Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Nhân vụ "Xe tải cứu xe khách": LUẬN ANH HÙNG

Kết quả hình ảnh cho Nhân vụ "Xe tải cứu xe khách": LUẬN ANH HÙNG
Tài xế xe tải Phan Văn Bắc
Lời dẫn: Qua Hộp thư điện tử của Google.tienlang, bạn đọc Trần Tuấn từ Đà Nẵng vừa gửi cho chúng tôi bài bình luận về vụ "Xe tải cứu xe khách" ở đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng- một chủ đề đang bàn tán sôi nổi trên báo chí lẫn trên mạng xã hội hiện nay.
Xin cảm ơn anh Trần Tuấn và xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

*****************************
“Cuộc đua” thông tin càng lúc càng nóng. Do chạy đua quá nhanh, truyền thông có cảm giác như bị đứt thắng (phanh) như chiếc xe khách đang lao dốc kia, nhưng không may là phía trước chẳng có chiếc xe tải nào đủ lớn để…cắm đầu vào...
--------

Tháng 5/2006, cơn bão lịch sử Chanchu (bão số 1) không đổ bộ vào đất liền, mà đột ngột chuyển hướng ngay ngoài khơi, đã nhấn chìm hơn 260 ngư dân miền Trung Việt Nam cùng 14 tàu cá bị chìm và 4 tàu mất tích. Chỉ 20 ngư dân được tìm thấy xác.

Cả nước để tang. Ba tháng sau, tháng 8/2006 bỗng có tin trên vùng núi Quế Ninh (Quế Sơn, nay là huyện Nông Sơn-Quảng Nam) có một ngư dân thoát khỏi bão Chanchu đã quả cảm chống chọi thần chết, bơi trên biển ròng rã 13 ngày đêm, để về với… vợ con !

Ngày ấy chưa có mạng xã hội, facebook, “lá cải” cũng rất ít, thế nhưng chỉ với báo đài chính thống, hiện tượng “người hùng Chanchu” Nguyễn Văn Hương đã đủ tưng bừng rộn rã. Nhà báo kéo lên núi ùn ùn. Để ra đời hàng loạt “thiên phóng sự” về cuộc phiêu lưu cùng hành trình trở về “thần thánh” ngang anh hùng thần thoại Odyssey từ ngàn năm trước!  

Nhưng sau đó, bà chủ tàu cá bị nạn từ Đà Nẵng lên dòm mặt “anh hùng”, bảo cả tàu 23 ngư dân chết hết, chỉ 1 người sống sót nhưng không phải… ông này !

“Anh hùng” Chanchu sau đó phải xin lỗi. Té ra hôm ấy anh chàng không theo tàu cá của Đà Nẵng, mà tót vào Phú Yên chơi với…vợ bé, rồi lang thang đánh cá ở phía Nam…Đến khi lù lù về nhà, thấy vợ vừa chỉ lên bàn thờ vừa khóc: họ tưởng ông chết rồi, người ta đã quyên góp ủng hộ cả trăm triệu đồng, lỡ nhận rồi chừ tính răng? Tiền tiêu rồi lấy đâu mà trả. Lỡ rồi, thế là trở thành…người hùng !

Tôi cũng là một trong những nhà báo đã… hòa vào dàn đồng ca hoàng tráng ấy!!!

*****

Mười năm sau. Với câu chuyện hai chiếc xe trên đèo Bảo Lộc.

Thực ra, ngay từ những bài báo đầu tiên, tôi đã lờ mờ nhận ra sự “không bình thường” lắm trong cách trả lời của anh Bắc (Có thể từ kinh nghiệm của “vố đau” 10 năm trước). Trả lời một cách lúng túng dè dặt, thậm chí “sợ sệt”. Và với mỗi báo có những tình tiết khác, thậm chí trái ngược nhau

Đặc biệt là cách khai thác thông tin của các nhà báo. Hầu hết những bài báo sớm và quan trọng nhất có tính chất định hướng dư luận, đều được khai thác gián tiếp. Nhân vật thì gọi qua điện thoại. Góc nhìn một phía. Hiện trường thì nhà báo không tới. Nhiều hình ảnh ban đầu do anh Bắc tự selfie (tự chụp, tự sướng- Google.tienlang chú thích) rồi gửi cho báo (có thể do phóng viên nhờ!) Và lấy từ facebook của một số người trong cuộc…

 Hình ảnh đầu tiên rõ nét nhất của nhân vật chính Phan Văn Bắc lại do chính tài xế này...selfie gửi cho một tờ báo!!!

Và rồi “cuộc đua” thông tin càng lúc càng nóng. Do chạy đua quá nhanh, truyền thông có cảm giác như bị đứt thắng (phanh) như chiếc xe khách đang lao dốc kia, nhưng không may là phía trước chẳng có chiếc xe tải nào đủ lớn để…cắm đầu vào!

Tuy nhiên, hiệu ứng xã hội (cho đến lúc đó) thì tuyệt vời. Do chúng ta đang sống giữa thời đại khát “anh hùng”. Khi có quá nhiều cái  xấu, cái ác, sự vô cảm. Nói cách khác, xã hội đang rất thiếu những điểm sáng tích cực cần ngợi ca, tuyên truyền - như cách nói của báo chí và tuyên giáo. Báo chí đang rất “khát” những điển hình để tôn vinh. Để góp phần cân bằng trang báo cũng như xã hội. Để con người hoang mang có nơi tốt đẹp nương náu niềm tin.

Vụ “dìu xe” trên đèo Bảo Lộc bỗng nhiên đảo chiều. Khi trên một tờ báo vừa xuất hiện lời kể gây xôn xao của một ông tên là Phong – xưng là chủ chiếc xe khách chở hơn 30 người bị mất phanh được xe tải của anh Bắc dìu đi hết đoạn đèo. Ông này ngồi trên ghế đầu trong vai trò lái phụ, sau khi hai xe va chạm đã bị kẹt cứng chân trong cabin.

Theo lời ông Phong, thì anh Bắc “không chủ động” ra dấu hiệu và cứu xe của ông. Không có chuyện hành khách thò đầu ra ngoài kêu cứu. Không có chuyện xe anh Bắc từ phía sau chạy vượt lên để “đỡ” cho xe của ông, vì theo ông, tài xế xe tải “không thể biết xe khách bị mất thắng”. Tất cả là do xe khách trong tình thế bất khả kháng đã chủ động húc vào đuôi xe tải để được giảm tốc và dừng lại. Và theo lời ông chủ xe khách, nhiệm vụ của anh Bắc là “chỉ biết giữ thăng bằng khi xe khách đâm và và dừng lại”.

Đáng lưu ý nhất là chi tiết sau khi hai xe dừng lại, anh Bắc xuống xe đòi giữ nguyên hiện trường và đòi đền bù thiệt hại, mặc cho chủ xe đang bị kẹt trên cabin. Lâu sau đó anh Bắc mới chịu đánh xe của mình tách khỏi đầu xe khách để mọi người kéo ông ta ra đưa đi viện?!!

Bài báo đang gây xôn xao của Một Thế Giới vừa dẫn ở trên cũng được phóng viên phỏng vấn qua…điện thoại !!!

Hình ảnh “anh hùng” của tài xế Phạm Văn Bắc đang lung lay dữ dội.  

Nhớ  trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, cuộc “luận anh hùng” giữa Thào Tháo và Lưu Bị đã trở thành kinh điển. Thế nhưng, một kẻ tham vọng đứng đầu thiên hạ như Lưu Bị, khi được Tào Tháo tán dương gọi là “anh hùng”, cũng phải rụng rời đánh rơi cả đũa.

Để thấy, anh hùng không phải trò đùa

Anh hùng, có nhiều dạng. Nung nấu ý chí trở thành anh hùng cứu nhân độ thế; anh hùng kiểu Lục Vân Tiên "giữa đường thấy chuyện bất bằng không tha". Cũng có những "anh hùng" bất đắc dĩ khi bị đẩy vào hoàn cảnh. Những thuyền trưởng ở lại với con tàu đắm là kiểu anh hùng như vậy. Cũng như người chủ tàu chìm, vùng vẫy cứu vớt hành khách của mình lúc gặp nạn.

Ở vụ Bảo Lộc, đối chiếu lời kể hai bên, sau khi “rơi rụng” đi hàng loạt chi tiết nhiều khả năng do “tưởng tượng” của phóng viên, hoặc khi phỏng vấn qua điện thoại câu được câu mất, thì thấy cốt lõi của vụ việc cơ bản không thay đổi. 
Đó  là: 
- Xe khách bị mất thắng đang lao dốc trong tình trạng rất nguy hiểm; 
- Chiếc xe tải do anh Bắc điều khiển trở thành vật cứu sinh duy nhất cho hơn 30 mạng người trên xe khách; 
- Dù không chủ động, nhưng khi bị xe khách húc từ phía sau để giảm tốc và giữ thăng bằng, anh Bắc đã tỏ ra bình tĩnh, cứng tay lái duy trì đến cùng độ an toàn cho cả hai xe.

Còn thái độ lúng túng của anh Bắc sau đó, có lẽ ngay sau khi đọc bài báo đầu tiên, anh đã nhận ra có những chi tiết không phải của mình. Nhưng anh không đủ dũng khí phủ nhận những điều đó. Hoặc do lần đầu tiên một người bình thường như anh được/bị truyền thông đổ xô truy vấn, thậm chí “mớm” lời, khiến anh bị ngợp, không đủ kinh nghiệm lẫn khôn ngoan để “thoát thân”, càng quậy càng lún.

Mà không biết rằng, chỉ riêng việc anh không hốt hoảng tìm cách quẫy ra thoát thân sau cú “dựa đuôi” không mong muốn của khối sắt thép to đùng đang lao như tên lửa phía sau, đã xứng đáng là “anh hùng” rồi !

Và nhà báo, chúng ta cũng nên biết rằng, muôn đời trên thế gian này sẽ không có những anh hùng hoàn hảo, trừ thần thoại

 Anh hùng hay "siêu nhân", với Nietzsche (triết gia Đức 1844–1990) là khi con người luôn là chính mình và vượt qua chính mình. Rất đơn giản

Hơn thế, triết gia hàng đầu nhân loại còn dạy: Sự e dè cẩn trọng đầy chất người của ta là cứ để mình bị đánh lừa… Kẻ nào giữa loài người không muốn chết khát thì phải học uống tất cả các thứ ly; kẻ nào muốn còn trong sạch giữa loài người, phải học rửa mặt bằng nước bẩn” (Nietzsche – Zarathustra đã nói như thế)

Còn vì sao tôi dẫn lại câu chuyện “anh hùng Chanchu” dù về bản chất hoàn toàn không giống “anh hùng Bảo Lộc”. Bởi tôi từng là một nhà báo trong cuộc Chanchu.

Để muốn nói rằng mỗi nhà báo chúng ta có thừa tố chất là những “họa sĩ”, thậm chí là “danh họa” với khả năng đưa thêm vào bức tranh sự thật những mảng màu tuyệt vời, lung linh. Của cảm xúc và trí tưởng tượng bay bổng …
Tuy nhiên, những màu mè ấy không bao giờ là sự thật!
Trần Tuấn

=======================



Mời xem các video clip
1.  Vụ tai nạn ở Bảo Lộc: Tài xế xe tải Phan Văn Bắc nói gì?
2. Vụ tai nạn ở Bảo Lộc: Tài xế xe khách Phan Duy Toàn nói gì?
3. Vụ tai nạn ở Bảo Lộc: Chủ xe khách Lê Văn Phong nói gì?

14 nhận xét:

  1. Tôi cũng là một nhà báo có trên 50 năm cầm bút, năm nay đã ở tuổi "xưa nay hiếm" đã từng gặp một số "anh hùng thật" trong những năm làm phóng viên tại chiến trường miền Nam và cả một hai "anh hùng rởm" từng chém gió tưng bừng trên mạng internet. Tôi có cảm nhận những "anh hùng thứ thiệt" bao giờ cũng khiêm tốn, ít nói về mình, về già càng khiêm nhường, sống như những người dân bình thường ít người biết đó là một anh hùng thứ thiệt. Googletienlang từng đăng một clip về anh hùng không quân Nguyễn Văn Bảy, một "anh hùng thứ thiệt" sống một cuộc đời như thế, ai xem clip này cũng đều cảm động và yêu quý ông già Bảy.Còn những "anh hùng rởm" thì hay thích kể chuyện về "chiến công" của mình, nếu được lên báo đài cho cả nước biết thì càng tốt. Nhất là hiện nay có nhiều người là "anh hùng chém gió trên mạng" mà cũng có nhiều người tin, kiểu như ông "viện sĩ" hô phong hoán vũ Lương Ngọc Huỳnh "nhập đồng" rồi "gia cát dự" rằng sẽ có trận cuồng phong "Dự tính sẽ tấn công từ Biển Đông theo hướng tây bắc đánh thẳng Formosa! Bão cấp 13-14 giật cấp 17-18. Nay xin thông báo trước kẻo lại trách biết mà không nói!". Trận bão này là do "Sau khi đàn cá ở vùng biển Vũng Áng bị chết oan, chúng kéo nhau lên tâu Thượng Đế tố cáo Formosa chủ mưu giết hại họ hàng nhà cá!Do vậy Thượng Đế đã sai thần sấm, thần mưa, thần bão, thần lốc xoáy, thần sạt lở, thần lũ lụt, thần đổ cây, thần đổ nhà,v.v... Đi trị tội Formosa! Trả thù cho đàn cá". Nhưng nay đã sang giữa tháng 9 rồi mà tuyệt nhiên không xảy ra trận cuồng phong nào theo "gia cát dự" của ngài "viện sĩ"! Hay như ông "tiến sĩ" mỹ học Nguyễn Thế Hùng đăng đàn diễn thuyết về việc mình sẽ "biếu không" kiến thức siêu đẳng của mình đã được thế giới công nhận cho mọi người kẻo nếu chỉ giữ cho mình hoặc một số người thì phí quá!Ấy là chưa kể có một "anh hùng thiệt" trong chiến tranh chống Mỹ, từng là thần tượng cuốn hút cả một lớp thanh niên xếp bút nghiên lên đường ra trận, sau này đã thành một ông tướng bảo tàng nay về hưu thỉnh thoảng lại lên báo đài chém gió về trận Gạc Ma, bịa cả điều không có vì mình không có mặt tại đó ngày 64 chiến sĩ ở đây hy sinh!
    Vì thế tôi đồng cảm và xin chia sẻ với tác giả Trần Tuấn, một nhà báo đồng nghiệp về bài viết này. Chỉ xin cô chủ trang sửa lại tên tác giả trong lời giới thiệu trên là Trần Tuấn dưới là Trần Đức, không biết tên nào đúng, Và cũng đề nghị tác giả sửa lại độ tuổi của Nietzsche (triết gia Đức 1844–1990). Chả nhẽ ông này sống đến 146 tuổi!


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn phát hiện của bác về tuổi của Nietzsche - triết gia Đức.
      Bọn cháu đã kiểm tra và thấy theo wiki thì:
      -----------------
      Friedrich Wilhelm Nietzsche (15 tháng 10, 1844 – 25 tháng 8, 1900)
      (IPA: [ˈfʁiːtʁɪç ˈniːtʃə]) là một nhà triết học người Phổ. Ông bắt đầu sự nghiệp như là một nhà ngữ văn học và viết nhiều bài phê bình về tôn giáo, đạo đức, các vấn đề văn hóa đương thời, và triết học. Các tác phẩm của Nietzsche nổi bật với phong cách viết của ông, thường mang tính ẩn dụ (aphorism) và nhiều nghịch lý hơn là mức độ thông thường của các bài luận triết học. Nietzsche không được đánh giá cao bởi những người đương thời trong suốt cuộc đời của ông, nhưng đầu thế kỉ 20, ông đã được giới trí thức ở Đức, Pháp và Anh công nhận. Ông bắt đầu bị mang tiếng xấu tiếng khi Đảng Quốc xã của Đức chọn ông là một tiền bối, mặc dù Nietzsche có quan điểm chống chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa dân tộc Đức. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, triết gia Walter Kaufmann bắt đầu một cố gắng bền bỉ nhằm khôi phục lại danh tiếng của Nietzsche trong các nước nói tiếng Anh, và vào nửa sau của thế kỉ 20 Nietzsche đã được xem là một nhân vật quan trọng có ảnh hưởng lớn trong triết học hiện đại. Trực tiếp và gián tiếp (thông qua Martin Heidegger), Nietzsche đã ảnh hưởng đến thuyết hiện sinh (existentialism), chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), phân tâm học (psychoanalysis) và nhiều tư tưởng theo sau đó.
      https://vi.wikipedia.org/wiki/Friedrich_Nietzsche
      -----
      Như vậy, tác giả Trần Tuấn đã có chút nhầm lẫn!
      Nhưng thôi, cháu tôn trọng bản quyền của tác giả nên giữ nguyên.
      Người đọc chúng ta biết được sự nhầm lẫn của tác giả và thông cảm.

      Xóa
  2. sống tử tế khó lắm thay! giữ được mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào đâu phải dễ dàng gì! người đâu phải thánh. nhà báo, truyền thông không có lương tâm, bẻ ngòi bút chạy theo danh và tiền, anh lái ô tô bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu, uốn lưỡi theo ý của ai đó, của bản thân cũng là vì danh vì tiền. mà ở đời, danh và tiền ai chả ham, phỏng ah. xã hội thiếu biểu tượng, thiếu anh hùng, thôi thì...

    Trả lờiXóa
  3. "bạn đọc Trần Tuấn từ Đà Nẵng vừa gửi cho chúng tôi bài bình luận" nhưng lại "Xin cảm ơn anh Trần Đức" ???!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác Boong!
      Vâng, có lỗi kỹ thuật. Chúng tôi đã sửa!

      Xóa
  4. Tôi có gửi ý kiến phản hồi về bài viết trên thấy cô chủ trang có đưa lên nhưng nay lại xóa đi. Xin hỏi vì sao vậy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bạn trikhongngu!
      Chúng tôi có nhiều quản trị viên nên tôi không rõ ý kiens nào của bạn bị xóa.
      Nguyên tắc chung của chúng tôi là: Google.tienlang tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Tất cả các ý kiến của bạn đọc đều được hiển thị ngay lập tức, không cần quản trị viên phê duyệt
      Quản trị viên chỉ có nhiệm vụ xóa đi những ý kiến mà chúng tôi coi là spam- rác rưởi hoặc không đúng chủ đề.
      Những ý kiến tục tĩu hoặc xúc phạm lãnh đạo đất nước cũng bị xóa.

      Bạn tự xem xét xem, ý kiến nào đó của bạn có vi phạm quy định trên hay ko nhé!

      Xóa
    2. Thưa bác trikhongngu!
      Chúng cháu đã kiểm tra trong hộp spam và không hiểu sao ý kiến của bác lại tự động chạy thẳng vô đó!

      Xin lỗi bác!
      Mong bác tiếp tục tham luận và hỗ trợ bọn cháu!
      Cảm ơn bác!

      Xóa
    3. Cám ơn cháu đã trả lời và đưa lại ý kiến phản hồi của bác. Ngày nào bác cũng vào trang nhà đọc các bài viết của tất cả các tác giả. Nhiều bài hay, sâu sắc. Các cháu tiếp tục giữ vững bản lĩnh của mình, luôn "mang sự thật đến người đọc" nhé!

      Xóa
  5. Le Bao · Trường THCS Hiếu Phụnglúc 13:20 13 tháng 9, 2016

    Ông phong noi lên sự thật thôi.anh bắc đã k Trung thực k xung đang nhan thưong vô lăng vàng va khen ngợi den thế .mai mắn là xe hino đó cho quá tải thôi.
    Xe đang tải nặng mà nói thấy có dấu hiệu xe khách mat thắng rồi vượt len chỉ vào thùng xe mình ra dấu xe khách đâm vao.buon cười nhỉ.xe người ta may lạnh kính liền lại nói mọi người dua tay tho đầu ra kêu cứu.

    K ai phủ nhận công của a bắc nhưng nếu Tôi ở vị trí của anh bắc toi sẽ thấy hổ thẹn với những loi nói do.neu anh nói sự thật ngay từ đầu thì những phần thưởng đó Xứng dang với a hơn.

    Trả lờiXóa
  6. Lướt trên các báo thấy rằng lãnh đạo Bộ Giao thông hiện nay như cảnh ĐÃ TRÓT ĐÂM LAO THÌ PHẢI THEO LAO. Họ không đủ dũng cảm để tiếp nhận sự thật. Họ đang bằng mọi giá để bảo vệ hình ảnh ANH HÙNG mà báo chí đã TRÓT viết ra theo trí tưởng tượng của họ, cho dù chính nhân vật đã lên tiếng CẢI CHÍNH lời anh ta nói ban đầu trong video clip đăng trên báo Tuổi trẻ hôm 8/9!

    Dân biết tin ai bây giờ?
    Thật buồn cho các vị lãnh đạo Bộ Giao thông!
    Giờ lãnh đạo Bộ GT quay ra soi mói bắt bẻ những sai phạm của chủ xe khách như không đăng ký kinh doanh- những vấn đề chẳng liên quan gì đến bản chất vụ việc dư luận đang quan tâm...

    Trả lờiXóa
  7. Sao các nhà báo không gặp hành khách. Những người ngồi gần tài xế Toàn, họ chứng kiến rõ. Xe khách lao với vận tốc cả trăm km, qua 4 khúc cua, vượt cả chục xe. Phải bình tĩnh lắm mới không lao xuống vực. Xe khách đã chủ động đâm vào đuôi xe tải vì thấy có xe ngược chiều. Đúng là sau đó tài xế Bắc đã " dìu" xe khách xuống. Nhưng anh Bắc có ra dấu không? Việc này chỉ anh Bắc mới xác nhận. Có lẽ tài xế Toàn cũng phải được khen ngợi về sự bình tĩnh để xử lí tình huống vô cùng nguy hiểm đó.
    Chỉ mong các nhà báo cần sâu sát hơn khi đưa tin, đúng như điều mà tác giả Trần Tuấn nêu trên đây nhiều nhà báo ngồi một chỗ và cứ theo đà thổi phồng mà viết.

    Trả lờiXóa
  8. Chỉ có thể nói , anh Bắc là người co tay lái vững để giữ được mạng anh ta và nhờ đó 30 người được thoát chết , anh ta không thể quãy đuôi để thoát khỏi cái xe khách đằng sau lao vào xe anh ta với tốc độ 120 km/h , nó giường như dính chặt vào xe của anh ta rồi ,bài viết này chỉ nhằm bảo vệ mấy vị lãnh đạo nông nổi chưa biết thực hư ra sao đã trao bằng khen với chả thư tay.

    Trả lờiXóa
  9. Không có anh hùng nào là hoàn hảo, có những anh hùng do bản tính lương thiện "gặp chuyện bất bình chẳng tha", có những anh hùng bất đắc dĩ nhưng họ vẫn can đảm đến giây phút cuối cùng, không buông tay phó mặc số phận, họ chính là anh hùng của chính bản thân họ và những hành khách trên xe; vậy mà chỉ một vài bài báo nói sai sự thật đã khiến cho niềm hạnh phúc đó trở thành một cái gì đó bẽ bàng, chưa kịp vui vì vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần lại phải đối mặt với những chuyện không đáng. Đáng chỉ trích hơn cả ở đây chính là những ngòi bút vô lương, thiếu chuyên nghiệp.

    Trả lờiXóa