Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Ông Nguyễn Bá Thanh: "Ban Nội chính có quyền đôn đốc, giám sát các vụ án"

Ban Nội chính đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng lên một bước phát triển mới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh khẳng định: “Ban Nội chính Trung ương không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chức năng nhưng có thẩm quyền và trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và giám sát trong quá trình xử lý các vụ việc, vụ án”.
Phát biểu sáng 9/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận đã đạt được sau gần 1 năm tái lập, Ban Nội chính Trung ương đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng lên một bước phát triển mới.

Ông Nguyễn Bá Thanh (Ảnh: TTXVN)

Với nỗ lực, quyết tâm của các đơn vị chức năng, Ban Nội chính Trung ương đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc tiến trình tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án trọng điểm được dư luận quan tâm trong thời gian qua; khắc phục tình trạng áp dụng án treo tùy tiện tại các địa phương trong xét xử các vụ án có các tội danh tham nhũng. 

Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng thẳng thắn cho rằng, mặc dù đạt được những thành tựu bước đầu, tuy nhiên, các mặt hoạt động của Ban chưa đồng đều; chưa chủ động, kịp thời phát hiện, đề xuất Ban Chỉ đạo xem xét, theo dõi, giám sát những vụ việc mới có dấu hiệu tham nhũng; chưa kịp thời cập nhật những khó khăn, vướng mắc trong việc theo dõi, đôn đốc các vụ án trọng điểm. 

Ông Nguyễn Bá Thanh cũng đề nghị Ban Nội chính Trung ương tăng cường nghiên cứu, rà soát việc xây dựng, thực thi pháp luật để tìm hiểu những tồn tại, “kẽ hở” của pháp luật là cơ hội phát sinh hành vi tham nhũng để tham mưu cho các cơ quan chức năng kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục, ngăn ngừa, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng.

Tập thể Ban cũng cần tăng cường đoàn kết nội bộ, tích cực tuyển dụng cán bộ có đầy đủ năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức để bổ sung vào đội ngũ cán bộ của Ban, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị Ban Nội chính Trung ương cần làm tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng thể chế về phòng chống tham nhũng theo chỉ đạo của Trung ương, nhất là việc rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng phù hợp với Hiến pháp mới; tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. 

Đặc biệt, Ban cần tập trung theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật các vụ án, vụ việc tham nhũng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương tại hội nghị, năm 2013, năm đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được tổ chức lại và Ban Nội chính Trung ương, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy được thành lập và đi vào hoạt động.

Công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tích cực. Vừa kiện toàn bộ máy, tổ chức, Ban Nội chính Trung ương vừa triển khai ngay vào việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác. 

Ban Nội chính Trung ương đã đôn đốc kiện toàn 63 ban nội chính tỉnh, thành ủy trong cả nước; chủ động tham mưu giúp Ban Chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. 

Thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương đã theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xử lý 8 vụ án, 2 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II; Vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm; Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm; Vũ Việt Hùng và đồng phạm; Vụ án Dương Thanh Cường; Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm; Vụ án Phạm Thị Bích Lương cùng đồng phạm; Vụ án Lâm Ngọc Khuân; Vụ việc sai phạm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần xăng dầu Petrolimex (PG Bank); Vụ việc sai phạm tại Công ty dịch vụ Ngân hàng Agribank. Đến nay tòa án đã xét xử 3 vụ.

Theo chương trình công tác, năm 2014, Ban Nội chính trung ương sẽ tham mưu, thành lập và phục vụ các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo Kế hoạch 08-KH/TW của Bộ Chính trị. 

Tiếp tục nắm tình hình, đôn đốc triển khai công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở một số cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và cấp ủy địa phương; một số lĩnh vực, địa bàn xảy ra nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng hoăc có hạn chế trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. 

Ban cũng sẽ khảo sát tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động của một số tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng tại một số ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét