Ngày 23/9/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền
lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Google.tienlang trân
trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn văn Quy định này.
************
BỘ CHÍNH TRỊ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
--------------- Hà Nội,
ngày 23 tháng 9 năm 2019
Số: 205-QĐ/TW
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ
VÀ CHỐNG CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XII,
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các
nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng, Bộ Chính trị quy định
về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền
như sau:
I- QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về việc kiểm soát quyền lực
trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
2. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có
liên quan trong công tác cán bộ.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của
tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch,
đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng
cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết
khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
2. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc
sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác
cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định
của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền,
lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những
việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.
3. Cơ quan được giao thực hiện công tác cán bộ bao
gồm:
- Cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định về công tác
cán bộ, nhân sự theo thẩm quyền là cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa
phương, cơ quan, đơn vị.
- Ban tổ chức của cấp ủy, cơ quan tổ chức - cán bộ,
cơ quan nội vụ, các cơ quan được giao phối hợp trong công tác đề xuất, nhận
xét, đánh giá, thẩm định cán bộ.
4. Nhân sự là người đang được các cấp có thẩm quyền
xem xét, thực hiện quy trình công tác cán bộ.
II- KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ
Điều 3. Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh
đạo địa phương, cơ quan, đơn vị
1. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc
các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; thường xuyên tự
kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế,
khuyết điểm trong công tác cán bộ thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được
giao.
2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm
quyền các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Quy định cụ thể trách nhiệm của
tập thể, cá nhân; quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai,
minh bạch trong từng khâu về công tác cán bộ.
3. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan tham
mưu, giúp việc, các cơ quan cấp dưới và cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý
trong thực hiện nhiệm vụ về công tác cán bộ. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm
minh những hành vi vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ
và Quy định này.
4. Bảo vệ và khen thưởng kịp thời cá nhân phát hiện,
phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ. Xử lý nghiêm những người lợi dụng
việc này để tố cáo hoặc lan truyền các thông tin sai sự thật nhằm hạ uy tín người
khác.
5. Điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những
người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một
địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết.
6. Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ,
chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức
danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban
kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ,
thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng
đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ
quan, đơn vị.
Điều 4. Đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập
thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị
1. Thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của
mình trong công tác cán bộ. Phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực đến
cấp có thẩm quyền những nội dung có liên quan đến nhân sự mà cá nhân được phân
công theo dõi, quản lý. Thể hiện rõ chính kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến của
mình, được bảo lưu ý kiến.
2. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc
làm trái với các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ.
3. Chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân
sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có
liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách. Với tư cách là thành viên, chịu
trách nhiệm liên đới đối với từng quyết định không đúng về công tác cán bộ của
tập thể lãnh đạo, trừ trường hợp đã có ý kiến không đồng ý trong quá trình thực
hiện quy trình công tác cán bộ và báo cáo cấp có thẩm quyền bằng văn bản (hoặc
ý kiến đã được ghi nhận trong biên bản cuộc họp).
4. Tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể
lãnh đạo quản lý khi có người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con
dâu, con rể, anh chị em ruột) là người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực
hiện quy trình công tác cán bộ.
5. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm
trong công tác cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực thuộc thẩm quyền
được giao quản lý, phụ trách.
6. Nghiêm cấm các hành vi sau:
a) Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ
cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất
là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy
trình công tác cán bộ.
b) Xen ghép ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn,
điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng
sự thật nhằm vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu thực hiện
quy trình công tác cán bộ.
c) Để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ,
con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín
của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ.
d) Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy
định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.
đ) Các hành vi quy định tại Điều 10 và Điều 11 Quy
định này.
Điều 5. Đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng,
địa phương, cơ quan, đơn vị
Ngoài việc thực hiện các nội dung tại Điều 4, còn
phải thực hiện:
1. Chỉ đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định,
quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Công khai, minh bạch các nội dung về
công tác cán bộ cho các đối tượng có liên quan theo quy định. Chỉ đạo chuẩn bị
đầy đủ hồ sơ nhân sự và cung cấp cho các thành viên liên quan theo quy chế làm
việc của cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị hoặc quy định của cấp có thẩm quyền.
Sau khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền, chỉ đạo thực hiện quy trình nhân sự
đúng thời gian quy định.
2. Triệu tập đầy đủ, đúng thành phần theo quy định
khi họp bàn về công tác cán bộ; dành thời gian thoả đáng để tập thể thảo luận
thật sự dân chủ; không được có biểu hiện vận động, tranh thủ, dẫn dắt, thao
túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người
khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình.
3. Đề xuất rõ ràng, cụ thể về yêu cầu, tiêu chuẩn,
cơ cấu, điều kiện, quy trình giới thiệu, đánh giá nhân sự. Kết luận đầy đủ,
chính xác, trung thực, khách quan những nội dung thảo luận và chịu trách nhiệm
về kết luận của mình khi chủ trì hội nghị về công tác cán bộ.
4. Bố trí thời gian, không gian bảo đảm cho các
thành viên độc lập, khách quan khi ghi phiếu biểu quyết, phiếu giới thiệu, phiếu
tín nhiệm. Không vận dụng các cách thức biểu quyết khác quy định.
5. Báo cáo kịp thời, đầy đủ, trung thực, khách
quan, đúng bản chất ý kiến của tập thể lãnh đạo với cấp có thẩm quyền, nhất là
những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về công tác cán bộ.
6. Kể từ khi có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc
chuyển công tác, phải báo cáo bằng văn bản và phải được cấp trên trực tiếp đồng
ý trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp.
Điều 6. Đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị
được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định
của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ và Quy định này.
- Chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng, tập
thể lãnh đạo đối với những đề xuất, nhận xét, đánh giá, thẩm định nhân sự, hồ
sơ nhân sự.
- Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo kịp thời, đầy đủ, trung
thực cho cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo những ý kiến khác nhau về nhân
sự của các cơ quan được giao thực hiện công tác cán bộ.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với cán bộ được
giao làm công tác cán bộ thuộc cơ quan, đơn vị mình. Kịp thời phát hiện, xử lý
nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công
tác cán bộ và Quy định này.
Điều 7. Đối với cán bộ tham mưu, đề xuất
1. Nắm vững, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các
nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; tình hình và yêu cầu
về cán bộ ở địa bàn, lĩnh vực được phân công theo dõi. Bảo đảm khách quan, công
tâm, trung thực, chính xác, thận trọng, chặt chẽ trong tham mưu về công tác cán
bộ.
2. Chịu trách nhiệm về đề xuất của mình và tính
chính xác, kịp thời của hồ sơ nhân sự. Báo cáo bằng văn bản với cấp có thẩm quyền
về nhân sự và phương án nhân sự thuộc địa bàn được phân công theo dõi.
3. Kịp thời phát hiện, báo cáo bằng văn bản với cấp
có thẩm quyền những dấu hiệu tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở địa
bàn, lĩnh vực được phân công theo dõi và kiến nghị việc xử lý.
4. Chấp hành Khoản 5, Điều 3 và Khoản 2, 4, 6 Điều
4 Quy định này.
5. Nghiêm cấm các hành vi:
a) Nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời
gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự.
b) Các hành vi quy định tại Điều 10 và Điều 11 Quy
định này.
Điều 8. Đối với nhân sự
1. Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác, rõ ràng hồ
sơ lý lịch đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và kê khai trung thực tài sản,
thu nhập theo quy định.
2. Tự giác không ứng cử, không nhận đề cử, quy hoạch,
bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, khen thưởng, chế độ, chính sách nếu bản
thân thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khoẻ.
3. Nghiêm cấm việc trực tiếp hoặc thông qua người
khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để phát tán thông tin
không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người
khác trong công tác cán bộ.
4. Nghiêm cấm các hành vi quy định tại Điều 10 Quy
định này.
Điều 9. Xử lý trách nhiệm
1. Tập thể, cá nhân vi phạm các nội dung nêu tại Điều
3 và Điều 6 của Quy định này thì phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể,
cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định.
2. Cán bộ, đảng viên (kể cả những người đã chuyển
công tác hoặc nghỉ hưu) vi phạm các nội dung nêu tại các Điều 4, 5, 7, 8 của
Quy định này thì bị xử lý theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang
công tác còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau:
a) Đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm
công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
b) Tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm
quyền việc quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong,
thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn hoặc tương đương, công nhận
chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng.
c) Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về
công tác cán bộ.
III- CHỐNG CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN
Điều 10. Hành vi chạy chức, chạy quyền
1. Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc
người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích
có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
2. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết,
sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh
nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp
xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền
hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí,
chức vụ, quyền lợi.
3. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng
lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức
ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc
người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một
nhóm người.
4. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc
thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người
có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.
5. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích
công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức,
cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
6. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị
trí, chức vụ, quyền lợi.
Điều 11. Hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức,
chạy quyền
1. Biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền
nhưng che giấu, thoả hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp
có thẩm quyền xử lý.
2. Không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không
báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự
có hành vi chạy chức, chạy quyền.
3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh
hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết
định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu
nhân sự theo ý mình.
4. Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không
đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử,
lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để
đạt mục đích cá nhân.
5. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc
chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công
tác cán bộ.
6. Trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp
cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng.
7. Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho
nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền nêu tại Điều 10 Quy định
này.
8. Các hành vi khác nhằm bao che, tiếp tay cho chạy
chức, chạy quyền.
Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống
chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền
1. Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người
đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình
có trách nhiệm:
a) Phát hiện, tiếp nhận thông tin liên quan hành vi
chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và xử lý
theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
b) Cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý hành vi chạy chức,
chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền ở cơ quan, đơn vị mình.
c) Bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân
phát hiện, phản ánh, tố cáo đúng các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp
tay cho chạy chức, chạy quyền; đồng thời, xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự
thật làm ảnh hưởng uy tín người khác.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị
- xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của
mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức,
chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng
thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định.
3. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng
nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ
quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy
chức, chạy quyền.
Điều 13. Xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao
che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền
1. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành
vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị
xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác tuỳ
theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau:
a) Bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ
(nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 18 tháng kể từ ngày đưa ra
khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác
tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
b) Bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp ủy,
thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có
trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định cho thôi
cấp ủy, chức vụ mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác
tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
c) Bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu
đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi
quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham
mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
d) Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi
việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao
che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc
các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải
chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật;
nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.
IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo của địa
phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức quán triệt và cụ thể hoá theo thẩm quyền để thực
hiện nghiêm Quy định này. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và hằng năm báo cáo cấp
trên trực tiếp kết quả thực hiện.
2. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ
đạo rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành các văn bản pháp luật có liên quan, bảo
đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định này.
3. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với
Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc
ban hành mới khung xử lý hành vi vi phạm nêu trong Quy định này.
Ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp thường xuyên kiểm
tra, giám sát việc thực hiện Quy định; xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề
nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân vi phạm.
4. Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dân cử trong phạm vi nhiệm
vụ, quyền hạn của mình, xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện việc giám sát
công tác cán bộ và việc thực hiện Quy định này; đề xuất cơ quan có thẩm quyền
xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm được phát hiện qua giám sát và phản ánh của
nhân dân.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, phổ biến, quán triệt và tuyên truyền
việc thực hiện Quy định.
6. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các
cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định;
hằng năm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, phổ biến đến
chi bộ.
Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu phát hiện
có vướng mắc và cần bổ sung, sửa đổi thì báo cáo Bộ Chính trị (qua Ban Tổ chức
Trung ương) xem xét, quyết định”.
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
TỔNG BÍ THƯ
Nguyễn Phú Trọng
Đã có một thời gian dài Đảng đã buông lỏng công tác cán bộ khiến nạn Con ông cháu cha, chạy chức chạy quyền nở rộ, khuynh đảo chế độ.
Trả lờiXóaVới Quy định mới này, chúng ta có quyền hy vọng những vấn nạn nêu trên sẽ được phòng ngừa từ xa và chặn đứng!
Bác Cựu chiến binh nói rất chính xác
XóaXin chép bài thơ tôi viết dịp Tết năm 2015, để tỏ sự đồng tình của một đảng viên với Trung ương Đảng.
Trả lờiXóaCHÀO XUÂN
Xin chào mùa xuân hai ngàn mười lăm
Đất nước 40 xuân liền dãi cờ hồng,
Kháng chiến 31 năm thống nhất non sông.
Thỏa ước mong vị Cha già dân tộc.
Lời Bác dạy lấy dân làm gốc
Vì nhân dân - trên hết mọi lợi quyền.
Lời thề xưa là lời hịch thiêng liêng
Đảng vì dân nên nhân dân tin Đảng.
Chủ nghĩa Mác truyền cho ta ánh sáng
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi nẻo đường
Học Đạo đức Người, theo mãi tấm gương,
Trong sáng lòng ta, bao la Đất Việt.
Hãy nhớ lấy lời Bác Hồ tha thiết
Ngày hôm nay và tận mãi mai sau,
Muốn non nước này bền vững dài lâu
Người Cộng sản phải luôn luôn gương mẫu.
Phải bỏ hết những thói hư tật xấu
Quyết làm người vì nước, vì dân.
Đừng vì "ta" mà coi rẻ nhân quần
Người như thế đâu chỉ là đáng trách.
Người như thế phải tẩy trang quét sạch
Đất thêm tươi, hoa thêm tỏa ngát hương
Nước mới lên hạnh phúc, hùng cường,
Tổ quốc mãi Bài ca đầy sức sống.
Mừng xuân mới 40 năm sống động,
Đời vui chung hạnh phúc khắp mọi nhà,
Đảng Cộng sản vinh quang, mãi khúc ca.
Việt Nam đất nước nở hoa, xin chào!
Xuân Ất Mùi 2015
Trước lúc đi xa, Hồ Chủ tịch viết trong Di chúc, tiếp tục soi sáng việc nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhằm xây dựng “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trả lờiXóaLời dạy của Bác vẫn nguyên tính thời sự.
Phải loại bỏ bất cứ đảng viên nào ra khỏi đội ngũ nếu kẻ đó đi ngược lại lời dạy của Bác!
Bạn nói rất đúng, tôi cũng nghĩ vậy
XóaThưa bác Người Đất Thép!
Trả lờiXóaCháu đến với Google.tienlang cách đây chưa lâu nên chưa rõ nhiều về bác Thép.
Hôm nay, vô tình cháu đọc bài BÁC HỒ VÀ BÔNG SEN của bác Thép trên Google.tienlang, cháu vô cùng kính phục bác!
Cảm ơn bác vì bài có nhiều tư liệu quý!
---
Ngày nay Bác Hồ đã đi xa, nhưng mỗi người dân Việt vẫn giữ sâu nặng tình yêu quý kính trọng Người, vẫn nhớ, vẫn hát:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
----
http://googletienlang2014.blogspot.com/2017/05/bac-ho-va-bong-sen.html
Mến gửi: Cháu Vân Anh,
Trả lờiXóaCảm ơn cháu đã dành tình cảm quý mến cho bác.
Bác không phải là nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp. Chuyện viết lách đối với bác chỉ là 'nghiệp dư' để giải bày suy nghĩ của mình đối với những điều từ cuộc sống. Bác viết từ khi còn công tác, khi nghỉ hưu có thời gian rỗi nên viết nhiều hơn, đặc biệt dành thì giờ nghiên cứu viết về Bác Hồ và công tác Đảng. Đa phần bài bác gửi, được tòa soạn chọn đăng. Từ những bài ấy bác chọn lại in sách để tặng bạn bè và lưu giữ cho ngày sau. Sách về Bác Hồ và công tác Đảng có 2 tập, mỗi tập trên dưới 300 trang. Nhiều bạn bè đọc sách này rất thích, có phản hồi dành tình cảm tốt đối với tác giả. Có điều khi chọn bài in sách, Nhà xuất bản góp ý với bác không đưa vào sách những bài có nội dung phản biện, nên nhiều bài loại này không có trong sách.
Bác nghĩ chắc cháu thích đọc về Bác Hồ, phải không?
Nếu liên lạc được bác sẽ gửi tặng cháu 2 cuốn sách này.
Bác không thể đưa địa chỉ lên đây. Nếu cháu cần thì nhờ cháu Lê Hương Lan địa chỉ của bác.
Chúc cháu vui khỏe, làm việc đạt nhiều thành tích tốt.
Bác Người Đất Thép
Bác Thép cứ gửi từng bài về Cụ Hồ tương tự bài BÁC HỒ VÀ BÔNG SEN cho các bạn trẻ chủ trang để đăng trên Google.tienlang, bác ạ.
XóaViết về Bác Hồ, không chỉ thời điểm sinh nhật Bác mà phải viết, phải đăng liên tục về Bác Hồ.
Tôi không có khả năng viết như bác Thép.
Rất mong được đọc các bài của bác Thép về Bác Hồ theo các chủ đề sau.
1. Vì sao người dân miền Tây Nam bộ, đặc biệt là miệt Đồng Tháp (ví dụ như Anh Hùng Nguyễn Văn Bẩy) lại có tình cảm đặc biệt sâu đậm với Bác Hồ?
Ngay từ thời còn Mỹ ngụy, bà con đã tự nguyện xây dựng Đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc, bất chấp sự ngăn cản của Mỹ ngụy? Giặc phá thì lại xây?
“Tao học lớp ba chưa xong, làm bốn phép tính cộng trừ nhân chia chưa rành, nhờ có Đảng, nhờ có cách mạng, nhờ Bác Hồ, mà tao được học hết kiến thức lớp 10, được làm phi công lái máy bay phản lực. Tới ông bà cố nội tao, tía má tao còn không dám nghĩ tới điều ấy. Nếu Nhà nước không tin tưởng tao, không giao máy bay MiG-17 cho tao, làm sao tao trở thành Anh hùng”- Cụ Bẩy nói với 1 phóng viên.
1. Bác Hồ với con đường cho dân tộc VN lên chủ nghĩa xã hội.
XóaHiện nay, có không ít quan chức nghi ngờ con đường lên CNXH.
Vậy Bác Hồ đã từng viết thế nào về vấn đề này?
Tôi cũng nghĩ Bác Thép cứ gửi từng bài về Bác Hồ cho chủ trang là được
XóaViết về chuyên cơ đi cho nó mang hơi thở cuộc sống!
Trả lờiXóaBạn parliment10:40 28 tháng 9, 2019 nói "chuyên cơ" nào?
XóaChuyên cơ của bà Chủ tịch QH chở 9 tên đào tẩu?
Vụ đó có gì hay ho?
Làm trò cười cho thiên hạ rồi còn gì?
Một quyết định đúng đắn và kịp thời
Trả lờiXóaBạn Cựu Chiến binh thân mến,
Trả lờiXóaTôi chưa viết bài nào về chuyện người dân Đồng bằng Cửu Long lập Đền thờ Bác Hồ thời còn ngụy quyền. Loại bài này tôi chỉ đọc trên báo chứ không tìm tư liệu để viết.
Tôi viết về Bác Hồ khá nhiều, có bài dài Tòa soạn phải đăng 2,3 kỳ, có bài ngắn tùy theo đề tài cụ thể, số lượng khoảng 60, 70 bài. Gần đây tôi hạn chế ngồi gõ vi tính nên ít viết như vài năm về trước.
Không biết cháu Lê Hương Lan có đồng ý đăng dần không?
Tôi có thể gửi cho Google.tienlang dần hoặc nhiều bài một lúc.
Tôi sẽ gửi trước 3 bài:
1. Tìm hiểu Tuyên ngôn độc lập.
2. Học thơ Bác Hồ chúc tết trong trại giam tù binh Phú Quốc.
3. Bác Hồ muôn năm.
Hai cuốn sách tôi in có nhan đề "Nguyện làm người học trò nhỏ của Bác Hồ" (tập 1 và 2) mỗi tập có 2 phần:
Phần một: Bác Hồ luôn ở trong trái tim tôi. (Lấy tên một bài viết cho phần này).
Phần hai: Đảng ta là đạo dức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no. (Lời của Bác Hồ).
Khi in xong, NXB có gửi lại bản lưu theo yêu cầu của tôi. Vừa rồi, máy tính của tôi bị hư bộ nhớ, mất hết bài lưu trữ. Nhờ thợ tìm lấy lại tư liệu lưu trong máy, khá vất vả, ít người làm được. Khi tìm người giúp được thì chỉ lấy lại một số bài, còn thiếu khá nhiều, vì tôi lưu nhiều bài trong nhiều tệp, những tệp không tìm được trong đó có tệp lưu bài 2 cuốn sách trên. Nhưng chắc NXB còn lưu giữ? Tôi sẽ liên hệ xin lại và sẽ gửi cả cho cháu Hương Lan sau. Còn nhiều bài khác viết về Bác Hồ đã tìm được ở các tệp khác, và khi cần thì tôi nhờ Tòa báo gửi lại những bài đã đăng rồi gửi cho G TL.
Chúc bạn Cựu Chiến binh sức khỏe, may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.
Gửi Lê Hương Lan và bạn Cựu Chiến binh,
Trả lờiXóaTôi đã gửi cho Hương Lan mấy bài về Bác Hồ và một bài nhan đề: "Bàn về Nhận thức và Tuyên truyền". Bài này cũ nhưng vẫn còn mang tính thời sự. Tôi vừa bổ sung thêm một sự việc mới xảy ra ở Hà Nội để dẫn chứng. Và đã gửi lại.
Hương Lan cho biết ý kiến, gửi vào Mail của tôi.