ngoảnh nhìn lại, vẫn còn đó những ấm lạnh, buồn vui xen lẫn, vẫn còn nhiều điều canh cánh bên lòng mà không ai không thấy và đang đồng tâm, nỗ lực khắc phục, sửa chữa. Khi mùa Xuân năm mới 2015 đang tới trước thềm, cả dân tộc Việt Nam ta lại phấn khởi, có thêm sinh lực mới, quyết tâm mới, tiếp tục cố gắng vì những thành công trong Năm của những sự kiện lớn: 85 mùa Xuân Đảng ta ra đời, 70 mùa Thu cách mạng và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm giải phóng miền Nam và thống nhất nước nhà, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 30 năm đất nước đổi mới trên con đường xã hội chủ nghĩa, tiến tới Đại hội XII của Đảng... với tầm nhìn mới, sứ mệnh mới, thực lực mới, phương cách hành động mới và niềm tin vào những thành công mới.
Trước thềm Xuân mới, nhìn lại chặng qua, chúng ta soát xét lại mình, ngẫm thời cuộc lớn, mở rộng tầm nhìn, chuẩn bị hành trang, tiếp tục chủ động và kiên định đi tới.
Phát triển bền vững - sự lựa chọn mang tầm chiến lược
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ, vận hội và thách thức đan xen, chuyển hóa khôn lường; hoặc là tụt hậu, tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt phá, vươn lên để bắt nhịp cùng thời cuộc, làm chủ vận mệnh của mình, mà nếu dừng lại chính là tụt hậu. Mà tụt hậu, nhất là về kinh tế, đó là nguy cơ mà tròn hai mươi năm trước, tháng 1-1994, Đảng ta đã cảnh báo và suốt hai thập niên cả dân tộc nỗ lực không ngừng để vượt qua.

Do đó, hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng đắn là chúng ta phải vươn lên, đưa đất nước phát triển bền vững, khi nhịp chân nhân loại không chờ đợi bất cứ ai, cuộc cạnh tranh toàn cầu luôn tiềm ẩn nguy cơ “mất còn”, không quốc gia, dân tộc nào là ngoại lệ, làm cho tương quan lực lượng giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới thường xuyên thay đổi. Tụt hậu là bị toàn cầu hóa lướt qua, nhấn chìm, tất yếu khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, trở thành “sân sau” của người khác, sẽ không thể nào cải thiện, nâng cao được đời sống của nhân dân. “Thực túc, binh cường”, nếu tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước, khó có thể có được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, huống chi là vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu.

Phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, là trách nhiệm không thể thoái thác, sứ mệnh thiêng liêng, là danh dự của mỗi chúng ta, con Lạc cháu Hồng hôm nay. Vì thế, trong năm 2015 và những năm tới, với bản lĩnh, trí tuệ, tiềm năng đất nước và con người Việt Nam, chúng ta phải tập trung xử lý, tháo gỡ những cản trở, ách tắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhanh chóng đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng suy giảm đã kéo dài mấy năm nay, phục hồi lại đà tăng trưởng; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đầy sáng tạo và hiệu quả; hoàn thành tốt nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo ra một chất lượng mới, trình độ mới, cao hơn cho nền kinh tế đất nước, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phát triển bền vững là sự lựa chọn mang tầm chiến lược của đất nước ta hiện nay. Phát triển là thước đo bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong cuộc cạnh tranh toàn cầu vì mục tiêu phát triển đất nước. Phát triển sẽ quyết định hình ảnh tương lai của đất nước ta, sẽ định vị vai trò, vị thế của Việt Nam trên thế giới trong những thập niên tới.

Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng
Trải qua đã mấy ngàn năm, ông cha ta, dẫu cho trước bất cứ ai, dù trong bất cứ tình huống nào, bao giờ cũng quyết lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu tối thượng trong mọi hành xử của mình cho nên mới tạo dựng được cơ đồ vững vàng để lại cho con cháu hôm nay. Lịch sử từng cho thấy, làm trái đi là tự rước lấy tai họa, không mất nước, trở thành nô lệ thì cũng đẩy đất nước, đẩy nhân dân vào cảnh thống khổ, lầm than.

Trong thời đại ngày nay, giữa biển rộng toàn cầu hóa tranh đua sinh tử, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng. Đất nước ta hội nhập với thế giới, với bạn bè năm châu, bốn bể là để học hỏi, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, của thời đại, làm giàu thêm, phong phú hơn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; để tranh thủ ngoại lực, khơi dậy nội lực, biến ngoại lực thành nội lực, xây dựng đất nước ta hùng cường, giàu mạnh, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, chứ quyết không đánh mất mình, không rơi vào tụt hậu, lệ thuộc.

Giang sơn, xã tắc mấy nghìn năm ông cha ta truyền lại, thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mãi mãi sau này có nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng là phải giữ gìn, quyết không để tổn thất một ly lai. 

Dân tộc ta đã mấy nghìn năm nối đời dựng nước, giữ nước, đã đi qua hàng trăm cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống xâm lăng, ở mọi quy mô, với biết bao hy sinh, xương máu; trong những giờ phút hiểm nghèo, đã nêu cao ý chí “dù phải tát cạn biển Đông”, “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn” cũng quyết giành lại và giữ gìn vững chắc độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngày nay, hơn 90 triệu đồng bào ta nguyện làm hết sức mình, nguyện đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, sẵn sàng hiến dâng tới giọt máu cuối cùng vì những điều thiêng liêng vô giá đó.

Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chế độ xã hội chủ nghĩa, sự giàu mạnh, hùng cường của đất nước, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đây là mục tiêu mà chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi chông gai, quyết phấn đấu thực hiện cho bằng được, cũng là cơ sở để chúng ta phân định những việc cần phải làm và những việc cần phải tránh, như lời Bác Hồ dạy: Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì phải hết sức tránh; là tiêu chuẩn để chúng ta nhận diện ai là bạn, ai là thù, ai là đối tác, ai là đối tượng trong từng lĩnh vực, từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể; những quan điểm của Đảng ta: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập quan hệ hữu nghị và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta; bất kỳ thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Làm trái thế, xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc là vong thân, hại quốc, là có tội với tổ tiên, các thế hệ cha ông, là phụ lại lòng tin và sự ủy thác của hơn 90 triệu đồng bào!

Phát huy Quốc bảo lòng dân là bài học gốc rễ
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như lịch sử của các quốc gia, dân tộc đông, tây, kim, cổ trên thế giới đều xác nhận và khẳng định chân lý: Nhân dân là người làm nên lịch sử, sức dân là vô địch. Chính những người dân chân lấm, tay bùn, biết bao đời lao động cần cù, hai sương một nắng đã khai sơn, phá thạch dựng nên hình hài Tổ quốc và đã biết bao lần mang xương máu của mình tạo nên bức tường thành vững chắc để giữ gìn, bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ những thành quả do mình tạo dựng nên. 

Ông cha ta, từ sự hưng vong của các triều đại, từ các cuộc kháng chiến oanh liệt chống ngoại xâm đã đúc rút, khẳng định và nhắc nhở các thế hệ cháu con: chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân; khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách để giữ nước; nước phải lấy dân làm gốc, gốc có vững thì cây mới bền. Có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả.

Và, nguyên vẹn hôm nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng dân là gốc, sức dân là vô địch, dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong, được thấm nhuần, vận dụng nhuần nhuyễn và phát huy đến đỉnh cao đã tạo sức mạnh làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam gần 85 năm qua. Cách mạng mùa Thu năm 1945 là cuộc tổng khởi nghĩa của toàn dân. 

Các cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta, tưởng chừng như “châu chấu đá voi”, nhưng đã đánh bại những đội quân xâm lược tàn bạo, hùng mạnh nhất trên thế giới. Đó là những cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân tham gia, toàn dân đánh giặc mà lực lượng chủ lực, nòng cốt là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Những thành tựu to lớn mà đất nước ta đạt được trong 30 năm đổi mới vừa qua là do công lao đóng góp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thuyền lớn ra biển xa thì tất yếu sẽ gặp phải sóng to, gió lớn. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới tiếp tục xây dựng đất nước ta “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo mà cha ông ta đã để lại, bảo vệ thành quả cách mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thời gian tới, có thời cơ, thuận lợi lớn, nhưng khó khăn, thách thức cũng vô cùng gay gắt, quyết liệt. Vẫn có kẻ muốn kìm chân, cản phá làm ta suy yếu để dễ bề chi phối; có kẻ lăm le lấn đất, lấn biển, chiếm đảo của ta. Chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới là sức mạnh vô địch để chúng ta vượt qua mọi sóng to, gió lớn của thời cuộc.
Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, chăm lo việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta, là bổn phận của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chúng ta, như lời Bác Hồ dạy: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 10, tr. 463 - 464); “Chế độ ta là chế độ dân chủ, là Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân”(Hồ Chí Minh: Sđd, t. 7, tr. 368, 572), “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(Hồ Chí Minh: Sđd, t. 7, tr. 368, 572).

Mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải ghi sâu, thực hiện tốt lời Bác dạy; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, ức hiếp nhân dân, vô cảm với những bức xúc của nhân dân thì nhất định sẽ được nhân dân tin yêu, hết lòng ủng hộ, khối đại đoàn kết toàn dân sẽ được củng cố, tăng cường. Chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào dù là hung bạo nhất, chỉ sợ mất lòng dân. Lòng dân, đó là Quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam!
Hành xử chân thành, giữ gìn và nâng niu hòa bình, hòa hiếu là đạo lý Việt Nam
Dân tộc ta yêu hòa bình, luôn mong muốn được sống trong hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước; luôn mong muốn hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng và tất cả các nước trên thế giới. Dân tộc ta chỉ buộc phải cầm súng để chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ tự do, độc lập, chủ quyền quốc gia của mình. Các chiến công oanh liệt của dân tộc ta, được thế giới ngưỡng mộ, đều là chiến công trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh với biết bao đau thương, biết bao hy sinh xương máu, chúng ta mong muốn tắt mọi ngọn lửa chiến tranh để hòa bình đến với mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới. “Thương người như thể thương thân”, điều gì chúng ta không muốn đến với mình thì cũng không muốn xảy ra với người khác và chúng ta lại càng không làm với người khác. Đó là đạo lý Việt Nam, nhân nghĩa Việt Nam. 

Ngay đối với giặc xâm lăng bại trận, ông cha ta còn cấp lương cho ăn, cấp ngựa, cấp thuyền cho mà về nước. Hài cốt những người lính trong đội quân xâm lăng vùi trong đất Việt Nam, chúng ta tạo mọi điều kiện và tham gia tìm kiếm kỳ công suốt mấy chục năm nay để trao trả, gửi về nơi “chôn nhau cắt rốn”, về cho người thân của họ. Hỏi ở nơi đâu và mấy ai làm được như thế nếu không sống có đạo lý, vị tha, nhân nghĩa như dân tộc ta? Tấm lòng hòa hiếu, nhân nghĩa ấy gieo những “quả lành” cho nền độc lập tự do, cho “non sông ngàn thuở vững âu vàng” của dân tộc ta.

Ngày nay, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc, phù hợp với tính chất của thời đại, đất nước ta, nhân dân ta hội nhập thế giới, luôn mong muốn có quan hệ hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị của nhau, cân bằng lợi ích, các bên cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định và phát triển của Việt Nam, của khu vực và của toàn thế giới. Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, chúng ta lên án các cuộc chiến tranh xâm lược, các hoạt động khủng bố, gây bạo loạn, lật đổ, can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia có chủ quyền; ủng hộ các cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đặc biệt là, trước những diễn biến phức tạp trong khu vực, những âm mưu và hành động xâm chiếm, gây nên tranh chấp trên Biển Đông, đe dọa chủ quyền biển, đảo của đất nước ta, chúng ta kiên quyết phản đối.

Với chúng ta, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là tài sản vô giá của cha ông ta để lại, thế hệ chúng ta hiện nay có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ để truyền cho các thế hệ con cháu. Kế thừa truyền thống yêu hòa bình, hòa hiếu, nhân nghĩa của dân tộc, chúng ta kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Trung Quốc, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước ta, hòa bình, ổn định trong khu vực; bảo đảm tự do, an ninh, an toàn trên tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới. 

Chính nghĩa, lẽ phải thuộc về dân tộc ta. Chúng ta nêu cao chính nghĩa sáng ngời để đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài; để tranh thủ, thu hút sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ của các nước, của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Đồng thời chúng ta luôn tích cực chuẩn bị cho những giải pháp phù hợp khác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với sức mạnh Phù Đổng, hào khí Đông A, tinh thần Bạch Đằng, Đống Đa bất diệt, bằng sự quật khởi của Cách mạng Tháng Tám, của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và khí thế thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dân tộc Việt Nam kiên định, tự tin và mạnh mẽ vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới của chúng ta tới bến vinh quang, cập bờ hạnh phúc, cùng nhân loại tiến bộ chung sức xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phồn vinh, thịnh vượng"./.
Theo TTXVN

18 nhận xét:

  1. Tin thất thiệt về ông Nguyễn Bá Thanh mà bọn phản động nó đưa lên đang sốt sình sịch. Chủ trang cho lên đề tài này để đồng chí DLV nào có thông tin chính thức bác bỏ luận điệu xuyên tạc của bọn chúng. Cứ im lặng như thế này e k tốt cho dư luận.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Công Nông đối thoạilúc 14:10 3 tháng 1, 2015

      Vớ vẩn. mấy trang đó chuyên xuyên tạc bịa đặt, như Dân Làm báo, Quan Làm báo Tư sang nham hiểm ... trước đây thôi.
      Rác rưởi.
      Có gì đáng xem?

      Xóa
    2. Thành phố ở VN có rất nhiều ngõ, và vài nhà trong ngõ đó có nuôi chó, người đi thì cứ đi qua, chó tưởng sủa thì cứ sủa, ngày nào cũng như ngày nào, thật là bình dị.

      Xóa
  2. cái tin ông thanh chết toi có thât không nhỉ ,báo mậu dịch trả thấy ho gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Công Nông đối thoạilúc 14:11 3 tháng 1, 2015

      Vớ vẩn. mấy trang đó chuyên xuyên tạc bịa đặt, như Dân Làm báo, Quan Làm báo Tư sang nham hiểm ... trước đây thôi.
      Rác rưởi.
      Có gì đáng xem?

      Xóa
    2. Thành phố ở VN có rất nhiều ngõ, và vài nhà trong ngõ đó có nuôi chó, người đi thì cứ đi qua, chó sủa thì cứ sủa, ngày nào cũng như ngày nào, thật là bình dị.

      Xóa
  3. Các chuyên gia Việt với nước ngoài đều dự đoán, TQ hoặc trong năm 2015 phải gây chiến để tạo sức ép củng cố chủ quyền hoặc phải từ bỏ nó, vì phán quyết của toà án công lý quốc tế sẽ có trong 2015, vì vậy bà con/cô/bác/anh/chị/em trong năm này phải sẵn sàng hành động cứng rắn với đám dâm chủ, bởi nếu có chiến sự xảy ra chúng nó sẽ là đám đầu tiên phá hoại VN từ trong nước. Vì 1 VN dân chủ, nói không với dân chủ rởm, ủng hộ chính sách của Đảng và Nhà nước, toàn dân tộc cùng đoàn kết chống lại giặc ngoại xâm, ngoại lai.

    Trả lờiXóa
  4. Nghe ngài chủ tịch nước nhắc lại mấy lời vàng ngọc của Hồ chủ tịch dạy dỗ mà tôi ứa nước mắt !

    Trả lờiXóa
  5. "... Hài cốt những người lính trong đội quân xâm lăng vùi trong đất Việt Nam, chúng ta tạo mọi điều kiện và tham gia tìm kiếm kỳ công suốt mấy chục năm nay để trao trả, gửi về nơi “chôn nhau cắt rốn”, về cho người thân của họ.." Ta nhân nghĩa với kẻ thù bọn xâm lăng đế quốc Mỹ là vậy, thế còn 88 chiến sĩ vị quốc vong thân của ta vẫn còn đang nằm dưới lòng biển lạnh Gạc Ma thì đến khi nào ông Chủ tịch mới nhớ đến họ đây?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cui bap nói hay. 88 liệt sĩ đó dù sao cũng đã chết rồi, đó là bài học xương máu cho quân ta chớ có dại đối đầu với TQ. Chuyện cũ nên khép lại, quan hệ đồng chí giữa hai nước Việt, Trung đang tốt đẹp. Cui bắp cho rằng ''tàu khựa có cơ hội giết thêm quân Việt'' là lời lẽ xuyên tạc, gây kích động không đúng sự thật. Nếu VN ta biết lấy đại cục làm trọng thì TQ luôn là đồng chí tốt với ta.

      Xóa
    2. cui bap nóng tính quá rồi. Vũ khí của ta Kilo, Su30, S300, tàu tên lửa tuy hiện đại thật đấy nhưng không ăn thua gì với Khựa đâu. Các căn cứ hải quân của khựa ở hoàng sa và hải nam dùng hỏa lực áp chế phủ đầu là hải quân ta tê liệt. Tàu sân bay của khựa áp sát vào là ta hết chống đỡ. VNCH dựa hơi mẽo mà còn thua tan tác nên ta phải lấy đấy làm bài học kinh nghiệm. Ta nên biết điều với khựa không dùng mẽo để chống khựa thì khựa cũng sẽ cùng ta chia sẻ quyền lợi biển đảo.

      Xóa
    3. Đảng csvn rất yêu hòa bình, gìn giữ tình đồng chí Răng Môi. Nên năm 1988 Răng cắn Môi ở biên giới, ở Gạc ma. Trong Tay Môi lúc đó thủ sẵn Su khủng. và thủ đến tận giờ, dù Bị cắn tước môi.
      ÔI! khi đang có chiến tranh thì 'sợ' chiến tranh lan rộng????

      Xóa
  6. Bài viết của ngài CT toàn những từ hay !

    Trả lờiXóa
  7. 'Giải mã' bài viết đầu năm của chủ tịch VN
    1 tháng 1 2015
    Chia sẻ

    Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang nói Việt Nam có khả năng trở thành sân sau của nước khác nếu bị tụt hậu
    Chủ tịch nước Việt Nam có bài viết đầu năm trong đó đề cập đến vấn đề khôi phục lòng tin từ người dân, bảo vệ chủ quyền và vực dậy nền kinh tế còn nhiều yếu kém.
    Trong bài viết đăng trên một số báo ngày 1/1, ông Trương Tấn Sang đã gọi "lòng dân" là "quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam".
    Ông đề cập đến nguy cơ "tụt hậu" về kinh tế, khiến đất nước "khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, trở thành sân sau của người khác".
    "Nếu tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền đất nước," ông nói.
    Bài viết cũng thừa nhận những "ách tắc", "hạn chế, yếu kém" của nền kinh tế và kêu gọi "nhanh chóng đưa nền kinh tế đất nước khỏi tình trạng suy giảm đã kéo dài mấy năm nay".
    Về vấn đề đối ngoại, ông Sang cho rằng "cần nhận diện ai là bạn, ai là thù, ai là đối tác ... trong từng lĩnh vực, từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể".
    "Những ai tôn trọng độc lập chủ quyền ... hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta".
    "Bất kỳ thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá mục tiêu của nước ttrong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ... đều là đối tượng đấu tranh".
    Đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông, ông Sang tái khẳng định lập trường của Đảng Cộng sản, trong đó "kiên quyết phản đối" những "âm ưu và hành động xâm chiếm, gây nên tranh chấp", đồng thời "kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình".
    Trả lời phỏng vấn BBC ngày 1/1, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên ban cố vấn chính phủ, cho rằng bài viết của ông Sang, dù tập trung vào khía cạnh khác với phát biểu đầu năm 2014 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đều là nhìn vào "cùng một vấn đề".
    Bên cạnh đó, ông Doanh cũng cho rằng bài viết đầu năm của chủ tịch nước Việt Nam thể hiện sự "chuyển biến" và "cụ thể hóa" trong đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản.
    'Khác khía cạnh, cùng vấn đề'
    Điều ông Sang nói thể hiện sự chuyển biến và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời gian gần đây. Không có kẻ thù vĩnh viễn và không có bạn bè vĩnh viễn
    Tiến sỹ Lê Đăng Doanh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. BBC: Trong bài viết đầu năm 2015, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đề cao vấn đề lấy lòng dân, vì đây là "quốc bảo dựng nước và giữ nước". Trong khi đó phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu năm 2014 lại tập trung vào cải cách thể chế và đẩy mạnh quyền làm chủ của người dân. Ông có nhận xét gì trước sự khác biệt về trọng tâm giữa hai bài viết này?
      Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì việc ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh sự hài lòng của người dân là một bảo vật cũng phù hợp với điều ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh về việc cải cách thể chế.
      Hiện nay muốn làm cho người dân hài lòng thì điều chủ yếu là phải giảm được tham nhũng, giảm quan liêu, xa rời dân cũng như các lãng phí, tiêu xài ngân sách quá đáng, rất không bình thường.
      Có điều mỗi người nhấn mạnh ở một góc độ khác nhau. Ông Dũng là người điều hành nên nhìn thấy những thiếu sót, yếu kém trong bộ máy, chính quyền.
      Theo tôi đây chỉ là hai khía cạnh khác nhau của một vấn đề.
      BBC: Khi nói đến những "ách tắc", "hạn chế, yếu kém" của nền kinh tế, ông có cho rằng Chủ tịch Sang đang chỉ trích một cách gián tiếp chất lượng điều hành của chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng?
      Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì đó là một thái độ nhìn thẳng vào sự thật.
      Năm nay thì nền kinh tế có đạt mức tăng trưởng cao hơn là 5,98%, nhưng vẫn thấp hơn tiềm năng và bình quân những năm trước đây.
      Tôi cho rằng ông Sang yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật và thúc đẩy nền kinh tế nâng cao hiệu quả, tăng trưởng cũng là một điều bình thường, phản ánh những điều ông được nghe nhiều cử tri nói trong các cuộc tiếp xúc.
      'Chuyển biến về đối ngoại'

      Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cao dân chủ và cải cách thể chế trong bài phát biểu đầu năm 2014

      Xóa
    2. BBC: Khi ông Sang nói phải nhận diện ai là bạn ai là thù trong từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể, ông có cho rằng điều này thể hiện thái độ thận trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản, mà ở đây cụ thể là với Hoa Kỳ và Trung Quốc?
      Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Theo tôi điều ông Sang nói thể hiện sự chuyển biến và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời gian gần đây.
      Trước đây Việt Nam cứ nhấn mạnh là làm bạn với tất cả các nước.
      Thế nhưng giờ đây Việt Nam đã cụ thể hóa là làm bạn để bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích dân tộc quốc gia và sẽ đấu tranh với bất kỳ đối tác nào xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình.
      Theo tôi đây là một bước cụ thể hóa, không có kẻ thù vĩnh viễn và không có bạn bè vĩnh viễn.
      Nếu trong sự việc này, anh hợp tác, ủng hộ tôi, thì tôi sẵn sàng hợp tác, ủng hộ anh và coi anh là bạn.
      Nhưng nếu trong một việc cụ thể khác, anh xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của tôi thì tôi sẽ kiên quyết phản đối và có thái độ rõ ràng.
      Tôi nghĩ đó là điều phản ánh nguyện vọng của người dân, đó là có thái độ cương quyết hơn, rõ ràng hơn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
      BBC: Khi Hoa Kỳ cổ súy cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội luôn xem đây là hành động can thiệp vào vấn đề nội bộ. Và khi nói phải xác định ai là bạn, ai là thù trong từng hoàn cảnh cụ thể, liệu bất đồng với Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền có mâu thuẫn với điều ông Sang đã nói về việc lấy lòng dân hay không?
      Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Theo hiến pháp năm 2013, Việt Nam tôn trọng các quyền tự do dân chủ và quyền con người.
      Vấn đề là các quyền đó phải được cụ thể hóa, được thể hiện bằng luật pháp và phải được thực thi.
      Hiện nay quan điểm về vấn đề nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rõ ràng có một khoảng cách.
      Tôi nghĩ Việt Nam vẫn tiếp tục tiến hành đối thoại thẳng thắn với Hoa Kỳ về vấn đề cụ thể này.
      Trong các vấn đề, hai bên có thể có ý kiến khác nhau. Việt Nam vẫn có thể hợp tác với Hoa Kỳ trong các vấn đề có sự đồng thuận, đồng thời tiếp tục thảo luận về các vấn đề có mâu thuẫn.
      Phát biểu của ông Sang không có nghĩa là Việt Nam coi Hoa Kỳ là kẻ thù trong vấn đề nhân quyền.
      BBC

      Xóa
    3. "Trong các vấn đề, hai bên có thể có ý kiến khác nhau. Việt Nam vẫn có thể hợp tác với Hoa Kỳ trong các vấn đề có sự đồng thuận, đồng thời tiếp tục thảo luận về các vấn đề có mâu thuẫn.
      Phát biểu của ông Sang không có nghĩa là Việt Nam coi Hoa Kỳ là kẻ thù trong vấn đề nhân quyền."
      VN và Mỹ tuy còn nhiều bất đồng về vấn đề nhân quyền nhưng trên các mặt khác thì có vẻ Viẹtnam ta đang dần theo Mỹ và lặng lẽ tách rời ảnh hưởng của Trung Quốc. Khuynh hướng thời đại là tất yếu như thế!

      Xóa