Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

Nóng: TP HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ 9/7

 

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, TP HCM sẽ áp giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0 giờ 9/7/2021

Chiều tối 7/7, UBND TP HCM đã tổ chức họp báo công bố một số nội dung chỉ đạo quan trọng về công tác chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Đáng chú ý, TP HCM sẽ áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, hiện nay TP HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ở TP HCM vẫn đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường. 

Số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Vì vậy, việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây. 

"Mặt khác, TP HCM xác định việc chống dịch như một cuộc chiến, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết do đó sẽ quyết định sẽ áp dụng chỉ thị 16 trên toàn TP HCM từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày", ông Phong nói. 

Theo ông Nguyễn Thành Phong, để tiếp tục phòng chống dịch bệnh các địa phương cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, thành lập các tổ công tác chống dịch tại địa bàn, đẩy mạnh việc lấy mẫu xét nghiệm tại các nguy cơ cao để ngăn chặn dịch bệnh... 

Theo Sở Y tế TP HCM, tính hết ngày 6/7, thành phố có 7.704 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố (chưa tính số ca nhiễm đã công bố sáng ngày 7/7); Trong đó: 7.453 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 251 trường hợp nhập cảnh. Tổng số hiện đang thực hiện cách ly là 52.556 trong đó: 14.908 người đang cách ly tập trung, 37.648 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú. 

Trước đó, từ 0h ngày 31/5, TP HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 giãn cách theo chỉ thị 16. Tuy nhiên, do trên địa bàn xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng nên đến ngày 14/6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội toàn địa bàn TP HCM theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0 giờ ngày 15/6 cho đến 0 giờ ngày 29/6. 

Đến ngày 19/6, UBND TP HCM ban hành chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM; Tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng... cho đến nay.

*****

Long An giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 8-7-2021

Từ 0h ngày 8-7, Long An áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại TP Tân An và 4 huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, các địa phương còn lại áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15.

Ngày 7-7, UBND tỉnh Long An đã ra văn bản mới về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh này. Theo đó, kể từ 0h ngày 8-7, tỉnh này áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đối với TP Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc.

Với TP Tân An và 4 huyện trên, Long An yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp và không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Các hoạt động, dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp đều tạm dừng. Các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát chỉ được phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ, đảm bảo khoảng cách tối thiểu và các quy định phòng chống dịch.

Các văn phòng công chứng cũng chỉ tiếp nhận, công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan trực tiếp đến việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng và giao dịch bảo đảm.

Long An cũng tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm hành chính công TP Tân An và các huyện, trung tâm phục vụ hành chính tỉnh.

Ngoài 5 địa phương trên, Long An cũng thực hiện áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 đối với toàn bộ địa bàn còn lại.

Song song đó, kể từ 0h ngày 8-7, những người ngoài tỉnh muốn vào Long An phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính (PCR hoặc test nhanh) được cơ quan có thẩm quyền cấp không quá 5 ngày tính đến thời điểm vào Long An.

Còn đối với chuyên gia, nhà quản lý và công nhân lao động làm việc ngoài tỉnh mà chưa có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2, Long An yêu cầu các đơn vị quản lý yêu cầu các chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn phối hợp thông báo và yêu cầu tất cả công nhân lao động làm việc tại công ty, doanh nghiệp trong ngày 8-7 không đến nơi làm việc, ở nhà hoặc nơi lưu trú và thông báo cho tổ COVID-19 cộng đồng và cơ quan y tế của địa phương để tổ chức lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra, Long An vẫn tiếp tục thực hiện theo phương án và kế hoạch đã được phê duyệt.

Nguyễn Thị Thùy Trang (Trang- Saigon)

--------

Google.tienlang Lưu ý bạn đọc: 
MỌI NGƯỜI NÊN CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID TẠI TRANG CHÍNH THỐNG CỦA BỘ Y TẾ: 

BỘ Y TẾ

TRANG TIN VỀ DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP COVID-19

11 nhận xét:

  1. TP.HCM và thủ đô Hà Nội là 2 trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch.

    Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành ở trung ương luôn sát cánh cùng 2 địa bàn quan trọng này và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp, hướng dẫn và nhất là dập dịch hiệu quả.

    Thủ tướng Chính phủ phân công Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp cùng với Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch ở TP.HCM. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, phối hợp, hướng dẫn công tác chuyên môn hằng ngày với lãnh đạo các địa phương trong vùng.

    Trả lờiXóa
  2. Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc huy động lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.

    Theo thống kê, đến thời điểm này có tất cả 14 tỉnh, thành sẵn sàng chi viện hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Trong đó, ngoài Nghệ An, Thanh Hóa ở miền Trung, 12 tỉnh còn lại đều ở phía Bắc.

    Bộ Y tế đang đề nghị các tỉnh này báo cáo khả năng có thể hỗ trợ về nhân lực (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, hồi sức cấp cứu) để thực hiện các nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện xét nghiệm; tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 và dự kiến huy động số lượng máy xét nghiệm RT-PCR.

    Trả lờiXóa
  3. Người từ TP.HCM đi 62 tỉnh thành phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần
    Sáng 7-7, Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc hướng dẫn UBND các tỉnh, thành trên cả nước tiếp nhận người về từ TP.HCM, yêu cầu người từ TP.HCM đi 62 tỉnh thành phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần.
    Theo Bộ Y tế, hiện nay diễn biến dịch COVID-19 tại TP.HCM vẫn đang hết sức phức tạp, khó lường, tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có các giải pháp hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.

    Trước thực tế trên, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nội dung, trong đó có việc tiếp nhận người về từ TP.HCM để phòng dịch COVID-19.

    "UBND TP.HCM trao đổi, thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố trước khi đưa những người từ TP.HCM về các tỉnh, thành phố khác, đồng thời thống nhất bố trí phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định", Bộ Y tế yêu cầu.

    Ngoài ra, về việc tiếp nhận người từ TP.HCM về các tỉnh trên cả nước, Bộ Y tế quy định tất cả những người từ TP.HCM (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ) được coi là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định thì phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 7 ngày tiếp theo.
    Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

    "Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định", công văn hỏa tốc nêu.

    Đối với những người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào TP.HCM phải thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa.

    Trả lờiXóa
  4. Sở GTVT được Chủ tịch thành phố giao chủ động làm việc, kiến nghị Bộ xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đi và đến TP.HCM.

    Trả lờiXóa
  5. Trong 24 giờ qua, TP.HCM ghi nhận thêm 766 ca Covid-19, có 186 trường hợp đang điều tra dịch tễ.
    Tính từ 18h ngày 6/7 đến 18h ngày 7/7, TP ghi nhận 766 ca Covid-19 gồm bệnh nhân 22072-22341, 22395-22741, 22923-23071.

    Trả lờiXóa
  6. Từ 0h ngày 9/7, toàn TP.HCM sẽ áp dụng Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Người dân được yêu cầu chỉ được ra khỏi nhà trong các trường hợp cần thiết: mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ.

    Trước tình trạng người dân đổ xô tích trữ hàng hóa trong những ngày qua, HCDC cho biết TP đã làm việc với các chuỗi cung ứng, hệ thống doanh nghiệp để gia tăng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua các kênh mua bán hiện đại, giao dịch qua thương mại điện tử, đảm bảo nguồn cung ứng dồi dào và tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng.

    HCDC đề nghị người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực, thực phẩm trong tất cả các tình huống. Hạn chế di chuyển và tập trung đông người tại các khu vực mua sắm để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

    Đồng thời, người dân hãy tin tưởng, chung sức cùng lãnh đạo TP trong thời gian 15 ngày giãn cách xã hội. Phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch. Đồng thời ủng hộ, cảm thông khi TP áp dụng giãn cách xã hội.

    Trả lờiXóa
  7. Để sẵn sàng cho việc thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân không bị xáo trộn và ảnh hưởng.
    Đây là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 7/7, tại Trụ sở Chính phủ.

    Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
    Hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo sự phát triển lâu dài

    Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết ngày 7/7 là ngày thứ 72 của làn sóng dịch thứ 4, là ngày thứ 38 thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn thành phố.

    Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động nhằm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Toàn thành phố đã triển khai tiêm gần 1 triệu liều vaccine, điều trị khỏi cho 857 trường hợp; truy vết, xét nghiệm, cách ly, phong tỏa cục bộ, dừng nhiều hoạt động thiết yếu và không thiết yếu.

    Đến nay, 22 quận, huyện đã thực hiện phong tỏa hơn 107 điểm; một số quận, huyện áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg với 1 số phường, xã. Trong số 7.450 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, 82% các ca nằm trong các khu cách ly, phong tỏa; 4% số ca được tầm soát trong cộng đồng; khoảng 13% sàng lọc trong các bệnh viện; gần 1% số ca nhập cảnh.

    “Do tính chất phức tạp của dịch bệnh, mật độ dân cư cao, mức độ giao thương lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức cho thành phố, nhất là với chủng virus Delta. Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần xác định cần quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo sự phát triển lâu dài và an toàn cho người dân," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

    Trả lờiXóa
  8. Nguyễn Đức Kiênlúc 06:28 8 tháng 7, 2021

    Cả nước đang hướng về TP Bác Hồ!
    Theo tôi dc biết, đến giờ này không chỉ có " 14 tỉnh, thành sẵn sàng chi viện hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Trong đó, ngoài Nghệ An, Thanh Hóa ở miền Trung, 12 tỉnh còn lại đều ở phía Bắc."

    Bây giờ thì hầu như tỉnh thành nào cũng đã chuẩn bị người cùng thiết bị y tế để chi viện cho Tp Bác Hồ, sẵn sàng khi có lệnh là lên đường!

    Trả lờiXóa
  9. Người Đất Cátlúc 09:27 8 tháng 7, 2021

    *Tôi nghĩ, câu thơ khá hay, khá đằm, quên tên tác giả, " Thế cho nên, mỗi lần khuya áo con bị sứt, vẫn bàn tay dịu dàng của người Mẹ khâu cho". Dịch dữ bùng lên bất cứ nơi nào trên quê Mẹ thì đồng bào khắp nước đều phải ngóng về, sẻ chia. Hễ ai mở mồm ra là Bắc, là Nam, là đỏ, là vàng, trong lúc này, thì, kẻ ấy, chưa phải cốt người, huống hồ nhân danh nhóm này, nhóm khác, chính chị chính em, vít vung những lời cao đạo. Không dám nhìn thêm tấm hình em bé dăm, sáu tuổi, trùm kín trang phục phòng dịch, một mình, bước chân lẩm đẩm ra ô tô đến cơ sở
    cách ly ngừa trị covit; vì, mỗi lần nhìn bé là nước mắt dàn dụa, không cầm được.
    * Tôi người Trung, học hành, sinh sống với người Nam khá lâu. Bà con họ rất thật, rất lành. Đa số bà con ít chữ, nhận thức sự việc chưa sâu. Dịch lây lan mỗi ngày một nhiều thêm, một phần, do hiểu biết của họ về vi rút, về lây nhiễm, về phòng tránh rất tùy tiện. Cứ nhìn cái cách chân thành, trang trọng, đơm đặt quả dừa, quả đu đủ, quả xoài làm quả phẩm dâng cúng mỗi dịp lễ tết để mong được 'vừa-đủ-xài', sẽ cảm hiểu bà con hơn.
    * Dùng hay không dùng, ứng xử như thế nào với vắc xin sinopharm, miễn bàn. Hiểu Tàu hiện đại, Việt nay đã thấm, đã ngấm. Còn chuyên môn về dịch tễ, nước ta đã sẵn sàng đội ngũ am tường hóa sinh, dịch tễ. Còn những ai đang ngái ngủ thì cứ xem dân Tây Á đã tiêm xong sinopharm đến lần 2, phạm vi toàn cộng đồng, dịch bệnh đã dẹp được đâu, khi tái bùng phát thì xử lý khó khăn vô cùng!!!
    Vắc xin Việt do quân đội NDVN nghiên cứu, sản xuất, dựa trên nguyên lý giảm độc lực và bất hoạt virút. Thế giới chỉ còn thằng ngáo, thằng ngố, thằng ngu mới không tin và yêu Việt Nam. Nếu dốc lực, trong giai đoạn này, vừa dập dịch, yên an trong nước, vừa bán ra thị trường quốc tế kiếm xèng, bù lấp vào vùng trũng kinh tế do dịch bệnh, dư thừa chun chút xèng, kết hợp vói tiền truy gian từ hai nhựt và nhóm, sau dịch bệnh, sắm 1000 tên lử địa đối hải, địa đối không dọc dài tổ quốc. Chừng ấy, không tuyên truyền, 100% dân Việt tử tế, ai ai cũng ủng hộ chính quyền đương nhiệm, dù màu mè định hướng chun chút gì đó,lơ tơ mơ, lờ tờ mờ, cũng tốt thôi.
    *Từ ruột gan, nói hết, nói tuốt. Đ. ngại thằng đỏ, thằng vàng.

    Trả lờiXóa
  10. Indonesia ngày 7.7 ghi nhận thêm 34.379 ca nhiễm và 1.040 ca tử vong vì Covid-19, đều là hai con số cao chưa từng có kể từ đầu dịch. Sau nhiều ngày tăng kỷ lục, Indonesia đến nay ghi nhận 2,37 triệu ca mắc với 62.908 ca tử vong - là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, theo Reuters.
    Trước tình hình báo động, Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartarto hôm qua cho hay chính phủ đã quyết định mở rộng các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống Covid-19 trên toàn quốc đến ngày 20.7. Những biện pháp mới áp dụng cho hàng chục thành phố, từ đảo Sumatra ở phía tây đến tỉnh cực đông Papua, theo AFP.
    Hiện các bệnh viện ở Jakarta và nhiều vùng ở Indonesia đã quá tải. Nhiều bệnh nhân Covid-19 không tìm được giường bệnh, thậm chí tử vong trước khi đến được bệnh viện. Hôm 6.7, Bộ trưởng Indonesia phụ trách đầu tư và hàng hải Luhut Pandjaitan cho hay chính phủ có kế hoạch gia tăng nguồn cung cấp ô xy và đã xác định những cơ sở lưu trú có thể được chuyển đổi thành địa điểm cách ly để chuẩn bị đối phó viễn cảnh xấu nhất là số ca nhiễm mới/ngày có thể lên tới 40.000 - 50.000 ca. Các chuyên gia cảnh báo Indonesia có thể trở thành “Ấn Độ thứ hai” trong làn sóng Covid-19 phức tạp lần này.
    Các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Campuchia đều đang trải qua đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, với số ca nhiễm và tử vong liên tục gia tăng ở mức cao. Malaysia hiện vẫn phong tỏa toàn quốc và chưa biết đến khi nào có thể dỡ lệnh. Các nước khác đều phải siết chặt biện pháp nhằm đối phó biến chủng Delta đang hoành hành dữ dội.
    Trung Quốc và Hàn Quốc những ngày qua cũng ghi nhận tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ủy ban Y tế quốc gia của Trung Quốc hôm qua thông báo có thêm 57 ca nhiễm Covid-19 được xác nhận trong ngày 6.7, đánh dấu số ca nhiễm mới/ngày cao nhất ở đại lục kể từ cuối tháng 1, theo Reuters. Trong khi đó, Hàn Quốc ngày 7.7 ghi nhận thêm 1.212 ca nhiễm, mức cao nhất kể từ ngày cuối năm ngoái, buộc nước này phải gia hạn các quy định giãn cách thêm 1 tuần, theo Yonhap.

    Trả lờiXóa
  11. Tính từ 19 giờ 30 ngày 7/7 đến 6 giờ ngày 8/7, Việt Nam có 314 ca mắc mới COVID-19 (BN23072-23385), đều là ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (234 ca), Bình Dương (80 ca); trong đó 264 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

    Cụ thể: 80 ca bệnh (BN23072-BN23151) ghi nhận tại tỉnh Bình Dương, là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

    234 ca bệnh (BN23152-BN23385) ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh gồm: 184 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 50 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

    Tính đến 6 giờ ngày 8/7, Việt Nam có tổng cộng 21.494 ca ghi nhận trong nước và 1.891 ca nhập cảnh.

    Trả lờiXóa