Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

MỘT TÀI LIỆU TOÀN CẢNH LẦN ĐẦU TIÊN CÔNG BỐ VỀ SỰ KIỆN 30/4/1975 TẠI DINH ĐỘC LẬP VÀ TẠI ĐÀI PHÁT THANH SÀI GÒN!

 

Dương Văn Minh đang ghi âm Tuyên bố đầu hàng. Ảnh Kỳ Nhân- phóng viên hãng thông tấn AP

Lời dẫn: Tài liệu toàn cảnh này chính là Báo cáo của ông Bùi Tùng- Chính ủy Lữ đoàn tăng 203 gửi cho Viện Lịch sử Quân sự đề ngày 30/5/1990. Văn bản này được đánh máy chữ gồm 08 trang giấy poluya (loại giấy sử dụng cho đánh máy chữ, dùng giấy than vào thời điểm 1990). Qua nội dung thư tay của Chính uỷ Bùi Văn Tùng gửi Ông Đào Văn Xuân- Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp (kèm theo văn bản) thì được biết văn bản này là của Chính uỷ Bùi Văn Tùng và chỉ có 02 bản. 01 bản gửi Viện Lịch sử quân sự thuộc Bộ Quốc Phòng và 01 bản gửi ông Đào Văn Xuân có tính chất thông báo, xin ý kiến và để ông Đào Văn Xuân lưu giữ.

Lý do, nguyên nhân tại sao có văn bản này (một dạng báo cáo) từ năm 1990 (Chính uỷ Bùi Văn Tùng nghỉ hưu năm 1984) thì qua bản thư tay của Chính uỷ Bùi Văn Tùng không nhắc đến, và đến nay một người đã trên 90 tuổi, lại bị tai biến nhiều lần, một người thì đã về với tổ tiên nên không tìm hiểu được. Sau khi gửi đi, bản thân ông Bùi Tùng cũng cũng không còn bản lưu giữ.

Rất may là gần đây, một nhóm chiến sỹ - Cựu Chiến binh Tăng thiết giáp đã đến thăm gia đình thủ trưởng cũ – Đại tá Đào Văn Xuân ở tại khu tập thể Quân đội Mai Dịch, thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy – Hà Nội (Đại tá Đào Văn Xuân đã mất). Nhóm chiến sỹ- CCB này được gia đình cho phép tìm đọc Tủ sách gia đình và họ đã tìm được Tài liệu này, có chữ ký xác nhận ngày nhận tài liệu của Đại tá Đào Văn Xuân cũng như bút tích của Chính ủy Bùi Tùng. Vì tính chất quan trọng đặc biệt của Tư liệu nên nhóm chiến sỹ- CCB này đã mang vào TP Hồ Chí Minh, đến gặp gia đình Chính ủy Bùi Tùng và người thân của Chính ủy Bùi Tùng đã xác nhận đây đúng là bút tích của ông Bùi Tùng.

Được phép của gia đình Đại tá Đào Văn Xuân và gia đình Chính ủy Bùi Tùng, nhóm chiến sỹ CCB đã số hóa Tư liệu (Bản Báo cáo 8 trang đánh máy) và công bố trên mạng. Bản gốc vẫn lưu tại Tủ sách gia đình Đại tá Đào Văn Xuân.

Xin lưu ý, Tư liệu này được làm từ năm 1990. Lúc này chưa ai biết đến cuốn sách "THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - GIỜ KHẮC SỐ KHÔNG” của nhà báo Tây Đức, xuất bản bằng tiếng Đức ở Đức ngay từ tháng 9/1975, chỉ 4 tháng sau ngày 30/4/1975. Ở Việt Nam, mãi đến năm 2007, qua báo chí, cuốn sách này mới được biết đến, chính thức có giấy phép xuất bản và phát hành bằng tiếng Việt năm 2010.

Cũng xin lưu ý thêm, Tư liệu này được viết ra từ năm 1990 nhưng nằm im ở Tủ sách gia đình Đại tá Đào Văn Xuân từ đó đến nay. Vì vậy, tất cả các nhà báo, kể cả ông Đạo diễn đáng kính Phạm Việt Tùng (người vừa cho ra đời Bộ phim tài liệu quý SỰ THẬT TRƯA 30/04/1975) đều chưa biết đến Tư liệu 1990 này.

Nay nhóm chiến sỹ - CCB này cho biết thêm, có thắc mác bản đánh máy (tư liệu trong bài viết này) chắc chắn không phải là người đánh máy chuyên nghiệp, có thể do tự tay Chính uỷ đánh máy (vì tính chất quan trọng của nó). Sau đó có hỏi lại gia đình Chính uỷ Bùi Văn Tùng thì được biết: khi chính uỷ về hưu tại TPHCM có tham gia Hội Cựu chiến binh phường ... Khi đó ông mua về một cái máy chữ và hay tự tay ngồi gõ các báo cáo ...

 Chỉ một chi tiết này thôi cũng nhìn thấy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ của chính uỷ Bùi Văn Tùng. Ông đã chọn cách im lặng về sự thật của mình (tự tay đánh máy để một bản gửi báo cáo đến viện Lịch sử quân sự, một bản báo cáo thủ trưởng cũ, trực tiếp của mình), ông không khoe khoang, làm ồn ào trên dư luận. 

Vì văn bản dài, gần như tường thuật về sự kiện, nên dẫn lại sẽ chia làm hai phần cho dễ đọc, Phần đầu là Văn bản đã được số hóa, Phần dưới là Văn bản gốc gồm 8 trang đánh máy cùng một vài tư liệu liên quan.

MỘT TƯ LIỆU ĐƯỢC LƯU GIỮ TẠI TỦ SÁCH GIA ĐÌNH ÔNG ĐÀO VĂN XUÂN- PHÓ CHÍNH ỦY BỘ TƯ LỆNH TĂNG THIẾT GIÁP

Dưới đây là Nội dung văn bản:

 ********

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC

                        Thành phố Hồ Chí Minh  Ngày 30 tháng 5 năm 1990

   Kính thưa...

       Về sự kiện trưa ngày 30/4/1975 tại phủ tổng thống ngụy quyền Sài Gòn và tại đài phát thanh Sài Gòn (cũ), với tôi đó là trách nhiệm chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh về chính trị bộ tư lệnh Quân đoàn giao cho và với lương tâm của mình bắt Dương Văn Minh đầu hàng càng sớm càng đỡ tốn xương máu .

     Để đánh chiếm một trong năm mục tiêu quan trọng bậc nhất, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định lấy Lữ đoàn xe tăng 203 tổ chức thành Lữ đoàn cơ giới đặc nhiệm được phối thuộc thêm I tiểu đoàn bộ binh, I tiểu đoàn pháo binh, I tiểu đoàn pháo cao xạ , I tiểu đoàn công binh dưới sự chỉ huy trực tiếp của bộ chỉ huy lữ doàn với nhiệm vụ: sau khi bộ binh ở Nước Trong mở xong cửa mở, lữ đoàn có nhiệm vụ tấn công trong hành tiến đánh lướt nhanh qua các mục tiêu trên đường tiến công tiến thẳng vào đánh chiếm phủ tổng thống ngụy là nhiệm vụ trước mắt. Nhiệm vụ tiếp sau theo trục lộ 4 cùng các đơn vị bạn tham gia tấn công giải phóng Cần Thơ nếu kẻ thù ngoan cố chạy về phía tây. Theo lệnh quân đoàn chúng tôi phối thuộc cho 3 sư đoàn bộ binh, mỗi sư I đại đội xe tăng để dánh chiếm vòng ngoài từ Nước Trong – Long Thành , Cát Lái – Bà Rịa,Vũng Tàu với chiều dài gần 80 cây số để mở của cho pháo 130 ly vào chiếm trận địa tại Nhơn Trạch và cho lữ đoàn chúng tôi thọc sâu vào Sài gòn theo nhiệm vụ đã quy định. Trưa 29/4 sư đoàn bạn mới mở xong cửa ở Nước Trong nhưng vì không tổ chức truy kích, nên chúng tôi hành tiến đến sông Buông thì cầu đã bị địch phá sập. Lập tức công binh quân đoàn tiến lên sửa chữa cầu. Tại đông cầu sông Buông tối 29/4, đồng chí thiếu tướng tư lệnh Nguyễn Hữu An và đồng chí Đại tá Công Trang phó chính ủy quân đoàn còn tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ cho tôi và đồng chí Nguyễn Tất Tài về công việc đánh chiếm dinh Độc Lập (bài đồng chí Công Trang kể, Hồng Lân ghi, báo QĐND số 5389 ngày 30/4/1976) và liên tiếp có mệnh lệnh trên điện đài và bằng giấy (có bản sao chụp kèm theo) theo dõi cuộc tấn công trong hành tiến của chúng tôi mà nhiệm vụ được giao từ đầu .

   Khi tiến qua cầu sông Đồng Nai chúng tôi gặp đồng chí Tống Viết Dương chỉ huy đặc công miền (B2) đang chiếm giữ các cầu trên xa lộ, đề nghị đồng chí Tài cho đặc công lên xe tăng cùng tham gia chiến đấu vì các đồng chí rất thạo đường sá ở Sài Gòn. Chúng tôi đồng ý. Chúng tôi là quân cơ động của Bộ hoạt động ở chiến trường Quảng Trị, nay tấn công vào một thành phố lớn trong tay của lữ đoàn trưởng chỉ có một bản đồ cũ do quân đoàn phát cho, đường sá thay đổi nhiều, xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa không có trong bản đồ. Khi lữ đoàn chúng tôi tham gia giải phóng Đà nẵng, tôi có xin được bản đồ lộ trình xe buýt Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định, nên trong mệnh lệnh tấn công vào Sài Gòn tất cả cán bộ chiến sỹ trong lữ đoàn đều hiểu rõ: ‘Đến ngã tư Hàng Xanh quẹo trái theo đường Hồng Thập Tự (Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày nay) đánh chiếm 7 ngã tư quẹo trái là dinh Độc Lập.

      Trên đường hành tiến chúng tôi bị đánh chặn tại Long Bình, ngã ba Vũng Tàu. Chúng lại dùng pháo bắn chặn dọc đường. Chúng tôi phải cho xe tăng vào đánh chiếm trường Thủ Đức (Trường Cây Mai). Tại đó bộ đội xe tăng đánh rất dũng cảm chiếm được khu vực trường và xe tăng 707 đã đánh địch đến viên đạn cuối cùng và hy sinh đến người chiến sỹ xe tăng cuối cùng. Nhân dân khu vực này đã chôn cất và lập đền thờ anh em (Xã Tăng Nhơn Phú anh hùng). Trận chiến đấu ác liệt nhất là trận đánh chiếm và vượt cầu Sài Gòn. Chúng tôi nhận lệnh của tư lệnh quân đoàn là phải nhanh chóng chiếm và vượt cầu với bất cứ giá nào, không để địch đánh sập cầu. Tiểu đoàn I xe tăng dẫn đầu đội hình ra lệnh hai xe tăng T54 đi đầu tăng tốc độ vượt cầu.Cả hai xe tăng của ta đều bị chiếc xe tăng M 48 của địch đứng bên tây vòm cầu bắn cháy (cầu Sài Gòn cong nên phía đông cầu chỉ nhìn thấy tháp pháo nhỏ của xe tăng địch). Chúng tôi ra lệnh cho tiểu đoàn I triển khai đội hình để bắn địch bên kia cầu và tàu chiến của chúng trên sông Sài Gòn. Bộ binh phối thuộc cho lữ đoàn cũng cùng tham gia chiến đấu. Đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn I Ngô Văn Nhỡ mở cửa nắp xe đứng thẳng người dùng điện đài và cả ký hiệu bằng tay chỉ huy bắn chi viện và vượt cầu. Một loạt đạn bên kia cầu bắn qua trúng đồng chí và đồng chí ngã gục hy sinh trên tháp pháo xe tăng. Đồng chí Trần Minh Công lữ đoàn phó kiêm tham mưu trưởng lên chỉ huy vượt cầu. Khi xe thiết giáp của tôi tiến cách cầu 2,3 trăm mét,tôi nhìn về phía sau thấy đồng chí Hoàng Đan phó tư lệnh quân đoàn và đồng chí Nam Long phái viên của Bộ ngồi phía sau xe của tôi. Các đồng chí bỏ xe con và leo lên xe thiết giáp chỉ huy của tôi ở Thủ Đức hay ở cầu Rạch Chiếc nhưng tôi không biết. Đơn vị chúng tôi vừa có một xe thiết giáp chỉ huy do lữ đoàn phó Trần Minh Công chỉ huy vừa bị trúng đạn của địch ở cầu nhưng nhẹ còn chiến đấu được, một cán bộ công binh của quân đoàn hy sinh, số anh em phụ trách điện đài vừa hy sinh vừa bị thương. Tôi biết anh Hoàng Đan và Nam Long đi không đúng vị trí chỉ huy, nếu các anh có việc gì tôi phải chịu trách nhiệm, nên tôi mời các anh xuống xe lập sở chỉ huy ở đó. Tại cầu Sài Gòn sau một đợt chiến đấu ta đã bắn cháy chiếc xe M 48 ở tây vòm cầu. Lửa khói và đạn cháy nổ trong xe bao phủ cả một đoạn cầu nơi chiếc xe đang cháy.Do cầu rộng đồng chí Công đã khéo léo cho đại đội xe tăng của đại đội trưởng Bùi Quang Thận vừa chiến đấu vừa vượt qua khói lửa và đạn đang nổ để chiếm cầu, vì lửa và đạn nổ trong xe không ảnh hưởng gì đối với xe tăng T 54 của chúng ta. Sau đó đội hình cả lữ đoàn của chúng tôi vượt qua cầu. Địch một số rút chạy về ngã tư Hàng Xanh bắn chặn ta. Tại đây ta bắn cháy một xe tăng của địch. Địch lại chặn ta tại cầu Thị Nghè và cũng tại đây ta bắn cháy một xe tăng M 41 và một xe M 113 của địch. Tuy mệnh lệch đã chỉ rõ đường vào dinh tổng thống ngụy quyền, nhưng trên xe có đặc công và biệt động chỉ đường nên chúng tôi tiến đánh dinh Độc Lập bằng hai hướng: theo đường Thống Nhất (đường Lê Duẩn ngày nay) và đường Hồng Thập Tự. Dẫn đầu là hai xe tăng,xe 843 do trưởng xe Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và xe 390 do trưởng xe chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn. Đến cách dinh Độc Lập độ ba, bốn trăm mét pháo thủ số I xe 843 Thái Bá Minh thấy cờ vàng ba sọc đỏ vẫn đang bay trên nóc dinh Độc Lập chưa có dấu hiệu gì đầu hàng nên đề nghị trưởng xe cho bắn pháo. Khi phổ biến mệnh lệnh ở nhà chúng tôi đã nói rõ với đơn vị là theo chỉ thị của cấp trên đánh vào Sài gòn cố gắng với sự tổn thất nhỏ nhất, nên Bùi Quang Thận đã bình tĩnh hô tạm ngừng và ra lệnh lái xe Lữ Văn Hòa tăng tốc độ đã cùng đã cùng với xe 390 húc đổ cánh cổng sắt trước dinh tiến thẳng sát thềm nhà. Đoàn xe tăng tiến thêm mấy chiếc nữa vào dinh còn chạy theo các đường bao quanh phủ tổng thống ngụy. Thận và một số chiến sỹ nhẩy xuống xe, Thận cầm theo lá cờ cắm trên xe lao nhanh lên cầu thang,không mở được cờ ngụy nên đã xé rách diềm cờ và kéo cờ của chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt nam lên. Lá cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh mà chúng tôi đã phát cho từng chiếc xe tăng làm ký hiệu và sẽ cắm nơi mục tiêu mình chiếm lĩnh .

 Lúc này người chỉ huy có cấp hàm và chức vụ cao nhất của quân đội ta tại dinh độc lập là đồng chí trung tá Nguyễn Tất Tài lữ đoàn trưởng và trung tá Bùi Văn Tùng chính ủy lữ đoàn (chế độ hai thủ trưởng). Nên mọi việc tại dinh phải trật tự nhất nhất theo kỷ luật quân đội, kỷ luật chiến trường, các cấp dưới thuộc quyền và phối thuộc đều phải chấp hành theo mệnh lệnh của chúng tôi, mặt khác để quân ngụy thấy rõ kỷ luật của quân đội cách mạng. Đồng chí Phạm Duy Đô quyền đại đội trưởng đặc công theo các xe tăng dẫn đầu vào trước, thấy chúng tôi vào ra báo cáo “Chính phủ ngụy và cả Dương Văn Minh đều ở trong dinh, mời các thủ trưởng vào giải quyết. Thấy chúng tôi vào Dương Văn Minh nói ngay “chúng tôi chờ các ông vào để bàn giao”. Tôi bực mình nói ngay: “Các ông chẳng còn gì để mà giao, chỉ có một việc là đầu hàng không điều kiện”

     Lúc này đồng chí Nguyễn Tất Tài lữ đoàn trưởng, Trần Minh Công, Dương Xuân Tụ lữ đoàn phó lo việc điều chỉnh đội hình quanh dinh để phòng địch phản kích, phái một bộ phận ra giải phóng cảng Sài gòn. Đồng chí Lê Minh, chủ nhiệm chính trị lữ đoàn lo việc trong dinh và chờ cấp trên vào báo cáo. Tôi thường xuyên được thông báo cấp trên nên biết rằng năm cánh quân đang tiến vào Sài Gòn vì đâu đâu cũng nghe tiếng súng nổ gần, miền Tây Nam Bộ và các đảo chưa giải phóng, nên việc đầu tiên là phải đưa tổng thống ngụy đi đầu hàng không điều kiện càng đỡ tốn xương máu. Tôi hỏi một người đứng cạnh Minh (sau tôi mới biết đó là Nguyễn Hữu Hạnh): “Đường dây ra đài phát thanh còn dùng được không?”. Người ấy nói: “Thưa ông hư rồi” (Thật ra sau này tôi mới biết là bên đài phát thanh họ chạy hết). Tôi nói với Dương Văn Minh:“Anh phải ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng không điều kiện”. Người ấy nói: “Thưa ông,đại tướng ra ngoài sợ phe đối lập ám hại”. Tôi nói thẳng: “Cả thành phố Sài Gòn quân giải phóng đã tràn ngập, Dương Văn Minh đi là đi với chúng tôi”. Dương Văn Minh ưng thuận. 

Tôi định đi bằng hai xe thiết giáp, nhưng như các đồng chí đều biết, xe chiến đấu của chúng ta đồng thời cũng làm nhiệm vụ hậu cần xoong nồi lủng củng, chậu và ra đường lúc này không tiện. Có một cán bộ rất trẻ đề nghị (I): “Hay là ta đi bằng hai xe jeep”. Tôi đồng ý. Đồng chí cán bộ trẻ và một hai bộ đội ta cùng với Minh Mẫu lên xe đầu. Tôi cùng hai chiến sỹ lên xe sau. Thấy xe rộng một người thấp, đầu hình như búi tó, nói tiếng Việt rất sõi xin đi tôi cho lên xe, tôi tưởng là phóng viên người Nhật (sau này anh Thành Tín, tức Bùi Tín cho tôi biết đó là Hà Huy Đỉnh nhà báo ở Sài Gòn). Một người Âu nói tiếng Pháp hỏi tôi biết tiếng Pháp không. Tôi nói tôi biết. Người ấy tự xưng là người Tây Đức sẽ nói tốt cho quân cho quân giải phóng xin đi, tôi cho lên xe và bu theo một vài nhà báo phương tây nữa. 

Đến đài phát thanh không một bóng người, tôi đang lo sợ không hoàn thành được việc. May sao có mấy sinh viên, thanh niên (sau này người ta gọi là thanh niên sinh viên 30 tháng 4) thấy có Dương Văn Minh họ chạy lại. Tôi hỏi: “Các anh có biết nhân viên đài phát thanh họ chạy nấp ở đâu không ?”. Một anh trả lời: “Họ còn làm việc hồi chín giờ, nghe xe tăng quân giải phóng vào họ chạy nấp gần đây thôi, chú giải phóng yên tâm, chúng em sẽ tìm họ được ngay”. Tôi nói tiếp: “Các em cố gắng tìm họ về ngay …( Đoạn này bị mờ không rõ chữ )

Tôi , Minh , Mẫn , anh em bộ đội đi kèm theo Minh và các nhà báo vào một căn phòng hơi hẹp ở đài phát thanh. Tôi và Minh ngồi trên trên một chiếc ghế đệm dài. Sau nhiều đêm mất ngủ, người thấm mệt, tôi bừng tỉnh người toát đầy mồ hôi, nghĩ: “Chết mẹ, nếu Minh nói trên đài không đúng ý đồ của mình thì nguy to vì mình phải chịu trách nhiệm” . Tôi liền quay sang Minh nói: “Anh tuyên bố đầu hàng không điều kiện là phải theo những điều kiện của chúng tôi”. Minh nói: ‘Thưa ông, ông muốn những điều kiện như thế nào xin ghi cho’. Tôi lại phải vắt óc suy nghĩ cách mạng sống chết chỉ có hai vấn đề cơ bản là quân đội và chính quyền, lúc này không được dài dòng. Sẵn tập pơ-luya xanh nhạt trên bàn tôi lấy một tờ thảo chữ viết bằng bút máy bi to và rõ. Thảo xong (2) tôi đưa cho Minh. Minh xem xong và nói: “Thưa ông, đề nghị ông bỏ hai chữ tổng thống”.Tôi hỏi lại: “Anh lấy cương vị gì để ra lệnh cho sỹ quan và binh sỹ anh hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện và anh đứng cương vị nào để giải tán được chính quyền của anh từ trung ương đến địa phương, phải là người cầm đầu của chính quyền này chứ, mà theo tôi biết người cầm đầu của chính quyền này là tổng thống?”. Minh nói: “Đúng, đúng! Ông nói đúng, nhưng thưa ông tôi không thích cái tổng thống này , dân chúng và binh sỹ họ cũng không thích tổng thống này, chỉ cần để đại tướng là họ sẽ nghe theo tôi”. Tôi bực mình và nghiêm sắc mặt nói với Minh: “Anh chỉ có sỹ quan và binh sỹ của anh thôi. Anh nói anh không thích tổng thống này là không đúng. Chính anh đã nhận tổng thống từ tay Trần Văn Hương và anh đã làm tổng thống ba ngày rồi, tại sao anh nói anh không thích?”. Đuối lý , Minh chịu. Tôi lại bảo: “Đây là những điều kiện của chúng tôi,còn lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của anh thì anh phải ghi lại”. Trong khi Minh đang chép lại lời đầu hàng, tôi lại nghĩ có kẻ đầu hàng thì phải có người chấp nhận đầu hàng, nếu không dân chúng tưởng do lòng tốt của Minh và tự Minh đơn phương đầu hàng, chứ không phải do ta đánh tận vào sào huyệt và bắt chúng phải đầu hàng. Nên tôi lấy giấy thảo tiếp. Chiến dịch Hồ Chí Minh là một chiến dịch rất lớn, nhiều quân đoàn tham gia và rất nhiều cấp tướng chỉ huy. Còn tôi chỉ là trung tá chính ủy cấp lữ đoàn nên tôi chỉ ghi: “Tôi thay mặt quân giải phóng Miền nam Việt nam, đơn vị đánh chiếm dinh Độc Lập long trọng tuyên bố thành phố Sài gòn đã hoàn toàn giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng của tướng Dương Văn Minh tổng thống chính quyền Sài Gòn(3)”. Cơ quan chính trị của chúng tôi cũng có máy ghi âm nhưng không vào kịp,phải mượn máy ghi âm của nhà báo Tây Đức. Pin yếu,t ìm pin mới trong đài phát thanh để thay. Minh lúc đầu nói chưa gãy gọn, xóa ghi lại. Khi hai lời phát của Minh và tôi máy đã ghi âm xong thì nhân viên đài phát thanh đều chạy về và họ vui vẻ làm việc. Tôi hỏi máy móc có hư hỏng gì không. Anh chị em trả lời máy phát tốt nguồn điện được. Họ đưa chúng tôi xuống phòng bá âm có kính ngăn đôi. Kỹ thuật viên ra lệnh im lặng, chúng tôi chứng kiến máy phát đi lời đầu hàng không điều kiện của tổng thống ngụy quyền và lời chấp nhận đầu hàng của tôi - đại diện quân giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập. Sau đó Vũ Văn Mẫu xin có mấy lời để đồng bào sài gòn yên tâm. Anh chị em trong đài bảo tôi: “Đề nghị chú giải phóng cho cuộn băng có bài hát giải phóng nào để phát kèm theo bản tin này cho rôm rả. Chúng tôi là người lính chiến làm gì có mang theo băng nhạc ,nên tôi nói luôn : “Từ nay đến chiều tối anh chị em ở đài phải phát bản tin này đi lại nhiều lần trên các làn sóng và chiều tối nay đài phát thanh chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa Miền nam Việt Nam sẽ vào, anh chị em muốn gì sẽ có tất cả. Xong việc anh em bộ đội đi kèm Dương Văn Minh từ dinh Độc Lập ra nay lại đi kèm đưa trả về dinh Độc Lập .

    Tôi về đến dinh thì các đồng chí chỉ huy cấp quân đoàn đã vào và đang thảo các mệnh lệnh kế tiếp. Tôi không nghe ai phê phán việc tôi đã làm, chỉ nghe anh em kể lại là anh Công Trang phó chính ủy quân đoàn hỏi: “Ai đưa Dương Văn Minh đi đâu?”. Anh em bộ đội xe tăng trả lời: “Thủ trưởng Tùng đưa Minh ra đài phát thanh buộc tuyên bố đầu hàng không điều kiện”. Ngay chiều hôm đó cục chính trị quân đoàn đến hỏi tôi lấy hai bản thảo. Tôi lục mãi trong túi dết mang tài liệu vẫn không thấy, chắc là mình vứt bỏ sọt rác ở đài phát thanh. May sao tôi thò vào túi quần thì lấy ra hai bản thảo đã vò nhưng chưa nát. Sau đó đồng chí Trần Văn Trà chủ tịch quân quản có hỏi về tôi hai bản thảo, tôi nói đã giao cho cục chính trị quân đoàn 2 rồi .

 Đến năm giờ chiều cùng ngày, chúng tôi được lệnh của quân đoàn giao toàn bộ dinh Độc Lập lại cho quân đoàn 4. Đồng chí Lê Minh giao lại toàn bộ chùm chìa khóa vừa to lại vừa rất nặng. Toàn bộ xe tăng chúng tôi đều rút ra ở trước các vườn cây trước dinh “án binh bất động” vì nhân dân Sài gòn đủ các hạng người cứ bao quanh lấy các xe của chúng tôi. Tối hôm ấy anh em phải ăn lương khô không thể nổi lửa nấu cơm được. Cả ngày 1/5/1975 cũng vậy, người đến trước dinh ngày càng đông. May sao các má ở Sài gòn đã chở lên rất nhiều cơm và thức ăn và dưa cải muối kho với thịt và tôm, tất cả đều cho vào túi nilon trên các chiếc xe lam và cả ngày hôm ấy chúng tôi khỏi phải nổi lửa giữa rừng người trước dinh tổng thống ngụy quyền. Tối 1/5/1975 chúng tôi hành quân về Long Bình theo mệnh lệnh của quân đoàn.Tôi về Long Bình vừa mệt vừa đau bụng quân y cho thuốc kháng sinh thì khỏi (Tháng 10/1975 ra Bắc bác sỹ bệnh viện 108 thấy nguy kịch vì tôi bị viêm ruột thừa mãn tính đã từ lâu, nhiều lần uống kháng sinh nên đã chuyển thành cấp tính phải mổ ngay), tôi đã phải tiếp nhiều nhà báo, nhà văn như anh Thành Tín, Nguyên Ngọc, Duy Kháng, Phạm Thiều, Thanh Tịnh, Tô Minh Nguyệt ..vv.., nhưng tôi không nói gì nhiều, các anh hỏi gì tôi nói nấy. Ba bốn ngày sau đó tại sở chỉ huy quân đoàn đóng ở Thủ Đức (trường Cây Mai ) có cuộc họp quân chính gồm các thủ trưởng, sư, lữ toàn quân đoàn. Trước khi họp đồng chí Nguyễn Hữu An thiếu tướng Tư lệnh quân đoàn nói vui: “Hôm nay giải oan cho đồng chí Tùng” rồi đồng chí ấy nói tiếp: “ Hôm qua tôi đi họp tại Bộ chỉ huy chiến dịch,các đồng chí thủ trưởng ở bộ chỉ huy rất khen đồng chí Tùng giải quyết rất tốt công việc ở dinh Độc Lập. Để thảo chính xác bản đầu hàng cho Dương Văn Minh và dõng dạc đọc lời chấp nhận đầu hàng của người chiến thắng. Các đồng chí trên gửi lời về biểu dương đồng chí Tùng. Cả cuộc họp vỗ tay hoan nghênh lời biểu dương của cấp trên.

   Bác Tôn vào thăm nhân dân Miền Nam, ngày 17/5/1975 tại hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ). Bác thăm quân đội mà đại biểu là các tướng lĩnh của năm cánh quân. Tôi được đồng chí Lê Linh chính ủy quân đoàn cho phép được đi dự và bảo tôi chuẩn bị kể chuyện bắt Dương Văn Minh đầu hàng cho Bác Tôn nghe thời gian từ 5-7 phút không được nói dài vì hội nghị còn nhiều người phát biểu. Hội nghị gồm các đồng chí ủy viên Bộ Chính Trị và các đồng chí chỉ huy cao cấp của quân đội. Tôi biết thân phận mình là cán bộ có quân hàm thấp nhất nên tìm một góc tối để ngồi. Sau khi Bác Tôn đọc lời khen quân đội, đến đồng chí Nguyễn Bá Phát nói về hải quân đánh chiếm các đảo, đồng chí Lê Văn Tri nói về hoạt động của không quân trong chiến dịch, đồng chí Hoàng Minh Thi đọc lời hứa hẹn của quân đội với Bác Tôn. Tôi cứ tưởng mình nói sau cùng.Thật không ngờ sau khi Bác Tôn đọc lời khen quân đội, đại tướng Văn Tiến Dũng đứng lên hỏi: “Đồng chí Tùng ngồi đâu lên kể chuyện bắt Dương Văn Minh đầu hàng cho Bác Tôn nghe”. Tôi bị động, đỏ mặt lúng túng đứng tại chỗ. Đồng chí Đại tướng lại nhắc: “Không được đồng chí ra giữa này”. Với bẩy phút tôi kể vắn tắt như trong bài viết này. Sau đó, Đại tướng lại bảo tôi : “Đồng chí Tùng đại diện quân đội đến để Bác Tôn hôn quân đội”. Bác thì thấp, tôi thì cao, tôi ôm Bác, Bác ôm chặt tôi hôn tôi và nước mắt tôi chảy ròng. Tôi nghĩ rằng công lao to lớn này thuộc về các anh hùng liệt sỹ người người lớp lớp đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại này. Sau đó đồng chí Lê Đức Thọ mang đến cho tôi một ….. to (chữ bị nhòe, mất) đồng chí ôm hôn và khen tôi. Tôi giữ quả măng cụt ấy mang về tặng đồng chí Nguyễn Tất Tài lữ đoàn trưởng của tôi .

  Tại Long Bình Đảng ủy lữ đoàn họp xét khen thưởng cho cán bộ và chiến sỹ trong toàn lữ đoàn. Các đồng chí nhất trí đề nghị lên trên tặng đồng chí Tài và tôi huân chương quân công hạng 3 trong chiến dịch này. Tôi đề nghị huân chương quân công chỉ nên đề nghị tặng thưởng cho đồng chí Tài lữ đoàn trưởng còn những việc làm của tôi đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của một cán bộ chính trị, nếu các đồng chí có đề nghị tôi chỉ xin nhận đề nghị huân chương chiến công mà thôi. Vài tháng sau đó tôi được Nhà nước tặng thưởng huân chương giải phóng hạng nhất .

   Sự việc trên đay tôi chưa kể cho ai ngoài các nhà báo nhà văn chủ động đến hỏi tôi vì tôi cho việc làm của mình là do trách nhiệm lương tâm và đó cũng là việc bình thường của người Đảng viên, người cán bộ cách mạng.

   Nay các đồng chí muốn biết cuộc chiến đấu của lữ đoàn xe tăng 203 trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 và phần việc nhỏ của tôi làm vào thời điểm trưa hôm ấy, tôi xin kể lại để các đồng chí rõ .                               ***** 

(1) Đồng chí cán bộ rất trẻ đó sau này về đơn vị tôi mới biết đó là Đại úy Phạm Xuân Thệ. Mặt tốt của đồng chí và một số anh em bộ đội ta là lúc nào cũng đi kèm sát Dương Văn Minh từ dinh Độc lập ra đài phát thanh và ngược lại, nên tôi đỡ lo vì có việc gì xẩy ra với Minh đã có anh em mình kèm chặt.

(2) ( 3) Hai bản thảo gốc này nhà bảo tàng quân đoàn 2 cất giữ trong kho. Khi anh Trọng ở viện bảo tàng quân đội đến tôi lấy tài liệu, tôi đề nghị anh Trọng lên quân đoàn 2 lấy hai bản thảo gốc đó. Những bản trưng bày tại viện bảo tàng quân đội, Viện bảo tàng cách mạng TP Hồ Chí Minh và những nhà bảo tàng khác là những bản sao chụp…..( mất chữ )…

   Người viết

                                       Bùi Văn Tùng 

Dưới đây là Bản gốc:












Hoàng Ngân Thương Giới thiệu
=====

89 nhận xét:

  1. Nguyễn Đức Kiênlúc 17:31 4 tháng 5, 2021

    Đây là Tư liệu Toàn cảnh được viết năm 1990.
    Đọc kỹ Tư liệu này thì thấy hoàn toàn trùng khớp với Sách 'THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH- GIỜ KHẮC SỐ O' của nhà báo Tây Đức (xuất bản tháng 9 năm 1975 bằng tiếng Đức ở Đức. Ở Việt Nam, mãi đến năm 2007, qua báo chí, cuốn sách này mới được biết đến, chính thức có giấy phép xuất bản và phát hành bằng tiếng Việt năm 2010.
    Như vậy, 2 người viết khác nhau, dù không "tham khảo" tư liệu của nhau, nhưng đã viết giống nhau thì tức là những thông tin ở 2 tài liệu này đều là sự thật.

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Đức Kiênlúc 17:33 4 tháng 5, 2021

    Lời chứng của sĩ quan tác chiến
    “Người viết bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh là đồng chí Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Về tổng kết chiến tranh ở Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), tôi là sĩ quan Tác chiến tổng hợp của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tại Chiến dịch Hồ Chí Minh nên tôi được chỉ định làm thư ký ghi chép cùng một số anh em sĩ quan Chính trị của Quân đoàn 2, đều xác định bản viết để cho Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng là đồng chí Bùi Văn Tùng. Những năm tổng kết và những năm kỷ niệm 5 năm, 15, 20 năm, 25 năm thì vẫn là Bùi Văn Tùng. Cho đến kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, lúc bấy giờ ông Phạm Xuân Thệ đã là Tư lệnh Quân khu 1 rồi, thì mới nói rằng Phạm Xuân Thệ. Một số chi tiết ông Phạm Xuân Thệ kể viết lời tuyên bố đầu hàng xong rồi cho ông Dương Văn Minh đọc rồi vò bỏ vào trong túi là không hợp lý.

    Sau khi nghe việc này, tôi có viết một bài phản bác, tôi nói đầy đủ, và gửi Báo Quân đội Nhân dân, gửi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm ấy.

    Là sĩ quan tác chiến, tôi nói đúng sự thật. Tôi khẳng định bài viết ấy của đồng chí Bùi Văn Tùng lúc đó là Chính ủy của Binh đoàn thọc sâu và Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 mới có trình độ viết được như thế. Nhớ rằng lúc đấy ông Bùi Văn Tùng còn cử ông Phạm Xuân Thệ ngồi tháp tùng trên xe chở ông Dương Văn Minh đến đài phát thanh. Sự thật là như thế đấy!”
    (Đại tá Phạm Ngọc Sơn, nguyên sĩ quan Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tại Chiến dịch Hồ Chí Minh, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy ông Thệ cầm tờ giấy gì trên tay ở trong bức hình trên và sao không thấy ông Tùng.

      Xóa
    2. Ông lạc hồng à!
      Ông nhà báo Kỳ Nhân phóng viên hãng thông tấn AP chỉ chụp 1 tấm hình này. Xem hình, ta hiểu rằng lúc này Người chụp chỉ tập trung hướng ống kính vào nhân vật trung tâm là ông Dương Văn Minh.
      Nhưng ông nhà báo Tây Đức Borries Gallasch đã kể trong sách "Thành phố Hồ Chí Minh- giờ khắc số 0" thì, nguyên văn: "Tổng thống Dương Văn Minh và Chính ủy xe tăng Bùi Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ."
      Như vậy có thể suy ra lúc này ông Bùi Tùng ngồi bên phải ông nhà báo Tây Đức và bị che khuất bởi những người đứng trước.

      Còn ông Thệ cầm tờ giấy gì thì bố ai mà biết!
      Đi mà hỏi ông ta!
      Có thể là... tờ giấy lộn chi đó!

      Xóa
    3. Xem hình thì có vẻ như ông Tùng không có ở trong hình chứ không phải là bị che. Mặc dù vậy không có ở trong hình không có nghĩa là không có ở đó. Có thể là ông tác giả người Đức nhớ lộn nên viết trong sách như vậy. Trong 1 bức ảnh khác trong phim tài liệu thì có thể thấy là ông Thệ đã nói dối về việc ông Tùng không có ở đó, nhưng trong hình kia cho thấy ông Tùng có ở đó, ông Tùng đi gần ông DVM nhất và mới là người áp giải ông DVM.

      Còn ông Thệ cầm 1 đống hồ sơ có vẻ trang trọng như vậy thì chắc là giấy tờ quan trọng, không rõ đó có phải là bản tuyên bố đầu hàng hay không. Nhưng người cầm cũng không nhất định phải là người viết ra nó.

      Có thể ông Tùng viết rồi đưa cho cấp dưới là ông Thệ đem đưa cho ông Dương văn Minh.

      Xóa
    4. Tôi có hỏi ông Nguyễn Hữu Thái (người đọc lời giới thiệu trước khi ông Minh "lớn" đọc Tuyên bố đầu hàng" và ông Bùi Văn Tùng đọc Chấp nhận đầu hàng) thì không có mặt ông Bùi Văn Tùng trong ảnh này ((do ông Kỳ Nhân chụp). Đó cũng là bình thường!

      Xóa
    5. Bài viết này của tôi sau khi gặp ông Thái (sau kỉ niệm 30/4/2015):
      https://www.facebook.com/photo?fbid=1088814891132325&set=a.776017635745387

      Xóa
    6. Ông TranKienQuoc09:25 6 tháng 5, 2021 nói đúng rồi "không có mặt ông Bùi Văn Tùng trong ảnh này (do ông Kỳ Nhân chụp)"
      Nhưng cả ông Thái, cả ông Kỳ Nhân và cả ông Hà Huy Đỉnh đều khẳng định họ có mặt ở Dinh ĐL trước cả ông Thệ, ông Tùng và họ đều xác nhận Ông Tùng cũng có mặt ở Dinh chứ không phải như ông Thệ nói láo (rằng chỉ thấy ô Tùng khi ông Thệ đã đến Đài 30 phút).
      Cả ông Thái và cả ông Hà Huy Đỉnh đều xác nhận họ đi xe sau cùng ông Bùi Tùng, cùng ông nhà báo Tây Đức nhưng đến Đài cùng lúc với ông Thệ và Bùi Tùng soạn tuyên bố.
      Ông Thái, ông Đỉnh bác bỏ chuyện ai đó nghi ngờ ông nhà báo Tây Đức không hiểu tiếng Việt nên có thể viết sách sai. Bởi ông nhà báo Tây Đức này đã làm việc ở VN từ lâu, ông Thái, ông Đỉnh đều là chỗ bạn bè thân thiết với ông Tây Đức.
      Ông Tây Đức có nói chuyện với ông Tùng bằng tiếng Pháp. Với tiếng Việt, ông Tây Đức không biết nên nhiều lúc phải nhờ ông Thái, ông Đỉnh dịch hộ.
      Ông Tây Đức viết trong sách rằng ông sĩ quan trẻ (Thệ) cầm súng K54 rất phấn khích, quát tháo khiến mọi người hoang mang... Sự hoang mang chấm dứt khi xuất hiện ông Bùi Tùng...

      Đoạn viết này phù hợp với lời hai Đại tá tình báo Sáu Trí+ Tô Văn Cang.
      Điều này

      Xóa
    7. Bạn Nguyễn Đức Kiên 17:33 4 tháng 5, 2021 đã đưa ra nhân chứng sống như vậy thì cũng là cơ sở để xác thực

      Xóa
  3. Tôi rất yêu sử và hay đọc nhiều các sách báo Anh - Việt về lịch sử. Lâu nay tôi cũng hay ngờ ngợ về chuyện này nhưng chưa giám nói. Đây cũng không phải vấn đề đầu tiên của Viện LSQS Việt Nam, mặc dù Viện rất có công trong việc phổ quát lịch sử VN. Nhưng tại sao lại có 1 Nguyễn Mạnh Hà làm tới chức cao như vậy trong khi ai cũng biết đây là 1 người lật sử.

    Có 2 trường hợp khác mà tôi thấy ở viện này là trong cuốn lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà viện này biên soạn đọc rất dày cộm và tôi cũng ráng đọc hết nhưng có 2 vấn đề mà tôi rất băn khoăn.

    Thứ nhất là về các chiến lược chiến tranh của Mỹ, trong đó chỉ có Việt Nam hóa là Mỹ có công bố, nhưng đó là chương trình Việt Nam hóa, chứ không có gọi là "chiến lược Việt Nam hóa". Đó là 1 chương trình (program) để thay màu da xác chết chứ không phải là 1 chiến lược chiến tranh? Không phải "strategy".

    Ngoài ra những chiến lược chiến tranh khác đều là các nhà quân sự của ta suy ra từ các hành động quân sự và chính trị của phía Mỹ. Nhưng như vậy thì nên nói rõ như vậy, chứ còn ông nêu rõ đây là chiến lược của Mỹ nhưng trong tài liệu tiếng Anh của Mỹ thì không có những chiến lược này thì giới trẻ biết tiếng Anh khi đọc họ nghĩ sao?

    Vấn đề thứ hai là vấn đề mà có Wiki Tiếng Anh có nói tới, mặc dù Wiki là không đáng tin nhưng vấn đề đây không phải là nguồn gốc từ wiki hay nguồn họ chôm đâu đó mà là nguồn họ chôm về từ Hồ sơ Lầu Năm Góc (Pentagon Papers) nổi tiếng 1 thời. Trong đó ghi rõ 1 trong những nguyên nhân lớn Mỹ muốn xâm lược VN và kiểm soát lấy nửa nước VN (Nam Việt Nam) là xây dựng tiền đồn căn cứ chống Trung Quốc. Đây cũng là cách giải thích hữu lý cho vì sao mà TQ phải giúp VN hăng say như vậy. Nhưng yếu tố "chống Trung Quốc" này của Mỹ hầu như không thấy trong các tài liệu của viện cũng như sách LS KCCM cứu nước này.

    Vấn đề khác nữa là các tham vọng về tài nguyên trù phú ở miền Nam VN nói riêng và Đông Dương nói chung trong việc Mỹ giúp Pháp chiếm lại VN rồi ở lại không đi mà thay thế Pháp tiếp tục xâm lược cũng không được nhắc gì luôn, hoàn toàn làm ra vẻ là Mỹ chỉ có xâm lược VN vì mục tiêu ý thức hệ, hệ tư tưởng, hoàn toàn rập khuôn với các tuyên truyền của CP Mỹ là phải chiến tranh ở VN để giúp ngăn chặn hiểm họa Cộng Sản. Có khá nhiều tài liệu cũ của Pháp và các câu nói của lãnh đạo Mỹ đã bộc lộ ra các tham vọng tài nguyên ở VN này, nó giúp giới trẻ hiểu đầy đủ hơn về bản chất thực dân (trá hình) của cuộc chiến xâm lược VN.

    Thứ tư là không nói rõ "thuyết Domino" chỉ là 1 lý do chiến tranh bịp bợm của CP Mỹ, họ bịa ra cái đó để lấy cớ khai chiến như bao nhiêu danh nghĩa chiến tranh khác xưa nay trong lịch sử, bằng chứng là sau khi miền nam giải phóng thì chẳng có Domino nào đổ cả và Mỹ cũng ném Domino vào sọt rác từ đó đến giờ. Nhưng sách này cứ khơi lại và xem những tuyên truyền chính trị của Mỹ là thật.

    Tức là khi đọc tài liệu Mỹ, 1 số người trong họ hầu như không phân biệt được đâu là dữ kiện, dữ liệu khách quan, đâu là tuyên truyền vì mục đích chính trị. Vì thế họ cứ bị lẫn lộn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bình luận này khá hay nhưng về các chiến lược chiến tranh thì e rằng bạn đã bị ảnh hưởng bởi đám "nhóm giáo viên dạy sử" trên Facebook rồi, bố ai biết bọn này ở đâu thật sự, ai cũng biết FB là cái thế giới gì rồi, long xà hỗn tạp. Các chiến lược chiến tranh đó là có thật, sở dĩ tìm trên tiếng Anh không có là vì các nhà biên soạn quân sự VN đã Việt hóa ngôn từ đi cho dễ hiểu, dựa trên nội dung chương trình chiến lược của Mỹ. Thí dụ như Kế hoạch Stanley - Taylor là hoàn toàn có thật, tiếng Anh cũng có, và đó là 2 con người thật việc thật.

      Xóa
    2. Nhiều giáo viên và nhà báo do không hiểu quy trình biên soạn lịch sử quân sự, là thể loại lịch sử khách quan nhất để sử dụng đúc rút kinh nghiệm cho thực chiến tương lai, nên đã có rất nhiều VÕ ĐOÁN chủ quan khi so sánh các tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh, và vấn đề "các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở VN" là 1 trong các vấn đề như vậy.

      Nên biết là dù Mỹ nó chưa công bố hay nó dùng từ khác thì mình vẫn nghiên cứu chiến lược của nó rồi gọi theo cách VN của mình. Ví dụ:

      Mỹ gọi chính quyền ngụy thời Mỹ là "South Vietnam", nếu mình nói theo Mỹ thì hóa ra đó là Nam Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ bị hô biến thành nội chiến Nam Bắc.

      Mỹ gọi là chương trình Open Arms khi bàn giao cho chính quyền ngụy thì nó Hán Việt hóa thành "Chiêu Hồi". Nếu bây giờ đi tìm kiếm tài liệu về chương trình "Dang Tay" thì tìm cả năm cũng không ra, lại bảo là không có!

      Như chiến dịch cuối cùng của quân Mỹ ở VN 30/4/1975 là chiến dịch Frequent Wind chuyển ngữ thành "Gió Lốc", nếu đi tìm mãi "chiến dịch Gió Thường Xuyên" thì tìm mãi không ra lại bảo là nói dóc? Frequent là thường xuyên.

      Xóa
    3. Trước 1975 bọn Mỹ có 3 chiến lược chiến tranh ở Việt Nam.

      1 là Chiến tranh đặc biệt, nếu tìm tiếng Anh là "special warfare" thì sẽ ít thấy bọn nó dùng từ này. Nhưng bọn nó dùng những thuật ngữ khác như "cuộc chiến không giống ai" hay "cuộc chiến tranh không tuyên bố". Tức là không với thường tình, vậy không giống với thường tình có phải là "đặc biệt" không?

      Đó là cuộc chiến tranh không tuyên bố và đánh theo kiểu "thầy Mỹ, trò ngụy". Lính ngụy cầm súng bắn, cố vấn Mỹ chỉ đạo, trực thăng Mỹ (lúc này còn ít) ở trên bắn xuống. Gọi đây là chiến lược chiến tranh Đặc biệt là hoàn toàn chính xác. Còn Mỹ nó có thừa nhận chiến lược này hay không là chuyện của nó.

      2 là Chiến lược chiến tranh cục bộ. Đây không còn là chiến tranh đặc biệt nữa mà là chiến tranh tổng lực sau khi Mỹ đổ quân xuống Đà Nẵng thực hành chiến tranh xâm lược rộng khắp đối với vùng giải phóng miền Nam nước ta, từng bước xâm lược nước ta.

      Tuy là thế, Cuộc chiến tranh này tầm quy mô của nó vẫn chỉ giới hạn trong cục bộ ở địa điểm Việt Nam, chứ không lan rộng ra Đông Nam Á và không có tính chất quốc tế. Thế nên gọi nó là chiến tranh cục bộ có hợp lý không?

      Thứ 3 là chiến lược VN hóa chiến tranh, dù Mỹ không gọi đó là "chiến lược" mà gọi là "chương trình", song sự thật thì nó chính là 1 loại chiến lược. Chiến lược từng bước thay lính Mỹ sang lính ngụy.

      Ngay chính tay Thiệu trong diễn văn từ chức cũng đã nói rõ rồi, "Người Mỹ đánh giặc ở đây không được, đi về, đặt ra cái chương trình VN hóa, chúng ta chấp nhận, rồi cũng hổng VN hóa".

      Tức là Phi Mỹ hóa - VN hóa là có thật. Mỹ nó không dùng từ "chiến lược" hay dùng bất cứ từ gì nó thích là việc của nó. Còn ta nhìn thấy đó là chiến lược, nhận thức đó là chiến lược, thì ta gọi đó là chiến lược.

      Xóa
    4. Về hồ sơ mật Lầu Năm Góc, do ông Ellsberg chỉ kịp lấy cắp 1 phần nhỏ, còn nhiều vấn đề mật mà chính quyền Mỹ chưa công bố hay giải mật.

      Trong số hồ sơ mà lấy cắp được thì cũng có những mâu thuẫn. Như ban đầu thì giới chức Mỹ cho rằng nguyên nhân chủ yếu cho việc gây chiến tranh ở VN là để "kìm kẹp chế ngự Trung Quốc" vì ngay thời đó mà họ đã cho rằng TQ sẽ lớn mạnh lên và đe dọa vị thế của họ, "TQ sẽ huy động cả châu Á chống lại chúng ta".

      Nhưng đến các sau này thì họ lại cho rằng "70%" nguyên nhân của chiến tranh VN là do Mỹ muốn giữ thể diện nước lớn, không muốn trở thành bên thua cuộc. Vấn đề chống Trung Quốc chỉ còn lại "20%". Như vậy ngay hồ sơ Lầu Năm Góc đã có những thứ không nhất quán về nguyên nhân chiến tranh VN.

      Còn đối với ta, thì ta không cần nhắc đến vấn đề Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vì không cần thiết. Ta chỉ cần biết là nó muốn chiếm 1 nửa lãnh thổ nước ta thì ta phải đánh nó ra ngoài. Còn việc nó chiếm nước ta để làm gì thì là chuyện của nó.

      Hồi đánh Pháp cũng vậy, sau này có tài liệu cho rằng Pháp muốn chiếm VN để tiếp tay với Anh đánh TQ, xâm lược tỉnh Vân Nam của TQ từ hướng VN. Vấn đề này không quan trọng với ta, ta chỉ cần biết là nó muốn chiếm VN thì ta phải đuổi nó đi thế thôi. Còn việc nó muốn chiếm nước VN để làm gì thì kệ mẹ nó.

      Còn vấn đề khác nữa thì cái này là theo ý kiến cá nhân tôi thôi, cứ lôi chuyện TQ ra giống như nói với họ là vì TQ mà ta mới vạ lây bị phương Tây đánh, như là đổ lỗi cho họ, trong khi họ đã giúp như mình tới như vậy mà còn đổ lỗi vạ lây cho họ thì không phải đạo. Đó có thể là 1 trong những lý do vì sao ta không nhắc tới vấn đề Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp Mỹ.

      Xóa
    5. Trong Hồ Sơ Mật Lầu Năm Góc có 2 hồ sơ đáng chú ý là câu: "Chúng ta phải công nhận là Nam Việt Nam, không giống như bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á, thực chất là một sáng tạo (creation) của Mỹ".

      Thứ hai là hồ sơ ghi chú rất rõ Mỹ là kẻ trảm tướng giết Diệm sau khi gia đình này hóa điên giết chóc đạo Phật khiến cả thế giới ghê rợn nên Mỹ phải ra tay trảm tướng để yên chuyện. Phò Mỹ vẫn bị Mỹ trảm.

      Hồ sơ ghi rõ ngày 23 tháng 8 năm 1963, Trung tá CIA người Mỹ gốc Pháp Lucien Conein (đã từng hoạt động trong KCCP) gặp Dương Văn Minh và các tướng tá ngụy chỉ đạo việc bắt giết gia đình nhà Ngô. Dĩ nhiên gia đình quyền lực này cũng bọn lính riêng Bắc Kỳ 54 Công Giáo trung thành với gia đình họ nhưng không chống lại được với quân đội Sài Gòn, 1 bầy lính được nuôi bằng bơ sữa Mỹ. Thế nên Mỹ kêu đi thịt tổng thống là thịt ngay và luôn.

      Xóa
    6. Em nhớ mang máng có đoạn gì đấy trong hồ sơ Lầu Năm Góc nó báo cáo là TQ lớn mạnh lên sẽ làm giảm đi tầm quan trọng và tầm ảnh hưởng của Mẽo, nên Chiến tranh Việt Nam được coi là 1 mặt trận để ngăn chặn và bao vây Trung quốc. Hèn gì TQ họ nhiệt tình giúp VN quá xá.

      Xóa
  4. Bác Phan Tuấn nói rất hay. Tôi rất đồng tình. Ví dụ đoạn "òn đối với ta, thì ta không cần nhắc đến vấn đề Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vì không cần thiết. Ta chỉ cần biết là nó muốn chiếm 1 nửa lãnh thổ nước ta thì ta phải đánh nó ra ngoài. Còn việc nó chiếm nước ta để làm gì thì là chuyện của nó.

    Hồi đánh Pháp cũng vậy, sau này có tài liệu cho rằng Pháp muốn chiếm VN để tiếp tay với Anh đánh TQ, xâm lược tỉnh Vân Nam của TQ từ hướng VN. Vấn đề này không quan trọng với ta, ta chỉ cần biết là nó muốn chiếm VN thì ta phải đuổi nó đi thế thôi. Còn việc nó muốn chiếm nước VN để làm gì thì kệ mẹ nó."

    Nhưng rất tiếc, bác đang nói chuyện lạc đề ở đây.

    Chủ đề ở đây là chuyện về "MỘT TÀI LIỆU TOÀN CẢNH LẦN ĐẦU TIÊN CÔNG BỐ VỀ SỰ KIỆN 30/4/1975 TẠI DINH ĐỘC LẬP VÀ TẠI ĐÀI PHÁT THANH SÀI GÒN!"
    Xin bác và mọi người hãy đọc kỹ cái TÀI LIỆU TOÀN CẢNH này để đưa ra bình luận xem thế nào?

    - Cái TÀI LIỆU TOÀN CẢNH này có phù hợp với cuốn sách của ông nhà báo Tây Đức 'THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIỜ KHẮC SỐ 0' hay không?
    - Cái TÀI LIỆU TOÀN CẢNH có phù hợp với những tài liệu mà ông Đạo diễn Phạm Việt Tùng đưa ra tại bài “SỰ THẬT TRƯA 30/4/1975”- TRUNG TƯỚNG PHẠM XUÂN THỆ ĐÃ NÓI DỐI 5 LẦN! hay không?

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là vụ này hóc búa, ban đầu là ông Bùi Tùng, sau là ông Thệ sau bài báo trên QĐND, rồi sau này do sự gợi ý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Dương Trung Quốc, Trần Đăng Khoa mà lại điều tra lại. Và Viện LSQS cũng đã có kết quả và công bố, nhưng nhiều người vẫn không phục. Trần Đăng Khoa lại có những quy kết kiểu suy diễn trẻ trâu trên FB.

    Tuy nhiên tôi thấy nhiều có vẻ ném đá bộ phim dựa trên những người gợi ý cho việc điều tra đem về "công bình" cho ông Bùi Tùng đều là những người nghe thiên hạ chửi lâu nay như ông Võ Văn Kiệt, ông Trần Đăng Khoa, và nhất là Dương Trung Quốc. Nhưng ít ai để ý ông Lê Mã Lương, cũng là 1 trong những "thành phần bất hảo" như nhiều người nói, ông này thì lại về "phe" ông Thệ chửi ông Tùng.

    Vì vậy cứ nhìn nhận lôgíc khách quan thôi. Tôi đồng ý là chuyện nào ra chuyện nấy. Tạm gác lại "nhân thân" của những người thuộc "phe Tùng" hay "phe Thệ" mà hãy nhìn nhận khách quan xem luồng quan điểm nào là có lý hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Lê Mã Lương trong thời điểm ủng hộ ông thệ là hồi xưa năm 2005-2006. Lúc đó ông ta chưa fandong như bây giờ.

      Còn những người gợi ý hoặc ủng hộ vụ lật lại sự kiện này thấy đều là những người đã sau thời gian bộc lộ các quan điểm fandong rồi. Ông VVK thì không dám nói ông ta fandong nhưng thật sự lúc về già ông ta đã nói những câu để cho các thế lực tiêu cực và lật sử dựa vào, lấy các câu nói của ông ta đem tuyên truyền bừa bãi để lật sử.

      Trong thời điểm ông ta gợi ý lật lại vụ này là sau khi ông ta đã có mấy câu nói đó rồi và bắt đầu bốc lộ này kia rồi.

      Nên bạn nói là không đúng. Con người giống nhau nhưng thời điểm khác nhau. LML của 2005 2006 không phải là LML của 2010-2015 trở đi tới nay. LML của năm đó chưa phải là 1 LML đòi kéo quân tới Bộ ngoại giao đòi hỏi tội "bán đất cho Trung Quốc".

      Xóa
    2. Tất nhiên đích mà chúng ta hướng tới đó là sự thật rồi

      Xóa
  6. Người vác ngà voilúc 09:53 5 tháng 5, 2021

    Thật ra Viện chẳng có kết luận là ông Thệ là người soạn bản tuyên bố đầu hàng cho ông Dương Văn Minh. Đây là nguyên văn:

    "Tại đài phát thanh đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo, thì Trung tá Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 xuất hiện. Từ đó, bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tùng tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên đài phát thanh.

    Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh."

    --------------------------------------------------

    Tôi không rõ có phải sau đó ông Tùng mới xuất hiện hay không. Nhưng theo lẽ thì bản tuyên bố đầu hàng quan trọng hơn rất nhiều so với bản chấp nhận đầu hàng. Vì bản tuyên bố đầu hàng là ta soạn cho họ nói, chứ họ mà tuyên bố bậy thì toi. Như họ mà tuyên bố "VNCH đầu hàng" thì câu chuyện biến thành cuộc chiến tranh quốc gia VNDCCH tấn công và sáp nhập quốc gia VNCH.

    Theo cả 2 bên thì phải sau 1 tiếng đồng hồ mới soạn xong. 1 bài tuyên bố có chút xíu như vậy mà soạn đến 1 tiếng, thì chắc chắn đây phải có tập thể tham gia, công sức của tập thể. Chứ không phải là chỉ có 1 ông được. Cho dù ông Tùng là to nhất thì cũng khó tin nếu nói là ông ta soạn hoàn toàn 1 mình 1 bản tuyên bố quan trọng như vậy.

    Còn bản chấp nhận thì do chính ông ta đọc và bản này không quan trọng bằng nên ông ta tự viết, có thể tin được.

    Có 2 điểm khá chủ quan của bên ủng hộ ông Tùng, 1 là họ lập tức phủ nhận kết luận này và suy diễn vì ông Thệ chức to, vì muốn 1 kết luận đẹp theo kiểu chia chác xôi thịt chiến lợi phẩm. Đó là những suy diễn chủ quan chưa thuyết phục lắm. Tại sao không nghĩ đó thật sự là công sức tập thể?

    Thứ 2 là họ bác ngay vấn đề ông Thệ chữ khó đọc nên đọc cho ông Dương Văn Minh viết, họ suy diễn rằng ông DVM là "tổng thống" nên sẽ chảnh nên không làm vậy. Nhưng trên thực tế thì ông DVM có muốn làm tổng thống hay nhận mình làm TT đâu! Chính ông ta muốn bỏ danh xứng "tổng thống" ra khỏi tuyên bố đầu hàng cơ mà. Ông DVM không phải là tổng thống thật sự của 1 quốc gia thật sự hay theo 1 hiến pháp thật sự, và chính ông biết như vậy, ý thức được như vậy. Và ông ta chỉ là 1 viên tướng bại trận đang chờ xét xử, đang là cá nằm trên thớt của người khác. Vì vậy cho rằng ông ta là "tổng thống" nên "không thể nào" có chuyện viết tay theo lời đọc để đọc cho dễ là chuyện võ đoán chủ quan, suy diễn dựa trên logic máy móc cứ như ông ta là "tổng thống" thật, như kiểu "vua thì không thể nghe lời lính", nhưng nếu bám sát thực tiễn thì tình hình lúc đó không phải là "vua với lính" mà là "tướng bại trận, phạm nhân chờ xét xử với những người đã chiến thắng".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng vấn đề mọi người quan tâm là thực chất ai đã soạn thảo, cá nhân hay tập thể

      Xóa
  7. Người vác ngà voilúc 10:09 5 tháng 5, 2021

    Còn 1 trong 5 lần nói dối thì mấy vụ kia tôi không rõ nhưng trong đó có lần cho rằng ông Thệ đọc sai nguyên văn bản tuyên bố của ông DVM. Những quy chụp kiểu này thật sự rất thất vọng và làm giảm uy tín và độ tin cậy của cuốn phim và các cáo buộc nói chung. Rõ ràng là ông ta đọc rất nhanh khi được phóng viên tờ báo kia hỏi trên điện thoại, thì ngay lúc đó làm sao nhớ rõ thuộc lòng từng câu được, nên ông ta cứ thế mà tương lên theo trí nhớ cao tuổi mà đã qua nhiều thời gian rồi.

    Dù "xuất khẩu thành văn" theo trí nhớ đã lâu nhưng mọi người để ý là bản mà ông ta đọc cho ông phóng viên ghi lại vẫn rất tương đồng với bài nguyên văn của DVM đọc.

    Vậy nên việc cho rằng 2 bản đọc miệng của ông Thệ và DVM là không giống nhau rồi từ đó bảo rằng ông ta nói dối là không thuyết phục lắm.

    Trả lờiXóa
  8. Nguyễn Đức Kiênlúc 12:38 5 tháng 5, 2021

    Bạn Người vác ngà voi10:09 5 tháng 5, 2021 không xem kỹ Phim SỰ THẬT TRƯA 30/04/1975
    https://www.youtube.com/watch?v=EbgrWDVcGMw&ab_channel=D%C6%B0%C6%A1ngTh%C3%A1iB%C3%ACnh

    Trong phim đã trích video clip lời ông Thệ khẳng định: Ông Tùng không hề có mặt ở Dinh ĐL. Ông Thệ cũng nói rõ: Sau khi ông Thệ vào Đài Phát thanh đến 30 phút thì mới xuất hiện ông Tùng-

    Đây là lời nói dối quan trọng nhất của ông Thệ!

    - Sự thật thì ông Tùng viết bản Lời tuyên bố đầu hàng cho DVM, dù có lúc ông ngồi bất động, vắt óc suy nghĩ nhưng tất cả thời gian chỉ có mươi phút chứ không phải "sau 1 tiếng đồng hồ mới soạn xong" như bác viết trên kia.
    Và khi ông Tùng ngồi viết thì không có ai "góp ý" gì với ông Tùng. Chỉ có ông Tùng và ông DVM bàn bạc qua lại chữ Tổng thống.
    Không có vai trò gì của ông Thệ ở đây.

    - Trở lại thời điểm ở Dinh ĐL thì ta thấy sự thật là có 2 ông sỹ quan giải phóng đầu tiên có mặt ở Dinh ĐL là trung úy Bùi Quang Thận và trung úy Vũ Đăng Toàn. Ông Thận lên cắm cờ, còn ông Toàn thì cầm AK gom nội các Sài Gòn vào ngồi yên chờ cấp cao Giải phóng đến làm việc.

    - Sau đó xuất hiện ông Phạm Xuân Thệ với khẩu K54 lăm lăm, phấn khích, quát tháo, đòi xích tay xích chân Nội các DVM. Trong phòng Khánh tiết nhốn nháo, căng thẳng.

    - Đúng lúc đó xuất hiện ông sỹ quan cao lớn (Bùi Tùng)- như nhà báo Tây Đức đã viết: "Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của Quân Giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Sau một vài phút, Minh, Mẫu và Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước. Minh và Mẫu leo lên chiếc xe Jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Chính ủy Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai..."

    - Câu chuyện ông Thệ phấn khích còn được xác nhận của những sỹ quan Tình báo của ta- những người cũng có mặt tại Dinh lúc đó là hai Đại tá tình báo Tô Văn Cang, Đại tá tình báo Sáu Trí. Ông Tô Văn Cang còn tranh cãi với ông Thệ, rằng các đồng chí phải đối xử với ông DVN như Hàng binh chứ không phải Tù binh, ông DVM đã phát đi lời đầu hàng sáng nay rồi...
    Ông Tô Văn Cang còn đề nghị ông Bùi Tùng chỉ đạo ông Thệ bớt hung hăng...
    Tất cả những điều trên đều có trong Phim Điều tra của ông Phạm Việt Tùng.

    -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu nhớ không lầm thì trong phim chính ông Tùng kể là hút thuốc suy nghĩ khoảng trên 50 phút rồi mới hoàn thành bản tuyên bố đầu hàng.

      Xóa
    2. Nguyễn Đức Kiênlúc 18:35 5 tháng 5, 2021

      Bạn xem từ phút thứ 30 Phim
      CHUYỆN THẬT 30/4/1975
      https://www.youtube.com/watch?v=EbgrWDVcGMw&ab_channel=D%C6%B0%C6%A1ngTh%C3%A1iB%C3%ACnh

      Lời ông Tùng nói ông viết "vài phút" là xong.

      Không thấy hút thuốc men gì cả!

      Xóa
    3. 1 bài tuyên bố quan trọng như vậy viết vài phút là xong à?

      Xóa
    4. Viết tuyên bố đầu hàng cũng không đơn giản như bạn nghĩ đâu

      Xóa
  9. Tôi nhất trí với nhận xét của ông Nguyễn Đức Kiên12:38 5 tháng 5, 2021.

    - Ông Phạm Xuân Thệ nói láo rằng:
    - Không có mặt ông Bùi Tùng ở Dinh Độc Lập, chỉ có ông ta(Thệ) là người có quân hàm cao nhất ở đó và chỉ có ông ta cùng nhóm lính bộ binh TĐ 66 "BẮT" Đương Văn Minh.
    - Chỉ có ông ta (Thệ) cùng nhóm lính bộ binh TĐ 66 DẪN GIẢI Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh.
    - Chỉ có ông ta (Thệ) cùng nhóm lính bộ binh TĐ 66 soạn thảo lời đầu hàng cho Dương Văn Minh. Thẻo được 30 phút thì ông Tùng mới xuất hiện và ông Thệ cho phép ông Tùng cùng góp ý hoàn thiện bản thảo Lời đầu hàng cho DVM.
    - Ông Thệ cùng anh em nhất trí "phân công" ông Tùng soạn và đọc chấp nhận đầu hàng.

    Viện Lịch sử QS cũng đã kết luận như lời nói láo của ô Phạm Xuân Thệ.

    Phim của ông Phạm Việt Tùng đã đưa ra những bằng chứng bác bỏ tất cả lời nói láo kia của ông Thệ.

    Với những bằng chứng không thể phản bác, ông Phạm Việt Tùng đã cho thấy SỰ THẬT ở Dinh ĐL diễn ra lớp lang như sau:
    ===
    1. Có 2 ông sỹ quan giải phóng đầu tiên có mặt ở Dinh ĐL là trung úy Bùi Quang Thận và trung úy Vũ Đăng Toàn. Ông Thận lên cắm cờ, còn ông Toàn thì cầm AK gom nội các Sài Gòn vào ngồi yên chờ cấp cao Giải phóng đến làm việc.

    2- Sau đó xuất hiện ông Phạm Xuân Thệ với khẩu K54 lăm lăm, phấn khích, quát tháo, đòi xích tay xích chân Nội các DVM. Trong phòng Khánh tiết nhốn nháo, căng thẳng.

    3- Đúng lúc đó xuất hiện ông sỹ quan cao lớn (Bùi Tùng)- như nhà báo Tây Đức đã viết: "Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của Quân Giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Sau một vài phút, Minh, Mẫu và Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước. Minh và Mẫu leo lên chiếc xe Jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Chính ủy Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai..."

    4- Câu chuyện ông Thệ phấn khích còn được xác nhận của những sỹ quan Tình báo của ta- những người cũng có mặt tại Dinh lúc đó là hai Đại tá tình báo Tô Văn Cang, Đại tá tình báo Sáu Trí. Ông Tô Văn Cang còn tranh cãi với ông Thệ, rằng các đồng chí phải đối xử với ông DVN như Hàng binh chứ không phải Tù binh, ông DVM đã phát đi lời đầu hàng sáng nay rồi...
    Ông Tô Văn Cang còn đề nghị ông Bùi Tùng chỉ đạo ông Thệ bớt hung hăng...
    ===
    Như vậy, SỰ THẬT THÌ:
    1. VIỆC BẮT DƯƠNG VĂN MINH VÀ NỘI CÁC CỦA ÔNG MINH LÀ VŨ ĐĂNG TOÀN CHỨ KHÔNG PHẢI PHẠM XUÂN THỆ
    Sự có mặt của ông Phạm Xuân Thệ chả có giá trị gì mà lại còn gây rối, làm không khí căng thẳng.

    2. Việc dẫn giải sang Đài PT ông Thệ có tham gia nhưng vẫn là ông Tùng chỉ huy.

    3. Việc Soạn thảo Lời đầu hàng cho DVM chỉ có ông Tùng thực hiện.

    Từ đó suy ra, ông Phạm Xuân Thệ chả có vai trò gì đáng kể.
    Tất cả lời kể của ông chỉ là nói láo!
    Khai man, Lý Thông cướp công Thạch Sanh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lời kết của bạn Lê Nguyễn Linh 16:03 5 tháng 5, 2021 là rất hợp lý

      Xóa
  10. Nghe bên nào cũng thấy kể thật chi tiết và đều có vẻ có lý. Nhưng vẫn chỉ là câu chuyện "anh ta nói, cô ta nói" thôi. Người ta nói cứ nghe bên thứ 3 cho khách quan chứ mấy ông tăng thiết giáp với bộ binh thì bênh nhau. Nhưng có bao nhiêu bên thứ 3 khách quan? Trí nhớ họ có bảo đảm không? Bây giờ hỏi ai ở đây tháng trước đi đâu làm gì ai nhớ rõ được không mà cứ quy nhất định nói sai phải là nói dối. Lúc đó không ai có quân hàm và không ai biết ai là ai, ông Thệ cũng không phải là cấp dưới trực tiếp của ông Tùng.

    Hiện chỉ nghe các lời kể, còn nhừng bằng chứng xác thực hơn như hình ảnh thì không thấy ông Tùng trong dinh. Bảo là bị che nhưng trông không giống như bị che, ông ta cao to mà. Có 1 video clip cho thấy ông Tùng có ở đó với ông Thệ, đoạn này ông Thệ nói sai sự thật về chuyện áp giải, nhưng dó là ở ngoài dinh.

    Như vậy có người muốn ông Thệ được phong anh hùng, "tham nhũng" danh vọng ( không tiền bạc gì trong này ), ham bã hư vinh nhảm nên đi phi tang sạch sành sanh hết các hình ảnh có ông Tùng và photoshop lại hình ảnh xóa ông Tùng ra khỏi các hình ảnh? Động cơ phạm tội là để được phong anh hùng, được giấy khen?

    Cho đến lúc này tất cả đều là suy diễn và là loại bằng chứng suy luận suy lý chứ không phải là bằng chứng trực tiếp. Vụ này đã được điều tra không ít lần rồi. Lần hội thảo là to nhất và có đầy đủ bên thứ 1, bên thứ 2, phía thứ 3 trung lập khách quan. Tại sao người ta vẫn ra kết luận như 2 lần trước đó? Để được phong anh hùng, để được danh hão à? Cả nguyên bao nhiêu người như vậy hùa theo à?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Nặc danh17:37 5 tháng 5, 2021 sai rồi!
      - Sai 1: Bạn viết về bức hình "Hiện chỉ nghe các lời kể, còn nhừng bằng chứng xác thực hơn như hình ảnh thì không thấy ông Tùng trong dinh. Bảo là bị che nhưng trông không giống như bị che, ông ta cao to mà."

      Bức hình ta đang nói là bức hình "Dương Văn Minh đang ghi âm Tuyên bố đầu hàng. Ảnh Kỳ Nhân- phóng viên hãng thông tấn AP"
      https://1.bp.blogspot.com/-m6LOWsdt7Qg/YJDyRHBHYRI/AAAAAAAAZXo/FzObfPN4HXY9_GLSdtXWJlWTxgZhckX0ACLcBGAsYHQ/s16000/boris-von-galasse-duong-van-minh.jpg
      Đó là khi đã thảo xong Lời Tuyên bố đầu hàng và bắt đầu ghi âm, tức là KHI ĐÓ MỌI NGƯỜI Ở ĐÀI PHÁT THANH chứ không phải Ở TRONG DINH ĐỘC LẬP.

      - Sai 2: Bạn viết "Có 1 video clip cho thấy ông Tùng có ở đó với ông Thệ, đoạn này ông Thệ nói sai sự thật về chuyện áp giải, nhưng dó là ở ngoài dinh."
      Ông Thệ nói ông Tùng hoàn toàn không có trong Dinh, không có khi áp giải, không có ở Đài PT trong 30 phút đầu tại Đài phát thanh.
      Nay, chỉ cần có 1 đoạn video KHI ÁP GIẢI thì ta đã có thể kết luận ông Thệ nói láo tất cả. Bởi, ông Tùng có mặt cùng ông Thệ ÁP GIẢI DVM, thì đương nhiên ông Tùng phải đến Đài PT cùng lúc với ông Minh, ông Thệ chứ không thể có chuyện ông Tùng đến chậm hơn 30 phút so với ông Thệ.
      Và nếu ông Tùng đã có mặt tại Đài PT cùng lúc với Thệ thì đương nhiên không thể có chuyện ông Thệ thảo lời đầu hàng cho ông Minh như Thệ nói.

      Xóa
    2. Lời nói dối sẽ bộc lộ những điểm phi lý

      Xóa
  11. Hiện tất cả đều là một chiều, phim ông Việt Tùng, các bài viết đăng báo (dựa vào phim ông Tùng và phỏng vấn ông Tùng) và "phe" ủng hộ ông Thệ. Bên nào thì chỉ chọn lọc và sử dụng các lời kể nhân chứng có lợi cho luận cứ của mình. Tức là hoàn toàn 1 chiều, không thấy có sự đưa ra các luận cứ của phía bên kia rồi bác bỏ, như người ta vẫn làm trên tòa hoặc bút chiến.

    Cho đến nay vẫn chỉ có duy nhất lần Hội Thảo năm 2005 là có tụ họp các phía nhân chứng, các phía bài viết (24 bài) và công khai tranh luận, thảo luận đa chiều. Và người ta đã ra kết luận như vậy.

    Vụ này tôi nghiêng về hướng tin và ủng hộ GGTL vì các bạn đã có những nỗ lực thực tế đấu tranh chống lật sử và thường nói trúng nhiều vấn đề nhạy cảm như thế này. Nhưng nói thật là bây giờ có chĩa súng vào đầu tôi hỏi ai thì tôi cũng không biết. Tôi đã xem phim, đọc hết, đọc sạch rồi. Vẫn chưa thấy có sự chứng minh rõ ràng được ông nào là người soạn tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hầu hết các bạn tham gia còm tại đây đều quan điểm của chủ trang này

      Xóa
  12. Ngô Văn Cườnglúc 18:48 5 tháng 5, 2021

    Để việc tìm hiểu này được công tâm khách quan và các bàn luận được lành mạnh đề nghị mọi người các bên thôi chụp mũ nhau bằng các kết tội "lật sử", "ngụy sử", "xuyên tạc lịch sử". Nhiều người cả 2 bên vì cái "tôi" của mình mà chửi phía bên kia như vậy. Điều này nguy hiểm ở chỗ là nó làm cho phong trào quần chúng chống lật sử không còn uy tín nữa, không còn giá trị nữa, chửi bới vô tội vạ như vậy thì người ta không còn sợ nữa.

    Lật sử ngụy sử hay xuyên tạc, xét lại lịch sử là thí dụ như nó muốn biến cuộc kháng chiến chống Mỹ trở thành chiến tranh Nam - Bắc hay chiến tranh giữa VNDCCH với VNCH, biến đổi bản chất thực tế của cuộc chiến, đảo lộn ý nghĩa cuộc chiến, lộn ngược bản chất cuộc chiến.

    Còn vụ này chỉ là để tìm hiểu sự thật xem ông nào là người soạn văn cho "Đại tướng" Dương Văn Minh đầu hàng và những chi tiết khác trong ngày hôm đó. Ông nào cắm cờ, xe tăng nào, ông nào soạn văn bài nói chuyện cho tướng Dương Văn Minh thì đều không thay đổi lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc này.

    Nếu nói lật sử thì các bài báo PR cho phim thì nhiều tác giả bài viết đã "lật sử" hơn nhiều khi dùng từ ngữ khái niệm bậy bạ như "Tổng thống VNCH Dương Văn Minh", vì nó rơi vào trường hợp như trên, nó làm cho người đọc nghĩ đó là cuộc chiến tranh giữa VNDCCH xâm lược và sáp nhập VNCH, như vậy mới là tuyên truyền lật sử. Dùng những từ ngữ khái niệm bậy bạ như vậy mà tự xưng là muốn trả lại sự thật cho lịch sử là ý đồ gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngô Văn Cườnglúc 19:08 5 tháng 5, 2021

      Hiện nay vấn đề đáng báo động là hiện tượng tố cáo, quy kết bừa bãi người khác là lật sử xảy ra nhiều khiến cho vấn đề bảo vệ lịch sử bị bọn xấu biến ra thành trò cười. Không loại trừ trường hợp những vụ chụp mũ vô tội vạ như vậy chính là do bọn xấu, bọn tham nhũng làm để gây tiếng xấu cho phong trào bảo vệ lịch sử.

      Lật sử, ngụy sử, xuyên tác xét lại lịch sử là khi mà ai đó lật lại ý nghĩa lịch sử, ngụy tạo bản chất cuộc chiến tranh, xuyên tạc đòi xét lại ý nghĩa cuộc chiến tranh. Hoặc là có những bài viết và tuyên bố làm cho người ta nghĩ về cuộc chiến tranh như vậy, thí dụ như ca ngợi và đòi tri ân quân đội ngụy, nâng lên quân ngụy và chính quyền ngụy, làm cho người ta nghĩ ngụy quyền là 1 quốc gia, thì đó là lật sử chính hiệu rồi không chối cãi vào đâu được, đó là mới là xuyên tạc lịch sử rõ ràng.

      Còn tranh công giành tiếng này nó là tiêu cực nhưng nó không nằm trong trường hợp đó. Mọi người đều muốn tìm ra sự thật nhưng xin đừng chửi nhau kiểu cực đoan như vậy.

      Ngoài ra còn trường hợp như "Hội giáo viên lịch sử" trên FB, thí dụ như có ý kiến đề xuất đổi tên kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ sang "chiến tranh kháng Pháp" và "chiến tranh kháng Mỹ" giống như với cách đặt tên cuộc chiến như bên Trung Quốc "chiến tranh kháng Nhật", "chiến tranh kháng Mỹ viện Triều", với lập luận rằng "Kháng" là "chống lại", rõ nghĩa rõ ý hơn, còn "Chống" thì chỉ là "chống chung chung".

      Tôi không đồng ý với quan điểm đó vì "kháng chiến" đã là "chống lại rồi". Ở đây mỗi nước có cách đặt tên, mô-típ đặt tên khác nhau. Cách đặt tên "kháng chiến chống X" là ổn, không cần phải thay đổi.

      Tuy nhiên có những người lại cáo buộc đó là lật sử, thì đó không phải lật sử vì kháng chiến chống Mỹ hay chiến tranh kháng Mỹ thì cũng là 1 thứ thôi, không hiểu là lật sử kiểu gì?

      Nếu cái gì cũng đem ra chửi kiểu đó thì nó làm cho khái niệm "lật sử" nó không còn sức nặng nữa và phong trào quần chúng chống lật sử nó trở thành rẻ rúng không còn giá trị và bị đem ra làm trò cười. Nên mong rằng hãy stop sự không lành mạnh đó lại.

      Xóa
    2. Nên xoay quanh chủ đề chính để tìm ra sự thật thôi

      Xóa
  13. Vụ này rất khó tin vì đã có 3 lần tìm hiểu làm rõ có tính chất nghiêm túc và đều có 3 kết luận giống nhau.

    Mọi người xin nhớ là ban đầu quan niệm chính thức là ông Tùng là người làm tất cả vì ông to nhất. Lịch sử Quân đoàn 2 ghi là ông Tùng.

    Sau đó ông Đào Văn Sử nghe ông Thệ kể, trình bày với báo QĐND. Báo cho người tìm hiểu và thấy đúng nên cho đăng phóng sự điều tra này lên. Báo QĐND là tờ báo nghiêm túc và là báo cấp cao chứ không phải loại xàm như mấy tớ báo mà người ta hay chửi ngày nay. Cho nên cái quy trình tìm hiểu đó thì tôi nghĩ là cũng nghiêm túc ít nhiều chứ không phải khơi khơi làm.

    Người ta có đặt vấn đề là lúc này ông Sử là phóng viên trẻ muốn được nổi tiếng. Nhưng để 1 bài viết mà lên được báo QĐND thì không phải là chuyện muốn làm là được, khi mà hầu hết bài viết tào lao đều phải dừng lại ở vòng gửi xe. Đây là điều tra lần 1.

    Rồi sau đó Quân đoàn 2 mới khiếu nại vì bài trên báo QĐND khác với lịch sử Quân đoàn. Đưa đến việc là Ban Bí Thư mở cuộc tìm hiểu điều tra. Đây là điều tra lần 2. Vẫn kết luận bài viết đúng.

    Rồi sau đó trên báo vẫn có những bài báo mâu thuẫn nhau, người bênh ông Tùng, kẻ bênh ông Thệ. Nên lãnh đạo lại giao cho Viện lịch sử quân sự VN điều tra thêm lần nữa, lần này là lần thứ 3. Lần này là làm hoành tráng luôn, tổ chức tọa đàm và để cho khách quan đã mời tất cả mọi phía đến, "phe ông Thệ", "phe ông Tùng" và cả những người trung lập như Hà Huy Đỉnh nhà báo Sài Gòn cũ lúc đó cũng là người làm chứng có ở hiện trường.

    Cuộc điều tra này cũng tổng kết lại tất cả các bài viết và lý lẽ các bên các phía của từ nhừng năm cũ cho đến năm 2005 lúc đó để rà soát, thẩm định, đối chất. Mọi người đối thoại công khai minh bạch trong tọa đàm.

    Lần thứ 3 làm đến như vậy và vẫn ra kết quả kết luận như vậy. Công trình nghiên cứu điều tra của lần đó tôi tin hơn nhiều so với phim tài liệu này, xem thì có lý thật nhưng đó chỉ là 1 phía. Nó không đưa ra các lập luận của phía bên kia, nó không cho người ta cãi lại. Giống như trên tòa mà nói có lý cỡ nào nhưng chỉ có 1 mình nói và chỉ có nhân chứng có lợi cho mình và không cho luật sư bên kia nói hay đem nhân chứng của họ ra thì có thuyết phục không?

    Xin nhớ là cho đến thời điểm này vẫn chỉ có tọa đàm năm 2005 là có đầy đủ đương sự, ông Thệ, ông Tùng và các phe các lính của các ông ấy, các nhân chứng, thiết giáp tăng có, bộ binh có, khách quan trung lập thứ 3 mà ông Phạm Việt Tùng mà ông Võ Văn Kiệt nói cũng có luôn. 3 mặt 1 lời cãi nhau hết rồi còn gì.

    Thử hỏi nếu mà đã công khai và cả đám các bên đối thoại như vậy mà Viện ra kết luận bất công thì có được không? Chẳng lẽ không cần danh dự, thể diện gì nữa? Cái này đâu phải là 1 kết luận kín đáo kiểu tự ý kết luận trong phòng kín. Cái này là công khai trước nguyên 1 đám người trong cuộc mà!

    Quy chụp bố láo của Trần Đăng Khoa là cái gì do muốn huề vốn, muốn êm đẹp, hoặc do chức ông Thệ lúc đó cao hơn còn ông kia đã về hưu nên kết luận vẹn cả đôi đường như vậy là suy diễn thôi, vô căn cứ. Nếu chỉ cần êm đẹp là xong thì làm to như vậy làm gì. Bao nhiêu người, bao nhiêu tiếng nói, chẳng lẽ Viện LSQS VN lúc đó là bố người ta? Thích làm thế nào là làm thế đó? Tôi cũng có thể nói là chính vì ông Thệ lúc đó to hơn nên vì giữ danh dự họ càng phải cẩn thận hơn, công tâm hơn để tránh tiếng! Để cho tránh cái tiếng là lớn hiếp nhỏ, cao hiếp thấp, họ càng phải làm kỹ hơn mới phải, chứ không phải như cáo buộc ngang ngược của thằng Trần Đăng Khoa ngược lại là vì ông kia cao hơn nên cho ông hưởng công luôn.

    Thế bây giờ các bác thật sự tin là bao nhiêu kết luận như vậy, báo QĐND, Ban Bí Thư, Viện Lịch Sử Quân Sự VN, ông Thệ, người bênh ông Thệ, các nhân chứng nói như ông Thệ, đều sai hết, các kết luận đều sai hết.

    Nếu đúng là sai thật thì thật sự là 1 chuyện chấn động đáng kinh hãi. 1 tiêu cực run rẩy năm châu, chấn động địa cầu. Nguyên 1 đám người năm này qua năm khác như vậy hợp nhau sai đến mức như vậy chỉ để ông Thệ được phong anh hùng, được thành 1 trong những người soạn tuyên bố đầu hàng? Vinh quang quá?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thông thường cả đám hùa nhau làm bậy đến mức độ này thì chỉ có ở những vụ đại án tham nhũng liên quan hàng tỷ đô chứ không phải chỉ để phong anh hùng với chứng nhận là viết lời đầu hàng cho thằng tổng thống ngụy quyền.

      Mọi người nên đọc tất cả các bài viết và luận cứ về đề tài này chứ không chỉ căn cứ vào 1 cái nào.

      Xóa
    2. Các bạn đang tranh luận để tìm ra sự thật đó thôi

      Xóa
  14. Nguyễn Đức Kiênlúc 20:49 5 tháng 5, 2021

    Tôi đồng ý với bác Nặc danh20:12 5 tháng 5, 2021, rằng có sự điều tra 3 lần abc vân vân.
    Nhưng tôi không đồng ý chuyện nói "phe ông Tùng", "Phe ông Thệ".

    Ta hãy tìm hiểu ngay ở bài này, bây giờ mới công bố cái "TÀI LIỆU TOÀN CẢNH LẦN ĐẦU TIÊN CÔNG BỐ VỀ SỰ KIỆN 30/4/1975 TẠI DINH ĐỘC LẬP VÀ TẠI ĐÀI PHÁT THANH SÀI GÒN!"
    Vậy cái Tài Liệu này có đáng tin hay không? Tại sao đáng tin, tại sao không đáng tin?

    Ta hãy tìm hiểu cái bài mà ông Phạm Việt Tùng kết tội ông Phạm Xuân Thệ đã có 5 lần nói dối đó, có đáng tin hay không? Tại sao?
    “SỰ THẬT TRƯA 30/4/1975”- TRUNG TƯỚNG PHẠM XUÂN THỆ ĐÃ NÓI DỐI 5 LẦN!
    https://googletienlang2014.blogspot.com/2021/05/mot-tai-lieu-toan-canh-lan-au-tien-cong.html?showComment=1620215306580#c95469028998992039

    Ta hãy tìm hiểu kỹ cái Bộ phim tài liệu
    SỰ THẬT TRƯA 30/04/1975
    https://www.youtube.com/watch?v=EbgrWDVcGMw&ab_channel=D%C6%B0%C6%A1ngTh%C3%A1iB%C3%ACnh

    Có đáng tin hay không? Tại sao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự thật rồi sẽ phải trả lại đúng vị trí của nó

      Xóa
  15. Nguyễn Đức Kiênlúc 21:10 5 tháng 5, 2021

    Còn chuyện Tại sao Viện Lịch sử quân sự hội thảo 2 ba lần mà vẫn có thể sai thì ta nên trở lại chuyện Tại sao mà chuyện Xe tăng nào húc đổ cổng Dinh ĐL phải để 20 năm sau (từ 1975 đến 1995) và phải nhờ bức ảnh của bà nhà báo người Pháp thì SỰ THẬT mới được sáng tỏ?
    Và cho đến lúc sắp chết(năm 2011), ông Bùi Quang Thận vẫn cãi chày cối, không chịu thừa nhận là Thạch sanh?
    Xem bài
    30/4/1975: ĐIỀU CHƯA SÁNG TỎ VÀ MỘT "ÂM MƯU" BẤT THÀNH
    https://googletienlang2014.blogspot.com/2015/04/3041975-ieu-chua-sang-to-va-mot-am-muu.html

    Và xin nêu một câu hỏi nữa: Sách 'Thành phố Hồ Chí Minh- Giờ khắc số 0' của Nhà báo Ðức Bo-ris Ga-las (Borries Gallasch) xuất bản ngay trong năm 1975 có đáng tin hay không? Tại sao?
    Trên mạng có người đưa ra bài của chủ blog Đạo sĩ chăn gà, nhưng ông này chỉ bàn đến chuyện DỊCH.
    Vậy nếu vì chuyện Dịch thì nay hãy đưa nguyên bản tiếng Đức xuất bản tháng 9/1975 ra nhờ những chuyên gia dịch xem sao?
    Dù tôi không là chuyên gia dịch Tiếng Đức nhưng ai ai cũng hiểu sơ sơ rằng ông này có nói đến chuyện ông Bùi Tùng có mặt ở trong Dinh, khác hẳn với lời kể của ông Thệ.


    Một câu hỏi thêm: Ông Đại tá tình báo Sáu Trí, ông Đại tá tình báo Tô Văn Cang có đáng tin hay không? Tại sao?

    Tôi không tin chuyện bà nhà báo Pháp, ông nhà báo Tây Đức, ông Đại tá tình báo Sáu Trí, ông Đại tá tình báo Tô Văn Cang... ở "phe ông Tùng" hay "phe ông Thệ"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nghĩ 2 đại tá tình báo nói thì đáng tin quá đi chứ

      Xóa
  16. Vụ này báo QĐND, Ban Bí thư, Bộ quốc phòng, Viện lịch sử quân sự Việt Nam đều đã điều tra và kết luận giống nhau. Lần gần nhất là buổi tọa đàm năm 2006 sau khi đã điều tra tổng hợp 1 thời gian từ năm 2005. Trong buổi tọa đàm này tất cả các lý lẽ của các phía khác nhau đều đã được nói ra hết rồi. Vụ này đã được văn bản hóa nhiều lần rồi. Cứ không chịu "tâm phục khẩu phục" thì sẽ còn đòi điều tra lại, lật lại hoài hoài.

    Bây giờ muốn lật lại "vụ án" này thì phải có thêm bằng chứng mới, nhân chứng mới gì đó mà năm 2006 không có.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trần Thị Thuậnlúc 21:59 5 tháng 5, 2021

      Bạn đừng nói "Ban Bí thư, Bộ quốc phòng" ở đây! Ban Bí thư, Bộ quốc phòng chưa bao giờ điều tra, kết luận vụ này. Kết luận mới chỉ là của Viện Lịch sử quân sự mà thôi.

      Tôi tin tới đây, Ban Bí thư, Bộ Quốc phòng bắt buộc phải vào cuộc tương tự vụ Hồ Xuân Mãn.

      Xóa
    2. Thưa bạn, vụ việc này đã được thẩm định 4 lần.

      Lần thứ nhất báo QĐND thẩm định để đưa lên bài viết của Đại tá Sử, bởi vì lúc đó bài viết quá sốc vì nó lật lại văn bản đã có và quân sử Quân Đoàn 2. Một phóng sự quan trọng và nhạy cảm chính trị như vậy nên phải thẩm định kỹ. Báo QĐND là cơ quan ngôn luận của Quân đội nhân dân Việt Nam, không phải báo lá cải.

      Lần thứ 2 là sau khi bài báo đăng lên, Quân đoàn 2 phản đối kịch liệt, đòi gỡ bài và kỷ luật ông Sử. Vì có sự bất đồng quan điểm giữa Quân đoàn 2 và báo QĐND, cộng với việc Bùi Tín lúc này chưa làm phản và đang là Phó TBT báo Nhân Dân cũng tự nhận mình là mới là người áp giải và soạn thảo và nói câu "Các anh không có gì để bàn giao, đã bị bắt, phải đầu hàng v.v.".

      Do đó Ban Bí Thư trung ương đã thành lập tổ công tác điều tra vụ việc và kết luận là bài báo đúng. Đây là quyết định rất táo bạo khi họ nhận định là 1 phóng viên trẻ lúc đó mới 30 tuổi như ông Sử là đúng, trong khi cả 1 Quân đoàn kia là sai, sai người sai việc, sai cả 10 năm khi trong 10 năm đó họ nhất định là ông Tùng mới là người làm ra những điều ấy.

      Sau đó, báo chí vẫn không phục và truyền thông vẫn có những bài nói thế này bài nói thế kia, mâu thuẫn vẫn hoàn mâu thuẫn. Do đó, Bộ Quốc Phòng mới chỉ đạo cho Viện Lịch sử quân sự thẩm tra lại 1 lần nữa, lần này có lẽ họ đã bắt đầu thấy mệt mỏi rồi mà muốn làm cho ra lẽ vụ này, và đã cho mời tất cả các phía đến, tất cả các nhân chứng có thể mời được, bao gồm cả những nhân chứng không liên quan như ông Hà Huy Đỉnh cựu nhà báo thời Mỹ ngụy.

      Rồi kết luận vẫn là như thế, mà lần này không phải kết luận riêng mà là kết luận công khai giữa cuộc họp cho mọi người ở đó cùng nghe.

      Sau đó vài tháng cũng năm 2006 đó, đài HTV đăng lên phim tài liệu gần như giống hệt phim của ông Phạm Việt Tùng, đều dựa chủ yếu vào cuốn sách TPHCM 0 Giờ của ông ký giả, phóng viên ảnh người Đức.

      Sau đó, tổ công tác của Bộ Chính Trị đã đến gặp ban lãnh đạo đài và mở 1 cuộc hội thảo có nhiều nhân vật cộm cán của TPHCM lúc đó như nhà sử học Phan Xuân Biên, trưởng ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM lúc đó, ông Huỳnh Văn Nam, tổng giám đốc HTV. Sau cuộc hội thảo công khai này, ông Nam đã thừa nhận sai lầm là đã quá nóng vội chỉ nhìn vào các luận điểm trong phim mà chưa tham khảo các luận điểm trái chiều, các phản biện, các nghi vấn khác đã được bàn nhiều trước đó rồi.

      Sau đó, HTV với tinh thần khách quan, cầu thị đã gỡ bỏ phim tài liệu đó và đến nay không chiếu gì nữa. Không có đài truyền hình nào chiếu những cuốn phim như vậy nữa, cho đến khi có sự chiếu lậu của phim ông PVT đưa lên Youtube, chưa hề được cấp phép phát hành.

      Như vậy là qua 4 lần điều tra thẩm định với những cơ quan chức năng cao nhất, với những con người khác nhau, đều có kết luận như vậy.

      Xóa
    3. Vấn đề là phải tôn trọng sự thật

      Xóa
  17. Trần Thị Thuậnlúc 21:50 5 tháng 5, 2021

    Nhất trí với ý kiện ông Nguyễn Đức Kiên là đừng nói "phe" ộng nọ ông kia mà hãy nhìn vào các chứng cứ để đánh giá.
    Chứ có bác gì trên kia nói "chẳng lẽ" Viện Lịch sử quân sự đã điều tra 2-3 lần ... thì không Thuyết phục.

    Hãy xem trong thực tiễn cũng có những việc động trời, điều tra đi điều tra lại mới đi đến kết luận cuối cùng lạ vụ ông Hồ Xuân Mãn- Bí thư Thừa Thiên Huế đã khai man, giả mạo hồ sơ để được phong Anh hùng.

    Tại phiên họp ngày 17-12-2013, sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban Kiểm tra trung ương về kết quả giải quyết tố cáo ông Hồ Xuân Mãn, Ban Bí thư quyết định những vấn đề như sau: “Đồng ý với đề nghị của Ủy ban Kiểm tra trung ương, đề nghị các cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền xem xét hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và thu hồi hiện vật, tiền thưởng đối với đồng chí Hồ Xuân Mãn theo đúng quy định của Luật thi đua - khen thưởng."


    Và rồi Ngày 22/10/2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước về việc hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với ông Hồ Xuân Mãn.

    Ngày 24/10/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu anh hùng đối với ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những sự kiện này càng chứng minh là những lần kết luận ông Thệ đúng không phải là vì muốn bao che giữ uy tín tập thể, vì điều này là không đến mức như vậy, không cần thiết. Uy tín được xây dựng từ sự thật chứ không phải bao che. Chưa kể nếu muốn bao che để giữ "uy tín" tập thể thì lẽ ra họ phải kết luận là Quân Đoàn 2 đúng mới đúng, vì hơn 10 năm người ta đều đinh ninh là ông Tùng mới là người soạn thảo cả 2 văn bản đầu hàng và tiếp nhận.

      Việc Ban Bí Thư nhận định 1 ông phóng viên trẻ lúc đó như ông Sử là đúng, thay vì cả một Quân Đoàn kia thì càng chứng tỏ là họ chọn sự thật, hoặc cái mà họ cho là sự thật lúc đó, chứ nếu họ muốn bao che để giữ uy tín tập thể thì phải chọn Quân Đoàn mới đúng.

      Bao che để giữ uy tín tập thể là nghi vấn duy nhất cho việc giải thích vì sao bao nhiêu lần người ta vẫn kết luận như vậy, tức là theo dây chuyền người này cả nể sợ mích lòng động chạm người kia, nên cứ thế mà bao che lẫn nhau để giữ uy tín tập thể.

      Nếu ta cho là họ kết luận sai nhiều lần như vậy thì chỉ có lý do đó, đơn giản là vì vụ này chẳng liên quan gì đến tiền bạc tài sản đất đai của ai, miếng đất hay công ty bố công ty con gì của ai.

      Vì vậy nếu loại bỏ lý do bao che nhau để giữ uy tín tập thể, sẵn sàng kỷ luật nếu sai trái, thì phải khẳng định là 4 thẩm định kết luận vụ này là công tâm.

      Nếu công tâm mà cả 4 lần đều giống nhau như vậy thì phải hiểu sự việc này ra sao?

      Xóa
    2. Chúng ta chỉ nên dựa vào chứng cứ để đánh giá, chứ không nên nói phe này, phe kia

      Xóa
  18. Tôi thấy ý kiến các ông bênh ông Thệ đều đuối quá!

    - Nào là đây là chuyện nhỏ, chuyện nội bộ, không nên rùm beng trên báo chí, MXH, vạch áo cho ng xem lưng...=> Chẳng lẽ cứ lặng im, để cái xấu, cái giả dối mãi ngự trị?

    - Nào là những ông Võ Văn Kiệt, Dương Trung Quốc, Trần Đăng Khoa... đều lật sử nên không đáng tin=> Vậy còn những bằng chứng mà ông Phạm Việt Tùng đưa ra, có đáng tin ko?
    Ví dụ tấm hình bà nhà báo Pháp, cuốn sách của ông nhà báo Tây Đức, ông Đại tá tình báo Sáu Trí, ông Đại tá tình báo Tô Văn Cang... có đáng tin ko?

    - Nào là Viện Lịch sử QS đã điều tra kỹ 2-3 lần rồi, không thể sai!=> Vậy Viện LSQS sao lại tắc tị, không trả lời được cái câu hỏi "tấm hình bà nhà báo Pháp, cuốn sách của ông nhà báo Tây Đức, ông Đại tá tình báo Sáu Trí, ông Đại tá tình báo Tô Văn Cang... có đáng tin ko? Tại sao?

    - Và Viện LSQS đã phải là cơ quan cuối cùng không?
    Tại sao vụ Hồ Xuân Mãn phải Ủy ban Kiểm tra TW vào cuộc, kết luận?
    Rồi Ban Bí thư cũng phải họp giải quyết kiến nghị của UB Kiểm tra?
    Thủ tướng, Chủ tịch nước vào cuộc?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Trần Đăng Khoa không có lật sử mà chỉ có mắc bệnh nghiện chửi TQ như 1 thằng điên thôi với hay ẩn ý xúi giới trẻ đi biểu tình "đấu tranh", "yêu nước".

      Ông Kiệt cũng không tính tới mức lật sử nhưng mắc bệnh dân tuý "nửa này, nửa kia".

      Xóa
    2. Đánh giá mọi vấn đề đều phải dựa vào chứng cứ

      Xóa
  19. Kết luận của Viện LSQS VN:

    https://www.youtube.com/watch?v=mYUkeA48thg

    Không đồng ý với qui chụp "xuyên tạc lịch sử" của người đọc nhưng mọi người có thể bỏ qua chỉ nghe phần kết luận thôi.


    Bài viết cũ từ năm trước của bác Đạo Sĩ, tổng hợp toàn cảnh sự việc, 1 trong những bài đầy đủ nhất từ A đến Z về vụ này. Bài viết không mấy được quan tâm, nay nhờ phim của ông Phạm Việt Tùng mà hot trở lại, đang được NB QĐND Nguyễn Văn Minh và nhiều CCB 302 share nhiều trên FB.

    https://www.daosichanga.com/2020/05/su-that-ve-nguoi-soan-tuyen-bo-dau-hang-Duong-Van-Minh.html


    Nhà văn Đông La phản biện phim ông Tùng:

    http://donglasg.blogspot.com/2021/05/trung-tuong-anh-hung-pham-xuan-can-kien.html


    Phản biện bài FB của tên Trần Đăng Khoa:

    http://donglasg.blogspot.com/2021/05/nhac-lai-va-viet-them-ve-tran-ang-khoa.html


    Phản biện bài báo cáo của ông Bùi Văn Tùng:

    http://donglasg.blogspot.com/2021/05/ong-bui-tung-co-cuop-cong-anh-pham-xuan.html

    Trong bài này tác giả cho rằng ông Tùng mới là người "cướp công" ông Thệ và "nói điêu".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong số các phân tích trên FB và blog bliec các nơi về vụ này thì tui oánh giá rất cao bài của bác Đạo Sĩ, rất đầy đủ và chi tiết trình tự từ xưa tới nay, giống như 1 bài báo cáo điều tra vậy.

      Đặc biệt mọi người để đọc phần "Chất lượng nhân chứng" đoạn Börries Gallasch, không phải cứ khách quan là phải đúng. Khách quan không có quyền lợi gì trong này nhưng không biết tiếng Việt, không biết ai là ai, thấy ông da vàng mũi tẹt Á Đông nào cũng giống nhau, không biết tình hình quân đội gì, viết lại theo 1 trí nhớ mơ hồ chuyện hôm qua hôm kia. Không phải cứ khách quan là ngon. Nếu khách quan là ngon thì ngụy quyền SG là đại diện cho ông Lê Duẩn đến Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh vì 99% sách khách quan quốc tế gọi ngụy quyền SG là Nam Việt Nam.

      Xóa
  20. Các vụ lèm nhèm lằng nhằng hack não của sự kiện ngày 30/4 này bắt đầu từ việc xe tăng nào húc đổ cổng dinh, do thiếu tự tin sợ bọn phản động sủa thành "Trung Quốc xâm lược Miền Nam" hay "tay sai Trung Quốc" nên nhắm mắt nhắm mũi cho qua luôn. Đây là vụ đầu tiên thỏa hiệp với cái sai. Thật ra xe tăng do TQ hay nước nào sản xuất thì cũng do VN sử dụng thôi không có gì phải sợ. Vũ khí thì chỉ có 1 số nước giàu mạnh là đủ điều kiện dùng xe tăng hàng nội địa.

    Thế là thỏa hiệp xạo 1 lần nên thỏa hiệp luôn tập 2. Cả đám sắp xếp thành 1 kịch bản ông Tùng đến muộn 30 phút để làm gì? Là để che giấu 1 sự thật là trong vòng 30 phút trước đó cả 2 ông Tùng và ông Thệ và có thể cả lính của 2 ông đã cãi nhau ỏm tỏi, đặc biệt là cãi nhau về việc giải quyết vấn đề đầu hàng và ai sẽ biên soạn bản tuyên bố đầu hàng cho DVM.

    Cãi nhau là việc không hay nhất lại là thời điểm giữa ngày chiến thắng, 1 trong những thời điểm quyết định làm nên chiến thắng, nên cả đám ỉm đi hết, cắt đi hết. Muốn biết sự thật thì nên tìm đọc bản gốc tiếng Đức hoặc bản tiếng nước khác của ông người Đức này, vì bản tiếng Việt đương nhiên sẽ bị lược bỏ đi phần đó.

    Trong biên bản hội thảo toạ đàm năm xưa, cũng bị lược bỏ và các phỏng vấn nhiều người trong cuộc cũng vì tế nhị nên lờ đi bỏ qua chuyện cãi nhau, vì họ cũng ý thức đó là chuyện không hay. Vì sợ bỏ qua này mà sinh ra hàng loạt rắc rối và kém nhất quán từ các lời chứng.

    Nhưng trong biên bản hội nghị đó, có ghi lại 1 chi tiết mà nếu mọi người không nghĩ về 1 khung cảnh "cãi nhau" thì chắc chắn sẽ chả hiểu mịa gì. Đó là việc ông nhà báo Hà Huy Đỉnh kể lại ở đấy là ông Tùng vo tròn vất bản thảo vào 1 góc. Ông Đỉnh vì "ý thức lịch sử" ( thật ra là muốn giữ để sau này kiếm ăn , hehe ) nên nhặt lên giấu vào trong túi. Ông Tùng thấy thằng này muốn kiếm ăn nên bực giành lấy rồi xé vụn.

    Thứ nhất, đây là lời kể chân thật, nhất là khi có bao nhiêu người trong cuộc ở ngay đó, trong 1 hội nghị trang nghiêm hoành tá tràng như vậy, lại có ngay ông Tùng ở đó thì không thể là nói điêu. Nếu nói điêu thì tất nhiên ông Tùng đã bụp ngay.

    Thứ hai, nếu mọi người không hiểu đầu đuôi gì sẽ thấy đó rất chi là khó hiểu. Nhưng nếu hiểu là lúc đó mọi người đang cãi nhau ỏm tỏi thì sẽ chẳng có gì khó hiểu. Đó hành vi lúc đang bực, thế thôi. Chứ bản thảo nháp đó hoàn toàn không phải là cái gì cần bảo mật thì xé làm gì?

    Đấy là cách giải thích hầu như duy nhất cho hành động khó hiểu đó của ông Tùng theo lời kể của ông Đỉnh trong hội nghị các bên năm đó.

    Trả lờiXóa
  21. 2 bên cãi nhau không hẳn là do bệnh thành tích tranh giành công lao, mà có khi là do tự ái người lính. Ông Thệ theo mọi người lúc đó kể và miêu tả thì là 1 người cá tính mạnh và miêu tả ông ta như là 1 thằng đi gây rối và "phấn khích".

    Cũng vì cá tính, tính cách được miêu tả lại này mà có thể suy ra là câu nói mang tính chất quát nạt "Không bàn giao mẹ gì cả, các anh phải đầu hàng ngay tức khắc" là của ai rồi!

    Mọi người cứ "ông Thệ sai thì ông Tùng phải đúng", "ông Tùng sai thì ông Thệ phải đúng" mà quên rằng sự thật không phải chỉ có 2 mặt như vậy. Có những cái ông Thệ sai ông Tùng đúng, và ngược lại.

    Việc tìm hiểu vấn đề này mọi người ở vào 1 mô thức "phe ông Thệ" "phe ông Tùng" mà không chủ tâm tìm hiểu và suy lý từng việc một. Câu nói quát nạt đó rõ ràng là hợp với cá tính, tính cách con người của ông Thệ chứ không phải ông Tùng hay Bùi Tín.

    "Bàn giao chính quyền" hay "đầu hàng" chỉ là câu chữ thôi và cũng không phải là tuyên bố, chỉ là nói chuyện với nhau ở đó thôi. Ông Tùng là người chính ủy cẩn thận và mềm mỏng thì chắc chắn không có chuyện quát tháo với lý lẽ như vậy.

    Chi tiết sau đó tình báo của ta ở trong đó phải ra can ông Thệ rằng không được "đối xử" (ý nói là ăn nói thiếu tôn trọng) với họ như tù binh như thế mà phải đối xử với họ 1 cách tôn trọng như hàng binh là hợp với điều này.

    Nhiều nhân chứng khác cũng khai là ông Thệ vào làm cho không khí căng thẳng, nặng nề và ngông ngông ngang ngang như kiêu binh. Cãi nhau chắc chắn là có và đó có thể hiểu được tại sao về sau này ông Nguyễn Hữu Thái căm ghét ông Thệ đến như vậy.

    Trong các lời kể lịch sử ông ta bỏ qua không kể gì về ông Thệ coi như người tàng hình và trong cuốn sách Dương Văn Minh và Tôi thì ông ta cho crop hình ảnh cắt đi ông Phạm Xuân Thệ.

    Cho nên có thể hiểu vì sao mà các "lời khai" của ông Thái về vụ này không được khách quan. Có thể là trong lúc đó ông Thái do là đồng hương và bạn thân của ông Tùng nên bênh ông Tùng và bị ông Thệ chửi mắng 1 chặp nên sinh hận trong lòng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi vẫn thấy thiên về quan điểm của các bạn chủ trang, cái lý nó không thuộc về ông Thệ

      Xóa
  22. Theo lời kể gián tiếp của ông Huy Đỉnh thì có thể suy rộng ra là đã có 1 cuộc cãi nhau nên ông Tùng mới ném bản thảo của mình vào góc rồi sau đó xé vụn. Họ đã cãi nhau từ lúc đó rồi, sau đó lên hội nghị cãi nhau tiếp, và bây giờ vẫn tiếp tục cãi nhau thông qua truyền thông và lính của mình trên mxh, trên FB. Vậy họ cãi nhau về cái gì lúc đó?

    Đương nhiên là cãi nhau về việc sẽ giải quyết vấn đề đầu hàng như nào, ai sẽ soạn thảo. Thứ nhất đây là 1 biểu hiện giành công nên người ta muốn tránh nói tới, muốn lược bỏ ra khỏi câu chuyện. Thứ hai là thật ra đây cũng không hẳn là tranh công mà đơn giản là người tự ái tranh quyền, kiểu 1 rừng không 2 hổ.

    Nên nhớ là ông Thệ không phải là cấp dưới của ông Tùng như kiểu nói "trèo lên đầu" gì đó. Đó là cách nói ngây thơ ngu xuẩn của Trần Đăng Khoa. Cả 2 ông đều là "chủ tướng" chỉ huy Tăng Thiết Giáp và Bộ Binh phối hợp với nhau đánh chiếm sào huyệt địch. Không ông nào đeo quân hàm. Lính tăng thiết giáp thì nghe lời ông Tùng, lính bộ binh thì nghe lời ông Thệ.

    Để giải quyết bài toán đầu hàng, ông Tùng cho là mình hàm cao nhất thì phải là người soạn bản tuyên bố quan trọng nhất và cả bản chấp nhận đầu hàng và đọc. Nghĩa là ông ta muốn quán xuyến hết cả 2 nhiệm vụ thảo văn cho đầu hàng và chấp nhận đầu hàng, vì là to nhất ở đó.

    Ông Thệ thì cãi tôi cũng là chỉ huy như anh, ở đây không nói quân hàm gì cả tôi cũng ngang với anh, phải chia việc ra làm. Việc phải chờ anh soạn xong bản đầu hàng rồi mới soạn tiếp bản chấp nhận đầu hàng là vô lý.

    Để tiết kiệm thời gian thì anh thảo bản chấp nhận đầu hàng ngay và sẽ đọc nó, còn tôi thì thảo bản đầu hàng cho DVM, cả 2 công tác này đều được làm cùng lúc để tiết kiệm thời gian. Trong lúc đó những người khác sẽ nhìn qua lại để đảm bảo là nội dung 2 tờ giấy không quá chênh nhau, kỳ cục.

    Đó là cơ sở vì sao sau này kết luận là "công sức tập thể". Thật ra kết luận đó đúng là để hòa cả làng, cả nhà cùng vui thôi.

    Trả lờiXóa
  23. Bác Liverpool01:18 6 tháng 5, 2021 có đăng link 3 bài của ông Đông La làm tôi có vào đọc và thấy tiếc thời gian. Bởi cả 3 bài chỉ là những ý kiến, những nhận xét cảm tính cá nhân của ông La và lại chỉ để tấn công cá nhân với những những người mà ông có tư thù, ví dụ với ông Trần Đăng Khoa.

    Nếu theo cách của Đông La (tấn công cá nhân) thì dân mạng cũng đã quá rành về Đông La và về "ông Đại tá quân đội Trần Đình Sử"- 2 đệ tử của bà "phật sống" Vũ Thị Hòa. Chính hai ông này đã từng là 2 người tiếp tay đắc lực nhất cho "bà phật sống" Vũ Thị Hòa lừa đảo hàng chục tỉ đồng. Vũ Thị Hòa mới bị bắt giam. Bạn đọc Google.tienlang đã kiến nghị phải bắt giam Đông La vì đồng lõa với Vũ Thị Hòa.

    Những kẻ như Đông La có đáng tin hay không?
    Chắc chắn là KHÔNG ĐÁNG TIN!

    Trở lại nội dung chính:

    Tôi thấy ý kiến các ông bênh ông Thệ đều đuối quá!

    - Nào là đây là chuyện nhỏ, chuyện nội bộ, không nên rùm beng trên báo chí, MXH, vạch áo cho ng xem lưng...=> Chẳng lẽ cứ lặng im, để cái xấu, cái giả dối mãi ngự trị?

    - Nào là những ông Võ Văn Kiệt, Dương Trung Quốc, Trần Đăng Khoa... đều lật sử nên không đáng tin=> Vậy còn những bằng chứng mà ông Phạm Việt Tùng đưa ra, có đáng tin ko?
    Ví dụ tấm hình bà nhà báo Pháp, cuốn sách của ông nhà báo Tây Đức, ông Đại tá tình báo Sáu Trí, ông Đại tá tình báo Tô Văn Cang... có đáng tin ko?

    - Nào là Viện Lịch sử QS đã điều tra kỹ 2-3 lần rồi, không thể sai!=> Vậy Viện LSQS sao lại tắc tị, không trả lời được cái câu hỏi "tấm hình bà nhà báo Pháp, cuốn sách của ông nhà báo Tây Đức, ông Đại tá tình báo Sáu Trí, ông Đại tá tình báo Tô Văn Cang... có đáng tin ko? Tại sao?

    - Và Viện LSQS đã phải là cơ quan cuối cùng không?
    Tại sao vụ Hồ Xuân Mãn phải Ủy ban Kiểm tra TW vào cuộc, kết luận?
    Rồi Ban Bí thư cũng phải họp giải quyết kiến nghị của UB Kiểm tra?
    Thủ tướng, Chủ tịch nước vào cuộc?

    Trả lờiXóa
  24. Tuy nhiên kết luận đó của bên VLSQS VN cũng không xa sự thật nhiều.

    Qua tất cả những manh mối tổng hợp lại từ vụ này, có thể tạm chấp nhận bức tranh cơ bản là như sau đây:

    Cả 2 ông, 2 bên đều có nói những điều sai sự thật. Chẳng có ông nào là Thạch Sanh cũng chẳng có ông nào Lý Thông, chẳng có bên nào là đúng hết hay sai hết như lều báo vẽ ra.

    Nguyên cả 1 tập thể vì muốn tránh né câu chuyện "cãi nhau ngày chiến thắng", "tranh chấp trong ngày chiến thắng" nên bao nhiêu sự thật khác bị loạn và cãi nhau như mổ bò cho đến nay.

    - Ông Tùng đã có ở đó ngay từ đầu, không phải 30 phút sau mới xuất hiện

    - Câu quát "Dell bàn giao gì hết, đầu hàng ngay lập tức" là của ông Thệ

    - Ông Thệ và ông Tùng do tranh nhau nên đều là người viết ra cho DVM đọc nhưng cuối cùng là dùng bản của Thệ. Điều này hợp với bức ảnh như trên, trong bức ảnh này không có ông Tùng, có thể lúc đó đang giận và xé bỏ bản mình viết và đôi co với Hà Huy Đỉnh.

    Đây là bức ảnh trong lúc DVM chuẩn bị đọc lời đầu hàng, tay DVM và tay PXT đều đang cầm mẫu giấy, hợp với lời kể của ông Thệ là chữ "bác sỹ" của ông Thệ khó đọc nên phải đọc cho ông Minh chép lại. Giấy mà ông Minh cầm là tấm giấy ông chép lại cho dễ đọc. Tấm giấy mà ông Thệ cầm là tấm giấy "khó đọc" kể trên.

    Nhìn bức ảnh thì thấy rõ là yếu tố "vật chứng" hoàn toàn đứng về phía ông Thệ trong riêng vấn đề này. Nên nhớ là ông ta nói đúng nói thật vấn đề này không có nghĩa là sẽ nói thật vấn đề khác. Nhiều người hình như chưa bao giờ làm phóng sự điều tra hay làm 1 công tác điều tra của ngành CA?

    1 người nói đúng cái này không có nghĩa đúng hết những cái khác, và ngược lại. Trong vụ này nhiều người là cứ ở trong mô thức là "ông Thệ / Tùng sai hết hoặc đúng hết".

    Phim của ông Việt Tùng cũng không có gì mới so với phim của HTV năm 2006, cũng ở trong 1 mô thức 1 chiều như vậy, hoàn toàn không có tính khách quan, 2 chiều, nhiều chiều.

    Không thể dựa vào những lần nói sai sự thật khác của ông Thệ để rồi suy lan ra là ông ta cũng nói dối nốt vụ bản thảo là của ông ta. Đó là phi khoa học, phản khoa học.

    Ông đạo diễn Phan Việt Tùng nói ông ta sau khi nghe thấy bản ông Thệ đọc lại trên báo khác với bản đọc trên cát-sét của ông Dương Văn Minh thì "kinh ngạc cùng cực không ngủ được" là ông nói quá hoặc nói điêu, vì có đầu óc IQ trung bình 1 tí khi nghe cuộn băng phỏng vấn với báo gì đó quên tên rồi thì đó là lúc ông ta trả lời phỏng vấn nhanh và ngẫu hứng chứ không có sự chuẩn bị gì. Thế mà đòi ông ta nhớ đúng 100% từng chữ là siêu nhân à? Sau bao nhiêu năm và đột xuất bị thằng phóng viên nó hỏi mà ông ta nhớ được như vậy là giỏi lắm rồi.

    Nhìn chung, kết luận của VLSQS đã sai ở chỗ sau 30 phút ông Tùng mới xuất hiện. Rồi cả đám hùa với nhau xạo trong vấn đề này, mặc dù động cơ trong sáng, nhưng vẫn là sai sự thật. Họ nghĩ là xạo 1 tiểu tiết không sao, nhưng dẫn đến 1 loạt các sự "không tin" khác và cãi nhau mãi đến sau này.

    Nhưng kết luận quan trọng nhất thì họ không sai. Bản đầu hàng của ông Thệ với sự dóm ngó chém gió góp ý của đồng đội khi mọi người chạy qua chạy lại xem 2 tuyên bố đầu hàng và chấp nhận đầu hàng do 2 ông viết. Hoàn toàn vô lý nếu phải chờ người này viết xong rồi mới người kia viết, tốn thời gian vô ích trong khi 2 bản tuyên bố này không nhất thiết phải giống nhau.

    Như vậy kết luận đây là công sức tập thể là hợp tình hợp lý, mặc dù nó hòa cả làng, cả nhà cùng vui, nhưng nó không sai sự thật. Còn kết luận kia là sai.

    Mọi người cứ công tâm khách quan mà xem xét từng vấn đề 1, mà không để bị cuốn vào vấn đề "phe đúng", "phe sai", "ông này đúng hết, ông kia sai hết" thì sẽ phát hiện ra và nhìn ra nhiều điều thú vị. Những người biết sự thật vụ này đầy ra đó nhưng họ tế nhị không muốn nói ra hoặc lười nói thôi.

    Xem phim của ông đạo diễn Tùng có cảm giác là phim được làm để đập ông Thệ chứ không phải thật sự khách quan muốn tìm ra vấn đề ai là người soạn thảo cho DVM đọc đầu hàng. Có rất nhiều đại ngôn và giả ngốc, cưa sừng làm nghé trong cuốn phim.

    Trả lờiXóa
  25. Tôi thấy ý kiến ông Lê Nguyễn Linh trên kia là đáng tin cậy:
    ----
    Với những bằng chứng không thể phản bác, ông Phạm Việt Tùng đã cho thấy SỰ THẬT ở Dinh ĐL diễn ra lớp lang như sau:
    ===
    1. Có 2 ông sỹ quan giải phóng đầu tiên có mặt ở Dinh ĐL là trung úy Bùi Quang Thận và trung úy Vũ Đăng Toàn. Ông Thận lên cắm cờ, còn ông Toàn thì cầm AK gom nội các Sài Gòn vào ngồi yên chờ cấp cao Giải phóng đến làm việc.

    2- Sau đó xuất hiện ông Phạm Xuân Thệ với khẩu K54 lăm lăm, phấn khích, quát tháo, đòi xích tay xích chân Nội các DVM. Trong phòng Khánh tiết nhốn nháo, căng thẳng.

    3- Đúng lúc đó xuất hiện ông sỹ quan cao lớn (Bùi Tùng)- như nhà báo Tây Đức đã viết: "Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của Quân Giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Sau một vài phút, Minh, Mẫu và Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước. Minh và Mẫu leo lên chiếc xe Jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Chính ủy Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai..."

    4- Câu chuyện ông Thệ phấn khích còn được xác nhận của những sỹ quan Tình báo của ta- những người cũng có mặt tại Dinh lúc đó là hai Đại tá tình báo Tô Văn Cang, Đại tá tình báo Sáu Trí. Ông Tô Văn Cang còn tranh cãi với ông Thệ, rằng các đồng chí phải đối xử với ông DVN như Hàng binh chứ không phải Tù binh, ông DVM đã phát đi lời đầu hàng sáng nay rồi...
    Ông Tô Văn Cang còn đề nghị ông Bùi Tùng chỉ đạo ông Thệ bớt hung hăng...
    ===
    Như vậy, SỰ THẬT THÌ:
    1. VIỆC BẮT DƯƠNG VĂN MINH VÀ NỘI CÁC CỦA ÔNG MINH LÀ VŨ ĐĂNG TOÀN CHỨ KHÔNG PHẢI PHẠM XUÂN THỆ
    Sự có mặt của ông Phạm Xuân Thệ chả có giá trị gì mà lại còn gây rối, làm không khí căng thẳng.

    2. Việc dẫn giải sang Đài PT ông Thệ có tham gia nhưng vẫn là ông Tùng chỉ huy.

    3. Việc Soạn thảo Lời đầu hàng cho DVM chỉ có ông Tùng thực hiện.

    Từ đó suy ra, ông Phạm Xuân Thệ chả có vai trò gì đáng kể.
    Tất cả lời kể của ông chỉ là nói láo!
    Khai man, Lý Thông cướp công Thạch Sanh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chứng trọng hơn cung, 1 hình ảnh thuyết phục hơn vạn lời nói. Lớp lang gì thì cũng không chứng minh được bức ảnh trước khi Dương văn minh bắt đầu đầu hàng là sai. Kết luận của Viện cũng là ở chỗ ai là người viết bài đầu hàng chứ không ở mấy chỗ lớp lang không liên quan trong phim. Trong phim chỉ có mỗi bài là đem chuyện nọ của ông Thệ rồi xọ sang chuyện kia của ông Thệ.

      Nếu ông Thệ vi phạm nói dối những vấn đề khác trong ngày GP thì phải làm rõ và kỷ luật những vấn đề đó. Còn từ vấn đề đó rồi suy ra là ông ta không có viết văn cho Dương văn minh đọc để đầu hàng là bậy bạ, là làm việc phản khoa học, không ai điều tra khách quan mà theo cái kiểu như vậy đâu bạn. Có hiểu khách quan là gì không vậy?

      Lời cung của mọi người là ông Thệ bỗ bã phù hợp với câu nói Không bàn giao chính quyền gì cả, các ông phải đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức của ông Thệ tại sao Thạch Sanh nhảy ra nhận câu đó là của mình?

      Lời cung của ông Thệ phù hợp giống hệt như trên bức ảnh, tay ông Thệ và dương văn minh mỗi người cầm tờ giấy. Có gì chứng minh bức ảnh kia là sai hay là giải thích bức ảnh kia theo 1 cách nào khác hợp lí hơn không bạn? Chứng trọng hơn cung!

      Xóa
    2. Tôi thấy đánh giá như thế này là có lý:
      Như vậy, SỰ THẬT THÌ:
      1. VIỆC BẮT DƯƠNG VĂN MINH VÀ NỘI CÁC CỦA ÔNG MINH LÀ VŨ ĐĂNG TOÀN CHỨ KHÔNG PHẢI PHẠM XUÂN THỆ
      Sự có mặt của ông Phạm Xuân Thệ chả có giá trị gì mà lại còn gây rối, làm không khí căng thẳng.
      2. Việc dẫn giải sang Đài PT ông Thệ có tham gia nhưng vẫn là ông Tùng chỉ huy.
      3. Việc Soạn thảo Lời đầu hàng cho DVM chỉ có ông Tùng thực hiện.

      Xóa
  26. Người vác ngà voilúc 08:23 6 tháng 5, 2021

    Tôi đã gặp ông Thệ ở ngoài rồi và không thích ông này, nhìn có vẻ gian gian và dễ gây lộn nên tôi không có bênh vực ông ta và nếu ông ta bị kỷ luật bị mất thanh danh và uy tín thì cũng không liên quan gì đến tôi. Nhưng theo dõi vụ này, đọc nhiều tranh luận, bài vở, xem phim ông Việt Tùng, tôi cảm thấy động cơ mờ ám gì đó từ phim này hoặc là vì cái Tôi to đùng quá nên họ cứ bám mãi không buông. Liên tưởng đến 1 bộ phim dựa trên chuyện thật bên Tây là có 1 nhóm nhà báo cũng bám theo mãi chuyện vì cái Tôi rồi kích động dư luận để tha cho 1 tù chung thân, chính quyền vì ngán dư luận nên tha cho. Thằng bị thần kinh này ra ngoài giết sạch nhóm nhà báo đã "minh oan cho Thạch Sanh" chỉ còn lại 1 người trốn thoát được, thằng này sau đó bị bắt lại và phải ngồi ghế điện.

    Theo như ý mọi người thì bức ảnh là vật chứng quan trọng nhất và duy nhất nói lên ai là người viết bản đầu hàng cho tổng thống ngụy. Trong phim ông Việt Tùng không hề bác bỏ được bức ảnh này, không có bằng chứng gì bác bỏ được nó. Thay vào đó ông ta suy diễn buồn cười là "vua với lính" thì không thể nào như vậy.

    Hiện giờ lý luận để bác bỏ ý nghĩa mỗi người cầm 1 tờ giấy viết lời đầu hàng trên ảnh theo lời kể của ông Thệ "chữ khó đọc nên đọc cho Dương Văn Minh viết lại và đọc" duy nhất của họ là "tổng thống thì không thể viết lại lời đọc từ lính quèn".

    Đây là suy diễn vớ vẩn không phải là chứng cứ. Suy diễn này nói thật ra là rất ngu vì thực tế ông DVM có phải tổng thống thật sự gì đâu, mà cho dù là tổng thống thật đi nữa thì cũng chỉ là con cá nằm trên thớt không biết mình đang là "tù binh" hay "hàng binh", không biết có bị CM đem ra xử bắn không. Trong khi ông Thệ là 1 trong 2 người có tiếng nói nặng kí nhất ở đó, thì làm gì có chuyện "tổng thống với lính quèn", "vua với lính" nào ở đây?

    Tôi đồng ý là nếu không có chứng minh gì khác hay cách giải thích nào khác mà lôgíc hơn về tấm ảnh này thì không có cách nào chứng minh được ông Thệ không phải là người soạn lời cho DVM đầu hàng, chưa nói đến vấn đề khó chứng minh hơn nữa là ông Tùng là người soạn đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đúng, phim Phạm Việt Tùng chỉ có tác dụng kích động trẻ trâu, nếu không phải trẻ trâu đều thấy nó kích động trẻ trâu và muốn làm hoa mắt hoặc là để công kích ông Thệ là chính, hoặc có thể làm để công kích lan rộng sang những tổ chức, vấn đề khác.

      Cho dù ông Thệ có sai, có nói láo 99 cái đi nữa thì chỉ cần 1 cái là ai soạn bài văn tuyên bố đầu hàng không chứng minh được thì cả bộ phim sụp đổ, không có giá trị gì.

      Trong phim nó cứ làm mình hoa mắt bằng các công kích, chửi bới những vấn đề khác của ông Thệ. Còn cụ thể vụ soạn bài đầu hàng thì nó chỉ phản bác yếu ớt bằng 2 lập luận hài vãi là không thể có chuyện TT viết theo 1 anh đại úy được.

      Còn lập luận kia bố láo hơn là nó dẫn ra bản ghi âm ông Thệ đọc chay lại bản tuyên bố đầu hàng cho báo chí dựa trên trí nhớ tức thời khi đó, rồi nó bảo đó là khác với những gì ông kia đọc đầu hàng thế là nó phán luôn tối nó không ngủ được vì phát hiện ra sự thật chấn cmn động má ơi.

      Nó không ngu mà thật sự nghĩ là ông ấy chắc mỗi ngày lấy bài đầu hàng đó ra ôn thuộc lòng nên nhớ hết. Nói chung là mình thấy sự tà tâm trong vụ này. Không giống như là 1 bộ phim khoa học thật sự muốn làm rõ vấn đề ai mới là chính chủ bản quyền của bản tuyên bố đầu hàng. Trong phim toàn là chửi ông Thệ, chửi xéo sang đâu khác, rồi đi nịnh Nguyễn Nhã, nịnh Trần Đăng Khoa, Dương Trung Quốc, vuốt đuôi ông VVK, quảng cáo cho cuốn lịch sử Nam Bộ kháng chiến do ông Kiệt chỉ đạo biên soạn.

      Trong phim mọi người đừng để bị cuốn vào những hoa mắt mê hồn trận đâu đâu mà cứ tập trung vào cụ thể vấn đề duy nhất liên quan là vấn đề ai viết bản tuyên bố đầu hàng. Mà như đã nói cả 2 lập luận để làm "bằng chứng" cho cáo buộc đó đều vô nghĩa hài hước, thần kinh.

      Xóa
  27. Tôi bỏ vài tiếng đọc hết các ý kiến trao đổi bên trên, và nhất trí với ông Trần Thọ rằng:
    "Tôi thấy ý kiến các ông bênh ông Thệ đều đuối quá!

    - Nào là đây là chuyện nhỏ, chuyện nội bộ, không nên rùm beng trên báo chí, MXH, vạch áo cho ng xem lưng...=> Chẳng lẽ cứ lặng im, để cái xấu, cái giả dối mãi ngự trị?

    - Nào là những ông Võ Văn Kiệt, Dương Trung Quốc, Trần Đăng Khoa... đều lật sử nên không đáng tin=> Vậy còn những bằng chứng mà ông Phạm Việt Tùng đưa ra, có đáng tin ko?
    Ví dụ tấm hình bà nhà báo Pháp, cuốn sách của ông nhà báo Tây Đức, ông Đại tá tình báo Sáu Trí, ông Đại tá tình báo Tô Văn Cang... có đáng tin ko?

    - Nào là Viện Lịch sử QS đã điều tra kỹ 2-3 lần rồi, không thể sai!=> Vậy Viện LSQS sao lại tắc tị, không trả lời được cái câu hỏi "tấm hình bà nhà báo Pháp, cuốn sách của ông nhà báo Tây Đức, ông Đại tá tình báo Sáu Trí, ông Đại tá tình báo Tô Văn Cang... có đáng tin ko? Tại sao?

    - Và Viện LSQS đã phải là cơ quan cuối cùng không?
    Tại sao vụ Hồ Xuân Mãn phải Ủy ban Kiểm tra TW vào cuộc, kết luận?
    Rồi Ban Bí thư cũng phải họp giải quyết kiến nghị của UB Kiểm tra?
    Thủ tướng, Chủ tịch nước vào cuộc?"

    Tôi cũng đọc qua những ý kiến trả lời câu hỏi TẠI SAO SUỐT 20 NĂM TRỜI VIỆN LỊCH SỬ QS CÔNG NHẬN BẬY BẠ RẰNG XE 843 CỦA ÔNG BÙI QUANG THẬN LÀ XE HÚC ĐỔ CỔNG DINH?

    Có người trên kia đã nói rằng vì 843 là T54 của Liên Xô chứ xe 390 là T59 của Trrung Quốc, ta yêu Liên Xô hơn, ghét TQ nên không muốn xe của TQ vào trước...
    Vậy thì Viện LS QS càng sai, càng làm bậy!
    Làm sử là phải trung thực chứ?
    Dù yêu hay ghét Trung Quốc chăng nữa thì cái xe 390 vẫn là xe tông đổ cánh cổng Dinh ĐL và vào sân dinh sớm nhất.

    Hai sĩ quan giải phóng vào dinh đầu tiên là Trung úy Bùi Quang Thận và Trung úy Vũ Đăng Toàn. Thận lên cắm cờ, Toàn cầm AK gom nội các DVM.

    Đó là SỰ THẬT LỊCH SỬ, dù ai muốn hay không muốn đều bắt buộc phải công nhận.
    Thật nhục cho quốc thể, phải đến 20 năm sau ngày 30/4/1975, mãi năm 1995, nhờ một bà nhà báo Pháp sang thì cái nhóm Viện Lịch sử QS mới chịu thừa nhận SỰ THẬT LỊCH SỬ. Nhưng bản thân ông Thệ thì vẫn cố đấm ăn xôi, cãi cùn.
    Xem bài
    30/4/1975: ĐIỀU CHƯA SÁNG TỎ VÀ MỘT "ÂM MƯU" BẤT THÀNH
    https://googletienlang2014.blogspot.com/2015/04/3041975-ieu-chua-sang-to-va-mot-am-muu.html

    Giờ bàn đến chuyện ông Thệ+ ông Tùng.
    Tương tự như chuyện ông Toàn+ ông Thận, đã có một nhà báo Tây Đức viết sách xuất bản ngay trong năm 1975, và ông ấy chết rồi. Chắc chắn cũng như bà nhà báo Pháp, ông Tây Đức này chả có yêu hay ghét ông Thệ, ông Tùng.
    Sách của ông Tây Đức, tình cờ cũng phù hợp với Báo cáo của ông Tùng viết năm 1990, phù hợp với lời khai các nhân chứng như trong phim của ông Phạm Việt Tùng.
    Vậy thì nay, phải bắt buộc Viện LS QS thừa nhận sai. Nếu Viện không làm thì Ban Bí thư phải vào cuộc như trường hợp Hồ Xuân Mãn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với quan điểm của bác về xe tăng TQ, LX.

      Vụ Hồ Xuân Mãn thì tôi không nắm rõ.

      Còn vụ này thì ngay cả tấm ảnh cũng không bác bỏ được thì lấy gì bảo UBKTTW phải bắt tay vào việc này.

      Nếu phim nói rõ ngay từ đầu là Phạm Xuân Thệ đã dối Đảng lừa dân ở nhiều vấn đề trong ngày giải phóng thì ok.

      Đàng này phim chúi mũi vào vấn đề ông Thệ hay ông Tùng mới là người viết bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền, trong khi phim đã thất bại trong việc chứng minh đó.

      Căn cứ theo bức ảnh thì khá rõ ràng ông Thệ là người viết bản đầu hàng cho tổng thống ngụy quyền. Hầu như không có cách giải thích nào khác về bức ảnh này. Ông Tùng cao to cũng không giống như bị che. Ông ta không có trong ảnh, ông Thệ có trong ảnh và cầm bản tuyên bố ông ta viết, hoàn toàn phù hợp với lời chứng và logic vấn đề.

      Tôi hoàn toàn không hình dung ra bất kỳ kịch bản nào để thay đổi sự thật này hay đủ để UBKTTW vào cuộc.

      Mặc dù vậy bộ phim tài liệu cũng đã nói lên các gian dối khác của ông Thệ mà có thể đào sâu làm rõ hơn.

      Xóa
    2. Cũng cần khẳng định nữa là không Thệ không phải là người duy nhất gian dối.

      Ông Tùng trong phim đã nhận vơ mình là người nói câu bác bỏ lời xin bàn giao của Tổng Thống ngụy quyền mà yêu cầu phải lập tức đầu hàng trong khi điều này khớp với cá tính của ông Thệ và các lời chứng liên quan về việc ông Thệ gây căng thẳng khi đó.

      Ông Tùng nhận mình là người viết bản tuyên bố đầu hàng cho TT ngụy quyền nhưng điều này không hợp lý vì ở đó có 2 người to nhất cầm đầu 2 cánh quân Tăng - Bọc thép và Bộ binh, mà ông ta đã soạn bài kia rồi. Một mình ông ta soạn cả 2 bài là không hợp lý.

      Phim cũng không chứng minh được gì khác về việc này. Phim không bác bỏ được (1) vấn đề ông Thệ là người viết (2) chứng tỏ được ông Tùng là người viết.

      Trong bức ảnh có thể suy ra khá rõ ràng là ông Thệ là người viết nhưng tại sao ông Tùng cứ nhận mình là người viết?

      Xóa
    3. Thật buồn cười với tư duy ông Tâm Kỳ09:47 6 tháng 5, 2021!
      Ông viết "Còn vụ này thì ngay cả tấm ảnh cũng không bác bỏ được thì lấy gì bảo UBKTTW phải bắt tay vào việc này."
      Bức ảnh nào?
      Bức ảnh của ông Kỳ Nhân?
      Bức ảnh có mặt ông Thệ thì suy ra ông Thệ viết?
      Quái gở!
      Trong hình còn có Dương Văn Minh, còn có ông Thái, còn có ông chỉ ngón tay đó là Hà Huy Đỉnh...
      Vậy suy ra là Dương Văn Minh hay Thái, hay Đỉnh ... viết chăng?

      Xóa
    4. Hình như đây là hình họ sắp sửa bước vào tuyên bố đầu hàng. Theo lời của ông Thệ và các nhân chứng ở đó thì thấy thích hợp với hình này. Tay ông Thệ cầm là tờ giấy viết tay mà chữ khó đọc nên đọc lại cho ông Dương văn minh viết lại. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy tay ông Dương văn minh cũng cầm tờ giấy giống như vậy.

      Nếu không tìm ra hình nào khác như kiểu tấm hình của bà Pháp vụ xe tăng thì vụ này khó mà lật lại. Nếu không có bằng chứng nào khác mà toàn là "anh nói tôi nói" thì vụ này khó lòng lật lại. Bằng chứng này giá trị hơn mấy "lời kể". Quan trọng là lời kể của ông Thệ và các nhân chứng nói giống ông có hình ảnh ủng hộ, còn các lời kể kia mà bảo là ông Tùng viết thì không có hình ảnh hỗ trợ.

      Xóa
    5. Xin nói thêm là ông Thệ kể là ông viết cho ông Dương v minh đọc, ông Dương VM không đọc được vì chữ xấu, nên ông đọc cho ông Dương VM viết lại.

      2 tờ giấy trong hình thích hợp với lời kể của ông Thệ và các nhân chứng ở đó nói như ông.

      Ngoài bạn nói thì ông Tùng còn có 1 nói sai sự thật khác là trong ngày 30/4/75 ông ta trả lời phỏng vấn nói rõ tên ông Phạm Xuân Thệ, biết luôn chức vụ ông Thệ. Nhưng sau đó ông ta lại kể là "một anh lính trẻ" rồi làm ra vẻ như tôi đây không biết ông này là ai luôn.

      Như vậy nếu ông Thệ nói dối thì cũng không phải là nói dối một mình. Có vẻ như có sự tranh công không trong sáng ở đây.

      Xóa
    6. Bức ảnh không quan trọng gì mà người ta tìm cách xóa ông Thệ ra khỏi đấy. Trong đài phát thanh thì cắt đi bàn tay cầm giấy. Trên bìa sách thì cắt nguyên cả thân hình.

      Xóa
  28. Chuyên này chắc là không có địch nhảy vào xuyên tạc rồi, chỉ có ta với ta thôi mà lình xình quá.
    Thiết nghĩ BTGTW nên có sự chỉ đạo để có tư liệu chính thống, chuẩn xác về vấn đề này cũng như các vấn đề tương tự, kể cả những sự việc đã bị kẻ xấu xuyên tạc cần có những văn bản chính thống khẳng định, không nên để nhùng nhằng, kéo dài không có lợi. Thời ông Thửơng không làm được thì mong thời Trưởng ban mới là được.

    Trả lờiXóa
  29. Lão Phạm Việt Tùng từng đã thành công chứng thật được xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh tổng thống nguỵ nên thừa thắng xông lên, bị danh hão làm mờ mắt, cứ nghĩ 2 trường hợp giống nhau nên có cái sự định kiến là phải làm sáng tỏ lịch sử, phải v.v. nên lâu ngày thành 1 loại ảo tưởng và thành kiến, cực đoan. Phim tài liệu kia của ông đã chứng thật được xe tăng kia vào húc đổ trước nhờ tấm hình của bà đầm Pháp.

    Còn phim tài liệu kỳ này thì không làm được như vậy, chỉ là 1 loạt chửi theo lẩu thập cẩm nhắm vào ông Phạm Xuân Thệ theo motif là ông ta sai những cái này thì sẽ sai luôn vụ nhận vơ tuyên bố.

    Còn lão Trần Đăng Khoa cụ "thần đồng" thì không phải lật sử nhưng là loại thích quậy, háo danh, thích "quậy", phá bĩnh, ném đá hội nghị, hay phá đám người khác, ganh ghét cụ Tố Hữu, bài Trung phò Mỹ, thích biểu tình, hay giao du với rận, hay sinh hoạt trong các rận quán, già rồi nuối tiếc danh hiệu "thần đồng", van lạy được tha nhân để ý tới, khao khác được sung quanh chú ý tới.

    Trả lờiXóa
  30. Phim tài liệu về những người xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập của NSƯT Phạm Việt Tùng.

    https://www.youtube.com/watch?v=15uLD4XVGQA

    Tôi nghĩ đây là 1 người đáng kính. Tuy nhiên cứ nhìn khách quan từng phim, phim này thôi không nên đặt niềm tin vào phim kia rồi nghĩ phim này đều đúng hết.

    Tôi nghĩ đội trưởng Vũ Đăng Toàn và những người như ông Phượng, ông Tập, đúng là những hình mẫu bộ đội cụ Hồ đích thực, đánh giặc xong về quê lao động, không màng danh lợi, không quan tâm đến việc cái danh húc đổ cổng dinh của mình bị nhường cho người khác 20 năm.

    Thời đó quan hệ Việt Trung xấu đi còn ta vừa mới ký hiệp nghị hợp tác và hữu nghị với Liên Xô, thực chất là hiệp nghị LM QS. Thế nên xe tăng Trung Quốc húc đổ biến thành xe tăng Liên Xô húc đổ. Đây là hơi quá đáng, cùng lắm chỉ có thể không tuyên truyền về xe tăng 290 thôi chứ không thể biến thành xe tăng 283 được.

    Trả lờiXóa
  31. Tôi thấy ông NSƯT Phạm Việt Tùng là người tốt, mọi người không nên ném đá ông ta. Cứ khách quan mà bình luận phim thôi.

    Trả lờiXóa
  32. Ông "Đông La không đáng tin" có vẻ hăng máu hăng hái với chủ đề này, he he, lại ra bài mới đây:

    http://donglasg.blogspot.com/2021/05/e-co-viet-chinh-xac-su-that-lich-su.html

    Trả lờiXóa
  33. toàn người tốt cả, sao phải thế nhỉ, đâu cần cái gì cũng phải sự thật phơi bày ra đâu, nhiều tài liệu còn được giữ mật hàng chục, trăm năm cơ mà. khơi lại để làm gì nhỉ??? quan trọng là đã đến, đã thấy và đã chiến thắng. chỉ thế thôi, còn bao nhiêu trường hợp hi sinh ko rõ nằm đâu, mất xác...thì các ông ko đi mà khai thác.

    Trả lờiXóa
  34. nhân chứng đây: http://congan.com.vn/tin-chinh/hoi-uc-cua-cuu-chien-binh-bat-giu-tong-thong-duong-van-minh-va-noi-cac_111287.html

    Trả lờiXóa
  35. Đã qua 46 năm, nhưng với cựu chiến binh Nguyễn Khắc Nhu thời khắc lịch sử vào trưa ngày 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập như vừa xảy ra, vẫn đong đầy cảm xúc hạnh phúc, mừng vui, sung sướng đến tột độ khi thấy nước nhà được thống nhất, non sông về một mối, trăm họ hết lầm than, đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Bởi thế, khi chúng tôi vừa gợi hỏi, câu chuyện ấn tượng, hào khí từ nhiều năm trước cứ theo dòng cảm xúc mà ùa về nguyên vẹn trong ông.
    Chỉ vào tấm ảnh quân Giải phóng đang áp giải tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa 30-4-1975, ông Nguyễn Văn Nhu (Nguyễn Khắc Nhu) sôi nổi giới thiệu: “Người đi bên trái ông Dương Văn Minh là chiến sĩ Bàng Nguyên Thất, bên phải là Phó trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ, sát ngay phía sau và cầm súng ngắn là tôi - Nguyên Văn Nhu, cùng một số đồng chí khác. Chúng tôi đều là cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304, Quân Đoàn 2. Ảnh này do một nữ ký giả người Pháp ghi lại”.
    Chia sẻ lại cảm xúc vào thời khắc lịch sử đã được ghi lại bằng tấm ảnh chân thật, đầy sinh động, ông Nhu xúc động nói: “Đó là thời khắc hạnh phúc nhất trong đời binh nghiệp của tôi, cũng như một số đồng đội. Sáng 30-4-1975, sau khi nhận nhiệm vụ tiến công nhanh chóng vào nội đô Sài Gòn, với mục tiêu là đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài phát thanh và Bộ tư lệnh Hải quân của địch. Trong suy nghĩ của chúng tôi là quyết tâm hành quân thần tốc, sớm có mặt tại Dinh, đánh chiếm được mục tiêu là thành công.
    11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, chiếc xe Jeep của Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ vọt theo xe tăng của Đại đội 4 Lữ đoàn Thiết giáp 203 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy, tiến vào trước cửa dinh Độc Lập. Trong lúc Đại đội trưởng Bùi Quang Thận lên kéo cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ, cùng các chiến sĩ Trung đoàn 66 (trong đó có tôi) xông lên gác, tiến vào phòng họp, nơi tổng thống Dương Văn Minh và nội các có mặt đầy đủ. Trước đó, đơn vị chúng tôi xây dựng phương án tác chiến, bảo vệ mục tiêu là chính, chưa hình dung khi mình tiến vào lại có tổng thống Dương Văn Minh và nội các chờ sẵn, đầu hàng nên khá bất ngờ.
    Trong bối cảnh "dầu sôi lửa bỏng", trước tình huống phát sinh ngoài dự kiến, Phó trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ và các đồng chí có mặt kịp thời ứng biến, giải quyết rất nhanh và cực kỳ sáng suốt là bắt sống, buộc ông Dương Văn Minh và nội các đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng ngay tại dinh Độc Lập.
    Sau đó, Phó trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ, cùng chúng tôi áp giải ông Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đến Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng trên hệ thống phát thanh cả nước. Mục đích để những nơi chưa được giải phóng thì đồng bào, chiến sĩ, người dân cùng biết để không còn phải đổ xương máu vô nghĩa nữa”- ông Nhu hồi tưởng, và kể tiếp: Do quân ta tiến vào nhanh, đông áp đảo, từ mọi ngả khiến địch hoang mang bỏ chạy nên khi điện ra Đài phát thanh không nối được liên lạc. Vì vậy, quân giải phóng buộc phải áp giải ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.
    Lo sợ không an toàn tính mạng, tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu được đi xe của ông ta nhưng quân Giải phóng không chấp thuận, yêu cầu đi bằng xe Jeep. Hàng trên có lái xe, tổng thống Dương Văn Minh rồi đến Phó trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ ngoài cùng bên phải. Hàng sau có Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ngồi giữa, tôi - Đại đội trưởng trinh sát Nguyễn Khắc Nhu ngồi ngoài cùng bên trái, trợ lý chính trị Phùng Bá Đang bên phải. Đứng bám ở bậc xe bên phải là ông Nguyễn Huy Hùng, bám bên trái là ông Bàng Nguyên Thất.
    Xe Jeep chạy phía trước, phía sau có 2 xe chở bộ binh đi bảo vệ. Chúng tôi bố trí vị trí ngồi trên xe như thế là có ý đồ, mục đích cao nhất vẫn là sẵn sàng lấy thân mình bảo vệ tuyệt đối an toàn cho ông Minh và ông Mẫu trên đường đến Đài phát thanh.

    Trả lờiXóa
  36. Tại Đài phát thanh, Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn 66 đã làm chủ và bảo vệ Đài phát thanh an toàn. Trung đoàn 66 do đồng chí Thệ chỉ huy đang soạn thảo lời đầu hàng cho Dương Văn Minh tại Đài phát thanh thì Chính ủy Bùi Văn Tùng- Lữ đoàn 203 Tăng thiết giáp- xuất hiện. Vì thế đồng chí Thệ cùng đồng chí Tùng và các đồng chí trong Trung đoàn 66 cùng tiếp tục soạn thảo, hoàn chỉnh lời chấp nhận đầu hàng vô điều kiện của tổng thống Dương Văn Minh.
    “Khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn xong, mọi người mừng rơi nước mắt trước giây phút thiêng liêng ấy, bởi những người lính chúng tôi biết từ đây đất nước sẽ hòa bình, non sông về một dải, trăm họ hết đau thương, chia ly, mất mát vì chiến tranh - ông Nhu bồi hồi xúc động, cho biết tiếp: “Sau đó anh Thệ, cùng chúng tôi tiếp tục áp giải ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu về dinh Độc Lập và bàn giao cho cấp trên. Đến buổi chiều cùng ngày, khi nhiệm vụ đã hoàn thành, tôi mới có đủ thời gian để cảm nhận và vô cùng hạnh phúc, sung sướng khi nước nhà đã thống nhất. Niền vui ấy cứ cuộn cuộn trào dâng”.
    Tại bối cảnh Sài Gòn được giải phóng, người dân nội thành có thái độ ra sao? Ông Nhu cười tươi, hạnh phúc bày tỏ: “Trước đó người dân Sài Gòn bị nhồi nhét tâm lý bộ đội vào là tàn ác, là trả thù nên rất hoang mang. Nhưng khi quân Giải phóng tiền vào bằng da bằng thịt, lại rất gần gũi, thân thiện nên dân chúng phấn khởi, ùa ra hai bên đường cầm cờ, hoa vẫy chào đón tiếp.
    Cụ thể, đoàn của chúng tôi vì không biết đường vào Dinh Độc Lập nên phải dừng lại hỏi đường tại ngã tư Hàng Xanh, đã được một người dân cầm theo cờ giải phóng nhiệt tình xung phong dẫn đường nên đến được mục tiêu rất sớm. Chứng kiến thái độ mừng vui của nhân dân, chúng tôi trào dâng khí thế, cảm thấy sung sướng, vinh dự lắm. Có thể nói bằng lòng yêu nước của mình, người dân Sài Gòn khi ấy thông qua nhiều cách thức khác nhau đã hỗ trợ, giúp đỡ quân Giải phóng được nhanh chóng vào thành. Bên cạnh đó, họ còn kêu gọi, vận động người thân đang là lính chế độ cũ không manh động, chống đối, tạo điều kiện tốt cho quân Giải phóng tiếp quản chính quyền trong an ninh trật tự”.
    Được biết năm 1967, khi đang làm nhân viên Bưu Điện ở Hà Nội thì ông Nhu lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được đưa vào chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) làm công tác trinh sát tại Trung Đoàn 66.
    Có nền tảng về kiến thức, lại chịu khó học hỏi nên ông hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đến năm 1973, ông được đơn vị chọn lựa ra Hà Nội báo cáo điển hình về thành tích bắt tù binh và đào công sự vững chắc. Lính trinh sát luôn đi đầu, thọc sâu vào địa bàn của địch để nắm tình hình, địa hình và vẽ sa bàn nên không tránh khỏi hiểm nguy và ông đã bị thương tích trong một trận chiến đấu...
    Sau giải phóng, do thương tật trong chiến trường, cùng với căn bệnh sốt rét rừng hành hạ nên sức khỏe của ông Nhu ngày càng giảm sút, vào năm 1976 sau khi đất nước đã hòa bình, người Đại đội trưởng trinh sát Trung đoàn 66 đã xin ra quân. Sau đó, ông đã góp công xây dựng đất nước bằng công việc của một cán bộ tại Sở Công nghiệp Đồng Nai cho đến ngày nghỉ hưu và hiện đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh.
    Khép lại câu chuyện với chúng tôi, ông Nhu chia sẻ: “Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, ký ức cùng chỉ huy và đồng đội bắt sống và buộc ông Dương Văn Minh, cùng nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện quân cách mạng, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước là một phần ký ức rất thiêng liêng, mãi bền vững cùng thời gian”.

    Trả lờiXóa
  37. Chẳng có Thạch Sanh Lí Thông chi cả, chỉ có những kẻ bị bệnh thành tích thi đua nói láo để tranh công giành tiếng, nó nói láo ta, ta nói láo nó.

    Trả lờiXóa
  38. nhân chứng thứ 3 mà Phạm Việt Tùng nói khách quan đây: "Tôi chạy vào Dinh vừa đúng lúc. Là một người châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất, tôi chứng kiến Ðại tướng Minh 'lớn', Tổng thống của Việt Nam cộng hòa đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của Doan-Don-Son (Ðoàn Ðông Sơn-NV) của quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga. Thệ rất phấn khích la lớn: 'Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi ngay ra đài phát thanh với chúng tôi để tránh đổ máu, để ông ra lệnh cho quân đội ông đầu hàng'."
    Và đây nguyên lời văn bản của ông Tùng: " Lúc này người chỉ huy có cấp hàm và chức vụ cao nhất của quân đội ta tại dinh độc lập là đồng chí trung tá Nguyễn Tất Tài lữ đoàn trưởng và trung tá Bùi Văn Tùng chính ủy lữ đoàn (chế độ hai thủ trưởng). Nên mọi việc tại dinh phải trật tự nhất nhất theo kỷ luật quân đội, kỷ luật chiến trường, các cấp dưới thuộc quyền và phối thuộc đều phải chấp hành theo mệnh lệnh của chúng tôi, mặt khác để quân ngụy thấy rõ kỷ luật của quân đội cách mạng. Đồng chí Phạm Duy Đô quyền đại đội trưởng đặc công theo các xe tăng dẫn đầu vào trước, thấy chúng tôi vào ra báo cáo “Chính phủ ngụy và cả Dương Văn Minh đều ở trong dinh, mời các thủ trưởng vào giải quyết. Thấy chúng tôi vào Dương Văn Minh nói ngay “chúng tôi chờ các ông vào để bàn giao”. Tôi bực mình nói ngay: “Các ông chẳng còn gì để mà giao, chỉ có một việc là đầu hàng không điều kiện”

    như vậy ông nào cướp công đây nếu chúng ta tin vào nhân chứng thứ 3

    Trả lờiXóa
  39. Phạm Xuân Thệ người anh hùng đích thực ...Đời lính chiến của anh gắn liền với những chiến dịch lớn của quân đội nhân dân Việt Nam . Từ Khe Sanh ( 1968 ) đến đường 9 Nam Lào ( 1971 ) rồi chiến dịch xuân hè 1972 giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị ...Đặc biệt chiến dịch Thượng Đức 1974 với cương vị E phó 66 F304,anh chỉ huy đánh thắng lữ đoàn Dù và Thuỷ quân Lục chiến âm mưu tái chiếm Thượng Đức ...Mùa xuân 1975 ... đến chiến dịch Hồ Chí Minh lực lượng thọc sâu của QĐ 2 trong đó có đơn vị anh E 66 F304...đêm 29/4 lực lượng thọc sâu của QĐ 2 đồng loại xuất phát đột kích vào Sài Gòn và trưa 30/4 toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn bị bắt và tuyên bố đầu hàng... Lẽ ra anh phải được tuyên dương công trạng ngay sau cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhưng 2 cuộc chiến biên giới lại xảy ra,anh lại " Hành quân như năm nào đánh Mỹ " kết thúc chiến tranh biên giới anh cùng Bộ Tư lệnh quân khu,quân đoàn xây dựng quân đội từng bước chính qui hiện đại...Ngày 14/4/2011 sau gần 50 năm trong quân ngũ, bước chân đi khắp các chiến trường, Đảng ta rất công tâm " Ai có công thì thưởng " Anh được Đảng ,nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ...Đó là anh hùng đích thực !

    Trả lờiXóa