Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Trung ương khóa XIII

Chiều 30/1, Đại hội XIII bầu Ban chấp hành Trung ương khóa mới gồm 200 người. Theo đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là hai trong số các nhân sự "đặc biệt", do Trung ương khóa XII giới thiệu tái cử và đã được Đại hội XIII tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.

Cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái đắc cử vào Trung ương khóa mới gồm: Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao; Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; bà Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. 

Các Bí thư Trung ương Đảng khóa XII tái cử vào Trung ương khóa mới gồm: Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP HCM; ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam; ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Trong khối Chính phủ, trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII có: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thứ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. 

Ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, không trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới. 

Thượng tướng Phan Văn Giang, Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XII, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng, trúng cử vào Trung ương khóa mới. Tướng Giang năm nay 61 tuổi, quá tuổi tái cử theo quy định, nhưng đã được Trung ương khóa XII đề cử theo diện "trường hợp đặc biệt". 

Cũng nằm trong diện "đặc biệt" và trúng cử vào Trung ương khóa mới là hai Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc. Trung tướng Lương Tam Quang (56 tuổi) và Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc (57 tuổi) đều quá tuổi lần đầu vào Trung ương (không quá 55 tuổi) và đã được Trung ương khóa XII giới thiệu là "trường hợp đặc biệt" tại hội nghị Trung ương 15. 

Ngày mai 31/1, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ họp Hội nghị lần thứ nhất, bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. 

Kết quả bầu cử sẽ được báo cáo Đại hội XIII trong phiên họp toàn thể sáng 1/2. 

Đại hội XI (tháng 1/2011) đã bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm 200 người; Hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành Trung ương khóa XI bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư của Đảng. 

Đại hội XII (tháng 1/2016) bầu Ban chấp hành Trung ương khóa mới với 200 thành viên; tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu tái đắc cử. 

Tháng 10/2018, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Hoàng Ngân Thương

=======

Mời xem bài liên quan:

Đôi điều về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

4 nhận xét:

  1. Chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!
    Chúc mừng Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  2. Đồng Thị Kim Thanhlúc 09:40 31 tháng 1, 2021

    Hôm nay (31/1), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

    Hy vọng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư.

    Trả lờiXóa
  3. 10 trường hợp “đặc biệt” trúng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII

    Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là 2 trong số 10 trường hợp đặc biệt trúng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII.
    Theo danh sách Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII vừa được Đại hội XIII công bố tối muộn hôm qua, 30.1, có 11 ủy viên T.Ư khóa XIII thuộc trường hợp đặc biệt (quá tuổi).
    10 trường hợp “đặc biệt” trúng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII - ảnh 1
    Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là 1 trong 10 trường hợp đặc biệt của T.Ư khóa XIII

    Cụ thể, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là 2 trường hợp “đặc biệt” ủy viên Bộ Chính trị tái cử. Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, năm nay 77 tuổi và là ủy viên T.Ư từ khóa VII tới nay. Ông Trọng cũng được bầu làm Tổng bí thư tại khóa XI, XII. Trong nhiệm kỳ khóa XII, ông Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước từ cuối năm 2018 sau khi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.


    Trường hợp thứ 2 là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc sinh năm 1954, năm nay 67 tuổi. Ông Phúc quá 2 tuổi so với quy định độ tuổi tái cử của ủy viên Bộ Chính trị là 65. Ông Phúc tham gia Ban Chấp hành T.Ư từ khóa X và trở thành Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa XI. Trong nhiệm kỳ XII, ông Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ.

    4 trường hợp "đặc biệt" ủy viên T.Ư tái cử
    Ngoài 2 trường hợp “đặc biệt” ủy viên Bộ Chính trị tái cử, có 4 trường hợp “đặc biệt” ủy viên T.Ư tái cử, gồm: ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao; ông Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư và ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.
    Cả 4 trường hợp này đều sinh năm 1960, năm nay 61 tuổi, quá 1 tuổi so với quy định độ tuổi tái cử của ủy viên T.Ư là không quá 60 tuổi.

    Ông Trí từng là Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (từ 2009-2013) sau đó làm Phó trưởng ban Nội chính T.Ư. Từ 4.2016, ông được Quốc hội bầu làm Viện trưởng VKSND tối cao.
    Ông Phan Văn Giang từng là Tư lệnh Quân đoàn 1 (2010), sau đó trở thành Phó tổng tham mưu trưởng rồi Tư lệnh Quân khu 1. Từ nhiệm kỳ khóa XII, sau khi trở thành ủy viên T.Ư khóa XII, ông Giang được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
    Ông Võ Văn Dũng, xuất thân là cán bộ tại tỉnh Bạc Liêu. Ông được bầu làm ủy viên T.Ư dự khuyết tại khóa X, sau đó trở thành Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Từ 10.2015, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Nội chính T.Ư và từ 1.2016 tới nay, ông là ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính T.Ư.
    Ông Nguyễn Chí Dũng, từng là Thứ trưởng Bộ KH-ĐT (2008-2009) sau đó làm Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận rồi Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận. Từ khóa XI, ông được bầu làm Ủy viên T.Ư. Và từ nhiệm kỳ XII, sau khi được bầu làm ủy viên T.Ư khóa XII, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.

    4 trường hợp đặc biệt tham gia T.Ư lần đầu
    Có 4 trường hợp “đặc biệt” tham gia Ban Chấp hành T.Ư lần đầu gồm: ông Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư; ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an và ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.
    Các trường hợp trên đều quá 55 tuổi theo quy định đối với trường hợp tham gia T.Ư lần đầu. Cụ thể, ông Nguyễn Duy Ngọc sinh năm 1964, năm nay 57 tuổi. Các trường hợp còn lại đều sinh năm 1965, năm nay 56 tuổi.
    Như vậy, trong số 10 trường hợp "đặc biệt" vào T.Ư có 2 trường hợp ủy viên Bộ Chính trị tái cử, 2 trường hợp của ngành công an, 2 trường hợp của Ban Nội chính T.Ư, 1 trường hợp của bộ, ngành T.Ư và 1 trường hợp của địa phương.

    Trả lờiXóa