Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

NHỮNG VỊ TƯỚNG HUYỀN THOẠI CỦA DÂN TỘC- Kỳ 3: Đại tướng Hoàng Văn Thái


 
 Đại tướng Hoàng Văn Thái 1915-1986
Lời dẫn: Nhân kỷ niệm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng, bắt đầu từ 17/12/2014, Google.tienlang xin giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài về NHỮNG VỊ TƯỚNG HUYỀN THOẠI CỦA DÂN TỘC. Mở đầu cho loạt bài này, đương nhiên phải là Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người học trò xuất sắc của Bác Hồ vĩ đại, người Anh cả của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.....

************


Đại tướng Hoàng Văn Thái - Võ, Văn toàn diện
Đại tướng Hoàng Văn Thái được đánh giá là một trong những vị tướng có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, người có công lớn trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc chống chủ nghĩa thực dân.


Đại tướng Hoàng Văn Thái tên thật là Hoàng Văn Xiêm, sinh tháng 5/1915 tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)

Người “có duyên” cầm cờ từ ngày thành lập quân đội
Từ nhỏ, Hoàng Văn Xiêm là một học sinh chăm chỉ, ham học nhưng năm 13 tuổi đã phải bỏ học đi làm thuê. Năm 1936, do tham gia các hoạt động bãi công chống lại chủ mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), ông bị đuổi việc. Hoàng Văn Xiêm trở về quê và tích cực hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ. Tháng 3/1938, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9/1941, ông lấy bí danh là Quốc Bình, cùng với Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Vũ Lập được cử đi học tại trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc). Cuối tháng 10/1944, Hoàng Văn Xiêm về nước với bí danh mới: Hoàng Văn Thái.
Đồng chí Hoàng Văn Thái (người cầm cờ) tại lễ thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, 12.1944

Ngày 22/12/1944, Hoàng Văn Thái là một trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, được phân công phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến. Theo hồi ức của các đồng đội, ông là người cầm lá cờ trong buổi lễ thành lập đội. Trong trận đánh đồn Nà Ngần, ông cũng là người cắm lá cờ chiến thắng. Không chỉ Hoàng Văn Thái mà cả vợ ông cũng “có duyên” với lá cờ trong những ngày trọng đại. Bà Đàm Thị Loan (phu nhân của ông) là một trong hai người kéo lá cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài trong buổi lễ Độc lập thiêng liêng ngày 2/9/1945 ở Hà Nội.

Vị tướng tham mưu lỗi lạc
Ngày 7/9/1945, Chủ tịch  Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Bộ Tham mưu và chỉ định Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng với những lời căn dặn: “... tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm dịch, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng”. Vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi đó mới 30 tuổi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tại Hà Nội, ông cùng với Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp hoàn thiện và phê duyệt kế hoạch tác chiến của Tư lệnh Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ. Cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội đã kìm giữ, tiêu hao quân Pháp trong thành phố hai tháng, thêm thời gian chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Ngày 20/1/1948, Hoàng Văn Thái nhận quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên.
Thiếu tướng Hoàng Văn Thái -người đứng cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp- cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội tới thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ

Ngày 26/11/1953, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái dẫn đầu đoàn cán bộ tiền trạm Bộ Tư lệnh tiền phương lên đường đi Tây Bắc. Ông được bí mật cử làm Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 30/11, ông dừng lại nghiên cứu tập đoàn cứ điểm Nà Sản rất kiên cố của Pháp. Chính những nghiên cứu thực địa kỹ lưỡng này đã giúp ông có nhiều kinh nghiệm cho trận quyết chiến Điện Biên Phủ với công sự kiên cố của quân Pháp. 
  Trung tướng Hoàng Văn Thái (người ngồi giữa) họp với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam, năm 1967

 
Tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp


 Từ phải sang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Hoàng Văn Thái bàn kế hoạch giải phóng Tây Nguyên 1975

Khi soạn kế hoạch tác chiến cho hai năm 1975 - 1976, Hoàng Văn Thái  nhận định: “Dù bằng cách nào và bất cứ khi nào thời cơ chiến lược xuất hiện, bản kế hoạch yêu cầu các lực lượng phải ngay lập tức hành động và khai thác triệt để thời cơ, mở cuộc tấn công bằng mọi sức mạnh có thể có để giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất có thể được trước khi ‘đối phương có xu hướng can thiệp’, nghĩa là trước khi Hoa Kỳ và Trung Hoa kịp có phản ứng”. Lịch sử đã chứng minh những nhận định này hoàn toàn chính xác, thể hiện tầm nhìn của một vị tướng chiến lược tài ba.

Trong trận tổng công kích mùa xuân năm 1975, ông được phân công là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng chi viện, Phó Tổng Tham mưu trưởng Thứ nhất. Trên thực tế ông đã đảm nhiệm vai trò Tổng Tham mưu trưởng lần thứ ba, thay cho tướng Văn Tiến Dũng bí mật vào Nam để trực tiếp chỉ huy chiến trường.

Năm 1980, ông được phong quân hàm Đại tướng. Trước Đại hội Đảng lần thứ VI, 5 giờ 7 phút sáng ngày 2/7/1986, ông đột ngột qua đời.

Hơn 45 năm gắn bó với từng bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, đi qua hai cuộc kháng chiến, tham gia chỉ huy 15 chiến dịch lớn, Đại tướng Hoàng Văn Thái được đánh giá là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là vị tướng tham mưu tài giỏi, là linh hồn của Bộ Tổng tham mưu. Người Mỹ đã từng coi ông là người số 1 trong Danh sách Việt Cộng tại miền nam Việt Nam.


Vị tướng tài hoa, tràn đầy tình cảm

Là một tướng chỉ huy và tham mưu, nhưng Hoàng Văn Thái có thể chất tốt như một nhà thể thao (ông cao 1m75). Ông còn là một người yêu âm nhạc, là một nhạc công. Ít người biết rằng ông là tác giả bài hát “Phất cờ nam tiến” sáng tác trong đêm trước buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với những lời ca hào sảng, tràn đấy khí thế: “Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến/ Mau bước đều lên, tiến tới cho kịp thời cơ/ Phong trào lên đang sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa/ Tung cờ giải phóng trên đất Thăng Long/ Trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau...”. Cũng ít người biết từ năm 1949, Hoàng Văn Thái đã đề xuất hệ thống ký hiệu tổ chức đơn vị quân đội Việt Nam theo ký hiệu ABC. Từ đó đến nay, các ký hiệu chỉ từng cấp đơn vị được sử dụng thống nhất trong toàn quân.

Là một vị tướng, nhưng Hoàng Văn Thái luôn chăm sóc, dành tình thương của mình cho các chiến sĩ. Ông đã khóc khi nghe bộ đội (vẫn) trả lời “No ạ!” với phần cơm ít ỏi đạm bạc trong kháng chiến. Đối với đồng nghiệp, cấp dưới trong cơ quan, ông sống có tình có nghĩa, thường xuyên thăm hỏi động viên. Ông cũng là người rất gắn bó với quê hương. Những bí danh của ông như An hay Mười Khang được lấy từ tên làng An Khang nguyên quán, hay Quốc Bình, Hoàng Văn Thái lấy từ tên tỉnh quê hương Thái Bình đã nói rõ điều này.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về tướng Hoàng Văn Thái: “Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được Quân đội ta và nhân dân ta mến phục”.
T.S. Ngô Vương Anh

1 nhận xét:

  1. Người Đất Cátlúc 06:08 22 tháng 12, 2014

    Kỷ niệm 70 năm- ngày thành lập QĐNDVN, G.T trích đăng bài viết về những vị tướng huyền thoại đương đại, tôi xin góp lời:
    -Mỗi câu nói đều phải đặt trong ngữ cảnh thì mới lột tả hết ý nghĩa của nó. Ví như, phu nhân của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Bà Đặng Bích Hà, khi được hỏi về cuộc đời và sự nghiệp của Đại Tướng, Bà khiêm tốn trả lời:" Nhờ Bác Hồ, nhờ Đảng, nhờ Cách mạng ông nhà tôi mới được thế, nên thế. Không nhờ vậy thì ông nhà cũng chỉ là một thầy giáo dạy Sử". Câu nói hoàn toàn đúng. Nhưng sử dụng câu nói của Bà ĐBH qua chuyện vinh công của Đại Tướng là một điều khiếm lễ và vô tình chạm đến lòng quí kính tuyệt đối của nhân dân đối với Đại Tướng.
    Vì sao? Thời thế tạo anh hùng! Cách nói lập lững, hết sức nguy hiểm, kiểu nói của nhà-văn-vĩ-đại-Đặng-Đình-Loan!!!
    Này nhé, ông Vũ Thuần Nho, em ruột của Đại Tướng, từng làm thứ trưởng Bộ Giáo Dục, có đủ đầy các yếu tố như Anh mình, nhưng ông ấy là tác giả của công trình thay đổi kiểu chữ viết
    tiếng Việt bỏ nét bụng, nát cả vài ba thế hệ đấy.
    Anh hùng và Thời thế, 2 yếu tố bổ sung, quyện chạt nhau. Tôi trích câu nói của Cụ Hồ:"Không cải tạo được thời thế thì sao được gọi là anh hùng. Nhưng khi thời thế khách quan chưa cho phép thì có anh hùng nào mà thành công được. Anh hùng và thời thế như hai vòng tròn dính liền nhau, liên quan mật thiết, tương tác với nhau không thể cắt rời" (Lão thành cách mạng Phan Trọng Quảng kể lại bài giảng của Hồ Chủ Tịch thời kỳ 1925-1927 về Thời Thế và Anh Hùng).
    Chúng ta hay nói tới lập trường, quan điểm. Nhiều người trong cuộc sống có lập trường khá tốt. Nhưng từ chỗ đứng nhìn phong quang thuận lợi lại chọn điểm quan sát lệch nên...tiếc quá!

    Trả lờiXóa