Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

BÀI HỌC NÀO CHO VIỆT NAM TỪ MỐI QUAN HỆ MỸ- CUBA?

Lời dẫn: Google.tienlang cảm ơn bạn đọc Nguyễn Thành Phúc, trong 1 comment ở bài  MỸ ĐỪNG MƠ ĐẶT CĂN CỨ QUÂN SỰ Ở VIỆT NAM đã đưa về đây bài phân tích rất hay của Đại tá Lê Thế Mẫu. Chúng tôi xin đăng lại bài này thành một entry độc lập để bạn đọc tiện theo dõi.
*********************

BÀI HỌC NÀO CHO VIỆT NAM TỪ MỐI QUAN HỆ MỸ- CUBA?
Theo giới phân tích, sở dĩ quan hệ Mỹ - Cu-ba “tan băng”, bởi những nguyên nhân chủ yếu sau.  
Thứ nhất, đã đến lúc chính quyền Mỹ nhận ra rằng, chính sách bao vây, cấm vận kết hợp với phá hoại, lật đổ nhà nước Cu-ba trong suốt 54 năm qua đã không mang lại kết quả như mong đợi và cần được thay thế bằng phương thức mới phù hợp.  
Thứ hai, chính sách thù địch của Oa-sinh-tơn chống Cu-ba không chỉ gây thiệt hại đối với La-ha-ba-na, mà còn làm tổn hại cho cả nền kinh tế Mỹ, khiến sự bất mãn của dân chúng nước này, nhất là giới doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Mặt khác, việc Mỹ tiếp tục phong tỏa đối với Cu-ba đã, đang bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, nhất là các nước Mỹ La-tinh. Năm 2014, trong số 193 nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham gia bỏ phiếu thì có 188 nước phản đối chính sách này, khiến Mỹ ngày càng bị cô lập.
Thứ ba, đối với cá nhân Tổng thống B. Ô-ba-ma, trong gần hai nhiệm kỳ cầm quyền, kết quả về đối nội đã không mấy nổi trội, về đối ngoại còn kém sáng sủa hơn. Từ Trung Đông đến U-crai-na, từ chống khủng bố đến quan hệ Mỹ - Nga,… và các điểm bố trí chiến lược toàn cầu của Mỹ đều không giữ được. Do đó, việc Tổng thống B. Ô-ba-ma lựa chọn Cu-ba là bước đột phá ngoại giao cũng là vì không có sự lựa chọn nào khác.  
Thứ tư, về phía Cu-ba, trong hơn nửa thế kỷ bị Mỹ bao vây, cấm vận đã kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia; đồng thời, kiên trì chính sách đối ngoại hòa bình với Mỹ. Trên thực tế, La-ha-ba-na luôn mong muốn làm dịu quan hệ với Oa-sinh-tơn để giải quyết khó khăn về kinh tế, phá vỡ trạng thái bị bao vây, cô lập để phát triển đất nước. Vì vậy, việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu-ba là phù hợp với yêu cầu ngoại giao của hai bên và cũng đáp ứng với lợi ích cốt lõi của hai nước.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cu-ba, ngoài mặt tích cực, sẽ có những toan tính về các phương diện, như: địa - chính trị, kinh tế thương mại và tranh giành ảnh hưởng đối với khu vực và quốc tế; trong đó, vấn đề địa - chính trị luôn là mục tiêu hàng đầu và được thể hiện trên một số nội dung sau:

Thông qua bình thường hóa quan hệ, Oa-sinh-tơn muốn khống chế, lôi kéo Cu-ba đi theo quỹ đạo của Mỹ.

Kể từ tuyên bố lịch sử của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cu-ba ngày 17-12-2014, nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng, chiến lược mới của Oa-sinh-tơn đối với La-ha-ba-na dù hòa dịu hơn, song vẫn bao hàm ý đồ “thay đổi chế độ” ở quốc đảo vùng Ca-ri-bê này. Điều này được thể hiện khá rõ trong tuyên bố của Tổng thống B. Ô-ba-ma (ngày 17-12-2014) khi hàm ý nói rằng, Mỹ “sẽ thay đổi căn bản định hướng chính sách của Oa-sinh-tơn đối với Cu-ba”, bởi theo ông, chính sách trước đây “đã không mang lại kết quả”. Thậm chí, trong đàm phán mở lại đại sứ quán giữa hai bên, phía Mỹ còn yêu cầu Cu-ba bảo đảm rằng, các nhà ngoại giao của sứ quán Mỹ có thể tự do đi lại trên đất nước Cu-ba và tùy ý trò chuyện với người dân bản địa, bao gồm cả người của phe đối lập, v.v.

Như vậy, xét ở góc độ nào đó, chủ trương của Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cu-ba có thể là một biến thể của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, được thực hiện trong một thời kỳ phát triển rất nhạy cảm ở hòn đảo tự do này. Theo chiến lược này, sau khi bình thường hóa quan hệ, Mỹ sẽ đẩy mạnh thực hiện chính sách can dự thông qua các vấn đề quen thuộc, như: “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”, “tự do công đoàn” cũng như “tự do biểu tình” và hội họp, v.v. Mục đích mà Mỹ muốn đạt được là hình thành nhiều đảng đối lập tại Cu-ba và tạo điều kiện để các đảng này được tham gia ứng cử trong các cuộc bầu cử, từng bước thâm nhập vào hệ thống nhà nước, nhằm thúc đẩy thay đổi các nguyên tắc mà Đảng Cộng sản Cu-ba đã đề ra trong hơn 50 năm qua.

Để thực hiện chiến lược này, Mỹ tiến hành hàng loạt điều chỉnh trong chính sách đối ngoại với Cu-ba, như: không gây hấn về quân sự; đưa quốc đảo này ra khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ khủng bố”; thông qua các tổ chức phi chính phủ để tăng “viện trợ nhân đạo”, cung cấp học bổng du học cho lớp trẻ và mở rộng dòng kiều hối cùng các chuyến hồi hương của kiều dân Cu-ba ở nước ngoài,… nhằm thể hiện thiện chí “vì lợi ích của nhân dân Cu-ba”, v.v. Tiếp đó, Oa-sinh-tơn sẽ thúc đẩy đàm phán về việc bồi thường cho các công ty Mỹ có tài sản bị tịch thu trong cuộc Cách mạng năm 1959; thúc ép Liên hợp quốc điều tra về “nhân quyền” tại Cu-ba; đòi thả các tù nhân chính trị; can thiệp vào các cuộc bầu cử dưới vỏ bọc giám sát của các ủy ban hỗn hợp quốc tế, v.v. Theo dự tính của Oa-sinh-tơn, dưới tác động của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhiều khả năng sau thế hệ của Phi-đen và Ra-un Ca-xtơ-rô, ở Cu-ba sẽ xuất hiện một chính thể tuy vẫn mang danh “xã hội chủ nghĩa” nhưng thực chất sẽ hướng theo các giá trị của chủ nghĩa tư bản.

Lấy lại ảnh hưởng và uy tín đã bị suy giảm đáng kể ở khu vực

Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, những năm gần đây, môi trường địa - chính trị khu vực Mỹ La-tinh (vốn là “sân sau” của Mỹ) đã có thay đổi căn bản. Theo đó, các nước Mỹ la-tinh đều đi theo hướng cánh tả, nhất là cánh tả ôn hòa ở các nước, như: Bra-xin, Ác-hen-ti-na hay chính phủ cánh tả cấp tiến ở Vê-nê-xu-ê-la, làm cho vai trò chủ đạo của Oa-sinh-tơn đối với khu vực này bị suy giảm đáng kể. Trong khi đó, Cu-ba không chỉ là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất ở Tây bán cầu, mà còn là một trong những ngọn cờ đầu của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh, nên có uy tín và quan hệ mật thiết với các nước trong khu vực. Hằng năm, vào thời điểm định kỳ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ, các nước Mỹ La-tinh thường mời Cu-ba tham gia, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Thậm chí gần đây, Pa-na-ma đã không tổ chức hoặc không tham gia Hội nghị để yêu cầu Mỹ chấp thuận Cu-ba trở lại cơ cấu của khu vực, v.v. Chính vì thế, bình thường hóa quan hệ với Cu-ba là vấn đề có tính chiến lược, nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực Mỹ La-tinh. Đồng thời, từng bước thiết lập thế đứng chân chiến lược tại hòn đảo này trước sự gia tăng ảnh hưởng của các cường quốc khác. Đây cũng là cách tốt nhất, vừa tránh cho Mỹ khỏi bị cô lập, suy giảm vị thế, vừa có tác dụng để “sân sau” của họ an toàn hơn.

Tranh giành ảnh hưởng với các nước, nhất là với Nga và Trung Quốc

Sau khi cuộc Cách mạng (năm 1959) thành công, Cu-ba trở thành nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên và duy nhất ở Mỹ La-tinh. Từ đó đến nay, mặc dù chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Cu-ba vẫn kiên trì thể chế chính trị - xã hội theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Vì thế, việc Cu-ba có quan hệ mật thiết với Nga và Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu.

Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga ngày càng xấu đi (do liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở U-crai-na) thì không gì có thể bảo đảm rằng, Mát-xcơ-va lại không khôi phục hợp tác quân sự với La-ha-ba-na nhằm cân bằng với Mỹ. Điều đó phần nào được biểu hiện trong chuyến thăm Cu-ba gần đây, Tổng thống Nga V. Pu-tin tuyên bố sẽ xóa khoảng 90% khoản nợ của Cu-ba đối với Liên Xô (trước đây). Do đó, bình thường hóa quan hệ với Cu-ba, Mỹ có cơ hội và điều kiện giành lại ảnh hưởng địa - chính trị với Cu-ba; đồng thời, tạo cơ hội để phát triển đầu tư ở nhiều nước Mỹ La-tinh khác - nơi mà Trung Quốc và Nga đang tăng cường ảnh hưởng. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với Mỹ, nếu “chậm chân”, Oa-sinh-tơn sẽ vĩnh viễn bị gạt ra bên lề các tiến trình chính trị, kinh tế và an ninh ngay ở khu vực được coi là “sân sau” của họ. Các nhà quan sát cho rằng, với động thái thiết lập Đại sứ quán của mình ở La-ha-ba-na, Mỹ đang quyết tâm không để quốc đảo này trong quỹ đạo ảnh hưởng của Nga như thời Chiến tranh lạnh.

Làm dịu mối bất hòa với các đồng minh.

Những năm qua, chính sách phong tỏa, trừng phạt Cu-ba của Mỹ không chỉ khiến hai bên và các nước Mỹ La-tinh chịu ảnh hưởng, mà còn làm tổn hại đến lợi ích các đồng minh của Mỹ. Các đạo luật “Tô-ri-xe-li” và “Hem-xơ Bu-tơn” của Hoa Kỳ đã quy định các biện pháp trừng phạt đối với bất cứ tổ chức, cá nhân nước ngoài nào tiến hành trao đổi thương mại với Cu-ba hoặc đầu tư vào hòn đảo này. Điều này đã gây nên sự bất bình của nhiều nước phương Tây khác muốn quan hệ hợp tác với Cu-ba. Thậm chí, Ca-na-đa - quốc gia láng giềng của Oa-sinh-tơn - đã buộc phải áp dụng các biện pháp chống kiềm chế và trừng phạt những công ty và cá nhân nào của nước này không tuân theo các đạo luật của Mỹ. Không những thế, nhiều nước châu Âu cũng chỉ trích chính sách lỗi thời của Mỹ đối với Cu-ba, khiến quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh bị sứt mẻ. Chính vì thế, thông qua bình thường hóa quan hệ với Cu-ba, Mỹ kỳ vọng sẽ khôi phục vị thế ảnh hưởng địa - chính trị đối với toàn khu vực, trong đó có các đồng minh chủ chốt. Phát biểu trước các cố vấn thân cận của Nhà Trắng, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã bày tỏ tham vọng: “Thay đổi chính sách đối với Cu-ba sẽ tiếp thêm sức mạnh để chúng ta gây dựng lại vai trò lãnh đạo ở châu Mỹ”.

Như vậy, trước tình hình thế giới và khu vực Mỹ La-tinh có nhiều biến chuyển, việc toan tính địa - chính trị của Mỹ trong bình thường hóa quan hệ với Cu-ba là điều không bất ngờ đối với dư luận. Thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy, các nước có quan hệ ngoại giao bình thường nhưng giữa họ vẫn tồn tại mâu thuẫn mang tính kết cấu, thậm chí xung đột không phải là ít. Các nhà quan sát cho rằng, mặc dù phải đối mặt với nhiều chông gai phía trước, song bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu-ba về toàn cục là có lợi cho cả hai bên, khu vực và thế giới, đòi hỏi hai nước không chỉ dũng cảm xóa bỏ oán thù trong quá khứ, mà còn phải mở rộng tấm lòng trên tinh thần bình đẳng cùng có lợi để tích lũy niềm tin và hướng tới tương lai tốt đẹp.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

===============================

4. BÀI HỌC NÀO CHO VIỆT NAM TỪ MỐI QUAN HỆ MỸ- CUBA?

7 nhận xét:

  1. Công an bị tố nhổ nước bọt vào mặt dânlúc 17:01 9 tháng 4, 2016

    Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xã hội thiếu gì dòng họ, gia đình các thành viên dều có học vấn cao, nếp sống, đạo đức tốt mà vẫn có thành viên cá biệt tha hóa trộm cắp, giết người. Huống chỉ cả một tổ chức lớn có hằng trăm ngàn người thì tránh sao chẳng có một số ít thành viên tha hóa, một số bọn đầu trộm đuôi cướp, một số tên việt gian chui vào phá hoại. Nhất là trong xã hội ta hiện nay phát triển theo xu hướng thị trường, thì mặt trái của nó tác động làm những người sống nặng cá nhân chủ nghĩa bị tha hóa biến chất sao tránh được. Nên trong ngành công an, hay trong cán, bộ đảng viên có những người tha hóa là lẽ tự nhiên. Đó cũng là quy luật sàng lọc những kẻ tha hóa và trộm cướp, phản động chui vào trong công an làm trong sạch lực lượng công an cách mạng.

      Xóa
  2. Học sinh mẫu giáo vùng caolúc 18:56 9 tháng 4, 2016

    Độc lập, tự chủ!

    Trả lờiXóa
  3. Cựu Chiến binhlúc 19:44 9 tháng 4, 2016

    Bài phân tích rất logic của Đại tá Lê Thế Mãu.
    Cảm ơn Đại tá và hy vọng Ban lãnh đạo mới của đất nước nhìn vào đây để rút ra bài học, đúng như bạn Học sinh mẫu giáo vùng cao vừa nêu trên kia: ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ!
    CHƠI VỚI MỸ NHƯNG PHẢI LUÔN CẢNH GIÁC KẺO HỌ BIẾN VN THÀNH UKRAINA!

    Trả lờiXóa
  4. Tôi hòan tòan ĐỒNG Ý với các bạn :" ...CHƠI VỚI MỸ NHƯNG PHẢI LUÔN CẢNH GIÁC KẺO HỌ BIẾN VN THÀNH UKRAINA!" . Các nhà truyền thông , bình lọan Hải ngọai thừơng xuyên lớn tiếng chê " CSVN không theo Mỹ để mất nứơc vào tay Trung Cọng " ...."Chỉ có Mỹ là cứu cánh , bảo vệ Biển Đông " . Đó chỉ là những luận điệu một chiều -nông cạn và thiếu hiểu biết . Lịch sử Thế Giới và ngay chính bản thân VN đã là kinh nghiệm đau thương cho VN :

    -Mỹ bỏ rơi Đồng minh VNCH năm 1973 .

    -Mỹ thỏa thuận cho Trung Cọng chiếm đảo Hòang Sa năm 1974 .

    Theo Mỹ ư ? Có lý đấy . Nhưng ai BẢO ĐẢM Mỹ sẽ bảo vệ VN như đã làm ở Hàn Quốc , Nhật , Đài Loan ? Hay là nay mai chỉ vì lợi nhuận kinh tế với Trung Cọng rồi lại bán đứng VN một lần nửa ? Vì thế trứơc sư xâm lựơc của Trung Cọng VN "có thể " dựa vào Mỹ và nhất là phải tiếp tục theo Nga để có hậu thuẩn như lâu nay . Tuy nhiên , dù theo Nga-Mỹ-Trung cọng thì VN LUÔN LUÔN giử thế đứng Độc lập và Tự Chủ . Đó là bứơc đi khôn khéo của Đảng CSVN hiện nay . Tôi tán thành như thế .

    Trả lờiXóa
  5. Tôi hòan tòan ĐỒNG Ý với các bạn :" ...CHƠI VỚI MỸ NHƯNG PHẢI LUÔN CẢNH GIÁC KẺO HỌ BIẾN VN THÀNH UKRAINA!" . Các nhà truyền thông , bình lọan Hải ngọai thừơng xuyên lớn tiếng chê " CSVN không theo Mỹ để mất nứơc vào tay Trung Cọng " ...."Chỉ có Mỹ là cứu cánh , bảo vệ Biển Đông " . Đó chỉ là những luận điệu một chiều -nông cạn và thiếu hiểu biết . Lịch sử Thế Giới và ngay chính bản thân VN đã là kinh nghiệm đau thương cho VN :

    -Mỹ bỏ rơi Đồng minh VNCH năm 1973 .

    -Mỹ thỏa thuận cho Trung Cọng chiếm đảo Hòang Sa năm 1974 .

    Theo Mỹ ư ? Có lý đấy . Nhưng ai BẢO ĐẢM Mỹ sẽ bảo vệ VN như đã làm ở Hàn Quốc , Nhật , Đài Loan ? Hay là nay mai chỉ vì lợi nhuận kinh tế với Trung Cọng rồi lại bán đứng VN một lần nửa ? Vì thế trứơc sư xâm lựơc của Trung Cọng VN "có thể " dựa vào Mỹ và nhất là phải tiếp tục theo Nga để có hậu thuẩn như lâu nay . Tuy nhiên , dù theo Nga-Mỹ-Trung cọng thì VN LUÔN LUÔN giử thế đứng Độc lập và Tự Chủ . Đó là bứơc đi khôn khéo của Đảng CSVN hiện nay . Tôi tán thành như thế .

    Trả lờiXóa