Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Ý đồ thực sự của Mỹ trong cuộc chiến chống IS

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

 Kỳ 1:
Liên minh chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng dường như ngày càng tức giận trước việc tổ chức này vừa thôn tính thêm thành phố chiến lược Ramadi ở tỉnh Anbar của Iraq có đa số người Sunni sinh sống, và Palmyra, thành phố lịch sử của Syria, cũng như Al-Tanf, nằm sát đường biên giới giữa hai nước này.

Trên thực tế, dường như liên minh đa quốc gia do Mỹ lập ra vào tháng 8/2014 để ngăn chặn bước tiến của IS ở Syria và Iraq… đã không làm gì để ngăn chặn bước tiến của IS, và rồi, cả Iraq và Mỹ đều đang tố cáo lẫn nhau.

Trong một bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nói: “Rõ ràng là quân lính Iraq đã tỏ ra không muốn chiến đấu. Họ đông hơn nhiều quân của đối phương, nhưng họ cứ án binh bất động”. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của IS đã làm dấy lên những sự chỉ trích về vai trò không hiệu quả của liên minh quốc tế và chiến lược của Mỹ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 8/2014 đến nay, liên minh này đã tiến hành hơn 3.000 trận không kích ở Iraq và Syria, song vẫn không ngăn chặn được bước tiến của IS. Các nhà phân tích cho rằng Mỹ đã không thực sự muốn ngăn chặn tổ chức này bởi vì chỉ trong 38 ngày không kích quyết liệt, Mỹ đã chiếm được Iraq của chính quyền Tổng thống Saddam Hussein, mặc dù quân đội nước này vào thời điểm đó đang rất mạnh.

Sau khi Ramadi thất thủ, Mỹ đã thừa nhận rằng nước này đang xem xét lại chiến lược ở Iraq, theo đó Mỹ dự định đào tạo và trang bị vũ khí cho các bộ tộc Sunni. Tuy vậy, nhiều người nhận xét rằng đấy không phải là lý do, mà cái chính là các cuộc không kích của liên minh rất hạn chế và nhằm vào những mục tiêu không mang tính chiến lược của đối phương. Và chính những cuộc chinh phục vừa qua bằng quân sự của IS ở Syria và Iraq cho thấy những hạn chế trong chiến lược quốc tế được thực hiện cho đến nay để chống lại bước tiến của tổ chức khủng bố này.
 .

Lực lượng dân quân dòng Shiite giơ cao quốc kỳ Iraq sau khi giành lại quyền kiểm soát thành phố Baiji từ IS.
Theo nguồn tin đáng tin cậy, hiện IS chiếm hơn 50% lãnh thổ Syria, với gần như đa số các mỏ dầu và khí đốt, mang về cho chúng nguồn thu hàng trăm nghìn USD mỗi ngày.

Phản đối việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chê bai quân đội Iraq, báo chí nước này nói rằng chính ông Carter đã quên rằng quân Iraq đã từng ngăn chặn được IS tiến vào Ramadi trong gần 18 tháng, và đã bảo vệ và giành lại được Amerli, ZSuleiman Beg, Tuz Khurmatu, Jurf al-Sakhar, Jalula Saadiyah, Khanaqin, Muqdadiyah, Baquba, Udhaim Dam, cũng như các mỏ dầu ở Alas, Hamrin, rồi nhà máy lọc dầu Baiji, cùng hàng chục ngôi làng ở nhiều tỉnh khác nhau. Trong khi đó, Hakim al-Zamili, một nghị sĩ nổi tiếng của Quốc hội Iraq, đã quy trách nhiệm cho Mỹ về việc Ramadi thất thủ, vì theo ông, Mỹ đã không cung cấp “thiết bị, vũ khí và sự hỗ trợ từ trên không đủ mức cần thiết” cho quân đội Iraq. Chưa hết, Phó Thủ tướng Saleh Mutlaq, một người Sunni gốc ở tỉnh Anbar, cũng cho rằng hành động của Mỹ là “chưa đủ” trong tất cả các lĩnh vực, và ngay cả các cuộc không kích của liên minh cũng chưa đủ mạnh để tiêu diệt được IS.

Mặc phía Iraq và Mỹ “đổ vạ” cho nhau, ở bên kia chiến tuyến, tổ chức IS ngày càng chiếm được nhiều hơn các thành phố lớn của người Sunni và công khai khoe rằng họ “có tay trong” và các đồng minh ở trong các khu vực này. Chính vì thế, các bộ tộc, và ngay cả trong các gia đình người Sunni cũng bị chia rẽ về vấn đề ủng hộ IS và tổ chức này không bỏ lỡ cơ hội để khoét sâu thêm những mâu thuẫn và sự chia rẽ, bất đồng ấy của đối phương.

Vì vậy, dường như Mỹ và Iraq không thể thực hiện được mục tiêu tổ chức, đào tạo và huấn luyện một lực lượng dân quân tinh nhuệ người Sunni để cùng chiến đấu chống IS bên cạnh quân đội nước này. Trong khi đó, khả năng liên minh do Mỹ tiến hành các trận không kích để làm tê liệt IS, cũng bằng không. Trong vòng 9 tháng qua, tổng cộng các đợt không kích của Mỹ và liên quân vào Syria và Iraq, vẫn ít hơn nhiều số lần Israel không kích trong chiến dịch chớp nhoáng kéo dài chỉ có trong ba tuần vào dải Gaza của Palestine hồi 2008 - 2009. Không ít người đặt câu hỏi rằng khi các thành phố Ramadi của Iraq và Palmyra của Syria thất thủ, thì các máy bay ném bom của Mỹ và liên quân đang ở đâu? Tại sao Không quân Mỹ dường như chỉ can thiệp một cách nghiêm chỉnh khi các đồng minh người Kurd của Mỹ bị đe dọa - như ở Kobane, Ain al-Arab ở Syria và Erbil ở Iraq?

Do cách hành xử của Mỹ như vậy, nhiều người Iraq cho rằng hãy quên đi những bài diễn văn (của các chính khách Mỹ và Iraq) nói đến một “Iraq thống nhất” với một “chính phủ trung ương hùng mạnh”. Còn ở Syria, người ta cũng bảo hãy quên đi những mục tiêu đã được thông báo ầm ĩ “thành lập các lực lượng ôn hòa” để “đánh đuổi tổ chức IS” ở Syria thông qua các đường biên giới Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo họ, đó chỉ là những lời nói rỗng tuếch, lời hứa suông.

Nếu người ta lưu ý một cách khách quan những lợi ích của Mỹ trong khu vực thì sẽ thấy rõ một thực tế khác hoàn toàn. Mỹ đang tìm cách duy trì sự bá quyền tuyệt đối của mình ở khu vực Trung Đông, ngay cả khi Mỹ đã chấm dứt sự chiếm đóng quân sự tốn kém ở Iraq và Afghanistan.

Những lợi ích hàng đầu của Mỹ là: có được dầu lửa và khí đốt với giá rẻ nhất; ủng hộ Israel và phá hoại ảnh hưởng của Nga (và Trung Quốc) trong khu vực này. Việc duy trì sự bá quyền của Mỹ sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu không có sự có mặt của một Cộng hòa Hồi giáo Iran hùng mạnh và độc lập, bởi nước này vẫn tiếp tục cản trở nhiều dự án của Mỹ trong khu vực. Vì vậy, sự bá quyền của Mỹ phụ thuộc một phần vào sự suy yếu của Iran và các đồng minh của Iran trong khu vực.

Kỳ 2
Bằng cách loại bỏ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq, Mỹ đã vô tình (dù không muốn) mở rộng vòng cung ảnh hưởng địa lý của Iran cho đến tận Palestine, điều này khiến cho dự án mở rộng các vùng định cư của Israel dễ bị tổn thương hơn.
 
Lực lượng tình nguyện tham gia chiến dịch chống IS tập trung huấn luyện tại Habaniyah, phía tây thủ đô Baghdad. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi còn đương chức, cựu Tổng thống George W. Bush đã sớm bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt trục kháng chiến này bằng cách ra sức vô hiệu hóa các đồng minh của Israel là phong trào Hezbollah ở Liban, Syria và phong trào Hamas ở Palestine, nhưng đều đã thất bại. Tuy nhiên, sau đó, phong trào Mùa Xuân Arập đã mang đến một cơ hội mới: Mỹ và các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và các nền quân chủ Arập ở vùng vịnh Persian chuyển sang hành động để tạo điều kiện cho một sự thay đổi chính quyền ở Syria. 

Mục tiêu bao trùm của hành động này là phá vỡ sự liên tục về địa lý - thông qua Iraq, Syria và Liban - giữa Iran và Palestine. Khi kế hoạch thay đổi chính quyền ở Syria thất bại, Mỹ đã chuyển sang kế hoạch 2: chia rẽ Syria thành nhiều thực thể cạnh tranh nhau để làm suy yếu Nhà nước trung ương và tạo ra một “vùng đệm” thân Mỹ nằm dọc biên giới với Israel. Cũng như vậy, Mỹ muốn chia rẽ Iraq để làm suy yếu chính phủ trung ương bằng cách kích động những sự chia rẽ giữa người Kurd, người Sunni và người Shiite. Và đây mới chính là những ưu tiên của Mỹ.

Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng 20 quốc gia trong liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu ở thủ đô Paris ngày 2/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ cần nhìn những gì Mỹ đã làm mới đây ở Iraq là thấy được chính xác kế hoạch bí mật này. Các cuộc không kích của Mỹ cho đến nay được coi là ác liệt nhất là khi thành phố Erbil của người Kurd và các vùng xung quanh bị tổ chức IS đe dọa. Quốc hội Mỹ đã vi phạm tất cả những tiêu chuẩn quốc tế bằng cách thông qua một đạo luật tán thành trang bị vũ khí trực tiếp cho các dân quân Sunni và người Kurd, mà không để mắt đến chính phủ trung ương ở Baghdad. 

Và bất chấp nhiều lời hứa và cam kết, Mỹ đã không thành lập được và cũng không trang bị có hiệu quả cho quân đội và các lực lượng an ninh của Iraq. Bởi vì một Iraq suy yếu và chia rẽ sẽ không có nguy cơ trở thành một cường quốc khu vực liên minh với Iran và trục kháng chiến chống Mỹ. Một Syria suy yếu và chia rẽ càng không có nguy cơ làm được như vậy. Nhưng nếu chừng nào không có sự kiểm soát của Mỹ đối với các chính phủ trung ương này thì cách thức duy nhất đạt được điều đó là gây ra một cuộc xung đột bè phái và sắc tộc dẫn đến việc lập ra những vùng đệm thân Mỹ ở bên trong các nhà nước của trục kháng chiến hoặc “một vùng đệm Sunni” thù địch, phá vỡ sự liên tục về địa lý giữa Iran với Palestine.

Tướng Walid Sukariyya, một người Sunni thân phe kháng chiến của Quốc hội Liban, nói: “Đối với Mỹ và Israel, có tổ chức IS tốt hơn là có một Iran, một Iraq và một Syria hùng mạnh... Nếu Mỹ đạt được các mục đích của mình thì Nhà nước Sunni ở Iraq sẽ phá hoại trục kháng chiến của Palestine”. Từ lâu nay, Mỹ đã tìm cách tạo ra một vùng đệm ở Iraq và ở biên giới Syria và đã ra sức tìm kiếm và dựng lên các nhà lãnh đạo Iraq Sunni chỉ biết tuân theo Mỹ, nhưng không đạt kết quả. Thí dụ minh chứng cho điều đó là đoàn các quan chức thành phố Anbar, do Tướng Mỹ John Allen chọn lựa vào tháng 12/2014, để thăm Washington, trong đó không có các đại diện của hai bộ tộc Sunni quan trọng nhất đang chiến đấu chống IS ở Iraq - các bộ tộc Albu Alwan và Albu Nimr. Một người phát ngôn của hai bộ tộc này đã phàn nàn với tờ báo Al - Jarida: “Chúng tôi chiến đấu chống IS, nhưng chúng tôi đang bị tàn sát bởi vì chúng tôi thiếu vũ khí. Trong khi đó, có những người khác tới Washington để lĩnh tiền, nhận vũ khí, để rồi họ sẽ được chỉ định làm các nhà lãnh đạo của chúng tôi”.

Đấy chính là mẹo chia rẽ người Iraq của Mỹ. Nhưng tại sao người Mỹ lại phớt lờ các nhóm Sunni đang chiến đấu chống IS? Chẳng phải đó là những đồng minh tự nhiên của Mỹ ở Iraq đó sao? Chừng nào những người Sunni chống IS không đủ mạnh, thì đấy mới là mục tiêu thực sự của Mỹ, vì khi ấy, IS dư sức để biến dự án “vùng đệm” của Mỹ thành thực tế cụ thể. Điều đó có nghĩa là Mỹ không cần chi nhiều tiền của, sức lực và không mất một giọt máu, nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu của mình - lập các vùng đệm giữa các quốc gia Iraq và Syria, và các vùng đệm ngay bên trong lãnh thổ từng nước, để không có được trong tương lai sự “liên thông” giữa Iran với toàn vũng lãnh thổ rộng lớn này, để kéo tới tận Palestine.

Thậm chí, nhiều nguồn tin báo chí nước ngoài còn nói rằng ngay từ năm 2014, nhiều nhà lãnh đạo Iraq đã lên tiếng than phiền về việc vũ khí của Mỹ được thả dù xuống cho IS. Trong khi đó, các nguồn tin quân sự Iraq đã công khai một sự thật là liên minh do Mỹ cầm đầu đã phớt lờ phần lớn những yêu cầu của Iraq về việc yểm hộ trên không và tác chiến trên bộ. Thủ tướng Iraq Haider Al - Abadi, được coi là một quan chức Iraq tương đối thân Mỹ, đang ra sức duy trì sự cân bằng giữa những lợi ích của Mỹ và của nước láng giềng hùng mạnh của Iraq là Iran, cũng đôi lần tỏ ý bất bình với Mỹ.

Sau khi Ramadi thất thủ và các thông tin xấu tương tự khác từ Syria, ông Al - Abadi đã không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng hạn chế những tổn thất của quân chính phủ, đã ra lệnh triển khai hàng nghìn dân quân ở tỉnh Anbar để giành lại quyền kiểm soát Ramadi. Ông kêu gọi Mỹ tăng cường khả năng quân sự cho Iraq, coi đây là khả năng duy nhất có thể giúp đẩy lùi các chiến binh IS, nhưng hiện vẫn không được đáp ứng. Trong khi đó, ưu tiên tuyệt đối của ông Al - Abadi là phá hủy “vùng đệm của IS” giữa Syria và Iraq, đương nhiên cũng không được Mỹ quan tâm, điều đó càng khiến người ta dễ nhận thấy mục tiêu thực sự của Mỹ trong cuộc chiến chống IS là gì.
TK (Theo tờ “Chính trị thế giới”)

2 nhận xét:

  1. Khi nào nhà nước Iran sụp đổ thì lúc đó Mỹ sẽ tiêu diệt IS. Nên Mỹ không muốn Nga tham gia liên minh chống IS.

    Trả lờiXóa
  2. Thế này mới biết, chơi với bọn Mỹ phải luôn cảnh giác. Nó lá mặt lá trái, chả biết đâu mà lần.
    Nghe bọn Mỹ tuyên truyền cũng nên thận trọng. Nó bảo IS là khủng bố xấu xa, nhưng chưa chắc là đúng.

    Mỹ ghét ai là Mỹ bảo họ xấu xa.

    Trả lờiXóa