Luật sư Phạm Kim Anh bào chữa cho các bị cáo tại phiên phúc thẩm ngày 5-4-2002
LỜI DẪN: Ông Huỳnh Văn Nén sinh năm 1962, quê Cà
Mau, thường trú tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân đã bị khởi tố vào ngày
15/5/1999 về tội Giết người và Cướp tài sản, bị bắt giam ngày 17/5/1998 do cơ quan điều tra
xác định là nghi can duy nhất trong vụ bà Lê Thị Bông (ngụ cùng địa phương) bị
hung thủ vào nhà dùng dây dù siết cổ đến chết và cướp 1 chỉ vàng vào đêm
23/4/1998. Trước khi ra tòa, ông Nén được cho là đã “lập công” khi thành khẩn
khai đã cùng gia đình bên vợ giết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án đã xảy ra từ 5
năm trước cũng tại xã Tân Minh. Đây là vụ án mà cơ quan điều tra bế tắc do
không tìm ra thủ phạm. Từ lời khai được cho là của ông Nén, 9 người trong gia
đình vợ ông, cả mẹ vợ và ông bị kết án oan.
Người tiên phong
trong việc kêu oan cho Nén chính là ông Nguyễn Thận, lúc bấy giờ là chủ tịch
UBND xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh). Ông Thận trước lúc làm chủ tịch
UBND xã Tân Minh, ông đã nhiều năm làm trưởng công an xã, biết ít nhiều nghiệp
vụ nên rất phân vân khi tại địa phương chỉ trong 5 năm xảy ra 2 vụ trọng án.
Hơn nữa, khi công an khám nghiệm hiện trường, ông Thận đều có mặt nên rất băn
khoăn trước những kết luận thiếu chứng cứ của cơ quan điều tra. Ông từng gặp
gỡ, gửi gắm suy nghĩ đến nhiều cán bộ ở huyện, tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội
(QH) tỉnh Bình Thuận nhưng không ai nghe. Ngay khi cả gia đình vợ ông Nén bị
bắt giam, trong những lần họp HĐND huyện Hàm Tân và tiếp xúc với đại biểu HĐND
tỉnh cũng như Đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Thuận, ông Thận đều đặt vấn đề xem xét
lại cả 2 vụ án này, chứ không thể nghe vào lời nhận tội của ông Nén.
Chưa một nạn nhân
oan sai nào ở Việt Nam có án oan chồng án oan với tội danh giết người kinh khủng như Huỳnh Văn
Nén. “Vụ án vườn điều” liên quan đến cái chết của bà Dương Thị Mỹ chấn động dư
luận vì một gia đình 7 người vào tù oan, sai, trong đó có Huỳnh Văn Nén. Những
tù nhân đó được giải oan và được tự do, nhưng Huỳnh Văn Nén vẫn tiếp tục ở tù
vì tội giết bà Lê Thị Bông.
17 năm tù tội, vợ
con, gia đình tan nát theo án oan của Huỳnh Văn Nén. Ngần ấy năm người cha già
của Huỳnh Văn Nén bán hết tài sản, ruộng vườn lặn lội kêu oan cho con. Ông Nén
không thể tự dưng nhận tội giết người, mà bị bức cung, nhục hình đến mức không
thể chịu đựng được. Những điều đó Huỳnh Văn Nén đã từng khai trước tòa, nhưng
những người cầm cân nảy mực ở Bình Thuận này lại quá lạnh lùng trước những
quyết định đến mạng sống của người khác….
Một số anh chị dzân trủ những ngày này đang mở loa hết công suất bu theo
vụ án oan Huỳnh Văn Nén. Họ lu loa rằng án oan là tất yếu ở một nước Cộng sản
như Việt Nam.
Và họ quên rằng ở xứ “thiên đường” Hoa Kỳ hay ở Nhật Bản mới có những kỷ lục án
oan. Xin hãy xem trên Google.tienlang, tại bài
NHỮNG
VỤ ÁN OAN KỶ LỤC THẾ GIỚI, hoặc bài KỶ LỤC ÁN OAN MỸ: ĐƯỢC TRẮNG ÁN SAU 39 NĂM NGỒI TÙ.
Nhưng, kệ họ, Việt Nam
chúng ta không ham hố giật giải vô địch về án oan như ở Nhật Bản hay ở Hoa Kỳ.
Người Việt ta có câu “Một ngày ở tù bằng cả nghìn năm ở ngoài”. Do vậy, 17 năm
tù oan với ông Huỳnh Văn Nén quả là vô cùng kinh khủng với người Việt ta.
Google.tienlang xin đăng tải loạt bài liên quan đến ông Huỳnh Văn Nén
với hy vọng các cán bộ ở các cơ quan tiến hành tố tụng soi vào mà tránh, đừng
để nền Tư pháp nước nhà lặp lại nhưng trang lịch sử đau buồn này.
Mở đầu, chúng tôi đăng 8 kỳ về Kỳ án Vườn điều; tiếp theo sẽ là 7 kỳ về
vụ án “giết” bà Bông.
*****************************
Kỳ án vườn điều kỳ 6: Hủy bản án trái
luật
09:49 - 08/07/2010
Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) tại
TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều tình tiết mâu thuẫn trong “Kỳ án vườn điều” mà
CQĐT không làm rõ. TANDTC cũng quyết định hủy bản án trái luật của TAND tỉnh
Bình Thuận.
Nhiều tình tiết vô lý
Ngày 5-4-2002, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh mở phiên toà xét
xử phúc thẩm vụ án vườn điều.
Tại phiên toà, HĐXX TANDTC nhận định: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có
trong hồ sơ vụ án, quá trình thẩm tra, xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm. Xét yêu
cầu kháng cáo của các bị cáo, của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan,
của đại diện gia đình bị hại thấy rằng, trong quá trình điều tra, tại các biên
bản ghi lời khai Nguyễn Thị Nhung đều xác nhận tối 18-5-1993 ngủ ở nhà, còn có
anh Hứa, anh Tuấn kiểm lâm làm chứng.
Bị cáo Nguyễn Thị Cẩm xác nhận tối 18-5-1993, hạt kiểm lâm có anh Hứa,
anh Tuấn mắc võng kế anh Hổ ngủ nhà chị Nhung. Ngày 12-6-1993 bị cáo Trần Văn
Sáng xác nhận đêm 18-5-1993 ngủ ở nhà bị cáo có anh Hứa và anh nào cất võng nằm
hướng phía tay trái.
Bị cáo Nguyễn Thị Tiến đang trả lời các câu hỏi của HĐXX
Khoảng 1g kém 15 ngày 19-5-1993, Sáng đến nhà anh Chi, sau đó về quán
nhà chị Tuyết thì gặp Muôi nhưng CQĐT chưa điều tra những nhân chứng nêu trên
để xác định tối 18-5-1993 và sáng sớm ngày 19-5-1993 Trần Văn Sáng làm gì, ở
đâu? Đây là thiếu sót của CQĐT.
Tại biên bản ghi lời khai ngày 3-1-1999, bị cáo Nguyễn Thị Lâm xác nhận
sau khi bà Mỹ bị giết chết thì bà Lâm vào TP Hồ Chí Minh phụ bán cơm cho chồng
bà Nguyễn Thị Ngọc ở số 138A Đỗ Thành Nhân, phường 14, quận 4, TP Hồ Chí Minh
nhưng CQĐT chưa điều tra xác minh lời khai của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc.
Tại biên bản ghi lời khai ngày 20-3-2000, bị cáo Nguyễn Thị Tiến xác
nhận bị cáo trốn khỏi xã Tân Minh tháng 7-1999, bị cáo bỏ đi với ông Trường đến
thôn 5, xã E Phê, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc làm ăn nhưng CQĐT chưa điều tra
xác minh lời khai của ông Trường.
Luật sư Phạm Kim Anh bào chữa cho các bị cáo tại phiên phúc thẩm ngày 5-4-2002
Tại biên bản ghi lời khai của Huỳnh Văn Nén, đều xác định bỏ dao vào bao
xi măng đem chôn. Tại biên bản thu giữ tang vật vụ án lúc 15g ngày
19-11-1998 có ghi đặc điểm tang vật thu được: Kim loại hình con dao phay
đã gỉ sét dài 28cm, lưỡi dao 23cm, lưỡi nơi rộng nhất 9.3cm, lưỡi nơi hẹp nhất
6cm, lưỡi hình cung.
Trong quá trình thu giữ con dao đã bị vỡ thành 4, to nhỏ không đều,
không thu giữ được vỏ bao xi măng. HĐXX Toà phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh
xét thấy cần thiết phải giám định để xác định mức độ tiêu huỷ của vỏ bao xi
măng, mức độ tiêu huỷ của con dao phay từ năm 1993 đến 1998 có tiêu huỷ đến mức
độ như vậy không?
Trong quá trình điều tra, bị cáo Huỳnh Văn Nén xác nhận lúc bà Nguyễn
Thị Lâm túm tóc bà Dương Thị Mỹ, thấy bà Dương Thị Mỹ giơ tay lên đỡ, nhìn thấy
bà Mỹ đeo một chiếc đồng hồ bằng kim loại (Inox) màu trắng và tay có đeo nhẫn
vàng. HĐXX Toà phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh, xét thấy cần thiết phải cho
thực nghiệm điều tra từ vị trí đứng của Huỳnh Văn Nén vào thời gian lúc 1g45
rạng sáng tại vườn điều rộng, nhiều cây đào lớn, cành lá xum xuê, tạo thành khu
vườn um tùm kín đáo như thế thì bị cáo Nén có nhìn rõ cả chiếc nhẫn được không?
Đây là điểm vô lý.
Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Huỳnh Văn Nén không nhận tội và xác định
ngày 18, 19-5-1993 và trước khi vợ chồng anh Trần Văn Sáng bị bắt, bị cáo Huỳnh
Văn Nén làm thuê tại nhà ông Chín Chè, có bác Chín, các anh Tài, Tấn, Giỏi và
con dâu của bác Chín Chè nhưng CQĐT chưa điều tra xác minh lời khai này của bị
cáo Huỳnh Văn Nén.
Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn Tiền không nhận tội, biên bản
ghi lời khai ngày 7-9-1998, bị cáo Nguyễn Văn Tiền xác nhận trong thời gian bà
Mỹ bị giết, bị cáo đang làm nghề thợ hàn ở tại nhà anh Hải cùng với vợ con và
ông già, cho nên cũng cần thiết phải điều tra xác minh lời khai này của bị cáo
Nguyễn Văn Tiền.
Trong hồ sơ vụ án có “Biên bản khám nghiệm tử thi” hồi 15g40 ngày
21-5-1993, nhưng lại có “Biên bản giám định pháp y” số 48/93/PY-BT ngày
04-6-1993 ghi khám nghiệm tiến hành lúc 14g30 ngày 21-5-1993 nên cần làm
rõ giám định pháp y tiến hành vào ngày, tháng năm nào? Trước hay sau khi lập
biên bản khám nghiệm tử thi?
Hủy án sơ thẩm
Mặt khác, tại biên bản khám nghiệm tử thi hồi 15g40 ngày 21-5-1993, nạn
nhân Dương Thị Mỹ tử thi thối rữa, mặt nhiều nhộng bọ và không có khả năng nhận
dạng. Trên thực tế Dương Thị Mỹ bị chém chết khoảng 1g15 ngày 19-5-1993 đến
15g40 ngày 21-5-1993 thì xác có thối rữa và có nhiều nhộng bọ như thế không?.
HĐXX Toà phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh đề nghị phải giám định để xác định
mức độ thối rữa có nhanh như vậy không?
Như vậy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không
thể bổ sung được.
Căn cứ Điều 222 khoản 1 BLTTHS, HĐXX Toà phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh
đã quyết định huỷ bản án sơ thẩm để tiến hành lại tố tụng tại giai đoạn điều
tra. Giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Bình Thuận để giải quyết theo thủ tục
chung. Bản án này là chung thẩm.
Do thời hạn tạm giam đối với các bị cáo Nguyễn Thị Lâm, Nguyễn Văn Sơn,
Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn Tiền đã hết, xét thấy việc tiếp tục tạm giam các bị
cáo là cần thiết, Toà phúc thẩm TANDTC gia hạn lệnh tạm giam các bị cáo Nguyễn
Thị Lâm, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn Tiền cho đến khi toà án
cấp sơ thẩm thụ lí lại vụ án.
Các bị cáo Nguyễn Thị Lâm, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn
Tiền, Trần Văn Sáng, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị
Cẩm, Trần Thanh Vân, Trần Thanh An, đại diện gia đình bị hại ông Huỳnh Ngọc Bửu
đều không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Quang Thu - Quang Khởi/ Báo Pháp luật & Xã hội
Với những thông tin ở loạt bài bày, hy vọng cơ quan tiến hành tố tụng có thể khởi tố hình sự những kẻ gây ra án oan này, đặc biệt là điều tra viên chính, giờ đang là luật sư- thành viên Đoàn luật sư Thanh Hóa, ông Cao Văn Hùng.
Trả lờiXóa