Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

KIẾN NGHỊ CỦA GOOGLE.TIENLANG TỪ NĂM 2019 VỀ SỬA ĐỔI ĐIỂM c Khoản 3 ĐIỀU 40 BLHS ĐÃ ĐƯỢC TAND TỐI CAO CHẤP NHẬN BẰNG NGHỊ QUYẾT 03/2020 NGÀY 30/12/2020

 
Ảnh chụp màn hình tiêu đề bài báo năm 2019 của Google.tienlang

Vào Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019, Google.tienlang đăng bài CHỈ CÓ CON GÁI CỰU BỘ TRƯỞNG NGUYỄN BẮC SON MỚI CỨU ĐƯỢC BỐ THOÁT ÁN TỬ!

Tại bài này, Google.tienlang viết:

“Bộ luật Hình sự năm 2015 có một điểm rất mới so với các bộ luật trước đó được quy định ở điểm c Khoản 3 Điều 40 như sau:

"3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn."

Theo Kết luận điều tra, ông Nguyễn Bắc Son khai nhận,  sau khi nhận 3 triệu đô, ông đã đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000-400.000 USD. Lời khai nhận này của ông Nguyễn Bắc Son có thể tin được, dù hiện nay cô Huyền bác bỏ. Theo chúng tôi, lý do cô Huyền phủ nhận lời khai của bố là bởi cô lo sợ rằng nếu thừa nhận thì bản thân cô cũng sẽ bị khởi tố về tội Rửa tiền. Nộp tiền ra không có lợi gì cho bố mà bản thân lại vào tù thì nộp làm gì?

Google.tienlang cũng không đồng tình với phát biểu của Luật sư Nguyễn Văn Dũ, Đoàn Luật sư TP.HCM trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tại bài Vụ AVG: Nộp lại tiền nhận hối lộ có thoát án tử?, rằng: "Quy định miễn án tử hình nếu nộp 3/4 tài sản nhận hối lộ chỉ áp dụng sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa. Còn trước khi xét xử bị can, dù có nộp lại đủ số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả đi chăng nữa thì vẫn chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS."

Xét về mặt câu chữ, phát biểu của Luật sư Nguyễn Văn Dũ là rất sát với điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên. Nhưng nếu xét về nguyên tắc pháp luật thì phát biểu này trái với Nguyên tắc xử lý, quy định tại Điều 3 BLHS "Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra."

Phát biểu của Luật sư Nguyễn Văn Dũ cũng trái với Điều 31 BLHS về Mục đích của hình phạt. "Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm."

Nhưng Phát biểu của LS Nguyễn Văn Dũ cho ta thấy rõ sự bất công, sự vô lý của điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS - "Quy định miễn án tử hình nếu nộp 3/4 tài sản nhận hối lộ chỉ áp dụng sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa. Còn trước khi xét xử bị can, dù có nộp lại đủ số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả đi chăng nữa thì vẫn chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS"!

Tại sao lại vô lý như vậy? Pháp luật khuyến khích sự thành khẩn, sự ăn năn hối cải kia mà? Nếu nộp 3/4 tài sản sớm thì phải có ý nghĩa hơn so với trường hợp cố ý trì hoãn chứ?

Google.tienlang kiến nghị, trước mắt, để giải quyết vụ án cụ thể Nguyễn Bắc Son, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm có Nghị quyết giải thích về điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS theo hướng "Nếu nộp 3/4 tài sản sớm thì phải có ý nghĩa hơn so với trường hợp cố ý trì hoãn" và về lâu dài, Quốc hội phải chỉnh sửa  điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS theo hướng này.

Google.tienlang tin tưởng rằng số tiền 3 triệu đô mà ông Nguyễn Bắc Sơn nhận hối lộ hiện vẫn đang được cất giấu đâu đó. Dù ông Nguyễn Bắc Son đang đối mặt với 69 ÁN TỬ HÌNH thì ông vẫn còn một cửa thoát án tử!

Và chỉ có cô con gái ông Nguyễn Bắc Son - Nguyễn Thị Thu Huyền mới cứu được bố thoát án tử bằng cách sớm nộp lại khoản tiền mà cô đã nhận từ bố. Chúng tôi tin rằng sẽ chẳng ai khởi tố cô về tội rửa tiền đâu. Quy định ở điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS là quy định rất mới, chưa từng được áp dụng trong thực tiễn nên không tránh khỏi sự hiểu biết, giải thích chưa thống nhất. Mong cô Nguyễn Thị Thu Huyền dũng cảm là người đầu tiên thực thi quy định mới này. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, các Đại biểu quốc hội và quần chúng nhân dân luôn ủng hộ, khuyến khích sự thành khẩn, sự ăn năn hối cải.”

(Hết trích từ bài báo năm 2019 của Google.tienlang)

Sau khi bài báo trên ra mắt, chiều 27/12/2019 gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp cho Nhà nước đủ số tiền 3 triệu đô mà ông Son đã nhận hối lộ. Và ngày 28/12.2019), sau 12 ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án Chung thân cho ông Nguyễn Bắc Son trong khi lẽ ra ông phải chịu tới 69 cái Án Tử hình!

Như vậy, HĐXX TAND Hà Nội đã áp dụng điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS ngay tại phiên sơ thẩm chứ không phải như quy định bất cập ở chính điều khoản này là chỉ sau khi tuyên án Tử hình thì điều khoản này mới được áp dụng, ở giai đoạn thi hành án!

Sau vụ án Nguyễn Bắc Son, vì để tập trung cho công tác Chống lật sử, Google.tienlang không để tâm đến việc sửa đổi bổ sung điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS nữa. Tình cờ hôm qua, chúng tôi nhận và đăng bài của Cộng tác viên- Chuyên gia pháp luật Đồng Thị Kim Thanh với tiêu đề Chuyên gia Google.tienlang: CÁC NỮ TIẾP VIÊN KHÓ THOÁT ÁN TỬ HÌNH NẾU XEM XÉT TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ VỤ “Maria Dapirka - МарияДапирка”

https://googletienlang2014.blogspot.com/2023/03/chuyen-gia-googletienlang-cac-nu-tiep.html

Ở phần kết bài trên, chị Đồng Thị Kim Thanh viết: Nhưng, cuộc sống luôn tồn tại những điều kỳ diệu. Ví dụ như vụ án ông cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son có tới 69 ÁN TỬ HÌNH CHỜ ĐỢI, thế mà ông ấy vẫn có thể "lách qua" một khe cửa cực kỳ hẹp, có lẽ nhờ bài tư vấn của Google.tienlang là bài CHỈ CÓ CON GÁI CỰU BỘ TRƯỞNG NGUYỄN BẮC SON MỚI CỨU ĐƯỢC BỐ THOÁT ÁN TỬ!" Câu Kết này của chị Đồng Thị Kim Thanh khiến chúng tôi tìm hiểu về kết quả Kiến nghị sửa đổi điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS và thật mừng Kiến nghị Năm 2019 của Google.tienlang đã được TAND TỐI CAO CHẤP NHẬN BẰNG NGHỊ QUYẾT 03/2020 NGÀY 30/12/2020. Có thể có ai đó cho rằng chúng tôi “nhận vơ” công lao của mình bởi trong Nghị quyết 03/2020 ngày 30/12/2020 của TAND Tối cao không có dòng chữ nào nhắc tới Google.tienlang? Vậy quý vị thử tìm hiểu xem, ngoài Google.tienlang thì không có bất cứ cơ quan tổ chức cá nhân nào chỉ ra cái bất cập ở điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS!

Dưới đây, Google.tienlang đăng TOÀN VĂN NGHỊ QUYẾT 03/2020 NGÀY 30/12/2020 CỦA HĐTP TAND TỐI CAO…

Google.tienlang chỉ xin có dòng cuối: Nghị quyết 03/2020 ngày 30/12/2020 của TAND Tối cao mới chỉ là giải pháp chữa cháy mà thôi chứ về thẩm quyền, TAND TÔI CAO không được phép sửa đổi BLHS. Do vậy, chúng tôi xin bảo lưu Kiến nghị năm 2019 của mình, rằng: "Google.tienlang kiến nghị, trước mắt, để giải quyết vụ án cụ thể Nguyễn Bắc Son, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm có Nghị quyết giải thích về điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS theo hướng "Nếu nộp 3/4 tài sản sớm thì phải có ý nghĩa hơn so với trường hợp cố ý trì hoãn" và về lâu dài, Quốc hội phải chỉnh sửa  điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS theo hướng này."

*****


HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

-------

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 03/2020/NQ-HĐTP                                          Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2020

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ TRONG XÉT XỬ TỘI PHẠM THAM NHŨNG VÀ TỘI PHẠM KHÁC VỀ CHỨC VỤ

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ;

Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự) về các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ; xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra; xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm.

Điều 2. Về một số từ ngữ

1. “Cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 1 Điều 352 của Bộ luật Hình sự bao gồm cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

2. “Cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước” là cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 9 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.

3. “Doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước” quy định tại các điều 353, 354, 364 và 365 của Bộ luật Hình sự là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều này.

4. “Người có chức vụ” quy định tại khoản 2 Điều 352 của Bộ luật Hình sự là những người quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

5. “Do một hình thức khác” quy định tại khoản 2 Điều của 352 Bộ luật Hình sự là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó.

Ví dụ: Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia trực tại chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19.

6. “Chủ động khai báo trước khi bị phát giác” quy định tại khoản 7 Điều 364 và khoản 6 Điều 365 của Bộ luật Hình sự là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.

7. “Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.

Đối với trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác.

Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 4.000.000.000 đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 2.000.000.000 đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã chuyển nhượng nhà đất là tài sản riêng của mình để thay A nộp lại số tiền 3.000.000.000 đồng thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô.

8. “Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi phạm tội tham nhũng hoặc các tội phạm khác về chức vụ, người phạm tội đã chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

9. “Lập công lớn”  là trường hợp người phạm tội đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân trong thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

Điều 3. Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội

1. “Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại điểm a khoản 1 các điều 353, 354, 355 và 358 của Bộ luật Hình sự là trường hợp trước đó người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tương ứng nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. 

Ví dụ: Nguyễn Văn A đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về hành vi tham ô số tiền 500.000 đồng nhưng 06 tháng sau, A lại thực hiện hành vi tham ô số tiền 1.500.000 đồng.

Trường hợp người có hành vi vi phạm đã bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật, sau đó lại bị cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự về chính hành vi này thì việc bị xử lý kỷ luật trước đó không bị coi là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”.

Ví dụ: Nguyễn Văn A đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản, sau đó A lại bị xem xét khởi tố về chính hành vi tham ô này thì không được áp dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” đối với A.

2. “Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” quy định tại khoản 1 các điều 353, 354 và 355 của Bộ luật Hình sự là trước đó người phạm tội đã bị kết án trong 01 lần về một hoặc nhiều tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê tại khoản 1 của một trong các điều 353, 354 và 355 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp ngoài tiền án nêu trên, người phạm tội còn có tiền án khác thì tiền án này được sử dụng để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, trừ trường hợp các tiền án đều đã được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội trong các lần kết án trước đó.

Ví dụ: Trước khi thực hiện hành vi phạm tội nhận hối lộ số tiền là 1.500.000 đồng, A đã có 02 tiền án, trong đó tiền án thứ nhất, A bị kết án về tội tham ô tài sản với số tiền chiếm đoạt là 5.000.000 đồng; tiền án thứ hai, A bị kết án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt là 1.000.000 đồng. Trường hợp này, tiền án thứ hai được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội đối với tội tham ô tài sản. Đối với tiền án thứ nhất, do trước đó đã được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (với số tiền chiếm đoạt là 1.000.000 đồng) nên không được tiếp tục sử dụng để xác định tái phạm.

3. “Lợi ích vật chất khác” quy định tại các điều 354, 358, 364 và 366 của Bộ luật Hình sự là lợi ích vật chất không phải là tài sản quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự.

Ví dụ: Hối lộ bằng cách tài trợ kinh phí đi du học, đi du lịch, ...

4. “Lợi ích phi vật chất” quy định tại điểm b khoản 1 các điều 354, 358, 364, 365 và 366 của Bộ luật Hình sự là những lợi ích không phải lợi ích vật chất.

Ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục,...

5. “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. A chỉ được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, không được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai nhưng A vẫn ra quyết định thu hồi đất của Công ty X để giao cho Công ty Y (là Công ty của gia đình A). Trường hợp này hành vi của A đã vượt quá chức trách, nhiệm vụ được giao.

6. “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 356 của Bộ luật Hình sự là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B đã thực hiện hành vi trái công vụ, trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện B ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

7. “Vụ lợi” quy định tại khoản 1 các điều 356, 357 và 359 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

8. “Động cơ cá nhân khác” quy định tại khoản 1 các điều 356, 357 và 359 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm khẳng định, củng cố, nâng cao địa vị, uy tín, quyền lực của mình một cách không chính đáng.

9. Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra quy định tại các điều 353, 354, 355 và 358 của Bộ luật Hình sự là thiệt hại thực tế xảy ra và có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội, không bao gồm tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác mà người phạm tội đã hoặc sẽ chiếm đoạt.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là Thủ kho của Công ty B có hành vi tham ô số tiền thuốc phòng dịch trị giá 200.000.000 đồng. Do không có thuốc phòng dịch nên dẫn đến hậu quả là toàn bộ số gia cầm trị giá 10.000.000.000 đồng của Công ty B bị chết. Trong trường hợp này, phải xác định số tiền A chiếm đoạt là 200.000.000 đồng và thiệt hại thực tế do hành vi phạm tội của A là 10.000.000.000 đồng.

10. “Bí mật công tác” quy định tại Điều 361 và Điều 362 của Bộ luật Hình sự là thông tin công tác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào (ví dụ: văn bản, dự thảo văn bản, bài phát biểu, hình ảnh...) mà cơ quan, tổ chức quy định không được để lộ cho người khác biết và các thông tin này không thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt

1. Tình tiết “dùng thủ đoạn xảo quyệt” hoặc “dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại khoản 2 các điều 353, 354, 355, 364 và 365 của Bộ luật Hình sự:

a) “Dùng thủ đoạn xảo quyệt” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá một cách tinh vi, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc người phạm tội có hành vi tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

b) “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng khác để chiếm đoạt tài sản hoặc che giấu tội phạm.

2. Tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại khoản 2 các điều 353, 354, 355, 356, 357, 358, 361, 364, 365 và 366 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điều này từ 02 lần trở lên và mỗi hành vi đều cấu thành tội phạm, nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Ngày 15-8-2018, Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 10.000.000 đồng. Ngày 25-9-2019, A lại có hành vi tham ô số tiền 20.000.000 đồng. Các hành vi phạm tội của A đều chưa bị xử lý hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản và bị áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 353 của Bộ luật Hình sự.

3. Tình tiết “ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 353 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau:

a) Làm mất hoặc giảm sút thu nhập thường xuyên, thu nhập tăng thêm hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;

b) Gây khiếu nại, tố cáo bức xúc, làm mất đoàn kết, mất niềm tin trong nội bộ cơ quan, tổ chức ảnh hưởng đến tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

4. Tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại khoản 3 các điều 353, 355 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau:

a) Gây khiếu kiện đông người, biểu tình, gây rối để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước;

b) Gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân;

c) Gây khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ví dụ: Nguyễn Văn A tham ô tiền hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế dẫn đến Ủy ban nhân dân xã B gặp khó khăn trong việc triển khai chính sách xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Điều 5. Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ

1. Việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.

2. Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

3. Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;

b) Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;

c) Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;

d) Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.

Điều 6. Xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt trong trường hợp tách vụ án

Trường hợp vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) thì việc xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt được thực hiện như sau:

1. Không coi việc người phạm tội đã bị kết án trong vụ án trước đó là căn cứ xác định “phạm tội 02 lần trở lên”, trừ trường hợp các hành vi phạm tội bị xem xét, xử lý hình sự trong các giai đoạn là độc lập với nhau;

2. Không coi việc người phạm tội đã bị kết án trong vụ án trước đó là có nhân thân không tốt để không cho hưởng án treo, nếu họ có đủ các điều kiện khác để được hưởng án treo;

3. Việc quyết định hình phạt trong từng bản án, quyết định phải bảo đảm khi tổng hợp hình phạt của các bản án không được vượt quá mức cao nhất của khung hình phạt tương ứng với tổng trị giá tài sản bị chiếm đoạt, của hối lộ hoặc thiệt hại do tội phạm gây ra.

Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi lạm quyền trong thi hành công vụ. Do bước đầu chỉ chứng minh được A gây thiệt hại tài sản trị giá 100.000.000 đồng nên cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết định tách thành 02 vụ án, xử lý trước đối với A về hành vi gây thiệt hại số tiền 100.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó ở giai đoạn 2 cơ quan tiến hành tố tụng lại chứng minh được hành vi của A còn gây thiệt hại tài sản trị giá 350.000.000 đồng. Tại giai đoạn 1, Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Hình sự kết án A 05 năm tù về tội lạm quyền trong thi hành công vụ. Khi xét xử vụ án ở giai đoạn 2, A tiếp tục bị truy tố theo khoản 2 Điều của 357 của Bộ luật Hình sự, để bảo đảm khi tổng hợp hình phạt của cả 02 bản án không vượt quá mức cao nhất của khoản này thì Tòa án chỉ được quyết định hình phạt không quá 05 năm tù đối với A.

Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người sử dụng tài sản do tham nhũng mà có để thực hiện một trong các hành vi rửa tiền

Trường hợp người sử dụng tài sản do tham nhũng mà có để thực hiện một trong các hành vi rửa tiền quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm tương ứng quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 5.000.000.000 đồng, sau đó A dùng số tiền này đầu tư, kinh doanh bất động sản để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền đã tham ô. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 và tội rửa tiền quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự.

Điều 8. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự

1. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, nhưng mỗi lần trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ, gây thiệt hại về tài sản dưới mức tối thiểu quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử lý kỷ luật và chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật, nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản chiếm đoạt tài sản, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại.

Ví dụ: Ngày 15-8-2019, Nguyễn Văn A có hành vi nhận hối lộ số tiền 1.500.000 đồng; ngày 15-9-2019, A tiếp tục nhận hối lộ số tiền 1.500.000 đồng; ngày 30-12-2019, A lại tiếp tục nhận hối lộ số tiền 1.500.000 đồng bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Các hành vi này của A đều chưa bị xử lý kỷ luật và chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Trường hợp này, tổng số tiền nhận hối lộ của A được xác định là 4.500.000 đồng nên A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 354 của Bộ luật Hình sự.

2. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm và tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại của các lần vi phạm thuộc khung hình phạt tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại, họ còn bị áp dụng tình tiết định khung tặng nặng hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:

a) Nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại thuộc khoản 2 của điều luật tương ứng thì người phạm tội bị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”.

Ví dụ: Ngày 15-8-2019, Nguyễn Văn A có hành vi nhận hối lộ số tiền 50.000.000 đồng; ngày 30-6-2020, A lại tiếp tục nhận hối lộ số tiền 100.000.000 đồng bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Trường hợp này, A bị áp dụng 02 tình tiết tăng nặng định khung là: “của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” và “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm c và điểm đ khoản 2 Điều 354 của Bộ luật Hình sự.

b) Nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt hoặc của hối lộ nhận hoặc tài sản thiệt hại thuộc khung hình phạt tăng nặng khác thì người phạm tội bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên”.

Ví dụ: Ngày 11-3-2019, Nguyễn Văn A có hành vi nhận hối lộ số tiền 400.000.000 đồng; ngày 30-7-2020, A lại tiếp tục nhận hối lộ số tiền 200.000.000 đồng bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết tặng nặng định khung "của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng" theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 354 và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Điều 9. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội vừa chiếm đoạt tài sản, nhận của hối lộ vừa gây thiệt hại về tài sản

Trường hợp người phạm tội vừa chiếm đoạt tài sản, nhận của hối lộ, vừa gây thiệt hại về tài sản mà trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ và trị giá tài sản thiệt hại thuộc các điểm trong cùng một khung hình phạt thì truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo các điểm tương ứng của khung hình phạt đó. Trường hợp trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ và trị giá tài sản thiệt hại thuộc các khung hình phạt khác nhau thì truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo khung hình phạt cao hơn.

Điều 10. Xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra

1. Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn.

2. Thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự tùy từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:

a) Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.

b) Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.

c) Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

3. Việc xem xét trách nhiệm dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Điều 11. Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm

1. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải xem xét áp dụng ngay biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội nếu các tài sản này chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn điều tra, truy tố.

2. Tòa án xem xét, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu hủy hoặc buộc trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật đối với tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, bao gồm:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Tiền, tài sản bị chiếm đoạt;

c) Của hối lộ;

d) Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

đ) Khoản thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội;

e) Lợi nhuận, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản do phạm tội mà có;

g) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản thuộc trường hợp bị tịch thu sung ngân sách nhà nước không còn tại thời điểm giải quyết vụ án thì Tòa án quyết định tịch thu trị giá tài sản theo kết luận định giá của cơ quan có thẩm quyền.

4. Trường hợp tài sản có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ đã được nhập vào khối tài sản thuộc sở hữu chung thì Tòa án chỉ tịch thu hoặc buộc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với phần tài sản có nguồn gốc từ tội phạm. Lợi nhuận thu được từ khối tài sản chung này cũng được chia theo tỷ lệ để tịch thu hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 30 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.

2. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Nơi nhận:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để giám sát);

- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (để giám sát);

- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (để giám sát);

- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;

- Ban Nội chính Trung ương (để báo cáo);

- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo);

- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);

- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao (để phối hợp);

- Bộ Tư pháp (để phối hợp);

- Bộ Công an (để phối hợp);

- Các TAND và TAQS các cấp (để thực hiện);

- Các Thẩm phán và các đơn vị TANDTC (để thực hiện);

- Cổng thông tin điện tử TANDTC (để đăng tải);

- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH TANDTC.

 

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN

CHÁNH ÁN

 

Nguyễn Hòa Bình

Hoàng Minh Tâm



7 nhận xét:

  1. Vụ '4 cô tiếp viên' lên báo quốc tế!
    Tiếp viên Vietnam Airlines bật khóc khi bị phát hiện xách ma tuý: Lộ điểm bất thường
    20:52 19.03.2023
    Phòng Cảnh sát điều tra Tội phạm về ma túy Công an TP.HCM phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang điều tra vụ nhóm nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airline xách hơn 10 kg thuốc lắc và ma túy trên chuyến bay VN10 từ Pháp về Việt Nam.
    Công an hiện đang tạm giữ 4 nữ tiếp viên Võ Tú Quỳnh, Trần Thị Thu Ngân, Đặng Phương Vân.
    Tiếp viên bật khóc khi bị phát hiện xách ma tuý
    Theo thông tin ban đầu, 4 nữ tiếp viên này phục vụ trên chuyến bay VN10 (chặng bay CDG-SGN) hạ cánh lúc 8h10 ngày 16/3 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
    Qua kiểm tra hành lý 4 nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines, lực lượng chức năng phát hiện hơn 10 kg ma túy được chứa trong các hộp kem đánh răng.
    “Khi kiểm tra những tuýp kem đánh răng, nước súc miệng trong hành lý của các tiếp viên này, lực lượng chức năng tìm thấy 11,4kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp. Cụ thể gồm 8.400 gram viên nén màu xám, 3.080 chất bột màu trắng, tất cả các mẫu thử đều là ma túy”, ông Bùi Lê Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất thông tin tại cuộc họp báo ngày 17/3.

    Nhà chức trách cho biết, trong hành lý của Võ Tú Quỳnh có 43 hộp kem đánh răng bên ngoài in chữ "Signal Expert White". 31 hộp trong số này chứa nhiều viên nén màu xám trọng lượng khoảng 2,18kg. 12 hộp còn lại chứa chất bột màu trắng trọng lượng khoảng 1kg. Trong hành lý của Nguyễn Thanh Thủy cũng có 43 hộp kem đánh răng bên ngoài in chữ "Signal Expert White", 31 hộp chứa nhiều viên nén màu xám trọng lượng khoảng 2,18kg, 12 hộp chứa chất bột màu trắng trọng lượng khoảng 1kg.
    Trong hành lý của Đặng Phương Vân có 2.020 gram viên nén màu xám và 2.000 gram chất bột màu trắng; hành lý của Trần Thị Thu Ngân có 780 gram viên nén màu xám.
    Vụ việc sau đó được Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất báo cho Công an TP.HCM. Hiện các đơn vị nghiệp vụ đang phối hợp lấy lời khai các nữ tiếp viên này để mở rộng điều tra.
    Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho hay, lượng ma túy bị bắt trong vụ này rất lớn. Đây là vụ án lực lượng hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện vai trò bảo vệ an ninh. Nếu lượng ma túy này trót lọt vào Việt Nam thì tác động đến an ninh, xã hội sẽ khôn lường.
    Vụ bắt giữ này cũng là lời cảnh tỉnh cho những người có rắp tâm lợi dụng những chính sách tạo điều kiện thông thoáng của Việt Nam để vận chuyển chất cấm.
    “Thời điểm bị phát hiện, các nữ tiếp viên rất hợp tác”, ông Nghiệp thông tin và cho hay 4 nữ tiếp viên còn tỏ ra sửng sốt, bật khóc khi biết có ma túy trong hành lý. Họ khai rằng khi ở Pháp đã được một người (hiện chưa xác định danh tính) nhờ “xách tay một số hàng hóa về nước” và trả công hơn 10 triệu đồng.

    Các tiếp viên cũng khẳng định, do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, nên họ chỉ xem qua loa vài tuýp kem, không thấy có gì bất thường.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếp viên có biết hàng xách hộ là ma tuý hay không?
      Liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines bị điều tra vì mang ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất, một trong những việc quan trọng là phải xác định, nhận diện, lời khai của các nữ tiếp viên đúng hay sai.
      Đánh giá về sự việc, TS Đặng Văn Cường, Giảng viên luật hình sự, Trường Đại học Thuỷ Lợi cho biết, nếu lời khai là đúng, các nữ tiếp viên này không biết đây là chất ma túy thì sẽ không bị xử lý về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Nếu họ biết đây là chất ma túy mà vẫn vận chuyển thì sẽ xử lý hình sự theo khoản 4, Điều 250 Bộ luật Hình sự.
      Xét về mặt pháp lý, hành vi vận chuyển ma túy là có, đúng là chất ma túy, thỏa mãn các dấu hiệu về chủ thể, mặt khách quan và khách thể của tội phạm. Vấn đề còn lại là chứng minh mặt chủ quan của tội phạm (bao gồm: lỗi, động cơ, mục đích) làm căn cứ để xử lý hình sự hay không. Xác định người thực hiện hành vi có lỗi hay không là dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh này.
      “Nếu chứng minh được lỗi cố ý thì sẽ đủ căn cứ xử lý hình sự. Việc chứng minh lỗi nói riêng về chứng minh về mặt chủ quan của tội phạm nói chung sẽ không chỉ căn cứ vào lời khai mà chủ yếu là căn cứ vào hành vi khách quan”, ông Cường nói.
      Theo TS Đặng Văn Cường chia sẻ với Kinh tế và Đô thị, việc xác định lời khai của các nữ tiếp viên này là đúng hay không sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó có thể phân tích về giá cả loại hàng hóa này ở Việt Nam so với giá ở bên Pháp, loại hàng này có phổ biến ở Việt Nam không, tiền công vận chuyển như vậy có bất hợp lý không?
      Tiền công vận chuyển 10 triệu đồng với khoảng hơn 10kg hàng, tính ra riêng công vận chuyển là khoảng 1 triệu đồng/kg là đắt hay rẻ, có hợp lý hay không? Giá kem đánh răng ở Pháp so với Việt Nam chênh nhau như thế nào? Nếu là các loại kem đánh răng thông thường thì vận chuyển về Việt Nam sẽ không có lời bao nhiêu, tiền chi phí vận chuyển có đến mức như vậy không?
      Loại kem đánh răng này có chất lượng và giá cả như thế nào khi so sánh giá ở hai quốc gia? Tính giá mua, tiền thuế, các chi phí khác cho đến khi có được giá bán sẽ là những con số để xác định có nên buôn lậu kem đánh răng từ Pháp về Việt Nam hay không? Nếu vận chuyển trái phép như vậy về Việt Nam, liệu có bán được không, rủi ro như thế nào khi thực hiện hành vi này so với lợi nhuận có thể mang lại?
      Đây là những căn cứ để xác định lời khai tiền công vận chuyển 10 triệu đồng cho số hàng hóa đó có hợp lý hay không? Các nữ tiếp viên này có biết đây là chất ma túy hay không để xác định có đủ căn cứ để xử lý về tội vận chuyển trái phép chất ma túy hay không.

      Xóa
    2. Điều bất thường
      Theo TS Đặng Văn Cường, thông thường với những vụ việc có nhiều nghi phạm, cơ quan điều tra cũng sẽ bóc tách từng nghi phạm để hỏi riêng từng người, phát hiện ra những mâu thuẫn trong lời khai, sẽ đấu tranh để xác định sự thật là gì.
      Lời khai ban đầu cho thấy, các tiếp viên này vận chuyển kem đánh răng từ một người lạ không quen biết.
      “Nếu người lạ không quen biết mà có thể nhận vận chuyển hàng về Việt Nam như vậy cũng là điều khá bất thường, vấn đề này sẽ được làm rõ. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các tiếp viên này sang Pháp từ bao giờ, thời gian ở bên Pháp bao lâu và tiếp xúc với những ai? Việc vận chuyển hàng hóa về Việt Nam diễn ra bao nhiêu lần, diễn ra như thế nào, lần này tại sao lại bất thường như vậy? Hàng hóa này đã qua cửa khẩu hải quan sân bay Pháp như thế nào, tại sao lại trót lọt?”, ông Cường chỉ rõ.
      Theo luật sư, cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến hành vi của những người này từ khi sang Pháp, thời gian cư trú lưu trú bên Pháp cho đến khi lên chuyến bay trở về nước. Việc giao nhận số hàng này giữa người lạ mặt với các tiếp viên được thực hiện như thế nào, họ có kiểm tra hay không, nếu kiểm tra tại sao lại không phát hiện? Nếu không kiểm tra thì tại sao lại tin tưởng người lạ đến vậy? Cần làm rõ với cơ quan quản lý về quy trình nghiệp vụ của tiếp viên như thế nào, những hành vi nào không được phép của tiếp viên hàng không để xác định hành vi vận chuyển hàng hóa có lỗi hay không, với nhận thức, trình độ nghiệp vụ thì liệu có phát hiện ra ma túy được giấu trong các loại hàng hóa này hay không?
      “Hành vi khách quan sẽ thể hiện ý thức chủ quan là có biết đây là chất ma túy hay không, đây là vấn đề mấu chốt để xác định có xử lý hình sự đối với các nữ tiếp viên này hay không”, TS Đặng Văn Cường lưu ý.
      Các tiếp viên đủ năng lực nhận thức rủi ro
      Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ với Dân trí, tiếp viên hàng không là nghề đặc thù mà trong quy định của luật hàng không, nội quy của hãng và chương trình đào tạo, các tiếp viên không được nhận, cầm hộ đồ của người khác từ nước ngoài về Việt Nam.
      Quá trình đào tạo, các tiếp viên hàng không cũng được trang bị kiến thức, biện pháp an ninh cho bản thân bao gồm bảo đảm cách ly và giám sát hành lý cá nhân tránh trường hợp người xấu lợi dụng sơ hở và bỏ các vật phẩm cấm vào vali như chất gây cháy nổ, vũ khí, chất gây nghiện.
      Luật sư nhận định, với nghiệp vụ và chuyên môn trong nghề, các tiếp viên có đủ năng lực, nhận thức và cả kỹ năng để biết những rủi ro và hậu quả họ có thể đối mặt nếu nhận cầm hộ hàng hóa từ bất kỳ cá nhân nào.
      “Ngay cả trong trường hợp nếu đây chỉ là hàng hóa bình thường và không chứa chất cấm, thì việc tiếp viên nhận vận chuyển hàng hóa hộ người khác cũng là vi phạm nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp”, theo ông Tiền.

      Xóa
    3. Trên thực tế, nhiều tiếp viên hàng không thường tranh thủ cơ hội "đánh" hàng xách tay về nước rồi bỏ mối cho các cửa hàng kinh doanh. Thậm chí, một số người còn vận chuyển "tiền đen", vàng, điện thoại di động, thuốc lá...Vụ việc vừa qua là lời cảnh tỉnh không chỉ cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không mà còn đối với cả người dân khi tham gia các chuyến bay nội địa/ quốc tế.
      “Để bảo vệ bản thân, người dân không nên nhận gửi hàng hóa thông qua các chuyến bay hàng không, đồng thời bảo quản hành lý cẩn thận khi làm thủ tục tại sân bay, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng đưa hàng hóa lạ vào trong vali của mình”, luật sư khuyến cáo.

      Xóa
  2. Hoan nghênh kiến nghị của google.tiênlang

    Trả lờiXóa
  3. Phương Tây Tấu Hài Cùng Lệnh Bắt Giữ Tổng Thống Putin ?! | Kiến Thức Chuyên Sâu
    52.890 lượt xem 18 thg 3, 2023 #KienThucChuyenSau #TieuDiemChuyenSau #KTCS
    👉Nơi các tấm lòng vàng ủng hộ kênh
    - BIDV 21310000346936/DINH DUY KHANH
    - Momo 0914329696/DINH DUY KHANH
    👉Tình hình Nga và Ukraine mới nhất hôm nay ngày 19 tháng 3, Tin tức 24h mới nhất, bình luận quân sự, bàn cờ quân sự, bàn cờ thế sự, toàn cảnh quốc tế, câu chuyện thế giới, kiến thức chuyên sâu, tiêu điểm chuyên sâu, tin360
    https://www.youtube.com/watch?v=yBai3HVqMAQ

    Trả lờiXóa
  4. Tin Quốc tế mới nhất 20/3 | Một góc nhìn về tính chính nghĩa của Nga trong cuộc chiến Ukraina
    13.900 lượt xem 19 thg 3, 2023 #Thoisu #Tintucviet #Tintuc24h
    CHIẾN SỰ CẬP NHẬT : https://bit.ly/TinQuocTe

    Tin Quốc tế mới nhất 20/3 | Một góc nhìn về tính chính nghĩa của Nga trong cuộc chiến Ukraina @TinTucVietOfficial
    https://www.youtube.com/watch?v=EInDRrofkeo

    Trả lờiXóa