Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

HOAN NGHÊNH TẠP CHÍ TUYÊN GIÁO SỬ DỤNG LẠI CHỮ “NGỤY QUÂN, NGỤY QUYỀN” TRONG BÀI VỀ CHIẾN THẮNG 30/4/1975

Lời dẫn: “VNCH” là “ngụy quân – ngụy quyền”. Đây là cách gọi phổ thông của nhân dân cả hai miền Nam- Bắc. Đây cũng là cách gọi mà Bác Hồ của chúng ta đã sử dụng để chỉ ra bản chất chế độ tay sai của ngoại bang (Pháp và Mỹ)- xem bài Gửi nhóm lật sử: CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH SỬ DỤNG CHỮ "NGỤY" NHƯ THẾ NÀO? Thế nhưng chục năm gần đây, lũ ngụy sử đứng đầu là Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Trần Đức Cường, Nguyễn Mạnh Hà … âm mưu lật sử, biến trắng thành đen. Lũ lật sử (Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Đức Bảo) cho rằng trước đây Bác Hồ gọi “VNCH” là “ngụy quân – ngụy quyền” chẳng qua chỉ là một thủ đoạn chính trị để mỵ dân, để tập hợp lực lượng… (Xem bài TS HOÀNG NGỌC GIAO - KẺ TỔ CHỨC CÁI GỌI LÀ “TỌA ĐÀM VỀ BÃI TƯ CHÍNH" MỚI ĐÂY LÀ AI?

Mời xem video clip ông Nguyễn Mạnh Hà thuyết trình tại Câu Lạc bộ Café Số- Số 02, Nguyễn Công Hoan - Ba Đình - Hà Nội sáng Thứ Bẩy ngày 03/11/2018

Không những đòi bỏ chữ “ngụy”, mà cao hơn, Trần Công Trục cùng Lê Văn Cương khẳng định chắc như bắp, rằng trước năm 1975 trên lãnh thổ Việt Nam có hai nhà nước độc lập (xem bài QUAN ĐIỂM CỦA ÔNG PHAN HUY LÊ "THỪA NHẬN VNCH ĐỂ ĐÒI HOÀNG SA" - NHÌN TỪ GÓC ĐỘ PHÁP LÝ QUỐC TẾ). Đi xa hơn chút nữa, Nguyễn Nhã còn cho rằng: “Công nhận VNCH là bước tiến quan trọng”! (Google.tienlang không biết là “tiến” đi đâu? Hay là “tiến” đến việc lật đổ chế độ này?); Nguyễn Mạnh Hà nói: "Thời kỳ Việt Nam cộng hòa cũng rất có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa"; Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Thời kỳ đó, trên lãnh thổ Việt Nam hình thành hai chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà ở miền Bắc và Việt Nam cộng hoà ở miền Nam. Bỏ qua sự khác nhau về ý thức hệ thì mỗi chế độ đều lo phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống của người dân, đảm bảo chủ quyền của đất nước…”

(Xem bài NHỮNG VẤN ĐỀ GOOGLE.TIENLANG XIN TRAO ĐỔICÔNG KHAI VỚI GS NGUYỄN MINH THUYẾT VÀ TS NGUYỄN MẠNH HÀ)…

Trước những phát ngôn xằng bậy của lũ lật sử, báo chí lâu nay cũng ít sử dụng chữ “ngụy” khi nói đến lũ tay sai Sài Gòn. Chính vì vậy, chúng tôi vui mừng khi thấy TẠP CHÍ TUYÊN GIÁO SỬ DỤNG LẠI CHỮ “NGỤY QUÂN, NGỤY QUYỀN” KHI NÓI VỀ CHIẾN THẮNG 30/4/1975. Xin giới thiệu cùng bạn đọc:

*******

Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng

(TG) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một trong những trang sử chói lọi nhất, đi vào lịch sử nhân loại như một trong những chiến công thần kỳ của cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc của nhân dân toàn thế giới trong thế kỷ XX. Đặc biệt, đại thắng mùa Xuân 1975 đã để lại nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi vĩ đại đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện nước ta đến tinh thần chiến đấu, hy sinh quả cảm, thông minh của toàn thể nhân dân ta mà nòng cốt là lực lượng vũ trang ba thứ quân trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta; tình đoàn kết chiến đấu liên minh bền vững của nhân dân 3 nước Đông Dương và sự ủng hộ mạnh mẽ, chân tình của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới… Trong đó, “nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng”(1). Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, giá trị truyền thống dân tộc và kinh nghiệm thực tiễn thế giới vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đây là những bài học quý báu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong những giai đoạn quyết định của cách mạng.

Một là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về bạo lực cách mạng và tư tưởng cách mạng tiến công, kiên quyết, khôn khéo dùng bạo lực cách mạng để kết thúc chiến tranh.

Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” ký ngày 27/1/1973 buộc đế quốc Mỹ phải đơn phương rút quân khỏi nước ta. Nhưng với bản chất xâm lược, chúng tiếp tục tăng cường viện trợ cho nguỵ quyền nhằm kéo dài chiến tranh theo kiểu “Việt Nam hoá”. Với ý đồ thâm độc, đế quốc Mỹ đã ráo riết thực hiện chủ trương “hiện đại và tinh nhuệ hoá” nguỵ quân, tăng cường chi viện quân sự khối lượng lớn và xúi giục quân nguỵ vi phạm Hiệp định Paris một cách trắng trợn, gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn trong thực thi Hiệp định và bảo toàn vùng giải phóng. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, địa phương do biểu hiện mơ hồ, ảo tưởng, trông chờ “thiện chí” thi hành Hiệp định Paris của phía đối phương, dẫn tới thiếu cảnh giác, để địch mở rộng lấn chiếm nhiều vùng giải phóng. Để khắc phục tình hình, tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III đã kịp thời ban hành Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 21). Nghị quyết khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kỳ trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”(2).

Quán triệt quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương và các cấp uỷ Đảng ở miền Nam đã nhất quán phương châm: “Con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, tư tưởng chiến lược vẫn là tư tưởng tiến công, tuyệt đối không thể mơ hồ, ảo tưởng. Phương hướng hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải ra sức nhanh chóng tạo thế mới, quyết tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”(3).

Với nhận thức đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, với ý chí và khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa III đã chỉ ra cho cách mạng miền Nam một hướng đi chính xác, tạo cơ sở lý luận, thực tiễn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn. 

Hai là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về đánh giá, so sánh lực lượng đúng đắn, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết 21, sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân và dân ta ở miền Nam đã có nhiều hoạt động quân sự, chính trị nhằm chống địch phá hoại Hiệp định Paris đã phát triển lên đỉnh cao và thu được nhiều thắng lợi. Mặc dù đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố “dính líu” về quân sự ở miền Nam, chỉ huy quân nguỵ Sài Gòn tiếp tục thực hiện các hoạt động phá hoại, xâm lấn các vùng giải phóng, nhưng không còn khả năng đưa quân trở lại Việt Nam. Mỹ rút, nội bộ chính quyền ngụy ngày càng rối ren, lực lượng ngụy quân ngày càng bộc lộ những điểm yếu. Từ năm 1974, quân nguỵ cơ bản phải lui về giữ các đô thị, các đường giao thông và những vùng có ý nghĩa chiến lược. Chúng không thể đương đầu nổi với lực lượng ta đã mạnh hẳn lên cả về chính trị và quân sự. Quân và dân ta đã đánh cho “Mỹ cút” thì cũng có đầy đủ cơ sở và điều kiện để đánh cho “nguỵ nhào”.

Từ ngày 30/9 đến 8/10/1974, Hội nghị Bộ Chính trị khoá III và Quân uỷ Trung ương họp, đã đánh giá: bước ngoặt căn bản trong so sánh lực lượng giữa ta và địch đã hoàn toàn có lợi cho ta. Ta đã thúc đẩy thời cơ chiến lược chín muồi, đã tạo nên yếu tố chiến lược quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Trên cơ sở đó Hội nghị “hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976… nhất trí duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ VII do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị”(4) và nhấn mạnh: “thực hiện kế hoạch cơ bản năm 1975-1976 nhưng phải ra sức chuẩn bị về mọi mặt để khi thời cơ lịch sử đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức tập trung lực lượng của cả nước giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975”(5). Trước diễn biến mau lẹ của tình hình chiến trường miền Nam, Hội nghị Bộ Chính trị cuối tháng 12/1974 đã bổ sung và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược, kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Với quyết tâm chiến lược đúng đắn, chính xác, kịp thời, việc tổ chức thực hiện chiến lược của ta ngay từ đầu đã ở thế chủ động, nên có điều kiện đánh địch theo ý ta, làm xuất hiện thời cơ và nhanh chóng chớp thời cơ chiến lược, dấn lên đánh đòn quyết định để giành thắng lợi hoàn toàn. 

Ban Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Hà Nội, tháng 4-1975 (Nguồn: baotanglichsu.vn) 

Ba là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về chủ động chuẩn bị lực lượng mạnh, xây dựng thế trận, tạo và chớp thời cơ, kiên quyết tiến lên giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất.

Trên cơ sở nắm vững quy luật “mạnh được, yếu thua” của chiến tranh, với quyết tâm chiến lược đã xác định, Đảng đã lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chủ động chuẩn bị lực lượng mạnh, bí mật triển khai thế trận hiểm và bất ngờ, buộc địch mắc mưu, phải bị động đối phó. Từ sự bị động đối phó, chúng dẫn tới liên tiếp mắc sai lầm về chiến dịch, chiến lược, làm xuất hiện thời cơ có lợi cho ta. Ta nhanh chóng chớp thời cơ có lợi, tập trung sức đánh mạnh địch, đẩy chúng vào thế tuyệt vọng, buộc phải đầu hàng vô điều kiện, ta giành thắng lợi sớm hơn dự kiến.

Để thực hiện chiến lược đã đề ra và sẵn sàng đón thời cơ, chuẩn bị cho các đòn tác chiến chiến dịch quy mô lớn, từ tháng 10/1973, Đảng ta đã có chủ trương cho thành lập các binh đoàn cơ động chiến lược mạnh để tạo khả năng đánh các đòn quyết định chiến trường. Tháng 3/1975, ta đã thành lập các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) có sức cơ động mạnh để đánh địch trong các trận quyết chiến chiến lược.

Song song với chuẩn bị lực lượng mạnh, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu chủ động chuẩn bị thế trận và chiến trường theo hướng tạo thế hiểm và bí mật, bất ngờ để chủ động đánh địch. Theo đó, Bộ Chính trị chỉ đạo chọn Tây Nguyên là chiến trường mở màn trọng điểm với hướng tiến công chiến lược từ phía Nam đánh lên, miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng. Với cách đánh chiến lược, chiến dịch là kết hợp ba đòn mạnh (chủ lực, nông thôn, đô thị) và bằng 3 mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, trong đó các trận đánh của các binh đoàn chủ lực cơ động mạnh là những đòn quyết định.

Đúng như dự kiến của Đảng, trận mở màn ở Nam Tây Nguyên diễn ra từ ngày 4 đến ngày 24/3/1975 đã giành thắng lợi giòn giã, quân địch hoàn toàn bị bất ngờ, lúng túng cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, tạo ra sự chấn động mạnh và phá vỡ một mảng lớn quân địch, buộc chúng phải đảo lộn thế bố trí chiến dịch và chiến lược, tác động dây truyền đến toàn bộ chiến trường, đẩy chúng đến chỗ cùng quẫn, hoảng loạn. Chớp thời cơ chiến dịch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời chỉ đạo quân và dân ta ở miền Nam mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chỉ đạo Quân khu 5 kết hợp với Bộ tư lệnh Hải quân mở chiến dịch giải phóng các đảo do quân nguỵ Sài Gòn đóng giữ.

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: “Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Cần có sự quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975”. Trong bối cảnh ấy, đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đảng luôn nắm chắc tình hình chiến trường, lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, linh hoạt các lực lượng thừa thắng xông lên, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, với ý chí và quyết tâm “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ thời gian, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến, quyết thắng”(6), bộ đội và nhân dân ta trên khắp các chiến trường đã dũng mãnh xông lên với tinh thần “tất cả cho thắng lợi”.

Sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, thần tốc truy đuổi quân địch đến tận sào huyệt cuối cùng, bằng trận quyết chiến chiến lược lịch sử - chiến dịch Hồ Chí Minh, Sài Gòn - Gia Định được hoàn toàn giải phóng, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ cách mạng của quân và dân ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của bè lũ bán nước và xâm lược.

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi trọn vẹn.

Thành công nổi bật khác về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta trong đại thắng mùa Xuân 1975 là đã tạo ra và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng để giành thắng lợi trọn vẹn, không để xảy ra đổ vỡ nghiêm trọng. Đảng chỉ đạo lấy tiến công quân sự của các binh đoàn cơ động chiến lược mạnh làm “đòn cân não”, kết hợp chặt chẽ với sự nổi dậy của quần chúng đấu tranh chính trị và binh vận, làm tan rã nhiều bộ phận quân địch, giải phóng từng địa bàn chiến lược rộng lớn, tiến tới tổng công kích, tổng nổi dậy để giành quyền làm chủ và giành thắng lợi hoàn toàn.

Đảng ta nắm vững quy luật chiến tranh, quy luật phát huy sức mạnh tổng hợp và quy luật “quyết định chiến trường là lực lượng vũ trang”, tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, vận dụng sáng tạo quy luật chiến tranh và quy luật khởi nghĩa vũ trang.

Cùng với sử dụng sức mạnh quân sự của các binh đoàn chủ lực để làm tan rã hệ thống phòng thủ của địch và lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, Đảng đã chỉ đạo kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự với phát động quần chúng nhân dân nổi dậy làm chủ địa bàn, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn và rộng khắp.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã thể hiện tinh thần quật khởi của cả dân tộc Việt Nam khi tiến hành một cuộc “trường chinh” vĩ đại với ý chí thép, chấp nhận hy sinh tất cả để đổi lấy hòa bình, non sông thu về một mối, hoàn thành khúc khải hoàn ca “to lớn nhất, toàn diện nhất, triệt để nhất, trọn vẹn nhất”. 

Năm là, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo vận dụng sáng tạo, tài tình nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Vận dụng sáng tạo và tài tình nghệ thuật quân sự dân tộc đã là một tài sản và truyền thống quý báu của Đảng ta. Song, trong đại thắng mùa Xuân 1975, sự vận dụng đó đã phát triển thành một đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đảng đã xác định phương hướng và mục tiêu tiến công đúng đắn, lựa chọn thời cơ tiến công thích hợp, cơ động và tập trung lực lượng kịp thời, đề ra hình thức tác chiến có hiệu lực lớn nhất, tạo bất ngờ và triệt để lợi dụng và khoét sâu sai lầm của địch, buộc chúng phải bị động, bất ngờ đối phó. Ta chớp thời cơ thuận lợi, kiên quyết và thần tốc tấn công, chỉ huy chủ động, táo bạo, linh hoạt để liên tiếp tiêu diệt, phá tan hệ thống phòng ngự và các tập đoàn quân địch, làm tan rã nhiều lực lượng, tiến tới đập tan chế độ ngụy quyền được sự bảo trợ của Mỹ. 



Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên lễ đài tại Lễ mít tinh mừng Việt Nam đại thắng, ngày 15/5/1975 (Nguồn: baotanglichsu.vn) 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phát triển lên tầm cao mới trong thời đại mới, nên đã tạo được sức mạnh áp đảo quân địch, luôn đánh địch ở thế mạnh và đánh tiêu diệt gọn, khiến địch phải bất ngờ và liên tục thất bại, tan rã. Đồng thời, làm cho nhân tố chính trị, tinh thần của bộ đội và nhân dân càng được tăng lên; cán bộ, chiến sĩ ta càng xốc tới mãnh liệt hơn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt nam được tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh để đưa đất nước đến ngày toàn thắng. 

Đại thắng mùa Xuân 1975 chính là “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc, khẳng định đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong “cuộc đụng đầu lịch sử” chống đế quốc Mỹ xâm lược. “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi sâu vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(7)./.

46 năm đã trôi qua, tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975 ngày càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn. Những bài học ấy sẽ còn có giá trị lâu dài đối với với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới

TS. NGUYỄN ĐÌNH TƯƠNG

Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự

HOÀNG MẠNH ANH

Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

______________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t.37, tr.983

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.34, tr.232. 

(3) (4) (6) Tổng cục Chính trị: Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam 1944-2000, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2002, tr.554-555, 571, 592.

(5) Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - những sự kiện quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1980, tr.281.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội lần thứ IV của Đảng, Nxb. Sự thật, H. 1977, tr.5-6.

Link nguồn:

http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/dai-thang-mua-xuan-1975-bai-hoc-ve-su-lanh-dao-chi-dao-cua-dang-132702

Hoàng Minh Tâm Giới thiệu

12 nhận xét:

  1. Nguyễn Đức Kiênlúc 16:58 29 tháng 4, 2021

    Thời của Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không thể gọi ngụy quyền là VNCH được, gọi ngụy quyền mới chuẩn

      Xóa
  2. VIỆC SỬ DỤNG TỪ “NGỤY" TRONG LỊCH SỬ CÁC NƯỚC

    Thưa các bạn!

    Trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều người thiếu hiểu biết về cụm từ ngụy quyền Sài Gòn và chính quyền VNCH. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch đang cố tình xuyên tạc - nhằm thực hiện thủ đoạn vực dậy ma thây tập đoàn bán nước hại dân trước năm 1975 - Ngụy quân, ngụy quyền.

    Chúng cho rằng gọi như vậy là không chính xác, vì một chính phủ có tồn tại trong thực tế thì không thể nào gọi là ngụy được. Đây là một nhận thức sai lệch, ấu trĩ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về lịch sử Dân tộc.
    Hôm nay tôi sẽ làm sâu sắc hơn cách gọi “ ngụy quân, ngụy quyền “ trong lịch sử của Dân tộc, mà bất cứ kẻ nào cũng không có quyền bỏ đi bản chất “ Ngụy “ vốn có của một chính phủ làm tay sai cho giặc.
    Tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ đến được tai bọn ngụy sử như Vũ Minh Giang, Trần Đức Cường, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Nhã, Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ngọc, Hiển Vũ…cùng bọn đang ủng hộ cho việc bỏ Tính từ “ Ngụy “ trong các bộ lịch sử Việt Nam
    Bài viết tuy dài nhưng có rất nhiều bằng chứng cũng như bút tích, của tất cả các Chính phủ chính danh trên Thế giới vẫn luôn sử dụng Tính từ “ Ngụy “ trong lịch sử của mình. Và đặc biệt là, cách mà Chính phủ VNDCCH và Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn sử dụng Tính từ “ Ngụy “ trong các nghị quyết văn kiện của Đảng, cũng như các bức thư hay lời kêu gọi mỗi khi nhắc đến một chính phủ làm tay sai cho ngoại bang rước voi về rầy mả Tổ.

    A - Ý NGHĨA VÀ CÁCH SỬ DỤNG TỪ “ NGỤY “

    Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
    Ngụy là một từ gốc Hán trong tiếng Việt có nhiều nghĩa tùy thuộc vào văn cảnh và từ ghép với nó. Nghĩa thường dùng là để chỉ sự vật, sự việc mang tính giả tạo, như trong từ ngụy trang, ngụy tạo. Trong lịch sử, từ "ngụy" được dùng để chỉ một chính phủ được lập ra một cách bất hợp pháp, không chính thống, không được người dân công nhận, như là trong từ ngụy triều, ngụy binh, ngụy quân, ngụy quyền.
    Tại Việt Nam, có hai từ ngụy đồng âm khác nghĩa thường được sử dụng trong văn hóa giao tiếp và văn học của người Việt.

    1 - Một từ ngụy (偽) là tính từ, có ý nghĩa là "sự giả tạo", ví dụ như "ngụy tạo, ngụy biện, ngụy trang, ngụy quân, ngụy quyền". Trong chính trị, từ này được dùng để chỉ một triều đại hoặc chính quyền do soán đoạt mà có, hoặc do quân xâm lược nước ngoài dựng lên để hợp thức hóa sự xâm lược, đô hộ một nước khác. Về bản chất, chính quyền này không có thực quyền, chỉ là hữu danh vô thực[1], chính quyền này bị quân xâm lược nước ngoài khống chế, mang tính chất bất hợp pháp và không chính danh[2] Trong lịch sử các nước Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam, từ "ngụy triều","ngụy quyền" được sử dụng nhiều trong các văn bản lịch sử. Ở phương Tây, thuật ngữ "ngụy quyền" có cách gọi khác là chính quyền tay sai, hoặc Chính phủ bù nhìn, chế độ tay sai, nhà nước con rối ("Puppet State, Puppet Regime").
    Theo Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam (năm 2007) thì: "Ngụy quyền là chính quyền bản xứ do thế lực nước ngoài dựng lên, nuôi dưỡng, sử dụng làm công cụ xâm lược, nô dịch của họ. Ở Việt Nam, chính quyền Bảo Đại (1949-1954) và chính quyền Sài Gòn (1954-1975) đều là ngụy quyền (do Pháp và Mỹ dựng lên)"[3].

    2 - Một từ Ngụy khác (魏) là danh từ dùng để chỉ địa danh, tên gọi tại Trung Quốc, ví dụ: nước Ngụy thời Chiến Quốc bên Trung Quốc, nhà Ngụy thời Tam Quốc bên Trung Quốc, hay họ Ngụy tại Đông Á, trong đó có Việt Nam. Từ này được viết hoa.

    Trả lờiXóa
  3. B - VIỆC XỬ DỤNG TỪ “NGỤY" TRONG LỊCH SỬ CÁC NƯỚC

    Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
    TRUNG QUỐC :
    Có một số triều đại và nhân vật thì được sử sách Trung Quốc gọi là "ngụy" (偽 – viết khác từ "ngụy" ở trên). Từ "ngụy" này là tính từ, chỉ sự giả tạo, bất hợp pháp, không được thừa nhận. Ví dụ như triều đình "ngụy Sở" (1127-1128) của Trương Bang Xương, triều đình "ngụy Tề" (1130–1137) của Lưu Dự do nhà Kim lập ra. Các triều đình này chỉ là bù nhìn, được nhà Kim lập ra nhằm hợp thức hóa sự xâm lược Trung Quốc.
    Trong Chiến tranh Trung–Nhật, Trung Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm. Chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc của Uông Tinh Vệ và Chính phủ Mãn Châu quốc của Phổ Nghi, bị cả Đảng Cộng sản và Quốc Dân Đảng gọi là "ngụy quyền", "ngụy quân", "ngụy Mãn Châu quốc" hoặc "chính phủ ngụy" do các chính phủ này được Đế quốc Nhật Bản lập ra nhằm hợp thức hóa sự xâm lược Trung Quốc. Thuật ngữ này cũng được sử dụng trên các kênh truyền thông, sách báo, phim ảnh của Trung Quốc và Đài Loan (của Quốc Dân Đảng) cho tới nay.

    HÀN QUỐC VÀ TRIỀU TIÊN :
    Bán đảo Triều Tiên từng bị Đế quốc Nhật Bản xâm lược và đô hộ (giai đoạn 1895-1945). Hàng trăm nghìn người Triều Tiên đã cộng tác với thực dân Nhật để đàn áp những đồng bào đấu tranh đòi độc lập. Ngày nay, sử sách Triều Tiên và Hàn Quốc gọi những người Triều Tiên cộng tác với quân Nhật là "ngụy quân". Sau khi giành được độc lập, CHDCND Triều Tiên đã bắt giam hoặc xử bắn hàng loạt những người hợp tác với Nhật với tội danh phản quốc. Tại Hàn Quốc thì luật pháp có hẳn 1 quy định về đối tượng này, Trung tâm Sự thật và Công lý Lịch sử (CHTJ) đã lập ra cả 1 danh sách 4.389 người từng cộng tác với Nhật để xét lý lịch với con cháu của họ, năm 2019 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng “xóa sạch những dấu tích của việc cộng tác với Nhật Bản là điều nên được thực hiện từ lâu”[4]

    VIỆT NAM :

    A / THỜI PHÁP THUỘC
    Sau khi quân đội viễn chinh Pháp xâm lược và áp đặt chế độ thuộc địa ở Đông Dương (trong đó có Việt Nam), Chính phủ Pháp đã dùng chính sách "chia để trị" và chia cắt Việt Nam ra làm 3 xứ riêng lẻ là Cochinchine (Nam Kỳ), Annam (Trung Kỳ), và Tonkin (Bắc Kỳ), 3 vùng cùng với Lào và Campuchia đã trở thành Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) hay còn được gọi với tên Đông Dương thuộc Pháp (Indochine française). Người Pháp tiếp tục duy trì các hoàng đế bù nhìn từ Đồng Khánh, Thành Thái, cho đến Bảo Đại. Vào năm 1887, hoàn tất quá trình xâm lược Việt Nam, người Pháp đã tổ chức ra một bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh từ trung ương cho đến địa phương.

    Trong thời gian cai trị Việt Nam, thực dân Pháp đã mua chuộc và sử dụng một số cộng sự người Việt, họ cũng cho xây dựng và thành lập một số đơn vị quân đội bản xứ, nhằm hỗ trợ quân chính quy người Pháp trong việc trấn áp nghĩa quân và các lực lượng nổi dậy ở Việt Nam, tiêu biểu là Quân đoàn bộ binh Bắc Kỳ, lính khố xanh, lính khố đỏ, lính khố vàng... Một số người Việt được toàn quyền Đông Dương tuyển dụng vào quân đội Lê dương Pháp. Tất cả các đội quân này đều do sĩ quan Pháp chỉ huy. Các lực lượng nghĩa quân và nhiều người dân bản xứ gọi các đội quân này là ngụy quân hoặc ngụy binh. Họ cũng gọi các triều đình bù nhìn ở Huế là "ngụy triều", thường kết hợp với niên hiệu của hoàng đế bù nhìn, như đầu thế kỷ 20, các nhà Nho thường gọi triều đình là "ngụy triều Khải Định".[9]

    B / CHÍNH PHỦ BÙ NHÌN QUỐC GIA VIỆT NAM
    Ngày 02 Tháng 09 Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập với tên gọi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, tại miền Nam Việt Nam, chỉ bốn ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, quân Pháp đã quay lại xâm chiếm miền Nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ Pháp muốn khôi phục thuộc địa Đông Dương, quân Pháp tuyên bố sẽ lập chính quyền mới tại miền Nam. Sau đó, quân Pháp nổ súng chiếm quyền kiểm soát thành phố Sài Gòn. Nước Việt Nam vừa giành được độc lập lại đứng nạn ngoại xâm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày 9 tháng 10, tướng Pháp Leclerc đến Sài Gòn, theo ông là lực lượng gồm 40.000 quân Pháp để chiếm giữ miền Nam Việt Nam và Campuchia. Từ cuối tháng 10, quân Pháp bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch phá vây, mở rộng đánh chiếm ra vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh miền Nam Việt Nam, chiến tranh Đông Dương bùng nổ.
      Chiến tranh Việt – Pháp kéo dài từ năm 1945 đến 1954. Năm 1948, theo chiến lược Da vàng hóa chiến tranh, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée tuyên bố thành lập chính phủ Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại để làm đối trọng với Việt Minh. Dù vậy, người Pháp đã khéo léo khi thực tế trong hiệp ước, nghĩa chính xác của từ "độc lập", quyền hạn cụ thể của chính phủ mới đã không được người Pháp xác định rõ để tránh phải trao quyền chính trị cho Quốc gia Việt Nam.[10]. Theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ý đồ của Pháp là muốn áp dụng chính sách Da vàng hóa chiến tranh, "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt"[11] và để thuyết phục Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự để Pháp có thể tiếp tục đứng chân tại Đông Dương [12].
      Theo Nghị định Quốc phòng ngày 13 tháng 4 năm 1949, một lực lượng quân đội của Quốc gia Việt Nam được thành lập, lấy tên là Vệ binh Quốc gia[13][14] sẽ cùng phối hợp với quân Pháp để đánh lại Việt Minh. Ngày 11 tháng 5 năm 1950, Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố chính thức thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam với quân số lúc đó là 60.000 người [15].

      Hiệp ước Elysee đã ghi rõ về vai trò chỉ huy của Pháp: "Trong thời chiến, toàn thể quân đội Quốc gia Việt Nam và Liên hiệp Pháp được đặt chung dưới quyền chỉ huy của Uỷ ban quân sự mà Tư lệnh sẽ là một sĩ quan Pháp có một Tham mưu trưởng phụ tá." Theo đánh giá của Spencer C.Tucker, quân đội này được huấn luyện kém và không có sĩ quan chỉ huy cấp cao người Việt[17]. Pháp chỉ đơn giản là đưa những người lính bản địa mới tuyển mộ được vào các quân đoàn viễn chinh của Pháp, tại đó, người chỉ huy là các sĩ quan Pháp [18]. Quân đội Quốc gia Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống hậu cần của Pháp. Hai vấn đề quan trọng nhất là tài chính và quân đội của Quốc gia Việt Nam thì vẫn do Pháp nắm giữ, nhân viên hành chính Pháp tiếp tục làm việc ở các cấp chính quyền; Quốc gia Việt Nam chẳng được trao cho một chút quyền hành thực sự nào, như bấy giờ người ta nói, Quốc gia Việt Nam chỉ là một sự nguỵ trang cho nền cai trị của Pháp[20].
      Theo phân tích pháp lý thì Hiệp định Élysée về việc thành lập chính phủ Quốc gia Việt Nam là bất hợp pháp từ cả hai bên ký kết vì những lý do sau[21]:

      • Người Pháp không còn tư cách pháp lý quốc tế ở Việt Nam sau khi vua Bảo Đại ra Tuyên cáo tháng 3-1945, theo đó xóa bỏ những hiệp ước mà nhà Nguyễn ký với Pháp. Sau khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, việc Pháp đem quân can dự vào Việt Nam là hành vi xâm lược, trái với luật pháp quốc tế.
      • Bảo Đại (người ký Hiệp định Élysée với Pháp) không có tư cách pháp lý đại diện cho đất nước Việt Nam, bởi ông đã thoái vị ngày 25-8-1945 và chỉ còn là một công dân bình thường.
      • Chính phủ hợp pháp đại diện cho nước Việt Nam khi đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mọi văn bản do công dân Việt Nam ký với bất kỳ chính phủ nào mà không được phép của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đều là vô giá trị.

      Xóa
    2. Do chính phủ Quốc gia Việt Nam được thành lập một cách bất hợp pháp và bị Pháp thao túng, nên trong thời gian chiến tranh chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gọi chính phủ Quốc gia Việt Nam là ngụy quyền và Quân đội Quốc gia Việt Nam là ngụy binh, ngụy quân, quân ngụy, hoặc lính ngụy.

      Trong Hội nghị lần 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II họp từ ngày 27/9 đến ngày 5/10/1951, Hội nghị nhận định tình hình chiến sự và đề ra nhiệm vụ phải phá chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt" của thực dân Pháp và nhấn mạnh công tác "ngụy vận", đặc điểm của công tác này là phải: Coi công tác ngụy vận là một công tác vận động quần chúng, nhằm mục đích lâu dài. Phải biết gắn liền ngụy vận với dân vận trong vùng tạm chiếm. Phải phối hợp ngụy vận với tác chiến, khi có những điều kiện thuận lợi thì mở những cuộc tấn công chính trị để làm tan ra hàng ngũ ngụy binh. Cách thức tuyên truyền và vận động ngụy binh đều phải nhằm những điểm nói trên mà định cho thích hợp. Đi đôi với công tác vận động ngụy binh, phải tăng cường công tác vận động binh sĩ Âu - Phi.[22]

      Năm 1951, Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra lời hiệu triệu nhân ngày kỷ niệm toàn quốc kháng chiến, lên án chính sách "dùng người Việt đánh người Việt" của thực dân Pháp:

      "Không đủ sức chống kháng chiến, đế quốc Mỹ và thực dân Pháp lợi dụng bọn bù nhìn vong bản thi hành chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt", dùng độc lập giả hiệu để mê muội, đốt làng cướp của làm cho dân ta bần cùng trụy lạc để dễ áp bức lừa phỉnh, bắt thanh niên đi lính ngụy để đánh lại đồng bào."[23][24]

      Cùng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục viết ba bức thư gửi binh lính trong Quân đội bù nhìn Quốc gia Việt Nam để thuyết phục họ về với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 6 năm đó Ông viết bức thư "Vận động ngụy binh" [25]. Tháng 9 Ông viết bức thư "Thư gửi các ngụy binh" [26]. Tháng 11 ông viết bức thư "Lời kêu gọi ngụy binh quay về với Tổ quốc" [27].

      Tháng 3 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư "Ngụy binh giác ngộ" nêu một số tấm gương lính người Việt trong Quân đội bù nhìn Quốc gia Việt Nam rời bỏ hàng ngũ theo về với Việt Minh. Nội dung tuyên truyền chính sách khoan hồng của Đảng Lao động và Việt Minh[28][29]:

      “ Đại đa số ngụy binh là những thanh niên bị bắt buộc hoặc bị lừa bịp mà đi lính cho giặc. Nhưng họ vốn cũng có lòng yêu nước và ghét giặc. Ta giải thích rõ cho họ, khoan hồng với họ, thì họ sẽ giác ngộ và quay về với Tổ quốc. Nhiều lần, sự thực đã chứng tỏ như vậy. Cho nên cán bộ, bộ đội và nhân dân ta phải thi đua địch vận, ngụy vận, xem đó là một nhiệm vụ kháng chiến, thì ta sẽ không tốn đạn hao binh, mà được cả người lẫn súng. Và do đó, ta sẽ phá tan mưu mô của địch "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh".

      C / NGỤY QUÂN NGỤY QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HÒA

      Việt Nam Cộng hòa được Hoa Kỳ thành lập trên cơ sở kế thừa từ Quốc gia Việt Nam. Cũng giống như tiền thân là Quốc gia Việt Nam, chế độ Việt Nam Cộng hòa bị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam coi là một chính phủ tồn tại bất hợp pháp, là chính phủ bù nhìn do Mỹ thao túng, và gọi đó là "ngụy quyền Sài Gòn" hay "ngụy quyền"; và quân lực Việt Nam Cộng hòa thì được gọi là "ngụy quân".

      Xóa
    3. Từ ngụy quyền/quân có nghĩa là chính quyền/quân đội bất hợp pháp.[31]Cụm từ này được sử dụng rộng rãi trên các nghị quyết, văn kiện Đảng, phương tiện truyền thông chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam [32][33][34][35][36]. Trong thời kỳ chiến tranh, Việt Nam xác định Mỹ là kẻ thù chính, chế độ Việt Nam Cộng hòa chỉ là ngụy quân, ngụy quyền do Mỹ khống chế, nếu Mỹ thất bại thì ngụy quân, ngụy quyền cũng phải sụp đổ. Vì vậy Việt Nam xác định chỉ tiến hành đấu tranh với Mỹ, gọi đây là cuộc chiến tranh "chống Mỹ cứu nước" chứ không phải là"chống ngụy cứu nước".

      Cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến theo kiểu chủ nghĩa thực dân mới. Theo đó, Mỹ chỉ đứng ngoài chỉ đạo, kiểm soát và thu lợi, còn việc thực thi là trách nhiệm của chính phủ tay sai bản địa, chứ Mỹ không trực tiếp tham chiến như Pháp (thực dân cũ), đó chính là chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" mà Mỹ áp dụng trong giai đoạn 1955-1963. Cách này tương tự như đạo diễn điều khiển diễn viên đóng kịch trên sân khấu theo kịch bản cho trước. Đến khi Việt Nam Cộng hòa tỏ ra vô dụng quá mức, không đảm đương nổi vai diễn (Chiến tranh đặc biệt thất bại vào năm 1963), thì "đạo diễn" là Mỹ buộc phải nhảy ra sân khấu làm kép chính luôn, và hàng trăm nghìn quân Mỹ đã tới Việt Nam tham chiến trực tiếp trong giai đoạn 1964-1973.

      Tài liệu được giải mật của Lầu Năm Góc đã viết: "Không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Diệm hầu như chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam... Việt Nam Cộng hòa, về bản chất, là một sáng tạo của Hoa Kỳ"[37] Thậm chí tổng thống Mỹ Nixon trong lúc tức giận còn từng nói: "Không thể để có cái đuôi chó phản lại cái đầu con chó được."[38]

      Tại cuộc họp do Hội "American Friends of Vietnam", một tổ chức vận động ủng hộ Ngô Đình Diệm ở Washington D.C. ngày 1/6/1956, John F. Kennedy (một năm sau trở thành Tổng thống Mỹ) tuyên bố: “Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ [chỉ Việt Nam Cộng hòa] thì chắc chắn chúng ta cũng là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta chủ tọa lúc nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó (…). Đó là con đẻ của chúng ta - chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới những nhu cầu của nó”[39]

      Trong thập niên 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài báo, bài diễn văn gọi chế độ Việt Nam Cộng hòa là "ngụy quyền" để nhấn mạnh tính chất bất hợp pháp, làm tay sai cho giặc ngoại xâm của chế độ này. Viết trên bài chính luận "Sách Trắng của Mỹ" nhằm phản đối việc Mỹ đổ quân viễn chinh vào Việt Nam năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết[42]:

      “ "Ở Hội nghị Giơnevơ, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố rằng: Mỹ sẽ không đe dọa hoặc dùng vũ lực cản trở Hiệp định ấy. Nhưng chữ ký chưa ráo mực thì Mỹ đã dùng mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Mỹ nặn ra chính phủ bù nhìn phát xít Ngô Đình Diệm, huấn luyện cho ngụy quyền một quân đội lính đánh thuê khát máu. Suốt mười nǎm trời, gần 20 vạn đồng bào miền Nam yêu nước đã bị Mỹ - Diệm khủng bố, tù đày, chặt cổ mổ bụng. 70 vạn người đã bị tra tấn giam cầm trở nên tàn phế. Hàng triệu người bị nhốt vào các trại tập trung mà chúng gọi là "ấp chiến lược". Không gia đình nào không có người bị hy sinh. Không làng xóm nào không bị càn quét. Đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã phạm hết mọi tội ác dã man, chúng đã biến miền Nam thành một địa ngục... ”

      Xóa
    4. Trong "Lời Kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước" năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết[43]:

      “ Chúng (Đế quốc Mỹ) ồ ạt mang gần 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta. Chúng nuôi dưỡng ngụy quyền, ngụy quân làm công cụ hại dân phản nước. Chúng dùng những phương tiện chiến tranh cực kỳ man rợ, như chất độc hoá học, bom napan, v.v.. Chúng dùng chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Bằng những tội ác ấy, chúng hòng khuất phục đồng bào miền Nam ta... ”

      Bài thơ Chúc Tết năm 1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới toàn dân Việt Nam, trong đó có 2 câu:
      “ "Vì độc lập, vì tự do
      Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"[44][45]


      Trong bài báo "Lại chuyện chó Mỹ" trên báo Nhân dân số ngày 20/1/1966, tác giả mỉa mai rằng một con chó nghiệp vụ của quân đội Mỹ còn được đãi ngộ tốt hơn so với một lính ngụy[46]:

      “ Chó sǎn là đồng minh trung thành của đế quốc Mỹ. Đây là chuyện chó sǎn có bốn chân, chứ không phải loài chó sǎn mặt người bụng thú, rước voi giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà, như bọn Thiệu – Kỳ.
      Từ ngày Mỹ phái Hakin lập bộ tư lệnh ở Sài Gòn, thì chó Mỹ cũng được phái đến miền Nam nước ta. Chúng được ở nhà lầu, có lính ngụy hầu hạ. Mỗi con chó Mỹ được ǎn lương gấp nhiều lần lương của một ngụy binh. Một chuyện thú vị là tháng 9-1964, giặc Mỹ đưa 200 chó sǎn đến Tây Nguyên bắt đồng bào Thượng nuôi. Non một tháng sau, đàn chó biến mất hết, chỉ còn lại mấy đống xương...”

      Năm 1960, Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên danh nghĩa "Đoàn kết toàn dân đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ ngụy quyền tay sai của chúng, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc"[47]. Chính sách học tập cải tạo sau năm 1975 tại Việt Nam cũng được thực hiện với nghị quyết: "Việc tổ chức cho ngụy quân, ngụy quyền và các đối tượng phản động ra trình diện học tập cải tạo thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, có tác dụng phân hóa hàng ngũ bọn phản động, cô lập bọn đầu sỏ ngoan cố, đập tan luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân."[48]

      Trong một số tài liệu, sách sử của phương Tây hiện nay, chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng được sử gia nước ngoài gọi là "chính phủ bù nhìn, Tay sai, con rối", những từ có ý nghĩa tương tự như từ "Ngụy"[54]

      C – KẾT LUẬN :

      Thưa các bạn:
      Sẽ không có gì gọi là “ Miệt thị, phản cảm, hay không khoa học, không khách quan “ khi mà cả Thế giới vẫn sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ như “ Ngụy, Bù nhìn, Tay sai, Con rối “ để chỉ một chính phủ do nước ngoài tạo dựng nên, nhằm phục vụ quyền lợi và lợi ích của kẻ xâm lược.

      CHỈ CÓ MỘT CHÍNH PHỦ ĐƯỢC NHÂN DÂN BẦU NÊN ( CHÍNH PHỦ VNDCCH, NGÀY NAY LÀ CHXHCN VIỆT NAM ) PHỤC VỤ QUYỀN LỢI VÀ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN, MỚI HỘI ĐỦ ĐIỀU KIỆN LÀ MỘT CHÍNH PHỦ HỢP PHÁP TRÊN TOÀN BỘ LÃNH THỔ VIỆT NAM.

      Rất mong các bạn chia sẻ thật nhiều, để cho Nhân dân hiểu biết rõ tại sao không thể bỏ Tính từ “ Ngụy quân, ngụy quyền “ trong tất cả các bộ lịch sử Việt Nam khi ghi chép lại.

      Xin chào các bạn

      Xóa
  4. Ý nghĩa chiến thắng 30/4/1975 không thể bị xuyên tạc!
    Đúng như ông Nguyễn Đức Kiên đã nói ở trên, "Thời của Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến!"

    Chúng ta yên tâm, vị Tân Trưởng Ban Tuyên giáo sẽ có những điều chỉnh, sửa chữa lỗi lầm mà lũ lật sử gây ra!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cần phải làm được như vậy và vạch ra những việc làm của bọn lật sử

      Xóa
  5. Không phải Nguyễn Mạnh Hà nói 1 lần vào 03/11/2018 mà Google.tienlang đã phản ánh đâu ạ.
    Cũng tại CLB Cà phê số, Nguyễn Mạnh Hà còn thuyết trình ngày 16/2/2019 nữa.
    ===
    Sinh hoạt chuyên đề tháng 2/2019
    POSTED ON 13 FEBRUARY, 2019 BY ADMIN
    13
    Feb
    Câu lạc bộ Cafe Số trân trọng kính mời quý anh/chị Nhà báo, Phóng viên tới tham dự buổi sinh hoạt tháng 2/2019 của CLB và nghe chuyên đề do PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thuyết trình.

    – Thành phần tham dự: Thành viên CLB Café Số và khách mời.

    – Thời gian: 8h30 – 10h00, Thứ 7, ngày 16/2/2019

    – Địa điểm: Tòa nhà số 84 đường Duy Tân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Nội

    Trân trọng!
    Ban Chủ nhiệm CLB
    Vui lòng liên hệ đăng ký trước: Bà Đỗ Thị Hoà, Ban Thư ký CLB, ĐT: 0969625877, Email: clbcafeso@gmail.com.
    ==
    http://clbcafeso.vn/2019/02/13/sinh-hoat-chuyen-de-thang-2-2019/

    Trả lờiXóa