Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

VỀ VIỆC TRẢ TIỀN KHI HÁT TIẾN QUÂN CA


Về việc trả tiền khi hát Tiến Quân Ca

Đây là bài viết của tác giả Hà Văn Tiện gửi đến Blog Hahien. Bài viết dưới góc độ pháp luật, rất đáng để suy ngẫm. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Nhạc sĩ văn Cao, tác giả bài Tiến Quân Ca (Ảnh: Internet)

Từ khoảng hai tuần gần đây, vấn đề thu phí tác quyền bài Tiến Quân Ca được nêu lên, xuất phát từ yêu cầu của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và những người thừa kế nhạc sĩ Văn Cao (dưới đây gọi chung là chủ sở hữu cho gọn), sau đó là ý kiến của một số người.

Câu chuyện đang được nhiều người bàn luận có gì đó không ăn nhập với nhau. Nguyên nhân thật dễ hiểu : phía chủ sở hữu đặt vấn đề theo phương diện pháp luật về kinh tế và quyền sở hữu, , trong khi nhiều người lại tiếp cận vấn đề theo phương diện đạo lý, đạo đức, tình cảm v.v…, là những phạm trù chưa được luật hóa. Cũng có người nêu vấn đề pháp lý, nhưng chưa đầy đủ. Khi một bên nói về cái LỢI theo quy định của pháp luật mà bên kia đem chuyện cái DANH theo quy tắc của đạo lý ra bàn thì muôn năm không có hồi kết, giống như những người điếc nói chuyện với nhau vậy.

Chủ sở hữu giữ quyền chủ động của câu chuyện, có quyền thu hay không thu tiền khi bài hát được sử dụng, vì thế, người viết bài này chọn cách tiếp cận vấn đề giống như chủ sở hữu, tức là chỉ xem xét thuần túy khía cạnh pháp luật của vấn đề, bỏ sang một bên những hỉ, nộ, ái, ố…, những khái niệm tự trọng, tự hào, vinh dự, vinh quang …, bỏ qua việc hát Tiến Quân Ca thì nên rưng rưng nước mắt hay không, bỏ qua những bình phẩm NÊN thế này, KHÔNG NÊN thế kia, thậm chí không quan tâm đến gia cảnh (sung túc hoặc khó khăn) của những người thừa kế bài hát vì đấy là chuyện riêng, có khi còn là bí mật đời tư của cá nhân nữa. Chỉ bàn đến những chuyện ĐƯỢC HAY KHÔNG ĐƯỢC, PHẢI HAY KHÔNG PHẢI, theo ngôn ngữ đặc trưng của pháp lý mà thôi.

Khi xem xét vấn đề theo pháp luật (nhất là vấn đề sở hữu, kinh tế, tiền bạc) thì nhất định phải theo cách chẻ sợi tóc làm tư, làm tám… một cách vô cảm, như một câu ngạn ngữ của phương Tây (nơi có nền kinh tế thị trường đích thực) là “khi nói đến tiền là kết thúc tình hữu nghị”.

Dưới đây xin xem xét lần lượt từng chi tiết.

1. Tác quyền Tiến Quân Ca gồm những gì ?

Tiến Quân Ca là một bài hát, gồm phần nhạc và phần lời. Phần nhạc là của Văn Cao, phần lời trước đây đã có tranh chấp, cho đến nay không thấy khiếu nại gì nữa, cho nên cũng thuộc về Văn Cao, trừ trường hợp một thời điểm nào đó ở tương lai trong giai đoạn bài hát còn được bảo hộ quyền tác giả, một người nào đó chính thức khiếu kiện kèm theo bằng chứng, lúc đó vấn đề sẽ được xem xét theo pháp luật. Lời bài hát cũng đã được sửa vài chỗ so với bản gốc, được xác nhận là đã có sự đồng ý của Văn Cao, cũng không có ai đòi chia tác quyền về lời. Do đó ở thời điểm này, Tiến Quân Ca được xem là thuộc về Văn Cao 100%.

2. Những ai được thừa kế quyền sở hữu Tiến Quân Ca ?

Vấn đề thừa kế là chuyện nội bộ của mỗi gia đình, nhưng khi vấn đề tác động đến xã hội thì không còn là việc riêng nữa. Đố với Tiến Quân Ca, vấn đề này quyết định đến quyền thu tiền và mức thu tiền, dù rằng cả hai chuyện này đều thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu.

Ai được thừa kế là quyền của ông Văn Cao nếu ông để lại di chúc. Nếu không thì theo quy định của Bộ Luật Dân sự, những người này là bà Thúy Băng, các con và các đối tượng luật định. Mỗi người được hưởng một phần theo sự phân chia của Luật.

Việc bà Thúy Băng có văn bản gửi cơ quan nhà nước thông báo hiến tặng Tiến Quân Ca cho Nhà nước, nếu không được sự đồng ý của các đồng sở hữu khác được coi là vượt quyền. Vậy thì văn bản đó chỉ được xem là cá nhân bà Thúy Băng tuyên bố chính thức và công khai từ bỏ phần thừa kế cúa riêng mình, và bà Thúy Băng có thể lấy lại quyền ấy khi chính thức có văn bản tuyên bố rút lại văn bản trước. Tuy vậy cho đến nay bà Thúy Băng chưa làm việc đó.

Như vậy, bà Thúy Băng đã không còn quyền thừa kế một phần của Tiến Quân Ca nữa, cho dù Nhà nước không có phản hồi gì về tuyên bố của bà. Những người thừa kế của ông Văn Cao còn quyền thừa kế PHẦN CÒN LẠI của Tiến Quân Ca chứ không có quyền sở hữu toàn bộ tác phẩm nữa.

3. Ai được quyền thu tác quyền ?

Các chủ sở hữu có thể trực tiếp đứng ra thu hoặc ủy quyền cho một cá nhân hay tổ chứ nào đó thu thay mình. Từ đó, thấy rằng giữa những người đang thừa kế Tiến Quân Ca với người được ủy quyền ( ở đây là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) nhất thiết phải có một hợp đồng ủy quyền, có đầy đủ chữ ký hoặc bằng chứng cho thấy TẤT CẢ những người đang sở hữu Tiến quân ca đều ủy thác việc này cho Trung tâm. Bởi vì nếu có ai đó không ủy thác việc này thì quyền của Trung Tâm bị hạn chế một phần, sẽ có khả năng người sử dụng bài hát bị thu tiền hai hoặc nhiều lần cho một vụ, vì người không ủy quyền cho Trung tâm có quyền trực tiếp thu tiền cho phần sở hữu của mình , song song với quyền của Trung tâm thu hộ những người còn lại.

4. Thu tác quyền Tiến Quân Ca trong trường hợp nào ?

Câu trả lời là “trong mọi trường hợp, và quyền quyết định hoàn toàn thuộc về chủ sở hữu”.

Tuy thế, quy về có hai trường hợp cụ thể sau, là sử dụng Tiến Quân Ca khi là nghi lễ bắt buộc và những vụ khác.

Trước hết, cần phải nói ngay là việc thu và trả tiền tác quyền là một hợp đồng thương mại, giữa môt bên bán và một bên mua. Việc ký kết hợp đồng thương mại được tuân theo nhiều quy định, trong đó có quy định về tự nguyện không bị ép buộc của các bên và nguyên tắc công bằng.

Đối với trường hợp là nghi lễ bắt buộc, (ví dụ như cử quốc ca khi mở đầu trận bóng đá có đội tuyển VN dự, hoặc khi vận động viên VN lên nhận huy chương vàng trong cuộc thi quốc tế…) người chơi nhạc hoặc hát Tiến Quân ca không có quyền lựa chọn nào khác là phải sử dụng dù muốn hay không, và nguyên nhân là do Quốc hội quyết định lấy Tiến Quân Ca làm quốc ca. Đối với trường hợp này, nguyên tắc tự nguyện và không bị ép buộc bị phá vỡ, và do đó việc thương lượng giá cả mất đi tính công bằng. Bên mua là bên bị bắt buộc phải sử dụng bài hát là bên yếu thế, sẽ dẫn đến bị bên bán ép giá không hợp lý mà vẫn phải trả tiền.

Hiện nay chưa có quy định nào về trả tiền trong trường hợp này, sẽ gây khó cho các bên. Tôi đề xuất kiến nghị người trả tiền trong trường hợp này là Quốc hội (lấy từ ngân sách Nhà nước), vì Quốc hội thông qua Hiến pháp chọn Quốc ca. Nếu được như vậy, công việc của Trung Tâm đơn giản chỉ là gửi báo giá cho Quốc hôi và nhận tiền là xong.

Đố với các trường hợp còn lại, quyền của bên bán và bên mua trở lại công bằng và tự nguyện. Chỉ lưu ý bên mua có quyền yêu cầu bên bán cung cấp bằng chứng về quyền và phạm vi quyền của mình. Bên bán có quyền ra giá, có quyền bán hoặc không bán, bên mua có quyền mặc cả, có quyền mua hoặc không mua, thỏa thuận được thì hoàn tất hợp đồng, không thỏa thuận được thì chia tay, sau đó dành chỗ cho “tình hữu nghị” nảy nở kết hoa.

5. Mấy lời kết.

- Người viết bài này có chút ít hiểu biết về pháp luật nhưng không phải là chuyên gia về pháp luật, do đó những ý kiến trên đây khó tránh khỏi có chỗ chưa đúng hoặc chưa đủ, mong được những người am hiểu chỉ dẫn thêm.

- Người viết không có ý tư vấn gì gì đó cho bên bán vì biết rằng bên ấy sống và làm việc bằng pháp luật, họ hiểu biết rành rẽ chuyện này. May ra thì có bên mua nào đó tham khảo ý kiến của người viết thì cũng xem là có ích.

- Người viết dự phòng khả năng có bạn nào đó nhận xét là làm dung tục hóa vấn đề. Người viết nhận về mình cái ý “dung tục hóa” với lý do là khi nói chuyện về tiền bạc thì không tránh được chuyện dung tục vốn là bản chất của tiền bạc.

H.V.T

Chép từ Tre Làng

11 nhận xét:

  1. Mọi quốc gia đều có Quốc ca của riêng mình, vậy không biết họ xử lý vấn đề này thế nào nhỉ? Chiểu theo luật thì chủ sở hữu hoặc người thừa kế có quyền thu khoản thù lao này. Tuy nhiên giải quyết cứng nhắc như vậy nghe ra không thỏa đáng bởi lúc ấy bài Quốc ca trở lên tầm thường như những bài hát khác và nó mất đi tính thiêng liêng cần có của nó. Vì vậy, trong trường hợp này cần phải xử lý như một trường hợp cá biêt/đặc biệt. Theo tôi, cách hợp lý nhất là Nhà nước nên bỏ tiền mua đứt đoạn bản quyền bài hát này 1lần, còn giá cả là do 1cơ quan đại diện của Nhà nước đứng ra thỏa thuận với bên chủ sở hữu/người được quyền thừa kế theo quy định của PL. Ngoài ra cũng cần tham khảo cách xử lý vấn đề này của các nước trên thế giới để áp dụng cho phù hợp với đạo lý, truyền thống văn hóa của VN.

    TB: Nếu như khi còn sống NS Văn Cao tự mình viết giấy hiến tặng thay vợ mình là bà Thúy Băng thì sự việc đơn giản hơn nhiều và ý nghĩa biết mấy.

    Trả lờiXóa
  2. Cách đây vài năm, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ của nhạc sĩ Văn Cao, đã có văn bản hiến tặng tác phẩm này cho Quốc hội (vì quốc hội đã quyết định chọn Tiến quân ca làm quốc ca) chứ không phải cho Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Đề nghị chưa được phản hồi chính thức từ phía nhà nước mặc dù Tiến quân ca đã mặc nhiên trở thành tài sản quốc gia khi được chọn làm quốc ca Việt Nam từ 1946. Tuy nhiên, theo pháp luật, Tiến quân ca - tác phẩm của Văn Cao, là một trong những tài sản gia đình sau khi ông mất, có người thừa kế cụ thể. Ngoài bà Thúy Băng còn có các con của tác giả. Lâu nay, gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã ủy quyền và Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc việc thu hộ bản quyền các tác phẩm của nhạc sĩ. Việc bình thường là ở chỗ đó.

    Bình thường bởi dù là quốc ca, được ghi rành rành trong hiến pháp, nhưng chưa được chính thức công nhận sự hiến tặng của gia đình tác giả. Trước đây do điều kiện chiến tranh, phải trưng dụng tất cả cho cuộc chiến. Bây giờ đất nước thống nhất, phải làm đúng qui trình và luật bản quyền, cả trong nước lẫn quốc tế. Không chỉ Văn Cao mà bất cứ tác giả và gia đình nhạc sĩ nào cũng rất tự hào nếu có tác phẩm được chọn làm quốc ca. Theo nhạc sĩ Văn Thao, con trai trưởng của tác giả Tiến quân ca, cái gia đình cần là sự công nhận chính thức của Quốc hội, bởi giá trị Tiến quân ca không thể qui thành tiền. Vài lần, nhà nước định thay thế, tổ chức cuộc thi rầm rộ nhưng Tiến quân ca vẫn không có đối thủ xứng tầm. Đó là sự lựa chọn của lịch sử, là vũ khí tinh thần góp phần vào thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

    Bằng cả trái tim nồng nàn yêu nước và khát vọng độc lập, nhạc sĩ đã rút hết tâm can, dâng tặng cho đời bài ca bất hủ, cổ vũ toàn dân dốc lòng kháng chiến. Bản thân ông không hề đòi hỏi nhuận bút, so đo chế độ đãi ngộ. Tôi đã vinh dự vài lần được gặp ông ở gác 2 nhà 108 Yết Kiêu, Hà Nội khi Hãng phim Trẻ quay các video ca nhạc Văn Cao - giấc mơ đời người, Buổi sáng có trong sự thật… Càng ngưỡng mộ nhân cách và phẩm chất của ông, luôn vằng vặc ngay cả những tháng năm bị oan khuất. Vẫn nhớ bài thơ ngắn, súc tích và tuyệt vời ông tặng. “Lựa chọn. Giữa sự sống và sự chết. Tôi chọn sự sống. Để bảo vệ sự sống. Tôi chọn sự chết”.

    Qua sự việc đề nghị thu tiền tác quyền Tiến quân ca của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, mới bộc lộ những bất cập lâu nay về quản lý. Có điều gì lấn cấn trong việc Quốc hội chấp nhận sự hiến tặng của gia đình tác giả Tiến quân ca? Chuyện nhỏ và bình thường nhưng có vẻ quá khó. Khi đã tiếp nhận sự hiến tặng, không ai, không tổ chức nào dám đòi bản quyền, dù chỉ là để đánh động dư luận.

    Qua sự việc đề nghị thu tiền tác quyền Tiến quân ca của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, mới bộc lộ những bất cập lâu nay về quản lý. Có điều gì lấn cấn trong việc Quốc hội chấp nhận sự hiến tặng của gia đình tác giả Tiến quân ca? Chuyện nhỏ và bình thường nhưng có vẻ quá khó. Khi đã tiếp nhận sự hiến tặng, không ai, không tổ chức nào dám đòi bản quyền, dù chỉ là để đánh động dư luận.

    Lại sực nhớ, chỉ vài năm gần đây, qua tìm hiểu, tôi mới hay tác giả của quốc kỳ Việt Nam là Nguyễn Hữu Tiến và lá cờ đỏ Sao vàng xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Mỹ Tho (Tiền Giang) ngày 23.11.1940. Dù rằng Quốc hội đã chọn lá cờ đỏ Sao vàng là quốc kỳ từ năm 1946, nhưng Quốc hội vẫn chưa chính thức đặt vấn đề với gia đình, tiếp nhận và ghi công của tác giả. Tới giờ tôi vẫn chưa biết ai là tác giả của quốc huy Việt Nam?

    Những lỗ hổng bất cập về quản trong chiến tranh cần phải được nhanh chóng dứt điểm. Đất nước đã thống nhất hơn 40, thời gian quá đủ để giải quyết mọi vướng mắc một cách minh bạch và công bằng.

    Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - đăng trên xaluan.com

    Trả lờiXóa
  3. À ra thế! Đòi hỏi của gia đình là hoàn toàn chính đáng và hợp đạo lý. Quốc Hội nên xem xét vấn đè này và giải quyết sớm bởi để lâu sẽ dẫn đến những hậu quả không hay có thể xảy ra.

    Trả lờiXóa
  4. Phòng khách của tui, duy nhất một bức ảnh: tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao tâm tình
    thế sự bên chai rượu đế. Đây là 2 tượng đài nhân cách, tài năng, một võ, một văn, mà tui hằng ngưỡng kính. Đối với tướng Giáp, không bàn gì thêm. Đối với Văn Cao, xin có đôi dòng. Hiếm có con người, gia đình nào, hành xử cao đẹp, thấm đẫm vị tha trước thế thái nhân tình như trường hợp Văn Cao. Những gì cần nói, ông và gia đình đã trút hết, gói trọn trong "Mùa Xuân Đầu Tiên". Riêng "Tiến Quân Ca", chiều sâu của vấn đề, tui cạn nghĩ, không phải tiền nong bản quyền. Ở đây, cần sự trả lời minh bạch của quốc hội, của chính phủ, bằng văn bản hẳn hoi, về sự ghi nhận công lao và sự hiến tặng tài sản sở hữu của Văn Cao, của những người thừa kế tài sản. Cùng lúc, giải quyết tác quyền về quốc kỳ, quốc huy. Việc lớn và quan trọng như thế, xưa nay, tui nghĩ quốc hội và chính phủ đã làm xong. Đừng để cái sảy nẩy cái ung. Đối với Văn Cao, cụ bà Nghiêm Thúy Băng, anh Văn Thao có thể cảm thông và chia sẻ sự muộn mằn. Càng lâu, đến các thế hệ sau, rách việc. Về tài chánh, chuyện nhỏ. Về chính trị, nhiêu khê. Ông Hùng ơi ông Hùng! Đừng để đến Bà Kim Ngân nhé! Lòng tốt không thể mênh mang. Lòng tốt luôn có giới hạn cuối cùng của nó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất mừng là trưa nay vtv đã thông báo ý kiến cua CP về vấn đề này và trong thời gian tới QH sẽ tổ chức một lễ trang trọng vinh danh ghi nhận công lao tác giả của tác phẩm đặc biệt này.

      Xóa
    2. Nếu tính đến quyền lợi tác quyền thì phải rất thận trọng, không thể vội vàng mà cần phải thành lập ủy ban điều tra để xác minh thêm cho chắc chắn liệu có phải chính Văn Cao là tác giả Tiến quân ca. Có vài điều cần phải bàn thêm ở đây. Tiến quân ca trong quá trình sử dụng đã được sửa chữa phần lời nhiều lần cho phù hợp để trở thành bản Quốc ca hoàn hảo như hiện nay. Do đấy, nếu tính bản quyền thì tác giả Văn Cao không thể được hưởng hết 100%. Trước đây cũng đã có người đứng ra tranh chấp bản quyền Tiến quân ca với ns Văn Cao. Do đấy, cũng nên nhân thể lần này cho tiến hành xác minh tác giả của tác phẩm thêm một lần nữa cho chắc chắn là việc cũng rất nên làm để tránh trường hợp hy hữu vinh danh nhầm người. Và biết đâu ngộ nhỡ Tiến quân ca không phải của Văn Cao thì nhà nước sung công luôn đỡ phải phiền hà.

      Xóa
  5. Tui cũng như một số bạn, dù chỉ là nghe"nói vo" trong chương trình 24h VTV( không phải chương trình thời sự) trưa nay, nhưng chắc chính phủ cũng đã nhận ra việc cần vinh công Văn Cao, tác giả Quốc Ca Việt Nam nhân Quốc Khánh đang đến gần.
    Mô tả không lột hết cía hay, cái dữ dội của Mùa Xuân Đầu Tiên, tui táy máy gõ ca từ ra đây(ai cũng biết rồi) để mọi người cùng nhấm nháp độ phù-thủy-của-ngôn-từ:
    ...
    "Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về.
    Người mẹ nhìn, đàn con nay đã về.
    Mùa xuân mơ ước ấy, đang đến đầu tiên.
    Nước mắt trên vai anh. Giọt sưởi ấm đôi vai anh.
    Niềm vui phút giây như đang long lanh.
    Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
    Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
    Từ đây, người biết quê người.
    Từ đây, người biết thương người.
    Từ đây, người biết yêu người.
    Giờ dặt dìu, mùa xuân theo én về.
    Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
    Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu.
    Với khói bay trên sông. Gà đang gáy trưa bên sông.
    Một trưa nắng thôi. Hôm nay. Mênh mông...
    ...................................
    ...................................
    Thấm đẫm lòng yêu nước, yêu con người.
    Thế mà, tuyệt phẩm phải gát lại gần mười năm để xem xét bởi những nhạc sĩ tài hoa"con gái nói có là không/con gái nói không là có/ yêu nhau cau sáu chẻ ba/ ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra".
    Nén tâm hương kính dâng Cụ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thôi, thôi. Tôi xin ông đừng có quét nhà mà tòi ra thêm rác. Văn Cao rất thâm với bài Mùa Xuân Đầu Tiên chứ khôgn hề đơn giản như ông nghĩ. VC liên quan vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm tại Hà nội trong năm 1956, bầy đàn chạy theo bọn nhân văn giai phẩm để cho ra các sáng tác kích động quần chúng đổi mới thách thức sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Mãi cho đến tháng bẩy năm 1958, VC mới phải chịu đựng đợt kỷ luật đầu tiên, là “cho rút khỏi ban chấp hành hội nhạc sĩ” và sau đó đi thực tế lao động để cải tạo. So với những người chủ chốt của vụ án NVGP, người bị hình thức kỷ luật nhẹ nhất có lẽ là nhạc sĩ Văn Cao do bởi VC được yêu mến bởi những ca khúc trữ tình, nhưng đồng thời cũng là tác giả của bài Quốc ca. VC viết Mùa xuân đầu tiên vào đúng thời điểm đất nước vừa được thống nhất để bày tỏ sự cao ngạo với Đảng, nghĩ rằng mình từ nay từ ''mùa xuân đầu tiên'' này sẽ được tự do thoát ra khỏi sự ràng buộc, kỷ luật của Đảng. VC vẫn chưa chịu nhận ra lỗi lầm của mình trong vụ NVGH, không thấy được sự khoan hồng của Đảng qua hình thức kỷ luật quá nương nhẹ. Bài MXĐT ẩn chứa sự chống đối ngầm của VC trong lời thơ, ý nhạc thoáng nghe tưởng như nhẹ nhàng, thanh thoát. Vì lẽ đấy, nhạc của VC đã bị nghiêm cấm trong một thời gian dài để đánh giá lại giá trị nội dung tư tưởng trước khi cho công chúng thưởng thức. Với VC, tuy có thể lấy công để giảm tội nhưng khi đánh giá cũng cần phải rạch ròi không thể nhập nhằng để công che hết tội khiến cho hậu thế có cái nhìn lệch lạc, không khách quan về một nhân vật lịch sử là không nên.

      Xóa
  6. Công Nông đối thoạilúc 15:00 26 tháng 8, 2015

    Yêu cầu dừng thu tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca

    25/08/2015 16:02
    Tin tức
    0
    Bình luận

    (TNO) Chiều nay 25.8, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ban hành công văn số 3498/BVHTTDL - TTr về việc dừng thu tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.

    Tien-quan-ca
    Bức thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca của bà Nghiêm Thúy Băng, vợ của cố nhạc sĩ
    http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/yeu-cau-dung-thu-tien-ban-quyen-ca-khuc-tien-quan-ca-601026.html#
    Văn Cao - Ảnh: Chụp lại từ tư liệu
    Trả lời PV Thanh Niên Online, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho biết, sau khi xác minh thông tin báo chí đưa về việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca là đúng sự thật, Thanh tra Bộ, Cục Bản quyền tác giả đã làm việc với VCPMC.
    Sau buổi làm việc, Thanh tra Bộ đã đề nghị VCPMC dừng việc thu tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca bởi hai lý do: Thứ nhất, Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Thứ hai, năm 2010, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ của cố nhạc sĩ Văn Cao đã có thư ngỏ lời gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đề nghị hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước. Đây cũng là tâm nguyện của nhạc sĩ Văn Cao khi còn sống và làm việc.

    Ông Vũ Xuân Thành cũng cho biết, Thanh tra Bộ đã trao đổi với Cục Bản quyền tác giả và đề xuất với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức lễ tiếp nhận việc hiến tặng ca khúc Tiến quân ca một cách trang trọng, xứng đáng với công lao của nhạc sĩ Văn

    Trả lờiXóa
  7. Thôi, thôi. Tôi xin ông đừng có quét nhà mà tòi ra thêm rác. Văn Cao rất thâm với bài Mùa Xuân Đầu Tiên chứ khôgn hề đơn giản như ông nghĩ. VC liên quan vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm tại Hà nội trong năm 1956, bầy đàn chạy theo bọn nhân văn giai phẩm để cho ra các sáng tác kích động quần chúng đổi mới thách thức sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Mãi cho đến tháng bẩy năm 1958, VC mới phải chịu đựng đợt kỷ luật đầu tiên, là “cho rút khỏi ban chấp hành hội nhạc sĩ” và sau đó đi thực tế lao động để cải tạo. So với những người chủ chốt của vụ án NVGP, người bị hình thức kỷ luật nhẹ nhất có lẽ là nhạc sĩ Văn Cao do bởi VC được yêu mến bởi những ca khúc trữ tình, nhưng đồng thời cũng là tác giả của bài Quốc ca. VC viết Mùa xuân đầu tiên vào đúng thời điểm đất nước vừa được thống nhất để bày tỏ sự cao ngạo với Đảng, nghĩ rằng mình từ nay từ ''mùa xuân đầu tiên'' này sẽ được tự do thoát ra khỏi sự ràng buộc, kỷ luật của Đảng. VC vẫn chưa chịu nhận ra lỗi lầm của mình trong vụ NVGH, không thấy được sự khoan hồng của Đảng qua hình thức kỷ luật quá nương nhẹ. Bài MXĐT ẩn chứa sự chống đối ngầm của VC trong lời thơ, ý nhạc thoáng nghe tưởng như nhẹ nhàng, thanh thoát. Vì lẽ đấy, nhạc của VC đã bị nghiêm cấm trong một thời gian dài để đánh giá lại giá trị nội dung tư tưởng trước khi cho công chúng thưởng thức. Với VC, tuy có thể lấy công để giảm tội nhưng khi đánh giá cũng cần phải rạch ròi không thể nhập nhằng để công che hết tội khiến cho hậu thế có cái nhìn lệch lạc, không khách quan về một nhân vật lịch sử là không nên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phủ nhận một số chi tiết mà ông nặc danh nói về ns VC có dính tới vụ NVGP, bởi tôi cũng đã có 1 thời gian lv và chơi với Nguyễn Nghiêm Bằng (còn có bút danh là Văn Bình Bằng) con trai thứ 2 của ns. Tuy nhiên ở đây ông nói có phần suy diễn khắt khe quá đấy, cho dù VC thực tế đã từng có bất mãn, nhưng không đến nỗi gay gắt như nhiều người khác. Tôi nghĩ, được như vậy là bởi ông rất ngưỡng mộ và kính trọng Bác Hồ.

      Xóa