Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

NHỮNG VĂN KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC SỬA SAI TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

 
Lời dẫn: Trên một số trang web/blog của các bác zân trủ gần đây rêu rao rằng dường như Đảng và Chính phủ bưng bít thông tin, né tránh đề tài Cải cách ruộng đất vì sự "nhạy cảm" này nọ. Chúng tôi xin công bố những Tư liệu liên quan...
--------------------
Nghị quyết của Hội nghị trung ương lần thứ 10 mở rộng về công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng (họp từ 25/8 đến 24/9/1956)
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Chính trị, của Đảng tổ Uỷ ban cải cách ruộng đất Trung ương và của Ban Tổ chức Trung ương về công tác cải cách ruộng đất và công tác chỉnh đốn tổ chức, Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) đã thảo luận các bản báo cáo đó, chủ yếu là để kiểm điểm việc thực hiện đường lối chính sách do Trung ương đã đề ra về công tác cải cách ruộng đất và công tác chỉnh đốn tổ chức.
Xem video clip trên Kênh Google.tienlang-TV:
******


Từ khi mới thành lập, trong Cương lĩnh cách mạng dân chủ tư sản, Đảng ta đã đề ra hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng là nhiệm vụ phản đế và nhiệm vụ phản phong. Từ đó, với những hình thức và khẩu hiệu đấu tranh khác nhau tuỳ theo từng thời kỳ, Đảng ta đã không ngừng lãnh đạo nhân dân tiến hành một cuộc đấu tranh anh dũng và kiên quyết để giành độc lập cho Tổ quốc, đem lại ruộng đất cho nông dân, thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ.
Nǎm 1941, vì yêu cầu của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa phát xít Nhật và thực dân Pháp, Đảng ta tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của giai cấp địa chủ và đề ra chính sách giảm tô giảm tức và tịch thu ruộng đất của bọn thực dân và bọn việt gian để chia cho nông dân.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thành lập, chính sách nói trên đã được Đảng và Chính phủ thi hành và thực tế đã đưa lại một phần quyền lợi cho nông dân, và đã có tác dụng quan trọng đối với cuộc kháng chiến.
Đầu nǎm 1953, Hội nghị Trung ương lần thứ tư của Đảng đã thông qua cương lĩnh ruộng đất, chủ trương bước thứ nhất phải "phóng tay phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, v.v. nhằm thoả mãn bước đầu yêu cầu chính đáng của nông dân; chỉnh đốn đảng, chỉnh đốn nông hội, chỉnh đốn chính quyền và mặt trận về tư tưởng và tổ chức, đập tan uy thế chính trị của địa chủ phong kiến, giành ưu thế chính trị cho nông dân lao động ở nông thôn".
Tháng 11 nǎm 1953, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng đã thảo luận đề án Luật cải cách ruộng đất và sau đó Luật cải cách ruộng đất đã được Quốc hội thông qua trong khoá họp thứ ba (tháng 12-1953). Những quyết định nói trên là đúng và cần thiết, hợp tình hợp lý và đã được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh.
Công tác phát động quần chúng thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất đã được tiến hành ngay trong lúc kháng chiến. Trong thời kỳ đầu, công tác đó đã được lãnh đạo chặt chẽ, cho nên đã thu được kết quả và đã góp một phần quan trọng vào công cuộc củng cố hậu phương, giành thắng lợi cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Từ khi hoà bình được lập lại, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, Bộ Chính trị đã phân tích tình hình mới, đề ra những điểm bổ sung thích hợp về chính sách cải cách ruộng đất, vì vậy mà chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ càng được các tầng lớp nhân dân rộng rãi từ thôn quê đến thành thị, từ miền Bắc đến miền Nam tán thành.
Tuy nhiên, về mặt lãnh đạo, chúng ta đã có những khuyết điểm, nhất là trong việc chỉ đạo thực hiện, chúng ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng trong những việc chấp hành đường lối nông thôn của Đảng, quy định thành phần, đánh địch, chỉnh đốn tổ chức, thực hiện chính sách tôn giáo và chính sách dân tộc...
Công tác chỉnh đốn đảng, chính quyền, nông hội đã được kết hợp thực hiện trong vận động giảm tô và cải cách ruộng đất. Công tác đó đã thu được kết quả trong thời kỳ đầu, mặc dầu cũng đã có khuyết điểm; nhưng càng về sau thì sai lầm khuyết điểm càng nghiêm trọng.
Chúng ta cần đánh giá cho đúng những kết quả và những sai lầm của công tác cải cách ruộng đất và công tác chỉnh đốn tổ chức để thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ, sửa chữa sai lầm, phát huy thành tích, khắc phục tình hình cǎng thẳng hiện nay ở nông thôn, củng cố tinh thần tin tưởng và phấn khởi của toàn Đảng và toàn dân, tiếp tục đấu tranh để củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam và thực hiện thống nhất nước nhà.
*
******
Trong khi nhận định cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất, chúng ta không thể tách rời cuộc vận động đó với cả cuộc đấu tranh cách mạng chống phong kiến do Đảng ta lãnh đạo từ nǎm 1930, cũng như không thể tách rời khỏi cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của toàn dân ta để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc. Với cuộc vận động này, ta đã cǎn bản hoàn thành nhiệm vụ phản phong ở miền Bắc.
Hiện nay ở miền Bắc, giai cấp địa chủ cǎn bản đã bị đánh đổ. Ruộng đất đã về tay nông dân. Hơn 10 triệu nông dân lao động đã vươn mình và làm chủ nông thôn, hàng vạn cốt cán được đào tạo; chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất đã vĩnh viễn bị xoá bỏ.
Đó là một cuộc chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội. Nguyện vọng lâu đời của nông dân Việt Nam đã được thoả mãn: khẩu hiệu người cày có ruộng đã được thực hiện. Trình độ giác ngộ giai cấp của nông dân lao động đã được nâng cao một phần. hàng triệu nông dân lao động đã thấy rõ rằng chính Đảng ta và chế độ ta đã đưa lại ruộng đất cho họ. Sức sản xuất to lớn ở nông thôn đã được giải phóng, quan hệ sản xuất ở nông thôn đang đổi mới, do đó sản xuất nông nghiệp bước đầu được đẩy mạnh, đời sống nông dân bước đầu được cải thiện. Nông thôn đã bước sang một giai đoạn mới trong việc phát triển nông nghiệp, mở đường cho công thương nghiệp phát triển và góp phần quan trọng vào công cuộc củng cố miền Bắc, phát triển kinh tế và vǎn hoá của nước nhà.
Tuy nhiên, trong cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất, về mặt lãnh đạo, nhất là trong việc chỉ đạo thực hiện, chúng ta đã phạm nhiều sai lầm. Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, trái với chế độ pháp luật của nhà nước dân chủ nhân dân. Những sai lầm đó không những đã hạn chế những thắng lợi đã thu được, mà lại gây ra những tổn thất rất lớn cho cơ sở của Đảng, của chính quyền, của các tổ chức quần chúng, ảnh hưởng tai hại đến chính sách mặt trận của Đảng ở nông thôn cũng như ở thành thị, ảnh hưởng nhiều đến tình cảm và đời sống bình thường của nhân dân ta, làm cho tình hình nông thôn cǎng thẳng, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và phấn khởi trong Đảng và trong nhân dân, đến công cuộc củng cố miền Bắc, đến sự nghiệp đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà.
Những sai lầm nói trên đã có từ lúc đầu, nhưng càng về sau thì càng thêm nặng, nhất là từ khi hoà bình lập lại, trong giảm tô đợt 7 và đợt 8, trong cải cách ruộng đất đợt 4 và đợt 5.
Về việc chấp hành đường lối nông thôn của Đảng "dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú nông, xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất có từng bước, có phân biệt, có trật tự và có lãnh đạo". Trong công tác nói chung, cán bộ đã chú trọng dựa vào bần cố nông, nhờ đó mà đã tổ chức được lực lượng đấu tranh của quần chúng để đánh đổ giai cấp địa chủ. Nhưng vì không nắm vững chính sách nên ở nhiều nơi trong việc phân định thành phần giai cấp là một vấn đề quan trọng, nhiều người đã bị vạch lầm thành phần. Do chỗ hiểu lệch đường lối "dựa hẳn vào bần cố nông", lại vì đánh giá sai các tổ chức của Đảng, của chính quyền, của đoàn thể quần chúng trong đó có những phần tử nông dân lao động ưu tú, vì có nơi cán bộ đã hướng dẫn sai hoặc dựa vào những phần tử xấu, vì truy liên quan, đánh địch tràn lan, vì nâng diện tích và sản lượng lên quá mức, cho nên một số bần cố nông cũng bị đả kích, trung nông bị đụng chạm nhiều; chính sách ưu đãi quân nhân nhiều nơi không thực hiện; đối với phú nông thì không liên hiệp mà coi gần như địa chủ; đối với địa chủ thì không phân biệt đối xử theo đúng chính sách; nhiều nơi không những không chiếu cố mà có nơi còn đả kích địa chủ kháng chiến và các gia đình địa chủ có công với cách mạng hoặc có con em đi bộ đội và làm cán bộ.
Về việc phát động quần chúng đánh đổ giai cấp địa chủ, kết hợp trấn áp bọn phá hoại hiện hành, chúng ta đã phát động quần chúng nông dân lao động đánh đổ giai cấp địa chủ; nhưng trong lúc làm việc đó thì đã phạm những sai lầm rất nghiêm trọng. Do chỗ đánh giá địch quá cao, nhấn mạnh quá đáng về tình hình nghiêm trọng do địch gây ra, không phân biệt những phản ứng quyết liệt của những phần tử địa chủ ngoan cố với tình hình gay go phức tạp do sự chấp hành sai đường lối nông thôn của Đảng đã gây ra, vì không nắm vững chính sách, phương châm và biện pháp đánh địch, vì nhiều nơi đã không thật sự phát động quần chúng để đánh địch, mà lại dùng phương pháp cưỡng bức và trấn áp thay cho phát động quần chúng, truy bức, nhục hình một cách phổ biến, cho nên việc đánh địch càng đi tới càng mất phương hướng, đánh tràn lan, đánh vào địch và đánh cả vào ta. Vì đánh giá sai tổ chức của Đảng, của chính quyền, của các đoàn thể quần chúng, cho nên đã coi tổ chức của ta là do địch lũng đoạn, do đó đã bắt bớ và xử trí bừa bãi những nông dân vô tội, đả kích mù quáng vào nhiều đảng viên và cán bộ tốt của Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng.
Về chỉnh đốn tổ chức ở nông thôn, trong khi thực hiện chúng ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng nhất trong toàn bộ công tác cải cách ruộng đất. Vấn đề này sẽ nói rõ trong phần về chỉnh đốn tổ chức.
Về việc kết hợp thực hiện các công tác khác ở nông thôn, tuy có đạt được một số kết quả, nhưng đã đề ra yêu cầu quá cao, kết hợp quá nhiều công tác trong một thời gian ngắn, làm cho công tác cải cách ruộng đất gặp nhiều khó khǎn, ảnh hưởng đến tinh thần phấn khởi sản xuất của nông dân.
Về cải cách ruộng đất ở những vùng nhiều đồng bào tôn giáo, nhiều nơi đã không nắm vững chính sách tôn giáo, xâm phạm đến tự do tín ngưỡng của nhân dân.
Về giảm tô và cải cách ruộng đất ở vùng dân tộc thiểu số, nhiều nơi đã không nắm vững chính sách dân tộc thiểu số, đã không chiếu cố đầy đủ đến đặc điểm của tình hình, áp dụng kinh nghiệm miền xuôi một cách máy móc.
*
******
Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) nhận định rằng đường lối chính sách của Trung ương về cǎn bản là đúng, nhưng sở dĩ có những sai lầm nói trên, là vì trong tư tưởng chỉ đạo có những khuyết điểm, nhất là trong sự chỉ đạo thực hiện đã phạm nhiều khuyết điểm sai lầm nghiêm trọng.
Từ nǎm 1953, Trung ương Đảng ta đã xác định tư tưởng chỉ đạo trong chính sách ruộng đất như sau: "Ta thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến, nên phải đấu tranh trên hai mặt trận: mặt trận chống đế quốc và mặt trận chống phong kiến. Ta lại có mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Vì vậy càng bớt được kẻ địch càng tốt, càng cô lập và phân hoá được giai cấp địa chủ càng hay. Diện đả kích không nên quá rộng"1).
Tinh thần nói trên đến Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất tháng 11 nǎm 1953 lại được nhắc lại: "Trên cơ sở thoả mãn yêu cầu về ruộng đất của nông dân, cần phân biệt đối đãi với các hạng địa chủ và chiếu cố địa chủ kháng chiến một cách đúng mức, làm sao cho càng ít kẻ địch càng tốt"2).
Sau khi hoà bình lập lại, Nghị quyết tháng 9 nǎm 1954 của Bộ Chính trị, phần nói về cải cách ruộng đất lại nêu rõ: "Một mặt hết sức thoả mãn yêu cầu về kinh tế và chính trị của nông dân để phát động nông dân và tranh thủ sự ủng hộ của nông dân. Mặt khác lại cần hết sức mở rộng mặt trận chống phong kiến và mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, trung lập mọi lực lượng có thể trung lập được để tranh thủ đa số, cô lập thiểu số, củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất".
Trong việc chỉ đạo chính sách cụ thể, Bộ Chính trị đã xuất phát từ đường lối cǎn bản nói trên để đề ra những chính sách bổ sung thích hợp. Như sau đợt thí điểm giảm tô, đã đề ra khẩu hiệu "liên hiệp phú nông" và nhấn mạnh sự cần thiết thu hẹp diện đấu tranh để mở rộng mặt trận chống phong kiến. Lại như sau khi hoà bình lập lại, Bộ Chính trị đã thông qua những điểm bổ sung mới về chính sách và phương thức đấu tranh; dùng hình thức toà án thay cho những cuộc đại hội đấu tranh của nông dân, mở rộng diện trưng mua, quy định việc hiến ruộng đất, chiếu cố những địa chủ kháng chiến và gia đình địa chủ có con em đi bộ đội, làm cán bộ hoặc viên chức cách mạng; chiếu cố nhà công thương kiêm địa chủ và những người tu hành, v.v..
Tuy nhiên, trong tư tưởng chỉ đạo có những khuyết điểm, cho nên một số chính sách khác do Trung ương hay Bộ Chính trị đề ra có thiếu sót hoặc thiếu thận trọng như trong vấn đề chiếu cố những gia đình địa chủ có công với cách mạng, gia đình địa chủ có con em đi bộ đội, làm cán bộ hoặc viên chức cách mạng; đối với địa chủ kháng chiến thì biện pháp cụ thể không được quy định rõ ràng; chủ trương kết hợp với phát động quần chúng trấn áp bọn phá hoại hiện hành, cǎn bản làm tan rã tổ chức phản động là một quyết định không đúng. Trong chính sách cải cách ruộng đất ở các vùng tôn giáo và vùng dân tộc thiểu số, cũng có những điểm không thích hợp, v.v.. Những thiếu sót nói trên đã có ảnh hưởng đến những sai lầm vừa qua.
Những nguyên nhân trực tiếp đã gây ra những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài trong cải cách ruộng đất là do những khuyết điểm sau đây:
a) Trong khi chỉ đạo thực hiện, việc lãnh đạo tư tưởng đã có nhiều lệch lạc. Lúc đầu, khi phong trào mới phát động, phương châm chống hữu, phòng "tả" là đúng. Nhưng về sau, trong khi phong trào đã có những sai lầm "tả" khuynh, sự chỉ đạo không những đã không phát hiện được những sai lầm, mà lại cứ một chiều nhấn mạnh chống hữu khuynh, gây ra một cao trào chống hữu trong Đảng, không chú ý đến việc phòng "tả" do đó mà những sai lầm "tả" khuynh càng trở nên trầm trọng.
b) Trong khi chỉ đạo thực hiện, thì do những lệch lạc về lãnh đạo tư tưởng, nhiều chính sách của Trung ương đã không được quán triệt và phổ biến đúng đắn, phần nhiều bị hiểu sai, do đó mà không được chấp hành đầy đủ, thậm chí không được chấp hành hoặc làm trái ngược lại. Đường lối nông thôn của Đảng, vấn đề quy định thành phần, vấn đề đánh địch, vấn đề chỉnh đốn tổ chức, vấn đề phát động quần chúng trong vùng tôn giáo, vùng thiểu số, v.v. đều không được thi hành đúng đắn như trên đã nói. Hầu hết các điểm bổ sung về chính sách nhằm mở rộng mặt trận chống phong kiến và phân hoá giai cấp địa chủ đều không được thi hành hoặc thi hành không đầy đủ. Từ khi hoà bình lập lại, chính sách thì nhấn mạnh thu hẹp diện đấu tranh và vận dụng biện pháp chính quyền nhiều hơn, mà khi thi hành thì đả kích và đấu tố tràn lan, chính sách thì cấm truy bức, nhục hình, mà khi thi hành thì việc truy bức, nhục hình đã trở nên phổ biến. Do tư tưởng lệch lạc, cho nên việc vận dụng "điển hình" đã trở nên một phương pháp để làm cho những sai lầm trong một địa phương trở nên phổ biến khắp nơi. Các cơ quan có trách nhiệm nhiều khi lại tự động ra những chỉ thị sai lầm như vấn đề kết hợp với đánh địch bên ngoài mà tiến hành đánh địch bên trong, như yêu cầu triệt để làm tan rã tổ chức địch trong Đảng, v.v..
c) Việc tổ chức thực hiện đã có nhiều thiếu sót nghiêm trọng. Các cơ quan cải cách ruộng đất tổ chức thành một hệ thống riêng từ trên xuống dưới với những quyền hạn quá rộng, đã dần dần lấn hết quyền của cấp uỷ và chính quyền, và từ cấp khu trở xuống, nhiều nơi đã đặt mình lên trên cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương.
Việc bố trí lực lượng cán bộ đã không theo một nguyên tắc nào cả, thậm chí đã để cho những cán bộ non nớt chỉ đạo những cán bộ có nhiều kinh nghiệm, giao cho những người ngoài Đảng làm công tác chỉnh đốn đảng. Chính sách ưu đãi quá đáng, tư tưởng sai lệch về "thi đua lập thành tích", nhất là lập thành tích đánh địch, đã ảnh hưởng nhiều đến tinh thần chấp hành chính sách của cán bộ. Trong đợt 5 thì 2/3 cán bộ chưa có kinh nghiệm cải cách ruộng đất, phạm vi hoạt động thì rộng và phức tạp, yêu cầu thì nhiều, gấp và cao, thế mà việc giáo dục cán bộ đã không được chú trọng đầy đủ. Do việc chọn lựa không kỹ, do sự giáo dục thiếu sót hoặc lệch lạc, cho nên cán bộ các đoàn và các đội mặc dầu nói chung có tinh thần tích cực công tác nhưng nhiều nơi đã phạm những sai lầm nghiêm trọng và phổ biến. Mười điều kỷ luật không được chấp hành đúng đắn; một số ít những phần tử xấu đã có những hành động phá hoại chính sách.
Về tư tưởng cũng như về tác phong từ trên xuống dưới, với những mức độ khác nhau, hiện tượng độc đoán chuyên quyền đã trở nên trầm trọng; không chấp hành đúng đường lối chính sách, vi phạm nguyên tắc và Điều lệ của Đảng, không tuân theo pháp luật của Nhà nước; đối với cấp trên thì không báo cáo đúng tình hình và nhiều khi không xin chỉ thị; đối với cấp dưới thì đàn áp ý kiến và thúc ép làm theo ý muốn của mình; chủ quan, tự mãn một cách nghiêm trọng; chỉ cho mình là đúng, không chịu nghe ý kiến của quần chúng, của cán bộ; không quan tâm đến lợi ích của quần chúng và sinh mệnh chính trị của đảng viên, của cán bộ. Tác phong lãnh đạo thoát ly quần chúng, thoát ly thực tế, đã làm cho những sai lầm trong cải cách ruộng đất kéo dài, mãi đến khi đã trở nên trầm trọng mới phát hiện được.
*
******
Công tác chỉnh đốn tổ chức bao gồm các tổ chức của Đảng, của chính quyền, của các tổ chức quần chúng. ở đây đặc biệt kiểm điểm về vấn đề chỉnh đốn tổ chức của Đảng.
Việc chỉnh đốn chi bộ xã đã được đề ra thành một công tác quan trọng và một trong những yêu cầu chính, cần phải kết hợp với cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất mà thực hiện.
Công tác chỉnh đốn chi bộ trong các đợt đầu của cuộc vận động giảm tô đã thu được một số kết quả, nhưng về sau, nhất là từ các đợt giảm tô 7 và 8 và các đợt cải cách ruộng đất 4 và 5 thì những sai lầm càng ngày càng trở nên nghiêm trọng; đả kích tràn lan vào nội bộ của Đảng, tỷ lệ xử trí quá cao, giải tán chi bộ một cách bừa bãi. Do đó mà nhìn chung thì cuộc vận động chỉnh đốn chi bộ đã làm cho cơ sở cũ của Đảng ở nông thôn trong vùng cải cách ruộng đất bị tổn thất nặng; nhiều đảng viên tốt đã được rèn luyện trong công tác và trong chiến đấu từ trước Cách mạng Tháng Tám hoặc từ ngày kháng chiến đã bị xử trí nhầm, thậm chí bị coi là địch và bị đả kích rất nặng. Vì đánh giá không đúng tổ chức của Đảng, cho nên ở nhiều nơi cán bộ đã mất cảnh giác trước những lời khai vấy của những phần tử xấu; thậm chí một số cán bộ vì động cơ không tốt mà thúc ép quần chúng dựng đứng tội trạng để tố cáo đảng viên.
Về mặt khác, công tác chỉnh đốn chi bộ đã thanh trừ một số phần tử còn giữ lập trường của giai cấp bóc lột và những phần tử xấu ra khỏi Đảng, đồng thời kết nạp một số đảng viên mới, hầu hết là bần cố nông, xây dựng một số chi bộ ở các nơi trước đây chưa có chi bộ. Song việc kết nạp đảng viên mới, do chỉ đạo không chú trọng đầy đủ đến tiêu chuẩn và nguyên tắc, Điều lệ của Đảng, nhiều nơi lại làm một cách vội vàng, cho nên một số đảng viên mới còn quá ít tuổi hoặc thiếu kinh nghiệm đấu tranh đã được đề bạt quá sớm lên những chức vụ phụ trách; một số phần tử đầu cơ đã được tổ chức vào Đảng. Nǎng lực và uy tín của chi bộ xã, do đó mà ở nhiều nơi đã bị giảm sút.
Việc chỉnh đốn đảng ở cấp tỉnh, huyện đã tiến hành trong bảy tỉnh, sau đó đã có chỉ thị của Bộ Chính trị đình chỉ lại. Vì chủ trương, phương pháp đều sai lầm, cho nên công tác chỉnh đốn các cấp tỉnh, huyện là một thất bại đau đớn cho Đảng ta. Nhiều cán bộ tốt và có công đã bị xử trí oan, nhiều cấp uỷ cũ của Đảng bị tan rã, cấp uỷ mới xây dựng nói chung là yếu và có nơi phức tạp, lịch sử đấu tranh của nhiều chi bộ và nhiều đảng bộ bị xuyên tạc và bôi nhọ.
Những sai lầm trong việc chỉnh đốn tổ chức của Đảng đã ảnh hưởng không tốt đến công tác chỉnh đốn các tổ chức chính quyền, các tổ chức dân quân du kích và các đoàn thể quần chúng, trừ tổ chức nông hội thì ở nhiều địa phương đã được phát triển.
Nhìn chung, công tác chỉnh đốn tổ chức ở cấp xã và ở các cấp huyện và tỉnh, với những mức độ khác nhau tuỳ theo đợt và tuỳ theo địa phương, đã gây ra nhiều thiệt hại cho Đảng ta. Nó đã làm cho lực lượng của Đảng bị tổn thất nặng, làm cho đảng viên và cán bộ hoang mang và hoài nghi chính sách của Đảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến truyền thống và chí khí đấu tranh của các đảng bộ, đến tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong chính quyền, trong mặt trận, khiến cho uy tín của Đảng bị giảm sút trong quần chúng, quan hệ giữa Đảng và quần chúng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) nhận định rằng sở dĩ đã xảy ra những sai lầm nói trên là do:
1. Đánh giá không đúng tổ chức của Đảng và không nắm vững đường lối xây dựng đảng. Đảng ta đã được xây dựng trong hoàn cảnh một nước nông nghiệp, trước đây là một nước thuộc địa và nửa phong kiến, công tác xây dựng đảng, công tác giáo dục đảng viên về chính trị và tư tưởng ở trong Đảng có nhiều thiếu sót. Nhưng mặt khác, Đảng ta đã được thử thách, rèn luyện trong quá trình cách mạng và kháng chiến, từ nǎm 1952 đã trải qua một thời kỳ chỉnh đảng, cho nên chất lượng chính trị đã được nâng cao một phần nào.
Đi vào phát động quần chúng giảm tô, Bộ Chính trị nhận định rằng chi bộ của ta ở nông thôn chia làm ba loại: loại tốt, loại trung bình và loại xấu, cho rằng phần lớn chi bộ thuộc loại trung bình, còn loại chi bộ phải giải tán là cá biệt. Chúng ta đã chủ trương kết hợp với phát động quần chúng mà chỉnh đốn chi bộ. Nhưng lẽ ra, lúc đánh giá chi bộ, cần phải nêu thành tích đấu tranh và quá trình được thử thách, rèn luyện của chi bộ để tránh những nhận định lệch lạc. Trong quá trình thực hiện công tác chỉnh đốn tổ chức, những nhận định lệch lạc đã xuất hiện và dần dần trở nên nghiêm trọng; mặc dầu chi bộ đã được chia ra làm ba loại, nhưng trong khi phát động quần chúng thì nói chung là không dựa vào chi bộ, đến khi chỉnh đốn thì lại đả kích tràn lan.
Sau các đợt đầu giảm tô, chất lượng chi bộ đã được nâng cao hơn trước, nhưng lại nhận định rằng tình hình chi bộ vẫn phức tạp nghiêm trọng. Về sau, khi bắt đầu chỉnh đốn chi bộ trong vùng mới giải phóng, lại nhận định rằng tổ chức của Đảng trong vùng mới giải phóng là phức tạp nghiêm trọng, "có nơi địch lũng đoạn, tổ chức địch lồng vào tổ chức của ta". Trong khi về cải cách ruộng đất đề ra chủ trương "cǎn bản làm tan rã tổ chức phản động" thì về chỉnh đốn tổ chức, Ban Tổ chức Trung ương lại đề ra chủ trương "triệt để làm tan rã tổ chức phản động ở trong Đảng".
Nhận định đó đi đôi với nhận định lệch lạc về địch, với cách đánh địch bừa bãi, đã dần dần đưa đến chỗ nhiều nơi coi tổ chức cũ của Đảng là tổ chức của địch và do đó đã ra sức trấn áp.
Ở các cấp tỉnh và huyện thì sau chỉnh đảng, chất lượng các cấp uỷ đã được nâng cao, về tư tưởng còn phức tạp một phần nào, về tổ chức thì phức tạp là cá biệt và chỉ ở một số cơ quan nào đó. Nhưng vì thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu quan tâm đầy đủ đến sinh mệnh chính trị của đảng viên và cán bộ, không đánh giá đúng những tài liệu phát hiện trong việc chỉnh đốn chi bộ, cho nên chúng ta đã đánh giá là phức tạp nghiêm trọng và đã đề ra chủ trương chỉnh đốn các cấp tỉnh, huyện, mà chủ trương đó thực tế là không đúng.
Sự đánh giá không đúng tổ chức của Đảng biểu hiện một nhận thức sai lầm đối với công tác xây dựng và giáo dục của Đảng ta từ trước tới nay, phủ nhận vai trò của tổ chức cơ sở và đại đa số đảng viên trong cuộc đấu tranh cách mạng gay go và anh dũng, phủ nhận kết quả chỉnh huấn và chỉnh đảng ở các cấp tỉnh, huyện và sự đóng góp của các cấp bộ đảng đối với phong trào, phủ nhận cả truyền thống và lịch sử đấu tranh của các đảng bộ, của nhân dân.
Sự đánh giá không đúng nói trên bắt nguồn ở chỗ không nắm vững tình hình thực tế và đặc điểm của Đảng ta, không nắm vững đường lối xây dựng đảng. Như trên đã nói, Đảng ta là đảng của giai cấp công nhân, nhưng sinh trưởng trong một nước vốn là thuộc địa và nửa phong kiến, giai cấp công nhân chưa phát triển mấy. Trong quá trình đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, ngoài những người công nhân giác ngộ, có nhiều phần tử ưu tú của giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, những người trí thức cách mạng, một số xuất thân từ giai cấp bóc lột cũng hǎng hái tham gia cách mạng và gia nhập Đảng ta. Do không nhận rõ điều đó, cho nên khi đánh giá đảng viên và tổ chức của Đảng, không nắm vững tiêu chuẩn lập trường và tư tưởng mà lại đi vào chủ nghĩa thành phần, cho rằng tính chất của tổ chức đảng là do thành phần giai cấp quyết định. Đương nhiên, Đảng ta phải chú ý thích đáng đến thành phần giai cấp của đảng viên, vì nó có ảnh hưởng đến tư tưởng và tác phong của Đảng, nhưng nếu chỉ cǎn cứ vào thành phần giai cấp mà đánh giá đảng viên và các tổ chức của Đảng thì là sai lầm lớn.
2. Việc tổ chức thực hiện phạm nhiều sai lầm: mặc dầu Trung ương đã nêu ra phương châm chỉnh đốn đảng là lấy giáo dục làm chính, nhưng trong khi thực hiện lại nặng về biện pháp xử trí về tổ chức, thi hành kỷ luật, khai trừ, giải tán chi bộ, bắt bớ và xử trí bừa bãi. Ban Tổ chức Trung ương tự ý đề ra và làm theo hai phương châm "đối với đảng viên thì kiên trì giáo dục, đối với địch thì kiên quyết trấn áp", do đó đã đem phương pháp đấu tranh chống kẻ địch áp dụng vào việc chỉnh đốn tổ chức của Đảng và như vậy là rất sai lầm. Trong việc chỉnh đốn chi bộ thì nhiều nơi đã dùng quần chúng để tố cáo và vạch tội đảng viên; truy bức và nhục hình trở nên phổ biến.
Trong công tác chỉnh đốn, các cơ quan phụ trách đã không dựa vào cấp uỷ, phổ biến là không tin ở cấp uỷ, các tổ chỉnh đốn hoặc do hệ thống cải cách ruộng đất, hoặc do Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Cán bộ chỉnh đốn tổ chức lại không được chọn lựa một cách thận trọng và giáo dục đúng đắn, ở nhiều nơi đã dùng những cán bộ non kém ở cấp dưới đến chỉnh đốn cấp trên, hoặc giao cho cán bộ của đội không phải là đảng viên nhiệm vụ xử trí, kết nạp đảng viên.
Nguyên tắc và Điều lệ của Đảng không được tôn trọng. Sinh mệnh chính trị của đảng viên và cán bộ bị coi thường. Quyền tự do tối thiểu của người công dân bị vi phạm. Hiện tượng độc đoán chuyên quyền rất nghiêm trọng trong cán bộ chỉnh đốn tổ chức.
Trên đây là những nguyên nhân trực tiếp đã đưa đến những sai lầm nghiêm trọng và tổn thất nặng nề trong công tác chỉnh đốn tổ chức.
*
******
Lúc đầu, khi đề ra chính sách phát động quần chúng thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất, Đảng ta đã đặt vấn đề chống những sai lầm hữu khuynh. Sai lầm hữu khuynh lúc bấy giờ biểu hiện ở tư tưởng coi nhẹ nhiệm vụ phản phong, không kiên quyết đứng về phía nông dân và phát động nông dân đấu tranh, không kiên quyết đấu tranh chống giai cấp địa chủ.
Vì lúc đặt vấn đề chống hữu khuynh, chúng ta thiếu phân tách, tổng kết cho sâu sắc cụ thể, phân biệt cái gì sai, cái gì đúng, và sai ở mức độ nào, hữu khuynh đến mức độ nào, bên cạnh những tư tưởng hữu khuynh có tư tưởng "tả" khuynh hay không, cho nên khi đi vào sửa chữa thì ngay lúc đầu những sai lầm "tả" khuynh đã chớm nở, và càng về sau, nhất là từ khi hoà bình được lập lại thì càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng.
Sai lầm "tả" khuynh trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức biểu hiện chủ yếu trên những vấn đề sau đây:
a) Chú trọng thoả mãn yêu cầu về kinh tế và chính trị của nông dân lao động, như vậy là đúng, nhưng sai lầm ở chỗ coi nhẹ yêu cầu toàn diện của nhiệm vụ cách mạng, coi nhẹ yêu cầu mở rộng mặt trận chống phong kiến và mặt trận dân tộc thống nhất.
Vì vậy mà trong khi thực hiện nhiệm vụ phản phong, đã coi nhẹ thậm chí nhiều nơi cán bộ đã phủ nhận những thành tích của cuộc đấu tranh phản đế, tách rời cải cách ruộng đất với kháng chiến và cách mạng, thậm chí có nơi làm cho đối lập với nhau.
Vì vậy mà trong khi thực hiện nhiệm vụ phản phong đã hiểu vấn đề củng cố miền Bắc một cách đơn thuần, coi nhẹ chính sách tranh thủ miền Nam, coi nhẹ yêu cầu của nhiệm vụ đấu tranh để thống nhất nước nhà.
b) Trong khi chấp hành đường lối nông thôn của Đảng thì đã chú trọng dựa vào bần cố nông, như vậy là đúng (nhưng thực tế do những sai lầm nói trên, cho nên hàng ngũ bần cố nông cũng bị đả kích một chừng nào). Những sai lầm ở chỗ coi nhẹ đoàn kết chặt chẽ với trung nông, thậm chí đụng chạm đến lợi ích của trung nông, không thực hiện chính sách liên hiệp phú nông, thậm chí đả kích phú nông, coi phú nông gần như địa chủ.
c) Trong khi phát động quần chúng đánh đổ giai cấp địa chủ thì nhấn mạnh kiên quyết đánh đổ giai cấp địa chủ là đúng; nhưng sai lầm ở chỗ đả kích tràn lan, không thi hành sách lược phân hoá, không chiếu cố gia đình địa chủ có công với cách mạng, gia đình địa chủ có con em đi bộ đội hoặc làm cán bộ, không chiếu cố địa chủ kháng chiến và phân biệt đối xử con cái địa chủ.
d) Trong khi thực hiện nhiệm vụ đánh địch thì quá nhấn mạnh kiên quyết đánh địch, không chú trọng đề phòng lệch lạc, không nhấn mạnh phải thận trọng, tránh xử trí oan những người ngay, do đó mà đi đến mở rộng diện đả kích, đánh địch tràn lan, dùng những biện pháp trấn áp quá đáng một cách phổ biến.
e) Trong khi thực hiện chính sách cải cách ruộng đất ở nơi có nhiều đồng bào tôn giáo thì cũng mở rộng diện đả kích; đụng chạm đến tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng của nhân dân, nhiều nơi để lại ruộng đất cho nhà thờ, nhà chùa không đúng chính sách đã quy định.
g) Trong khi thực hiện chính sách cải cách ruộng đất ở vùng thiểu số thì đả kích mù quáng vào từng lớp trên; không coi trọng, thậm chí xâm phạm đến phong tục tập quán của địa phương.
h) Trong công tác chỉnh đốn tổ chức thì sai lầm ở chỗ không nắm vững tiêu chuẩn lập trường và tư tưởng, mà lại phạm vào chủ nghĩa thành phần, do đó đã đánh giá sai tổ chức của Đảng, sai lầm ở chỗ không chú trọng phương châm giáo dục mà đơn thuần dùng biện pháp tổ chức: thanh trừ, xử trí, giải tán chi bộ hàng loạt; sai lầm ở chỗ dùng những phương pháp đấu tố, truy bức để chỉnh đốn đảng.
Những sai lầm "tả" khuynh nói trên đã gây ra những ảnh hưởng vô cùng tai hại cho Đảng và nhân dân ta. Những sai lầm đó đã phát sinh ra trong những điều kiện chủ quan và khách quan như thế nào? Về mặt chủ quan, thì sự lãnh đạo của Đảng ta còn nhiều thiếu sót về trình độ lý luận và trình độ chính trị: chưa kết hợp đầy đủ những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, với đặc điểm của tình hình xã hội, kinh tế, chính trị của nước nhà; chưa chú trọng tổng kết kinh nghiệm đấu tranh phong phú của Đảng và của nhân dân ta từ trước đến nay, do đó thiếu điều kiện để tiếp thu kinh nghiệm nước bạn một cách sáng tạo. Về nguyên tắc tổ chức, chúng ta chưa quán triệt và tôn trọng những nguyên tắc tập thể và dân chủ trong sinh hoạt đảng. Về mặt khách quan, thì chế độ dân chủ cộng hoà từ khi mới thành lập, đã phải tiến hành một cuộc chiến tranh tự vệ lâu dài và gian khổ; do đó mà sức mạnh của chế độ ta đã được rèn luyện và thử thách rất nhiều, nhưng đồng thời sinh hoạt dân chủ có bị hạn chế, chưa được phát huy; nhân dân chưa được giáo dục đầy đủ về tự do dân chủ. Chúng ta cần rút những bài học kinh nghiệm sâu sắc để nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng, phát huy bản chất dân chủ của chế độ ta. Những sai lầm nghiêm trọng vừa qua trái hẳn với bản chất của chế độ ta, trái với đường lối chính sách cǎn bản của Đảng.
Công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã có nhiều sai lầm. Chúng ta cần nhận rõ sai lầm, kiên quyết sửa chữa và nhất định sửa chữa được.
Sửa chữa sai lầm, phát huy thắng lợi:
Từ tháng 4 nǎm nay, khi bắt đầu phát hiện những sai lầm, Bộ Chính trị đã có chỉ thị sửa chữa bước đầu. Gần đây, Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) lại thông qua một số biện pháp để giải quyết những vấn đề cấp tốc. Việc sửa chữa đã thu được những kết quả đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay tình hình nhiều nơi trong vùng nông thôn đã cải cách ruộng đất còn gay go và phức tạp. Những nhân tố thắng lợi của cải cách ruộng đất chưa phát huy tác dụng được mấy; trái lại những nhân tố sai lầm và tiêu cực vẫn còn tiếp tục phát triển.
Tình hình nông thôn hiện nay có thể tóm tắt như sau:
a) Do những sai lầm và tổn thất trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, lực lượng, uy tín và tác dụng lãnh đạo của Đảng và của chính quyền hiện nay trong nhiều địa phương bị giảm sút. Các tổ chức quần chúng ở nhiều nơi số lượng có tǎng hơn trước, nhưng sinh hoạt còn lỏng lẻo.
Trong Đảng, nhất là ở những địa phương có nhiều sai lầm và ở các cấp tỉnh và huyện đã trải qua chỉnh đốn, vẫn còn hiện tượng tư tưởng không thống nhất, nội bộ thiếu đoàn kết.
b) Nhân dân nói chung vẫn hoang mang, lo lắng, chờ đợi. Nông dân lao động phần lớn được chia ruộng đất, nhưng tinh thần phấn khởi và tích cực sản xuất bị hạn chế. Những người bị tổn thất về danh dự chính trị và quyền lợi kinh tế thì oán trách kêu ca, những người tố sai thì lo lắng và ở nhiều nơi họ bị dư luận đả kích; một số trong những người được chia ruộng cũng chưa yên tâm làm ǎn, có nơi họ đem bán hoặc phá huỷ tài sản, vì sợ phải trả lại cho chủ cũ. Nhiều sự xích mích, mâu thuẫn giữa nông dân với nhau, giữa cán bộ cũ và cốt cán mới hiện chưa được giải quyết. Có địa phương không khí trấn áp, hình thức đấu tố, bao vây vẫn còn. Trong tình hình phức tạp đó, có nơi ranh giới giữa nông dân và địa chủ bị lu mờ.
Ở nhiều địa phương, phú nông vẫn chưa được đối đãi đúng chính sách, do đó họ không yên tâm sản xuất.
Giai cấp địa chủ cǎn bản đã bị đánh đổ. Nhưng nhiều vấn đề như chính sách chiếu cố địa chủ kháng chiến, như tám điều quy định đối với địa chủ và con địa chủ sau cải cách ruộng đất, v.v. vẫn chưa được thi hành đầy đủ. Trong lúc đó, có những phần tử cường hào gian ác, bọn phá hoại hiện hành, bọn lưu manh đang tìm cách ngóc đầu dậy. Bọn phản động cũng đang ra sức giành lại ảnh hưởng trong đồng bào tôn giáo.
c) Những biện pháp sửa chữa vừa qua đã làm cho tình hình bớt gay go, làm cho nhân dân thêm tin tưởng và mong đợi; địa phương nào sửa chữa tích cực và đúng tinh thần của Trung ương thì đã thu được một số kết quả tốt. Nhưng một số nơi vì việc sửa chữa thiếu chuẩn bị, thiếu kế hoạch, nhất là thiếu giáo dục, thiếu chính sách cụ thể cho nên tình hình về những mặt nào đó đã trở nên phức tạp hơn, thậm chí có địa phương đã xảy ra những vụ xung đột, hoặc những hành động tự phát, báo thù.
Ảnh hưởng không tốt của tình hình nông thôn hiện đang lan rộng đến thành thị, đến tất cả các giai cấp, các tầng lớp trong nước ở miền Bắc và cả ở miền Nam. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải sửa chữa sai lầm một cách kiên quyết, khẩn trương và thận trọng. Những khó khǎn chính hiện nay là: những sai lầm đã xảy ra là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến về nhiều mặt: ở cả trong Đảng và trong nhân dân, cho nên việc sửa chữa sẽ khó khǎn và phức tạp; lực lượng lãnh đạo của Đảng, hiệu lực của chính quyền nhiều nơi bị giảm sút; nhân dân lo lắng, hoang mang; kẻ địch đang tìm cách để lợi dụng tình hình ấy. Những thuận lợi chính hiện nay là: đảng viên, cán bộ đều tin tưởng, mong mỏi ở Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, nhân dân ta tốt, mong mỏi chờ đợi chính sách sửa sai của Đảng và Chính phủ; bản thân những kết quả của cải cách ruộng đất đem lại quyền lợi cho nông dân là một nhân tố thuận lợi rất cǎn bản. Truyền thống đoàn kết và tích cực đấu tranh để khắc phục mọi khó khǎn của Đảng ta, của nhân dân ta là một nhân tố có tác dụng quyết định.
*
******
Trước tình hình nói trên, nhiệm vụ và phương châm trước mắt của chúng ta là:
Kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, phát huy những kết quả và thắng lợi đã thu được. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ đó, thì dựa trên đường lối nông thôn của Đảng, dựa trên tinh thần tin tưởng và truyền thống đoàn kết của Đảng ta và của nhân dân ta; thi hành đúng chính sách cụ thể sửa chữa sai lầm, nhằm đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, gây tinh thần phấn khởi, để đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt công tác cải cách ruộng đất và trên cơ sở đó đẩy mạnh công cuộc củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam và đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà.
Yêu cầu cụ thể là:
1. Đối với trong Đảng, thì sửa chữa tốt những sai lầm, để thực hiện thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, đoàn kết nội bộ, củng cố tổ chức, tǎng cường lãnh đạo và nâng cao uy tín của Đảng, đồng thời phải cải thiện quan hệ giữa Đảng và quần chúng. Chú trọng đoàn kết cán bộ và đảng viên.
Kết hợp với củng cố đảng mà sửa chữa sai lầm trong chính quyền và tổ chức quần chúng, dần dần củng cố các cơ quan chính quyền, các tổ chức quần chúng.
2. Đối với nhân dân, thì sửa chữa tốt những sai lầm để dần dần ổn định tư tưởng, giải quyết những mâu thuẫn, thù oán, thực hiện đoàn kết, củng cố công nông liên minh, củng cố và mở rộng mặt trận, do đó mà nâng cao lòng tin tưởng và phấn khởi của nhân dân.
3. Trên cơ sở sửa chữa tốt những sai lầm, phát huy thắng lợi của cải cách ruộng đất, động viên nhân dân tích cực tham gia các công tác trước mắt, chủ yếu là công tác sản xuất, thực hiện kế hoạch nhà nước nǎm 1956.
Để đạt những yêu cầu nói trên, việc sửa chữa sai lầm phải tiến hành theo những phương châm sau đây:
1. Kiên quyết, khẩn trương và thận trọng, có từng bước, có trọng điểm, có kế hoạch chu đáo, có lãnh đạo chặt chẽ và cảnh giác đề phòng những hành động phá hoại của địch.
Sai thì kiên quyết sửa, chống bảo thủ, chống ngại khó, tránh làm qua loa xong chuyện. Phải khắc phục tình trạng tự phát, hỗn loạn, những hành động báo thù, phải giữ vững an ninh trật tự trong nông thôn.
Sửa chữa phải khẩn trương, tích cực, kịp thời; ngǎn ngừa những nhân tố tiêu cực và phá hoại, giữ vững và phát huy thắng lợi.
Sửa chữa phải thận trọng, tránh tình trạng cho cái gì cũng sai cả, tránh xóa sạch làm lại, đảo lộn lung tung. Phải theo đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, tôn trọng nguyên tắc và Điều lệ của Đảng, tôn trọng pháp luật của Nhà nước.
Phải hết sức tỉnh táo đề phòng những hành động phá hoại của bọn địa chủ cường hào gian ác, bọn phá hoại hiện hành, bọn lưu manh; phải phân biệt những hành động vô tổ chức của một số nông dân với những hành động phá hoại của địch.
2. Sửa chữa sai lầm phải tiến hành trên cơ sở đảm bảo lợi ích của nông dân lao động, đồng thời chiếu cố thích đáng đến lợi ích của các tầng lớp khác.
3. Phải nắm vững đường lối nông thôn của Đảng, nắm vững những chính sách cụ thể của Đảng và Chính phủ về sửa chữa sai lầm.
Đường lối nông thôn của Đảng là: dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ trung nông, liên hiệp phú nông, ngǎn ngừa địa chủ ngóc đầu dậy, mở đường cho địa chủ lao động cải tạo thành con người mới.
(Về chính sách cụ thể để sửa chữa sai lầm sẽ có chỉ thị của Bộ chính trị).
4. Phải đi theo đường lối quần chúng, chống quan liêu, mệnh lệnh.
Phải chú trọng giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận rõ ý nghĩa của chính sách sửa chữa sai lầm là nhằmtǎng cường đoàn kết, phát huy thắng lợi, chống lại mọi hành động trả thù.
Việc sửa chữa sai lầm phải tiến hành trên cơ sở tự nguyện tự giác của cán bộ và nhân dân; vì vậy cần phát huy dân chủ, tôn trọng sự thật, tránh ép buộc quần chúng. Việc đánh thông tư tưởng phải đi đôi với việc giải quyết các vấn đề cụ thể.
5. Phải gắn liền với việc thực hiện tốt các công tác trước mắt ở địa phương, hoàn thành kế hoạch nhà nước, chủ yếu là đẩy mạnh sản xuất, để làm cho tính tích cực của quần chúng nhân dân được phát huy mạnh mẽ.
6. Muốn đảm bảo việc sửa chữa được tốt, phải gấp rút sửa chữa những sai lầm về chỉnh đốn tổ chức, để củng cố lực lượng của Đảng, làm cho tổ chức của Đảng trở nên trung tâm đoàn kết, động viên và lãnh đạo mọi lực lượng của quần chúng nhân dân tham gia thực hiện kế hoạch sửa chữa sai lầm một cách toàn diện.
Đi đôi với việc củng cố đảng, phải tiến hành từng bước việc củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng.
Phải coi việc củng cố đảng là công tác mấu chốt và củng cố chính quyền là công tác rất quan trọng, nhưng không phải đợi củng cố đảng xong mới bắt đầu sửa chữa những sai lầm khác, trái lại việc gì cần sửa chữa gấp thì phải làm ngay.
7. Việc sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức phải do các cấp uỷ của Đảng và chính quyền địa phương trực tiếp chỉ đạo và phụ trách.
Cần động viên các ngành, các đoàn thể quần chúng tích cực tham gia, cùng nhau phối hợp trong việc sửa chữa.
*
******
Nội dung chính sách sửa sai:
Nội dung sửa chữa sai lầm sẽ quy định theo 12 điểm chính sách như sau:
1. Đối với những chi bộ bị giải tán hoặc bị đǎng ký sai, nay đều phải tuyên bố xoá bỏ các quyết định ấy.
Lịch sử các đảng bộ tỉnh, huyện, chi bộ đã bị kết luận sai hoặc bị xuyên tạc, nay đều phải xoá bỏ những kết luận ấy.
Tất cả các đảng viên bị xử trí sai đều phải được trả lại đảng tịch. Những đảng viên thuộc thành phần địa chủ, phú nông đủ tiêu chuẩn đảng viên, nhưng trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã bị xử trí sai, nay cũng đều được trả lại đảng tịch.
Đối với những đảng viên và cán bộ đã hy sinh vì bị xử trí oan thì nay phải tuyên bố huỷ án cũ, trả lại danh dự, đảng tịch; chính quyền và đoàn thể phải đặc biệt chú trọng an ủi, giúp đỡ gia đình các đồng chí đó.
2. Cán bộ và những người dân bị xử trí sai đều được sửa lại: về chính trị, được khôi phục công quyền, danh dự, công tác. Những người bị bắt oan đều phải được trả lại tự do. Về kinh tế, họ sẽ được đền bù thích đáng, được giúp đỡ sinh sống. Tất cả những huân chương, bằng khen, huy hiệu đã bị tước hoặc bị mất, đều phải được trả lại.
Phải đặc biệt chú trọng các cán bộ ngoài Đảng và người dân vì bị xử trí oan mà phải hy sinh; ngoài việc tuyên bố huỷ bỏ án cũ, trả lại danh dự, công quyền, thì chính quyền và đoàn thể phải hết sức an ủi và giúp đỡ gia đình của họ.
3. Phải chấp hành đúng chính sách ưu đãi đối với quân nhân cách mạng, quân nhân phục viên, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình của những người có công với cách mạng, gia đình cán bộ, gia đình bộ đội và gia đình nhân sĩ dân chủ.
4. Sửa lại thành phần cho những người bị quy lầm lên địa chủ, phú nông, hoặc bị quy lầm là có ít ruộng đất phát canh. Xoá bỏ việc vạch thành phần bóc lột khác, ai đã bị vạch thành phần đó, đều phải sửa lại. Người nào đã được sửa thành phần thì họ được hưởng mọi quyền lợi chính trị theo thành phần của họ; về kinh tế họ được đền bù thích đáng để làm ǎn sinh sống.
Việc đền bù tài sản cho những người bị quy lầm thành phần lên địa chủ hoặc bị xử trí sai sẽ do nông dân bàn bạc để giải quyết trên tinh thần đoàn kết, nhân nhượng, thương lượng ổn thoả, giúp đỡ lẫn nhau, để đủ điều kiện làm ǎn sinh sống, nhưng nói chung, tránh đụng đến những quyền lợi nông dân đã được chia trong giảm tô và cải cách ruộng đất.
5. Đối với phú nông, không được coi như địa chủ. Phải thực hiện đúng chính sách liên hiệp phú nông.
Đối với địa chủ thì thi hành đúng những điều đã quy định đối với địa chủ sau cải cách ruộng đất.
6. Phải chấp hành đúng chính sách tôn giáo. Nơi nào để lại ruộng đất cho nhà chung, nhà chùa, từ đường họ không đúng chính sách thì phải điều chỉnh lại ruộng đất cho đúng.
7. Phải chấp hành đúng chính sách dân tộc, sửa chữa những sai lầm đụng chạm đến phong tục tập quán của đồng bào thiểu số.
8. Phải điều chỉnh lại diện tích và sản lượng cho đúng để nhân dân yên tâm sản xuất và đóng góp được công bằng. Chỗ nào sai thì sửa, không sửa lại tràn lan.
9. Phải gấp rút cứu giúp những người vì sai lầm trong cải cách ruộng đất mà hiện bị đau ốm nặng hoặc không có cách gì sinh sống, chú trọng cứu giúp người già, trẻ con, bất cứ họ thuộc thành phần nào.
10. Bỏ tất cả những lệnh quản chế đối với những người bị quy oan là phản động, hoặc cường hào gian ác, bất cứ thuộc thành phần nào. Trừ trường hợp đối với địa chủ cường hào gian ác, chưa đáng tù và bọn lưu manh có lệnh quản chế của toà án tỉnh. Bỏ cách bao vây đối với bất cứ người nào, kể cả người bị quản chế.
Cấm bắt bớ lung tung. Trường hợp bắt người phạm pháp quả tang thì phải đưa lên huyện ngay.
11. Đối với cán bộ cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức phạm sai lầm thì cần phải kiểm thảo, lấy giáo dục làm chính để giúp đỡ sửa chữa. Sửa lại những trường hợp thi hành kỷ luật và khen thưởng sai.
12. Cần tiến hành ngay việc sửa chữa những sai lầm trong phát động quần chúng chỉnh đốn tổ chức ở các xí nghiệp, công trường, nông trường, cơ quan. Bộ Chính trị sẽ có chỉ thị cụ thể.
*
******
Công tác sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức là một công tác trung tâm đột xuất của Đảng ta trong thời gian trước mắt. Đó là một công tác khó khǎn, phức tạp và có tính chất lâu dài. Vì vậy, từ trung ương đến các địa phương, cần phải tập trung lực lượng chỉ đạo, tập trung lực lượng cán bộ cho đầy đủ, tiến hành công tác một cách kiên quyết và khẩn trương, tranh thủ một sự chuyển biến tốt về tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân ngay từ bước đầu, để đảm bảo hoàn thành tốt công tác sửa chữa sai lầm, phát huy thắng lợi.
Phương pháp sửa chữa phải dựa vào quần chúng, không tổ chức thành đoàn, đội và không dùng cách đấu, tố như trong giảm tô và cải cách ruộng đất. Việc sửa chữa do các cấp uỷ cùng với các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã trực tiếp phụ trách với sự tham gia tích cực của các đoàn thể quần chúng, của tổ chức mặt trận ở các cấp. Việc sửa chữa sai lầm phải tiến hành từ trong Đảng mà ra, trên cơ sở củng cố cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp, củng cố chi bộ mà tiến hành việc giáo dục chính sách cho nhân dân, phát huy dân chủ, kiểm thảo sai lầm, đề ra biện pháp sửa chữa cho đúng.
Kế hoạch thực hiện phải chú trọng:
a) Nắm vững việc giáo dục chính sách và lãnh đạo tư tưởng.
Phải kiên nhẫn giáo dục làm cho toàn Đảng, toàn dân thấu suốt chính sách của Đảng, làm cho mọi người phân biệt cái sai, cái đúng, nhận rõ phải sửa chữa sai lầm thế nào cho tốt, đi đến thống nhất nhận thức, thống nhất tư tưởng từ trên xuống dưới. Vì vậy mà các cuộc hội nghị cán bộ sắp tới để phổ biến Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) có một ý nghĩa rất quan trọng. Việc phổ biến Nghị quyết phải kết hợp với việc nhận định tình hình địa phương, kiểm điểm sai lầm cụ thể trong địa phương, do đó mà đề ra biện pháp cụ thể để sửa chữa. Các cấp uỷ cần trực tiếp chỉ đạo các cuộc hội nghị nói trên, và phải thực sự phát huy dân chủ để cho các cuộc hội nghị đó có kết quả tốt. Có phát huy dân chủ mới đi đến thực sự thống nhất tư tưởng được, và trên cơ sở thống nhất tư tưởng mà làm cho cán bộ nhận rõ trách nhiệm của toàn Đảng cũng như trách nhiệm của mỗi một đảng viên trong việc sửa chữa sai lầm khắc phục thái độ bàng quan, tiêu cực, hoặc vô trách nhiệm.
Về mặt tư tưởng, phải có kế hoạch lãnh đạo chặt chẽ, định rõ nội dung và mức độ tuyên truyền ở trong Đảng cũng như ngoài Đảng.
Phải đề phòng những tư tưởng lệch lạc có thể phát sinh: chống tư tưởng bảo thủ, ngại khó, không muốn sửa chữa sai lầm, hoặc chỉ sửa chữa nửa vời, qua loa xong chuyện, không thấu triệt tinh thần của nghị quyết, đồng thời đề phòng tư tưởng muốn xoá đi làm lại.
Phải nắm vững tình hình các địa phương, nắm vững những việc đột xuất hoặc những hiện tượng lệch lạc về tư tưởng hoặc hành động có thể xảy ra, để kịp thời uốn nắn.
b) Công tác sửa chữa sai lầm phải trải qua việc phổ biến sâu rộng nghị quyết của Trung ương, việc giáo dục chính sách cho toàn Đảng và cho nhân dân, việc củng cố các cấp uỷ, củng cố chi bộ, chính quyền mà đi đến sửa chữa toàn diện những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức ở xã.
Nhưng không phải chỉ một mực theo trật tự trên mà làm dần dần. Hiện nay, ở một số xã, có những vấn đề hết sức cấp bách, cần phải giải quyết ngay. Vì vậy phải có kế hoạch giải quyết kịp thời, tốt nhất là các tỉnh uỷ triệu tập hội nghị cán bộ các xã, để bước đầu nắm vững tình hình, bước đầu phổ biến chính sách và giải quyết những vấn đề cấp bách.
c) Về cán bộ thì Trung ương và các khu uỷ, tỉnh uỷ cần điều động một số cán bộ có uy tín, có nǎng lực, đặc biệt chú trọng các cán bộ trước công tác ở địa phương được nhân dân và cán bộ địa phương tín nhiệm, phái về các địa phương giúp phổ biến nghị quyết và chính sách của Trung ương, và tham gia chỉ đạo hoặc giúp vào việc sửa chữa sai lầm; ngoài ra, cần điều động một số cán bộ cải cách ruộng đất có nǎng lực tham gia công tác sửa chữa.
Tất cả các cán bộ nói trên đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng.
d) Việc sửa chữa phải tiến hành khắp các nơi đã giảm tô, cải cách ruộng đất và những nơi đã kiểm tra lại cải cách ruộng đất, nhưng chú trọng những vùng cải cách ruộng đất đợt 4 và 5 và các vùng xung yếu, như vùng ngoại thành, giới tuyến, dọc đường giao thông quan trọng, vùng ven biển, vùng có nhiều đồng bào tôn giáo.
Ở những nơi đã áp dụng cách phát động quần chúng và mắc phải nhiều sai lầm, thí dụ như cải cách dân chủ ở nông trường, ở xí nghiệp, vận động sản xuất ở vùng thiểu số, cũng phải tiến hành sửa chữa (theo kế hoạch cụ thể của Bộ Chính trị).
Trong quân đội, cần có kế hoạch phổ biến nghị quyết của Trung ương làm cho toàn quân thông suốt chính sách của Trung ương, đồng thời kết hợp sửa chữa những sai lầm do công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã gây ra đối với một số cán bộ và chiến sĩ. Quân đội phải sẵn sàng để góp phần vào việc sửa chữa sai lầm ở nông thôn trong những trường hợp cần thiết.
Ở các thành phố, cần có kế hoạch tuyên truyền giáo dục nhân dân, kết hợp với việc giải quyết những vấn đề có quan hệ trực tiếp đến đời sống của thành thị, như vấn đề lương bổng, vấn đề quản lý hộ khẩu, vấn đề tự do dân chủ, v.v..
*
******
Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) đã phân tích tình hình để đánh giá đúng những kết quả và sai lầm trong công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, và đề ra nhiệm vụ và chính sách cụ thể để sửa chữa sai lầm, phát huy thắng lợi.
Đảng ta là một đảng Mác - Lênin, đã từng biết dựa vào nhân dân, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được những thắng lợi to lớn, đưa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến chỗ thành công ở miền Bắc nước ta. Với tinh thần phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Đảng ta không sợ vạch rõ sai lầm, ngược lại Đảng chủ trương phải nhận rõ sai lầm, phân tách sâu sắc để tìm nguyên nhân và định biện pháp tích cực sửa chữa, vì đó là con đường đúng đắn để khắc phục sai lầm, giành lấy thắng lợi mới.
Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) tin chắc rằng Nghị quyết của Hội nghị là cơ sở cho sự thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ ở trong Đảng và trong nhân dân. Hội nghị kêu gọi toàn thể đảng viên cán bộ của Đảng phải siết chặt hàng ngũ, tǎng cường đoàn kết, chung quanh Trung ương và Hồ Chủ tịch, đem tinh thần phấn đấu vì Đảng và vì nhân dân của mỗi đảng viên Đảng Lao động Việt Nam mà chấp hành Nghị quyết của Hội nghị. Trung ương tin tưởng rằng chúng ta nhất định thành công trong việc lãnh đạo nhân dân khắc phục những khó khǎn trước mắt, sửa chữa sai lầm, phát huy thắng lợi, hoàn thành tốt công tác cải cách ruộng đất.
 
Lưu tại kho Lưu trữ Trung ương Đảng
Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
================

Chỉ thị của Ban Bí thư số 53, ngày 12 tháng 11 năm 1956 sửa chữa sai lầm về công tác chỉnh đốn chi bộ nông thôn trong cải cách ruộng đất(*)

I- Tình hình chi bộ nông thôn hiện nay
Do những sai lầm và tổn thất nặng nề trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức nên tình hình chi bộ nông thôn hiện nay có nhiều rắc rối khó khǎn:
Về tư tưởng, sau khi học thư Hồ Chủ tịch và thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đảng viên nói chung tuy có tin tưởng một phần vào chính sách sửa chữa sai lầm của Đảng, nhưng tư tưởng chưa được giải quyết. Nhìn chung hiện tượng không thống nhất, thiếu đoàn kết nội bộ là phổ biến, nhiều nơi còn nghiêm trọng. Các đảng viên đương trông chờ chính sách sửa chữa sai lầm của Đảng và Chính phủ. Phần đông đảng viên mới hoang mang dao động, thậm chí nhiều đảng viên đã xin nghỉ công tác, muốn xin ra Đảng.
Về tổ chức, tuy nhiều nơi đã trả lại đảng tịch cho một số đảng viên bị xử trí oan nhưng còn nhiều đảng viên tốt, chi uỷ viên tốt chưa được trả lại đảng tịch và chưa được đưa vào cơ quan chỉ đạo. Trong chi bộ lại có một số ít phần tử xấu đã gây nhiều tổn thất cho Đảng và quần chúng trong cải cách ruộng đất. ở những nơi chi bộ cũ bị giải tán hoặc đǎng ký thì đến nay chi bộ cũng chưa được phục hồi, chi bộ mới quá non yếu, không đủ sức lãnh đạo phong trào.
Các ban chi uỷ tuy có một số tương đối có khả nǎng giữ vững phong trào nhưng nhìn chung đều rất non yếu. Trong chi uỷ đại đa số là đảng viên mới, nǎng lực quá kém, có những chi uỷ viên quá ít tuổi, thậm chí có cả phần tử xấu.
Tình hình rắc rối khó khǎn trên đây là những nguyên nhân cǎn bản làm cho sinh hoạt của chi bộ hiện nay rất lỏng lẻo, có những nơi chi bộ không sinh hoạt, bỏ công tác. Các chính sách của Đảng và Chính phủ đưa xuống xã không được chấp hành hoặc chấp hành một cách trầy trật, ít kết quả.
Lực lượng, uy tín và tác dụng lãnh đạo của Đảng ở nông thôn nói chung bị giảm sút, thậm chí có những nơi hầu như đã mất tác dụng.
Trước tình hình ấy, việc sửa chữa sai lầm về công tác chỉnh đốn chi bộ ở nông thôn đòi hỏi phải được tiến hành một cách khẩn trương, và nếu không sửa chữa sai lầm về công tác chỉnh đốn chi bộ thì không thể nào sửa chữa sai lầm toàn bộ về cải cách ruộng đất được.
II- Mục đích, yêu cầu và phương châm
Mục đích và yêu cầu:
1. Làm cho đảng viên nhận rõ kết quả và sai lầm của công tác chỉnh đốn chi bộ; nhận rõ những chính sách sửa
chữa sai lầm của Trung ương để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, đoàn kết nội bộ, phát huy tính tích cực của đảng viên, cùng nhau sửa chữa sai lầm cho tốt.
2. Khôi phục tổ chức, sinh hoạt và công tác của chi bộ, đẩy mạnh hoạt động của chi bộ.
3. Kiện toàn cơ quan lãnh đạo của chi bộ để có đủ khả nǎng đoàn kết, lãnh đạo đảng viên và quần chúng chấp hành mọi chính sách của Đảng và Chính phủ.
4. Khôi phục và nâng cao uy tín của chi bộ, cải thiện mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng.
Phương châm:
1. Coi trọng giáo dục và giải quyết tư tưởng, mở rộng dân chủ, thực hiện phê bình tự phê bình, chống quan liêu mệnh lệnh.
2. Trong khi tiến hành cần chống những khuynh hướng lệch lạc như:
- Ngại khó, làm qua loa tắc trách hoặc nóng vội, hấp tấp làm bừa.
- Muốn gạt hết những đảng viên mới ra ngoài, đề bạt và khôi phục đảng tịch một cách bừa bãi, không thận trọng. Đồng thời khắc phục tư tưởng bảo thủ không kiên quyết sửa chữa sai lầm.
3. Tiến hành có từng bước, có trọng điểm, có kế hoạch chu đáo, có lãnh đạo chặt chẽ, tránh làm tràn lan.
III- Nội dung công tác
Dựa theo mục đích, yêu cầu, phương châm và chính sách sửa chữa sai lầm về công tác chỉnh đốn chi bộ của Trung ương đã định, cần tiến hành những công tác chính sau đây.
1. Việc khôi phục chi bộ bị giải tán và đǎng ký
Việc này nhằm khôi phục lại uy tín và hoạt động của chi bộ cũ, động viên được các đảng viên ở chi bộ cũ trở lại hoạt động bình thường đồng thời phải làm cho chi bộ cũ và chi bộ mới thành một khối duy nhất, làm cho đảng viên cũ và mới từ nay trở đi hoà với nhau, đoàn kết với nhau để tiến hành các công tác của Đảng và Chính phủ.
Phải mở hội nghị chi bộ (gồm cả đảng viên cũ và mới) để tiến hành. Trước hết phải giúp hai ban chi uỷ (cũ và mới) chuẩn bị hội nghị. Những đảng viên xét rõ ràng là gián điệp, phản động (có chứng cớ xác đáng) hoặc thuộc thành phần cường hào gian ác, bị quần chúng oán ghét, hoặc thuộc thành phần địa chủ, phú nông không đủ tiêu chuẩn đảng viên thì không cho dự hội nghị này. Trong hội nghị này chi uỷ xã báo cáo chủ trương khôi phục chi bộ, thống nhất hai chi bộ làm một và chính sách đối với những đảng viên không đủ tiêu chuẩn khôi phục đảng tịch để hội nghị thảo luận. Trong hội nghị lại phải chú ý lãnh đạo tư tưởng đảng viên cho chu đáo để thực hiện thống nhất đoàn kết giữa các đảng viên trong chi bộ. Phải để cho đảng viên cũ và mới được phát biểu ý kiến đầy đủ.
Đối với các đảng viên cũ và mới, phải tỏ rõ thái độ của Đảng là coi trọng như nhau, chú trọng giáo dục, không phân biệt cũ mới. Đối với việc thống nhất hai chi bộ, phải giáo dục cho toàn thể cán bộ đảng viên thấy rằng không phải thống nhất trên hình thức mà chủ yếu là thống nhất tư tưởng và hành động. Các đảng viên đều phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau trong công tác.
Sau khi đã thống nhất chi bộ xong, phải giúp chi bộ tiến hành kiện toàn chi uỷ (theo chính sách của Trung ương), giúp chi bộ xét việc không công nhận, không khôi phục đảng tịch cho những đảng viên không đủ tiêu chuẩn (theo chính sách của Trung ương) và bàn kế hoạch công tác của chi bộ, v.v..
2. Việc trả lại đảng tịch cho những đảng viên bị xử trí sai
Những đảng viên bị xử trí trong cải cách ruộng đất đại bộ phận là bị xử trí sai, trong đó có nhiều đảng viên tốt.
Vì vậy phải kiên quyết trả lại đảng tịch cho những đảng viên bị xử trí sai đồng thời phải thận trọng, không trả lại đảng tịch cho những người không đủ tiêu chuẩn đảng viên (theo chính sách của Trung ương).
Muốn đạt được kết quả tốt thì trước hết phải tổ chức cho chi bộ học tập nắm vững chính sách rồi dựa hẳn vào chi bộ để thi hành.
Còn đối với những đảng viên mắc sai lầm trong cải cách ruộng đất hiện đang sinh hoạt, phải nắm vững phương châm kiên trì giáo dục, trừ những trường hợp thật cần thiết (như chính sách đã định) thì mới khai trừ hoặc không công nhận, hết sức thu hẹp diện xử trí. Nơi nào có người cần phải xử trí, chi bộ phải bàn bạc, cân nhắc kỹ, huyện uỷ phải điều tra xem xét lại cẩn thận trước khi chuẩn y.
Đối với những người không được trả lại đảng tịch và những người bị xử trí, phải chú trọng giáo dục kỹ, làm cho họ tự giác nhận rõ việc họ phải ra Đảng là đúng; cần tranh thủ cảm tình của họ đối với Đảng, tuỳ theo thái độ chính trị của mỗi người mà có thể để họ tham gia các tổ chức quần chúng của Đảng.
Ngoài việc xét đảng tịch cho những đảng viên bị xử trí sai trong chỉnh đốn chi bộ, phải chú ý xét đảng tịch cho những đảng viên bị địch bắt mà chưa được sinh hoạt (theo chính sách của Trung ương).
3. Việc kiện toàn chi uỷ
Việc này chủ yếu nhằm tǎng cường vai trò lãnh đạo của chi bộ xã. Phải đề bạt những đảng viên ưu tú nhất (không kể đảng viên cũ hay mới) có đủ điều kiện vào chi uỷ. Nhưng trong lúc tiến hành phải chú ý đề bạt đảng viên cũ và nhất là những chi uỷ viên cũ vào chi uỷ, đồng thời phải chú ý đến những chi uỷ viên mới được đề bạt trong cải cách ruộng đất mà vẫn được quần chúng và đảng viên tín nhiệm vào chi uỷ để củng cố đoàn kết giữa đảng viên cũ và mới. Tránh xu hướng cho những đảng viên mới được đề bạt trong cải cách ruộng đất là xấu cả rồi gạt hết ra khỏi chi uỷ.
Vì tính chất cấp bách của công tác sửa sai, cho nên nói chung trong việc sơ bộ kiện toàn chi uỷ, phải tạm thời dùng biện pháp chỉ định. Trước khi chỉ định, cũng phải lấy ý kiến đảng viên và sau khi đã chỉ định cũng phải tuyên bố rõ cho chi bộ biết: sau một thời gian ngắn tình hình đã tương đối ổn định thì sẽ tiến hành bầu cử chi uỷ một cách dân chủ. Những nơi có điều kiện bầu cử chi uỷ thì phải giáo dục cho chi bộ, đảng viên rõ chế độ dân chủ tập trung trong Đảng, phải hết sức mở rộng dân chủ, tránh gò ép, mệnh lệnh.
IV- Mấy vấn đề cần chú ý khi tiến hành
Việc sửa chữa sai lầm trong công tác chỉnh đốn chi bộ là một công tác rất khó khǎn và phức tạp; muốn làm được kết quả tốt, khi tiến hành phải chú ý mấy điểm sau đây:
1. Cần phải coi trọng việc lãnh đạo tư tưởng: Trước hết phải tổ chức cho các cấp uỷ và cán bộ nắm vững đường lối chính sách về việc sửa chữa sai lầm. Trong quá trình tiến hành, phải luôn luôn theo dõi để kịp thời uốn nắn những khuynh hướng lệch lạc của cán bộ.
Đối với đảng viên ở chi bộ xã, việc quan trọng nhất cũng là giáo dục giải quyết tư tưởng cho thật chu đáo. Phải tổ chức cho đảng viên nghiên cứu để thông suốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10, chú trọng kịp thời giải quyết tư tưởng cho cả đảng viên cũ và đảng viên mới.
2. Trong khi lãnh đạo việc sửa chữa, các cấp cần tổ chức việc chỉ đạo riêng, Tuỳ theo tình hình mỗi địa phương cấp uỷ cần chọn một vài nơi để lãnh đạo trực tiếp, nắm vững tình hình cụ thể, rút kinh nghiệm chỉ đạo cho các nơi khác. Đồng thời phải bố trí cán bộ đi kiểm tra các địa phương để nắm tình hình toàn diện đặng kịp thời chỉ đạo cho sát.
3. Việc sửa chữa sai lầm ở xã phải do chi bộ địa phương thật sự phụ trách, cán bộ cấp trên cử về chỉ có nhiệm vụ giúp đỡ, chống lối bao biện làm thay, choán quyền.
Trước hết cần giúp chi bộ học tập thông suốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10, rồi giúp chi bộ xét việc trả lại đảng tịch và xét việc kiện toàn chi uỷ xã, kiện toàn bộ máy chính quyền và các đoàn thể, và tiến hành sửa chữa toàn diện. Tuy nhiên đối với những việc cấp bách cần giải quyết trước thì phải giúp đỡ địa phương giải quyết ngay.
4. Việc xét duyệt đảng tịch cho đảng viên, việc khôi phục chi bộ và kiện toàn chi uỷ phải theo những thủ tục sau đây:
- Trả lại hoặc không công nhận đảng tịch của đảng viên thì do chi bộ xét, đề nghị huyện uỷ chuẩn y.
- Việc kiện toàn chi uỷ, khôi phục chi bộ do huyện uỷ xét, đề nghị, tỉnh uỷ chuẩn y.
Việc trả lại đảng tịch cho đảng viên, khôi phục lại chi bộ, công nhận chi uỷ mới phải có đại diện của tỉnh uỷ hoặc huyện uỷ đứng ra tuyên bố trước đảng viên; nội dung nói chuyện cần có tác dụng giáo dục, động viên thiết thực.
*
******
Việc sửa chữa sai lầm về công tác chỉnh đốn chi bộ là công tác quan trọng bậc nhất trong toàn bộ công tác sửa sai của cải cách ruộng đất. Các cấp cần nghiên cứu kỹ Chỉ thị này và đặt kế hoạch thi hành và phải cho cán bộ nghiên cứu kỹ trước khi xuống xã để làm cho được kết quả tốt.

Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
* Ban hành kèm theo Công vǎn số 682/VP-TW, ngày 12 tháng 11 nǎm 1956 (B.T). 

Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
==================
 
Văn kiện Đảng toàn tập
Tập 17 (1956)
Hà Nội, ngày 20/12/1956
NHIỆM VỤ CHUNG
Kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, phát huy những kết quả và thắng lợi đã thu được.
Trong lúc thực hiện nhiệm vụ đó, thì dựa trên đường lối chung của Đảng ở nông thôn, dựa trên tinh thần tin tưởng và truyền thống đoàn kết của Đảng ta và của nhân dân ta, thi hành đúng chính sách cụ thể sửa chữa sai lầm, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn gây tinh thần phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt công tác cải cách ruộng đất và trên cơ sở đó đẩy mạnh công cuộc củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam và đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà.
Kế hoạch sửa sai, có thể chia làm ba bước công tác như sau:
Bước 1:
Yêu cầu của bước 1 là:
- Tuyên truyền giáo dục chính sách sửa sai nhằm ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng để mọi người yên tâm và tham gia sửa sai theo kế hoạch, giữ vững trật tự an ninh.
- Bước đầu củng cố các cơ quan lãnh đạo chủ yếu ở xã.
- Giải quyết một số công việc cấp bách trước mắt có quan hệ trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Trong khi thực hiện những yêu cầu trên, cần bước đầu tìm hiểu tình hình để chuẩn bị cho công tác bước 2.
Nội dung công tác cụ thể của bước 1 là:
Công tác chính cần nắm vững trong bước 1 là: củng cố tổ chức, nhằm bước đầu kiện toàn các cơ quan lãnh đạo ở xã: chi uỷ, ủy ban hành chính, ban chấp hành nông hội, xã đội dân quân du kích, công an xã, chủ yếu là chi bộ.
Để làm tốt công tác nói trên, phải tuyên truyền, phổ biến trong Đảng và ngoài nhân dân Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 và Thông cáo của Hội đồng Chính phủ để ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng. Đi đôi với việc củng cố tổ chức, phải đồng thời làm mấy công tác như sau:
- Điều chỉnh diện tích, sản lượng để nhân dân phấn khởi, yên tâm sản xuất và hoàn thành việc thu thuế nǎm 1956.
- Lãnh đạo gặt mùa và làm chiêm, đề phòng và ngǎn ngừa việc tranh chấp ruộng đất hoa màu.
- Giúp đỡ những người đã được trả lại tự do có điều kiện sinh sống; tiếp tục trả lại tự do cho những người đủ điều kiện.
Ngoài mấy công tác trên, phải chú ý giải quyết những vấn đề cấp bách khác của địa phương để đảm bảo trật tự an ninh và đẩy mạnh sản xuất.
Những nơi có đồng bào công giáo thì phải chú ý bước đầu sửa chữa một số sai lầm xâm phạm đến tự do tín ngưỡng (sẽ có bản kế hoạch riêng cho những nơi có đồng bào công giáo).
Cách làm cụ thể như sau:
Về chỉnh đốn tổ chức:
1. Cán bộ ở trên phái về họp với chi uỷ nói rõ nhiệm vụ sửa sai, ổn định tư tưởng chi uỷ, bàn với chi uỷ nắm vững tình hình trong xã. Khi họp chi uỷ, chú ý mời các đồng chí chi uỷ đã bị xử trí sai trong chỉnh đốn tổ chức, nơi nào đã giảm tô thì mời cả các đồng chí chi uỷ trước khi giảm tô (chỉ trừ những người rõ là địa chủ, phú nông hay phản động thì không mời). Chú trọng nắm tình hình thắc mắc của đảng viên và quần chúng, tình hình xử trí đúng, sai trong cải cách ruộng đất, tình hình chung sau khi cải cách ruộng đất.
Sau đó, chi uỷ triệu tập hội nghị chi bộ.
2. Nội dung hội nghị chi bộ gồm:
a) Kiểm điểm tình hình, nói rõ trách nhiệm của chi bộ trong việc sửa sai.
b) Giải quyết mấy vấn đề về tổ chức (trả lại đảng tịch cho những đảng viên bị xử trí sai, bước đầu kiện toàn chi uỷ, uỷ ban hành chính xã...).
c) Bàn kế hoạch sửa sai trong xã.
Khi họp chi bộ, cần mời những đảng viên bị xử trí trong chỉnh đốn tổ chức tham dự, chỉ trừ những người rõ là địa chủ, phú nông, phản động, hoặc không đúng tiêu chuẩn được trả lại đảng tịch.
Tổ chức học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10, để các đảng viên thảo luận, liên hệ tình hình trong xã. Trong khi báo cáo, cần nói rõ quyết tâm của Đảng và Chính phủ làm cho mọi người nhận rõ chi bộ có trách nhiệm lãnh đạo việc sửa sai. Cần nhấn mạnh sự đoàn kết giữa cán bộ, đảng viên cũ và mới, nhấn mạnh thái độ của mỗi người là phải tích cực góp phần vào việc sửa chữa sai lầm. Sau khi phát hiện tình hình, nhận rõ trách nhiệm thì chi bộ sẽ thảo luận những chính sách cụ thể về sửa sai, trước hết là chính sách đối với những đảng viên bị xử trí sai.
Xét những đảng viên bị khai trừ trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Xét cả những trường hợp xử trí đúng và những trường hợp xử trí sai rồi bàn kế hoạch trả lại danh dự, đảng tịch cho những đảng viên bị xử trí sai và thảo luận vấn đề kiện toàn chi uỷ. Sau khi chi bộ thảo luận và biểu quyết thì đề nghị cấp trên duyệt: tỉnh uỷ duyệt chi uỷ, huyện uỷ duyệt các đảng viên được trả lại đảng tịch.
Sau khi thảo luận việc kiện toàn chi bộ, sẽ bàn việc kiện toàn uỷ ban hành chính xã, ban chấp hành nông hội, chi đoàn thanh niên lao động, xã đội dân quân, công an xã (chú ý lúc này chỉ nên bổ sung người vào các cơ quan lãnh đạo chính quyền và nông hội để tǎng cường lãnh đạo chứ chưa nên bầu lại).
Chú ý: Chi uỷ họp xong thì họp chi bộ ngay hay họp tổ trước là tuỳ theo tình hình chi bộ đó nhiều hay ít đảng viên, nhưng họp ở tổ chỉ có tính chất chuẩn bị cho hội nghị chi bộ.
c) Sau khi họp chi bộ thì chính quyền triệu tập hội nghị cán bộ toàn xã (gồm cả cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng).
Yêu cầu chủ yếu trong hội nghị này là:
- Ổn định tư tưởng, đoàn kết cán bộ xã, động viên mọi người tích cực tham gia vào việc sửa sai.
- Thảo luận các chính sách sửa sai.
- Thảo luận kế hoạch sửa sai cho toàn xã.
Về tuyên truyền giáo dục, ổn định tư tưởng:
Cǎn cứ vào tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 và bản Thông cáo của Chính phủ mà phổ biến sâu rộng trong và ngoài Đảng, làm cho mọi người nhận rõ Đảng và Chính phủ đã thấy những sai lầm và quyết tâm sửa sai.
Khi học tập, cần lãnh đạo chu đáo, mở rộng dân chủ làm cho ai nấy đều nhận rõ công tác cải cách ruộng đất ở địa phương đã thu được kết quả gì và đã phạm những sai lầm gì, và động viên mọi người tham gia sửa sai.
Nên tổ chức thǎm hỏi các gia đình cán bộ, bộ đội, các gia đình có công với cách mạng và kháng chiến trong cải cách ruộng đất đã bị truy bức hoặc bị đả kích.
Cán bộ cũ có uy tín với quần chúng địa phương nên thu xếp về địa phương nói chuyện thǎm hỏi đồng bào, động viên cán bộ cũ và mới đoàn kết và tích cực công tác.
Tổ chức cuộc họp các giới động viên khả nǎng của các tổ chức quần chúng tham gia sửa sai.
Về trả lại tự do:
Hoàn thành việc trả lại tự do cho tốt theo kế hoạch đã định. Đồng thời giải quyết một số vấn đề về chính trị như minh oan trước quần chúng, xoá bỏ tiếng phản động, liên quan, v.v. cho những người được trả lại tự do.
Về điều chỉnh diện tích và sản lượng:
Việc điều chỉnh diện tích và sản lượng là một yêu cầu của quảng đại quần chúng nông thôn, nếu làm được nhanh và tốt việc này sẽ tranh thủ được sự đồng tình của nhiều người, làm cho mọi người yên tâm sản xuất và thuận tiện cho việc thu thuế nǎm nay. Việc điều chỉnh diện tích và sản lượng nói chung cần làm trong bước 1, sau khi đã bước đầu kiện toàn tổ chức và tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng.
Tình hình sai lầm ở mỗi nơi có khác nhau, cho nên mức độ sửa chữa và thời gian thì tuỳ theo tình hình từng địa phương mà định cho thích hợp. Nơi nào sai nhiều thì sửa gấp, nơi sai ít thì sửa sau.
Cần phải củng cố ban thuế xã để đảm bảo tiến hành công tác. Khi điều chỉnh diện tích và sản lượng cần đối chiếu tài liệu cũ và mới, không nên làm qua loa, đại khái, tránh hạ đồng loạt, không đảm bảo được tính chất công bằng hợp lý của thuế nông nghiệp. Phải nghe ý kiến quần chúng, có lãnh đạo chặt chẽ.
Trong khi tiến hành bốn công tác trên phải nắm vững tình hình, giải quyết những vấn đề cấp bách để đảm bảo trật tự an ninh và đẩy mạnh sản xuất.
Thời gian của bước 1: từ 15 đến 20 ngày.
Bước 2:
Yêu cầu của bước 2 là: Trên cơ sở tuyên truyền và giáo dục chính sách cho quần chúng mà tiến hành sửa sai về thành phần, và đền bù tài sản cho những người bị quy sai, đồng thời sửa chữa những sai lầm về các chính sách khác mà trong cải cách ruộng đất đã làm sai.
Công tác cụ thể phải làm:
- Tiếp tục tuyên truyền rộng rãi chính sách sửa sai trong quần chúng.
- Họp các tổ nông hội để thảo luận kế hoạch sửa sai cụ thể trong xã. Trước hết cần thảo luận để nhận rõ mục đích việc sửa sai, nhận rõ phải đoàn kết để sửa sai, nội dung công tác sửa sai, và bàn cách sửa chữa thế nào cho tốt.
Phải hướng dẫn mọi người bàn cách giải quyết những trường hợp cụ thể về những người bị quy sai, không nên gò theo ý kiến cán bộ. Khi bàn cũng phải nêu cả hai mặt xác định xem cải cách ruộng đất đã thu được những thắng lợi gì; xử những ai sai ai đúng; vạch địa chủ nào là đúng, quy thành phần ai là sai; diện tích sản lượng chỗ nào đúng, chỗ nào sai; tịch thu, trưng thu, trưng mua của những người bị quy lầm là địa chủ như thế nào, v.v..
- Các tổ nông hội bàn xong thì báo cáo cho ban chấp hành nông hội xã. Việc thảo luận trong tổ nông hội nhằm giải quyết những xích mích và phát hiện vấn đề, còn cụ thể giải quyết thế nào, phải được chi uỷ duyệt rồi thông qua uỷ ban hành chính xã, ban chấp hành nông hội xã, rồi mới công bố thi hành.
- Đối với địa chủ cần họp riêng, cho họ học những chính sách đối với địa chủ sau cải cách ruộng đất, khuyên họ lao động cải tạo, chấp hành chính sách, tuân theo pháp luật, phục tùng nông hội.
- Nên tổ chức cho phú nông học riêng về chính sách đối với phú nông.
- Khi họp xóm thì cho phú nông, người có ít ruộng đất phát canh, địa chủ kháng chiến tham dự. Trong hội nghị xóm thì cần đưa những quyết định của chính quyền, của nông hội để nông dân thảo luận, tham gia ý kiến.
- Kết hợp với công tác sửa sai, phải chú ý củng cố nông hội, Đoàn Thanh niên Lao động và du kích, nhất là phải chú trọng công tác thanh niên. Sau khi họp chi bộ xong, cần có cuộc họp chi đoàn thanh niên, động viên thanh niên hǎng hái tham gia vào việc sửa sai.
- Trong khi sửa chữa về thành phần cần chú ý:
+ Nếu xác định là sai hẳn, thì xã quyết nghị, cấp tỉnh duyệt rồi mới được tuyên bố trước nhân dân.
+ Trước khi tuyên bố sửa thành phần cho người bị quy sai, cần phải gặp người ấy, giải thích cho họ hiểu rõ chính sách, an ủi họ và nói rõ thái độ của họ cần phải đoàn kết với nông dân.
+ Sai đến mức nào thì tuyên bố đến mức đó. Thí dụ người tốt mà bị bắt oan thì phải được minh oan trước quần chúng trong xóm, nói rõ quyền lợi họ được hưởng, trả lại danh dự cho họ. Người không tốt, cũng có tội nhưng tội nhẹ không đáng xử trí, thì cũng nói rõ họ có khuyết điểm, quần chúng tố đúng, nhưng xét không đáng xử, khuyên họ chịu khó làm ǎn, không thù oán nông dân. Khi sửa chữa thì phải xét mọi đề nghị của nhân dân. Việc gì xác minh là đúng thì tuyên bố là đúng, tuyên bố rõ ràng, giải quyết mà họ chưa thông thì chuyển đề nghị của họ lên cấp trên. Khi chuyển đơn của họ lên thì xã cũng báo cáo ý kiến của xã, tài liệu xã nắm được và kết luận của xã. Khi nào cấp trên đã có ý kiến giải quyết thế nào thì xã phải tuyên bố cho họ biết. Trong khi giải quyết vấn đề, phải kiên nhẫn giải thích cho quần chúng, vì tâm lý của những người bị quy sai rất sốt ruột, muốn làm nhanh.
Thời gian: Bước 2 khoảng một tháng.
Bước 3: Yêu cầu của bước 3 là: kiểm điểm công tác sửa sai và bàn tiếp tục giải quyết những vấn đề còn lại; nơi nào cần thiết thì bầu lại chi uỷ, bầu lại các cơ quan lãnh đạo, như uỷ ban hành chính và ban chấp hành nông hội...
Chú ý: Tuy chia làm ba bước và định nội dung công tác và thời gian cụ thể cho mỗi bước, nhưng không máy móc, gò bó vào thời gian. Nơi nào ít vấn đề, thì có thể rút ngắn thời gian hơn. Cách sắp xếp việc nào cần làm trước, việc nào làm sau trong từng bước cũng phải cǎn cứ vào tình hình cụ thể mỗi nơi mà quyết định.
PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH
Để tiến hành công tác sửa sai được tốt, phải làm cho cán bộ và nhân dân nhận rõ việc sửa chữa sai lầm hiện nay là nhằm đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, làm cho mọi người thấy rõ sai lầm mà sửa chữa. Vì vậy phải tuyên truyền, giáo dục chính sách cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, làm cho mọi người hiểu rõ trong cải cách ruộng đất đã có những thành tích gì và sai lầm gì và nay phải làm như thế nào để giữ vững thành quả của cải cách ruộng đất, phát huy thành tích sửa chữa sai lầm cho tốt. Muốn vậy phải phát huy dân chủ rộng rãi, để cán bộ và quần chúng phát hiện những sai lầm và theo đúng tinh thần chỉ thị của Trung ương và những chính sách cụ thể của Chính phủ mà tiến hành sửa sai.
Trong khi phát hiện sai lầm, không nên dùng danh từ "tố điêu" để trấn áp những nông dân lao động đã tố khổ, làm nhụt chí đấu tranh giai cấp của họ. Phải để cho những người ấy xác nhận những điều họ đã tố đúng; điều nào sai thì họ nói vì sao họ đã tố sai. Tuyệt đối không nên có thành kiến cho rằng ai tố khổ cũng là tố sai cả.
Kết hợp với công tác sửa sai, phải chú ý kiện toàn nông hội, chi đoàn thanh niên, xã đội du kích nhất là phải chú trọng công tác thanh niên. Sau khi họp chi bộ xong, cần có cuộc họp chi đoàn thanh niên và du kích xã động viên thanh niên và du kích hǎng hái tham gia vào việc sửa sai, đồng thời họp phụ nữ động viên chị em tham gia sửa sai, phân công các giới, đi an ủi các gia đình có người bị xử trí sai và đánh thông tư tưởng cho những người trước đã tố sai.
Trong khi tiến hành việc sửa chữa sai lầm, nếu rõ ràng có phần tử địch phá hoại thì dựa vào tinh thần Chỉ thị số 43 của Trung ương mà xử trí, nhưng việc xử trí nhất thiết phải theo đúng thủ tục pháp lý và tuyệt đối cấm truy bức nhục hình.
Phải nắm vững đường lối chung của Đảng ở nông thôn là dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông,liên hiệp phú nông, ngǎn ngừa địa chủ ngóc đầu dậy, mở đường cho địa chủ lao động cải tạo thành con người mới.
Không được xem nhẹ việc dựa vào bần cố nông, vì trong cải cách ruộng đất cũng như trong sửa sai, bần cố nông vẫn là chỗ dựa vững chắc của ta. Bất kể trong tình hình nào cũng không được đả kích tầng lớp bần cố nông. Ngay đối với một số bần cố nông có tố sai, cũng không nên thành kiến và đả kích họ, mà cần nhớ rằng phần nhiều do tác phong quan liêu, mệnh lệnh của các đội công tác cải cách ruộng đất trước đây, nên bần cố nông đã bị gò ép, mà có người đã tố sai. Phải thực hiện khẩu hiệu "bần cố trung nông một nhà", phát huy tinh thần thương yêu giai cấp giữa trung nông và bần cố nông. Cần khuyên bảo những người trung nông bị quy sai thành phần hay bị xử trí sai không nên đối lập với bần cố nông. Còn đối với phú nông, địa chủ thì theo đúng tinh thần chính sách mới của Chính phủ đã quy định mà đối đãi với họ cho đúng mức; không nên để cho địa chủ phú nông lên mặt với nông dân lao động.
Phải lãnh đạo tư tưởng chặt chẽ, khắc phục tư tưởng bảo thủ sợ khó, sợ khổ, bi quan, cầu toàn, trả thù. Phải có nhiệt tình với đảng viên mới và đảng viên cũ, không thành kiến, phải kiên trì giáo dục thuyết phục.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Việc sửa chữa sai lầm là do các cấp đảng và chính quyền phụ trách, chủ yếu là do chi bộ và chính quyền xã trực tiếp lãnh đạo thực hiện. Song, tỉnh và huyện phải có cán bộ về giúp chi bộ. Phải động viên lực lượng các ngành, các giới cùng tham gia sửa chữa sai lầm. Cần tập trung lực lượng cán bộ và giải quyết tư tưởng của cán bộ cho tốt trước khi phái đi giúp địa phương sửa sai. Cán bộ cấp trên phái về giúp chi bộ chỉ có trách nhiệm góp ý kiến, hướng dẫn và giúp đỡ chi bộ nắm vững chính sách và kế hoạch sửa sai của Trung ương chứ không có quyền quyết định hoặc mệnh lệnh làm thay. Tuỳ theo tình hình từng địa phương mà tỉnh uỷ có kế hoạch phái cán bộ về giúp xã nhưng mỗi xã không nên nhiều quá ba người. Gặp những vấn đề mà giữa chi bộ và cán bộ do cấp trên phái về giúp không thống nhất ý kiến thì phải báo cáo và xin chỉ thị huyện uỷ. Nếu huyện giải quyết mà cán bộ về giúp xã sửa sai không đồng ý thì cán bộ về giúp xã có thể xin ý kiến tỉnh uỷ và yêu cầu tỉnh uỷ giải quyết. Trong khi chờ đợi tỉnh uỷ giải quyết, cán bộ về giúp xã sửa sai vẫn phải chấp hành đúng ý kiến của huyện uỷ.
Cán bộ đi tham gia sửa sai có thể lấy ở các cơ quan, cán bộ bộ đội và những cán bộ CCRĐ đã được huấn luyện lại và chọn lọc kỹ. Song cần lựa chọn những cán bộ khá nắm vững chính sách, tư tưởng thông suốt. Cán bộ xuống giúp xã phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, tôn trọng chi bộ và các tổ chức ở xã, phải tham gia sinh hoạt chi bộ và được tham dự các cuộc họp của chi uỷ. Cán bộ đi sửa sai phải học tập những tài liệu chính như sau:
a) Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (phần sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức) và Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác sửa chữa sai lầm.
b) Các chính sách cụ thể của Chính phủ về sửa chữa sai lầm đã đǎng trên báo Nhân dân.
c) Điều lệ vạch thành phần giai cấp ở nông thôn, Luật CCRĐ. Cán bộ và địa phương phải đi sâu, đi sát với đảng viên và quần chúng, hoà mình với quần chúng, giúp đỡ quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, bàn bạc với quần chúng để giải quyết mọi công tác. Cán bộ về xã phải có nhiệt tình với đảng viên và cán bộ, kể cả cũ và mới, phải tiếp xúc rộng rãi với quần chúng, gặp gỡ các tầng lớp, tuyệt đối chớ bao biện.
2. Mức độ sai lầm ở mỗi nơi không giống nhau. Vì vậy việc sửa sai phải làm toàn diện, nhưng phải chú ý trước tiên đến những nơi sai nhiều và những nơi quan trọng như vùng đông đồng bào công giáo, ven viền ngoại ô các thành thị, vùng giới tuyến, cạnh đường giao thông lớn. Ngoài ra cần chú ý những nơi có nhiều cán bộ và đảng viên cũ, nơi có cơ sở cách mạng cũ.
3. Để lãnh đạo được chặt chẽ, Trung ương, khu và tỉnh cần phải chỉ đạo một số xã trước để lấy kinh nghiệm lãnh đạo chung. Việc chỉ đạo riêng nên chú ý chọn một số xã có tính chất điển hình về nhiều mặt để rút kinh nghiệm được toàn diện hơn. Cần chọn cán bộ khá tham gia chỉ đạo riêng. Lúc chỉ đạo rộng thì tỉnh uỷ cần nắm vài ba xã làm trọng điểm. Tỉnh uỷ cần trực tiếp chỉ đạo công tác ở những xã đó, tự mình rút kinh nghiệm để kịp thời phổ biến đi các nơi.
4. Chấp hành đúng chế độ báo cáo và xin chỉ thị. Báo cáo phải kịp thời và thường xuyên. Gặp những vấn đề đặc biệt, cần cử người trực tiếp về báo cáo, những vấn đề chưa có chính sách thì phải đề nghị chính sách cụ thể xin Trung ương phê chuẩn, quyết định rồi mới được thi hành.
Tỉnh và huyện phải phân công các đồng chí trong cấp uỷ nắm chắc tình hình các xã. Thời gian báo cáo từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh do địa phương quyết định.
Tỉnh nǎm ngày một lần phải báo cáo lên khu (đồng gửi Trung ương ).
Khu nǎm ngày một lần phải báo cáo lên Trung ương bằng công vǎn hay bằng điện.
Cần tǎng cường kiểm tra để kịp phát hiện vấn đề, giúp cho lãnh đạo kịp thời uốn nắn những lệch lạc.
5. Tỉnh nào đã có uỷ ban CCRĐ tỉnh rồi, phải kiện toàn uỷ ban đó để cho nó có đủ sức giúp tỉnh lãnh đạo sửa sai. Tỉnh nào chưa thành lập uỷ ban CCRĐ thì phải thành lập ngay.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phạm Văn Đồng

==========================
 
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH CÔNG TÁC SỬA CHỮA SAI LẦM
VỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ CHỈNH ĐỐN TỔ CHỨC
(Do ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính, Phủ Thủ tướng trình bày tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội)1

Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong khóa họp thứ 6 của Quốc hội, chúng tôi đã trình bày bản báo cáo của Chính phủ về công tác cải cách ruộng đất chỉnh đốn tổ chức và về công tác sửa sai. Quốc hội đã thảo luận, xác nhận thành tích căn bản của cải cách ruộng đất và đã nghiêm khắc phê phán những sai lầm nghiêm trọng của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Đồng thời, Quốc hội đã thông qua nhiệm vụ, đường lối, phương châm chính sách và kế hoạch chung, để sửa chữa sai lầm, phát huy thắng lợi.
Trong khoảng thời gian 9 tháng vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, các cấp và các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tập trung lực lượng tiến hành công tác sửa sai một cách kiên quyết và toàn diện. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã trực tiếp tham gia công tác sửa sai, hoặc đã góp ý kiến với Chính phủ xây dựng chính sách và lãnh đạo công tác sửa sai.
Đến nay công tác sửa sai ở nhiều địa phương đã căn bản hoàn thành, ở những địa phương khác tuy chưa kết thúc. Song nhìn chung có thể nói rằng công tác sửa sai về căn bản đã đạt được yêu cầu đã đề ra, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết.
Dưới đây, chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội về tình hình và kết quả công tác sửa sai, những vấn đề tồn tại và những công tác trước mắt của nông thôn hiện nay.
I. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC SỬA SAI
Tháng 9 năm ngoái, khi Đảng và Chính phủ mới phát hiện sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, tình hình ở nông thôn không được ổn định. Những người bị quy sai thành phần hoặc bị xử trí sai trong cải cách ruộng đất có dịp nói lên những điều oan ức của mình. Một số ít người vì quá uất ức, đã có những hành động trái với chính sách và pháp luật của Chính phủ, như đánh đập những người đã tố sai hoặc tự ý đi đòi lại tài sản, tranh chấp với những người được chia. Anh chị em nông dân lao động, nhất là bần cố nông được chia ruộng đất, trâu bò, nhà cửa, vì bị dư luận đả kích sinh ra hoang mang, lo lắng, không yên tâm sản xuất. Một số người đã bán chạy hoặc phá hủy những tài sản được chia. Tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở nông thôn tỏ ra kém hiệu lực, nhiều nơi hầu như tê liệt, không hoạt động. Trong cán bộ, đảng viên ở nông thôn, giữa những người bị xử trí sai với những người đã tố sai có thành kiến với nhau khá sâu sắc; đoàn kết nông thôn giảm sút rõ rệt.
Lợi dụng tình hình nông thôn không ổn định, một số phần tử địa chủ ngoan cố và bọn lưu manh, côn đồ đã trỗi dậy, có những hành động khiêu khích trả thù, đánh đập cốt cán bần cố nông, hòng xóa tội lỗi của chúng. Ở một số vùng có nhiều đồng bào công giáo, bọn phản động đội lốt tôn giáo có âm mưu phá hoại, ra sức hoạt động nhằm xóa bỏ thành quả của cải cách ruộng đất và ngăn cản việc sửa sai. Có nơi chúng lợi dụng nhân quyền giáo lý để mê hoặc quần chúng, buộc nông dân công giáo phải trả lại ruộng đất, nộp tô và trả lại những của đấu tranh được. Trắng trợn hơn nữa, có nơi bọn phản động đã thúc đẩy một số người trong quần chúng công giáo gây rối loạn ở nông thôn, chống lại chính quyền nhân dân (Quỳnh Yên), hoặc gây ra những cuộc xung đột giáo lương (Diễn Bích, Diễn Vạn ở tỉnh Nghệ An)
Trong tình hình không ổn định nói trên, một số người đã không nhận rõ đúng sai, nhận xét thiếu khách quan và toàn diện chỉ thấy sai lầm mà không thấy thành quả của cải cách ruộng đất, ý thức giai cấp bị lu mờ, cảnh giác bị tê liệt, tinh thần đấu tranh bị giảm sút. Vì chỗ sơ hở ấy, những tư tưởng xấu và lạc hậu được dịp nẩy nở thêm, những đồi phong bại tục được dịp phục hồi, bọn phá hoại và những phần tử xấu được dịp gây cho ta thêm khó khăn.
Từ tháng 9-1956, Chính phủ quyết định trả lại tự do cho những người bị giam giữ oan trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Đến tháng 11-1956, sau khi có chính sách và kế hoạch cụ thể thì công tác sửa sai mới được coi là công tác trung tâm đột xuất và tiến hành một cách toàn diện. Diện sửa sai bao gồm 3.653 xã thuộc các miền đồng bằng, trung du, miền biển đã trải qua cải cách ruộng đất và các vùng miền núi đã qua giảm tô.
Sau khi Đảng và Chính phủ đề ra chính sách và kế hoạch sửa sai và tổ chức học tập trong toàn Đảng, toàn dân, tình hình nông thôn bắt đầu có chiều hướng ổn định. Những sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức dần dần được sửa chữa, thành quả của cải cách ruộng đất được giữ vững và phát huy, ranh giới giữa nông dân với địa chủ rõ rệt hơn; âm mưu thâm độc của bọn phản động và những hành động khiêu khích, phá hoại của những phần tử xấu ở nông thôn dần dần bị bộc lộ và bị đập tan trước sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Tuy nhiên, có nơi chúng còn đang ngấm ngầm hoạt động phá hoại. Nhân dân cần phải cảnh giác và giúp đỡ cơ quan chính quyền kịp thời trấn áp chúng.
Hiện nay, nhiều nơi đã căn bản hoàn thành công tác sửa sai. Các tỉnh miền núi đã qua giảm tô như Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Thái Nguyên, rồi đến khu Hồng Quảng2, khu vực Vĩnh Linh3, các vùng ngoại thành Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Đông, Sơn Tây đã làm xong. Từ nay đến hết tháng 9, phần lớn các tỉnh còn lại có thể sẽ kết thúc công tác sửa sai; riêng vài tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ kết thúc chậm hơn.
Nhìn chung, công tác sửa sai ở các địa phương tiến hành không đều và kéo dài thời gian. Sở dĩ có tình trạng đó là vì công tác sửa sai có nhiều khó khăn phức tạp, mức độ sai lầm chính sách đã được bổ sung dần dần, song có nhiều chính sách cụ thể bổ sung hơi chậm. Mặt khác, trong thời gian qua, có nhiều công tác quan trọng và cấp bách phải làm như chống hạn, phòng lụt để đảm bảo sản xuất, thu thuế nông nghiệp, v.v. cho nên có lúc đã phải tạm hoãn công tác sửa sai để tiến hành các công tác đó, làm cho thời gian bị kéo dài thêm.
Dưới đây, chúng tôi xin báo cáo về kết quả cụ thể của từng mặt công tác sửa sai.
1. Trả lại tự do cho những người bị xử trí sai trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.
Tháng 9-1956, sau khi kiểm điểm công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định trả lại tự do cho những cán bộ, nhân viên và những đồng bào không có tội nhưng bị quy sai là phản động, bị giam giữ hoặc bị quản chế, bao vây ở nông thôn. Đó là một biện pháp quan trọng và gấp rút để bước đầu sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, giảm bớt tình trạng căng thẳng, bước đầu ổn định tình hình nông thôn.
Việc trả lại tự do nói chung làm được kịp thời và có kết quả tốt, được tiến hành từng bước một cách thận trọng, chắc chắn, theo đúng nguyên tắc thủ tục pháp lý của Nhà nước và có sự chuẩn bị về tư tưởng cho những người được trả lại tự do cũng như cho quần chúng ở địa phương. Tính đến nay, có 23.748 người đã được ra khỏi trại giam, phần lớn là những người không có tội, cũng có một số có tội không lớn được hưởng khoan hồng, được phóng thích. Nhiều người được xóa án quản chế ở nông thôn.
Phần đông những người được trả lại tự do, tư tưởng được thông suốt, đã gây được tác dụng tốt trong quần chúng, góp phần làm dịu tình hình. Nhiều cán bộ bị xử trí sai, sau khi được giao lại công tác, mặc dầu đời sống túng thiếu, khó khăn, sức khỏe giảm sút, nhưng đã tích cực tham gia sửa sai, góp phần củng cố đoàn kết nội bộ, củng cố sự lãnh đạo của Đảng và của chính quyền ở nông thôn. Cá biệt có những người vì tư tưởng chưa thông, cho nên về địa phương đã gây ra những chuyện báo thù đáng tiếc.
Tuy nhiên ở một số nơi, việc trả lại tự do đã có những thiếu sót, lệch lạc.
- Lúc đầu, có thiên hướng vội vàng, thiếu thận trọng, chưa nắm vững tiêu chuẩn những người đáng được trả lại tự do trong từng bước, thiếu điều tra chu đáo, quá tin vào lời khai của người bị giam giữ, cho nên có nơi đã đưa ra khỏi trại giam hàng loạt, tha lầm cả một số phần tử phản động có tội ác. Do đó, có những tên phản động được tha về đã tìm cách phá hoại sửa sai, phá rối trật tự trị an ở nông thôn. Qua việc kiểm tra tình hình ở một vài nơi thì những phần tử phản động có tội ác đã tha lầm chiếm tỷ lệ trên 2% tổng số người được trả lại tự do, có nơi đến 4% (Vĩnh Linh).
- Việc thi hành thủ tục pháp lý còn thiếu sót, nhất là ở cấp xã, không phân biệt những người không có tội được trả lại tự do với những người có tội ít nhiều được khoan hồng, được phóng thích. Do đó, quần chúng hoài nghi, hoang mang, không phân rõ sai và đúng, không phân biệt ranh giới giữa ta và địch.
Những thiếu sót, lệch lạc kể trên đang được tiếp tục uốn nắn, sửa chữa.
2. Kiện toàn các tổ chức cấp xã, huyện, tỉnh:
Trên cơ sở học tập thông suốt phương châm chính sách của Đảng và Chính phủ về sửa sai và củng cố đoàn kết nội bộ, các tổ chức Đảng, Chính, Dân các cấp xã, huyện, tỉnh đã dần dần được kiện toàn, nhờ đó đã tăng thêm khả năng và hiệu lực lãnh đạo.
Ở nhiều xã, chất lượng của các tổ chức được tăng thêm sinh hoạt và công tác bắt đầu có nền nếp hơn trước. Theo sự điều tra sơ bộ của Bộ Nội vụ ở một số địa phương thì tình hình Ủy ban hành chính xã sau khi được kiện toàn có thể phân loại như sau:
Khu III: Trong 726 xã, có 246 xã khá (33%), 316 xã trung bình (44%) và 164 xã kém (23%).
Tỉnh Quảng Bình: Trong 131 xã, có 41 xã khá (31%) 66 xã trung bình (50%) và 24 xã kém (11%).
Vĩnh Linh: Trong 22 xã có 5 xã khá (23%), 12 xã trung bình (54%) và 5 xã kém (23%).
Ở cấp huyện và cấp tỉnh, kể cả những nơi đã trải qua chỉnh đốn tổ chức, việc kiện toàn các cơ quan lãnh đạo của chính quyền đã đạt được kết quả tốt. Nhiều cán bộ tốt bị xử trí sai đã được trở lại công tác cũ; đồng thời, một số cán bộ khác đã được đề bạt và bổ sung; nhờ đó việc chỉ đạo về sửa sai và về các mặt công tác khác được tăng cường hơn.
Việc kiện toàn tổ chức của Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng từ cấp tỉnh đến cấp xã đã tăng cường được vai trò của chính quyền chuyên chính dân chủ nhân dân, giữ vững được trật tự trị an, trấn áp được bọn phản động và bọn địa chủ ngoan cố có những hành động phá hoại. Đối với nhân dân chính quyền nói chung đã giải quyết được ổn thỏa các vụ tranh chấp tài sản, hoa mầu, ngăn chặn được một số vụ xung đột, đã động viên, giáo dục quần chúng tham gia sửa sai, đồng thời đã vận động quần chúng tham gia đắp đê chống lụt, chống bão, đẩy mạnh sản xuất, đóng thuế nông nghiệp và bán nông sản cho nhà nước.
Tuy nhiên, việc kiện toàn tổ chức cũng còn thiếu sót: lẻ tẻ ở nhiều xã, có tình trạng trả lại chức vụ cho một số cán bộ đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng, hoặc những cán bộ thành phần địa chủ, phú nông được quần chúng tín nhiệm. Có nơi vì thành kiến với những cán bộ mới được đào tạo trong cải cách ruộng đất, cho nên đã gạt quá nhiều cán bộ mới, nhất là những cốt cán phụ nữ, ra khỏi các cơ quan lãnh đạo ở xã, mặc dù họ không phạm sai lầm nghiêm trọng. Có nơi chưa quán triệt đường lối nông thôn trong việc kiện toàn các tổ chức chủ yếu ở xã, cho nên có những Ủy ban hành chính và Ban chấp hành nông hội xã không được đảm bảo đúng tỷ lệ 2/3 là bần cố nông và 1/3 là trung nông (ví dụ 1/2 là bần cố nông, 1/2 là trung nông).
Những thiếu sót đó cần được khắc phục để tránh những trở ngại về sau trong việc cải tạo nông thôn theo chủ nghĩa xã hội.
Một hiện tượng khá phổ biến đáng chú ý hiện nay là tư tưởng cán bộ xã chưa thật ổn định, đoàn kết nội bộ chưa chặt chẽ, tinh thần công tác thiếu phấn khởi.
Một số khá đông cán bộ tỏ ra mệt mỏi, có ý định xong sửa sai sẽ xin nghỉ công tác, một số vì gia đình neo túng, cũng muốn nghỉ việc để giải quyết đời sống. Một số cán bộ mới, trước khối lượng công việc quá nhiều, bi quan với khả năng của mình, lo không làm nổi, sợ làm sai sẽ bị xử trí, bị nhân dân đả kích. Một số cán bộ cũ trước bị xử trí sai còn thắc mắc về việc đền bù tài sản và đãi ngộ vật chất. Trong cán bộ, giữa một số người bị xử trí sai và người đấu tố sai, nhất là giữa những cán bộ cũ, vẫn còn thành kiến với nhau.
Tình hình tư tưởng trên đây là do nhiều mặt: những sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã được căn bản giải quyết nhưng không thể giải quyết triệt để và thỏa mãn hoàn toàn mọi người được; trong công tác sửa sai, còn tồn tại một số vấn đề về chính sách đang gây ra thắc mắc, tư tưởng của cán bộ đảng viên chưa được nâng cao, chưa nhận rõ tình hình thực tế một cách khách quan và toàn diện, chưa thống nhất được yêu cầu và khả năng, chưa chuyển kịp với nhiệm vụ của giai đoạn mới. Nguyên nhân về tư tưởng sau này là vấn đề chủ yếu nhất. Cho nên đi đôi với việc Đảng và Chính phủ tiếp tục giải quyết những vấn đề về chính sách có thể giải quyết, cần tăng cường giáo dục, nâng cao giác ngộ của cán bộ đảng viên, đoàn kết chặt chẽ mọi người hơn nữa để cùng nhau khắc phục các khó khăn còn lại, ra sức thực hiện nhiệm vụ mới.
3. Sửa thành phần và đền bù tài sản:
Sửa thành phần và đền bù tài sản là công tác mấu chốt, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ công tác sửa sai. Đó lại là một công tác khó khăn phức tạp, vì nó liên quan đến quyền lợi của mọi tầng lớp ở nông thôn, đòi hỏi mọi người phải đoàn kết nhân nhượng với nhau thì mới giải quyết tốt được.
Việc sửa thành phần nhằm sửa cho những nông dân lao động hoặc những người thuộc các thành phần khác trong cải cách ruộng đất bị quy lầm là địa chủ, phú nông. Nhưng trong dịp này một số địa chủ, phú nông muốn lẩn trốn thành phần, đã lôi kéo họ hàng, bà con để hạ thành phần cho mình, gây nên tình trạng sửa đúng thành sai.
Một số người được chia và lo phải trả lại tài sản, cho nên tư tưởng bảo thủ, không muốn sửa thành phần cho người bị quy sai.
Một số khá đông người khác không được chia và cũng không bị quy sai, thường có thái độ bàng quan, hoặc sợ thù oán mà không kiên quyết bảo vệ chân lý.
Về đền bù tài sản thì có tình trạng:
Những người bị quy sai muốn được đền bù đầy đủ những tài sản đã bị tịch thu hoặc trưng mua trong cải cách ruộng đất. Có người tự ý đi đòi lại tài sản của mình, gây chuyện tranh chấp tài sản, hoa màu với những người được chia.
Những người được chia thì có người vui lòng trả lại một phần tài sản cho người bị quy sai, song cũng có người không muốn đền bù cho người bị quy sai theo đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, hoặc chỉ trả lại những ruộng xấu, ruộng xa.
Trước tình hình phức tạp đó, Đảng và Chính phủ đã đề ra yêu cầu của việc sửa thành phần và đền bù tài sản là:
- Phân rõ ranh giới giữa nông dân và địa chủ;
- Ổn định quyền sở hữu ruộng đất và củng cố vai trò làm chủ nông thôn của nông dân lao động.
- Tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết nông thôn, đẩy mạnh sản xuất;
- Chấp hành đúng đường lối nông thôn của Đảng và của Nhà nước, phát động tư tưởng quần chúng sửa sai theo đúng chính sách.
Để đạt yêu cầu đó, Đảng và Chính phủ đã đề ra phương châm chính sách như sau:
- Trong việc sửa thành phần, không để một người nào bị quy sai là địa chủ, nhưng cũng không để cho một địa chủ lọt vào hàng ngũ nông dân lao động.
- Trong việc đền bù tài sản, phải:
+ Đảm bảo quyền lợi của nông dân lao động (kể cả người bị quy sai và người được chia), đồng thời chiếu cố thích đáng đến quyền lợi của các tầng lớp khác nhằm tăng cường đoàn kết nông thôn, đoàn kết bần cố trung nông.
+ Đền bù cho những người bị quy sai có đủ điều kiện làm ăn sinh sống, đồng thời phải chú ý đảm bảo quyền lợi của người được chia, làm cho mọi người nhận rõ Đảng và Chính phủ quan tâm đến đời sống của họ, do đó mà củng cố lòng tin tưởng của họ, để họ yên tâm sản xuất.
+ Đền bù tài sản cho người bị quy sai phải dựa vào sự thương lượng, bàn bạc và nhân nhượng của nông dân lao động là chính, ngoài ra Chính phủ giúp đỡ đền bù một phần đối với những trung nông và những người lao động khác bị quy sai để họ đỡ bị thiệt thòi quá nhiều.
- Căn cứ vào phương châm chính sách kể trên, các địa phương đã giáo dục sâu rộng trong Đảng và trong quần chúng, nhằm củng cố lập trường giai cấp nâng cao tinh thần đoàn kết hữu ái, bảo thủ, bao che, muốn sửa tràn lan, muốn đền bù sòng phẳng, hoặc không muốn đền bù…
Trên cơ sở củng cố lập trường và nâng cao tư tưởng của cán bộ và quần chúng, việc sửa thành phần và đền bù tài sản đã được tiến hành và nói chung đã đạt được kết quả tốt.
Về sửa thành phần:
Theo báo cáo của các khu và các tỉnh đã sửa xong thành phần thì trong số 2.033 xã có 63.113 hộ trong cải cách ruộng đất đã bị quy là địa chủ, nay sửa cho 31.844 hộ (tỷ lệ 50,4%). Những người bị quy sai này được sửa lại thành phần phần lớn thuộc tầng lớp trung nông. Số đúng là địa chủ có 31.269 hộ, chiếm tỷ lệ 2,2% tổng số hộ ở nông thôn.
Về địa chủ cường hào gian ác, trong cải cách ruộng đất đã quy 14.908 người, nay đã sửa lại còn 3.932 người.
Về địa chủ kháng chiến, trong cải cách ruộng đất chỉ có 461, nay là 2.696 người.
Qua kiểm tra tình hình ở một số xã thuộc Liên khu 3, Liên khu 4 và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương thì việc sửa thành phần căn bản là đúng và đại bộ phận những người bị quy sai đều đã được sửa lại. Tuy nhiên, có những trường hợp có người bị quy sai chưa được sửa, hoặc có người là địa chủ lại hạ lầm xuống trung nông hoặc phú nông. Phần nhiều đó là những trường hợp nhập nhằng, có những khó khăn trong việc vận dụng tiêu chuẩn chính sách, trong việc tính lao động chính, tính công bóc lột, tính vợ lẽ, con nuôi… Cá biệt cũng có trường hợp có người rõ ràng đúng là địa chủ nhưng vì anh em họ hàng bao che mà sửa lầm thành phần, hoặc có người không phải địa chủ, song vì một số cán bộ có tư tưởng bảo thủ, ngại khó cho nên không sửa thành phần cho họ.
Về đền bù tài sản:
Việc đền bù tài sản là một vấn đề rất khó khăn phức tạp. ruộng đất, tài sản của những người bị quy sai trong cải cách ruộng đất đã đem chia cho nông dân lao động; các tài sản đó có thứ vẫn còn trong tay người được chia, có thứ đã bị tiêu dùng hết, có thứ đã bị chuyển dịch sang tay người khác.
Do đó không thể giải quyết đơn giản bằng cách rút lại tất cả những thứ tài sản đó để trả lại cho người bị quy sai. Cũng không thể nhất loạt đem chia lại ruộng đất, vì như thế sẽ gây ra xáo trộn lúng túng, động chạm đến quyền lợi của số đông quần chúng nông dân lao động, ảnh hưởng không tốt đến việc củng cố khối Liên minh công nông. Vì thế, việc đền bù tài sản phải tiến hành trên cơ sở thương lượng, điều chỉnh quyền lợi giữa những người được chia và người bị quy sai, giải quyết thích đáng quyền lợi và điều kiện làm ăn sinh sống của cả hai bên.
Do việc giáo dục trong cán bộ và đảng viên, do việc vận động sâu rộng trong quần chúng, cho nên những nơi đã đền bù tài sản nói chung đã thực hiện đúng chính sách của Đảng và Chính phủ. kết hợp với việc đền bù tài sản cho những người bị quy sai, nhiều nơi đã thi hành chính sách ưu đãi đối với thương binh, quân nhân cách mạng và gia đình liệt sĩ.
Theo tài liệu thống kê trong 421 xã của các tỉnh thì có 4.777 hộ bị quy sai, được đền bù tài sản. Trong cải cách ruộng đất đã tịch thu, trưng thu và trưng mua của họ 18.856 mẫu 5 sào 10 thước ruộng đất, 5.048 trâu bò và 3.772 nhà cửa. Nay sửa sai đã đền bù cho họ 3. 857 mẫu, 3 thước, cộng với 4.742 mẫu 9 sào 6 thước trong cải cách ruộng đất đã để lại cho họ, như vậy các hộ nói trên hiện có 8.599 mẫu 9 sào 9 thước; số còn thiếu của họ là 10.256 mẫu 6 sào 01 thước.
Về trâu bò, đã đền bù được 1.708 con, còn thiếu 3.340 con.
Về nhà cửa, đã trả lại nhà cũ cho 2.263 hộ, ngoài ra có 975 hộ được trả lại nhà cũ, nhưng lại vui lòng nhường lại một phần cho bần cố nông thiếu nhà ở.
Đối với số ruộng đất và trâu bò còn thiếu của những người là trung nông bị quy sai, Chính phủ đã quyết định sẽ trích ngân sách nhà nước giúp đỡ đền bù một phần để họ đỡ bị thiệt thòi quá đáng; số Chính phủ giúp đền bù sẽ được trả dần trong thời hạn 5 năm.
Trong việc đền bù tài sản, đồng bào nông dân lao động đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, thương yêu giai cấp rất đáng quý. Nhiều người nhận rõ những khó khăn của việc đền bù tài sản, nghĩ rằng “của đã đổ, bốc không đầy”, đã vui lòng chịu thiệt một phần, không đòi đền bù đầy đủ. Có được trả lại ruộng đất, nhà cửa, nhưng vì có đủ nhà ở và tương đối đủ ruộng làm, đã tự nguyện nhường lại cho anh em bần cố nông thiếu nhà, thiếu ruộng. Có những đồng bào trung nông không được chia, nhưng thông cảm với khó khăn của việc sửa sai, đã vui vẻ giúp một phần tiền của để đền bù cho những người bị quy sai. Những cử chỉ cao quý đó về tình đoàn kết, thương yêu giai cấp rất đáng được biểu dương. Tuy nhiên, trong việc đền bù tài sản, bên cạnh những kết quả và ưu điểm nói trên, vẫn có những thiếu sót, lệch lạc:
- Có nơi không đi đúng đường lối quần chúng, cán bộ không chịu khó đi sâu giáo dục, vận động quần chúng, cho rằng đối với người bị quy sai thì trả lại cho họ được bao nhiêu hay bấy nhiêu cho nên đền bù toàn ruộng xấu, ruộng xa và dùng mệnh lệnh ép buộc họ phải nhận; có nơi không trả lại một phần ruộng nguyên canh và không trả lại ruộng hương hỏa cho người bị quy sai vì thiếu cố gắng giải quyết hoặc có khi vì thực tế có nhiều khó khăn trong việc giải quyết.
- Có nơi không chú ý đảm bảo quyền lợi của những người được chia, dùng mệnh lệnh buộc những người được chia phải trả hết ruộng đất, trâu bò, nhà cửa và các thứ tài sản khác cho người bị quy sai, làm cho một số bần cố nông không có ruộng cày và nhà ở, có người phải ra đình, ở điếm, hoặc phải đi nơi khác kiếm ăn.
Tóm lại, trong việc đền bù tài sản, nhìn chung kết quả đạt được căn bản là tốt; nhưng có những thiếu sót, lệch lạc cần được tiếp tục uốn nắn và sửa chữa.
4. Điều chỉnh diện tích và sản lượng:
Việc điều chỉnh diện tích và sản lượng đã được đề ra và tiến hành từ bước 1 của công tác sửa sai, song vì lãnh đạo không chặt chẽ và thiếu giáo dục kỹ cho quần chúng, cho nên ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh thuộc Liên khu 3, diện tích và sản lượng đã sụt xuống quá thực tế khá nhiều. Những nơi đã điều chỉnh diện tích và sản lượng nói chung kết quả chưa được tốt, do đó năm vừa qua thuế nông nghiệp đã thất thu hàng chục vạn tấn thóc, gây khó khăn cho ngân sách nhà nước.
Hiện nay Đảng và Chính phủ chủ trương tạm hoãn việc điều chỉnh diện tích và sản lượng; sau khi sửa sai xong sẽ tập trung lực lượng giáo dục và lãnh đạo quần chúng đặng công tác này cho tốt hơn.
5. Kết hợp với sửa sai, đẩy mạnh các công tác sản xuất thu thuế nông nghiệp, thu mua nông sản:
Trong việc chỉ đạo công tác sửa sai, Đảng và Chính phủ đã đặc biệt nhắc nhở các cấp phải chú ý thực hiện các công tác quan trọng như chống hạn, phòng và chống bão lụt để đảm bảo sản xuất, thu thuế nông nghiệp, thu mua nông sản, v.v.. Các công tác nói trên đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, vì trong công tác sửa sai còn tồn tại một số vấn đề, tình hình nông thôn chưa thực sự ổn định, cho nên quần chúng chưa thật yên tâm và phấn khởi sản xuất, ý thức tương trợ, hợp tác và tinh thần tham gia các công tác lợi ích chung ở nông thôn chưa được phát huy mạnh mẽ.
6. Vài nét về tình hình sửa sai ở những vùng có những đặc điểm khác nhau:
a) Vùng ngoại thành:
Công tác sửa sai ở các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, Hải Phòng cũng được tiến hành đồng thời với các vùng nông thôn khác và đã kết thúc vào tháng 7 năm 1957.
Tình hình ở các vùng này ngoài những điểm chung của nông thôn, còn có những đặc điểm như sau:
- Ruộng đất ít, ngoài số ruộng trồng lúa, còn là đất trồng rau, trồng hoa để cung cấp cho thành phố.
- Nhân dân các vùng ngoại thành, ngoài nghề làm ruộng, còn làm nhiều nghề khác, ở những xã sát nội thành càng có nhiều người không làm ruộng như công nhân, dân nghèo, tiểu thương, người làm nghề thủ công, v.v..
- Nhiều người ở trong thành phố làm nghề công thương, viên chức, tiểu thương, công nhân, cũng có ít nhiều ruộng đất ở ngoại thành cho phát canh hoặc thuê người làm; Phần lớn những ruộng đất đó đã được trưng mua đem chia cho nông dân.
- Trong cải cách ruộng đất, ngoài số địa chủ quy đúng, ta đã quy sai lên địa chủ một số trung nông và một số người làm nghề công thương, viên chức, tiểu thương, công nhân có ít nhiều ruộng đất phát canh hoặc thuê người làm.
Khi tiến hành sửa sai ở các vùng ngoại thành, Đảng và Chính phủ đã bổ sung chính sách cụ thể, chú ý đúng mực đến tình hình và đặc điểm nói trên.
Nay kiểm điểm lại, công tác sửa sai ở các vùng ngoại thành đã căn bản đạt được yêu cầu.
Những người thuộc thành phần nhân dân lao động bị quy sai là địa chủ, phú nông đều đã được sửa thành phần. Một số người làm nghề công thương, viên chức, có ít nhiều ruộng đất phát canh hoặc thuê người làm trong cải cách ruộng đất bị quy là địa chủ hoặc là người làm nghề khác kiêm địa chủ, nay cũng đã tùy từng trường hợp cụ thể mà được sửa lại hoặc được thay đổi thành phần.
Việc đền bù tài sản cho những người bị quy sai đã được giải quyết trên cơ sở thương lượng điều chỉnh giữa những người được chia và người bị quy sai, theo phương châm đảm bảo điều kiện làm ăn sinh sống của người bị quy sai, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người được chia. Đối với những người làm nghề khác bị quy sai thành phần đã vận động nông dân trả lại các tài sản chính thuộc là những công cụ sản xuất. Song có một số tài sản khác của người bị quy sai như đồ dùng trong nhà, thóc lúa, tiền bạc, v.v.. thì nay đã hư hỏng hoặc không còn nữa, không thể đền bù đầy đủ được, cho nên đã vận động những người bị quy sai cố gắng bằng lòng chịu thiệt.
Đối với những người bị quy sai thành phần mà hoàn cảnh khó khăn của nông thôn không thể đền bù tài sản cho họ một cách thỏa đáng, nay nếu xét họ quá túng thiếu thì Chính phủ giúp đỡ một phần để họ có điều kiện sinh sống và sản xuất.
Các tổ chức của Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở xã cũng được bước đầu kiện toàn. Trong các Uỷ ban hành chính xã, có đủ đại biểu các tầng lớp nhân dân lao động tham gia, chú ý công nhân và bần cố nông.
Sau sửa sai tình hình nông thôn ngoại thành đã ổn định hơn trước, nhân dân đoàn kết và hăng hái tham gia sản xuất. Tuy nhiên, việc sửa sai ở đây cũng còn lại một số vấn đề như các nơi khác cần được tiếp tục giải quyết.
b) Vùng có đông đồng bào công giáo:
Ở miền Bắc nước ta hiện nay có trên 70 vạn đồng bào công giáo; có 3 nơi đồng bào công giáo ở đông nhất là Bùi Chu, Phát Diệm (Liên khu 3) và Xã Đoài (Liên khu 4).
Trong cuộc phát động quần chúng cải cách ruộng đất, trình độ giác ngộ chính trị của đồng bào nông dân công giáo đã được bước đầu nâng cao; giai cấp địa chủ đã bị đánh đổ, ruộng đất, tài sản của địa chủ đã được tịch thu, trưng thu, trưng mua và một phần ruộng đất của nhà chung đã được trưng thu, trưng mua đem chia cho nông dân. Bên cạnh những thành quả ấy, cải cách ruộng đất ở các vùng có đông đồng bào công giáo cũng phạm sai lầm như các vùng khác, ngoài ra, còn phạm một số sai lầm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo.
Mặc dù bọn phản động đội lốt tôn giáo ra sức phá hoại, công tác sửa sai ở các nơi có đông đồng bào công giáo gặp nhiều khó khăn, nhưng nói chung, do sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và Chính phủ, cán bộ có tinh thần chịu đựng gian khổ, đi sâu vận động giáo dân, cho nên cuối cùng đã tranh thủ được quần chúng, và tiến hành sửa sai tương đối có kết quả. Những sai lầm về thực hiện chính sách tôn giáo đã được sửa chữa; Những người không có tội lỗi đã được trả lại tự do, những người có ít nhiều tội lỗi với giáo dân cũng đã được hưởng khoan hồng (cá biệt có một số thật sự tội ác không nhỏ nhưng vì lẽ này hay lẽ khác cũng được hưởng khoan hồng). Việc trả lại nội tự cho Nhà chung, Nhà chùa, trả lại đồ thờ cúng bị trưng thu nhầm trong cải cách ruộng đất được các địa phương cố gắng giải quyết. Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã giúp đồng bào công giáo sửa chữa một số nhà thờ và tổ chức chu đáo những ngày lễ lớn. Hiện nay, ở các vùng có đông đồng bào công giáo, đang tiến hành việc sửa thành phần và đền bù tài sản. những công việc ấy đã được số đông đồng bào công giáo đồng tình.
Tuy nhiên, nhìn chung, công tác sửa sai ở các vùng có đông đồng bào công giáo gặp nhiều khó khăn, lúc đầu có nơi bị động, rụt rè, không kiên quyết đối phó với những phần tử phản động đội lốt tôn giáo trắng trợn ngăn cản và phá hoại sửa sai, phong trào tiến chậm so với các nơi khác, sự chỉ đạo của các cấp Đảng và Chính quyền ở những nơi đó chưa được vững và kịp thời. Hiện nay các thiếu sót ấy đang được sửa chữa.
c) Miền biển:
Miền biển miền Bắc nước ta chạy dài hơn 700 cây số, gồm có 195 xã, trong đó 154 xã đã qua cải cách miền biển. Tình hình ở đây rất phức tạp: đồng bào làm nhiều nghề nghiệp khác nhau, trình độ giác ngộ của quần chúng không được đều so với các vùng nông thôn ở trung du và đồng bằng. Trong cải cách miền biển, giai cấp địa chủ và bọn cường hào gian ác đã bị đánh đổ, song đã phạm sai lầm đánh địch tràn lan và quy sai thành phần nhiều. (Theo báo cáo một số nơi đã sửa xong thành phần thì tỷ lệ quy sai thành phần ở miền biển trung bình là 70%). Trong sửa sai, miền biển có những khó khăn đặc biệt hơn các nơi khác: ruộng đất trồng trọt ít, đất ở cũng ít, thuyền lưới của những người bị quy sai đã đem chia cho các tập đoàn đánh cá, không thể rút ra được.
Hiện nay, những xã miền biển ở Hải Phòng, Hồng Quảng, Vĩnh Linh đã sửa sai xong; phần lớn các xã khác ở miền biển đang tiến hành đền bù tài sản. Một số xã đã đền bù xong, nói chung đạt được kết quả; nhờ phát động tư tưởng quần chúng tương đối tốt, cho nên đã thực hiện được phương châm “sửa sai trên cơ sở đảm bảo sản xuất”.
Việc thực hiện chính sách sửa sai về thành phần và đền bù tài sản đối với những người làm nghề nghiệp khác ngoài nghề nông đã tranh thủ được sự đồng tình của nhiều người. Mặc dù không rút lại các thuyền lưới đã chia cho các tập đoàn để trả lại cho những người bị quy sai, nhưng ở đây, nhờ quần chúng đã quen với lối làm ăn tập đoàn, cho nên việc thương lượng, nhân nhượng giữa tập đoàn đánh cá được chia thuyền lưới với người bị quy sai đã được giải quyết tương đối ổn thỏa.
Về các tổ chức thì ở một số nơi, hội dân đánh cá đã củng cố được sinh hoạt từ tiểu tổ lên cấp xã, nhưng vì quan niệm về tổ chức chưa thống nhất, cho nên công tác của hội còn lúng túng.
Tình hình sửa sai miền biển nói chung tương đối ổn, vì chính sách sửa sai được bổ sung cụ thể, cán bộ tích cực công tác, quần chúng sẵn có tinh thần tin tưởng và đoàn kết tương trợ.
Mặc dù những người bị quy sai bị thiệt thòi một phần, những người được chia phải trả lại một phần tài sản để đền bù cho người bị quy sai, nhưng đời sống mọi người nói chung không bị ảnh hưởng nhiều. Nhờ sản xuất được đẩy mạnh, đời sống đồng bào miền biển được cải thiện hơn trước.
d) Miền núi:
 Khu tự trị Việt Bắc và khu Lào - Hà - Yên có 535 xã đã qua giảm tô trong đó có 49 xã đã qua cải cách ruộng đất. Ở đây, tình hình có nhiều vấn đề phức tạp, hiện nay chưa được kết luận; phải chờ cuộc điều tra nông thôn ở miền núi có kết quả mới xác định được đường lối nông thôn và chính sách ruộng đất ở miền núi.
Công tác sửa sai ở các địa phương lại tiến triển không đều nhau song nhìn chung, đã thu được những kết quả nhất định. Việc sửa thành phần, đền bù tài sản trong phạm vi sửa sai về giảm tô và cải cách ruộng đất căn bản đã làm xong. Tuy vậy, đôi nơi có trường hợp hạ lầm thành phần hoặc chưa đền bù xong một số tài sản đặc biệt như những đồ dùng có quan hệ đến phong tục, tập quán của đồng bào miền núi.
Theo báo cáo thì ở 393 xã thuộc khu tự trị Việt Bắc trong cải cách ruộng đất đã quy 2.245 hộ là địa chủ, nay đã sửa cho 1.861 hộ, chỉ còn 384 hộ là địa chủ.
Hiện nay, ở những vùng miền núi đã sửa sai xong, nói chung các tổ chức ở xã vẫn còn yếu, nội bộ chưa được đoàn kết nhất trí, có nơi xích mích giữa dân tộc này và dân tộc khác vẫn chưa được dàn xếp; vẫn để đền bù tài sản chưa được giải quyết thỏa đáng, nên có nơi vẫn xảy ra tranh chấp tài sản, ảnh hưởng không tốt đến đoàn kết và sản xuất. Đó là một số vấn đề phải tiếp tục giải quyết.
II. NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ KHUYẾT ĐIỂM TRONG VIỆC LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC SỬA SAI
Nhìn chung công tác sửa sai qua các bước và các vùng khác nhau đã thu được kết quả tốt.
Sở dĩ đạt được kết quả đó là vì:
1. Nhân dân ta rất tốt, có truyền thống đoàn kết và tin tưởng vững chắc. Trong những lúc khó khăn, nhân dân ta đã gắn bó chặt chẽ với Đảng và Chính phủ. Trước những sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đại đa số đồng bào đã nhận rõ tình hình chung, tỏ thái độ đúng mức và nhận rõ trách nhiệm của mình là phải tích cực góp phần vào việc sửa sai. Những đồng bào bị quy sai thành phần bị xử trí sai, tuy bị thiệt thòi về tinh thần và vật chất thậm chí có một số gia đình có người bị thiệt mạng, nhưng nói chung đồng bào đã nén đau thương và cố gắng tham gia công việc chung.
Nhờ có truyền thống đoàn kết và tin tưởng ấy của nhân dân, công tác sửa sai đã tiến triển thuận lợi, đồng thời chúng ta đã đánh bại được âm mưu thâm độc của bọn phản động trong nước và ngoài nước định gây chuyện rối ren trong thời gian vừa qua.
2. Cán bộ của ta phần lớn là tốt, căn bản đã giữ vững được đoàn kết, nhất trí, kiên quyết bảo vệ thành quả của cách mạng và lợi ích của nhân dân; đã tận tụy, tích cực công tác, chịu đựng gian khổ đi sát quần chúng và chấp hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.
Cán bộ đảng viên bị xử trí sai, sau khi được trả lại tự do nhận lại công tác, đã đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, giữ vững đoàn kết nội bộ, tích cực công tác, phục vụ nhân dân.
3. Chính sách và kế hoạch sửa sai của Đảng và Chính phủ căn bản là đúng. Đảng và Chính phủ lại kiên quyết tập trung lực lượng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành công tác sửa sai. Trong quá trình công tác, Đảng và Chính phủ đã theo dõi chặt chẽ, bổ sung các chính sách và kế hoạch cụ thể để hướng dẫn các cấp. Đồng thời, sau khi cân nhắc các mặt và tính toán kỹ, Chính phủ đã quyết định trích một phần ngân sách giúp đền bù cho những trung nông và thành phần lao động khác bị thiệt thòi quá nhiều, để đảm bảo thực hiện đúng đường lối nông thôn của Đảng và của Nhà nước. Kết hợp với sửa sai, việc lãnh đạo thực hiện các công tác khác ở nông thôn, nhất là công tác sản xuất, đã thu được những kết quả tương đối tốt.
Tuy nhiên về mặt lãnh đạo, từ Trung ương đến các địa phương có những khuyết điểm như sau:
Về lãnh đạo tư tưởng:
Trong việc phổ biến Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp tháng 10 năm ngoái, trên nhận thức và tư tưởng của một số cán bộ và nhân dân có những lệch lạc, như cho cải cách ruộng đất là thất bại, hoặc chỉ thấy sai lầm của cải cách ruộng đất mà không thấy hoặc phủ nhận thành quả của cải cách ruộng đất; hoặc cho đường lối nông thôn và chủ trương phát động quần chúng cải cách ruộng đất của Đảng và Chính phủ là sai lầm, v.v.. Nhưng về mặt lãnh đạo tư tưởng, Trung ương cũng như các địa phương đã không kịp thời và thiếu kiên quyết đấu tranh uốn nắn các lệch lạc đó. Trái lại, có nơi đã buông lỏng việc lãnh đạo tư tưởng, để cho những tư tưởng sai lầm, lạc hậu có cơ hội nảy nở. Thậm chí đối với những hành động vô tổ chức, vô kỷ luật của một số ít cán bộ và nhân dân, cũng không kiên quyết, không kịp thời giáo dục và ngăn chặn. Những nhận thức, tư tưởng lệch lạc đó chậm được uốn nắn, đã ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các công tác trả lại tự do, giữ vững trật tự an ninh, kiện toàn tổ chức, sửa thành phần và đền bù tài sản,v.v..
Về lãnh đạo chính sách:
Nói chung, các chính sách cụ thể về sửa sai đề ra chậm, có chính sách thiếu cụ thể hoặc thiếu cơ sở điều tra thực tế đầy đủ, phải bổ sung nhiều lần, làm cho cán bộ nhất là ở xa khó nắm vững.
Về lãnh đạo tổ chức:
Trong thời gian đầu, không kịp thời tăng cường bộ máy giúp việc chỉ đạo sửa sai ở các cấp và chậm động viên cán bộ tham gia sửa sai. Kế hoạch sửa sai lúc đầu thiếu cụ thể, các địa phương tiến hành không thống nhất. Có nơi điều chỉnh diện tích và sản lượng trước, có nơi vội vàng sửa thành phần và đền bù tài sản trong khi Đảng và Chính phủ chưa công bố chính sách cụ thể, cho nên đã phạm nhiều lệch lạc, sau mới uốn nắn theo một kế hoạch chung. Một vài nơi, cấp lãnh đạo thiếu ý thức tổ chức và kỷ luật, tự ý đặt ra chính sách, không báo cáo và xin chỉ thị, nhưng Đảng và Chính phủ đã chậm phát hiện và sửa chữa kịp thời.
Những khuyết điểm ấy một phần đã làm cho công tác sửa sai bị kéo dài. Tuy nhiên, những khuyết điểm ấy xảy ra trong thời gian đầu, về sau Đảng và Chính phủ đã kiểm điểm và có uốn nắn, sửa chữa.
III. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TRƯỚC MẮT CỦA NÔNG THÔN HIỆN NAY
Nhìn chung, từ khi bắt đầu tiến hành công tác sửa sai đến nay, chúng ta đã gặp nhiều khó khăn và trong từng bước công tác cụ thể mắc nhiều thiếu sót, khuyết điểm, song công tác sửa sai căn bản đã đạt được kết quả tốt, đồng thời vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết.
Ở những nơi đã hoàn thành công tác sửa sai, tình hình nông thôn đã chuyển biến tốt và căn bản. Khi mới phát hiện sai lầm, tư tưởng của cán bộ và nhân dân căng thẳng, nay dần dần được ổn định. Nhiều người đã thống nhất nhận định về thắng lợi căn bản cũng như về sai lầm của cải cách ruộng đất và đã thông suốt đường lối, phương châm, chính sách sửa sai của Đảng và Chính phủ, do đó đã hăng hái tham gia sửa sai có kết quả.
Những người bị quy sai đã được sửa thành phần và được đền bù tài sản, tương đối có điều kiện làm ăn sinh sống.
Quyền sở hữu ruộng đất của nông dân lao động được xác định, quyền làm chủ nông thôn của nông dân lao động được củng cố.
Nói chung, tình đoàn kết trong nông dân lao động được giữ vững, trật tự, trị an được củng cố, sản xuất được phát triển.
Cơ sở tổ chức của Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở nông thôn được kiện toàn hơn trước, nội bộ đoàn kết hơn, tác dụng về hiệu lực lãnh đạo đã tăng thêm.
Tuy nhiên, tình hình nông thôn hiện nay không phải đã mười phần tốt đẹp cả, không phải không còn có khó khăn và khuyết điểm. Một số nơi tuy đã sửa sai xong, nhưng vì làm chưa tốt cho nên trong quần chúng còn có người thắc mắc, chưa yên tâm và phấn khởi sản xuất, vẫn còn xảy ra xích mích, pháp luật chưa được tôn trọng triệt để. Ngay ở những nơi đã sửa sai xong tương đối tốt, tình hình đoàn kết trong nông dân lao động vẫn chưa được thật chặt chẽ, nhất là giữa một số người bị quy sai với những người có tham gia đấu tố và những người được chia, vẫn chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhau. Nạn cờ bạc, rượu chè, đình đám, mê tín… vẫn còn lẻ tẻ ở một số địa phương. Trong cán bộ đảng viên vẫn còn một số chưa thật yên tâm và phấn khởi công tác. Hiện tượng mỏi mệt, muốn xin nghỉ công tác còn khá phổ biến. Đoàn kết nội bộ chưa thật vững chắc.
Sau cải cách ruộng đất, trong công tác nông thôn lại có nhiều vấn đề mới phải giải quyết: ý thức làm ăn tương trợ, hợp tác trong nông dân chưa được nâng cao; tình trạng mua bán ruộng đất, cho vay nặng lãi, lẻ tẻ đã thấy xuất hiện; một số khá đông người ít muốn bán nông sản cho Nhà nước theo giá quy định, chậm trả nợ ngân hàng, chậm đóng thuế nông nghiệp, không sốt sắng tham gia các công tác lợi ích chung như giữ đê, phòng lụt, chống hạn….
Về giai cấp địa chủ, sau khi bị đánh đổ, số đông đã chịu lao động cải tạo, nhưng còn một số ít phần tử địa chủ ngoan cố vẫn âm mưu ngóc đầu dậy hoạt động phá hoại, gây chia rẽ ở nông thôn. Nhất là ở những nơi có đông đồng bào công giáo, bọn phản động đội lốt tôn giáo vẫn tiếp tục dùng mọi thủ đoạn thâm độc trắng trợn hòng khống chế giáo dân ly gián quần chúng công giáo với Đảng và Chính phủ, âm mưu xóa bỏ thành quả của cải cách ruộng đất.
Ngoài ra còn một số công tác trong sửa sai chưa làm hoặc làm chưa được tốt, cần được nghiên cứu và tiếp tục giải quyết như:
- Điều chỉnh diện tích và sản lượng.
- Tiếp tục kiểm tra các vụ án còn lại, trả lại tự do cho một số người có đủ tiểu chuẩn, đồng thời theo dõi và có thái độ xử trí thích đáng đối với những phần tử có tội ác đã tha lầm.
- Nâng cao cảnh giác, đề phòng và ngăn ngừa mọi hành động của bọn phá hoại.
- Tiếp tục giải quyết một số trường hợp sửa thành phần và đền bù tài sản chưa đúng chính sách.
Căn cứ vào tình hình trên đây, để tiếp tục củng cố nông thôn, đưa nông thôn tiến dần lên con đường làm ăn có tổ chức, đẩy mạnh sản xuất, chúng tôi nhận thấy hiện nay có mấy việc chính phải làm như sau:
1. Hoàn thành tốt công tác sửa sai và xúc tiến tổng kết cải cách ruộng đất:
Những nơi chưa hoàn thành công tác sửa sai cần tập trung lãnh đạo để hoàn thành được tốt và gọn.
Những nơi đã sửa sai xong cần kiểm điểm toàn bộ công tác sửa sai, đánh giá kết quả đạt được và những vấn đề tồn tại để tiếp tục giải quyết.
Đi đôi với việc hoàn thành công tác sửa sai, cần xúc tiến chuẩn bị tổng kết toàn bộ cuộc vận động cải cách ruộng đất và nghiên cứu đường lối tiến lên của nông thôn sau cải cách ruộng đất nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác nông thôn, thống nhất tư tưởng của cán bộ và nhân dân trong công cuộc tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp.
2. Đẩy mạnh các công tác kinh tế tài chính ở nông thôn:
Trước mắt, cần ra sức chống hạn, chống úng thủy, phòng lụt, phòng bão, trừ sâu, phòng dịch để hoàn thành tốt vụ mùa và chuẩn bị tốt vụ chiêm.
Kết hợp với sản xuất và để đẩy mạnh sản xuất, cần ra sức củng cố và phát triển các tổ đổi công, nhất là các tổ đổi công thường xuyên.
Đối với các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, cần tiếp tục củng cố và tùy theo tình hình từng nơi mà có kế hoạch phát triển một cách vững chắc.
Rút kinh nghiệm để củng cố những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hiện có.
Đồng thời tiếp tục điều chỉnh diện tích và sản lượng tương đối sát với tình hình ruộng đất để làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách thuế nông nghiệp.
Thực hiện tốt chính sách thu mua nông sản và thu nợ cho Nhà nước góp phần quản lý thị trường, chống đầu cơ tích trữ.
3. Phát triển các công tác văn hóa xã hội:
Phát triển bình dân học vụ theo đúng kế hoạch của Nhà nước, tăng cường công tác vệ sinh, phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe của nhân dân, nhất là những nơi bị lụt, bão, hạn.
4. Giữ vững trật tự trị an ở nông thôn:
5. Tăng cường các công tác tổ chức và tư tưởng:
Tiếp tục củng cố các tổ chức cấp xã như thường lệ để kiện toàn hơn nữa việc lãnh đạo các mặt công tác ở nông thôn; chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp để tăng cường chính quyền Nhà nước.
Tăng cường giáo dục trong Đảng và trong quần chúng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ nhiệm vụ cách mạng hiện nay, để tăng cường đoàn kết nhất trí, nâng cao chí khí phấn đấu và tinh thần phấn khởi, hăng hái cách mạng của mọi người đang hoàn thành tốt những nhiệm vụ trước mắt.
Từ nay đến cuối năm, các công tác trên đây đều phải tiến hành song cần phải nắm vững mấy công tác quan trọng nhất là:
- Hoàn thành tốt công tác sửa sai và xúc tiến tổng kết cải cách ruộng đất.
- Đẩy mạnh các công tác kinh tế:
·       Chống hạn, phòng lụt, đẩy mạnh sản xuất;
·       Củng cố và phát triển các tổ đổi công;
·       Điều chỉnh diện tích và sản lượng;
·       Thu mua nông sản và thu nợ ngân hàng.
- Tăng cường giáo dục trong Đảng và trong nhân dân về nhiệm vụ của nông thôn sau cải cách ruộng đất.
Thưa các vị đại biểu !
Trên đây, chúng tôi đã báo cáo về tình hình và kết quả công tác sửa sai từ khi bắt đầu đến nay, những vấn đề tồn tại cần được tiếp tục giải quyết và nhiệm vụ công tác trước mắt của chúng ta ở nông thôn.
Những kết quả đạt được của công tác sửa sai có một tác dụng quan trọng trong việc hoàn thành tốt công tác cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Qua công tác sửa sai, chúng ta càng nhận rõ những thắng lợi của cải cách ruộng đất, đồng thời cũng nhận rõ thêm những sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, song thắng lợi của cải cách ruộng đất là căn bản.
Hiện nay công tác sửa sai sắp kết thúc, tình hình nông thôn đang đi tới căn bản ổn định. Trong điều kiện thuận lợi ấy chúng ta sẽ đưa nông thôn tiến dần lên con đường làm ăn có tổ chức, nhằm phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn: có những khó khăn tất nhiên do sự phát triển của nông thôn sau cải cách ruộng đất, trong quá trình chuyển từ nền sản xuất cá thể sang sản xuất tập thể. Nhưng mặt khác, có những khó khăn do hậu quả của những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức chưa được thanh toán hết, của những vấn đề tồn tại sau công tác sửa sai chưa được giải quyết xong xuôi.
Chúng ta không chủ quan tự mãn với kết quả đã đạt được của công tác sửa sai, trái lại cần nhận rõ những khó khăn, phức tạp của tình hình nông thôn để ra sức động viên cán bộ và nhân dân tiếp tục nỗ lực phấn đấu đặng khắc phục mọi khó khăn, bắt tay thực hiện những nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của giai đoạn mới.

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, Báo Nhân dân
số 1290 ra ngày 20-9-1957.



1. Bản gốc không ghi cụ thể ngày trình bày báo cáo (BT).
2. Nay là tỉnh Quảng Ninh (BT).
3. Nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị (BT).
Nguồn:  CÁC VĂN KIỆN CỦA QUỐC HỘI, BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NĂM 1957


=============================
Mời xem bài liên quan:











2 nhận xét:

  1. Đối với 1 vị vua, giết hại vài đại thần trung lương dám bày tỏ suy nghĩ thẳng thắn giúp dân giúp nước thì đã bị người đời sau gọi là Hôn quân Bạo chúa. Hàng bao nhiêu người dân vô tội đã chết chỉ vì cái gọi là "sai" của Đảng, thì người đời sau phải gọi là gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì cứ nhìn lũ lưu vong sủa ở bên kia đại dương là hiểu, bất mãn thì nói thôi, nói không ai nghe thì chửi, chửi không ai nghe thì xuyên tạc tạo dư luận, dư luận không ai nghe thì bỏ tiền thuê người nghe.

      Xóa