Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

CẨN TRỌNG KHI VIẾT VỀ BÁC HỒ

Lời dẫn của Google.tienlang: Trên Google.tienlang mấy ngày qua có một số tranh luận của nhiều người với bác Người Đất thép. Google.tienlang xin lấy ý kiến bác Cựu Chiến binh để thay lời dẫn:

Cựu Chiến binh20:23 12 tháng 2, 2022

Tôi thấy xuất phát điểm cuộc tranh cãi mấy ngày nay bắt nguồn từ chuyện Cụ Thép muốn thảo luận về bài báo của Cụ Thép từng đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ an nhan đề "CẨN TRỌNG KHI VIẾT VỀ BÁC HỒ" đưa nguyên văn bài "Gà hóa vịt, không thành có...và sự thật" của ông Hồ Quang Chính vào bài và nêu ý kiến cá nhân của tác giả. Bài này Tạp chí VHNA đăng số 424, ngày 10-11-2020, (tr.37 - 41).
Tôi thấy cụ Thép bức xúc từ mấy năm nay về chuyện này.

Tôi nghĩ, Google.tienlang là trang mạng nghiêm túc, tôn trọng tự do ngôn luận, không thiên vị ai.
Vậy nên chăng Cụ Thép gửi lại nguyên văn bài "CẨN TRỌNG KHI VIẾT VỀ BÁC HỒ" và tôi đề nghị chủ trang Google.tienlang cho đăng công khai bài này để chúng ta cùng thảo luận.

Ngay dưới đề xuất của bác Cựu Chiến binh, chị Lê Hương Lan- Tổng Biên tập Google.tienlang đã comment:

-----

Thay mặt Ban Biên tập, cháu đồng ý với đề xuất trên của bác Cựu Chiến binh "Tôi nghĩ, Google.tienlang là trang mạng nghiêm túc, tôn trọng tự do ngôn luận, không thiên vị ai.
Vậy nên chăng Cụ Thép gửi lại nguyên văn bài "CẨN TRỌNG KHI VIẾT VỀ BÁC HỒ" và tôi đề nghị chủ trang Google.tienlang cho đăng công khai bài này để chúng ta cùng thảo luận."

Cháu Kính mong Bác Thép cũng đồng ý!

-----

Bác Người Đất thép đã đồng ý với đề xuất của bác Cựu Chiến binh và gửi bài cho chúng tôi. Google.tienlang không hiểu vì sao đến nay, bài“CẨN TRỌNG KHI VIẾT VỀ BÁC HỒ”của bác Thép trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An không còn nữa, nhưng lại vẫn còn bài phản biện với tiêu đề "Trao đổi với ông Nguyễn Hải Phú: Hãy cẩn trọng khi phê phán người khác" của tác giả Sơn Định (con trai nhà văn Sơn Tùng- người viết cuốn sách Mẹ Về) đăng vào ngày Thứ ba, 24 Tháng 11 2020 14:58 trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An. 

Tôn trọng tính đa chiều, Google.tienlang xin đăng bài "CẨN TRỌNG KHI VIẾT VỀ BÁC HỒ" do bác Người Đất thép gửi cho chúng tôi và cũng sẽ đăng bài "Trao đổi với ông Nguyễn Hải Phú: Hãy cẩn trọng khi phê phán người khác" ở bài tiếp theo.

Dưới đây là bài "CẨN TRỌNG KHI VIẾT VỀ BÁC HỒ"  do bác Người Đất thép gửi cho chúng tôi.

********

Lời tác giả:

Đối với nhà văn Sơn Tùng, tôi kính trọng ông là đàn anh, bậc thầy trong nghề viết văn. Bài “CẨN TRỌNG KHI VIẾT VỀ BÁC HỒ”  với mục đích cung cấp một tư liệu quý cho độc giả hiểu rõ về lần BÁC HỒ gặp người chị tại Phủ Chủ tịch tháng 10-1946, hoàn toàn không có ý đả kích nhà văn Sơn Tùng - đặc biệt khi đăng bài này lên Google.tienlang vào thời điểm ông Sơn Tùng đã quá cố.

Nhân dịp này, xin chân thành chia buồn cùng anh Sơn Định, con nhà văn Sơn Tùng và gia quyến.

Yêu cầu người đọc khi có ý kiến nhận xét vào dưới bài, cần cân nhắc câu chữ, tôn trọng nhà văn Sơn Tùng, ông Hồ Quang Chính và tác giả.

Tôi đề nghị chủ trang Google.tienlang xóa những comments có lời lẽ không xây dựng, thiếu văn hóa, không tôn trọng những người liên quan trong bài này.                                         

                                                                               Người Đất Thép

                              CẨN TRỌNG KHI VIẾT VỀ BÁC HỒ

                                                                                  

          Hiện nay có rất nhiều sách báo viết về Bác Hồ, chúng ta gặp trường hợp một sự việc nhưng ở từng tác giả nêu trái ngược nhau. 

          Người viết bài này từng tìm kiếm tư liệu để viết một số bài báo về cuộc đời hoạt động cách mạng và chuyện gia đình Bác Hồ với người chị ruột là bà Nguyễn Thị Thanh và người anh cả là ông Nguyễn Tất Đạt. Từ bài viết ấy, tác giả được tiếp xúc với một độc giả là ông Hồ Quang Chính nên có thêm tư liệu để nghiên cứu kỹ hơn (*).

(Ảnh lấy ở tập thơ Hoa tâm của ông Chính)

                                                Ông Hồ Quang Chính

                                      (Ảnh lấy ở tập thơ Hoa tâm của ông Chính)          

Theo ông Hồ Quang Chính viết trong bài “Gà hóa vịt, không thành có, từ sự thật…”, chỉ ra cuốn sách “Mẹ về” của nhà văn Sơn Tùng có nhiều điểm sai.

Xin chép lại toàn bộ bài “Gà hóa vịt, không thành có, từ sự thật…”:

“Tháng 10-1946, anh Nguyễn Sinh Thọ và tôi đang học lớp Mật mả (Khóa I) do Bộ Tổng tham mưu mở tại Hà Nội (đường Ôn Như Hầu, nay là đường Nguyễn Gia Thiều). Ngày 27-10-1946, chúng tôi được bà Thanh (chị ruột Bác Hồ) cho đi theo đến Bắc Bộ phủ (số 2 đường Ngô Quyền, Hà Nội, nơi Bác Hồ làm việc (nay là nhà khách Chính phủ), để gặp Bác Hồ. Bà Thanh và chúng tôi được Bác Hồ tiếp tại căn phòng bên cạnh phòng làm việc của Bác ở tầng 2. Gặp nhau gần 40 năm xa cách, chị em Bác Hồ trò chuyện với nhau rất thân mật, vui vẻ và đầy cảm động trong hơn nửa tiếng đồng hồ, chủ yếu là chuyện gia đình, bà con, anh em ở quê hương, những kỷ niệm thân thương của hai chị em Bác. Lúc đó đã quá trưa Bác Hồ mời bà Thanh (có cả chúng tôi) ở lại chơi đến chiều để ăn cơm với Bác, có mời cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng dự, nhưng bà Thanh từ chối vì thấy Bác Hồ đang bận nhiều công việc quan trọng. Trong dịp gặp gỡ này, bà Thanh biếu Bác Hồ 2 con gà của bà nuôi và một chai tương Nam Đàn, Bác Hồ vui vẻ đáp: “Cám ơn chị và hai cháu, tương thì để thỉnh thoảng mời cụ Huỳnh cùng ăn cho vui, gà để nuôi cho nó đẻ trứng”. Bác Hồ đành lưu luyến tiễn bà Thanh và hai chúng tôi ra về. Sau đó văn phòng Chính phủ cho xe ô tô đưa hai chúng tôi về đơn vị ở đường Ôn Như Hầu, và đưa bà Thanh về nhà một người bà con ở Hà Nội. Ngày hôm sau, anh Thọ ra ga Hàng Cỏ tiễn bà Thanh về lại Nghệ An. Câu chuyện Bác Hồ gặp chị ruột của Người cuối năm 1946 chỉ có như vậy. Cũng xin nói thêm: sau lần được đi theo bà Thanh vào thăm Bác Hồ, chúng tôi còn được gặp Bác 4 lần nữa tại Bắc Bộ phủ từ 3-11-1946 đến 10-11-1946: một lần được đi với ông Cả Khiêm (anh ruột Bác Hồ), hai lần được Bác cho phép, và ngày 10-11-1946 trước lúc rời Hà Nội về đơn vị công tác và chiến đấu chúng tôi vào chào Bác, Bác tặng huy hiệu cho hai chúng tôi, Bác ghi lưu niệm cho tôi. Từ năm 1949 đến cuối năm 1952, tôi gửi ba lần thư lên Bác, được Bác gửi thư trả lời và 2 lần tặng ảnh của Người cho tôi. (Những kỷ vật quý báu này hiện nay tôi còn giữ, kèm theo bản sao chụp). Đặc biệt, tháng 5-1950, tôi đã mời Bác đến thăm lớp Mật mả của Bộ Tổng tham mưu mở do tôi phụ trách, nhân Bác đi công tác qua địa điểm lớp học ở An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên). Tất cả các lần được gặp Bác nói trên, đã được đăng trong tập Hồi ký “Bác Hồ gặp chị và anh ruột” do  nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 1997, tái bản năm 1999. Riêng câu chuyện Bác Hồ gặp chị ruột của Người đã được báo Nhân dân đăng từ 18-5-1984 số 10915; ở đây chúng tôi cũng xin báo cáo chi tiết quan trọng: để được đăng báo Nhân dân, tôi đã trực tiếp gặp đồng chí Hồng Hà (Tổng biên tập báo Nhân dân) hai lần; đồng chí bảo tôi gặp thêm đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ. Khi tôi gặp đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí nói: “Tôi đã đọc kỹ bài hồi ký của đồng chí, tôi thấy đúng như vậy, vì tôi có nghe nhiều người nói từ lâu. Đặc biệt có lần (khoảng năm 1959 – 1960) tôi có được Bác Hồ cho biết: “Cuối năm 1946, mình được gặp bà chị, ông anh tại Bắc Bộ phủ tuy tình hình lúc đó rất căng, không cho phép được lâu, nhưng cũng rất may còn gặp được. Nay điều kiện cho phép thì các cụ đã qua đời cả rồi…”. Như vậy, lần đầu một chuyện của Bác Hồ và người thân gia đình được đăng trên báo Nhân dân.

…Đến câu chuyện không có sự thật     

Câu chuyện Bác Hồ gặp chị ruột là như thế, nên chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi đọc cuốn “Mẹ về” của Sơn Tùng (nhà xuất bản Phụ nữ 1990) nói về bà Thanh gặp Bác Hồ (từ trang 11 đến trang 28) thành một câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng tôi khẳng định là một câu chuyện hoàn toàn không có sự thật từ đầu đến cuối. Đã không có sự thật thì có lẽ chẳng cần phải nói nhiều nhưng vì 3 lý do sau, buộc chúng tôi cần nói rõ hơn:

-Bà Thanh chỉ duy nhất gặp Bác Hồ một lần tại Bắc Bộ phủ năm 1946 (cuối tháng 10)

-Do thiếu thông tin chính xác, nên một số người kể cả cơ quan văn hóa lại dùng nội dung câu chuyện của Sơn Tùng kể để giới thiệu về Bác Hồ gặp bà Thanh, làm cho nhiều người nghe hoặc xem xong có nhiều thắc mắc khó tin.

-Nội dung nêu trong cuốn “Mẹ về” sai trái với trình độ bản chất, đức tính của bà Thanh và cũng sai với cách đối xử của Bác Hồ và bối cảnh lịch sử lúc đó. Sau đây chúng tôi xin nêu lên một số sai trái đó; không đúng sự thật (những câu, đoạn trong dấu ngoặc “…” là trích trong cuốn “Mẹ về” của Sơn Tùng.  

        1. “O xuống chợ mua 2 con vịt bầu” (trang 13) đem ra Hà Nội tặng Bác Hồ. Sự thật là bà Thanh mang 2 con gà do bà nuôi. Những người đan bu (lồng gà) và bắt gà cho bà đến năm 1997 vẫn còn sống ở làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An). Nhiều người ở làng Sen cũng biết bà Thanh mang tương và gà ra Hà Nội biếu Bác Hồ. Theo phong tục ở Nghệ Tĩnh không ai mang vịt đi biếu người mình quý trọng cả. Từ chỗ cho bà Thanh “mang 2 con vịt” dẫn đến chuyện trên tàu “hai con vịt kêu toáng lên” (trang 18) cho đến việc Bác Hồ đến thăm “ăn cháo vịt”, chân vịt ở nhà bà giáo Đặng đều do tác giả tự bịa ra.

2. Hôm ra Hà Nội, bà mặc “cái váy nâu nhuộm bùn, cái áo dài vá vai” (trang 13) “mặc đồ xuềnh xoàng quê mùa (trang 14), “cái nón lá cụ đội quá tồi tàn…” (trang 15) “dép da bã mỏng dé” (trang 13). Sự thật Bà Thanh ăn mặc chỉnh tề: quần lĩnh đen, áo dài the đen, áo cánh trắng bên trong, đội nón mới, đi guốc mộc. Sở dĩ tác giả tả bà Thanh mặc như trên, “để thử người em trai mình” “nay Chủ tịch Nước lại khinh người mặc đồ rách rưới” (trang 16) chứ không phải “O không đến nổi thiếu bộ quần áo tươm tất, cái nón lành lặn để đi ra ngoài thiên hạ…” (trang 16) để “xem cậu Thành còn giữ được nếp nhà không, còn giữ được cốt cách người Việt Nam hay không? O còn lo cậu ấy còn quên nhiều tiếng mẹ đẻ, nói như một chính khách nói tiếng Việt thì đáng buồn…” (trang 16). Làm gì bà Thanh là một cán bộ hoạt động cách mạng, trong một gia đình khoa bảng lại nghĩ ngô nghê về người em trai mình là Nguyễn Ái Quốc, là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như vậy!

Sau Cách mạng tháng 8-1945 thành công, lúc đầu ở Nghệ Tĩnh cũng như các địa phương khác trong cả nước nhiều người chưa biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc. Nhưng ít lâu sau, nhất là cuộc bầu cử Quốc hội Khóa I (tháng 1-1946), Bác Hồ là một ứng cử viên, thì không ai không biết Bác Hồ chính là Nguyễn Ái Quốc. Riêng bà Thanh được các đồng chí ở Nghệ Tĩnh cho biết rất sớm, nên ngay từ cuối 1945, bà đã nói điều này với anh Nguyễn Sinh Thọ. Thế mà theo tác giả vào tháng 10 năm 1946, Bà Thanh “vẫn còn thấp thỏm chưa dám chắc Cụ Hồ là cậu Tất Thành?”…(trang 14) “…vì ra Hà Nội gặp Cụ Hồ để xem có phải Nguyễn Tất Thành không…” (trang 13). Trong lúc đó “ông nhân viên nhà tàu” và “người ăn mặc kiểu công chức” (trang 14) lại biết “bà Thanh là chị Cụ Hồ…” (trang 14)! Chẳng lẽ Bà Thanh thì còn thấp thỏm chưa dám chắc Cụ Hồ là Nguyễn Ái Quốc, mà một nhân viên đường sắt lại biết bà Thanh là chị Cụ Hồ!

3. … “Lúc O đến Bắc Bộ Phủ, gặp lính gác cửa, O xin mấy chú lính vào gặp Cụ Hồ, chú lính nhìn O đầy ngờ vực, soi mắt khắp dưới chân lên đầu O cho tới cái lồng vịt. Hình như đám lính canh gác Bắc Bộ Phủ là người Nùng, người Tày, người Mường? Họ nói tiếng Kinh không rõ, giọng lơ lớ: Cụ là ai mà dám đến đây xin gặp Cụ Hồ…” (trang 17, 18).

Đọc đoạn này, người đọc nói chung, chứ không riêng tôi, có cảm tưởng tác giả đang mô tả một đám lính khố xanh khố đỏ thời Pháp thuộc quen thói nghi ngờ, coi thường dân chúng. Thực ra ở đây, đều gồm các cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn và rèn luyện mọi mặt để bảo vệ Bác Hồ và Chính Phủ; là những người có tác phong nghiêm túc, nói năng lễ độ, đón tiếp thân mật, đúng mực. Năm lần chúng tôi đến đây để được vào gặp Bác Hồ đã chứng minh điều đó. Hơn nữa Bà Thanh là một cán bộ cách mạng làm gì có lời nói khiếm nhã như thế.

4. Theo tác giả, khi ông Vũ Đình Huỳnh - Bí thư của Bác Hồ cho Bà biết “Bác còn dở dang một công việc hệ trọng” (trang 20), chưa gặp Bà Thanh ở Bắc Bộ Phủ được, thì không chờ ông Huỳnh nói xong, Cụ Thanh đứng phắt dậy sãi bước đến góc phòng, xách lồng vịt lên, nghiêm giọng: ông lên nói với ông Hồ, tôi không ngờ đứa em trai Nguyễn Tất Thành của tôi bốn chục năm về trước, hiếu với cha mẹ, thảo hiền với anh chị…vậy mà…bây giờ ông là Chủ tịch Nước. Cụ đay nghiến: Chủ tịch Nước là vua chứ còn gì? Em tôi đã thay đổi, đã “quan dân lễ cách” ngay cả với bà chị gái của mình…sợ gặp chị rách rưới ở nơi quyền cao chức trọng này xấu hổ cho em chăng” (trang 20) “để xem câu Thành còn giữ được nếp nhà không, còn giữ được cốt cách người Việt Nam hay không? O còn lo cậu ấy còn quên nhiều tiếng mẹ đẻ, nói như một chính khách nói tiếng Việt thì đáng buồn…” (trang 16).

Tác giả tự nhận mình quen biết với bà Thanh nhiều, nhưng những suy nghĩ, lời lẽ và hành động mà tác giả gán cho bà Thanh quả thật thô thiển, thiếu khiêm tốn lễ độ, nên nhớ rằng Bà Thanh xuất thân từ một gia đình trí thức cách mạng, biết nói những điều cần nói.

5. Việc Bác Hồ đến nhà ông bà Giáo Đặng “vào buổi non trưa” (trang 22) để gặp Bà Thanh và ở lại ăn “cháo vịt, chân vịt”…

Sự thật làm gì có vịt mà ăn! Hơn nữa, những ngày cuối tháng 10 năm 1946 tình hình giữa ta và Pháp rất căng. Hơn một tuần trước đó, ngày 19-10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng họp dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận định: “Nhất định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”. Trong tình hình nước sôi lửa bỏng, vận nước như ngàn cân treo sợi tóc, Bác Hồ bận trăm công ngàn việc, làm sao Bác Hồ có dư thì giờ (nhất là ban ngày) để đến nhà bà Giáo Đặng, gặp Bà Thanh, hàn huyên và ăn “cháo vịt, chân vịt” (trang 23). Vào thời điểm đó quân Pháp và bọn phản động đang có hành động quấy rối, phá hoại nghiêm trọng, công tác bảo vệ Bác Hồ rất nghiêm ngặt làm gì Bác đi ra khỏi Bắc Bộ Phủ “vào buổi non trưa”. Chỉ vì một lý do là để gặp Bà Thanh, tại sao Bác không mời Bà Thanh đến Bắc Bộ Phủ nơi Bác ở và làm việc?!

6. Tác giả tả về Bác Hồ trong câu chuyện gặp Bà Thanh:

-Theo tác giả, ông Vũ Đình Hùynh là “Bí thư, tức là người giúp việc của Bác Hồ” (trang 18) ra gặp Bà Thanh ở cổng gác và mời bà vào phòng khách” và “ông đi báo cáo với Cụ Hồ”. “Khi tôi (ông Huỳnh) đến bên bàn thưa với Bác: “Cô Thanh ở Nghệ An ra thăm Bác…” thì “Bác đặt cây chì đỏ xuống bàn, hai tay Bác níu chặt lấy bàn, nhìn tôi…” (trang 19). Cách phản ứng như thế, thật xa lạ với Bác Hồ, nhà hoạt động cách mạng lão luyện, đã từng vào sinh ra tử, vẫn giữ phong thái ung dung.

-Theo tác giả, khi Bác đến nhà bà Giáo Đặng để gặp Bà Thanh, bà đã biết Bác đến, nhưng bà còn “giận dỗi” nên không ra đón Bác mà vẫn ngồi ở giường để Bác đi vào chỗ bà Thanh và “Cậu Thành ngồi khẽ khàng xuống mép giường, sát người O…” và nói “…chị ơi, chị nỡ lòng nào dỗi với em!” (trang 22) “O khóc òa lên …” và “cậu Thành cũng khóc và nói những gì không ai nghe được rõ” (trang 22).

Cũng theo tác giả, khi Bác Hồ ăn món thịt vịt của Bà Thanh tại nhà ông bà Giáo Đặng “Cậu Thành đặt đôi đũa xuống mâm đứng dậy, hai cánh tay khép vào phía trước ngực mình, nói với O…” (trang 23).

Người đọc có cảm tưởng đang chứng kiến cảnh hai đứa trẻ giận dỗi nhau! Và làm điệu bộ của một cậu thiếu niên! Năm 1945 bà Thanh đã ngoài 60 tuổi và Bác Hồ, vị lãnh tụ của chúng ta đã 56 tuổi.

7. Bà Thanh chỉ vào thăm Bác Hồ một lần duy nhất vào trưa ngày 27-10-1946 tại Bắc Bộ Phủ và ngày hôm sau Bà ra tàu hỏa trở về Nghệ An. Thế nhưng tác giả cuốn “Mẹ về” hư cấu thêm việc Bà Thanh vào Bắc Bộ Phủ một lần nữa: “O có nhờ ông Bí thư Vũ Đình Huỳnh đừng để cậu Thành biết, dẫn O vào Phủ Chủ tịch một lần…” (trang 25).

Ông Huỳnh đã dẫn “O đi khắp lượt nơi làm việc, nơi ngủ của cậu Thành…”, “Ông Huỳnh đưa O xuống nhà bếp…”, “…lúc đi ra gần lối rẽ sang phòng ăn, O đứng sau một cánh cửa nhìn vào, cậu Thành đang ngồi ăn cùng với nhiều người chung trong một dãy bàn dài. Ông Huỳnh nói thầm với O: “Bác cùng ăn với anh em cận vệ” (trang 25). “Ông Huỳnh vào đứng bên bàn ăn nói chuyện với cậu Thành để O nhìn kỹ. Đĩa thịt chưa thấy ai đụng đũa, đĩa rau thì đã vơi đi. O thấy cậu Thành gắp thịt lên bát cho từng người, đến lượt gắp cho mình O thấy cậu Thành vẫn không nặng đữa như xưa…” (trang 25, 26).

Việc tác giả để cho Bà Thanh đứng nấp sau một cái cánh cửa nhìn lén (nhìn trộm) Bác Hồ đang ăn cơm, rồi ông Huỳnh đứng che Bác bằng cách nói chuyện với Bác để Bà Thanh nhìn kỹ Bác Hồ là không phù hợp với tâm lý, tình cảm và việc làm của Bà, một phụ nữ trung thực, thẳng thắn, và cũng là một chiến sĩ cách mạng. Ông Huỳnh đứng nói chuyện với Bác Hồ khi Bác Hồ đang ăn cơm lại là một điều tưởng tượng của tác giả.

Xin nói thêm: Thời kỳ ở Bắc Bộ Phủ, Bác Hồ rất bận việc, không “ngồi cùng ăn với anh em cảnh vệ” và “gắp thịt lên bát cho từng người” như tác giả viết.

Thực ra khi 2 chị em Bác Hồ gặp nhau trong một bầu không khí hết sức thân tình, quý trọng nhau và rất đàng hoàng, Bác vui vẻ hỏi Bà Thanh từ chuyện này đến chuyện khác của gia đình, của hai cụ thân sinh, của bà con anh em, Bà Thanh trả lời Bác đầy đủ mọi chuyện, thể hiện tình cảm của Bác đã gần 40 năm xa cách quê hương. Tuy Bà rất muốn được gặp Bác lâu hơn, nhưng Bác bận nhiều việc nước, bà đành xin phép ra về để một dịp khác.

8. Cuối cùng, một chi tiết cho thấy tác giả “Mẹ về” đã hư cấu thái quá. Nhân dịp Tết, đầu năm 1957 tôi đến nhà ông Vũ Đình Huỳnh ở số 5 đường Hai Bà Trưng (Hà Nội). Sau khi nghe tôi nhắc lại chuyện Bà Thanh ra gặp Bác Hồ cuối năm 1946 tại Bắc Bộ Phủ, ông nói: “Hôm Bà Thanh ra gặp Bác Hồ ở Bắc Bộ Phủ, tôi có biết, nhưng hôm đó tôi đi vắng”. Như vậy, câu chuyện “Một người trạc 40 tuổi, mặt chữ điền, trán chữ nhật, lông mày chữ nhất, mắt long nhãn, mũi chữ cổn, miệng chữ tứ, dáng oai vệ đi tới gặp O (trang 18) là hoàn toàn do tác giả tưởng tượng ra, chứ Bà Thanh không biết ông Vũ Đình Huỳnh. Thực ra ông Vũ Đình Huỳnh cũng không phải như tác giả miêu tả.

Theo tác giả, Bà Thanh tiếp tác giả trong “đêm mưa trời khuya”, “uống rượu”…Chúng tôi và những người cháu gần bà, đều khẳng định Bà Thanh không uống rượu, và không bao giờ tiếp đàn ông vào buổi tối đêm khuya trong nhà mình, kể cả con cháu thân trong họ. Có một người cháu của Bà Thanh, khi đọc xong đoạn này, nói thẳng ra rằng: “Không khéo thì ông Sơn Tùng chưa bao giờ gặp Bà Thanh”, xin nhớ rằng Bà Thanh mất năm 1954.

Kết luận: 

Vẫn biết nhà văn khác với nhà sử học, có thể hư cấu thêm những chi tiết cần thiết khi phát họa chân dung nhân vật của mình. Nhưng những tiểu thuyết lịch sử, khi các nhân vật là nhân vật lịch sử có thật, nhất là những câu chuyện đương đại, nhiều người biết, đặc biệt lại nói về Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của dân tộc và những người thân trong gia đình Bác, thì nhà văn phải hết sức thận trọng, không được hư cấu một cách tùy tiện, dựng lên cả một câu chuyện không có thật dưới dạng người này người khác kể lại, không có công phu điều tra nghiên cứu, làm thành một câu chuyện kỳ cục, xa lạ với chân dung đích thực. Chẳng những sự việc không có, mà ngay tả các nhân vật trong câu chuyện đó cũng sai về bản chất. Hơn nữa câu chuyện Bà Thanh gặp Bác Hồ cuối năm 1946 đã được báo Nhân Dân đăng số 10915 ngày 18-5-1984, trước cuốn “Mẹ về” của Sơn Tùng (năm 1990). Do đó chúng tôi (anh Nguyễn Sinh Thọ (*) và tôi) là những người được xách gà, mang chai tương và được Bà Thanh cho đi đến gặp Bác Hồ, là những người chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa chị em Bác vui vẻ, thân mật, đầy cảm động, chúng tôi phản bác toàn bộ câu chuyện Bà Thanh gặp Bác Hồ trong cuốn “Mẹ về” từ trang 11 đến trang 28 của Sơn Tùng do nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm 1990”.

Chúng tôi đề nghị:

-Nhà văn Sơn Tùng và nhà xuất bản Phụ nữ cần có những hành động cần thiết để trả lại sự thật cho lịch sử. Hiện nay những người chứng kiến, những người viết về câu chuyện này vẫn đang còn mạnh khỏe. Nếu chúng ta không làm rõ thì nghe đâu nhà văn Sơn Tùng có lần nói: “Bây giờ các anh không làm rõ, thì sau này các anh nhắm mắt, hậu thế sẽ không tha thức các anh…”

Từ tháng 5-1991, anh Nguyễn Sinh Thọ và tôi đã gửi bài phản bác này lên các cơ quan có trách nhiệm để đề nghị xử lý nhằm bảo vệ sự thật lịch sử, tránh lan truyền những chuyện bịa đặt, sai trái không đúng, tất nhiên có hại, trước tiên có tội với Bác Hồ và người thân gia đình Bác. Gần đây chúng tôi vẫn thấy một vài báo đăng chuyện Bác Hồ gặp người chị (và anh cả) theo tư liệu của nhà văn Sơn Tùng viết sai. Chúng tôi tiếp tục đề nghị cơ quan có trách nhiệm cần có ý kiến về việc này để tránh lan truyền những truyện thất thiệt về Bác Hồ với người thân gia đình.

                                                                     HỒ QUANG CHÍNH

                                              (Lão thành cách mạng, cựu chiến binh, cựu giáo chức).

  

.Ý kiến người viết bài này:

` 1.Chúng tôi ủng hộ ý kiến của ông Hồ Quang Chính trong bài viết này. Đề nghị các cơ quan chức trách xem xét ý kiến đề nghị của ông Hồ Quang Chính.

2.Chúng tôi nhận thấy: Nhiều tác giả viết về gia đình Bác Hồ giống tư liệu của ông Sơn Tùng, như:

-Bài: “Câu chuyện kỷ niệm từ người chị của Bác Hồ” của Nguyễn Thiện Việt, sách “Những năm tháng bên Bác Hồ kính yêu”, NXB Thanh niên, quý 1 năm 2008, tr. 54-57, cũng nêu chuyện bà Nguyễn Thị Thanh về nhà ông bà giáo Đặng Thai Mai ăn món vịt…

-Bài: “Bác Hồ với gia đình, quê hương và chuyện vợ con”, sách: “Những chuyện đáng nhớ trong cuộc đời cách mạng của Bác Hồ” của Nguyễn Văn Ân, NXB Công an Nhân dân, quý II năm 2006, tr. 30-39. Bác Hồ đến nhà ông bà Đặng Thai Mai ăn cháo vịt và một số tình tiết ông Hồ Quang Chính đã nêu trên kia. Bài sai cả về thời gian nữa: Bác Hồ gặp chị ruột năm 1946 chứ không phải năm 1945 như trong bài này.

-Bài “Gặp lại chị và người anh cả”, trong sách “Kể chuyện Bác Hồ”, NXB Văn học, quý IV năm 2011 (Không có tên tác giả, chỉ ghi: Theo đồng chí Vũ Kỳ): “Hôm ấy là đầu năm 1946, từ quê làng Sen, bà Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội đến Bắc Bộ phủ (nơi Bác Hồ ở và làm việc) để gặp em, xem có đúng Chủ tịch Hồ Chí Minh là em mình không?”. Móc thời gian bà Thanh ra Hà Nội ở đây cũng khác với thời gian ông Hồ Quang Chính viết. Hoặc ông Vũ Kỳ nhớ nhầm, hoặc người ghi sai - lúc này ông Vũ Kỳ chưa làm thư ký riêng cho Bác Hồ.   

 Khi đọc bài của ông Hồ Quang Chính cho tôi sáng ra bà Thanh là một cán bộ cách mạng, con một nhà Nho, có học thức, không có chuyện đối với em mình như thế. Vì sao nhà văn Sơn Tùng không nhớ phong tục người Nghệ Tĩnh quê ông không dùng vịt làm quà tặng người mình quý trọng, biến “gà hóa vịt, chuyện không thành có” như ông Hồ Quang Chính chỉ ra ? Tôi chưa có câu trả lời.

3.Cũng có tác giả theo tư liệu của ông Hồ Quang Chính như cuốn “Trí nhớ đặc biệt của BÁC HỒ” tác giả Trần Đương, NXB Thanh niên, bài: “Chú đi lâu mà chú nhớ thế” - theo sách “Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan”. Như vậy, sách “Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan” cũng lấy tư liệu của ông Hồ Quang Chính.  

Nhà văn Sơn Tùng có nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ được nhiều người ưa thích như Búp sen xanh, Trái tim quả đất, Mẹ về, v.v…Khi đọc bài viết của ông Hồ Quang Chính, chúng tôi phải tự hỏi để tìm câu trả lời ông Hồ Quang Chính hay nhà văn Sơn Tùng đúng những điều đã viết trong cuốn “Mẹ về” ? Ông Nguyễn Sinh Thọ là người gọi Bác Hồ bằng chú họ (gần), ông Hồ Quang Chính là người cùng quê rất gần gũi với bà Thanh, ông Tất Đạt, được bà và ông cho đi gặp Bác Hồ nên tư liệu của ông Hồ Quang Chính có cơ sở vững tin hơn.   

4.Đây là bài học quý cho những người kính yêu Bác Hồ, dành thì giờ nghiên cứu viết về Bác. Để tránh sai trái, nên khai thác tư liệu đã được các cơ quan ngôn luận của Đảng, cơ quan nghiên cứu đã công bố chính thức như: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Hồ Chí Minh toàn tập, v.v…Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ ở nước ngoài rất dài, Người phải giữ bí mật để tránh mật thám truy bắt, nên có nhiều khoảng chưa nêu rõ trong tư liệu hiện có. Việc khai thác và sử dụng tư liệu về Bác phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm địch kỹ, công bố công khai thì ta mới sử dụng. Khi dùng tư liệu không chính thống phải hết sức thận trọng từ cứ liệu đến suy luận, phân tích sự việc hết sức thận trọng, thấu đáo, tránh để xảy ra sai rồi khó sửa cho tròn. Đây là trách nhiệm của người cầm bút nói chung, người viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu nói riêng.

          Ghi chú :

(*) Ông Hồ Quang Chính cùng ông Nguyễn Sinh Thọ quê Nam Đàn, Nghệ An, đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, là cán bộ lão thành Cách mạng. Ông Nguyễn Sinh Thọ là bố của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tư liệu ông Chính trao cho tôi còn có cuốn Hồi ký Bác Hồ gặp chị và anh ruột, tập thơ Hoa tâm và một bài của ông Nguyễn Sinh Thọ, xác nhận nội dung bài viết của ông Hồ Quang Chính là đúng.

Người Đất thép

======

Mời xem bài liên quan:

1. CẨN TRỌNG KHI VIẾT VỀ BÁC HỒ

2. Trao đổi với ông Nguyễn Hải Phú: Hãy cẩn trọng khi phê phán người khác

1 nhận xét:

  1. Ý kiến của Người Đất Thép:
    Chuyện bà Nguyễn Thị Thanh gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch tháng 10 năm 1946, tôi tin tư liệu của ông Hồ Qung Chính, là vì các lý do sau đây:
    1. Ông Hồ Quang Chính và ông Nguyễn Sinh Thọ được bà Thanh cho đi theo gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch, tháng 10-1946, ông Chính có ghi nhật ký, viết hồi ký “BÁC HỒ gặp chị và anh ruột”, là cơ sở thứ nhất.
    2. Sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành, ghi rõ bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm ra Hà Nội mỗi người một lần. Bà Thanh cuối tháng 10, ông Cả Khiêm đầu tháng 11. Nếu có lần sau thì “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử” đã ghi như lần trước. Xin chép lại đây:
    “Tháng 10 ngày 27
    11 giờ 30, tại một căn phòng trong Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón bà Nguyễn Thị Thanh - chị ruột của Người từ Nghệ An ra thăm.
    Trước sự tủi mừng khôn xiết, bà Thanh hỏi Người về sức khỏe, về nỗi nhớ quê hương, về bài ru “Non nước” thời thơ ấu. Người xúc động lấy khăn chấm chấm đôi mắt và nói: “Chị có khỏe không, em biết chị chờ lâu, nhưng vì em đang bận tiếp các đồng chí Nam Bộ ra.
    Chị ơi, quê hương nghĩa nặng tình sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, những chiến sĩ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu…”
    Tiếp đó, Người hỏi về quê hương thay đổi ra sao, về Bác Khiêm (anh ruột Người) và một số thân nhân, người cao tuổi ở quê nhà. Người còn hỏi về hai người đi cùng bà Thanh và dặn họ cố gắng học tập, đoàn kết, toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng, đừng quan liêu hủ hóa.
    Biết bà Thanh mang quà quê biếu, Người nói: “Cảm ơn chị và hai cháu, tương thì để thỉnh thoảng mời Cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) cùng ăn cho vui, gà để nuôi cho nó đẻ trứng” và Người mời bà Thanh cùng hai cháu chiều ở lại ăn cơm với Người, có Cụ Huỳnh cùng dự.
    Sau đó, xe của Văn phòng đưa bà Thanh về nghỉ tại nhà người quen trong thành Hà Nội”.
    - Báo Cứu quốc, số 390, ngày 29-10-1946.
    - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr. 426.
    - Hồ Quang Chính Bác Hồ gặp chị và anh ruột (Hồi ký) Nxb Nghệ An, năm 1997, tr. 11 - 20.
    Tháng 11, ngày 1
    11 giờ 30, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Nguyễn Sinh Khiêm - anh ruột của Người từ quê Nghệ An ra thăm. Cùng đi với ông có Nguyễn Sinh Thọ và Hồ Quang Chính (2) . Hai anh em ôm nhau mừng tủi, xúc động, hỏi nhau về sức khỏe, về cuộc gặp gỡ của Người với bà Thanh tuần trước. Rồi Người vừa cười vừa đọc câu thơ:
    “Chốc đã mấy chục năm trời
    Còn non, còn nước, còn người hôm nay”.
    Ông Khiêm ứng đọc:
    “Thỏa lòng mong ước bấy nay
    Non nước rợp bóng cờ bay đón Người”.
    Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi ông Khiêm về quê hương, về một số người thân, bầu bạn thời nhỏ. Còn ông Khiêm hỏi Người về: “Gia đình riêng của chú ra sao? Chú có ý định khi nào về thăm quê?...”. Người trả lời ông Khiêm: “Cảm ơn anh, em chưa bao giờ nghĩ đến việc này…Mình không phải là người tu hành, nhưng vì việc nước phải quên việc nhà…
    Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu”.
    Hồ Chủ tịch mời ông Khiêm ở lại ăn cơm trưa với Người và Cụ Huỳnh Thúc Kháng.
    - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr. 430 - 431.
    -Hồ Quang Chính: Bác Hồ gặp chị và anh ruột. (Hồi ký), Nxb Nghệ An, 1997, tr. 23 - 33.
    (2) hai người này trước đây đã được bà Thanh cùng cho vào Bắc Bộ phủ thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
    (Hết phần trích “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”).
    Sách “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử” Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành được thẩm định, chọn lọc, chuẩn nhất, cả Hồ Chí Minh: Tòan tập, cũng vậy, là tư liệu tin tưởng nhất không chỉ đối với tôi mà đối với tất cả mọi người. - Hoàn toàn không có chi tiết Bác Hồ và bà Thanh đến nhà GS. Đặng Thai Mai ăn cháo vịt !
    Nếu có việc Bác Hồ, bà Thanh đến nhà GS Đặng Thai Mai thì đã ghi vào hai bộ sách này.

    Trả lờiXóa