Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Kỳ 9 (cuối)- BÍ MẬT CUỘC HÔN NHÂN SÓNG GIÓ CỦA LÊ VŨ ANH- CON GÁI CỐ TBT LÊ DUẨN ĐƯỢC TIẾT LỘ QUA HỒI KÝ CỦA NGƯỜI CHỒNG- VIỆN SĨ MASLOV

Lời dẫn: Chuyện yêu đương giữa các sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là với công dân nước ngoài, một thời gian dài bị coi là vi phạm pháp luật, nếu có thai sẽ bị kỷ luật buộc thôi học và đuổi về nước ngay lập tức. Ấy vậy mà cô Lê Vũ Anh- con gái Cố TBT Lê Duẩn- cô sinh viên khoa Toán Lý,Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomolosov (MGU), dám công khai chống lại tất cả, chống lại cả ý kiến của cha mình, yêu rồi bí mật đăng ký kết hôn với người thầy giáo của mình- Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Viktor Maslop, người khi đó dù chưa hề kết hôn nhưng đã trên dưới 45 tuổi, hơn cô đến 20 tuổi! Để bảo vệ tình yêu, có giai đoạn căng thẳng, Lê Vũ Anh đã phải chấp nhận trốn tránh cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, trốn tránh cả bè bạn, người thân, thậm chí trốn tránh cả mật vụ KGB Liên Xô để cố thủ trong một “lô cốt” bê tông bí mật ở ngoại ô Moskva. Với vũ khí trong tay, Lê Vũ Anh sẵn sàng chống lại nếu có ai đó dùng bạo lực đến bắt cô.
Trong những năm tháng dài đằng đẵng “chiến tranh lạnh” với cô con gái yêu cứng đầu, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cấm không cho ai được nói chuyện về nàng, thậm chí chỉ là nhắc đến tên Lê Vũ Anh. Nhưng tất cả quà tặng thủa bé của cô con gái cứng đầu này đều được ông sắp xếp, giữ gìn cẩn thận trên bàn làm việc của mình. Khi một trong số những món quà đó bị ai đó lấy đi mất, Lê Duẩn đã làm ầm ỹ cả nhà, tạo nên một scandal nho nhỏ. Điều này có nghĩa là trong sâu thẳm lòng mình, ông vẫn rất yêu quý nàng, thương nàng như xưa mà không hề chối bỏ nàng ... Nỗi đau trong lòng ông Lê Duẩn càng tăng thêm khi hay tin dữ: Cô con gái cứng đầu Lê Vũ Anh đã đi xa vào năm 1981 ngay sau khi sinh nở lần thứ 3 do bị băng huyết.
Cuối những năm 70 thế kỷ trước, giai thoại về câu chuyện tình yêu của Lê Vũ Anh- cô con gái lớn của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và bà vợ hai- Bà Nguyễn Thụy Nga (tên thường gọi Nguyễn Thị Vân hoặc Bảy Vân) được thì thầm chuyền khẩu giữa các sinh viên Việt Nam tại Liên Xô. Không một tờ nào dám đăng tin.
Mãi gần đây, có một vài bài viết ngắn ở Nga và ở Việt Nam nhắc đến vài nét chấm phá mối tình như tiểu thuyết tình yêu Romeo và Juliet phiên bản Nga-Việt này. Toàn bộ pho “Tiểu thuyết tình yêu Romeo và Juliet phiên bản Nga-Việt” này được đưa ra công khai khi chính người trong cuộc- người chồng của Lê Vũ Anh- Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và Nga Viktor Maslop xuất bản cuốn Hồi ký 19 chương vào năm 2015 với tên gọi «Чтобы отвоеватьдетей, я был готов на все, даже на международный скандал», dịch “ĐỂ GIỮ ĐƯỢC BỌN TRẺ, TÔI ĐÃ SẴN SÀNG LÀM TẤT CẢ, THÂM CHÍ TẠO RA SCAN-ĐAN QUỐC TẾ“. Và bây giờ, lần đầu tiên trọn bộ cuốn Hồi ký này được một người bạn của chúng tôi, anh Phan Doc Lập dịch sang tiếng Việt. Được sự cho phép của dịch giả Phan Doc Lap, Google.tienlang cảm ơn anh Phan Doc Lap và xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Trọn bộ pho “Tiểu thuyết tình yêu Romeo và Juliet phiên bản Nga-Việt” này…
---------
Chú thích của Google.tienlang: 
Ở kỳ I chúng tôi đã có chút nhầm lẫn về độ tuổi của chị Lê Vũ Anh và Viện sĩ Maslov. Sau khi đăng Kỳ I lên trang fb của chúng tôi tại địa chỉ https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=185353168550156&id=100012264212885, 
dịch giả Phan Độc Lập cùng bè bạn đã giúp chúng tôi tìm được thông tin chính xác hơn như sau:
Trang wiki tiếng Nga cho thấy Viện sĩ sinh ngày 15/6/1930.
Đầu những năm 1970 ông quen biết với cô sinh viên Việt Nam Lê Vũ Anh, học tại khoa Lý MGU, con gái ông Lê Duẩn.
Họ cưới nhau năm 1975.
Họ sinh được 3 người con.
Ngay trong lúc sinh nở lần thứ ba (1981) thì Lê Vũ Anh qua đời.
Theo một bài báo ở VN : Năm 1964 bà Bẩy Vân chia tay chồng con vào Nam thì Lê Vũ Anh đã 14 tuổi. Tức cô sinh năm 1950.
Ông Lê Duẩn và bà Bẩy Vân cũng kết hôn năm 1950. Có lẽ kết hôn đầu năm và cuối năm thì sinh Lê Vũ Anh.
Năm 1975 Lê Vũ Anh kết hôn với ông Viện sĩ. Tức thời điểm này Lê Vũ Anh đã 25 tuổi. Ông Viện sĩ sinh năm 1930. Vậy khi kết hôn năm 1975 ông đã 45 tuổi, hơn LVA đúng 20 tuổi.
****************************

Kỳ 9 (Cuối)
(Việc phân kỳ của Dịch giả Phan Độc Lập không theo sự phân kỳ của bản gốc 19 kỳ)
-----
Gromyko con là Giám đốc Viện nghiên cứu Châu Phi của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Tôi kể lại cho ông ấy nghe về lịch sử tình yêu của tôi với nàng, cho ông ấy xem các hình ảnh của vợ với các con của tôi. Anatoly Andrayevich đã rất xúc động. Ông nói: "Anh viết đơn gửi trực tiếp vào tên của Gorbachev. Tôi hứa rằng ông ấy sẽ nhận được và đọc đơn của anh. Anh nên đính kèm thêm vài bức ảnh. Đặc biệt ở đây là ảnh của các cháu. Hình ảnh các con anh có tác động mạnh hơn bất kỳ lá thư nào". Tôi đã làm như lời ông khuyên bảo, và cùng với các bức ảnh tôi đính kèm theo tờ giấy ghi lời tuyên bố được Vũ Anh viết vào năm 1978. Một vài ngày sau đó, tôi sốt ruột không kiềm chế được và đã gọi điện cho Gromyko. Ông cho biết: "Từ quan điểm của anh, người ta đang xem xét". Tất cả chỉ có thế. Tôi không biết, phải nghĩ gì, phải hành động tiếp theo như thế nào nữa, thôi thì đành chờ đợi vận may có thể đến.
Để làm hài lòng bà ngoại, tôi gửi Anton vào Trường mẫu giáo trực thuộc Cục 4, nằm cách không xa nhà nghỉ ngoại thành của tôi. Tôi đã thỏa thuận với bà hiệu trưởng của Trường rằng bà tuyệt đối không được giao cháu cho bất kỳ ai ngoài tôi. Các bảo vệ hứa sẽ gọi điện thoại thông báo ngay cho tôi nếu xuất hiện "kẻ phá hoại" trong khu vực trường. Tôi đã hứa sẽ biếu họ bốn chai vodka Smirnoff chỉ có bán trong quầy hàng dành cho khách VIP, và họ sốt ruốt chờ đợi “kẻ phá hoại Việt Nam" mò đến. Chẳng bao lâu thì người đó đã xuất hiện. Bà Bảy Vân nhận được một sự phản kháng mạnh mẽ và buộc phải rời đi, không mang theo Anton được. Nhưng bà hiệu trưởng khẳng định, để giữ lại được Anton cho tôi bà ấy cũng đã khá hoảng sợ: "Tôi không thể chịu được "tai nạn" thứ hai nữa đâu đấy”.
Chắc không ai có thể hình dung nổi những gì chúng tôi đã buộc phải chịu đựng thời gian đó. Nói chuyện với bạn bè, và họ đã tìm thấy một ngôi nhà cho chúng tôi ở Belarus – trong một góc rừng kín đáo và yên tĩnh thuộc vùng Belovieza. Trong vòng bán kính năm cây số không có một bóng người. Tôi cùng Lena, Tanya, Anton và bảo mẫu của bọn trẻ sống ở đây trong vài tháng. Nơi đây đúng là một thiên đường thực sự cho bọn trẻ. Bọn trẻ đến bây giờ vẫn còn nhớ những khu rừng nguyên sinh, những khoảng trống mọc đầy nấm và quả dại, các loại động vật và chim gần như đã thuần hóa, chúng hiền lành không có cảm giác sợ người lạ. Những con nai tha thẩn đi đến gần ngôi nhà chúng tôi ở, chúng làm cô bảo mẫu sợ hãi, Gần đó những chú bò rừng nhởn nhơ gặm cỏ. Ở Belarus, Anton trở nên hoàn toàn khác, cậu đã làm bạn và thân thiện hơn với 2 chị và bắt đầu một chút có thể nói được tiếng Nga.
Tôi vẫn chưa nhận được tin tức từ Moscova, nhưng luôn nuôi hy vọng vào những điều tốt nhất. Tôi nghĩ rằng Gorbachev không muốn có thêm một Sakharov thứ hai - Viện sĩ bất đồng chính kiến. Để dành lại bằng được các con, tôi đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì, ngay cả tạo ra một vụ bê bối quốc tế. Một vài tháng sau đó, thông qua một người bạn Việt Nam của tôi, người có quan hệ gần gũi với gia đình Vũ Anh, tôi được biết rằng, ông Lê Duẩn đã từ bỏ ý định tranh dành bọn trẻ với tôi. Ông nói: "Một người bố như ông ấy quá yêu con mình như vậy, đành phải để các cháu ở lại sống với ông ấy thôi." Rõ ràng, hai nước cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề này, ông Gorbachev và ông Lê Duẩn đồng ý để cho gia đình chúng tôi được yên thân, không gây thêm sóng gió gì nữa. Từ thời điểm này, đã kết thúc sự đau khổ của tôi vì luôn phải lo lắng sợ xa cách những đứa con còn bé bỏng của tôi. Một năm sau đó, ông Lê Duẩn qua đời.
Trong những năm cuối thập niên tám mươi và chín mươi, tôi đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Là giáo sư thỉnh giảng của nhiều Trường Đại học tại Mỹ, Anh và Pháp. Sau khi Liên Xô tan vỡ, nước Nga lâm vào khủng hoảng trầm trọng, dẫn đến thời kỳ khó khăn toàn diện. Khoa học trì trệ, “khô héo”, người ta trả lương cho các nhà khoa học như của bố thí, mà trên tay của tôi có những ba đứa con. Cần phải bằng cách nào đó kiếm được thêm thu nhập. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc lưu vong sống ở nước ngoài. Tôi tăng cường nhận đi giảng bài ở nước ngoài, luôn mang theo bọn trẻ và người vợ thứ hai Irina. Chúng tôi đã kết hôn vào năm 1991. Vơi Ira, tôi là người quen của cô ấy đã lâu, từ khi Vũ Anh vẫn còn sống. Cô ấy cùng tuổi với nàng. Ira là nhà ngôn ngữ học, phó tiến sỹ khoa học. Sau cái chết của nàng, giống như nhiều bạn bè và những người quen biết của tôi, cô ấy đã giúp đỡ tôi với các con. Đối với tôi, quan hệ của cô ấy với bọn trẻ cũng không kém phần quan trọng hơn cảm xúc của hai chúng tôi.
 Ira - người phụ nữ tuyệt vời đáng kinh ngạc. Sau khi chúng tôi kết hôn, cô quyết định không có con chung với tôi, để không trở thành một người mẹ kế, và hoàn toàn có thể toàn tâm, toàn ý chăm sóc bọn trẻ như một người mẹ đẻ thực sự cho Lena, Tanya, và Anton.

Cả ba đứa con của tôi sống ở nước ngoài, mặc dù khi chúng còn trẻ, tôi không có kế hoạch cho chúng du học ở bất kỳ đâu đó tại các trường đại học phương Tây. Chúng đều học và tốt nghiệp ở trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moscova (MGU). Nhưng sau đó tại Moscova tràn ngập nhiều người với vẻ ngoài mang dáng dấp Châu Á. Và họ đã bắt đầu làm nổi lên nhiều vấn đề. Với Tanya, ví dụ, đã gặp ngay trải nghiệm khó chịu trực tiếp ngay tại nhà nghỉ ngoại ô của chúng tôi. Một cảnh sát vô tình nhìn thấy Tania và nhầm lẫn, kết luận cho rằng Tania là dân di cư bất hợp pháp từ Trung Á, và tôi đã suýt bị buộc tội "chứa chấp".
Những tình huống như vậy xảy ra rất nhiều và còn xa mới được xem là vô hại. Chúng tôi đã họp gia đình và quyết định rằng các con tôi tốt hơn hết là di chuyển đến và định cư sống ở Châu Âu, nơi mà người dân đã quen với xã hội đa sắc tộc. Kết quả là, Tanya và Anton định cư ở Anh, và người lớn tuổi nhất, Lena, - ở Hà Lan. 

 Lena và chồng tại đám cưới của mình
Lena kết hôn với một người Hà Lan từ một gia đình quý tộc cũ cấp tỉnh. Cậu ấy là một nhà phân tích kinh doanh và đã từng là khách hàng của một công ty máy tính của Anh Quốc, nơi Lena làm việc. Mối tình lãng mạn của họ bắt đầu ở Anh Quốc.
Sau khi kết hôn, đôi trẻ đã định cư ở Hà Lan, trong một thị trấn nhỏ mất một giờ chạy xe từ Amsterdam. Lena - kiến trúc sư phần mềm máy tính, trong nghề nghiệp của mình đã đạt đến đỉnh điểm. Lena đơn giản chỉ là một chuyên gia lành nghề, được công ty đó đánh giá cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công việc. Sau khi cưới Lena đã có một đứa trẻ nhỏ - con gái Anna đã được sinh ra vào năm ngoái. 
Còn Tanya sinh con vào năm nay - con trai Oscar. Tại Moscova, Tanya tốt nghiệp Đại học Tổng hợp quốc gia Moscova với bằng "ngôn ngữ học", ở Anh Tania thay đổi nghề nghiệp, cũng như Lena, Tania cũng đã trở thành một lập trình viên. 
Tania sống ở vùng ngoại ô của Bristol với chồng là một người Anh. Tanya yêu động vật từ khi còn nhỏ và khi đến định cư ở Anh đã mang theo 2 con chó và 1 con mèo của mình. 
Anton cũng tốt nghiệp MGU ở Khoa Toán học tính toán và Điều khiển học. Anton cũng làm công việc liên quan với máy tính và sống không xa với chị gái của mình.
Anton chưa kết hôn và tôi sợ rằng, nó sẽ không kết hôn sớm. Rõ ràng, chắc nó muốn đi theo con đường tôi đã qua về chuyện hôn nhân.
Tất nhiên, tôi sẽ rất vui nếu các con sống gần đây, chứ không phải cách xa hàng ngàn km như bây giờ. Nhưng vậy đó, cuộc sống vốn đa dạng và phức tạp. Tôi nói chuyện với các con mỗi ngày - trên Skype. Cứ đến hè là bọn trẻ lại bay về Moscova và gần như ngay lập tức chúng đến Seliger, nơi chúng tôi có một ngôi nhà ven đô. Tôi và Ira dành phần lớn thời gian của chúng tôi ở nhà nghỉ ngoại ô. Ở đây nghỉ ngơi tốt mà lại có thể làm việc. Tôi tiếp tục nghiên cứu khoa học, đó là niềm vui lớn, tôi có rất nhiều công việc cần phải làm cho xong. Tôi đã hoàn toàn nghỉ ở Trường đại học chế tạo máy điện tử Moscova.
Viện nghiên cứu của tôi được tăng cường đáng kể, trở thành một phần của Viện Nghiên cứu Quốc gia- "Trường cao cấp kinh tế." Điều này trùng hợp với các kế hoạch khoa học của mình và tạo ra cho tôi niềm cảm hứng và nhiệt tình sáng tạo. Ngoài ra, tôi còn là cộng tác viên khoa học của Viện các Vấn đề Cơ học và Trưởng bộ môn thống kê và lý thuyết trường lượng tử tại Khoa Vật lý của Đại học Tổng hợp quốc gia Moscova (MGU) thân yêu của mình. Trong năm 2013, lần thứ ba, tôi trở thành người chiến thắng dành được giải thưởng Nhà nước cho những đóng góp về sự phát triển các cơ sở toán học của nhiệt động lực học hiện đại.
Khi tôi làm việc, tôi cảm thấy đôi mắt nàng đang nhìn vào tôi. Trong phòng làm việc đã nhiều năm tôi treo một bức ảnh chân dung lớn của nàng. Tôi nghĩ, nàng hài lòng với cuộc sống hiện tại tuy phức tạp nhưng tràn ngập đầy hạnh phúc của các con. Trong mọi trường hợp, quan điểm của nàng tuy cứng nhắc nhưng theo tôi, vẫn chấp nhận được. Tôi thường mơ thấy nàng, trẻ trung và hạnh phúc.
Nàng di chúc để lại các con cho tôi chăm sóc. Nàng muốn chúng sống ở Liên Xô và lớn lên trong truyền thống văn hóa Nga. Nếu không có Ira, có lẽ tôi đã không thể thực hiện được mong muốn đó của nàng. Điều quan trọng nhất là bọn trẻ đã chưa bao giờ cảm nhận thấy bị mồ côi. Và nếu không có Ira thì chúng đã không hấp thụ được văn hóa và tinh thần Nga. Bởi vậy mà bây giờ bọn trẻ vẫn mang bản sắc Nga, cho dù chúng có sống ở bất cứ nơi đâu trên quả đát này.
Đôi khi trong tôi xuất hiện cảm giác, rằng nàng chưa chết, nàng vẫn còn sống và chỉ đi vắng đâu đó. Có một thời gian, tôi đã suy nghĩ về việc làm thế nào để trả các vật kỷ niệm của vợ: một lần đi đến “cạnh nàng" ở Việt Nam. Vào cuối những năm chín mươi, tôi được mời dạy ở Hồng Kông. Khoảng cách từ Hồng Kông đến Thành phố Hồ Chí Minh, nơi bà Bảy Vân đang sống, cũng không xa. Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định không đi. Bọn trẻ di chuyển đến Hồng Kông căng thẳng, mệt mỏi quá, rồi còn phải thích nghi với khí hậu, nước, thực phẩm hoàn toàn khác nhau. Tôi sợ rằng chúng sẽ bị ốm.
Sau này, khi trưởng thành, Lena, Tanya và Anton đã đến Việt Nam hai lần và gặp gỡ với người thân bên ngoại. Chúng đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu. Ở đất nước này người ta vẫn giữ gìn danh tiếng của Lê Duẩn, giống như chúng ta có trong thời kỳ còn chế độ xã hội chủ nghĩa - Lenin. Trong mỗi thành phố có một con đường hay một quảng trường được mang tên ông. Với các cháu của lãnh tụ được người ta đối xử tôn trọng. Bà góa phụ của ông vẫn còn sống. Bà Bảy Vân đã gần chín mươi tuổi. 


Dịch giả Phan Độc Lập

 ===================== 

13 nhận xét:

  1. Cuốn hồi ký được viết ra bởi một nhà bác học nên vô cùng xúc tích và đầy những trải nghiệm đắt giá cho không chỉ những người trong cuộc.

    Về những người phụ nữ,có hai nhân vật tuyệt vời đó là nhân vật chính,Vũ Anh và bà Ira,người vợ kế của ông viện sĩ.

    Nếu cần có một tấm gương sống vì mọi người thì người đó chính là bà Ira.Phụ nữ lấy chồng ai chả muốn có và được chăm bẵm đứa con do mình sinh ra ,nhưng bà Ira đã vì cảm thương hoàn cảnh đặc biệt những đứa con của Vũ Anh gặp phải nên bà ấy đã tự nguyện không sinh đẻ ,thay thế Vũ Anh chăm sóc 3 con riêng của ông Máslov.Không lời nào hơn là hai chữ tuyệt vời cho bà Ira!

    Vũ Anh,người phụ nữ sinh đẹp có đôi mắt và cái nhìn ngay thẳng sâu thăm thẳm như cha nàng,một người phụ nữ biết vượt qua truyền thống ngàn đời , chọn cho con mình người chồng tốt không thể hơn về gien giống (ông bác học này có mái tóc xoăn xoăn giống người Do thái cực thông minh?).

    Vũ Anh cũng xứng đáng được khen ngợi khi cô giống như một con chim bé nhỏ nhưng sẵn sàng tấn công những chú quạ đen to lớn bảo vệ đến cùng đàn con và cái tổ ấm của mình dù biết trước là mạng sống của mình có thể bị đe dọa vì việc này !

    Vũ Anh với tầm nhìn vượt xa truyền thống văn hóa lúa nước ,thay vì ngại ngùng cho những đứa con mang tiếng tha phương cầu thực nàng di chúc muốn các con nàng được sống và hưởng thụ văn hóa Nga,lãng mạn nhưng cũng rất bác học.Giữa an cư và lạc nghiệp,Vũ Anh đã chọn cho con nàng lạc nghiệp làm gốc thay vì tư duy an cư(yên bình) rồi mới lạc nghiệp(phát triển)mà nhiều người VN đến tận ngày nay vẫn ngộ nhận !

    Còn ông chồng cũ của Vũ Anh,bác Văn(là bác Đinh Dũng ?)thì cũng nên được chia sẻ chuyện tề gia bởi lấy vợ là công chúa tức gần vua thì cũng chả khác gần hổ là mấy ,người phương Đông xưa từng đúc kết vậy từ ngàn năm rồi.Ông viện sĩ Maslov ngoại đạo nên có lẽ không tường chuyện này và như lời ông này trong hồi ký thì dù có thi vị hóa kiểu gì thì cái con hổ vô hình ông buộc phải gần ấy cũng đã làm ông ấy phải lên bờ xuống ruộng nhiều phen.

    Và cuối cùng thì ông Lê Duẩn ,một người CS thuần khiết đến hơi thở cuối cùng cũng đã có đàn cháu đến ba đứa tiên phong xây dựng,thúc đẩy chủ nghĩa tư bản mau "giãy chết" !

    Liệu đây có phải là hiệu ứng quả báo ,rằng đời cha ông mặn mà CNCS thì đời con cháu khát khao CNTB , theo thuyết biện chứng lượng đổi thì chất đổi ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cho tớ hỏi bác Văn Lâm một tí: Bác biết họ, tên đầy đủ của người chồng trước của cô Vũ Anh không vậy? Nếu bác biết cho tớ xin

      Xóa
    2. TƯỞNG LÀ TỬ TÊ - CÂU CUỐI LÒI ĐUÔI "KHỐN NẠN"

      Xóa
    3. 1. "Xúc xích" chứ không phải "xúc tích" văn lâm nhỉ.
      2. Đinh Dũng là con ông Đinh Nho Liêm. Nguyên TT Bộ Ngoại giao.

      Xóa
    4. Cảm ơn bác chien nguyen ,có lẽ "súc tích " thì đúng hơn.

      Xóa
  2. Đinh Nho Dũng, con ô. Đinh Nho Liêm.

    Trả lờiXóa
  3. Văn Lâm là rận chủ thì trước sau cũng là kẻ bẩn, hút máu và vô liêm sỷ.

    Trả lờiXóa
  4. Đọc hết Trọn bộ 9 kỳ Hồi ký, thấy cuộc dời bác Lê Duẩn và bà Bẩy Vân cũng hết sức gian truân. Bao nhiêu năm dài kháng chiến trường kỳ chống Pháp rồi lại chống Mỹ, chống bành trướng Bắc Kinh+ Polpot... là bấy nhiêu năm vợ chồng ông trực tiếp lăn lộn, đồng hành cùng dân tộc.
    Ngay cả khi kháng chiến thành công, ông LD ở đỉnh cao quyền lực nhưng gia đình con cái ly tán, mỗi người một nơi như lúc còn chiến tranh...

    Qua hồi ký của Viện sĩ Maslov, dù bất đồng quan điểm về hôn nhân, về nuôi dạy con cháu nhưng, theo lời ông Maslov thì ông Lê Duẩn+ bà Bẩy Vân vẫn là người cha, người Mẹ đáng kính, hết lòng yêu con thương cháu.
    Ở phía ngược lại, cả cô Lê Vũ Anh cùng chồng cũng hết lòng yêu kính bố mẹ, thương con.
    Nhưng "bi kịch" ở chỗ, cả 2 "phe" không thể thống nhất được quan điểm về chuyện LVA lấy ông Viện sĩ!
    Chính cái "bikichj" này là cốt của câu chuyện tình này, làm nên một Romeo & Juliet phiên bản Nga- Việt.
    Rất may là ở phiên bản này, đoạn kết có hậu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
    2. Tôi đề nghị chủ nhà xóa ý kiến suy diễn bậy bạ của rận xĩ vãi lờ đi.Anh rận xĩ vãi lờ là rận thì đương nhiên phải NGU.
      Nhưng NGU ở đâu thì kệ xác anh ta.
      Còn ở đây, cái NGU của anh ta ảnh hưởng tới tình cảm của biết bao người.
      Cụ Duẩn là học trò xuất sắc của Cụ Hồ.
      Viết thế là đủ.

      Xóa
    3. Nhất trí với ý kiến ông Trần.
      Anh cu rận xĩ vãi lờ muốn "phản biện" ý kiến bạn Trang-Saigon đây mờ!
      Bạn Trang cho rằng"
      ----
      Chính cái "bikịchh" này là cốt của câu chuyện tình này, làm nên một Romeo & Juliet phiên bản Nga- Việt.
      Rất may là ở phiên bản này, đoạn kết có hậu.
      ----
      Anh bạn vl chắc không biết Romeo & Juliet.
      Bạn Trang so sánh giữa R&J bản gốc Anh với R&J phiên bản Nga- Việt nên rút ra kết luận đoạn kết trong phiên bản mới là CÓ HẬU.
      Điều đó là hoàn toàn ĐÚNG.

      Xóa
  5. Bài này tôi thấy GT không nên đăng, vì dù Maslov có thể là người tốt, người tài nhưng thế giới quan của ông ta cũng có vấn đề. Nói thẳng ra là sai. Mới đây nhất là có bài của ông Lê Kiên Thành nói quan điểm của gia đình cố TBT LD rất đúng đắn và cho thấy Maslov có vấn đề, mời mọi người nên đọc http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Ve-cau-chuyen-tinh-cua-con-gai-Tong-Bi-thu-Le-Duan-voi-vien-si-khoa-hoc-Nga-405658/

    Trả lờiXóa