Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

THÁNG BẢY- VIẾNG KHU TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ NGÃ BA GIỒNG, ĐỀN BẾN DƯỢC...

Lời dẫn: Ít phút nữa, vào 20h10 ngày 26/7 trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ truyền hình trực tiếp Cầu truyền hình Dáng đứng Việt Nam- một trong những chương trình do Đài THVN thực hiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 mà Đền tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi, TP.HCM là một trong 4 điểm cầu gồm: Khu du di tích lịch sử Quốc gia 27/7, xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội; Thành cổ Quảng Trị và Đền tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi, TP.HCM.
Google.tienlang giới thiệu bài viết chúng tôi vừa nhận được, đó là bài THÁNG BẢY VIẾNG KHU TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ NGÃ BA GIỒNG, ĐỀN BẾN DƯỢC của cây viết quen thuộc với bạn đọc chúng ta- Bác Người Đất Thép. 
**********************


THÁNG BẢY- VIẾNG KHU TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ NGÃ BA GIỒNG, ĐỀN BẾN DƯỢC...

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, ngày mội người chúng ta tưởng nhớ những người đã hi sinh trong kháng chiến vì sự nghiệp giành độc lâp tự do, thống nhất cho dân tộc, cho  Tổ quốc. Cả nước có hàng trăm nghĩa trang, nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ, có nhiều đền thờ, khu tưởng niệm những người đã vì nước xả thân. Riêng mảnh đất Hóc Môn và Củ Chi đã có biết bao người con ưu tú ở mọi miền đất nước đã hi sinh, được nhân dân và chính quyền ghi công, thờ tự.


Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngả Ba Giồng

Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng: Tọa lạc tại ấp 5 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Nơi đây được Thành ủy, Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Huyện ủy, Ủy Ban Nhân Dân huyện Hóc Môn đầu tư xây dựng đã đưa vào hoạt động từ tháng 11-2010, nhân kỷ niệm Bảy mươi năm ngày Nam Kỳ Khởi nghĩa. Từ trung tâm thành phố đi theo đường Trường Chinh đến ngả ba Tham Lương rẽ trái theo  đường Phan Công Hớn đi Đức Hòa (Long An), qua khỏi chợ Bà Điểm, khỏi UBND xã Xuân Thới Thượng một lúc là tới nơi. Khu tưởng niệm có năm cửa ra vào rộng rãi, cửa chính hướng Đức Hòa, cửa hứơng Hóc Môn cũng được xây dựng theo cổng tam quan, bên trong và bên ngoài có bãi được trải nhựa cho nhiều xe của khách đến viếng đậu rộng rãi thoải mái.

Từ mặt tiền vào bên trong quan khách thấy ngay bên phải là cụm tượng đài bất khuất, bên trái là cụm tượng đài Chiến sĩ vô danh. Ở khoảng giữa ngay nơi trước kia địch dựng cột để xử bắn các chiến sỹ cách mạng, có phù điêu trên tường đá khắc hình người bị bắn và dòng chữ “Sống vĩ đại, chết vinh quang", trước phù điêu có 5 cột đá. Phía sau tường phù điêu là văn bia tưởng niệm do Giáo sư Vũ Khiêu soạn. Tiếp đến là công trình kiến trúc mang tính hiện đại vừa cổ kính, mái ngói đỏ, ở giữa nóc có ngôi sao năm cánh. Giữa đền đặt bàn thờ Tổ quốc, có cờ Nước, cờ Đảng, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên trên là dòng chữ TỔ QUỐC GHI CÔNG, bên dưới ghi tên các đồng chí Hà Huy Tập (Tổng Bí thư), Nguyễn Văn Cừ (Tổng Bí thư ), Võ Văn Tần (Uy viên Trung ương Đảng, Bí thư xứ ủy Nam Kỳ), Phan Đăng Lưu (Ủy viên Trung ương Đảng), Nguyễn Thị Minh Khai (Xứ Ủy viên, Bí thư Thành ủy Sài Gòn) …
  Các công trình kiến trúc được nối nhau bằng hệ thống giao thông nội bộ trải nhựa, các đường bên trong lát gạch. Gần cổng sau, hướng đường Nguyễn Văn Bứa khu nhà khá đẹp, thóang mát, nơi trình bày các hình ảnh, hiện vật về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, tinh thần đấu tranh bất khuất của Hóc Môn Bà Điểm 18 thôn Vườn Trầu.     
       Nơi đây các đoàn khách không chỉ đến để thắp hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ mà còn để tổ chức những buổi lễ kết nạp Đoàn viên, Đảng viên mới, nhằm giáo dục, lưu lại kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi người khi được vinh được đứng vào đội tiên phong của giai cấp công nhân.

Ban quản lý Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngả Ba Giồng luôn sẵn sàng và nhiệt tình chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi đoàn, cá nhân đến viếng, tổ chức các buổi lễ đầy trang trọng.

Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược: Đền tọa lạc tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, từ nội thành đi ra theo đường Trường Chinh, QL 22, đến Hóc Môn rẽ sang đường Bà Triệu, vào chợ Hóc Môn theo đường Đỗ Văn Dậy, tiếp nối Tỉnh lộ 15, hoặc cứ theo QL 22 qua khỏi Thị trấn Củ Chi rẽ sang đường Nguyễn Thị Rành, cả hai đường đều có bảng hướng dẫn cho du khách đi tới nơi.
Đền Bến Dược khởi công vào ngày 19 tháng 5 năm 1993, vào dịp lễ kỷ niệm 103 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược được xây trên một vùng đất 7 ha, gồm có các hạng mục:
 1. Cổng Tam quan
 2. Nhà Văn bia   
 3. Đền chính


Ngay từ cổng tam quan với hàng cột tròn, mái ngói âm dương, cổng có họa tiết mái cong kiểu các cổng làng tạo cho người đến thăm sự gần gũi như được trở về quê nhà. Ta bắt gặp ngay nơi Cổng tam quan tấm biển ĐỀN BẾN DƯỢC, những câu đối trên thân cột của nhà thơ Bảo Định Giang: “Trải tấm lòng son vì đất nước/ Đem dòng máu đỏ giữ quê hương". “Lòng biết ơn nhang thơm một nén/ Đời còn bóng dáng sao sáng ngàn năm". Sau Cổng Tam quan là nhà văn bia, ở giữa đặt tấm đá cao 3m, rộng 1,7m, dày 0,25m. Tấm Văn bia được lấy từ khối đá nặng 18 tấn ở núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Từ những đôi tay chuyên nghiệp các nghệ nhân, bài văn bia do nhà thơ Viễn Phương viết được chạm khắc rất tinh xão có nhan đề “Đời đời ghi nhớ". Đây là một áng hùng văn bất hủ thể hiện hào khì anh hùng của một dân tộc, thể hiện lòng yêu nước, yêu chuộng tự do; lòng biết ơn người đã hy sinh vì dân tộc.
“…Máu hồng tỏa sáng chính khí
Nhân kiệt làm nên địa linh
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước.
Người đang sống nhờ người đã khuất,
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời
Những anh liệt như ngàn sao tỏa sang
Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người".
Kiến trúc mang dáng dấp đền đài cổ của Việt Nam, vừa tôn nghiêm, vừa tĩnh mịch. Trung tâm là bàn thờ Tổ quốc, chính giữa có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía trên ghi: Vì nước quên mình. Tổ quốc ghi công. Đời đời ghi nhớ. Tả, hữu là hai hương án thờ các bậc tiền hiền tiên liệt và đồng bào, chiến sĩ hy sinh, chưa tìm được tên. Dọc theo các bậc tường bên trái là tên liệt sĩ khối Dân Chính Đảng, các bậc tường bên phải là tên liệt sĩ lực lượng võ trang.
Tên liệt sĩ được khắc vào bia đá hoa cương, chữ mạ vàng. Có 44.752 liệt sĩ được ghi tên trong đền, gồm có Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ, trong đó có 14.077 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác và 800 liệt sĩ không rõ quê quán. 
  4. Nội dung trưng bày 9 không gian Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược:
Thể hiện lại sự kiện tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với chủ đề "Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kiên cường, bất khuất", gồm có 9 không gian với chủ đề:
Không gian I: Giặc Pháp xâm lăng, toàn dân Việt Nam quên mình giữ nước.
Không gian II: Những nhân vật tiêu biểu từ năm 1920 - 1945.
Không gian III: Nổ phát súng đầu tiên chống Pháp xâm lược làn thứ hai.
Không gian IV: Đấu trang chính trị, võ trang binh vận ba mũi giáp công ở Sài Gòn.
Không gian V: Đây là vành đai đỏ với thế trận lòng dân ngay trung tâm đầu não Mỹ - ngụy như Đặc công Rừng Sác, Củ Chi đất thép thành đồng, An Phú Đông, Bàu Cò, Láng Le.
Không gian VI: Tiến công địch mùa xuân 1968.
Không gian VII: Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam mùa xuân 1975.
Không gian VIII: Xả thân vì nghĩa lớn.
Không gian IX: Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ.
 5. Tháp:
Tháp thể hiện sự vươn lên đỉnh cao trong tương lai. Tháp có 9 tầng cao 39m. Trên vách Tháp có nhiều hoa văn, phù điêu thể hiện cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Củ Chi "Đất thép thành đồng". Lên tầng cao nhất của Tháp, chúng ta có thể ngắm nhìn một phàn căn cứ cách mạng mà địa danh đã đi vào lịch sử: vùng "Tam giác sắt".
6. Bức tranh ghép gốm lớn nhất Việt Nam
Thể hiện cuộc sống, chiến đấu của nhân dân Việt Nam từ khi khai hoang lập địa, chiến đấu chống giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, với ba chủ đề chính:
Phần thứ nhất, có chủ đề "Dân khai hoang, Thần lập xứ".
Phần thứ hai, có chủ đề: Nhân dân ta bị đô hộ, áp bức - đoàn kết đáu tranh giành thắng lợi.
Phần thứ ba, có chủ đề "Sức tiếp sức chống xâm lăng".
7. Biểu tượng "Hồn thiêng đất nước".
Cao 16m, chất liệu bằng đá, được điêu khắc những hoa văn vô cùng tinh tế. Với hình dáng giọt nước mắt nhỏ xuống tiếc thương cho những anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Nhìn toàn cảnh biểu tượng như một tháp bút viết lên trời xanh trang sử vàng chói lọi và anh dũng của dân tộc Việt Nam.
8 Hoa viên
Từ khu đất đầy hố bom, cằn cỗi do chiến tranh tàn phá, nay đền đã có một mảng hoa viên mượt mà, tươi đẹp, hoa nở quanh năm với những loại cây kiểng quý do nhiều nghệ nhân và các ban, ngành gửi tặng. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Thành phố và các tỉnh trồng lưu niệm nhiều loại cây quý ở hoa viên trước Đền.
Tầng hầm có 9 không gian với chủ đề Sài Gòn - Chợ Lớn kiên cường bất khuất, thể hiện lại các sự kiện tiêu biểu trong thời chiến tranh của quân và dân Củ Chi đất thép nói riêng và cả dân tộc, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc và tay sai. Các sự kiện ấy được tái hiện bằng những bức tranh hoành tráng, sinh động, các tượng, sa bàn, hiện vật, mô hình sân khấu hóa,các loại hình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc.
Quan khách còn được tham quan địa đạo, một công trình từ sức lao động của quân dân Củ Chi xây dựng để đánh và thắng Mỹ, du khách còn có thể thử sinh hoạt như một người du kích thực thụ, ăn món ăn của người chiến sĩ ngày trước là củ mí chấm muối mé, hay nắm cơm vắt, nằm trên chiếc võng giữa rừng người chiến sỹ giải phóng đã dùng trong không khí mát rượi, đất trời thanh bình hôm nay.
Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ xong, mời các bạn tiếp tục đến Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ở gần Đền Bến Dược.
Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, được khởi công từ ngày 18 tháng 2 năm 2010, diện tích 13,5 ha, cũng nằm trong ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, khánh thành ngày 27 tháng 12 năm 2015, gồm các hạng mục: khu đền thờ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Xứ ủy Nam Bộ, T Ư Cục miền Nam, Khu ủy, Thành ủy; Nhà văn bia; khu hồ sen; khu đặc trưng Đông Nam bộ; khu đặc trưng Tây Nam bộ...





Sau khi tưởng niệm các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ hai đền chúng ta có dịp tham quan Địa đạo Củ Chi, nằm trong quần thể này.
 




Đây là một công trình mang kỳ tích lịch sử độc đáo, có một không hai trên thế giới, vành đai diệt Mỹ, là căn cứ của Xứ ủy Nam kỳ, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định, nơi đứng chân bám trụ chiến đấu của các đơn vị chủ lực, các đội Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, luôn sẵn sàng đột nhập, tiến công những mục tiêu đầu não của Mỹ - ngụy tại nội đô, làm cho địch luôn trong tình hình lo sợ bất ổn; đồng bào cán bộ chiến sĩ ta và bè bạn năm châu nức lòng phấn khởi.

                                    ***

 Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng, Đền Bến Dược, Khu truyền thống Cách mạng Gia Định, ba công trình trí tuệ và đạo lý của thế hệ hôm nay và của mai sau đối với người đã hi sinh vì đất nước. Đền tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giòng, Đền Bến Dược, Khu Truyền thống Cách mạng Gia Định, nơi con cháu hôm nay và mai sau đời đời tưởng nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc Việt Nam.

Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ  27/7/1947 - 27/7/2017. 

NGƯỜI ĐẤT THÉP

5 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Thép!
    Cảm ơn các bạn trẻ chủ trang G.TL!

    Trả lờiXóa
  2. @ Nhờ bác Thép nói thêm cho biết chúng tôi muốn tham quan Đền Bến Dược rồi còn nơi nào nữa để kết hợp đến đó trong một chuyến đi cho tiện?
    Cảm ơn bác.

    Trả lờiXóa
  3. NGƯỜI ĐẤT THÉP:lúc 18:53 29 tháng 7, 2017

    @ Bạn Tuấn thân mén,
    Bạn hỏi không cụ thể nơi nào cả, tôi trả lời một số điểm sau:

    Nếu bạn từ nội thành TP. HCM đi ra thì nên theo con đường
    Trường Chinh, QL 22, đến ngã tư Hóc Môn rẽ sang đường Lý Thường Kiệt vào chợ Hóc Môn đi theo đường Đỗ Văn Dậy, tỉnh lộ 15, qua khỏi cầu Xáng là tới địa phận huyện Củ Chí, đi tiếp qua ngã tư Tân Quy (giao cắt giữa tỉnh lộ 15 và tỉnh lộ 8), đi tiếp qua Phú Hòa Đông, lên xã Nhuận Đức. Ở đây có Khu Du lịch sinh thái Văn hóa dân tộc thiểu số Củ Chi (ấp 4), Địa đạo Bến Đình nằm trên tỉnh lộ 15. Đây là căn cứ của Huyện ủy Củ Chí thời kháng chiến chống Mỹ. Địa đạo này nối liền nhiều ấp đi xuyên qua tỉnh lộ 15, đặc biệt có cửa thông ra sông Sài Gòn.
    Tham quan hai nơi này xong bạn đi tiếp theo tỉnh lộ 15 lên Đền Bến Dược. Trên đường đi bạn sẽ gặp Trường Thiếu Sinh Quân của QK7 nằm bên trái, lên xã Anh Nhơn Tây, An Phú bạn sẽ gặp Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện Củ Chí đều mặt tiền tỉnh lộ 15. Ở Đền Bến Dược bạn sẽ mất nhiều thì giờ, vì có nhiều nơi tham quan. Tại đây có nhà hàng với nhiều món ăn địa phương ngon rẽ, gió ngoài sông thổi vào mát rượi. Tôi thích nhất món tôm càng xanh, cá lóc nướng trui, rau mốp chua (rau mốp mọc ngoài sông Sài Gòn, người ta cắt về ngâm chua). Bạn uống rượu thì có rượu Đinh Lăng ở đây sản xuất có tiếng, dân nội thành thường mua về phục vụ các tiệc liên hoan cơ quan.
    Nói thêm với bạn: Đền ở ấp Phú Hiệp nhưng gọi là Đền Bến Dược, là vì trên tỉnh lộ 15, bên cạnh ấp Phú Hiệp là ấp Bến Dược, sông Sài Gòn có bến Dược qua phía bên kia là đất của tỉnh Bình Dương. Ngày xưa, cơ quan tôi cử người ra giúp dân cắt lúa dưới ruộng, vùng đất này sình lầy lún có chỗ gần tới gối. Năm 1966, máy bay Mỹ bắn cháy chiếc tàu đò Thuận Phong trên sông Sài Gòn, (ở đoạn này) đưa khách từ Thủ Dầu Một lên Dầu Tiếng. Tàu có cắm cờ của chế độ Sài Gòn nhưng vẫn bị bắn. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư Khu ủy Khu Sài Gòn - Gia Định, cho giao liên móc nối đưa vợ con lên chiến khu thăm ông, chết trên tàu này.
    Địa điểm Đền Bến Dược ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi) là ấp nắm cuối huyện về phía bắc, giáp với ấp Lộc Thuận, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Ở đây, ngày xưa rừng chồi cây cao chừng 4-7m khá rộng, tôi từng ở trong căn cứ đóng ở đây.
    Nếu bạn muốn đi lên phía bắc theo hướng này thì theo tỉnh lộ 7 (cắt từ tỉnh lộ 15) sẽ đi lên Cầu Xe, Trảng Cỏ, Bời Lời (nơi ngày xưa tôi ở trong cứ của các nơi ấy, vì có nhiều nơi thay đổi khi phải di dời). Cũng theo đường này lên Sóc Lào, Bà Nhã, Suối Ông Hùng, đi Dương Minh Châu (Tây Ninh) là đường giao liên đưa cán bộ đi R ngày xưa.
    Ngày nay, nếu bạn muốn đi Dầu Tiếng thì ở Đền Bến Dược theo tỉnh lộ 15 qua cầu sang Bến Súc đi về phía trái, muốn đi Bến Cát thì rẽ phải. Đường sá bây giờ rất tiện lợi cho xe ô tô chạy bon bon tới nơi.

    Trả lờiXóa
  4. NGƯỜI ĐẤT THÉP:lúc 19:06 29 tháng 7, 2017

    Xin ĐÍNH CHÍNH câu này:
    "Nếu bạn muốn đi lên phía bắc theo hướng này thì theo tỉnh lô 6..." Tỉnh lộ 6 chứ không phải tỉnh lộ 7. Tỉnh lộ 7 từ QL 22 chạy vào qua khỏi Trung Hòa, đến gặp tỉnh lộ 15 tại chợ An Nhơn Tây (Củ Chi).

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn cụ Thép!

    Trả lờiXóa