Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Bảy đứa trẻ ‘người rừng’ vướng lời nguyền của mẹ

PHƯƠNG NAM - Thứ Tư, ngày 27/4/2016 - 07:00
(PL)- Chỉ vì một lời nguyền, hơn 13 năm trước, người phụ nữ K’ho có tên Srín cùng chồng bỏ làng vào rừng sâu rồi lần lượt sinh ra bảy đứa con. Trong đó có đến năm đứa do chị tự vượt cạn một mình giữa rừng.
Trung tuần tháng 4-2016, từ thông tin của những người đi rừng về một gia đình chín người sống trong khu vực rừng đầu nguồn suối Dinh (xã Đông Giang, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) trong tình trạng hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, chúng tôi đã băng rừng tiếp cận.
Tiếng hú nơi hoang dã
Để đến được nơi họ trú ngụ, từ con lộ đất đỏ dẫn lên đập Đan Sách phải đi non chục cây số nữa, băng qua những khu vực rừng khộp, rừng le dày đặc. Dù có đường mòn nhưng rất nhiều đoạn dốc dựng đứng đụng cả lỗ mũi và những con suối đã cạn nước đầy đá tảng nên phải liên tục đẩy xe vượt qua.
Vừa giáp con suối nhỏ, mọi người đã kịp thoáng thấy ba, bốn đứa trẻ nhỏ trần truồng đang tắm. Khi nghe tiếng xe máy, đám trẻ nhanh như sóc chạy thoăn thoắt vào rừng, vừa chạy vừa hú lên những tràng dài vang vọng cả đại ngàn rồi mất hút.
May mắn là hôm đó có K’Din, Trưởng Công an xã Đông Giang, dẫn đường và giúp chúng tôi tiếp xúc, nếu không, chắc không thể chạm được vào người những đứa bé hoang dã này. Mặc dù vậy, S’Nguyên, đứa con gái chín tuổi, nhác thấy bóng người vẫn nhanh như vượn, thoắt cái đã tót lên cây điều dùng lá cây che mặt. Gần cả giờ đồng hồ thuyết phục, S’Nguyên mới chịu xuống đất. Mấy đứa nhỏ em của S’Nguyên đều sàn sàn nhau, đẻ năm một, đen nhẻm, rách rưới, đi chân đất, cứ rúc đầu vào nách, vào lưng mẹ và thu mình khi thấy người lạ.
Khi chúng tôi đưa kẹo mút và bánh mua sẵn mang theo, bọn trẻ đều nhìn lạ lẫm, mắt lấm la lấm lét. Chỉ có đứa bé trai gần hai tuổi dạn dĩ nhất nhanh tay chộp lấy rồi đút cả cây kẹo vô miệng mà không lột vỏ. Từ lúc sinh ra rồi lớn lên, bọn trẻ chỉ quanh quẩn quanh khu vực này, khát thì xuống suối múc nước uống; đói nhưng chưa tới giờ ăn thì hái trái rừng. Không biết một từ tiếng Kinh. Bầu bạn với chúng chỉ có sáu con heo và hai con gà.
Hôm chúng tôi đến, nồi cơm to đùng đã được nấu xong cho cả nhà ăn nguyên ngày. Bên cạnh là tô muối ớt đỏ quạch và một cái bắp chuối mới hái vẫn còn mủ - thức ăn trong ngày của cả gia đình. Sim Mên - người chồng và hai đứa con trai lớn đã vào rừng sâu hái nấm, ở chòi chỉ còn Srín và năm đứa con nhỏ.
Mẹ con Srín. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Căn chòi rách nát hở trước trống sau là nơi ngủ và sinh hoạt của chín người trong gia đình. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Đứa con gái của Srín sinh ra đến giờ chỉ ở trong rừng, trong căn chòi này. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Lời nguyền chưa thể bước qua
Srín, 38 tuổi, người đậm chắc nịch, lưng đèo đứa con trai áp út, tay bồng đứa bé gái tám tháng tuổi, cho biết cả gia đình sinh hoạt trong chiếc chòi nhỏ xíu.
Khó có thể tưởng tượng nổi chín con người hằng ngày phải ngủ trong căn chòi dựng bằng liếp tre trống trước hở sau với diện tích chỉ trải đủ ba chiếc chiếu và giăng sẵn ba cái mùng rách nát. Chén bát úp đầy xung quanh chỗ ngủ. Mỗi tháng một lần, Sim Mên băng rừng xuống làng mua gạo, thịt, cá khô, muối chở về. Mỗi tháng gia đình chỉ ăn được một bữa tươi lúc mới mua về, phần còn lại đều được Srín bỏ vào lu sành, dấp muối hột để bảo quản và muối ăn dần.
Srín kể, hơn 13 năm trước khi mới sinh đứa con trai đầu, do mâu thuẫn với người chị ruột và bị chị đuổi ra khỏi nhà, Srín liền gùi con, gọi chồng lên rừng với lời nguyền sẽ không bao giờ trở lại làng lần nữa. Chọn khu rừng đầu nguồn suối Dinh đủ xa buôn làng làm nơi trú ngụ, cả hai chặt tre làm chòi, phát rừng trồng điều để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh viễn ở đây.
Rồi Srín có bầu đứa con trai thứ hai, khi vợ sắp sinh, Sim Mên chạy về làng năn nỉ bà mụ vườn lên rừng giúp vợ, mãi mới được bà mụ nhận lời do đường rừng quá xa.
“Đến đứa thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy thì một mình mình tự đẻ thôi, mà toàn đẻ vào ban đêm tối trời” - Srín nói. Mỗi lần trở dạ chuẩn bị sinh, Srín liền cho đứa nhỏ nhất bú một bụng no nê, sau đó nấu nồi nước sôi để sẵn. Người đàn bà này lầm lũi lấy một cật tre cất trong chòi rồi ôm chiếc mền cũ tìm một gốc cây rừng một mình sinh con.
Đứa bé vừa sinh ra, người mẹ lập tức gắng gượng dùng cật tre cắt rốn rồi quấn mền ôm đứa bé vào cạnh chòi pha nước tắm cho con. Sau đó vào chòi cho đứa trẻ sơ sinh bú; bầu sữa còn lại dành cho đứa lớn hơn. Sáng hôm sau khi cả nhà thức dậy mới biết gia đình vừa có thêm thành viên mới.
Năm năm trước, Srín nuốt nước mắt phá bỏ lời nguyền khi nghe cha mình ngã bệnh qua đời. Một mình chị nửa đêm, quấn khăn kín mít băng rừng về làng khóc cha. Nhiều người trong làng khuyên Srín nên đưa các con về làng nhưng sau ba ngày chịu tang cha, xây dựng mồ mả xong, Srín lại lặng lẽ lên rừng. Đến nay chưa lần nào Srín trở về làng nữa.
Khi được thuyết phục đưa các con về làng để chúng được ăn học, Srín cứ lặp đi lặp lại điệp khúc “Sợ lắm, sợ người ta gây chuyện lắm”, rồi khóc.
Đang tiếp xúc, trò chuyện thì bất ngờ ai cũng giật mình khi nghe những tiếng hú dài lanh lảnh. Thì ra hai đứa con trai lớn của Srín vừa đi rừng về, nhưng khi thấy xe máy của chúng tôi dựng quanh chòi đã không dám vô mà chỉ “đánh tiếng” để mẹ và các em biết chúng đã có mặt. Cả hai đứa con trai đứng cách xa chòi chừng vài chục mét nhưng khi thấy chúng tôi mon men đến tiếp cận, lập tức chúng chạy ra xa hơn. Cả Srín và K’Din tìm cách thuyết phục nhưng hai đứa con trai không chịu quay về chòi mà biến mất hút vào rừng.
Chúng tôi mang theo nước khoáng đóng chai đưa cho đám trẻ nhỏ uống, nhưng chúng từ chối, chỉ uống nước suối ừng ực ngon lành được đựng trong hai can nhựa to đùng. Nhìn bọn trẻ mân mê vỏ kẹo, vỏ bánh rồi trố mắt nhìn những chiếc điện thoại không dám sờ vào, ruồi bu trên mặt không thèm nhúc nhích mà thương đứt ruột!
Nhiều người ở làng cho biết Sim Mên rất muốn đưa các con về làng, bằng chứng là mỗi lần về cõng gạo, thức ăn lên rừng, lúc nào Sim Mên cũng ở cả ngày nhậu nhẹt, tâm sự với mọi người đến tối mịt mới về. Tuy nhiên, do tập tục người K’ho theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ trong hôn nhân, Srín là người bỏ lễ cưới chồng nên nhất nhất Sim Mên phải nghe theo quyết định của vợ.
Srín ơi, vì các con, hãy bước qua lời nguyền trở về với làng đi!
K’Din, Trưởng Công an xã Đông Giang, cho biết trước ngày chúng tôi lên vài hôm, UBND xã đã cử một nhóm cán bộ đến thuyết phục Srín đưa gia đình về làng ở, Srín hứa sẽ suy nghĩ thêm. Chia tay Srín và đám trẻ nhỏ về lại làng, K’Din tâm sự ngoài việc đưa bọn trẻ về làng để được học hành, cái đáng sợ nhất hiện nay là bọn trẻ đã bước vào tuổi dậy thì, cuộc sống lạc hậu, ngủ chung đụng, rất nhiều nguy cơ chẳng hiểu biết mà lại quan hệ cận huyết thống thì sẽ đau xót đến chừng nào.
Srín tâm sự không dám sinh nở trong chòi vì chật chội, các con thấy sẽ sợ nên dù biết ra rừng nhiều gió độc nhưng chị vẫn cố gắng tự mình sinh nở và cũng không gọi chồng. Cứ thế năm đứa trẻ lần lượt ra đời giữa đại ngàn. Srín còn nhờ chồng mua cái kéo để hớt tóc cho các con và tụi nhỏ gần như đều có kiểu tóc giống nhau dù trai hay gái.
PHƯƠNG NAM/Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét