Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

BÁC BẨY ĐI RỒI!

Google.tienlang đau buồn báo tin, bác Bẩy của chúng ta-
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bẩy qua đời!
Bác Nguyễn Văn Bẩy, phi công bắn rơi 7 máy bay Mỹ, qua đời lúc 21h ngày 22/9 ở tuổi 84 tại Bệnh viện Quân Y 175, Bộ Quốc phòng.

Bác Bẩy ngất xỉu khi đang làm vườn nhà ở Đồng Tháp, chuyển đến Bệnh viện Quân y tại TP HCM cấp cứu hôm 16/9 trong tình trạng hôn mê do xuất huyết não. Sau một tuần điều trị tích cực, bác không qua khỏi.

Bác Bẩy tên thật là Nguyễn Văn Hoa, là con thứ bẩy trong gia đình 10 người con. Do người Nam Bộ hay gọi theo thứ tự nên cái tên Nguyễn Văn Bảy dần thành tên chính.

Bác là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.

Trong hai năm 1966-1967, bác Bẩy bắn rơi 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105, 5 chiếc F-4) và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Bác sau đó làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.

Năm 1975, bác Bẩy tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay miền Nam Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ quốc tế...
Năm 1990, nghỉ hưu, bác về thị xã Sa Đéc sống cảnh điền viên cùng gia đình. Từ năm 2009, bác Bẩy chuyển về nơi sinh ra và trưởng thành là ấp Hậu Thành, huyện Lai Vung để lập ấp nuôi cá trồng cây sống giữa bà con xóm ấp.

Lê Hương Lan

-------
Mời xem bài liên quan

16 nhận xét:

  1. Sáng 23/9, Thiếu tướng Trần Ngọc Quyến, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, lễ tang Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy sẽ được Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Tư lệnh TPHCM dự kiến tổ chức vào ngày 25 và 26/9 theo nghi thức trang trọng.

    Như Tiền Phong đã thông tin, Đại tá Nguyễn Văn Bảy bị đột quỵ khi đang làm vườn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 ở TPHCM vào ngày 16/9. Mặc dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, Đại tá Bảy đã từ giã cõi đời vào tối qua (22/9).

    Anh hùng Nguyễn Văn Bảy (còn gọi là Bảy A, sinh năm 1936, quê ở Lai Vung, Đồng Tháp) là một trong 16 phi công Việt Nam đạt cấp Aces (bắn rơi 5 máy bay địch trở lên) trong kháng chiến chống Mỹ. Phi công Nguyễn Văn Bảy thuộc biên chế của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 và tham gia trận đánh đầu tiên trên vùng trời Bắc Sơn - Chi Lăng.

    Được xem là một trong những huyền thoại không chiến của Không quân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Văn Bảy đã lái chiếc MiG 17 xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng và bắn rơi 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4). Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, chức vụ cuối cùng mà ông đảm nhiệm trước khi nghỉ hưu là Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người như bác Bảy đáng ra phải sống lâu hơn nữa chứ

      Xóa
  2. Tiền phong thông tin như bạn Trang nói ở trên là SAI!!!
    Tin giờ chót
    ----
    Tổ chức lễ viếng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy từ sáng mai, 24-9
    Theo thông tin từ Quân chủng Phòng không - không quân, lễ viếng Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy sẽ được tổ chức sáng 24-9 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP.HCM).

    Theo chương trình lễ tang, từ 9h sáng 24-9 đến hết ngày 25-9, ban tổ chức và gia đình sẽ tổ chức lễ viếng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM).

    Đến 5h sáng 26-9, ban tổ chức và gia đình sẽ tổ chức lễ truy điệu và di quan linh cửu Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy về quê nhà tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp).

    Lễ viếng tại quê nhà sẽ được tổ chức từ 12h ngày 26 đến 10h30 ngày 27-9. Lễ an táng, đưa ông về yên nghỉ trong lòng đất mẹ, nơi ông sống những ngày vui thú điền tuổi già diễn ra trưa cùng ngày.

    Trả lờiXóa
  3. Trần Thị Thuậnlúc 16:57 23 tháng 9, 2019

    Bạn Hồng Nga nói đúng đấy. Bạn Trang nên tự xóa ý kiến sai của bạn trên kia!

    Nói về bác Bẩy của chúng ta...
    Bác Bẩy mới thực sự là NGƯỜI ANH HÙNG trong con mắt mọi người dân VN.
    Các bạn chủ trang đăng bài này là rất đúng!

    Trả lờiXóa
  4. Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và câu chuyện chưa kịp kể với Bác Hồ

    Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy từng tiếc nuối một câu chuyện mà ông định kể cho Bác Hồ nghe, nhưng chưa kịp thực hiện thì Bác đã qua đời.
    Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (A) (1936-2019), với chiến công 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng 7 chiếc huy hiệu và cũng có rất nhiều lần được gặp Bác.

    Anh hung Nguyen Van Bay va cau chuyen chua kip ke voi Bac Ho hinh anh 1
    Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vừa qua đời ngày 22/9 ở tuổi 84, để lại rất nhiều tiếc thương trong lòng đồng đội và nhân dân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu chuyện mãi mãi không được kể
      Trong cuốn Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam (NXB QĐND, 2005), ở chuyện kể của anh hùng Nguyễn Văn Bảy (nhà văn Đoài Hoài Trung ghi), ông kể lần đầu tiên ông gặp Bác Hồ là lúc huấn luyện cơ bản xong, chuẩn bị sang Trung Quốc học lái máy bay của tốp phi công Việt Nam đầu tiên vào năm 1958.

      Bác đến, ân cần thăm hỏi từng cán bộ, chiến sỹ đang chuẩn bị lên đường học phi công và hỏi: "Chú nào quê ở miền Nam đi học lái máy bay đợt này?", ông cùng các anh em miền Nam giơ tay. Bác Hồ động viên: “Các chú phải cố học thành tài, để sau này thông nhất nước thì lái máy bay chở Bác về thăm đồng bào miền Nam. Đồng bào thấy con em mình ra miền Bắc được ăn học thành phi công thì chắc sẽ vui mừng lắm”. Lời dặn thiêng liêng của Bác khi đó, ông Bảy ghi sâu vào trong tim.

      Ông kể tiếp, ông được tham gia đoàn chủ tịch nhiều sự kiện cấp nhà nước, trong đó có các kỳ họp Quốc hội. “Đây cũng là niềm vinh dự cho tôi và nhờ đó tôi rất nhiều lần được gặp Bác Hồ, ấy là những lần chuẩn bị họp, bao giờ đoàn chủ tịch có hội ý trước, Bác Hồ thường đến tham dự cùng”.

      “Tôi có một câu chuyện muốn kể cho Bác nghe, chẳng là trước khi tập kết ra Bắc, tôi có cùng anh chị em đi làm cỏ, sửa sang lại mộ cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cao Lãnh (vì ông Bảy quê ở Lai Vung, Đồng Tháp, rất gần nơi cụ Phó bảng an nghỉ)”, ông kể tiếp. “Ngày ấy, mọi người đã nói với nhau sau này ra miền Bắc sẽ kể tỉ mỉ việc ấy cho Bác nghe, nhưng thật không ngờ cơ hội ấy mãi mãi không còn, vì Bác đã mãi mãi ra đi vào ngày 2/9/1969”, ông tiếc nuối.

      Ông Bảy là người đứng trực bên lĩnh cữu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày lễ tang Bác, cùng các ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Đàm Quang Trung. Ông kể lại trong sách: “Đứng trực linh cữu của Người mà tôi không kìm được nước mắt vì ân hận còn chưa làm tròn lời hứa đồng đội gửi gắm, nói cho Bác tấm lòng của bà con miền Nam với cụ Phó bảng và với Bác”.

      Xóa
    2. Người anh hùng giản dị
      Trong cuốn Không quân tiêm kích (NXB QĐND, 2004), Đại tá - Anh hùng LLVTND Lê Hải kể về người anh hùng, đồng đội thân thiết của mình: “Anh Nguyễn Văn Bảy vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng đợt đầu tiên của các chiến sĩ không quân, vào ngày 1 tháng 1 năm 1967. Trong những trận không chiến ác liệt, anh đã bắn rơi 7 chiếc phản lực chiến đấu của Mỹ. Anh là người bắn rơi địch nhiều nhất trong số anh em phi công lái MiG-17. Tính tình anh giản dị, bao dung, ngay thẳng. Sau khi được phong Anh hùng, anh vẫn tiếp tục dẫn biên đội đi chiến đấu và hạ thêm được một chiếc F-4”.

      Ông Hải viết thêm về những chiếc huy hiệu Bác Hồ tặng các phi công bắn rơi máy bay Mỹ: “Thời đánh Mỹ, Bác Hồ quy định, phi công mỗi lần bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ, được Bác thưởng cho một huy hiệu của Người. Anh em rất sung sướng và tự hào, khi nhận được phần thưởng của Bác. Trong Trung đoàn 923 rất nhiều phi công ưu tú, bắn rơi được 2 đến 3 máy bay Mỹ và đã nhận được 2 đến 3 huy hiệu của Bác. Chiến đấu trên MiG-17, đối thủ chính là bọn F-4, F-105, F-8, các máy bay hiện đại của không quân và hải quân Mỹ. Số phi công bắn rơi được 4 chiếc trở lên không nhiều. Đặc biệt bắn rơi từ 5 đến 6-7 chiếc có thể đếm trên đầu ngón tay. Số phi công còn sống đến hết chiến tranh lại càng ít hơn”.

      Về những chiếc huy hiệu của người anh hùng Nguyễn Văn Bảy, nhà văn Trần Thanh Chương, trong bài viết đăng trên tuần báo Văn nghệ TP HCM, kể lại lần về thăm nhà người anh hùng mới năm trước, ông Bảy đã chỉ lên bộ quân phục gắn quân hàm đại tá và dày đặc huân chương, phía trên có gắn những chiếc Huy hiệu Bác Hồ rất to và giải thích: "Đây là 5 huy hiệu Bác Hồ mà tao được tặng, còn 2 chiếc nữa Bảo tàng mượn đi rồi!".

      Xóa
    3. Yêu quý người anh hùng, nhà văn Trúc Phương đã viết một cuốn truyện ký về Đại tá Nguyễn Văn Bảy, mang tựa đề Người anh hùng chân đất (NXB Văn hóa - Văn nghệ).

      Người anh hùng phi công giản dị ấy đã ra đi vào tối 22/9 vừa qua sau một cơn đột quỵ, để lại rất nhiều tiếc thương trong lòng đồng đội và nhân dân.

      Trung tướng Phạm Phú Thái, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, tác giả hai tập tự truyện Lính bay, chia sẻ cảm xúc tiếc thương với anh hùng Nguyễn Văn Bảy: “Nhớ tới anh chúng tôi nhớ tới người phi công chiến đấu dũng mãnh, kiên cường, người đồng đội tình nghĩa thuỷ chung, người chỉ huy gần gũi chan hoà. Nhớ đến anh là nhớ đến những trận không chiến một mất một còn với không quân Mỹ mà ở đó không chỉ lòng quả cảm, tinh thần xả thân có thể thắng được đối phương”.

      Tướng Thái đánh giá: “Phải có một tinh thần thép để đối chọi với kẻ địch luôn đông hơn mình gấp nhiều lần, quây mình từ mọi phía và xả đạn cũng từ mọi phương. Và anh đã 7 lần giành chiến thắng trong những tình huống như vậy trước kẻ thù với 7 chiến công chói lọi”.

      Về tính cách của người phi công đàn anh, tướng Thái nhận xét: “Được phong anh hùng từ sớm sau đó làm cán bộ chỉ huy, làm đại biểu Quốc hội nhưng ông sống giản dị, chan hoà với anh em chiến sỹ, cấp dưới...”.

      Rất nhiều người ca ngợi, ông Bảy là minh chứng rõ nét nhất của việc học tập và sống noi theo tấm gương Bác Hồ: Giản dị, chân thành, liêm khiết, vui lao động, vui với ruộng vườn...

      "Vô cùng thương tiếc một anh hùng, nhưng hơn cả là một nhân cách, một con người chân chính mà thế hệ sau chúng tôi noi theo, học tập", tướng Phạm Phú Thái viết.

      Xóa
  5. Vĩnh biệt một tượng đài Nhân Dân!
    Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vừa giã biệt cuộc đời ở tuổi 83 sau cơn tai biến đột ngột trong lúc đang làm vườn. Nhiều người gọi ông là huyền thoại, nhưng với tôi, còn cao hơn thế - ông đích thực là một tượng đài.

    Không phải vì ông là phi công duy nhất trên thế giới chỉ với loại MIG-17 cổ lỗ bắn rơi tới 7 máy bay hiện đại Mỹ, điều không ai lý giải nổi. Không phải vì suốt những trận không chiến ông không phải nhảy dù thoát thân lần nào, dù có lần máy bay của ông dính tới 82 mảnh tên lửa. Không phải vì ông là phi công hạng ACE hiếm hoi của Việt Nam và thế giới kể từ sau Thế chiến thứ Hai trở lại đây. Cũng không hẳn vì tên ông được chọn đặt cho một đường phố ở Nha Trang từ lâu khi ông vẫn còn sống – điều gần như chưa từng xảy ra…
    Nguyễn Văn Bảy là nhân vật lịch sử của chiến tranh, nhưng lại là tượng đài của hòa bình, là minh chứng sống động và thú vị bậc nhất cho tinh thần, mục đích và khả năng chiến đấu vệ quốc của nhân dân Việt Nam.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy cởi áo lính về quê nhà Lai Vung - Đồng Tháp trở lại làm ông nông dân chính hiệu khi mới bước vào tuổi 54. Suốt 30 năm cuối đời, ông làm ruộng, làm vườn, trồng cây, nuôi cá, tự tay trồng ra những củ khoai nặng hơn 20 kg khiến ai nấy trầm trồ…

      Suốt ngần ấy năm, đúng hơn là suốt cuộc đời ông mang tâm hồn trong veo, giản dị của một người nông dân buộc phải bỏ cuốc cày ra trận. Xong là trở về. Không vương vấn công danh thành tích, không nhà cao cửa rộng, ngựa xe đón rước, hậu duệ bổng lộc. Chỉ mong manh một tấm áo nâu lấm láp bùn đất quê nhà, với nụ cười hiền hậu, hào sảng…

      Xóa
  6. “Tao học lớp ba chưa xong, làm bốn phép tính cộng trừ nhân chia chưa rành, nhờ có Đảng, nhờ có cách mạng, nhờ Bác Hồ, mà tao được học hết kiến thức lớp 10, được làm phi công lái máy bay phản lực. Tới ông bà cố nội tao, tía má tao còn không dám nghĩ tới điều ấy. Nếu Nhà nước không tin tưởng tao, không giao máy bay MiG-17 cho tao, làm sao tao trở thành Anh hùng”- Cụ Bẩy nói với 1 phóng viên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bảy quả là người đa tài, tiếc rằng bác ra đi quá sớm

      Xóa
  7. NGƯỜI ĐẤT THÉPlúc 09:12 26 tháng 9, 2019

    1. Cụ Hồ dẫn đường cho dân tộc Việt Nam làm cách mạng giành lại độc lập, tự do; đưa địa vị từ người dân nô lệ thành chủ nhân ông, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhờ có Cụ Hồ mà hàng vạn người từ than bụi, lầy bùn trở thành người tài trí lập những chiến công đặc biệt xuất sắc, trong số người ấy có Anh hùng phi công Đại tá Nguyễn Văn Bảy.
    Tôi có người bạn cao tuổi hơn, là đàn anh về tuổi đời, tuổi Đảng, ông cũng là nông dân, có lần nói rằng: Người nông dân luôn trung thành với Đảng, không kèn cựa địa vị hay bất mãn cá nhân. Câu nói của ông nghiệm ra rất đúng, hình ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Bảy chứng minh điều đó.

    2. Từ nhiều năm trước, khi nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Văn hóa qua đời, tôi theo dõi có đọc ý kiến của vợ ông cho biết, dù đã nghỉ hưu nhưng ông rất tích cực lo cho một Hội nghị quốc tế do Việt Nam tổ chức, làm việc cả ngày đêm không chú ý đi khám sức khỏe nên bị tim mạch mất lúc 75 tuổi!
    Nay lại xảy ra vụ Đại tá Anh hùng Nguyễn Văn Bảy cũng bị đột quỵ lúc đang lao động ở tuổi 84!
    Cả hai trường hợp này, nếu chính bản thân hai ông ấy và gia đình giữ gìn, đừng làm việc quá sức tôi chắc các ông còn thọ thêm nhiều năm nữa. Tôi nói điều này nhằm gợi ý cho người cao tuổi và người nhà cẩn trọng bảo vệ sức khỏe của mình.

    3. Ngày 16-9, Đại tá Anh hùng Nguyễn Văn Bảy bị đột quỵ phải cấp cứu nhưng không qua khỏi. Cũng ngày này, bản thân tôi cũng vào bệnh viện cấp cứu, nhưng may mắn trở về sau một tuần điều trị. Ông Bảy lớn hơn tôi 4 tuổi, trông ông khỏe mạnh, nhưng ra đi như vậy là sớm, bao người tiếc thương ông!

    Cầu mong ông Bảy về nơi vĩnh hằng được gặp Bác Hồ và các nhà cách mạng tiền bối mà ông hằng kính trọng khi còn ở trần gian.

    Trả lờiXóa
  8. Theo chương trình lễ tang, linh cữu đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy sẽ được đưa về quàn tại quê nhà Lai Vung (Đồng Tháp). Lễ viếng tại quê nhà sẽ được tổ chức từ 12h ngày 26 đến 10h30 ngày 27-9.

    Lễ an táng, đưa ông về yên nghỉ trong lòng đất mẹ, nơi ông sống những ngày vui thú điền tuổi già, diễn ra trưa cùng ngày.

    Sinh anh hùng canh trời phương Bắc
    Tử thành thần giữ đất phía Nam

    Trả lờiXóa