Cuối tuần: GOOGLE.TIENLANG- CÔ LÀ AI???

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

Cuối tuần: CẢM ĐỘNG NHỮNG CÔ TIÊN THỜI COVID

 
Cô Tiên Đào Nguyễn Phương Linh 

Hơn 3h sáng 8/8, bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh vẫn trằn trọc không thể ngủ, bởi những cuộc gọi, tin nhắn từ đồng nghiệp và bệnh nhân vang lên liên hồi. Ít ai biết rằng, một tuần qua, chị cũng là bệnh nhân F0.

Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh công tác tại Khoa Sơ sinh, là nữ bác sĩ duy nhất trong đoàn của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chi viện cho Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 (phường Tân Thời Nhất, quận 12).

Kết nối những chuyến xe đưa bệnh nhân về nhà

Bác sĩ Linh cùng đồng đội của mình có mặt tại bệnh viện dã chiến vào ngày thứ 5 kể từ khi bệnh viện được thành lập. Cơ sở vật chất đều sơ khai dù khi đó đã có 2.500 bệnh nhân.

Nữ bác sĩ tâm sự, thành công lớn nhất của chị trong chuyến đi này là làm được 2 việc. Và cũng vì thành công ấy, chị được các đồng nghiệp yêu thương, đặt cho “chức danh”: Lớp trưởng chuyên giải bài toán khó.

Chị kể, vốn là bác sĩ Khoa Sơ sinh, đặc biệt yêu quý trẻ em, nên khi nhìn thấy những bệnh nhi F0 vùng vẫy, kêu khóc vì bị lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt là khi tận tay chị phải làm những đứa trẻ đau đớn, chị buồn cả một ngày.

Mãi đến tận tối muộn, không chịu đựng nổi sự day dứt, chị gọi điện cho “sư phụ” của mình là bác sĩ Thùy Dương (Giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM), để nhờ tư vấn. Bác sĩ Thùy Dương gợi ý chị nên tặng cho các bé món quà nhỏ là hộp kẹo C hình con vịt, và cô cũng giúp đỡ thêm bằng cách liên hệ với nhóm từ thiện của chị Vũ Thị Hải Anh để tiếp tế 1.000 hộp.

“Lần thứ 2 lấy mẫu xét nghiệm, không có một em bé nào phải khóc nữa. Vì vậy, tôi đã lên phương án cho toàn thể tòa nhà. Hễ lấy mẫu cho các bệnh nhi thì sẽ tặng các bé 1-2 hộp kẹo C. Bởi khi các bé không hợp tác trong việc lấy mẫu thì sẽ dẫn đến nguy cơ kết quả thiếu chính xác, hơn nữa có thể dẫn đến sang chấn tâm lý cho các bé về sau”, bác sĩ Linh bày tỏ.

Những hộp kẹo C hình con vịt trở thành món ăn tinh thần cho các bệnh nhi.

Khó khăn thứ 2 mà chị đã tìm được cách khắc phục là việc xuất viện của bệnh nhân trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Với mỗi đợt xuất viện ít nhất 200 người, có khi lên đến 500 người, làm thế nào để bệnh nhân có phương tiện di chuyển về nhà và đảm bảo bệnh nhân sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch Covid-19 là câu hỏi không đơn giản.

Từng có vài lái xe tình nguyện chở bệnh nhân về, nhưng số lượng quá ít, không thể giải quyết hết cho hàng trăm ca. Lại nhiều đêm khó ngủ, cơ duyên đến khi bác sĩ Linh được giới thiệu cho một nhà xe lớn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch. Chị liền gọi điện lên cấp trên xin thông qua phương án để nhà xe có thể hoạt động. 

“Phần lớn bệnh nhân có nhu cầu gọi xe, bởi hiện tại rất khó để người thân có thể đến đón. Với những hoàn cảnh khó khăn quá, nhà xe cũng miễn phí luôn. Vì vậy, từ hôm đến giờ, việc xuất viện tại bệnh viện chúng tôi rất êm xuôi”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Chị cũng tiết lộ thêm, đó chỉ là 2 trong số rất nhiều “bài toán” mà lực lượng y tế phải tìm lời giải. Thậm chí có người còn phải giải những bài khó hơn gấp bội như cấp cứu người bệnh trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; phải hồi sức như thế nào; oxy cung cấp ra sao...

Niềm vui đong đầy trong những lần tiễn bệnh nhân về nhà

Đứng về phía người bệnh

Khi mới đến bệnh viện dã chiến, chứng kiến sự phản kháng của nhiều F0, bác sĩ Linh cùng các đồng nghiệp đã phải liên tục ngồi họp cùng nhau đến tận khuya.

Bệnh viện dã chiến số 2 thành lập gấp rút ở một chung cư trống không, chỉ có điện và nước. 2.500 con người xa lạ vào ở chung nên không tránh khỏi sự ồn ã. Thỉnh thoảng, chuông báo cháy lại vang lên.

“Tôi nghĩ họ thiếu niềm tin và không được đáp ứng những nhu cầu của bản thân nên tìm cách gây chú ý”, bác sĩ Linh nói.

Sau khi ngồi họp bàn, mọi người cùng đi đến thống nhất, việc ưu tiên trước hết là đội ngũ hậu cần. Khi ấy, để kịp mang cơm cho bệnh nhân, cả bác sĩ cũng phải đảm trách công việc này. Việc thứ 2 là đi khám bệnh từng phòng, thăm hỏi và giải thích cho bệnh nhân hiểu, vì sao họ phải cách ly tập trung.

Việc thứ 3 là tổ chức quản lý bằng cách chọn ra một bệnh nhân nhanh nhẹn làm trưởng phòng. Những người trưởng phòng sẽ hỗ trợ việc quản lý, được các bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe, phát hiện dấu hiệu nặng để chia sẻ với những người bệnh khác. Nữ bác sĩ cũng cho hay, nhiều khi bệnh nhân làm căng, chị lại phải mềm mỏng, năn nỉ, bởi bệnh nhân thấy được sự chân thành thì sẽ tự động nghe theo chỉ dẫn. 

Một đồng nghiệp cắt tóc cho bác sĩ Linh. “Thời gian ở đây, tất cả chúng tôi như người thân”, nữ bác sĩ tâm sự.

F0 vẫn chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, vì không hết việc để làm

“Tôi chuyển dương (nhiễm Covid-19) đã 7 ngày rồi”, bác sĩ Linh tâm sự. Trước đó, chị thỉnh thoảng vẫn viết những dòng cảm xúc lên mạng xã hội, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến việc bị phơi nhiễm. Bởi chị không muốn người thân lo lắng và cũng sợ ảnh hưởng đến không khí chung.

Ở bệnh viện, việc nhân viên y tế bị phơi nhiễm không phải chuyện hiếm gặp. Những đồng đội trước đó của chị khi trở thành F0 đều được chuyển đi cách ly, đến lượt mình, chị nhất quyết từ chối. Bởi ở đây, chị còn có nhiều việc phải làm, để hỗ trợ đồng nghiệp và giúp đỡ bệnh nhân.

Bác sĩ Linh bày tỏ: “Khi một người 'giải giáp' (cách nói vui của đội ngũ y tế khi có người bị nhiễm Covid-19) là công việc nhân lên. Tôi không đi cách ly, dù không tiếp xúc trực tiếp thì tôi vẫn có thể làm được rất nhiều chuyện”.

Những Cô Tiên thời Covid - Bác sĩ Linh (ngồi) cùng đồng nghiệp chụp hình lưu niệm tại Bệnh viện dã chiến số 2.

Mỗi ngày, chị vẫn chỉ ngủ 4 tiếng như thường lệ. Chị lập danh sách bệnh nhân xuất viện, tư vấn cho họ đi về thế nào, ở nhà thì phải làm gì. Đối với những F0 khác, chị hỗ trợ tư vấn bệnh, thủ tục chuyển phòng cho những nhân viên y tế nhiễm bệnh... Thời gian rảnh còn lại, chị đọc tài liệu để chuẩn bị chuyển sang tầng cao hơn, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. “Nếu bảo tôi ngồi yên cũng không được, vì việc cứ tự nhiên đến”, chị Linh kể.

Ngày 8/8, chị cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ rút khỏi Bệnh viện dã chiến số 2. Kết thúc trận chiến đầu tiên trong mùa dịch Covid-19 này. Sau đó, chị có thể sẽ bước vào trận chiến mới, cam go, phức tạp hơn nơi đây. 

Khánh Hòa

Bổ sung: Sau khi đăng bài này, Google.tienlang nhận được 1 comment của bạn đọc Linh cho biết: Cách đây 1 giờ, Bs - Cô Tiên Đào Nguyễn Phương Linh có đăng trên trang fb cá nhân báo tin để mọi người khỏi lo lắng, rằng cô đã hồi phục rất nhanh...

Lúc 19h ngày 15/8/2021,Google.tienlang xin bổ sung video clip này cùng địa chỉ fb của Bs- Cô Tiên Linh:

====

Mời xem bài liên quan:

1. Nhân ngày 26/3: TỰ HÀO VÌ CHÚNG TÔI- NHỮNG THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN TRÊN MẶT TRẬN CHỐNG DỊCH

9 nhận xét:

  1. Tôi đề nghị Nhà nước phong tặng ngay và luôn Danh hiệu cao quý Anh hùng lao động cho Cô Tiên Đào Nguyễn Phương Linh.
    Vâng, ngay và luôn!
    Sự tuyên dương kịp thời sẽ có tác dụng rất lớn, khơi dậy tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.

    Trả lờiXóa
  2. Đừng hỏi thăm Bác Linh nhen!
    https://www.facebook.com/bsphuonglinh/videos/371464041137472/?__tn__=%2CO
    Bài báo sáng nay làm Bác Linh biết Bác Linh được thương yêu quá chừng!!!
    https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/bac-si-nhiem-covid-19-van-khong-roi-nhiem-vu-ngay-ngu-4-tieng-764083.html
    Cảm ơn mọi người Bác Linh rất khỏe và hồi phục rất tốt ạ.
    Yêu mọi người thật nhiều ❤ ❤ ❤
    #bsphuonglinh
    P/s: Đừng hỏi thăm nha mọi người ơi, tánh hay mủi lòng lắm, thương thương...
    https://www.facebook.com/bsphuonglinh/videos/371464041137472/?__tn__=%2CO

    Trả lờiXóa
  3. Nhất trí với bác Lê Đức17:44 15 tháng 8, 2021.
    Nhà nước phong tặng ngay và luôn Danh hiệu cao quý Anh hùng lao động cho Cô Tiên Đào Nguyễn Phương Linh.
    Vâng, ngay và luôn!
    Sự tuyên dương kịp thời sẽ có tác dụng rất lớn, khơi dậy tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.

    Trả lờiXóa
  4. Cô Tiên thật dễ thương

    Trả lờiXóa
  5. Lao lực, chỉ mong bệnh nhân và người nhà hiểu

    "Nội ơi, con nhớ nội kinh khủng. Tự nhiên, giữa giờ nước mắt chảy tràn. Nhớ cô Ba, nhớ mẹ. Nhà còn ba bà già khô héo vấn vít với nhau. Đứa lớn đi chống dịch, đứa nhỏ thì cách ly. Nuôi cả hai con làm bác sĩ nhưng chưa nhờ được cho gia đình" - đó là ít dòng trong "chiếc post giữa giờ" chia sẻ trên Facebook ngày 15-7 của bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh, khoa sơ sinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, hiện túc trực ở bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 số 2, Q.12, TP.HCM.

    Là bác sĩ nhi, Linh dành nhiều tâm sức cho các sản phụ và trẻ nhỏ tại đây. Nữ bác sĩ trẻ này đã trải qua nhiều câu chuyện, trong đó có cả tình huống nan giải hi hữu khiến tâm trạng rối bời.

    Đó là cảm giác lo lắng tột cùng của cô khi ngồi trong đêm tối chờ tin một thai phụ chuyển dạ ở khu cách ly được xe cấp cứu đưa về bệnh viện tuyến điều trị, chỉ còn biết thì thầm một nguyện ước với đất trời "con ơi con, ra đời bình an nhé". Để rồi sau đó chị lặng đi vì hạnh phúc khi được tin đứa trẻ đã chào đời bình yên.

    Bác sĩ Linh chỉ là một trong số rất nhiều nhân viên y tế đang "trực chiến" ở các "mặt trận" chống COVID-19 nóng bỏng hiện nay tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương trên cả nước.

    Vẫn biết trong cuộc chiến 3 tháng nay, "người lính" nào cũng sẽ kiên cường chịu đựng những mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sẽ không ai ta thán hay phàn nàn gì, nhưng sự đồng cảm và sẻ chia của cơ quan hữu trách và của chính những người đang được họ phục vụ chắc chắn sẽ giúp giảm bớt cho họ những áp lực không đáng có.

    Theo chị Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - học viên chương trình thạc sĩ công tác xã hội lâm sàng tại Mỹ, nhân viên y tế phải chịu rất nhiều áp lực và căng thẳng trong dịch. Đầu tiên là áp lực chăm sóc người bệnh, với nhân viên y tế chăm sóc người bệnh COVID-19 thì áp lực này lớn hơn. Căng thẳng vì môi trường làm việc nguy cơ cao, các y bác sĩ sẽ phải đối mặt nỗi lo mắc COVID-19 và ảnh hưởng tới gia đình.

    Chị Quỳnh vẫn nhớ tâm trạng khi lần đầu chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân COVID-19. Chị đã rất căng thẳng vì sợ nhiễm bệnh dù đã có đồ bảo hộ đầy đủ. Ngoài ra còn là sự căng thẳng vì kiệt sức thấu cảm. Nếu không chăm sóc tâm lý tốt rất dễ kiệt sức thấu cảm. Những nhân viên y tế không thể về nhà sẽ rất nhớ gia đình, đặc biệt những người có con nhỏ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Căng thẳng tâm lý ở mức cao

      Mới đây, trên tạp chí Frontiers công bố nghiên cứu "Các nhân tố nguy cơ căng thẳng tâm lý, những lo ngại và sự hỗ trợ sức khỏe tâm thần với các nhân viên y tế tại Việt Nam trong đại dịch COVID-19" do nhóm các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với các nhà khoa học quốc tế. Đây có lẽ là điều tra đầu tiên về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế sau đợt bùng dịch COVID-19 năm ngoái tại Việt Nam.

      Nghiên cứu thực hiện với các nhân viên y tế (58,2% là nữ) gồm những người công tác tại cả tuyến đầu (46,3%) và không phải tuyến đầu từ 22-4 đến 12-5 năm 2020. Họ đều đang sống tại các khu vực đã ghi nhận ca bệnh COVID-19 và đã làm việc tại các đơn vị điều trị thuộc cơ sở y tế cấp tỉnh trong thời gian từ 5 - 10 năm.

      Cuộc điều tra này cho thấy tình trạng căng thẳng tâm lý trong dịch COVID-19 ở mức cao. Trong số 761 người tham gia khảo sát, 34,3% có triệu chứng này. Hầu hết nhân viên y tế lo sợ bị phơi nhiễm COVID-19 rồi mang bệnh về nhà. Đáng chú ý, làm việc ở tuyến đầu có nguy cơ bị căng thẳng tâm lý tăng ít nhất gấp 2 lần so với những người không ở tuyến đầu.

      Trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam, chuyên gia tâm lý Phan Tường Yên (cố vấn dự án và quản lý đào tạo tại Tổ hợp tâm lý Saigon Psychub) có điều kiện trò chuyện sâu với một số nhân viên y tế để hiểu thêm về những khó khăn tinh thần của họ.

      Chị thấy hầu hết những căng thẳng cấp tính xảy đến do các thay đổi đột ngột về cường độ công việc cũng như tính chất công việc. Các bác sĩ chia sẻ với chị Yên là họ không chỉ "quay cuồng trong công việc" hay "làm việc 200% công suất" mà còn phải làm những việc trước đây chưa hề làm.

      Nếu y bác sĩ tại các bệnh viện hoạt động chuyên môn tập trung với quy mô hẹp của chuyên khoa thì nay họ phải chăm sóc bệnh nhân toàn diện như cho bệnh nhân ăn, đi vệ sinh, thậm chí với một số bệnh nhân ốm yếu còn hỗ trợ tắm gội nữa.

      "Các căng thẳng mãn tính hay tổn thương tinh thần là thứ đáng sợ hơn, bởi nó có thể đem đến nguy cơ kiệt sức hay sang chấn. Các vấn đề này lại đến từ các căn nguyên khác: sự kỳ thị, sự mất mát và việc thiếu không gian, thời gian chăm sóc bản thân" - chuyên gia tâm lý Phan Tường Yên nói.

      Cân bằng bản thân bằng nhiều cách

      Theo chị Xuân Quỳnh, nhân viên y tế có thể ứng phó với căng thẳng tâm lý bằng cách chăm sóc bản thân. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc duy trì tối đa lịch sinh hoạt hằng ngày có thể giúp cân bằng tâm lý của nhân viên y tế. Dù bận rộn, nhân viên y tế nên cố gắng duy trì tập thể dục, ăn uống đầy đủ và dành ít nhất 20 phút/ngày cho các hoạt động thư giãn họ vốn đã làm trước đây theo sở thích như đọc sách, nghe nhạc...

      Khi nhận ra mình quá căng thẳng và mệt mỏi, các bài tập thở sau có thể giúp giữ bình tĩnh. Các bài tập thiền chánh niệm (dù chỉ 5 phút mỗi ngày) đã được chứng minh giúp giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe tinh thần nhân viên y tế. Sự động viên, hỗ trợ của gia đình, đồng nghiệp và những người xung quanh sẽ giúp cảm giác mình không đơn độc.

      Xóa
  6. Ngày 16/8
    Trong 24h giờ qua, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.652 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 8.644 ca ghi nhận trong nước.
    Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 930 ca. Tại TP.HCM giảm 1.175 ca, Bình Dương tăng 164 ca, Long An tăng 85 ca, Đồng Nai tăng 42 ca, Khánh Hòa tăng 96 ca.

    Trả lờiXóa
  7. Chuyện cảm động của một bác sĩ trẻ bị nhiễm Covid-19…
    Chẳng may bị nhiễm Covid-19 trong lúc làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, điều mà bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hàng lo sợ nhất là không thể tiếp tục nhận nhiệm vụ trong "trận chiến" này. Cũng chính vì thế, bác sĩ trẻ này càng có thêm động lực chiến thắng Covid-19 thật nhanh và quay lại tuyến đầu chống dịch ngay khi khỏi bệnh.

    Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Huế, bác sĩ Nguyễn Văn Hàng (26 tuổi) vào công tác tại một phòng khám chuyên khoa ở TP.HCM. Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, bác sĩ Hàng đã đi vào “trận chiến” như bao bác sĩ và đội ngũ y tế khác.
    https://thanhnien.vn/gioi-tre/chuyen-cam-dong-cua-mot-bac-si-tre-bi-nhiem-covid-19-1431555.html

    Trả lờiXóa
  8. Nữ hộ sinh tăng cường ở bệnh viện dã chiến Bình Dương tử vong vì Covid-19
    Một nữ hộ sinh đang mang bầu đang tăng cường tại bệnh viện dã chiến ở Bình Dương được xác định mắc Covid-19, dù được điều trị tích cực nhưng đã tử vong.

    Bình Dương yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện mở cổng cấp cứu 24/24 giờ
    Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ 5 bệnh viện từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân tử vong
    Trung tâm Hồi sức Covid-19 Quốc gia ở Cần Thơ bắt đầu nhận bệnh nhân
    Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương hôm nay cho hay, đơn vị vừa ghi nhận một trường hợp nữ hộ sinh làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh tử vong do mắc Covid-19.

    Trường hợp này là chị D.N.T.T (32 tuổi, nhân viên khoa sản thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương).

    Nữ hộ sinh tăng cường ở bệnh viện dã chiến Bình Dương tử vong vì Covid-19
    Khu vực nữ hộ sinh làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19
    Chị T hiện đang phục vụ tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ở phường Phú Chánh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), tử vong vào ngày 16/8.

    Trong ngày 17/8, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương đã gửi thư chia buồn với gia đình bệnh nhân.

    Theo đó, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình người thân của nữ hộ sinh, mong gia đình sớm cùng nhau vượt qua nỗi đau mất mát lớn lao này.

    Trong niềm tiếc thương vô hạn, gia đình và các đồng nghiệp vẫn mãi tự hào về người chiến sĩ áo trắng, đã ra đi trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

    Trong thư, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương viết: “Cái chết đối với từng người vốn dĩ là một hành trình sự cô đơn không thể chia sẻ cùng ai. Nay điều khủng khiếp nhất của đại dịch Covid-19 không chỉ là chia cắt tình thân, cắt đứt mọi sự giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm và bị chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng.

    Nữ hộ sinh và những bệnh nhân không may đã phải chấm dứt sự sống của mình trong sự tàn nhẫn của cái chết do đại dịch Covid-19. Chúng tôi đau xót nhưng cũng tự hào vì sự hi sinh của một người đồng nghiệp sẽ góp phần mang lại cuộc sống cho rất nhiều người ở lại”.

    Người đứng đầu ngành y tế Bình Dương cũng kêu gọi mọi người hãy biến đau thương thành hành động, mỗi người một mặt trận, mỗi người một nhiệm vụ cùng chung sức đồng lòng để chiến thắng “giặc Covid-19”, nhất định chấm dứt những ngày tháng đau thương này. Nhất định phải đem lại cuộc sống mạnh khỏe, an vui cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn thể dân tộc Việt Nam.

    Được biết, nữ hộ sinh này đang mang thai nên chưa tiêm vắc xin. Sau khi phát hiện mắc Covid-19, các bác sĩ đã tận tình điều trị, cứu chữa nhưng bệnh tình bệnh nhân trở nặng dẫn đến tử vong.

    Khu vực nữ hộ sinh đang phục vụ là bệnh viện dã chiến được thiết lập tại Bệnh viện tâm thần (thuộc phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên). Nơi đây có nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nặng và rất nặng).
    https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nu-ho-sinh-tang-cuong-o-benh-vien-da-chien-binh-duong-tu-vong-vi-covid-19-766854.html

    Trả lờiXóa