Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Quan chức cấp cao Trung Quốc bị bắn chết ở Tân Cương



(Tin tức 24h) - Một quan chức cấp cao ở Trung Quốc đã thiệt mạng trong một cuộc bố ráp vào “hang ổ của những kẻ khủng bố” tại khu vực Tân Cương

Theo Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 12/12, ông Maimaitijiang Tuohuniyazi, người Duy Ngô Nhĩ, phó cảnh sát vùng Aksu thuộc tỉnh Tân Cương gần với biên giới với Cộng hòa Kyrgyzstan, đã bị giết chết khi đang làm nhiệm vụ.
“Để cứu một người dân bị bọn khủng bố bắt cóc, ông Tuohuniyaz lao mình vào hang ổ của chúng và đã hy sinh” - tờ báo viết.
Ông Meng Jianzhu, giám đốc an ninh quốc gia Trung Quốc đang ở thủ phủ Urumqi, đã chia buồn cùng vợ ông Tuohuniyaz và khen ngợi ông Tuohuniyaz là một người dũng cảm quên mình. Ông Meng nói rằng trong năm qua, các lực lượng an ninh đã thành công trong việc trấn áp khủng bố và ngăn chặn “hơn 98% âm mưu khủng bố”.
Liên quan đến tình hình Tân Cương, cách đây không lâu, ngày 20/11, Trung Quốc tuyên bố lực lượng an ninh nước này đã tiêu diệt 28 thành viên một nhóm “khủng bố” thực hiện cuộc tấn công làm chết 16 người tại mỏ than hồi tháng 9/2015 sau 56 ngày truy lùng.
  Quan chuc cap cao Trung Quoc bi ban chet o Tan Cuong
 Lực lượng an ninh Trung Quốc tại khu vực Tân Cương. Ảnh: Reuters
  
Tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc PLA Daily cho biết một đội cảnh sát đặc nhiệm trang bị vũ khí đã theo dõi và dồn những kẻ tấn công vào ngọn núi “như đại bàng phát hiện con mồi”.
PLA Daily dẫn lời một quan chức cao cấp kể rằng lực lượng đặc biệt đã sử dụng lựu đạn làm mù đối phương tạm thời và hơi cay để buộc những kẻ tấn công rời khỏi chỗ ẩn nấp nhưng không thành. Cuối cùng, họ đã “sử dụng súng phun lửa” - loại vũ khí có tính sát thương cao. Theo tờ báo, hơn 10 kẻ tấn công trang bị nhiều dao trên người chạy ra và cuối cùng đã bị “tiêu diệt hoàn toàn”.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố họ đang đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng từ các chiến binh Hồi giáo cực đoan và ly khai ở khu vực Tân Cương giàu năng lượng cận kề Trung Á, nơi hàng trăm người chết vì bạo lực trong những năm gần đây.
Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền tố Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của nhóm chiến binh câu kết chống chính phủ. Theo lập luận của những nhà nhân quyền, phần lớn sự bất ổn ở Trung Quốc bắt nguồn từ sự đàn áp của chính quyền đối với nền văn hóa và tôn giáo của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sống ở Tân Cương.
Bắc Kinh đã kịch liệt phủ nhận những cáo buộc trên. Tuy nhiên, việc kiểm tra độc lập về tình hình ở Tân Cương rất khó do chính phủ kiểm soát chặt chẽ các chuyến thăm của phóng viên nước ngoài.
Reuters bình luận các quan chức cấp cao ở Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra thách thức an ninh ở Tân Cương và biến nơi đây thành mặt trận trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Tuy nhiên, các nước phương Tây tỏ vẻ không hề muốn hợp tác trong chiến dịch “chống khủng bố” của Bắc Kinh và lo ngại vi phạm nhân quyền.
100 kẻ bịt mặt tấn công cơ quan chính quyền Nội Mông
Theo Đài phát thanh quốc tế CRI của Trung Quốc, vụ việc xảy ra tại trạm kiểm soát an ninh Malianjing, huyện Ejin Banner, Nội Mông lúc 15h30 chiều 6/12.
Chen Tiejun, phó trưởng huyện Ejin Banner, cho biết nhóm người này đeo mặt nạ, mang theo gậy gộc và đá. Chúng xông vào trạm an ninh, cắt đứt nguồn điện, phá hủy nhiều thiết bị và phun hơi cay vào cảnh sát.
Băng nhóm còn bắt cóc một số nhân viên an ninh, trói tay và bỏ họ lại trên sa mạc Gobi trong nhiệt độ dưới 0 độ C. Sau đó, chúng quay lại trạm để lấy điện thoại, quần áo và tiền. Khi rời trạm, chúng cắt đứt mạng lưới thông tin liên lạc, sử dụng hai xe tải để đi phá hủy các phương tiện, xe của cảnh sát trong trạm và các khu cảnh sát gần đó.
13 người bị thương và 11 chiếc xe cảnh sát bị phá hủy sau vụ việc. Cảnh sát đang truy lùng các nghi phạm.
Tú Nhi/ Đất Việt (Tổng hợp)

1 nhận xét:

  1. Bạo loạn ở TRung QUốc hiếm khi đi vào ổn định. Tân cương là khu vực mà có nhiều bất ổn nhất, và đây cũng là vùng nóng, nhạy cảm mà quốc gia này luôn muốn che đậy đi

    Trả lờiXóa