Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

10 sự thật thế giới ít biết về kinh tế Việt Nam

Viện nghiên cứu McKinsey Global Institute chỉ ra 10 sự thật về kinh tế Việt Nam có thể khiến công chúng thế giới ngạc nhiên...
Thành tựu kinh tế của Việt Nam trong gần 1/4 thế kỷ qua đã và đang thu hút được sự quan tâm lớn của giới phân tích quốc tế. Một báo cáo mới đây của viện nghiên cứu McKinsey Global đã chỉ ra 10 sự thật về kinh tế Việt Nam có thể khiến công chúng thế giới phải ngạc nhiên, báo Foreign Policy của Mỹ cho biết.
********************************

 10 sự thật thế giới ít biết về kinh tế Việt Nam
 Việt Nam có tên trong hầu hết các danh sách về các thị trường mới nổi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: Brian Ashcraft.
Bản báo cáo mang tựa đề “Sustainining Vietnam’s Growth: The Productivity Challenge” (tạm dịch: “Duy trì tăng trưởng ở Việt Nam: Thách thức về năng suất”) cho rằng, Việt Nam đang có những bước chuyển mình rõ nét.
Trong đó, phải kể tới việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, hay sức hút mãnh liệt của Việt Nam đối với vốn đầu tư nước ngoài, sự dịch chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng khuyến nghị rằng, nếu muốn duy trì sự tăng trưởng năng động này, Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ trong những năm sắp tới.
VnEconomy xin giới thiệu 10 điểm đáng chú ý nói trên trong báo cáo của McKinsey Global.
1. Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh thứ nhì châu Á, sau Trung Quốc
Trong vòng 1/4 thập kỷ qua, Việt Nam từ chỗ là một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh đã vươn lên trở thành một trong những câu chuyện kinh tế thành công của châu Á. Từ khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ một nền kinh tế nào khác trừ Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm là 5,3%.
Sự tăng trưởng này được duy trì bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trong thập niên 1990 và khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây. Trong thời gian từ năm 2005-2010, kinh tế Việt Nam tăng 7% mỗi năm.
2. Kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển mạnh mẽ khỏi nông nghiệp
Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam không còn tập trung vào nông nghiệp như trước. Trên thực tế, chỉ trong vòng 15 năm, tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp trong GDP của Việt Nam đã giảm một nửa từ 40% xuống còn 20%, một tốc độ nhanh chóng hơn ở các nền kinh tế châu Á khác. Một sự dịch chuyển tương tự phải mất tới 29 năm ở Trung Quốc và 41 năm ở Ấn Độ.
Trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp của Việt Nam giảm 13 điểm phần trăm, trong khi tỷ lệ lao động trong công nghiệp tăng 9,6 điểm phần trăm và trong lĩnh vực dịch vụ tăng 3,4%. Sự dịch chuyển của lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ đã tạo ra đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế của Việt Nam, vì năng suất lao động giữa các ngành này có sự khác biệt lớn.
Kết quả là, trong thập kỷ qua, tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP của Việt Nam giảm 6,7 điểm phần trăm, trong khi tỷ trọng của lĩnh vực công nghiệp tăng thêm 7,2 điểm phần trăm.
3. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về hạt tiêu, hạt điều, gạo và cà phê
Việt Nam là nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, với khối lượng xuất khẩu nông sản này đạt 116.000 tấn trong năm 2010. Việt Nam cũng dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều trong 4 năm liên tiếp, chưa kể giữ vị trí xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới sau Thái Lan, và chỉ thua Brazil về xuất khẩu cà phê.
Chỉ trong vòng có 4 năm, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp gần 3 lần. Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản lượng chè và đứng thứ 6 về xuất khẩu các mặt hàng cá da trơn, tôm và cá ngừ.
4. Việt Nam không phải là “Trung Quốc + 1”
Chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất ở nước này chuyển nhà máy sang Việt Nam để tận dụng nguồn lao động giá rẻ. Xu hướng này đã khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đề cập nhiều tới việc Việt Nam sẽ trở thành một địa chỉ sản xuất hàng xuất khẩu lớn tiếp theo tại châu Á, giống như một phiên bản thu nhỏ của Trung Quốc, gọi nôm na là “Trung Quốc + 1”.
Tuy nhiên, Việt Nam có sự khác biệt lớn so với Trung Quốc trên hai phương diện. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng cá nhân hơn so với kinh tế Trung Quốc. Tiêu dùng của các hộ gia đình đóng góp 65% vào GDP của Việt Nam, một tỷ lệ cao hiếm có ở châu Á. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ là 36%.
Thứ hai, trong khi sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc là kết quả của hoạt động xuất khẩu hàng hóa và mức độ đầu tư cơ bản đặc biệt cao, thì nền kinh tế Việt Nam cân bằng hơn giữa sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, mỗi ngành này đóng góp xấp xỉ 40% GDP của Việt Nam. Sự phát triển của Việt Nam dựa trên nhiều ngành nghề đa dạng, với các phân khúc thị trường cạnh tranh trong khắp nền kinh tế.
Trong vòng 5 năm qua, sản lượng công nghiệp (bao gồm các ngành xây dựng, sản xuất, khai mỏ, điện…) và dịch vụ của Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ khoảng 8% mỗi năm.
5. Việt Nam là một thỏi nam châm đối với vốn đầu tư nước ngoài
Việt Nam có tên trong hầu hết các danh sách về các thị trường mới nổi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các nghiên cứu của Bộ Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh hay trung tâm nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) đều xếp Việt Nam là thị trường mới nổi hấp dẫn nhất đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau khối BRIC gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Lượng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã tăng lên 71,7 tỷ USD vào năm 2008 từ mức 3,2 tỷ USD vào năm 2003, trước khi giảm xuống còn 21,5 tỷ USD vào năm 2009 do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu.
Điểm khác biệt tiếp theo giữa Việt Nam và Trung Quốc là, gần 60% vốn FDI ở Trung Quốc được đổ vào những ngày có hàm lượng nhân công cao, so với tỷ lệ chỉ 20% ở Việt Nam. Đối với Việt Nam, số vốn FDI còn lại được rót vào các ngành như khai mỏ và dầu khí (40%), bất  động sản (15-20%) và du lịch. Từ năm 2005 tới nay, số du khách quốc tế tới Việt Nam đã tăng 1/3.
6. Việt Nam có hạ tầng đường giao thông tiên tiến hơn so với Philippines và Thái Lan
Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng. Nhiều du khách tới Việt Nam vẫn xem những con đường giao thông ở đây còn khá cơ bản. Tuy nhiên, ở giai đoạn phát triển kinh tế như hiện nay, Việt Nam đã đạt được tốc độ phát triển đường xá đáng ghi nhận.
Mật độ đường giao thông của Việt Nam đã đạt mức 0,78 km đường/km2 diện tích vào năm 2009, cao hơn ở Philippines và Thái Lan - hai nền kinh tế đạt mức độ phát triển cao hơn Việt Nam. Cũng trong năm 2009, mạng lưới điện đã phủ khắp 96% diện tích Việt Nam. Những cảng container mới như Dung Quất và Cái Mép, hay các sân bay được nâng cấp ở Đà Nẵng, Cần Thơ… đã tăng cường kết nối giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới.
7. Internet đã trở nên phổ biến đối với thế hệ trẻ Việt Nam
Việt Nam có dân số trẻ, có trình độ học vấn tốt và sử dụng mạng ngày càng nhiều hơn. Từ năm 2000-2010, số thuê bao di động ở Việt Nam tăng gần 70% mỗi năm, so với mức tăng chưa đầy 10% mỗi năm ở Mỹ trong cùng khoảng thời gian. Đến cuối năm 2010, Việt Nam có 170 triệu thuê bao điện thoại, trong đó 154 triệu là thuê bao di động.
So với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á khác, tỷ lệ sử dụng Internet ở mức 31% tại Việt Nam còn thấp. Chẳng hạn, tỷ lệ này ở Malaysia và Đài Loan lần lượt là 55% và 72%. Nhưng những thay đổi chóng mặt đang diễn ra. Số thuê bao băng thông rộng ở Việt Nam đã tăng lên từ 0,5 triệu thuê vào vào năm 2006 lên mức 3,8 triệu thuê bao vào năm 2010. Cũng trong năm 2010, số thuê bao mạng 3G tại Việt Nam đạt 7,7 triệu thuê bao.
Một khi cơ sở hạ tầng viễn thông tại Việt Nam phát triển, thì mức độ sử dụng di động và Internet tại Việt Nam cũng sẽ bùng nổ theo. Đến nay, tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam có tiếp cận tin tức trên mạng là 94%. Hơn 40% người dùng mạng ở Việt Nam lướt web mỗi ngày.
8. Việt Nam đang trở thành một địa chỉ hàng đầu cho các dịch vụ gia công và thuê ngoài
Số lao động trong lĩnh vực dịch vụ gia công và thuê ngoài của Việt Nam đến nay đã lên tới 100.000 người, và ngành này đang tạo ra doanh thu hơn 1,5 tỷ USD mỗi năm cho Việt Nam. Nhiều công ty đa quốc gia lớn như HP, IBM hay Panasonic đều đã có cơ sở hoạt động tại Việt Nam
Trên thực tế, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng lọt vào top 10 địa chỉ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực gia công và thuê ngoài, nhờ những ưu thế như lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt (mỗi năm, có 257.000 sinh viên đại học Việt Nam ra trường) và mức lương tương đối thấp. Một nhà lập trình phần mềm ở Việt Nam có thể trả mức lương nhân viên thấp hơn 60% so với ở Trung Quốc. Tương tự, các kỹ sư về xử lý dữ liệu và giọng nói ở Việt Nam được trả thấp hơn 50% so với ở Trung Quốc.
Ngành dịch vụ gia công và thuê ngoài ở Việt Nam có khả năng đem đến mức doanh thu 6-8 tỷ USD mỗi năm, miễn là thế giới có nhu cầu và Việt Nam đảm bảo đáp ứng. Ngành này có thể trở thành một cỗ máy tạo việc làm cho các đô thị, tạo công ăn việc làm cho thêm 600.000-700.000 người trong thời gian từ nay đến năm 2020, và đóng góp 3-5% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
9. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam đang cao hơn so với các ngân hàng của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác trong ASEAN
Trong thập kỷ qua, tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam tăng với tốc độ 33% mỗi năm, mạnh hơn so với ở Trung Quốc, Ấn Độ hay bất kỳ nước nào khác trong khối ASEAN. Đến cuối năm 2010, dư nợ tín dụng đã tương đương khoảng 120% GDP của Việt Nam, so với mức chỉ 22% vào năm 2010.
Mặc dù tình trạng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ này có thể là một bằng chứng về tốc độ phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam và sự mở rộng của hệ thống ngân hàng, nhiều người vẫn lo ngại về khả năng gia tăng của nợ xấu cũng như những hệ lụy đối với nền kinh tế.
10. Lợi tức dân số (demographic dividen) của Việt Nam đang giảm dần
Lợi tức dân số được định nghĩa đơn giản là những ích lợi kinh tế có được từ biến đổi dân số. Trong thời gian 2005-2015, lực lượng lao động trẻ gia tăng và sự dịch chuyển chóng vánh của nền kinh tế khỏi lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp 2/3 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 1/3 tăng trưởng còn lại xuất phát từ năng suất lao động được cải thiện. Tuy nhiên, đến nay, hai động lực tăng trưởng đầu tiên của nền kinh tế Việt Nam đang yếu đi.
Thống kê chính thức dự báo rằng, tăng trưởng lực lượng lao động của Việt Nam sẽ giảm xuống còn khoảng 0,6% mỗi năm trong thập kỷ tới, từ mức 2,8% mỗi năm trong thời kỳ 2000-2010. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển “từ đồng ruộng tới nhà máy” của nền kinh tế Việt Nam cũng khó có khả năng diễn ra với tốc độ như trước nữa.
Bởi thế, việc cải thiện năng suất lao động là cần thiết đề bù đắp cho những suy giảm nói trên nếu Việt Nam muốn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao như thời gian qua. Cụ thể hơn, Việt Nam cần đẩy nhanh thêm 50% tốc độ gia tăng năng suất lao động hàng năm, từ mức 4,1% lên 6,4%, để đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm 7-8% mà Chính phủ đề ra trong thời gian từ nay đến năm 2020. Nếu không đạt được mức tăng trưởng năng suất như vậy, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm xuống còn 4-4,5% mỗi năm. Với tốc độ tăng GDP như thế, giá trị GDP của Việt Nam vào năm 2020 sẽ thấp hơn 30% so với giá trị đạt được trong trường hợp nền kinh tế tăng trưởng 7% mỗi năm.
KIỀU OANH/VnEconomy

8 nhận xét:

  1. 11. Việt Nam bị cấm vận cô lập kinh tế gần 20 năm sau khi bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
    12. Việt Nam mới mở cửa cũng chỉ khoảng 20 năm.

    Trả lờiXóa
  2. Tại sao những thành tựu kinh tế của VN như thế này mà các tờ báo chính thông của VN không thấy, phải chờ một tờ báo nước ngoài chỉ cho nhỉ?

    Đọc các tờ báo VN hiện nay chỉ thấy cướp giết hiếp và những "Đừng im lặng"... cứ làm như chế độ này xưa nay bắt báo chí phải im lặng ấy nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Giảm bớt cỡ chữ đi! Quá to!

    Trả lờiXóa
  4. Trần Thị Thuậnlúc 21:33 6 tháng 10, 2016

    Đọc bài này thấy ấm lòng!
    Cảm ơn các bạn trẻ chủ trang!

    Trả lờiXóa
  5. Năm 2015 - Năm có ý nghĩa to lớn và quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 đã khép lại. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2015 là cơ sở và động lực cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, trong đó quý I tăng 6,12%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,87%; quý IV tăng 7,01%. Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014[1], cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. Trong mức tăng 6,68% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm 2014, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm. Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh so với các nước trong khu vực.

    Trả lờiXóa
  6. Năm 2020 CƠ BẢN là 1 nước công ngiệp , mình phục thằng nào nghĩ ra được chữ ( cơ bản) quá cơ

    Trả lờiXóa
  7. Bài này có từ năm 2012 rồi các bạn ạ. Một số thông tin có thể vẫn còn đúng, nhưng nếu McKinsey có muốn viết 1 bài tương tự vào thời điểm này thì họ sẽ phải làm lại nghiên cứu để cập nhật tình hình.

    Trả lờiXóa