Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

ÔI!!! "NHỮNG BÀI TẬP LÀM VĂN MẪU 8"!!!

Bốn Thạc sĩ văn học và những bài văn mẫu đầy sạn


          
          HOÀNG TUẤN CÔNG
               

                  Kỳ I
Sách “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” của Nhóm tác giả: ThS Trương Thị Hằng-ThS Nguyễn Thị Tuyết Nhung-ThS Đào Thị Thủy-ThS Nguyễn Thị Dậu. Sách có 2 tập, tái bản lần 2, do NXB Văn hóa thông tin ấn hành quý II và III năm 2014. Trong “Lời nói đầu”, Nhóm tác giả cho biết: "Có thể nói, mục đích cao nhất của cuốn sách này là hướng tới làm sáng rõ các vấn đề văn chương trong chương trình Ngữ văn 8 và gợi ý cách thức làm các dạng bài tập làm văn cho các em. Trọng tâm vẫn là phương pháp làm bài. Đọc một bài văn mẫu là để tìm ra hướng giải quyết một bài làm nào đó hay cách làm các dạng bài tương tự."


Theo chúng tôi, một bài "tập làm văn mẫu", ngoài "mẫu" về phương pháp làm bài, chuẩn về kiến thức, thì câu từ, hành văn nếu chưa được gọi là hay cũng phải đảm bảo rõ ràng, mạch lạc, trong sáng. Tuy nhiên, có lẽ do chỉ chú trọng đến "phương pháp làm bài" nên Nhóm tác giả đã phạm không ít sai lầm về kiến thức phổ thông; hành văn lủng củng, từ ngữ thiếu chính xác. Sau đây là một số dẫn chứng của chúng tôi (phần gạch đầu dòng, chữ nghiêng trong ngoặc kép trích từ "Những bài tập làm văn mẫu 8")


Đề 16: "Thuyết minh về con trâu trong công việc nhà nông."

- Phần "Dàn bài" nhóm soạn giả viết: trâu có “thời gian mang thai 11 tháng.” (tr.58) Phần "Bài làm" (tr.59) lại viết: “Thời gian mang thai của trâu kéo dài 12 tháng.”

Chỉ trang trước, trang sau, cùng nói về thời gian mang thai của trâu nhưng hai số liệu chênh lệch nhau tới 1 tháng. Vậy các em học sinh biết tin vào đâu? Quan trọng hơn, cả hai thông tin này đều không chính xác. Bởi thời gian mang thai của trâu trong khoảng từ 10-11 tháng, tùy giống (giống trâu sông mang thai khoảng 305-307 ngày, trâu đầm lầy 320-325 ngày) Chưa thấy tài liệu nào nói trâu mang thai 12 tháng.

-“Trâu cái mỗi năm có thể đẻ một lần..."

Chuyện hoang đường! Trâu không thể đẻ mỗi năm một lần (lứa). Bởi trâu mang thai 10-11 tháng; 06 tháng sau khi đẻ, trâu mới động dục, giao phối trở lại (hiếm những con động dục sớm hơn). Một con trâu nái thuộc loại mắn đẻ cũng phải có thời gian 3 năm mới đẻ được hai lứa. Một đời trâu nái trung bình chỉ đẻ được từ 5-6 nghé. Các vị Thạc sĩ lầm bò ra trâu chăng? Vì thời gian mang thai của bò chỉ 280 ngày, sau khi đẻ 1 tháng, bò cái đã động dục trở lại và có thể đẻ mỗi năm một lứa. Thế nên tục ngữ dân tộc Tày mới có câu "Nuôi trâu còn chậm sinh sôi, nuôi bò đẻ mỗi năm một con" (Liệng vài nhẳng nàn viẻ, liệng mò mẻ pi tua). Nếu "trâu cái mang thai 12 tháng” “mỗi năm có thể đẻ một lần" như các soạn giả viết thì sau khi đẻ xong, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, trâu mẹ đã phải giao phối ngay thì mới kịp! Tuy nhiên, trên trái đất này không sinh vật nào giao phối ngay sau khi đẻ xong và có khả năng sinh sản “mắn” đến như vậy.

-Trâu “vừa sinh ra đã biết ăn cỏ ngoài bú mẹ”.

Không thể có  chuyện  đó! Trâu thuộc phân bộ nhai lại, thức ăn chính của chúng là cỏ. Tuy nhiên, khi mới ra đời, dạ cỏ (nơi chứa thức ăn, lên men trước khi nhai lại) của nghé chưa phát triển; hệ tiêu hoá của nghé con lúc này gần giống như ở gia súc dạ dày đơn. Nếu "vừa sinh ra" đã ăn cỏ, nghé con sẽ không thể tiêu hóa được. Bởi vậy, theo bản năng sinh tồn, dẫu có nhét cỏ vào mồm, nghé con cũng không ăn. Trong vòng một tháng đầu, nghé con bú sữa mẹ hoàn toàn. Lúc này, sữa mẹ không đi vào dạ cỏ mà được chuyển trực tiếp xuống dạ múi khế thông qua rãnh thực quản. Khoảng 1 tháng sau khi sinh, dạ cỏ phát triển dần và hệ tiêu hoá 4 túi được hình thành, nghé con bắt chước trâu mẹ nhấm nháp vài ngọn cỏ non, từ 2-3 tháng trở đi mới ăn cỏ thực sự. Bởi vậy, nếu tập cho nghé ăn sớm, người ta phải bắt đầu bằng việc cho chúng uống thêm sữa, ăn thêm tinh bột cám ngô, cám gạo trước khi cho chúng ăn cỏ.

Đề 18, "Thuyết minh về cây lúa", các soạn giả vẫn tiếp tục sai lầm về kiến thức phổ thông:

- Phần "Dàn bài": “Cây lúa là loại cây lương thực họ hai lá mầm, thân thảo, sống dưới nước.” (tr.64-tập I) Phần "Bài làm" các soạn giả tái khẳng định: “Đó là loại lúa nước, họ hai lá mầm, thân thảo, thích hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều...” (tr.65-tập I)

Sai hoàn toàn! Cây lúa thuộc họ Hòa thảo, lớp một lá mầm chứ không phải "hai lá mầm". Sách giáo khoa "Sinh học" lớp 6, bài tìm hiểu về thực vật hai lá mầm và một lá mầm kết thúc bằng mục "Em có biết" đã viết như sau: "Cây lương thực chủ yếu của chúng ta (lúa, lúa mì, ngô) thuộc lớp một lá mầm, còn các cây thực phẩm chủ yếu (rau muống, các loại cải, bầu, bí) thuộc lớp hai lá mầm." Như vậy, kiến thức sinh học của các Thạc sĩ còn kém hơn cả học sinh lớp 6. Nói cách khác, nếu cứ tin theo "Những bài làm văn mẫu lớp 8" thì học sinh lớp 8 sẽ rơi vào tình trạng càng học càng dốt.

-"Nó có 4 giai đoạn sinh trưởng, phát triển: thời kỳ mạ, thời kỳ lúa con gái, thời kỳ đứng cái và thời kỳ chín, kéo dài 6 tháng.” (tr64-Tập I). Thông tin này tiếp tục được khẳng định lại: “Cây lúa nước ở Việt Nam có quá trình sinh trưởng và phát triển thông thường kéo dài 6 tháng.”

Viết như vậy là Nhóm soạn giả không hiểu gì, hoặc hiểu rất mơ hồ về cây lúa. Nếu không cũng lạc hậu thông tin khoảng nửa thế kỷ! Bởi cũng là cây lúa nước, nhưng có giống lúa ngắn ngày, giống dài ngày, thời gian sinh trưởng của chúng có thể chênh lệch nhau từ 2-3 tháng, lại còn tùy thuộc vào thời vụ. Xưa kia, ở miền Bắc có vụ lúa chiêm, gieo mạ vào tháng 10 đến tháng 12, tháng 1 năm sau và thu hoạch vào tháng 4-5. Thời gian sinh trưởng của lúa chiêm nói chung hoặc một số giống lúa địa phương có thể lên tới 6 tháng. Tuy nhiên, từ 40-50 năm trước, Việt Nam đã có giống lúa sinh trưởng 3 tháng, gọi là lúa Ba giăng. Từ 15-20 năm nay, phần lớn bộ giống lúa ở Việt Nam chỉ có thời gian sinh trưởng từ 90 đến 125 ngày (tùy từng giống và thời vụ gieo trồng) Nếu “thông thường” cây lúa ở Việt Nam vẫn sinh trưởng “kéo dài 6 tháng” ....(tức gieo trồng nửa năm mới cho thu hoạch) thì nước ta may chăng đủ gạo ăn, nói chi đến chuyện có gạo để xuất khẩu?

-"Thời kỳ mạ là lúc cây lúa mới nảy mầm từ hạt thóc đến lâu nhất khoảng 40 ngày, sống trên ruộng tạm.” (tr.65-tập I)

Không rõ nhóm soạn giả đang nói đến thời kỳ mạ của giống lúa nào? Mạ gieo vụ xuân hay mạ vụ mùa? Chu kỳ sinh trưởng của lúa chỉ từ 3 đến 4 tháng mà mất tới 40 ngày (hơn 1 tháng) nằm trên chân ruộng mạ, cây lúa còn đâu thời gian đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông, kết hạt và chín? Xin thưa, hiện nay, mạ vụ xuân dài nhất cũng chỉ 25 đến 30 ngày, mạ vụ mùa chỉ 12-18 ngày là phải đưa ra đồng cấy.

-“Khi đã đạt được chiều cao cần thiết, cây lúa bắt đầu ra đòng rồi trổ hoa, nhờ gió thụ phấn để kết hạt. Đó là thời kỳ đứng cái.”

Chỉ với hai câu ngắn nhưng Nhóm soạn giả phạm tới 3 sai lầm về kiến thức cơ bản:
Thứ nhất: Cây lúa làm đòng, trổ bông khi đủ thời gian sinh trưởng, chứ không phụ thuộc vào việc có "đạt được chiều cao cây cần thiết" hay không. Bởi nếu được chăm sóc tốt, cây lúa sẽ đạt chiều cao và đẻ nhánh tối đa khi trổ bông. Tuy nhiên, trong trường hợp chân ruộng ít màu mỡ, chăm sóc kém, lúa xấu, thì bất kể cao hay thấp, bụi to hay bụi nhỏ, đến ngày đến tháng cây lúa vẫn trổ bông như thường (dĩ nhiên năng suất không cao)

Thứ hai: Nhóm soạn giả viết: lúa “nhờ gió thụ phấn để kết hạt” cũng sai hoàn toàn. Sách giáo khoa "Sinh học" lớp 6 đã giảng rất kỹ về sự thụ phấn của các loài hoa. Theo đó, lúa thuộc loại cây tự thụ phấn. Trên một bông lúa có nhiều hoa lúa. Mỗi hoa lúa lưỡng tính có cả nhị và nhụy nên không cần "nhờ gió" hay ong bướm, lúa vẫn thụ phấn, kết hạt như thường. Dĩ nhiên vì lúa cấy dày nên hiện tượng giao phấn giữa bông này với bông kia không thể tránh khỏi. Nhưng đó hoàn toàn không phải là điều kiện để lúa thụ phấn, kết hạt (khác với cây ngô, sự thụ phấn chéo lại rất cấn thiết). Vì hoa lúa lưỡng tính nên khi lai tạo giống lúa, các nhà khoa học phải tìm cách làm mất khả năng tự thụ phấn để tạo ra dòng lúa mẹ “bất dục đực”. Sau đó, người ta trồng lúa bố bên cạnh hàng lúa mẹ, khi lúa trổ bông thì dùng dây thừng kéo trượt qua đầu bông lúa mới trổ để phấn từ dòng lúa bố bay (tung) sang thụ phấn cho dòng lúa mẹ, tạo thành giống lúa lai. Như vậy, chỉ với công nghệ sản xuất lúa lai thì lúa mới thụ phấn nhờ gió, hoặc nhờ tác động của bàn tay con người mà thôi.

Thứ ba: từ lúc "cây lúa bắt đầu ra đòng rồi trổ hoa, nhờ gió thụ phấn để kết hạt" không thể gọi "là thời kỳ đứng cái” được. Bởi "đứng cái" là cách gọi để chỉ một giai đoạn chuyển tiếp khi cây lúa ngừng đẻ nhánh, chuyển sang thời kỳ làm đòng ("đứng cái" tức dừng lại, không đẻ nhánh nữa). Thông thường, người ta phân chia quá trình sinh trưởng của cây lúa thành các giai đoạn: bén rễ hồi xanh; đẻ nhánh; đứng cái, làm đòng; trổ bông, phơi màu; ngậm sữa, vào chắc và chín. Căn cứ vào các giai đoạn sinh trưởng này, nông dân sẽ có các chăm bón hợp lý, đâu phải muốn phân chia thế nào cũng được?

4 Thạc sĩ văn học và những bài văn mẫu đầy sạn-Kỳ 2


Hoàng Tuấn Công

Trong phần I của bài viết chúng tôi đã chỉ ra những  sai sót nghiêm trọng của Nhóm soạn giả khi biên soạn bài thuyết minh về con trâu và cây lúa. Có bạn đọc sẽ nghĩ rằng: sinh học không phải là địa hạt của các Thạc sĩ văn học, bởi vậy, nhóm soạn giả khó tránh khỏi sai sót, chúng ta nên thông cảm. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Khả năng cảm nhận, phân tích, hành văn của Nhóm soạn giả cũng có nhiều điều đáng nói. Ví dụ bài thơ "Nhớ rừng", đoạn con hổ hồi tưởng về những tháng ngày tự do:



"Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật
-Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!"

Nhóm soạn giả đã phân tích như sau:

“Đó là những ngày mưa dữ dội như "chuyển bốn phương ngàn" làm núi rừng thay da đổi thịt mà con hổ lặng ngắm sự đổi thay của muôn vật trong niềm hân hoan phấn khởi. Đó là những ngày đầy nguy nan khi sống trong rừng bị con người truy sát, con hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết với cảm giác mặt trời chói gắt trên cao, thiêu đốt gan ruột mình. Tất cả những cảnh tượng ấy, mỗi cảnh tượng mang một vẻ riêng, có lúc thật rực rỡ huy hoàng, có khi êm đềm lãng mạn, có khi mạnh mẽ, dữ dội và có lúc đầy kinh hãi lo lắng nhưng đã làm nên cái quá khứ tự do huy hoàng oanh liệt của con hổ, là thủa con hổ được tung hoành làm chủ núi rừng trong sự vùng vẫy vô cùng khoáng đạt thênh thang.” (Đề 58-Bài “Nhớ rừng” tr.81-tập II)

Đoạn văn với những ý diễn xuôi, câu từ sáo rỗng, dài dằng dặc rất khó chấp nhận (câu cuối dài tới 77 chữ). Đáng trách hơn, các soạn giả đã hiểu câu thơ: "Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt" thành "con hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết với cảm giác mặt trời chói gắt trên cao, thiêu đốt gan ruột mình" "Đó là những ngày đầy nguy nan khi sống trong rừng bị con người truy sát", "đầy kinh hãi lo lắng"?  

Có thể khẳng định, các vị Thạc sĩ văn học đã giảng bậy, hiểu sai hoàn toàn ý thơ của tác giả "Nhớ rừng". Vì, câu thơ trên nằm trong đoạn hồi tưởng "Thuở tung hành hống hách những ngày xưa..." của chúa sơn lâm với sức mạnh vô song và quyền uy tuyệt đối: "Ta biết ta chúa tể của muôn loài, Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi...", mỗi bước chân "ngài" đều "dõng dạc đường hoàng" ("Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng")...đâu có chuyện con hổ bị "truy sát","đầy kinh hãi lo lắng"?


"chúa tể muôn loài", nên "những đêm vàng bên bờ suối", những "bình minh cây xanh nắng gội", "những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn", "những chiều lênh láng máu sau rừng"...tất cả thời gian, không gian tự do của "rừng xanh cao cả âm u" ấy đều thuộc về "ngài". Tuy nhiên, khi rừng đêm buông xuống mới là khoảng thời gian sức mạnh ghê gớm của chúa sơn lâm được nhân lên gấp bội: "Trong hang tối mắt thần khi đã quắc, Là khiến cho mọi vật đều im hơi." Bởi vậy, "Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt" nghĩa là "ta" (con hổ) đợi tới lúc "mảnh mặt trời gay gắt" ban ngày "chết" (tắt) đi, "Để ta chiếm riêng phần bí mật"; hoàn toàn không phải "con hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết". Cái tài tình của Thế Lữ ở chỗ ông không viết Ta đợi "tắt" mà là "đợi chết". Gọi màn đêm buông xuống là mảnh mặt trời "chết" mới đúng là "ngôn từ" của chúa sơn lâm chứ? Nếu thuở "tung hoành hống hách" giữa "chốn ngàn năm cao cả âm u" mà con hổ vẫn "đầy nguy nan", "bị con người truy sát", "run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết", "đầy kinh hãi lo lắng" thì "Nhớ rừng" còn gì giá trị của khao khát tự do nữa? Lúc tự do mà như vậy khác gì với tù đày?

Thật tai hại nếu các em học sinh tin vào những phân tích, cảm nhận bài thơ "Nhớ rừng" của các Thạc sĩ văn học.

Ngoài sai sót về kiến thức, "Những bài tập làm văn mẫu" còn có kiểu hành văn dài lê thê, nôm na, lủng củng, tối nghĩa. Tình trạng này xuất hiện hầu như trong tất cả các bài làm với mức nhiều mức độ khác nhau. Chúng tôi xin đưa ra một số dẫn chứng:

          -“Thân cây lúa khi cắt để thu hoạch, thường được người nông dân Việt Nam chia làm hai phần, phần gốc gọi là rạ, và phần ngọn gọi là rơm.”(Đề 18-Thuyết minh về cây lúa-tr.65)

Cách diễn đạt dài dòng, thiếu chính xác. Vì "khi cắt để thu hoạch" phần gốc có thể gọi là rạ, nhưng phần ngọn vẫn được gọi là bông chứ? Nó chỉ được gọi là "rơm" sau khi đã vò, tuốt đi phần hạt. Viết như "bài làm văn mẫu" hóa ra "khi cắt để thu hoạch" người trồng lúa chỉ thu được hai thứ, đó là "rạ""rơm" hay sao?

-“Hạt thóc hình thoi, vỏ bên ngoài gọi là trấu, bên trong chứa tinh bột. Hạt thóc khi sát vỏ trấu đi, chỉ còn phần tinh bột bên trong gọi là hạt gạo, đây là loại lương thực chính của cư dân trồng lúa nước khắp thế giới. Hạt lúa cũng có nhiều loại. Loại hạt chắc để xát ra gạo cho người ăn dĩ nhiên gọi là thóc, nhưng phần hạt không căng sữa, chỉ dùng để nghiền làm thức ăn cho gia súc gọi là hạt lửng.(3) Còn những hạt không có chứa tinh bột bỏ đi hoàn toàn cũng được gọi là trấu.”

Một đoạn văn lộn xộn, ý tứ thiếu mạch lạc, sử dụng "nhưng", "cũng" rất tùy tiện, vô lý. Theo chúng tôi, những chữ gạch chân nên bỏ.

-“Do đó những chậu quất thế thường có giá đắt hơn các chậu quất dáng thông có tầm cao tương đương khoảng 3-4 lần.”

Một câu văn khá ngô nghê, đã dùng “đắt hơn”, còn thêm “có tầm cao” vào. Sao không diễn đạt: “Do đó, những chậu quất thế thường có giá đắt hơn các chậu quất dáng thông có tầm cao tương đương khoảng 3-4 lần.” ?

-“Không biết tự bao giờ, trong lòng tôi đã cứ tin vào một điều vô lý...” (tr.8-tập I).

Vừa “đã” vừa "cứ" rất...vô lý!

-“Hiện nay, vấn đề ma túy đang là vấn đề nhức nhối không chỉ riêng đối với nước ta...” (Chủ đề về Ma túy-tr.74)

Sao không bỏ bớt “vấn đề” thứ nhất để câu văn gọn gàng, chặt chẽ hơn? Biên soạn bài “tập làm văn mẫu” cho các em học sinh đâu phải chuyện tào lao ở bàn trà?

-“Bởi vậy, người làm cây phải sử dụng thuốc để hãm cho quả chín đều đồng thời với việc dùng dây thép giữ cố định các cành sao cho cây quất im dáng, quả tỏa ra ngoài.”

“Cây quất im dáng” là thế nào? Sao ngôn từ nôm na, tối nghĩa đến vậy?

- “Bố chuyển đơn vị nọ về đơn vị kia rồi lại đi học miết mải.” (tr9-tập I)

Biến “mải miết” thành “miết mải” ngang phè!

-"Chẳng còn ai châu tuần quanh ông đồ mỗi độ xuân sang" (tr.90-tập II)

Không rõ "châu tuần" là gì?

-“Khi tôi học lớp hai, bố tôi vốn là một sĩ quan quân đội bị thuyên chuyển vào Buôn Ma Thuột công tác. Thế là gia đình tôi phải chuyển vào theo.” (tr.15-tập I)

Phục vụ trong quân đội, chuyển công nơi công tác sao lại gọi là “bị”? Thầy cô dạy các em như vậy sao?

-“Tiếng chuông lảnh lót vang lên một cách khô khan-thứ âm thanh thực ra không được mấy đứa học trò như tôi lấy làm thích thú.”

Soạn giả dùng từ “mẫu” cho học sinh mà không hiểu đúng nghĩa của từ. Đã “lảnh lót” sao còn gọi là “một cách khô khan” được? “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) giảng như sau: “lảnh lót [âm thanh] cao, trong và âm vang thường nghe vui tai >< chim hót lảnh lót; giọng nói lảnh lót.”

-“Đoạn thơ đã cho thấy tất cả không khí xôn xao của thời kỳ Hán học thịnh trị, những người viết chữ Nho được trân trọng và yêu kính.” (Phân tích bài thơ "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên)
Ở thời kỳ “thịnh trị”, Hán học cũng chỉ có “không khí xôn xao” như cái chợ thôi chăng?

-“Vịnh Hạ Long-một danh lam nổi tiếng, niềm tự hào của đất nước Việt Nam ta.”

-“Vịnh Hạ Long-di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh của thế giới.”

-“Vịnh Hạ Long đã được thế giới công nhận là di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, kỳ quan thiên nhiên của nhân loại.”

Vịnh Hạ Long không phải “danh lam” mà là thắng cảnh, được công nhận là “di sản thiên nhiên thế giới”. Còn "danh lam" hay “danh lam thắng cảnh” chỉ là cách gọi chung những ngôi chùa danh tiếng hoặc nơi có chùa chiền, di tích, phong cảnh đẹp mà thôi.

-“Người thợ làm giò pha thịt thành những miếng mỏng, cho vào cối đá, dùng chày gỗ thúc liên tục không nghỉ tay” (Bài về “Giò Chèm”-tr11-tập II)

Như vậy gọi là “giã giò” chứ, sao gọi là “thúc” được? “Từ điển tiếng Việt” (Ban biên soạn chuyên từ điển: New Era-NXB Từ điển bách khoa-2013) giải nghĩa “thúc” trong quy trình làm giò như sau: “Trộn nước mắm vào giò sống khi giã xong><Thúc giò.”

-“Một cây giò thành công là khi thái ra, thớ giò phải nhỏ mịn, ăn giòn, có vị ngọt thịt đậm đà, mùi thơm hạt tiêu thoang thoảng không bị bã. Giò lụa thường ăn với bánh dày, xôi hoặc cơm trắng đều ngon. Khi ăn chấm với nước mắm ngon nêm hạt tiêu thì là đúng vị.”

Diễn đạt lộn xộn, tùy tiện:

+ Câu 1, lẽ ra cụm từ “không bị bã” phải đặt ngay sau dấu phẩy (,) của “ăn giòn”, thành: thớ giò phải mịn, ăn giòn, không bị bã hoặc ít ra phải có dấu phẩy sau “thoang thoảng”;
+Phần "có vị ngọt thịt đậm đà, mùi hạt tiêu thơm thoang thoảng" phải diễn đạt thành ""có vị ngọt đậm đà của thịt, thơm mùi hạt tiêu thoang thoảng" mới đúng, mới hay.
+Câu 2 đã dùng “thường” sao còn “đều”?
+Câu 3... “thì là” văn nói.

-“Đó thực sự là một ý định ngông nghênh, ngang tàng và tuyệt vời lãng mạn của một tâm hồn thi sĩ...” (phân tích bài “Muốn làm thằng cuội” của Tản Đà-tr.127)

“Hồi ức có cả lúc thanh thản, sung sướng có cả lúc sợ hãi lo lắng, nhưng tất cả đều tuyệt vời oanh liệt.”

Cách dùng từ “tuyệt vời” của soạn giả thật lạ lùng!

-“Những câu đối được viết ra bằng nét chữ thảo bay bướm như rồng bay phượng múa đã thể hiện nét tài hoa của một lớp nghệ sĩ thuở xưa.” (Đề 60-Phân tích bài thơ Ông Đồ-tr.89-tập II)

Đã “như rồng bay phượng múa” cần gì phải dùng đến “bay bướm” nữa?; Mà lý do gì để gọi các ông Đồ là “một lớp nghệ sĩ”?

-“Diều là món đồ chơi dân gian có từ lâu đời ở nông thôn Việt Nam”

-“Cánh diều là món đồ chơi gắn liền với tuổi ấu thơ.”

-“Diều là món đồ chơi dân gian phổ biến nhất của trẻ em Việt Nam.” (Đề 42-Thuyết minh về Diều-tr.20-21-tập II)

Phải gọi diều là trò chơi hoặc thú chơi chứ, sao lại gọi là “món đồ chơi” ?

Có những câu văn dài đáng lẽ đã có thể “chấm câu” được, các soạn giả lại “phẩy”; có câu đáng lẽ “phẩy” các vị lại “chấm”. Ví dụ:

-“Ý nghĩ ấy của nhân vật tôi trong truyện ngắn “Lão Hạc” có thể nói là vô cùng hiếm hoi và quý báu trong thời đại lúc bấy giờ, nó xuất phát từ tình yêu thương và niềm tin vào bản tính tốt đẹp của con người mà không phải ai cũng có tấm lòng rộng rãi để nhận ra.”

 -“Sinh ra ở nửa đầu thế kỷ XX, thời kỳ đất nước đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Con đường cứu nước của các nhà chí sĩ đều mịt mờ tăm tối. (Đề 35: Tâm sự yêu nước qua các bài thơ: Hai chữ nước nhà, Ông đồ, Nhớ rừng-tr.129)

Ngoài ra, các bài văn mẫu còn tình trạng viết sai chính tả, trích dẫn sai. Ví dụ "trâu ré" (trâu có vóc dáng nhỏ) lại viết thành "trâu gié"; Câu thơ "Dải nước đen giả suối chẳng thông dòng" (bài "Nhớ rừng") lại viết thành "Rải nước đen..." ; Câu "Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi" lại viết thành "...giọng nguồn thét núi",...Chữ "hét" không thể tùy tiện thay đổi được, vì ngay trong câu sau là: "Với khi thét khúc trường ca dữ dội"...

Sách đã tái bản lần 2 mà những sai sót như trên vẫn được đem ra làm "mẫu" cho các em học tập quả là kỳ lạ!

 Vì bài đã dài nên chúng tôi xin dừng tại đây. Nhận xét cuối cùng của chúng tôi: nhiều bài tập làm văn trong sách "Những bài tập làm văn mẫu lớp 8" của nhóm 4 Thạc sĩ văn học vẫn xứng đáng là "mẫu", nhưng là "mẫu" theo cách hiểu ngược lại.


                                                            HTC/6/2015

Tài liệu tham khảo:
-Cẩm nang chăn nuôi gia súc, gia cầm-Tập I-Hội chăn nuôi Việt Nam-NXB Nông nghiệp-2009.
-Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi-TS Phùng Quốc Quảng-NXB Nông nghiệp-2009.
-Cây lúa Việt Nam-GS.TS Nguyễn Văn Luật-NXB Nông nghiêp-2008.
-Từ điển bách khoa nông nghiệp-Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam-NXB Từ điển Bách Khoa-1991.

-Từ điển thành ngữ-tục ngữ dân tộc Tày-Triều Ân-Hoàng Quyết-NXB Văn hóa dân tộc-1996.

TUẤN CÔNG THƯ PHÒNG

3 nhận xét:

  1. "Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
    Cũng gọi ông nghè có kém ai.
    Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
    Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
    Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
    Cái giá khoa danh thế mới hời!
    Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
    Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!"

    Trả lờiXóa
  2. Thống nhất với Bạn Hoàng Tuấn Công. Đôi chỗ, Bạn cũng còn lúng túng. Rơm? Phần thân lúa sau khi gặt. Rạ? Phần gốc lúa còn lại ở chân ruộng sau khi gặt. Trấu? Vỏ thóc bị bóc tách khi xát gạo. Lửng? Hạt thóc rất ít tinh bột do non ngày hoặc do sâu bệnh. Hạt thóc không có tinh bột gọi là LÉP, không thể gọi là trấu. Danh lam? Lam là chùa. Danh lam là chùa nổi tiếng.

    Trả lờiXóa
  3. không phải người hoàn mỹ thì đừng bắt người khác phải hoàn mỹ

    Trả lờiXóa