Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

CHUYỆN CHƯA NHIỀU NGƯỜI BIẾT VỀ TÌNH CẢM CỦA NHÂN VIÊN ĐỘI “CON NAI” (MỸ) VỚI BÁC HỒ

Bác Hồ và Biệt đội Con Nai.
Người Đất Thép
        “Bác Hồ muôn năm”, đó là phát ngôn của ông Shin nhân viên Đội “Con Nai” thuộc tổ chức OSS của Mỹ, năm 1945, ông được Bác Hồ đưa về làm việc với Việt Minh tại Việt Bắc và hai người trở nên thân tình với nhau.
          Để thấy tài năng ngoại giao của Hồ Chí Minh khéo tranh thủ người Mỹ trong phe Đồng Minh ủng hộ Việt Minh, chuẩn bị lực lượng cách mạng; cương quyết không nhận người Pháp như thế nào. Và do đâu một người Mỹ như ông Shin thốt ra câu “Bác Hồ muôn năm”!? Xin mời quý độc giả theo dõi diễn tiến của lịch sử dưới đây.

          QUAN HỆ VIỆT - MỸ
          Tháng 2/1945, Bác Hồ lên đường đi Côn Minh (Trung Quốc), Trung úy Sao (Shaw) được phép đi cùng Người để trở về Bộ Tổng tư lệnh không quân Mỹ ở đó. Tại Côn Minh, nhân danh Việt Nam - lực lượng đã giải thoát cho Trung úy Sao, Hồ Chí Minh tiếp xúc với ARAS. Phía Mỹ cảm ơn Người và gửi thuốc men, tiền bạc để tặng thưởng cho những người Việt Nam đã có công cứu Sao, nhưng Hồ Chí Minh chỉ nhận thuốc, không nhận tiền. Trong khi chờ đợi tiếp xúc với Tướng Sênôn (Chennault), Hồ Chí Minh tranh thủ thời gian đến Cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ (AOWI) (American of War Information), đọc sách báo, thu thập thông tin cần thiết, đặc biệt là những tin chiến sự thế giới.
           Chiều 17/3, Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen (Charles Fenn), trung úy Mỹ trong OSS. Hai người nói chuyện với nhau lần đầu. Ngày 20-3, Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen lần thứ hai, hai bên thỏa thuận về phương thức hợp tác. Phía Sáclơ Phen nhận cung cấp các phương tiện thông tin liên lạc và huấn luyện cho người Việt Nam sử dụng. Phía Việt Nam đồng ý cung cấp địa bàn hoạt động cho người Mỹ.
          Ba ngày sau, Hồ Chí Minh tiếp Sáclơ Phen và Ph. Tam tại một cửa hiệu ở Côn Minh. Sau đó, Hồ Chí Minh gặp Tướng Sênôn, Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ ở Hoa Nam, có Sáclơ Phen và Bécna (Bernar) cùng dự.
          Tướng Sênôn cảm ơn Việt Minh đã cứu thoát phi công Mỹ và hỏi Việt Minh có sẵn lòng cứu giúp những phi công Đồng Minh không? Hồ Chí Minh trả lời rằng bổn phận của những người chống phát xít là làm tất cả những việc gì có thể làm được để giúp đỡ Đồng Minh. Sau đó, Hồ Chí Minh đề nghị Tướng Sênôn: “Tôi muốn có một tấm ảnh của Ngài, kèm theo chữ ký”.
          Sênôn đã tặng Người một tấm ảnh của mình với dòng chữ: “Bạn chân thành của Claire L. Chennault”.
           Hồ Chí Minh được bố trí gặp A. Pátti tại một quán trà cách Tĩnh Tây 10 km. Cùng đi có Lê Tùng Sơn.

          Người đã nói cho A. Pátti biết về tình hình nạn đói ở Việt Nam, về quan điểm của Pháp, Trung Quốc, Anh với vấn đề Việt Nam và Việt Minh sẵn sàng hợp tác với người Mỹ khi nào người Mỹ thấy thích hợp. Người còn thông báo chuẩn bị cho một chính phủ Việt Nam dân chủ độc lập.
          Khi được hỏi về những nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Việt Minh và những chi tiết về tổ chức này, Người trả lời: “Việt Minh không phải là một đơn vị mà là một bộ phận của nhân dân Việt Nam, là những tổ chức của công nhân, nông dân hoạt động tại các địa phương và có thể liên lạc được từ Sài Gòn đến Cao Bằng”.
           Hồ Chí Minh lên đường về nước mang theo hai nhân viên OSS đều gốc Hoa là Frank Tan và Mac Shin.
          Hồ Chí Minh viết cho Sáclơ Phen lá thư đầu tiên. Trong thư, Người phàn nàn là OSS đã gửi tới những người bây giờ đã hợp tác với người Pháp thân Visi (Vichy), những người chống Việt Nam hơn là chống Nhật. Và Người đặt câu hỏi: Vậy chính sách của Mỹ thực sự là gì vậy? Cũng trong thư này, Người đề nghị gửi một số thanh niên sang để được huấn luyện sử dụng điện đài.
          Ngày 9/5, Hồ Chí Minh viết một lá thư gửi Sáclơ Phen và Bécna, toàn văn như sau:
          Ông Bécna và ông Phen thân mến!
          Tôi hết lòng cảm ơn các ông về sự giúp đỡ của các ông cho các bạn chúng tôi.
          Tôi mong muốn là các bạn của chúng tôi sẽ học được vô tuyến điện và những thứ cần thiết khác cho cuộc đấu tranh chung chống Nhật của chúng ta.
          Tôi hy vọng một ngày gần đây nhất sẽ hân hạnh được đón tiếp các ông tại căn cứ của chúng tôi. Nếu được như thế thì thật là tuyệt.
          Cho phép tôi gửi lời chào kính trọng tới Tướng Sênôn.
          Chân thành gửi tới các ông lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
                  Thân mến
                   HỒ
          Giữa tháng 5, Hồ Chí Minh yêu cầu Trung úy Giôn (John), báo vụ của cơ quan OSS, điện về Côn Minh đề nghị thả dù cho Người một quyển Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ.
          Tuần lễ đầu tháng 6, Hồ Chí Minh điện cho Pátti, báo tin Người đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.000 du kích được huấn luyện tốt, tập trung ở Chợ Chu, Định Hóa.
          Ngày 9/6, Hồ Chí Minh viết thư cho Sáclơ Phen. Toàn văn bức thư như sau:
          Ông Phen thân mến!
          Ông Tan và người giúp việc của ông ta vẫn mạnh khỏe. Chúng tôi đã trở nên bạn bè thân thiết như anh em một nhà. Tôi hy vọng ông sẽ đến thăm chúng tôi một ngày gần nhất.
          Ông làm ơn đưa bức thư này tới người bạn của tôi tên là Tống Minh Phương ở quán cà phê Đông Dương. Mười hoặc mười hai ngày sau đó họ sẽ trao cho ông một gói quà trong đó có lá cờ của Đồng Minh. Tôi rất cảm ơn ông nếu ông gửi những thứ đó cho tôi bằng cách nhanh nhất.
          Xin gửi ông và ông Bécna cùng các bạn những lời tốt đẹp nhất.
          Chúc ông sức khỏe và may mắn.
                Ngày 9-6-1945.
                    Thân mến
                       HỒ
          Giữa tháng 6, Hồ Chí Minh nhận được tin của ông Pátti cho biết có một toán người Mỹ do một sĩ quan cao cấp đứng đầu, sẽ được thả dù xuống Tuyên Quang và yêu cầu Việt Nam chuẩn bị.
          Bác trực tiếp đến xóm Lũng Cò (thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) khảo sát và tìm hiểu tình hình mọi mặt, chọn địa điểm làm sân bay để đón quân Đồng Minh.
          Ngày 30/6, qua vô tuyến điện, Hồ Chí Minh trả lời cho Pátti rằng Người đồng ý tiếp nhận toán người Mỹ và yêu cầu cho biết bao giờ thì người Mỹ có thể đến.
          Khoảng đầu tháng 7, Bác đến Lũng Cú ở trong nhà ông Ma Văn Yến chỉ đạo phục vụ chuyến bay của Đồng Minh (1).
          Theo bà Trần Minh Châu, một nữ cán bộ hoạt động ở Việt Bắc:
          “Trước ngày 15-7, tại Tân Trào, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho chúng tôi chuẩn bị đón đoàn quân nhân Mỹ nhảy dù xuống. Đoàn gồm 6 người do Thiếu tá Tômát chỉ huy. Vào 4 giờ chiều 16/7, máy bay Mỹ xuất hiện, cuộc nhảy dù diễn ra trót lọt.
          Để chuẩn bị đón tiếp đoàn Mỹ, Bác Hồ bảo chúng tôi phải làm một bữa tiệc mừng bạn mới.
          Chúng tôi chụm lại bàn: Khó quá, ở giữa rừng này làm gì có thực phẩm, bát đĩa cũng không. Cũng chẳng ai biết nấu cơm Tây, lại còn tiệc Tây nữa.
          Đến đây chúng tôi lại nghĩ thương Bác quá. Qua hai lần lặn lội đi Côn Minh về, Bác bị sốt rét, người gầy yếu lắm, cũng chẳng có gì tẩm bổ cho Bác. Bác đã ra lệnh: Cán bộ, bộ đội Việt Minh đến đâu cũng không được lấy cái kim sợi chỉ của dân.
          Bác biết nỗi lo của chúng tôi. Bác bình tĩnh nói: Bí rồi phải không? Vậy hãy làm theo Bác dặn: Cho người sang Định Hóa nhờ Chủ tịch Chanh mua giúp cho con bê, đem về thui chín vàng, để cả con nằm trên chõng tre, hai bên làm dãy ghế ngồi cũng bằng tre nứa, sắp mỗi người một con dao (Mỹ sẵn có dao và nĩa), có đĩa muối đĩa gừng, có rượu mua của đồng bào nấu, uống bằng bát to, mọi người tự do thích ăn chỗ nào thì tự cắt lấy.
          Chúng tôi nhìn nhau ngần ngừ.
          Bác như đã hiểu, Người giải thích luôn: Không có gì ngại cả, kể cả Tây và ta, không phải ai cũng được ăn một bữa tiệc dân dã trong rừng. Cứ làm đi rồi xem họ có thích không?
          Quả là không sai, đoàn Mỹ rất hài lòng, mừng rỡ lắm. Chúng tôi lại thì thầm với nhau:
          - Ông Ké nhà mình thì việc lớn cũng rành, việc nhỏ cũng thạo, mọi việc đều chu đáo.
          Đoàn Mỹ sang Việt Nam chỉ mang theo lương khô. Bác lại bảo: Phải lo thực phẩm tươi sống cho họ. Mỹ bây giờ là Đồng Minh, là bạn của mình, phải chăm lo sức khỏe cho họ, không thể để họ sống kham khổ thiếu thốn như mình.
          Ủy ban khu giải phóng đóng ở Tân Trào, dân huyện Sơn Dương này nghèo lắm. Phải sang huyện Định Hóa bàn với Chủ tịch Chanh - Chủ tịch Chanh nhận lời ngay và gửi hai hội viên là Nguyễn Văn Sách và Ma Văn Bầu lo việc này.
          Từ đấy cứ cách hai, ba ngày có một đoàn người vừa gánh vừa khiêng những dậu thịt, rau, trứng, măng... phải leo qua đèo De luồn rừng trên 20 cây số sang Tân Trào. Họ vận động dân đi săn thú rừng. Họ bảo bạn Mỹ thích ăn thịt thú rừng. Có khi là cả một con dê, có lần cả một con nai còn nguyên cặp lộc nhung mềm. Không có tủ lạnh để dành thức ăn dự trữ, nhà bếp đã có sáng kiến cho thịt vào các ống bương to đậy kín thả xuống cái giếng đào sâu, chung quanh thành giếng xếp đá phẳng lì. Nước giếng này quanh năm lạnh giá, thịt như được ướp đá.
          Cả mấy tháng liền họ tiếp tế cho ta, trong khi ấy gia đình con cái họ chỉ ăn con cá con, con ốc bắt ở suối với lọ măng ngâm ớt.
          Đồng bào nói: Họ nuôi bạn Mỹ để Mỹ cùng bộ đội Cụ Hồ đánh Tây đánh Nhật, nước Việt Nam được độc lập tự do họ sẽ được ấm no.
          Trước khi về Hà Nội Bác lại dặn chúng tôi: Ta chẳng có tiền cũng không có gì kỷ niệm cho đồng bào. Có đống dù của Mỹ, các cô chịu khó tháo từng múi đem biếu đồng bào, tính theo đầu người mỗi người một mảnh. Họ có thể cắt may áo, may chăn.
          Đồng bào đã kéo về đông như đi hội để lĩnh vải dù. Họ phấn khởi lắm.     Nhân dân Việt Nam đã có tập quán nuôi quân, khi còn là du kích, dân quân tự vệ, dân không chỉ nuôi ăn mà còn may cả quần áo, lo giày dép, thuốc men. Không bao giờ dân đòi thanh toán, không đòi biên lai. Họ nói: Con cái góp cho cách mạng còn được thì tài sản của dân cũng là của cách mạng, của nhà nước” (2).        
          Ngày 17/7, Hồ Chí Minh có cuộc thảo luận với Thiếu tá Tômát và H. Pruyniê (H. Prunier) - sĩ quan OSS mới đến. Người khẳng định Mặt trận Việt Minh là tập hợp các đảng phái chính trị được tổ chức với mục đích duy nhất là đánh đổ tất cả các chính quyền nước ngoài và đấu tranh cho độc lập tự do hoàn toàn của Đông Dương. Người cũng nhấn mạnh sự bất bình của nhân dân Việt Nam với người Pháp. Vì vậy, không thể cho Trung úy Môngpho - một sĩ quan người Pháp cũng như những người Pháp khác vào hoạt động ở đây...
          Ngày 19/7, Hồ Chí Minh có cuộc thảo luận dài với Thiếu tá E. Tômát về khu vực hoạt động của Đội “Con Nai”. Theo Người, “Con Nai” nên tập trung hoạt động trên tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng (đường thuộc địa số 3), sau khi “thông đồng bén giọt” có thể di chuyển tiếp và hoạt động trên đường Lạng Sơn - Hà Nội.
          Người còn khẳng định Việt Nam có thể nhận một số hoạt động của SO (Đội công tác chiến lược “Con Nai”)...
Đại đội do Biệt đội Con Nai huấn luyện và vũ trang,
dưới cây đa Tân Trào tại lễ xuất quân tiến về giải phóng Hà Nội ngày 19/8/1945.
           Sau 20/7, Hồ Chí Minh gửi thư cho Thiếu tá E. Tômát. Nguyên văn bức thư như sau:
          “Gửi Thiếu tá E. Tômát,
          Ngài thân mến,
          Tôi gửi Ngài một chai rượu để uống cho ấm người. Tôi tin rằng Ngài sẽ thích thú.
          Nếu viết thư về Côn Minh hãy chuyển qua người chiến sĩ này.
          Kế hoạch của Ngài về sự đầu hàng của Nhật (tối hậu thư, tấn công...) thật tuyệt vời. Tôi tin rằng nó sẽ đem lại kết quả tốt.
          Sẽ rất tốt nếu Ngài chuyển kế hoạch đó bằng điện tín cho Đại úy Holland.
          Trong thời gian tôi đi vắng, nếu cần gì xin Ngài nói với ông Văn (Võ Nguyên Giáp).
                   Chào thân ái
                   CM. Hoo”
          Ngày 21/7, Hồ Chí Minh tiễn ông Ph.Tam trở lại Trung Quốc và nhờ Ph. Tam chuyển cho Sáclơ một bức thư. Toàn văn bức thư như sau:
          “Ông Phen thân mến!
          Tôi muốn viết cho ông thư dài để cảm ơn tình cảm của ông đối với tôi. Tiếc thay không thể viết dài được vì sức khỏe tôi hiện giờ chưa được tốt lắm (nhưng không đến nỗi nguy kịch, ông an tâm).
          Điều tôi muốn nói với ông thì ông Tam sẽ nói thay tôi. Nếu ông gặp các ông Bécna, Vinca Reit và Cácten (của cơ quan thông tấn) và những người bạn khác của chúng ta, nhờ ông chuyển tới họ lời chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi.
          Ông Tam nói là ông sẽ đến đây. Chúng tôi luôn sẵn sàng nồng nhiệt đón ông.
          Hãy đến nhanh ông nhé.
          Tôi chúc ông mạnh khỏe và may mắn.
                   21-7-1945
                   CM HỔ”
          Từ 1 đến 6/8,  Hồ Chí Minh tuyển lựa 200 du kích để Đội “Con Nai” huấn luyện sử dụng súng carbin, M.A.S, tiểu liên Tômxơn, Bazoca, cối và lựu đạn.
          Qua điện đài của nhóm Tômát Bác Hồ biết tin Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hirôsima. Người chỉ thị viết nhiều thư hỏa tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thúc giục các đại biểu ở các địa phương về Tân Trào họp Hội nghị toàn quốc của Đảng.
          Ngày 13/8, có tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân đội Nhật ở các nơi ngừng chiến đấu. 23 giờ, Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng hạ lệnh khởi nghĩa. Hồ Chí Minh chỉ thị viết nhiều thư hỏa tốc, tung giao thông đặc biệt đi các địa phương mang chỉ thị. Mệnh lệnh khởi nghĩa.
          Khoảng 18/8, Hồ Chí Minh gửi thư cho Sáclơ Phen. Toàn văn như sau:
          “Trung úy Phen thân mến!
          Chiến tranh đã kết thúc. Đấy là điều tốt cho mọi người. Tôi cảm thấy áy náy khi những người bạn Mỹ phải rời chúng tôi quá nhanh. Việc ra đi của họ khỏi đất nước này có nghĩa là mối quan hệ giữa ông và chúng tôi sẽ khó khăn hơn.
          Chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Nhưng chúng tôi, những nước nhỏ và phụ thuộc, không có phần đóng góp hoặc đóng góp rất ít vào thắng lợi của tự do, của dân chủ. Nếu muốn đóng góp một phần xứng đáng chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn ủng hộ chúng tôi.
          Tôi cũng tin rằng sớm hay muộn chúng tôi cũng đạt được mục đích của mình, bởi vì mục đích đó là chính nghĩa. Và đất nước chúng tôi sẽ độc lập. Tôi trông chờ ngày hạnh phúc được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ.
          Chúc ông may mắn và sức khỏe.
                   Tháng 8-1945
                      CM HỒ”
          Cùng ngày, Hồ Chí Minh gửi thư cho Ph. Tam. Toàn văn bức thư như sau:
          “Ông Tam thân mến!
          Chiến tranh đã kết thúc. Mọi thứ đều thay đổi. Nhưng tình bạn chúng ta vẫn thế, không bao giờ thay đổi.
          Nhưng ông biết đấy, chúng tôi không có phần đóng góp chiến thắng này. Để góp phần mình vào chiến công chung, chúng tôi còn phải chiến đấu gian khổ. Ông hãy tin rằng chúng tôi đã chiến đấu và sẽ chiến đấu cho đến khi chúng tôi đạt được cái mà chúng tôi muốn: Độc lập dân tộc.
          Tôi thấy áy náy vì những người bạn Mỹ đã rời chúng tôi quá nhanh và do đó mối quan hệ giữa ông và chúng tôi trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ông. Ông cũng đừng quên chúng tôi nhé! Ngày mai tươi sáng chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó!
          Thưa ông, người bạn được giao nhiệm vụ mua những vòng xuyến cho ông bị ốm và anh ta đã trao công việc đó cho người khác. Nhưng người này lại nhận công tác xa Hà Nội, cho nên anh ta đã trao công việc đó cho một người thứ ba. Người này không thực hiện đúng mà chỉ mua được một số cái mà ông muốn.
          Tất cả giá 440 piastres (đơn vị tiền Đông Dương thời thuộc Pháp).
          Tôi gửi lại ông những gì mà họ chuyển cho tôi và số tiền còn lại là 2.560 piastres.
          Chúc ông sức khỏe và may mắn. Và chúc ông sớm gặp người bạn đời tốt. Hãy tin ở tôi, tôi mãi mãi như xưa.
                   8-1945
                   CM Hồ”
          Ngày 26/8, buổi trưa tại nhà số 48 Hàng Ngang, Hồ Chí Minh mời cơm Pátti. Người nói chuyện với Pátti đến gần 16 giờ.
          Ngày 29/8, Hồ Chí Minh gửi một tấm danh thiếp trên đó viết mấy lời ngắn gọn, mời Pátti đến gặp trước 12 giờ.
          Vào lúc 10 giờ 30, Người tiếp A. Pátti tại số nhà 48, phố Hàng Ngang. Cùng tiếp có đồng chí Trường Chinh. Người nói với Pátti muốn trao đổi với ông ta về một số kế hoạch hoạt động của Chính phủ lâm thời trong những ngày sắp tới, trong đó có việc tổ chức ngày lễ Độc lập 2-9, giới thiệu các thành viên của Chính phủ và chương trình hoạt động của Chính phủ cho mọi người dân được biết. Người cho gọi người phiên dịch để phiên dịch cho Pátti nghe bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Pátti ngạc nhiên khi thấy Cụ Hồ đã đưa vào đó một số câu trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ nhưng đã đảo trật tự và thay thế một số từ, đem lại cho nó một ý nghĩa mới.
          Hồ Chí Minh mời Pátti dự lễ Độc lập 2/9, Pátti nhận lời nhưng cũng tỏ ý vì lý do tế nhị có thể sẽ không đến dự được.
          Ngày 30/8, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời gửi bức công điện cho Tổng thống Mỹ Truman, nhờ Pátti chuyển giúp về Mỹ.
          Ngày 1/9, lúc 16 giờ 30, Hồ Chí Minh mời A. Pátti và Grélecki dự bữa cơm thân mật trước ngày lễ Độc lập của Việt Nam tại Bắc Bộ phủ. Cùng dự tiếp có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám.
          Với một giọng thân mật, Hồ Chí Minh tỏ lòng biết ơn đối với những người bạn Mỹ về sự ủng hộ vật chất và tinh thần mà phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam đã nhận được trong mấy năm gần đây, đặc biệt là cảm ơn sự giúp đỡ của Cơ quan phục vụ chiến lược (OSS). Người cũng nhắc đến Tướng Chennault, Đại tá Helliwell, Glass, các Thiếu tá Thomas và Holland cùng những người khác trong toán công tác của họ. Người tỏ ý mong rằng tinh thần “hợp tác hữu ái” đó sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới...
Pátti nhận lời sẽ chuyển yêu cầu đó của Chính phủ Hồ Chí Minh về Mỹ. 

          CẢNH CŨ NGƯỜI XƯA
          Năm 1997, hai ông Mc Shin và Frank Tan quay về Hà Nội sau 52 năm xa cách, họ kể lại cảm tình đầu tiên là được Cụ Hồ chăm sóc chu đáo ân cần.
Ông Shin (ngồi xe lăn), bà Rose đi theo (với khung tập đi),
bên trái là ông Nguyễn Tiến Minh, người đẩy xe cho ông Shin là ông Nguyễn Bá Long.
          Frank Tan nói: “Khi đi theo Cụ Hồ, tôi mới ở độ tuổi đôi mươi, nên tôi vẫn coi con người đáng kính ấy là bác bề trên, tôi không dám gọi Người là Bác mà luôn luôn coi như một người ông. Trước kia là vậy, bây giờ cũng vẫn vậy”. Còn Mc Shin (năm 1997 đã 73 tuổi) được trở lại Tân Trào, đứng khóc nức nở trước lán Nà Lừa vì nhớ Bác Hồ. Ông kể lại: “Bác Hồ quý tôi lắm, coi tôi như con. Ngài nói, khi nào hết chiến tranh, nếu tôi muốn ở lại Việt Nam thì sẽ cấp cho một mảnh đất đẹp để cày cấy - vì ngài biết tôi vốn là người Trung Quốc quá nghèo khổ, không có mảnh đất cắm dùi, nên phải đi lính cho Mỹ - còn muốn lấy vợ đẹp, thì phải tự kiếm lấy. Đến lúc tôi được lệnh rời Việt Nam, ngài biết tôi còn mẹ già, ngài tặng tôi mấy lạng cao hổ cốt để đem về làm quà biếu mẹ”.
          Năm 1998, trong đoàn cựu binh Mỹ sang thăm Việt Nam, có cựu Thiếu tá A. K. Thomas. Ông nhắc lại bài hồi ức của ông viết trên báo The State Journal ngày 21/4/1968, kèm theo bức ảnh năm 1945 chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh có chữ ký đề tặng và lời chúc tốt đẹp của Người đứng đầu lực lượng cách mạng Việt Nam. Bài hồi ức ghi lại hình ảnh và bản chất con người lãnh tụ cách mạng đó. Ông nói: “Ngay từ buổi đầu, tôi đã có ấn tượng mạnh về Hồ Chủ tịch, Người có những hiểu biết rất sâu sắc về lịch sử nước Mỹ chúng tôi, đồng thời có một trí tuệ tuyệt vời đối với tình thế thế giới lúc đó”.
          Viết về thời điểm Hồ Chí Minh ở Côn Minh, nhà văn Mỹ Charles Fenn, năm ấy đã 90 tuổi, vẫn nhắc lại đầy lòng kính trọng những kỷ niệm đầu năm 1945 - khi ông làm môi giới để Cụ Hồ Chí Minh tiếp xúc với tướng Mỹ Chennault. Trong cuốn sách của mình, ông trân trọng giới thiệu bản tiểu sử hoàn chỉnh về Cụ Chủ tịch, con người mang tính huyền thoại của lịch sử Việt Nam. Charles Fenn ghi lại ấn tượng đầu tiên của mình đối với “Hồ Chí Minh là con người luôn đặt lý tưởng của mình cao hơn mọi ứng xử tầm thường, khi trao viên phi công trung úy Shaw cho người Mỹ ở Côn Minh, Hồ Chí Minh từ chối mọi sự thanh toán sòng phẳng bằng tiền kiểu Mỹ mà chỉ khẳng định cho phía Mỹ biết rằng Hồ Chí Minh và tổ chức cách mạng của mình đang theo đuổi mục tiêu cách mạng là giải phóng dân tộc như G. Washington đã làm và chống phát xít, như người Mỹ lúc đó đang làm” (3).     
          Khi Mỹ rút Đội “Con Nai” khỏi Việt Nam ông Shin từ giã Bác Hồ và sang Mỹ định cư chưa có dịp gặp lại nhau. Dù vậy ông luôn giữ những kỷ niệm yêu quý Bác Hồ suốt hơn 65 năm trời cho tới ngày Việt Nam và Mỹ bang giao mới gặp được những cán bộ của ta sang Mỹ làm việc. Sứ quán Việt Nam có nhiệm vụ trao huân chương do Nhà nước ta tặng ông. Do ông bị tai biến phải ngồi xe lăn, Sứ quán phải đến Thành phố Seattle thuộc Tiểu bang Washington nơi ông cư trú trao trực tiếp (Bang Washington ở Tây Bắc Thái Bình Dương USA, Seattle cách biên giới Canada - Hoa Kỳ khoảng 160 km về phía Nam, còn Thủ đô Washington DC có con sông Potomac nơi anh Morison tự thiêu phản đối chiến tranh Việt Nam).     
          Sống ở Seattle cả nửa thế kỷ, Mac Shin không muốn nói nhiều về sự cộng tác và tình bạn của ông với Cụ Hồ Chí Minh, nhà cách mạng, cha đẻ nền độc lập của Việt Nam mà phần lớn người Mỹ chỉ biết Cụ Hồ là nhà lãnh đạo của lực lượng Cộng sản trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
          Ông Shin đã nhiều lần giải thích với bạn bè và gia đình ông rằng “nhiều người ở đây không thích Bác Hồ”. Nhưng nhiều người không biết rằng, mấy chục năm trước chiến tranh, trong thời Đệ nhị thế chiến, Cụ Hồ Chí Minh đã cộng tác với quân đội Mỹ chiến đấu chống quân Nhật. Ông Shin là một trong những quân nhân Mỹ còn sống đã cùng Cụ Hồ Chí Minh và đạo quân nhỏ bé đã lăn lộn trong rừng sâu để huấn luyện đội quân kháng chiến chống Nhật cho Đồng Minh.

          TRAO TẶNG HUÂN CHƯƠNG HỮU NGHỊ
          Năm 2008, một ngày thứ bảy ông Nguyễn Tiến Minh - Phó Đại sứ quán Việt Nam và một cán bộ của Sứ quán ta ở Washington là ông Nguyễn Bá Long gặp ông bà Shin và bạn bè của ông bà tại một căn nhà trong khu International District để dự buổi lễ đặc biệt. Họ trao cho ông Shin huân chương cao quý nhất gọi là “Huân chương Hòa bình Hữu nghị giữa các Quốc gia” của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
          Phó Đại sứ Nguyễn Tiến Minh nói: “Ông Shin là một trong một vài người đã từng chứng kiến giờ phút vĩ đại của lịch sử. Ông đã có cái đặc ân được làm việc với vị lãnh đạo trứ danh của chúng ta”.
          Ông Shin năm này (2008) đã 84 tuổi, bán thân bất toại vì bị đứt mạch máu não (đột quỵ) gây nên. Ông cùng vợ là bà Rose đi theo trên cái walker (khung tập đi) còn ông Shin trên chiếc xe lăn do chính hai viên chức Tòa Đại sứ Việt Nam tại Thủ đô Washington DC đi theo. Đáp lời khách trao tặng huân chương cao quý này, ông Shin vừa nâng ly trà vừa nghẹn ngào nói: “Hoa Kỳ muôn năm. Việt Nam muôn năm. Bác Hồ muôn năm!                                     


                Ông Shin (ngồi xe lăn), bà Rose đi theo (với khung tập đi), bên trái là ông Nguyễn Tiến Minh, người đẩy xe cho ông Shin là ông Nguyễn Bá Long.
         Bác sĩ David Christie nói rằng ông Shin lúc nào cũng tràn đầy sức sống hồn nhiên. Bác sĩ làm việc chung với ông Shin từ khi ông Shin di cư đến Hoa Kỳ vào thập niên 1950 và trở thành chuyên viên kỹ thuật về quang tuyến.
          Ông Giebel nói, tổ chức OSS, tiền thân của cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, tuyển mộ ông Shin ở Trung Hoa để thành lập một liên minh về triết lý và chính trị giữa Hoa Kỳ và phong trào độc lập đang phát triển của Việt Nam. Ông nói, nhiều người trong tổ chức OSS thực sự mê thích Cụ Hồ Chí Minh.
          Vị giáo sư này nói: “Dù rằng Cụ Hồ thường bị coi như là hình tượng của Cộng sản một cách đơn giản. Chính xác hơn hãy nghĩ rằng Cụ Hồ một người quốc gia nhiệt thành do động lực chống lại ách thống trị của người Pháp và Cụ đã cảm hứng bởi những lời viết của ông Thomas Jefferson và cuộc chiến của người Hoa Kỳ giành lại chủ quyền độc lập từ trong tay người Anh".
          Giáo sư Giebel, một người chuyên về lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Washington nói: Cụ Hồ là một người mà ông Shin biết và yêu mến với một tinh thần huynh đệ. Nhà viết sử này của Đại học Washington đã biết ông Shin từ hơn 10 năm qua, và năm 2001, ông đã cùng ông Shin đến thăm mấy người bạn cũ còn sống ở Việt Nam. Ông Cristoph Giebel nói: “Lý do duy nhất khiến cho vai trò của ông Shin đã trở thành một sự kiện lịch sử là vì điều đã xảy ra sau đó”. Ông Giebel nói tiếp: Ngày nay ít người nhận thức được “sự kiện lịch sử” này.     
          Sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, Cụ Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập cho Việt Nam trước nhân dân Hà Nội với những lời trích dẫn từ trong tài liệu Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ vào 1776. Nhưng dù là có sự tin cậy và mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng trên sự liên hệ OSS và thành phần Việt Minh để chiến đấu chống lại quân chiếm đóng Nhật Bản, các cường quốc Đồng Minh sau đó không còn ủng hộ nền độc lập của Việt Nam nữa.
Nước Pháp được tái lập quyền thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cụ Hồ và quân đội của Cụ cảm thấy các cường quốc Tây phương bỏ rơi. Nếu những biến cố đã xảy ra một cách khác, nếu ông Shin đã một lần gọi Cụ Hồ là “Grandpapapa” mà không cảm thấy bị phản bội, một số chuyên viên về sử học tin rằng sau đó thảm trạng chiến tranh giữa một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á và siêu cường Hoa Kỳ đã chẳng bao giờ xảy ra.
          Giáo sư Giebel lại nói, nói một cách vắn tắt, ông Shin là một hiệu thính viên hàng đầu của Cụ Hồ và hai người đã trở nên đôi bạn thân thiết. Ông Shin và những đồng đội của ông trong toán OSS đã băng rừng, ẩn nấp trong hang núi, liều thân chiến đấu với niềm tin rằng họ đang giữ một vai trò quan trọng kết tụ tình thân hữu lâu dài giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Sau hơn 50 năm, một vài khía cạnh của mối quan hệ thân hữu này đã bị tan vỡ tai hại lại được phục hồi vào ngày thứ bảy vừa qua trong một nhà hàng tại góc đường 5 và đường Jackson ở Seattle (4).
                                                                
         CHÚ THÍCH
          1. Từ sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 2.
          2. Theo “Kỷ niệm thời hợp tác với Mỹ ở Tân Trào” của Trần Minh Châu, Tạp chí Xưa&Nay số 145, tháng 8/2003.
          3. Trích bài Theo dấu tích nhà báo Hồ Quang của Mai Thanh Hải, Tạp chí Xưa& Nay số 115 (163), tháng 5/2002, tr. 32-33.
          4. Theo bản dịch nhan đề “Nhân vật từ Thế chiến thứ II được vinh danh - Một người bạn thân thiết của Cụ Hồ Chí Minh” của ông Nguyễn Mạnh Quang (Nguồn: The Seattle Post Intelligencer, ngày 10/5/2008 của Tom Paulson- P-I Reporter). 
Người Đất thép
===== 

114 nhận xét:

  1. Báo Xưa và Nay của Dương Trung Quốc cũng có những thông tin hay nhỉ, giúp vun đắp quan hệ Việt Mỹ. Mấy người Mỹ gốc Hoa này là người TQ được Mỹ chiêu mộ lúc ở TQ khi Mỹ Tàu đang ở trong 1 trận tuyến chống Nhật và phe Trục. Hồi ấy không chỉ VN mà nguyên cả khối Việt Nga Tàu đều đứng chung 1 trận tuyến với Mỹ, cho đến khi Mỹ và Tàu Tưởng trở mặt rồi sau đó viện trợ 80% cho Pháp xâm lược VN một lần nữa.

    Hồi ấy không chỉ Bác Hồ mà Mao Trạch Đông hay Stalin đều đứng chung chiến tuyến chống Phát Xít với Mỹ cho đến khi Mỹ phản bội sau Thế chiến 2.

    Cho nên đọc lại lịch sử càng thấy rõ là không có chuyện Cộng Sản đi "chống tư bản" bao giờ. Mục tiêu của người Cộng Sản là để xây dựng xã hội tốt đẹp cho nhân dân và quần chúng lao khổ. Mục tiêu của người CS chưa bao giờ là "chống TBCN" hay "chống CNTB" như bọn phản động hay kêu gào.

    Chỉ có những nước TBCN như Pháp Mỹ và bọn phát xít trước đó luôn tìm cách XÂM LƯỢC những nước CS thì đương nhiên người ta phải chống lại. Chống đây là chống XÂM LƯỢC chứ không phải chống TBCN. Vì vậy chưa bao giờ có cái gọi là "chiến tranh ý thức hệ" ở Việt Nam như các nhà lật sử lâu nay vẫn tuyên truyền láo. Bằng chứng là ngày nay Mỹ vẫn là TBCN và nó hết xâm lược rồi thì ta làm ăn với nó chứ có chống nó nữa đâu. Tất nhiên chống DBHB để đảm bảo an ninh thì vẫn phải chống, nhưng đó không có phải là chống "CNTB" như bọn thần kinh hay nhai lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó xưa và nay LX/Nga, TQ, Ta đều bị bầm dập không ít vì đám này, xâm lược, cấm vận, dbhb, lật đổ, bạo loạn, dàn xếp biểu tình, NGO, đủ trò đủ kiểu, nhưng họ cứ bảo mình "chống" họ. Thế mới đểu! Phe ta thì cứ căng mình chịu trận, bị đến đâu phản kháng đến đó. Đến nay chưa có bất kỳ tài liệu nào cho thấy phe CS đã làm những điều tương tự đối với nước Mỹ, thí dụ như cài cắm biểu tình, lật đổ chế độ, kích động ly khai, mở ra các quỹ tiền để gửi tiền ủng hộ các nhóm chống chính phủ ở Mỹ hay gì đó như thế. "Chống TBCN" của bọn này chỉ là 1 hình thức vừa ăn cướp vừa la làng. Thằng cướp tri hô chỉ chõ nạn nhân "chống" mình. Thực tế chỉ cần nó buông tha mình là mừng lắm phải đi cúng Phật rồi.

      Xóa
    2. Trước đảo bạch long vĩ sau khi lấy lại từ tưởng hồ cẩm đào tặng lại cho VN đó bạn, còn cho chúng ta thuyền để tôn tạo đảo. Điều đó cho thấy bác của chúng ta ngoại giao khéo ntn. Còn nhớ trc Stalin có biết ông Hồ là ông nào đâu. Thế mà Bác bắt Mao Trạch Đông đưa sang Nga để làm thân, xin viên trợ. Công nhận Bác tài thiệt.

      Xóa
    3. Mẽo đang đấu tố Trump ác liệt, ăn tươi nuốt sống cắn xé lẫn nhau .

      Xóa
    4. Nhất trí với bác Hoài Nam. Đúng là ta và Mỹ khác ý thức hệ, 1 bên là ý thức hệ cộng sản và XHCN, 1 bên là ý thức hệ tư sản của CNTB. Nhưng ta chống Mỹ là chống xâm lược, chống họ vì họ xâm lược, vì họ kéo quân vào nước ta xâm lược, đốt phá, dội bom tàn phá, rải chất độc da cam, giết người đốt nhà thảm sát vv. Chống chiến tranh xâm lược chứ không phải là chống một ý thức hệ nào đó, và không phải là chống Mỹ vì họ có ý thức hệ khác, vì họ có ý thức hệ tư bản, vì họ là tư bản chủ nghĩa.
      Như trước đó, ta đánh Tây vì Tây xâm lược, không phải chống vì nước Pháp theo chủ nghĩa tư bản.

      Như ngày xưa hơn nữa, ông cha ta và nghĩa quân và các cụ nhà ta đánh Tây xâm thời nhà Nguyễn là vì tư bản Pháp xâm lược nước Nam biến nước ta thành thuộc địa, biến dân Nam thành nô lệ, chứ không phải vì Pháp là tư bản.

      Xóa
    5. Ngày nay Pháp Mỹ vẫn là tư bẩn, nhưng rõ là ta không chống họ nữa vì họ không xl nữa. Họ không xl nữa thì ta chẳng việc gì phải phản kháng chống họ nữa. Như thế đã rất là rõ ràng thanh thiên bạch nhật rồi. Cuộc chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam của Pháp Mỹ và cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam không phải là những cuộc chiến "ý thức hệ", vì mục tiêu chiến tranh của nó không phải là ý thức hệ.

      Mục tiêu của VN là để đánh đuổi ngoại xâm. Mục tiêu của Pháp Mỹ là để xâm lược VN, nên cả 2 đã cấu kết từ năm 1950 liên hiệp với nhau hòng bóp chết cách mạng Việt Nam và tiêu diệt kháng chiến. Sau khi Pháp thua ĐBP thì Mỹ xé bỏ hiệp định Geneve và tiếp quản toàn bộ cuộc chiến còn lại, chia cắt VN thành 2 miền và độc chiếm miền Nam, tàn sát người kháng chiến, dìm cách mạng miền Nam vào trong biển máu, gây ra cuộc chiến tranh 20 năm làm chết bao nhiêu người Việt Mỹ.

      Như thế, cuộc chiến tranh này theo góc độ nhìn từ phía Pháp Mỹ là có ý nghĩa là cuộc chiến tranh xâm lược. Theo góc độ nhìn của VN thì có ý nghĩa là cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược, gọi là kháng chiến. Ý nghĩa của 2 cuộc chiến đó không phải là "chiến tranh ý thức hệ", hay chiến tranh vì sự khác nhau lý tưởng ý thức hệ hay chiến tranh để nhằm đạt được mục tiêu ý thức hệ.

      Còn 1 trò tuyên truyền nữa là bảo đó là "chiến tranh ủy nhiệm" trong khi trên thực tế Trung - Nga đều không ủng hộ chiến tranh ở miền Nam chỉ đến khi cụ Lê Duẩn quyết tâm thuyết phục Bác và Đảng thì mới tiến hành kháng chiến vũ trang chống càn và đánh Mỹ Diệm. Nên tuyên truyền láo "chiến tranh ủy nhiệm" cũng là láo toét vì làm gì có ủy nhiệm nào trong khi chính Trung Nga đã phản đối chiến tranh từ đầu.

      Còn Mỹ thì nuôi sữa đám ngụy từ đầu chí cuối trong đó có giai đoạn kéo binh hùng tướng mạnh vào đánh đấm với VN chứ không phải chỉ có ủy nhiệm cho có ngụy đánh. Nên gọi là ủy nhiệm từ phía bên này hay phía bên kia đều sai với thực tế.

      Xóa
  2. Bác không chỉ là người cha già của dân tộc mà còn là danh nhân văn hóa thế giới, Người đc cả thế giới tôn trọng. Tôi tự hào là 1 con em dân tộc VN. Tự hào khi nhắc đến 2 chữ VN. Tháp Mười đẹp nhất bông sen. VN đẹp nhất có tên Bác Hồ.

    Trả lờiXóa
  3. 70 năm Nga Việt - Tình hữu nghị vượt qua nhiều thập kỷ

    https://www.vietnamplus.vn/lien-bang-nga-va-viet-nam-tinh-huu-nghi-vuot-qua-nhieu-thap-ky/620489.vnp

    Cái nì gọi là tình yêu vượt thời gian và không gian đấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lắng nghe tâm tư tình cảm của các cựu binh Nga dành cho Việt Nam
      https://www.vietnamplus.vn/lang-nghe-tam-tu-tinh-cam-cua-cac-cuu-binh-nga-danh-cho-viet-nam/620286.vnp

      Xóa
    2. Mềnh thích nhất là phần này của Ngoại trưởng Lavrov viết:

      "Hai nước cam kết chắc chắn về việc hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng và dân chủ hơn dựa trên luật pháp quốc tế, trước hết, là các điều khoản căn bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Việc Việt Nam được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020 là cơ hội để hai nước tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại."

      Xóa
    3. Kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga

      https://www.youtube.com/watch?v=DGzCCrTfsOA

      Xóa
    4. Nói thật nếu sau khi bị đá đít ra khỏi VN năm 1975 anh Mẽo mà hiền lành như Canada, Úc chỉ lo làm ăn kinh tế và cạnh tranh công bằng với thế giới thì dân thế giới đã không ghét cay ghét đắng Mẽo như thế. Đăng này toàn là dùng sức mạnh quân sự bá đạo để chèn ép gây áp lực cho người, gây hấn gây chiến khắp nới, tạo ra mưa bom bão đạn, xuất khẩu "dân chủ", xuất khẩu biểu tình đại loạn, xuất khẩu khủng hoảng kinh tế.

      Xóa
  4. Tin chưa kiểm chứng: Tình hình lây lan tăng tốc khá phức tạp và chưa có dấu hiệu chững lại. Nhiều TP TQ đã đóng cửa như Vũ Hán. VN ta cũng sẽ theo khuyến cáo của cơ quan y tế, giới hạn thị thực và tạm hoãn giao thương giữa tư nhân 2 nước, cửa biên giới vẫn sẽ mở để tiện qua lại công vụ.

    Nông dân, tư nhân 2 bên sẽ mệt, nhất là kinh tế Hoa Nam TQ, nhưng đây là điều cần thiết cho sức khỏe và nhân dân 2 nước.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tình hình đúng là rất là tình hình. Đã khó lường hơn mấy ngày trước, WHO đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC).

      5 hãng máy bay của 5 nước đã tạm ngừng bay tới TQ.

      Bắc Triều Tiên sắp cấm hết công dân nước ngoài, phong tỏa toàn bộ.

      Việt Nam thì khó quyết hơn, nhiều thứ để cân nhắc. Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và có đường biên giới đất liền kéo dài với nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ, theo Cục Xuất Khẩu.

      Xóa
    2. Triều Tiên đối phó dịch hà khắc như vậy cũng có lý của họ. Y tế họ rất kém chỉ cần 1 người nhiễm là xong luôn đấy. Y tế Cuba cũng miễn phí nhưng tiên tiến và giao lưu khắp thế giới, miễn phí kiểu XHCN. Còn y tế TT miễn phí kiểu bố thí, không ai muốn làm nhiều cho mệt, làm cho có rồi thôi, y tế thấp kém lạc hậu và không có nhiều quan hệ quốc tế, cô lập lắm nên sẽ không chống nổi dịch nầy.

      Xóa
    3. Mọi người xem video anh này nhé. Người Việt duy nhất ở Vũ Hán lúc này post video chém gió. Post video cập nhật tình hình Vũ Hán. Chém là thành phố nguy hiểm nhất hành tinh. Thấy nhiều người share.

      https://www.youtube.com/channel/UCNue5H91uybBu5CpX8jLCog/videos

      Xóa
    4. Virus lan ra nhiều tỉnh TQ rồi, Nga đã nghiên cứu xong vacxin do TQ cung cấp và đóng cửa biên giới Viễn Đông luôn rồi. Nghe nói VN sẽ hoãn giao thương qua lại, biên giới chỉ mở cho hoạt động công vụ, chính trị. Còn hoạt động kinh tế sẽ tạm ngưng toàn bộ.

      Xóa
    5. Tình hình thế giới đang căng thẳng như dây đàn. Nguy cơ chiến sự Trung Đông, chiến tranh Iran của Mỹ, Mỹ khởi động hộp Pandora giờ 2 bên cứ trả đũa lẫn nhau trên đất Iraq, thế giới không yên, Iraq co mình chịu trận.

      Đại dịch Corona, đòn đánh sấm sét vào kinh tế TQ và khu vực và toàn cầu. VN cũng dính chưởng. Vụ này có nguy cơ gây thiệt hại hơn cả SARS và các vụ khủng hoảng tài chính thế giới và châu Á trước đây.

      Chiến tranh thương mại Mỹ Trung chưa ngã ngũ, nay TQ gặp nguy thì Mỹ không bỏ đá xuống giếng mới lạ, hiệp 2 đàm phán chấm dứt chiến tranh sẽ không diễn ra suông sẻ cho phía TQ. Năm ngoái chiến tranh thương mại đã có lợi cho VN, nhưng cũng không phải là lợi ích lâu dài. Có khi lại 1 năm mờ nhạt cho kinh tế thế giới. May mà VN đã ký được với EU nên cũng còn đường xoay sở. Nhưng có những hàng xuất khẩu sang Trung mà không xuất đâu khác được nhất là những nước ngoài xa bên kia bờ biển.

      Libi, Syria khói súng mịt mờ, nơi nào có dấu chân dân chủ của Mỹ kéo đến là nơi đó chả thấy dân chủ mẹ gì mà toàn thấy chiến tranh.

      Sẽ là 1 năm đầy phức tạp cho xứ Việt ta, đường đường là chủ tịch của HĐBA Liên Hiệp Quốc.

      May mà tiểu đệ đã đi tu hành nên những chuyện này đều gác lại ngoài cổng chùa. A di đà Phật.

      Xóa
    6. Tiểu hòa thượnglúc 09:52 31 tháng 1, 2020

      Àh quên còn loạn Hồng Kông nữa, nửa năm rồi và vẫn tiếp diễn. Giờ có thêm loạn Carona + loạn "luật dẫn độ", dù luật đã bị gác lại từ 18 đời trước, không biết nay mai HK sẽ thành cái giống gì.

      Ở xứ ta thì có những người làm người lương thiện không muốn, thích đú, thích đua đòi đú đởn, thích làm gái LX muốn "đứng đường" cùng "Hồng Kông". Tiếu lâm là những người mà họ gọi là "Hồng Kông" kia lại đập phá cho Hồng Kông te tua tơi tả be bét không ra gì.

      Gõ mõ tụng kinh như bần tăng mới là chánh đạo.

      Xóa
    7. Bs ăn mặc trang bị tận răng trông phát khiếp như phim chiến tranh sinh học. Cơ mà ai được lợi nhất trong vụ corona virus này nhỉ.

      Xóa
    8. Lợi nhất thì tớ chưa biết nhưng ít hại nhất thì tớ biết đấy. Chính là cái thằng ở cách xa TQ nhất, ít khả năng lây nhiễm nhất và ít ảnh hưởng kinh tế nhất vì thương chiến nó cấm mịa cty của nó sang TQ hợp tác làm ăn rồi. Cũng chính là cái thằng mà TQ nó sợ quá đến nỗi ngăn lại đoàn "y tế" của xứ sở dân chủ đến xứ mình "giúp đỡ" dân mình.
      Thế gian có những chuyện trùng hợp lạ kỳ như kịch bản hoàn hảo trong phim hollywood. 1 năm rách việc.

      Xóa
    9. Các bạn ơi về chuyện biên giới cửa khẩu nên theo dõi báo chí uy tín chính thống nhé. Không nên tin nhiều vào thông tin trên FB dù nó nghe có vẻ hợp lý đến đâu hoặc tài khoản đó tự nhận là họ là bên trong CP hay gì. Nhiều vụ ngay trong CP cũng có những tranh luận và quan điểm khác nhau chưa có thống nhất.

      Thế nào là báo chí uy tín? Theo ý kiến tôi thì báo chí uy tín là những báo Đảng Trung Ương, ví dụ báo điện tử ĐCSVN, báo Nhân Dân, TTXVN, VOV.

      Những tờ báo khác không phải là báo Đảng như nhiều người nhầm lẫn, mà nó chỉ là những cơ quan ngôn luận nhân danh cơ quan chức năng, bộ phận cửa công, bộ ban ngành nào đó. Ví dụ như báo Tuổi Trẻ có thể xem là báo Đoàn ở cơ sở, không phải là báo Đảng như nhiều người đã nhầm lẫn. Không phải cứ báo nào đuôi .vn là báo Đảng.

      Báo chí VN hoạt động và vận hành trên nguyên tắc "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ", nhưng vấn đề lãnh đạo và quản lý ra sao thì tùy người này người kia nữa. Những tờ báo uy tín là những tờ báo mà trước này không có nhiều ồn ào hay điều tiếng. Chứng tỏ chi bộ Đảng ở những nơi này mạnh, trung kiên, có tính chiến đấu cao, và có những vị TBT, TTK tốt, không để các biểu hiện dân túy chui lọt lây lan.

      Về chuyện biên giới cửa khẩu update mới nhất xin đọc ở bài này:

      https://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/trung-quoc-dung-buon-ban-vung-bien-bo-cong-thuong-noi-gi-3396073/

      Xóa
    10. Tôi đọc báo Nông Nghiệp không biết tả cảm nghĩ ra sao nữa. Tôi tự đặt mình vào vị trí của người nông dân. Vụ virút này là thảm họa của TQ mà cũng là của VN mình. Nhưng vụ này cũng làm tôi đọc về TQ nhiều hơn và quan hệ giữa người dân 2 bên nhiều hơn, trước đây tôi rất ít đọc về TQ, tôi không biết 2 nước có nhiều người ở bên nước nhau như vậy.

      Đôi khi hòa bình và ổn định kinh tế thì rất quý nhưng cũng thật mong manh. Nhiều lúc đối mặt với nguy cơ thật sự thì mới thấy trân quý. Nhiều thanh niên choai choai chỉ biết hô hoán, biểu tình, vỗ ngực không ngán chiến tranh. Họ cũng như các chú Vệ binh đỏ Hồng Kông, chống phá thì hăng nhưng hỏi họ giải pháp thay thế thì họ không làm được.

      Xóa
    11. Những kẻ tự tay đốt phá nơi ở của cộng đồng mình rồi nhân danh "yêu nước", nhân danh những điều tốt, nhân danh đủ thứ, rốt cuộc họ yêu nước hay phản quốc? Phá nước là yêu nước hay phản bội đất nước? Tôi thì tôi nghĩ đã phá hoại đất nước quê hương của mình thì không thể là yêu nước đâu. Điều này đúng cho cả VN và Hồng kông.

      Còn vê những giả thiết nghi vấn hay thuyết âm mưu về bàn tay Mỹ hay ai đứng sau vụ này thì tôi nghĩ dù không nói ra nhưng bên TQ họ cũng ít nhiều có những nghi ngờ nào đó. Bởi vì họ đã gạt Mỹ sang một bên và giao các số liệu thông tin cho phía Nga.

      Tôi nghĩ họ như kẻ chết đuối tìm vớ cọc thì điều khôn ngoan nhất là tranh thủ hết mọi sự giúp đỡ có thể. Nên việc này không phải là sự tự ái ngu ngốc đâu, mà là họ nghi ngờ bản chất trợ giúp và động cơ của phía Mỹ khi muốn đến TQ lúc dầu sôi lửa bỏng này.

      Nếu tôi là người TQ thì tôi cũng sẽ không khỏi suy nghĩ lung tung được. Bởi vì đã có tiền lệ trong lịch sử rồi và mưu kế tạo dịch bệnh ở một nước hay một vùng nào đó đã có từ thời Chiến Quốc. Đỉnh cao của nó là trong lúc người Âu đem dịch từ Châu Âu sang lây bệnh chết hàng triệu người Châu Mỹ bản địa gây ra 1 trong những cuộc diệt chủng lớn nhất trong lịch sử. Đây thật tế không phải là 1 mưu kế gì mới mẻ trong số những mưu kế thường thấy cổ xưa mà các thế lực hay dùng để chống nhau.

      Xóa
    12. Thời bộ lạc chỉ cần quăng 1 cái xác bị bệnh vào bộ lạc kia là thành đại dịch rồi. "Văn minh" hơn chút thì đầu độc nguồn nước. Nhưng đấy là thời kỳ y học lạc hậu và kháng sinh đề kháng kém. Ngày nay trị nhanh được nên khó dùng lại loại mưu kế này. Nếu dễ dùng như vậy thì thực dân đế quốc đã làm từ lâu rồi chứ đưa quân vào làm chi.

      Xóa
    13. Ôi cả ngày âm mưu quỷ kế, thời xưa "xuất khẩu" bệnh dịch được vì thôn xã, khu vực địa phương bị cô lập và thông tin rất chậm không cứu nhau được. Cả khu vực bị bệnh thì triều đình vài tháng sau mới biết rồi gửi người cứu thì xong rồi. Giờ là thời buổi thông tin tốc độ ánh sáng, TW giúp, ĐP giúp nhau rất dễ dàng.

      Xóa
  5. Việc hỗ trợ trang bị và huấn luyện chiến đấu cho một lực lượng trên dưới 100 người địa phương trong vùng núi Việt Bắc không giữ vai trò đáng kể về mặt quân sự trong việc kết thúc chiến tranh với Nhật ở Đông Dương. Người Mỹ biết rõ điều đó. Bác Hồ cũng biết rõ điều đó. Điều quan trọng hơn của những mối quan hệ với lực lượng Mỹ mà Bác Hồ chủ trương chính là tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này.

    Những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đưa cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam đồng hành cùng cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít đã gắn kết những giá trị dân tộc với những giá trị nhân loại. Kết quả của những hoạt động đó là những đóng góp thiết thực của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung chống phát xít của nhân dân thế giới. Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Việt Nam là dân tộc đầu tiên tự giải phóng được mình trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc nhược tiểu thuộc địa, bị áp bức. Thắng lợi của cuộc cách mạng ở Việt Nam cũng mở ra một tương lai, gây một niềm tin, động viên, tiếp sức cho các dân tộc còn đang bị áp bức đấu tranh giành độc lập cho mình.

    Ngô Vương Anh
    https://thanhnien.vn/van-hoa/67-nam-cach-mang-thang-8-ky-4-6-khau-sung-ngan-tuong-my-tang-bac-ho-57735.html

    Trả lờiXóa
  6. Nguyễn Đức Kiênlúc 14:51 31 tháng 1, 2020

    Sau ý kiến này, Tôi đề nghị các bạn chủ nhà xóa hết các nhận xét LẠC ĐỀ tại bài này.
    Những ý kiến đã lỡ đăng thì giữ lại cũng được.
    Nhưng những ý kiến mới về dịch Corona thì xóa hết.
    Tôi đồng tình với ý kiến bạn Thông12:06 31 tháng 1, 2020 trên kia, rằng

    "Các bạn ơi về chuyện biên giới cửa khẩu nên theo dõi báo chí uy tín chính thống nhé. Không nên tin nhiều vào thông tin trên FB dù nó nghe có vẻ hợp lý đến đâu hoặc tài khoản đó tự nhận là họ là bên trong CP hay gì. "

    Nếu muốn cập nhật tình hình mới về dịch Corona, xin hãy tìm báo chính thống mà đọc. Đừng có comment linh tinh, phao tin đồn nhảm làm náo loạn xã hội.

    Trả lờiXóa
  7. Nguyễn Đức Kiênlúc 14:59 31 tháng 1, 2020

    Cụ Thép hình như chưa đọc bài này của mình nhỉ?
    Cụ tuy già nhưng vẫn tinh tường và có nhiều tư liệu quý.
    Cảm ơn cụ Thép về bài này!

    Trả lờiXóa
  8. Chào bạn Nguyễn Đức Kiên

    Tôi có đọc rồi từ sáng nay nhưng không viết còm vì bận làm hai việc.
    1. Đang nghiên cứu tư liệu của anh Hồ Quang Chính tặng cho tôi về sự kiện Bác Hồ gặp chị và anh ruộc tại Bắc Bộ phủ năm 1946, và dự thảo bài viết về vấn đề này.
    Tôi thật sự say mê những tài liệu về Bác Hồ khi tài liệu ấy mình chưa đọc, chưa biết. Tài liệu anh Chính tặng tôi có nhiều chi tiết phản bác tư liệu của nhà văn Sơn Tùng (người được nhiều độc giả ca ngợi là nhà Hồ Chí Minh học). Tài liệu này cho thấy Sơn Tùng "bịa" nhiều chỗ quá...
    2. Tôi có tham gia cuộc thi viết của báo Dân Việt online phát động trong dịp Tết: "Ký ức Tết trong tôi". Tôi được báo chọn đăng 2 bài, nhưng không được giải, chỉ sẽ nhận nhuận bút thôi. Viết là việc làm bình thường đối với tôi, có giải thưởng hay không không đặt nặng vấn đề. Phải đọc bài được giải để học tập và cũng góp ý cho báo chi tiết trong bài thấy chưa đúng. Như bài "Tết trâu", bài này được giải nhất, tôi nói với tòa báo, các bạn đã xem xét, so sánh cân nhắc "bó đũa chọn cột cờ" thì chắc là chính xác, song theo tôi có 2 điểm không thể bỏ qua.
    1. Ngay mấy câu đầu bài, các bạn đọc kỹ sẽ thấy ...
    2. Tác giả nói ông nội đưa trâu đi kéo...khắp cả Nam Kỳ lục tỉnh...Điều này tôi dù đã 80 tuổi đời, sống gần người nông dân nhưng không thể hiểu, tôi vẫn biết tác giả kể ông nội sống "rày đây, mai đó", nhưng bảo đưa trâu đi cả Nam Kỳ lục tỉnh là từ An Giang đi khắp các tỉnh miền Tây sông nước rồi lên hết các tỉnh miền Đông đất đỏ (Tây Ninh, Thủ Dầu Một - Bình Dương, Đồng Nai - Biên Hòa...) thì tôi không hình dung nổi. Nếu con ngựa "đi" như vậy thì tôi không nghi ngờ, còn trâu thì khó. Nếu tác giả viết đưa trâu đi kéo.... mấy tỉnh thì tôi đồng tình. Bài viết thể loại tự sự, kể chuyện không được hư cấu đưa vấn đề xa sự thật quá mức không mang chất THẬT thì người đọc sẽ khó đồng tình. Là góp ý cho vui thế thôi chứ mình là người ngoài...

    Status này nếu gửi còm cũng phải nói thêm điều gì về Bác Hồ bạn đọc "nghe" cho được thì mới "xứng", khi chưa có nội dung như vậy thì chưa thể tham gia đưa còm lên đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy người như ông Sơn Tùng hay Hoàng Chí Bảo thì sưu tầm mẫu chuyện dân gian địa phương rồi kể lại, nói "bịa" thì hơi quá. Ông Sơn Tùng cũng chưa ai gọi là nhà Hồ Chí Minh học cả vì đơn giản thời của cụ ấy lúc đó chưa có ngành học này ở trong nước, các đại học nước ngoài cũng chưa có môn học này.

      Xóa
    2. @ Nặc danh 21:02 31 tháng 1 năm 2020

      Lúc chưa đọc tài liệu, tôi cũng không tin ông Sơn Tùng "bịa" chuyện. Khi đọc xong, tôi tin anh Hồ Quang Chính phản biện và nói ông Sơn Tùng "bịa" là đúng. Ngày mồng Bốn vừa rồi, tôi về Sài Gòn họp mặt đầu xuân tranh thủ gặp anh Hồ Quang Chính, anh ấy tiếp tục cung cấp cho tôi tìm tư liệu cũ thời trước 30-4-1975, còn lưu trữ ở Thư viện tổng hợp của Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đang nhờ Thư viện tra tìm chụp lại xem thế nào?
      Trước nay tôi tin nhà văn Sơn Tùng và có dùng tư liệu của ông ấy, nhưng khi anh Chính tặng tư liệu phản bác Sơn Tùng, tôi thấy không thể hiểu nổi. Ông Sơn Tùng viết cuốn Búp sen xanh, chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng có Lời giới thiệu khi tái bản, ủng hộ. Nhưng bây giờ anh Chính nói Búp sen xanh cũng có chỗ bịa. Còn cuốn sách "Mẹ về" có hơn 20 trang kể chuyện Bác Hồ gặp chị và anh ruột có 8 điểm sai, bịa do anh Hồ Quang Chính nêu trong bài: GÀ HÓA VỊT, KHÔNG THÀNH CÓ, TỪ SỰ THẬT...đọc bài này dễ nhận biết ngay bạn ạ!
      Ông Sơn Tùng được phong Anh hùng lao động là từ các "công trình" viết về Bác Hồ. Cuốn búp sen xanh có trên mạng, mấy chục trang nói về Bác Hồ gặp chị ruột, anh Hồ Quang Chính có chụp lại đưa cho tôi để đối chiếu những chỗ anh ấy phản biện. Tôi có cuốn Trái tim quả đất của Sơn Tùng viết về lần Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới năm 1950. Tư liệu này không bị phản bác. Báo sơ bộ với bạn nặc danh 21:02 31 tháng 1, 2020.

      Xóa
    3. Búp sen xanh và những cuốn sách của ông Sơn Tùng không phải là sách sử nên khó mà đòi chính xác tuyệt đối 100% được. Và đây là những công trình đã được Nhà nước tái bản nhiều lần chứ đâu phải xb 1 lần rồi thôi. Được cụ Phạm Văn Đồng giới thiệu và được phong AHLĐ vì những đóng góp này. Giờ bác và ông Hồ quang Chính mà nói thật tôi đọc nhiều nhưng chưa biết là ai, nhiều người chắc cũng chưa biết là ai mà làm như là muốn "lật lại vụ án" có vẻ nghiêm trọng thì người ta biết tin ai. Cùng lắm có thể đính chính về chị của cụ Hồ Chí Minh thôi còn những cái khác thấy như là tiểu tiết, theo tôi.

      Những cuốn sách về thời tuổi thơ của cụ Hồ là nhờ ông Sơn Tùng rất nhiều vì xưa nay chưa ai có. Nhờ vậy người ta biết được từ đâu nguồn gốc sâu xa của người vĩ nhân này đã lớn lên trưởng thành như nào, sống trong môi trường gia cảnh như nào. Đây là những công trình rất vĩ đại. Nhiều thiếu nhi, thiếu niên đã say mê đọc và sách này gắn liền với tuổi thơ của bao nhiêu người.

      Xóa
    4. BSX là 1 TIỂU THUYẾT hay có thể gọi là truyện ký. Ngay cả SÁCH SỬ cũng không không chắc 100% chuẩn hết được. Tôi đọc rồi từ đầu chí cuối thấy chả thấy vấn đề gì cả hay có gì phản cảm cả.

      Nó "có thể" sai về một hai sự kiện thông tin, nhưng nó không có nội dung nào có tính chất "lật lại" bản chất hay ý nghĩa của lịch sử VN hay tiểu sử Bác Hồ, hay ý nghĩa về sự vĩ đại của Người.

      Ngay cả bác bảo người ta là sai thì người ta bảo không sai thì cũng ông nói qua bà nói lại mà thôi. Nhà văn Sơn Tùng hình như còn sống thì cũng già yếu lắm rồi. Giờ chẳng lẽ kéo nhau xuống Nghệ An tìm lại từng người để đối chất ư.

      Xóa
    5. Đúng như bạn nói, tôi cũng thận trọng như vậy.
      Trong 8 điểm anh Hồ Quang Chính và ông Nguyễn Sinh Thọ phản bác cuốn sách "Mẹ về" của ông Sơn Tùng đều có nêu vấn đề cụ thể. Về sau anh Chính vào thăm Bác Hồ 4 lần nữa. Anh Chính nêu các điều ông Sơn Tùng viết "bịa" là dễ nhận ra. Anh Chính cung cấp bài cho báo Nhân Dân viết đăng từ năm 1984, còn cuốn "Mẹ về" xuất bản 1990, đã có tư liệu của anh Chính, không biết vì sao ông Sơn Tùng vẫn "bịa" như thế? Đó là ý anh Chính. Tôi dẫn một trường hợp anh Chính nêu đầu tiên này: Bà Thanh không ra chợ mua vịt mà bắt hai con gà bà nuội đem ra Hà Nội tặng Bác Hồ. Anh Chính và ông Nguyễn Sinh Thọ là người mang gà cầm chai tương vào thăm Bác với bà Thanh. Vậy mà ông Sơn Tùng viết là bà Thanh ra chợ mua 2 con vịt đem ra Hà Nội cho Bác Hồ. Anh Chính còn nói rõ: Ở Nghệ Tĩnh có phong tục không ai đem vịt tặng người mình quý mến cả. Tôi tự hỏi ông Sơn Tùng cũng người Nghệ Tĩnh thì chắc biết phong tục không tặng vit cho người mình quý mến chứ? Tại sao ông lại viết như thế? Người cháu bà Thanh khi đọc hết những điềi ông Sơn Tùng viết buộc miệng nói thẳng, có khi ông Sơn Tùng chưa gặp Bà Thanh bao giờ.
      Tôi đang tìm hiểu, nghiên cứu kỹ mới có bài viết về vấn đề này, phải khách quan, không thiên lệch về phía anh Chính hay ông Sơn Tùng. Tôi nhất trí với bạn cách thể hiện bài viết với ý đính chính chứ không bài xích ông Sơn Tùng. Điều này tôi cũng đã bàn với anh Chính và sẽ trao đổi với Tổng biên tập tờ báo đăng bài nội dung này.

      Xóa
    6. Búp sen xanh là tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, không phải SGK hay khoa giáo.

      Xóa
    7. Nhờ cụ Sơn Tùng mà mọi người cảm nhận sâu sắc được con đường lớn lên của Cụ Hồ và nhờ trưởng thành trong 1 môi trường gia giáo ntn. Người được giáo dục tốt từ gia đình từ bé.

      Lịch sử cũng có dăm ba loại, lịch sử hàn lâm, lịch sử giáo khoa, lịch sử truyền khẩu hay còn gọi là dã sử. Trong quá khứ tất cả các anh hùng nghĩa sĩ của dân tộc đều có lịch sử truyền miệng dân gian và dã sử, được hư cầu thêm thắt phần nào để tôn vinh sự vĩ đại của vị anh hùng.

      Các tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng chứ đâu phải là "nhà sử học Sơn Tùng". Chẳng lẽ Viện Khoa Học Lịch Sử và các hội sử chưa đọc qua thấy sai mà không lên tiếng. Chẳng qua họ phân biệt được đâu là dã sử truyền khẩu đâu là lịch sử giáo khoa, lịch sử chính trị, chính sử hàn lâm.

      Miễn sao nó không "lật ngược" làm thay đổi bản chất lịch sử thì tôi thấy chả có gì phải xoắn. Nếu có những sai sót thì cũng chấp nhận được.

      Xóa
    8. Tôi cũng nghĩ nếu sách ông Tùng có vấn đề thì từ lâu các viện sử đã lên tiếng rồi. Ông Tùng cũng nhận mình là nhà văn và các sách của ông ấy là tiểu thuyết văn học chứ chưa bao giờ nhận đó là tài liệu sử học chính thống hay hồi ký liên quan đến lịch sử, hay nhận mình là sử gia.

      Xóa
    9. Tiểu thuyết là một tác phẩm nghệ thuật giống như phim đấy. Xem một bộ phim mà đòi hỏi chuẩn 100% thì thành phim tài liệu rồi.

      Xóa
  9. Ái chà chà, chữ "anh ruột" lại gõ thành "anh ruộc" mà không nhìn thấy!

    Trả lờiXóa
  10. Bạn Đức Kiên,
    Mình vừa đọc Email trả lời của báo Dân Việt. Họ cảm ơn, nói rút kinh nghiệm cho lần sau.

    Trả lờiXóa
  11. Trần Thị Thuậnlúc 21:17 31 tháng 1, 2020

    Hôm nọ, có ai đó viết trên Google.tienlang rằng "Thôi cụ Thép ơi, 80 rồi, nghỉ đi! Cụ viết có ai thèm đọc đâu?"
    Tôi rất bực mình khi đọc dòng đó nhưng chả thèm phản hồi.

    Hôm nay đọc bài này của cụ Thép ta mới thấy chi tiết những hoạt động của Bác Hồ kính yêu trong mối quan hệ với người Mỹ. Những người Mỹ đã tiếp xúc với Bác Hồ đều yêu quý Bác.
    Tiếc rằng sau Cách mạng tháng Tám, giới cầm quyền ở Mỹ phũ phàng phản bội Bác Hồ, đế quốc Mỹ đã hỗ trợ Pháp xâm chiếm nước ta lần 2, buộc Việt Nam phải làm cuộc Kháng chiến 9 năm chống Pháp.
    Gọi là chống Pháp nhưng thực tế ngay thời điểm đó VN đã phải chống Mỹ bởi sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nước Pháp đã kiệt quệ. Nếu không có Mỹ chống lưng với 80- 90% chiến phí thì Pháp không thể duy trì ách đô hộ VN suốt 9 năm, đến tận 1954 như vậy.

    Sự thật lịch sử là thế.
    Ngày nay có quá nhiều kẻ u mê hoặc cố tình lật sử.

    Vậy nên rất cần những bài viết như bài này của cụ Thép!
    Cảm ơn cụ Thép.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói rất đúng, nếu không hiểu tường tận thì rất dễ nhận thức sai lệch vấn đề

      Xóa
  12. Trần Thị Thuậnlúc 21:21 31 tháng 1, 2020

    Đọc bài này xong, tôi phê bình các bạn chủ trang quên mục "Những bài liên quan".
    Trong khi đó, tôi rất ấn tượng với bài liên quan này:
    ====
    KÍNH TRỌNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH LÀ TẬP QUÁN VĂN HÓA

    Có những người gốc Việt tại Mỹ hiểu biết rất sai lệch về tình cảm nhân dân Việt Nam dành cho Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

    Người Việt Nam gọi Hồ Chủ Tịch là "Bác". Trong cách xưng hô phổ biến "bác" là một người thân trong gia đình, họ hàng có vai vế là anh của cha/ mẹ. Những người ngang tuổi nhau thì có lối xưng hô bác bác - em em, "bác" ở đây là người lớn hơn. Người Việt Nam gọi chủ tịch Hồ Chí Minh là "Bác" (khi viết thì viết chữ B hoa) là vì họ yêu mến kính trọng Bác Hồ. Bác Hồ chưa bao giờ xưng "bác" với nhân dân cả. Trong cương vị chủ tịch, các văn kiện Bác viết cho đồng bào, bác dùng chữ "Tôi".
    Nhân dân Việt Nam kính trọng Bác Hồ vì Bác dành cả cuộc đời đấu tranh cho Độc Lập Tự Do cho Việt Nam. Bác Hồ là một vị anh hùng giải phóng dân tộc , một nhà ái quốc vĩ đại.
    Người Việt Nam kính trọng Bác Hồ là do họ muốn thế chứ không phải bị ép buộc. Bạn có thể treo hình Bác Hồ trong nhà bạn nếu muốn, không ai ép bạn cả. Trong thời chiến người dân Trà Vinh đã xây nhà tưởng niệm Bác Hồ trong tầm pháo của địch, ngôi đền bị bắn phá, đốt sạch nhiều lần,đến hôm nay vẫn sừng sững uy nghiêm.
    Đến nay, đã 47 năm sau khi Bác Hồ mất, tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam với Bác vẫn như xưa. Kính trọng Bác Hồ đã trở thành một tập quán văn hóa. Ở Việt Nam không ai dám phỉ báng chủ tịch Hồ Chí Minh nơi đông người, không phải sợ công an bắt bớ mà vì đó là một hành vi phản cảm, vô văn hóa. Công An làm sao giám sát hết các nơi công cộng quán xá, lề đường, công viên ...? Khi một người buông lời phỉ báng chủ tịch Hồ Chí Minh, người đó sẽ nhận được thái độ khó chịu của người xung quanh hoặc các phản ứng mạnh hơn. Bạn có thể chửi rủa Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng ngủ nhà bạn nhưng không thể làm điều đó nơi công cộng vì bạn sẽ được xem là vô văn hóa.
    Những nhà chống Cộng có tư tưởng "phải đánh đổ hình ảnh Hồ Chí Minh" nên biết rằng mình đang thực hiện hành vi vô văn hóa.
    Luong Tran
    http://googletienlang2014.blogspot.com/2018/05/kinh-trong-chu-tich-ho-chi-minh-la-tap.html

    Trả lờiXóa
  13. Bác của chúng ta thì ai cũng yêu quý. Còn Mẽo thì tôi không ưa được nếu cập nhật tình hình thời sự thế giới chưa nói đến những trò nó đang rình mò làm với VN. Mẽo gốc Hoa mẽo gốc Phi hay Mẽo góc Mẽo hay Mẽo gốc ba que thì cũng đều là Mẽo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vơ đũa cả nắmlúc 23:04 31 tháng 1, 2020

      Mỹ đâu fải ai cũng xấu. Tùy người thôi,ở đâu chả có ng này ng kia, ng xấu ng tốt. Thời kháng chiến cũng nhìu người Mỹ giúp VN chống ĐQ Mỹ đấy thôi.

      Xóa
    2. Ngày ngày nghe cuồng Mỹ lai căng và 3 que chém gió, nịnh bợ theo đuôi và chưởi bới trên lều báo và mxh mà "ưa" Mỹ mới là lạ đấy. Muốn dân VN có thiện cảm với Mỹ và hòa hợp hòa giải thì trước hết dẹp cm nó lá cờ 3Q đi rồi nói tiếp.

      Xóa
    3. Đoàn Văn Hoànglúc 02:16 1 tháng 2, 2020

      Tôi thấy nhiều người thì ghét Mỹ, người ghét Trung, người thì ghét Nga, người thì ghét Tây người thì ghét Tầu, người thì ghét cả Ta, ghét "Bắc Kỳ" hay "Nam Kỳ lựu đạn" hay "người Nẩu", người Trung, phân biệt kỳ thị vùng miền và ghét chính đồng bào mình, chớ đừng nói là đồng văn đồng chủng hay đồng loại. Ngay cả trong nhà anh chị em nhiều khi chỉ vì vài dăm miếng đất bố mẹ để lại mà vác dao chém giết nhau.

      Bao giờ mà sự "ghét" còn lấn át tình "yêu thương" thì thế giới sẽ không có hòa bình và càng không có CNXH đâu. Tôi thích thế giới hòa bình.

      Tại sao không mở lòng yt mà nhìn nhận khía cạnh tích cực, mặt phải của người khác. Nhiều người chửi Mỹ như hát hay nhưng chưa bao giờ đặt chân đến nước Mỹ 1 lần để "tận mục sở thị", tận mắt chứng kiến, nhưng mà phán cứ như là đúng rồi không bằng. Tôi nói thật với các bạn nước Mỹ họ từ 1 thuộc địa Anh trở nên "vĩ đại" và hùng mạnh giàu có bá chủ như thế này không phải nhờ ăn may. Cá lớn nuốt cá bé là quy luật tự nhiên, đừng trách họ chơi bẩn hay giở thủ đoạn tiểu xảo này kia mà hãy trách vì sao nước non mình chưa lớn mạnh hơn được họ. Cũng vậy, đừng trách vì sao Mỹ cứ cấm vận "bắt nạt" Nga Tàu hay ai đó mà hãy trách vì sao Nga Tàu không lớn mạnh hơn Mỹ để bắt nạt lại Mỹ. Mỹ là 1 dân tộc, 1 đất nước mà làm gì cũng chuẩn từng centimét và chuyên nghiệp, khoa học, nghiêm túc, cầu thị, chịu khó học hỏi kể cả học hỏi từ kẻ thù, nên họ mới được như ngày nay và bá chủ thế giới mấy trăm năm qua.

      Xóa
    4. Đoàn Văn Hoànglúc 02:24 1 tháng 2, 2020

      Mỗi khi tôi nói những ý này thì đếu bị ném đá nào là "cuồng Mỹ,"thờ Tây", "tự nhục", "phản động à", "phản cuốc ah", "bán nước", "bồi Tây me Mỹ", "con lai àh". Dân trí thế này thì đến tết Sao Hỏa cũng chưa bằng được người ta đâu.

      Xóa
    5. Tâm lý bài ngoại đấy. Buồn cười khi nghe "thích Mẽo quá sao không sang bển sống đê", hay "thích X quá sao không sang bên ấy sống đi"? Mình chỉ vào nói về những chuyện Mỹ tốt hơn VN thôi thế là lập tức cả đám tự ái xông vào đấu tố "đu càng", "ducanger", "cờ vàng", "dân chủ", "rận trủ", "phản động". Ôi đất nước tôi! Đây này là tự tôn sô-vanh chứ đâu phải là "tự hào dân tộc".

      Xóa
    6. Cực đoan ở mỗi hướng thôi, xã hội nào cũng có, than vãn ích gì đâu. Học hành lao động làm việc tốt và đóng góp cho xh là yêu nước nhất rồi. VN chúng ta là cư xử với nhau tốt rồi nếu tính theo tỷ lệ. Biểu hiện cực đoan chủ yếu diễn ra trên thế giới ảo. Với lại tôi thấy các bạn hơi cường điệu hóa và vơ đũa cả nắm.

      Nhiều người không thích Mỹ không phải vì "CS nhồi sọ dưới trường lớp XHCN" như ba que hay chém mà vì những cái rất đời thường, như mấy ông Việt kiều chẳng hạn, mấy ông VK nước khác về chơi thì thường rất hiền lành khiêm tốn, VK Pháp cũng thế. Chỉ có đặc biệt VK Mỹ là hay có những ông về chửi bới chê bai linh tinh, cái này không được, cái kia không hay, cái nọ không bằng Mỹ, còn lâu lắm mới bằng Mỹ. Có câu "con không chê mẹ khó, chó không chê chủ nghèo".

      Với lại bạn làm sao biết những người chê Mỹ là chưa từng sống ở Mỹ? Tôi cũng không đồng ý câu "Cá lớn nuốt bé là qui luật tự nhiên". Nó là quy luật dã thú thôi và con người càng văn minh, càng nhân văn hơn, càng bình đẳng hơn thì qui luật này càng yếu đi theo thời gian. Ngày nay nó là qui luật của CNTB thì vì đó nên lãnh đạo người ta mới quyết tâm xây CNXH để áp chế được tệ trạng Cá lớn nuốt cá bé, để mọi người có thể chung sống hòa bình và công bằng với nhau.

      Còn cảm tính yêu ghét và thái độ đối với nước nào thì còn phụ thuộc vào cảm tình, gốc gác gia đình, ăn học ở đâu, và lợi ích nữa. Ví dụ như bà con nông dân xuất khẩu sang TQ mà đòi họ ghét TQ thì không thực tế. Ví dụ như ở SG của tôi có rất nhiều gia đình tôi biết quanh năm không lao động gì ra hồn, hay nghề ngỗng công ăn việc làm gì ổn định, chủ yếu sống nhờ vào tiền gửi về từ người nhà bên Mỹ. Những người này thì ôi thôi mở miệng ra là Mỹ là thánh, Mỹ là tiên là Phật, Mỹ là thiên đường, là bến bờ tự do.

      Nhiều người sống phè phỡn nhờ tiền USD gửi về và vật giá rẻ ở VN nhưng vẫn không an phận mà cứ muốn được đi sang Mỹ định cư cho thành Việt kiều Mỹ, công dân Mỹ cho "sang" mới chịu cơ. Sau khi sang Mỹ rồi thì đâu còn ai gửi tiền về nuôi nữa, thế là phải lao động quần quật, làm nail cả ngày để trả bill đòi tiền, vỡ mộng thì đã quá trễ rồi.

      Xóa
    7. Nhiều người tưởng sang Mỹ khỏi làm cũng có ăn, ăn sung mặc sướng hoặc chất lượng sống sẽ hơn VN rất nhiều. Nhiều người sang rồi hối hận không kịp. Thu nhập cao thì vật giá cũng cao. Thử hỏi những năm gần đây V-biz còn ai sang Mỹ nữa không hay toàn là từ Mỹ về?

      Với dân V-biz thì giàu có mọi người có xem nhà Xuân Bắc vừa rồi không, biệt thự của Xuân Bắc khác gì triệu phú Mỹ hay Nga đâu. Dân showbiz mà muốn sang Mỹ thì có thiếu gì cách, có rất nhiều dịch vụ môi giới hôn nhân, du học rồi ở lại. Tiền họ không thiếu. Chẳng qua sau khi sang Mỹ du lịch họ thấy chán quá nên về.

      Nhưng tôi cũng đồng ý với bác Đoàn văn Hoàng là Mỹ không ăn may, mà là ăn cướp. :)

      Xóa
    8. Tôi đang học ở California và nói thật nếu học xong cũng chưa có ý định về nước, tôi thích Mỹ vì đây là 1 xứ sở tiện nghi, tân tiến, qui củ, nhà nghề, tác phong chuyên nghiệp, và tính chất hợp chủng quốc của nó, tính vừa phải của nó, nó không quá quý phái như Tây Âu cũng không quá thô thiển như Nam Mỹ Latinh. Văn hóa sòng phẳng chia đôi của nó thì tùy người mỗi ý.

      Nhưng tôi cực ghét bọn cuồng Mỹ. Bọn cuồng Mỹ có 2 loại, 1 loại là ba que ở Mỹ, chiếm khoảng 20-30% cộng đồng người Việt. 1 loại là không liên quan đến ba que ở VN, có thể là người nhà của ba que, chiếm khoảng 5-15% trong nước.

      Thế tại sao khinh họ ghét họ? Vì họ hầu như là hội đủ tất cả mọi tính xấu, tiêu chuẩn kép, đầu óc não trạng tràn đầy hận thù ám ảnh với người Cộng sản, người cách mạng giải phóng dân tộc. Chê bai đất nước, chê bai Việt Trung Nga và vui mừng trước những tiêu cực, còn tích cực thì tìm cách dìm hàng, hoặc nói không bằng Mỹ. Họ yêu sách phải lật sử, phải có "tự do dân chủ" đa đảng đa nguyên, đặt ngang họ với người giải phóng thì mới chịu hòa hợp, họ chửi bới trong nước coi phim TQ, chơi game online TQ, nhưng thư viện nơi họ sống (library khu vực Vietnamese) thì toàn là phim TQ, Chân Hoàn Truyện, Tam Sinh Tam Thế, Diên Hi Công Lược, nhưng họ vẫn chửi người dân trong nước là chỉ biết coi phim Tàu, ảnh hưởng văn hóa Tàu, chơi game Tàu. Đối với họ thì Mỹ sai cũng thành đúng, còn Việt Trung Nga thì đúng cũng thành sai. Ở Mỹ biểu tình là sai và cảnh sát đập là đúng. Ở Việt Trung HK biểu tình là đúng và cảnh sát đập là vi phạm nhân quyền, người biểu tình bị đàn áp quá nên mới vùng lên phản kháng bạo động. Họ xuyên tạc lịch sử bảo chất độc da cam không có độc, thảm sát là vì bản chất tàn ác tự nhiên của chiến tranh, chỉ là "số ít". Nói chung đây là 1 nhóm người với những loại người có não trạng nhận thức rất méo mó lệch lạc, cuồng tín và quá khích. Họ là nỗi xấu hổ của nước Mỹ, thật sự họ ít đóng góp nhiều cho nước Mỹ mà chủ yếu là ăn bám, số người thành đạt tỉ lệ rất thấp, kém xa so với minority khác như người da đen hay người Mễ, người gốc gác châu Âu, người gốc Á khác, người gốc Ấn độ, người gốc Trung Đông etc.,.

      Xóa
  14. Đồng Thị Kim Thanhlúc 23:56 31 tháng 1, 2020

    Tôi nghĩ, bác Thép và mọi người cũng không nên bàn TẠI ĐÂY về chuyện ông Sơn Tùng hay ông Hoàng Chí Bảo nữa.
    Tại bài này đang bàn đến hoạt động của Bác Hồ cùng với những người lính Mỹ trong biệt đội Con nai.

    Vậy nên nếu bàn về chuyện ông Sơn Tùng và Hoàng Chí Bảo là LẠC ĐỀ.
    Tôi cũng mê Búp Sen Xanh của ông ST từ nhỏ còn bây giờ thì đang mê ông Hoàng Chí Bảo nói chuyện về Bác Hồ. Ông Hoàng Chí Bảo hiện là GS, TS, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

    Nếu bác Thép cho rằng ông Sơn Tùng, ông Hoàng Chí Bảo SAI điều gì thì nên viết thành một bài, có đầy đủ dẫn chứng chứng minh rồi đề nghị Google.tienlang đăng lên để chúng ta cùng bàn.

    Chứ giờ, tự dưng nói ông ST hay HCB BỊA chuyện về Bác Hồ thì tôi và nhiều người rất sốc!
    Bọn cờ vàng cũng đã nói xấu hai vị này nhiều rồi.
    Có cần thiết để chúng ta cũng hùa theo bọ cờ vàng để làm chuyện đó?

    Trả lờiXóa
  15. Tự hào Việt Namlúc 06:14 1 tháng 2, 2020

    Các video hay về Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ, người lãnh tụ duy nhất trong lịch sử loài người làm cách mạng đi qua 28 quốc gia. Là 1 trong những người duy nhất trở thành huyền thoại ngay trong khi còn sống.

    Các sự kiện lớn trong đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    https://www.youtube.com/watch?v=LxwybrpD6nk

    Phim tài liệu Nga: Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin
    https://www.youtube.com/watch?v=QqGmMWYBTts

    Sinh viên nước ngoài tại Việt Nam tìm hiểu về Bác Hồ
    https://www.youtube.com/watch?v=NHqaZdLcEZQ

    Thần tượng tương lai | Bé Bảo Anh - Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh
    https://www.youtube.com/watch?v=QN-HlQRdpC4

    Bé Hà Quỳnh Như – Giữa Mạc Tư Khoa Nghe Câu Hò Ví Dặm | The Voice Kid Vietnam (Siêu Phẩm)
    https://www.youtube.com/watch?v=hL93te_Vg5E

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay quá, càng nghe càng thấy yêu Bác Hồ, yêu nước Nga. Tình nghĩa lâu dài như Việt Nga chắc cũng chẳng ai có được.

      Xóa
    2. Người là ánh dươnglúc 07:05 1 tháng 2, 2020

      Trong cuộc đời lãnh đạo cách mạng của Người, Bác Hồ đã để 5 tác phẩm được công nhận là quốc bảo của Đảng và dân tộc Việt Nam:

      1. Đường Kách Mệnh
      2. Ngục Trung Nhật Ký
      3. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (Chống Pháp)
      4. Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước (Chống Mỹ. Được biết phổ biến với tên gọi lời hiệu triệu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" tiêu đề do báo Nhân Dân đặt sáng hôm sau)
      5. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

      Xóa
    3. Những câu hỏi thường gặp

      Lí do vì sao Tuyên ngôn độc lập VN 1945 không được tính là 1 trong những bảo vật quốc gia mà Cụ Hồ để lại.

      Đó là vì Tuyên ngôn độc lập có sự đóng góp của các cụ Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Văn Tiến Dũng và nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và cả những nhân sĩ ngoài Đảng. Cụ Hồ là người biên soạn chính và đọc nó trước quốc dân đồng bào, nhưng Cụ không phải là người duy nhất soạn thảo nội dung cho nó.

      Lí do vì sao Hồ Chí Minh toàn tập không tính là 1 trong những bảo vật quốc gia.

      Hồ Chí Minh toàn tập không phải là 1 tác phẩm, mà là một bộ sưu tập tất cả những bài viết báo, bài nói chuyện và trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước của Người mà đã được các nhà sử học sưu tầm được. Nhiều người nhầm lẫn Hồ Chí Minh toàn tập là một tác phẩm nào đó của Bác, nhất là những người hải ngoại.

      Xóa
  16. LỜI KÊU GỌI ĐỒNG BÀO VÀ CHIẾN SĨ CẢ NƯỚC
    (Tiêu đề trên báo Nhân Dân là: "Không có gì quý hơn độc lập tự do")

    "Hỡi đồng bào và chiến sĩ cả nước!

    Đế quốc Mỹ dã man, gây ra chiến tranh xâm lược hòng ăn c­ướp nước ta, nhưng chúng đang thua to.

    Chúng ồ ạt mang gần 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta. Chúng nuôi d­ưỡng ngụy quyền ngụy quân làm công cụ hại dân phản nước. Chúng dùng những ph­ương tiện chiến tranh cực kỳ man rợ, như­ chất độc hoá học, bom napan, v.v.. Chúng dùng chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Bằng những tội ác ấy, chúng hòng khuất phục đồng bào miền Nam ta."......

    Một trong những câu nói bất hủ của Bác Hồ nhưng lại bị nhầm lẫn xuất xứ nhiều nhất là câu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Điều bi hài là rất nhiều nhà báo, đảng viên hẳn hòi, đã nhầm lẫn rằng câu này là ở trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

    Vậy nguồn gốc câu nói nổi tiếng này là từ đâu? Câu này là nằm trong một đoạn văn có thể nói là 1 trong những lời hiệu triệu kinh điển nhất kể từ Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo thời nhà Trần trong kháng chiến chống Nguyên Mông.

    "Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: chúng có thể đ­ưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cư­ờng đánh phá miền Bắc. Như­ng chúng quyết không thể lay chuyển đ­ược chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!"

    Sở dĩ nói đây là một đoạn văn kinh điển nhất trong số những lời hiệu triệu chiến tranh trên thế giới, ngoài tính chất hào hùng tráng liệt của nó, còn có trong 2 tiên tri mà sau này đã thành sự thật. Đó là sự tàn phá của Mỹ đối với Hà Nội và Hải Phòng trong 12 ngày đêm Linebacker II năm 1972, và ngày sau dân ta sẽ xây lại đất nước đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn.

    Đoạn văn này cũng không phải là đoạn văn kinh điển duy nhất trong áng hùng văn bất hủ này.

    "Mọi ng­ời đều biết: mỗi lần sắp đẩy mạnh chiến tranh tội ác thì giặc Mỹ lại rêu rao cái trò bịp bợm “hoà bình đàm phán”, hòng đánh lừa dư­ luận thế giới và đổ lỗi cho Việt Nam không muốn “đàm phán hoà bình”!

    Này, Tổng thống Giônxơn, ng­ươi hãy công khai trả lời trước nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới: Ai đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ, là Hiệp định bảo đảm chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam? Phải chăng quân đội Việt Nam sang xâm lược nước Hoa Kỳ và giết hại ngư­ời Hoa Kỳ? Hay là Chính phủ Mỹ đã đem quân đội Hoa Kỳ đến xâm lược nước Việt Nam và giết hại ng­ười Việt Nam?"

    http://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/loi-keu-goi-cua-chu-tich-ho-chi-minh-khong-co-gi-quy-hon-doc-lap-tu-do-538274.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuyệt vời. Lời hịch của Người là tiếng gọi non sông đã thôi thúc hàng triệu chiến sỹ đồng bào gác bút nghiên lên đường vượt Trường Sơn đi cứu quốc, mà lòng phơi phới dậy tương lai. Tương lai chính là ngày nay. Mây đen khắp thế giới nhưng mặt trời vẫn sáng trên bầu trời VN. Năm ngoái đã như thế, năm nay có vẻ cũng sẽ như thế.

      Xóa
    2. Bạn nói rất đúng, tôi cũng nghĩ là nhiều người không biết các thông tin bạn nói

      Xóa
  17. Người là ánh dươnglúc 08:32 1 tháng 2, 2020

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho mục tiêu cao cả là giành độc lập cho nước non, tự do cho dân tộc; hạnh phúc cho nhân dân và công lý cho loài người và quần chúng cần lao. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn thế giới di sản vô giá, đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Trong khối di sản tinh thần mà Người để lại, có 5 di sản đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia, đó là: Đường Kách mệnh; “Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù)”; “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” và “Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Đường Kách Mệnh" là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trong đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản, là nền tảng cho việc tìm hướng đi mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam và được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.

      “Ngục trung nhật ký” (chữ Hán) của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp chúng ta hình dung được thế giới tâm hồn nhiều cung bậc của Người, thấy được nhân cách, chí khí, tầm vóc trí tuệ của một chân dung vĩ đại, với khát vọng cao đẹp về một xã hội hạnh phúc, một thế giới hòa bình. Bác viết năm 1942-1943 trong nhà tù của Chính phủ phản động Quốc Dân Đảng Trung Hoa với 133 bài thơ chữ Hán.

      "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" ­là bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có giá trị lịch sử như một cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân trong cuộc đụng độ với thực dân Pháp xâm lược.

      "Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...", sáng 20-12-1946, lời kêu gọi nhân dân cả nước đứng dậy chống thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trên sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.

      Bác viết năm 1946, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

      “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” là một văn kiện lịch sử có giá trị như Hịch Tướng Sĩ, kêu gọi toàn dân tộc, một cuộc vận động lớn để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin, siết chặt đội ngũ để bước vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lời hịch đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết hy sinh để giành lại độc lập cho dân tộc; quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh, tạo khí thế để quân và dân 2 miền đứng lên đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta, đoàn tụ đôi bờ, mở ra trang sử mới trong sử vàng dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và dựng xây CNXH, toàn Đảng toàn dân bắt tay vào xây dựng một xã hội đẹp tươi.

      Lời hiệu triệu của người anh hùng dân tộc vĩ đại đã thôi thúc hàng triệu con tim, khối óc đồng bào, chiến sĩ hăng hái xếp bút nghiêng lên đường vượt Trường Sơn đánh giặc, giành độc lập cho non sông đất nước.

      Trong Lời Hịch non sông ấy có câu: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

      Ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp thế hệ người Việt Nam lên đường chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi ách thống trị của giặc xâm lược và bè lũ tay sai.

      Văn bản này Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966, được đưa lên báo Nhân Dân ngày hôm sau với tựa đề "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

      “Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Bảo vật Quốc gia cuối cùng mà Người để lại là sự kết tinh tinh thần tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp suốt đời phấn đấu hi sinh vì nước vì dân; vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi; là những lời căn dặn thiết tha; là sức mạnh thôi thúc toàn dân tộc hành động trong xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam, mở ra trang sử mới trong Việt sử, mở ra kỷ nguyên mới cho nước Việt, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và xây dựng xã hội đẹp tươi.

      Văn bản gốc viết từ ngày 10/5/1965 đến ngày 19/5/1969, hiện được lưu trữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

      Xóa
    2. Mỗi di sản mà Người để lại đều chứa đựng những giá trị, ý nghĩa lớn lao và luôn tỏa sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang và đang vững bước trên con đường vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

      (ST tổng hợp)

      Xóa
    3. Những áng thiên cổ hùng văn bất hủ.

      Xóa
    4. Những Hịch Tướng Sỹ của thời đại Hồ Chí Minh, thời đánh Tây, thời đánh Mỹ, những lời Hịch của Người đã thôi thúc hàng triệu chiến sỹ đồng bào gác bút nghiên lên đường ra trận, đánh Pháp đuổi Mỹ, vượt Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai.
      Tương lai đó chính là ngày hôm nay. Mây mờ phủ khắp thế giới nhưng mặt trời vẫn sáng ở Việt nam. Ngày xưa B52 tràn ngập vùng trời Hà Nội thì ngày nay mặt trời sáng soi bầu trời Hà Nội.

      Xóa
  18. Trên kia tôi đọc thấy có bạn trách người khác "vơ đũa cả nắm" và "Mỹ cũng có nhiều người tốt, nhiều cái tốt chứ....".

    Nhưng ở đây, chúng ta đang bàn đến giới cầm quyền ở Mỹ.
    - Mỹ có vi phạm nhân quyền khi đối xử với người dân Mỹ hay không? Trong khi Mỹ thích cao giọng dạy dỗ Việt Nam, dạy dỗ Cu Ba về nhân quyền?
    - Mỹ có vi phạm nhân quyền khi mang bom đạn đi khắp thế giới?
    - Tại sao người Mỹ hầu như ở đâu cũng không an toàn?
    Chả cần bênh chính quyền Cộng sản Việt Nam hay Cu Ba.
    Các chị chủ nhà Google.tienlang chỉ NÓI SỰ THẬT thôi.
    Các bạn VN đang ở Mỹ chắc là hiểu rõ Mỹ hơn?
    Các bạn hãy trả lời các câu hỏi trên xem sao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mẽo là đạo đức, là văn minh.

      Xóa
    2. Tôi thấy Mỹ có 1 cấu trúc thông minh và cs nề nếp, pháp quyền, kỷ luật, ý thức tham gia giao thông rất tốt. Nhưng công bình mà nói mỗi bang chỉ có 1 vài thành phố lớn, TP nhỏ, vùng ngoại ô và nông thôn, khu ổ chuột, khu vực kém phát triển của nó thì có rất nhiều và nhìn thấy rất bệ rạc. Tôi không sinh sống làm việc ở Mỹ nhưng hay sang thăm con ở Cali và thỉnh thoảng hay đi chơi ở các bang khác, hè vừa rồi tôi đi New York và Virginia.

      Còn mấy thằng đệ của Mỹ thì cũng bình thường thôi, nghe kể nhiều nước rất kinh khủng ,như Comlombia thì không ai dám tới vì sợ mafia ma túy bắt cóc. Dân Mễ Tây Cơ thì pn bán thân cho cảnh sát biên phòng để vượt biên sang Cali, Texas. Philipines, Indonesia thì cũng bình thường.

      Chỉ có Hàn và Nhật nghe nói là ok . Còn Đài Loan thì tôi du lịch đi chơi rồi 1 lần và không muốn trở lại nữa. Xã hội nó chả khác gì VN cả, đường phố Đài Bắc chả khác gì Sài Gòn này cả, khói xe máy mờ mịt, bấm kèn inh ỏi, khạc nhổ chửi nhau ngoài đường. Nói thật tôi chả thấy VN và Đài Loan khác nhau chỗ nào cả, tiền kiếm được nhiều hơn nhưng thành phố và xã hội chả khác gì nhau. Tôi cũng không thấy nó tự do dân chủ gì hơn VN cả như mấy Việt kiều Đài Loan về nước hay "chém gió".

      Chính trị thì không dám lạm bàn. Chỉ có Mỹ và ĐL là tôi đã tới còn những chỗ khác của mấy thằng đệ Mỹ thì chưa tới mà chỉ nghe người ta kể lại nên có thể còn chủ quan. Có gì không đúng mọi người bỏ qua.

      Xóa
    3. Nhật Hàn cũng chả ngon lành gì như mã ngoài đâu. Thủ tướng Nhật vừa tuyên bố KHÔNG trợ giúp đưa người Nhật ở Vũ Hán về nước, muốn về thì tự bỏ tiền túi mua vé trở về. Khẩu trang bán giá trên trời. Hàn Xẻng thì dân vác máy xúc ra đường biểu tình phản đối đưa đồng bào của họ từ TQ về nước vì sợ lây bệnh. Kiếm xiền được nhiều Đô La nhưng tình người bạc như vôi.

      Xóa
    4. Nhiều người có vẻ bức xúc khi Mỹ giở những trò đường mật "dụ dỗ" VN nhưng Tôi thấy cũng không thể trách Mỹ được khi muốn "dụ" khị lôi kéo VN. Vì có câu 3 đánh 1 không chột cũng què. Trung Nga là 2 nước lớn không dụ được thì phải dụ nước nhỏ là VN.

      Hiện ai cũng biết thế giới này đang có 2 cực chứ không còn đơn cực nữa. 1 cực là Mỹ, 1 cực là Nga Trung.

      VN không theo nước này để chống nước kia nhưng chưa bao giờ tuyên bố mình "trung lập" cả. Thực tế là VN nghiêng về phía Nga Trung hơn, bằng chứng rõ nhất là VN quan hệ với Nga Trung là quan hệ toàn diện chiến lược, còn quan hệ với Mỹ chỉ là đối tác toàn diện, chủ yếu buôn bán và kinh tế.

      Có phải đó là hoàn toàn vì ngoại giao hữu nghị truyền thống và ý thức hệ? Tôi không cho là vậy, quan hệ ngoại giao luôn xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội và hiện tình đất nước và quốc tế.

      Người ta nói muốn biết thực chất quan hệ 2 nước như nào thì nhìn vào quan hệ quân sự giữa 2 nước đó. Các nước hiện nay không có nước nào có quan hệ quân sự tốt như Việt - Nga. Thực tế chính là quan hệ anh em, mặc dù không có danh nghĩa đồng minh.

      Còn với TQ thì giữa 2 bên có vấn đề ở biển Đông nên không quan hệ quân sự được, nhưng quan hệ chính trị rất chặt chẽ, và quan hệ kinh tế thương mại và văn hóa thì còn qui mô hơn cả với Nga. Cho nên ngày nay tuy Việt Trung không còn là anh em, nhưng vẫn có thể xem là 1 nửa đồng minh theo xét về các tầm mức quan hệ trên thực tiễn.
      Các mối quan hệ rất chặt chẽ gắn bó này giữa 2 nước vẫn âm thầm diễn ra hàng chục năm nay. Nó không được phản ánh trên báo chí truyền thông nên người ngoài ngành ít ai biết rõ.

      Còn với Mỹ, có phải vì vấn đề ý thức hệ hay di sản chiến tranh mà nhiều người VN khá lạnh nhạt với Mỹ? Không hẳn là vậy đâu. Thực tế mà nói, Mỹ không có cái gì hợp tác được với VN ngoài kinh tế. Chính trị, văn hóa thì chõi nhau chan chát. Mỹ luôn dùng chiêu bài này kia, nhân danh nọ kia để gây áp lực lên VN và nhiều lần còn đưa cả chính trị vào bàn đàm phán kinh tế mậu dịch để gây sức ép, nhằm ép ta phải chấp nhận những điều khoản có lợi cho họ.
      Mỹ không từ bỏ kiểu ngày xưa là "lợi mình hại người" thay vì cạnh tranh công bằng bình đẳng như 2 bên ngang hàng.
      Còn về quân sự thì hàng Mỹ vừa đắt vừa không quen tay, có dùng cũng không dùng thuần thục được tốt như hàng Nga được. Quan trọng hơn hết là ai biết họ cài cắm gì trong những vk bán cho ta hay không. Độ tin cậy là rất thấp nếu so sánh với bạn Nga. Vũ khí quân sự an ninh quốc phòng đâu phải trò đùa.
      Cho nên đến nay VN chỉ mua vài chục em về để thử nghiệm và nghiên cứu là chính. Còn hàng thật giá thật mua với số lượng lớn để tác chiến thì vẫn phải nhờ vào gấu Nga.

      Xóa
    5. Nhất trí với bác Vệ, phân tích rất có lý. Khoảng 5, 10 năm trc mình còn học Mẽo ở khoa học kỹ thuật công nghệ nhưng giờ họ dần bị tụt hậu về công nghệ so với Nga - Trung.

      TQ đã bỏ xa Mỹ về 5G và công nghệ nhận dạng khuôn mặt lý lịch con người, công nghệ an ninh đề phòng và truy quét tội phạm, nhiều công nghệ "tủ" của 4.0 sắp tới thì TQ cũng vượt qua Mỹ rồi.
      Rất nhiều công nghệ quân sự Nga cũng đã vượt mặt Mỹ. Vừa rồi Putin cũng đã tự hào nói bây giờ thì các nước đã phải theo sau Nga về công nghệ và công nghiệp quân sự quốc phòng mà như các bác biết Putin không phải là mẫu người thích chém gió như Trump. Putin là mẫu người "có thì mới nói", không khoe khoang khoác lác như các lãnh đạo Mỹ hay phát ngôn tinh tướng. Trong khi tiến triển về nghiên cứu 5G thì giờ Mỹ cũng chỉ ở bậc trung thôi so với mặt bằng thế giới.

      Nga cũng vượt xa Mỹ về công nghệ y tế. Y tế Mỹ cũng thường thôi trong khi y tế Nga tiên tiến, kỹ thuật cao, công nghệ mới, vừa rồi Nga chỉ tốn 2 giờ là hoàn thành phân tích mẫu Corona do TQ giao cho.

      Chốt lại là đến nay có thể khẳng định không có gì Mỹ có mà Trung - Nga không có. Ông Mỹ thì chỉ có mỗi ưu thế là 1 thị trường đặc thù nhưng giờ ông Việt ký luôn với châu Âu thế là xong. Bên châu Âu đầy da trắng và Việt kiều, thị trường cung cầu giống hệt Mỹ. Thế mà đám "lề trái" vẫn chưa tỉnh ngủ mà cứ hô hào "thoát" Trung theo Mỹ mới hài. Theo Mỹ rồi cạp đất mà ăn à.

      Với Mỹ thì chỉ cần duy trì tình "bạn" đối tác hữu hảo làm ăn chung là được rồi, mạnh ai nấy kiếm tiền nuôi dân. Còn muốn đem sức mạnh quân sự và khoa học công nghệ hay sức mạnh kinh tế ra để "khè" nước nhỏ thì xưa rồi diễm, vì ngày nay không còn là đơn cực nữa, hay ít nhất là tình hình đơn cực này nếu vẫn còn thì cũng rất mong manh rồi không còn giữ được lâu.

      Siêu vi khuẩn Corona xuất hiện ở trung tâm kinh tế Vũ Hán "thật đúng lúc" nhưng chỉ có thể kìm hãm làm chậm lại TQ khoảng vài năm nhưng cũng không kìm hãm được lâu và cũng không giở những trò thời bộ lạc này được mãi vì sau 2 vụ Sars và vụ này chắc chắn họ đã rút kinh nghiệm và đề phòng cẩn mật hơn. 1 lần thì bảo là tình cờ, 2 lần thì tôi bảo đảm giờ bao nhiêu tình báo TQ đều vào cuộc hết rồi. Nhiều người Nga cũng đã lên tiếng.

      Thế mới nói thằng Mỹ giờ mềm mỏng vuốt ve chiêu dụ Đông lào cũng không hẳn là Sở Khanh mà là tình thế bắt buộc phải zậy. Gặp thời thế thì thế thời phải thế. Dòm lão Trump "khen ngợi" VN mấy câu mà nhiều người lấy đó làm "niềm tự hào dân tộc" phải phì cười. Hóa ra VN nước ta rẻ rúng và giá trị thấp kém đến mức được 1 thằng TT Hoa Kỳ khen mấy câu là sướng như hút cần sa.

      Xóa
    6. TQ tung tiền hào phóng ưu đãi nhân tài, kéo nhà khoa học từ Nga Nhật Mỹ châu Âu về nghiên cứu. Vụ Corona chỉ làm thằng TQ nó thù Mỹ rồi càng đoàn kết hơn mà thôi. Bây giờ ngay cả mấy ông lề trái mà còn chút lý tính như ông blogger BS. Nguyễn Văn Tuấn giờ cũng khen TQ nức nở.

      Xóa
    7. Đúng vậy hồi đó học về Hồ Chí Minh toàn tập tôi nhớ Bác Hồ có nói tốt về bộ phận nhân dân tiến bộ Mỹ nhưng tuyệt nhiên không hề nói gì tốt về quân đội và giới cấm quyền tư bản Mỹ cả. Những bài báo ấn tượng nhất Bác nói về Mỹ có thể kể như "Chiến tranh nhồi sọ", "Tuyên truyền", "Mỹ mà không đẹp", "Chó Mỹ".

      Lưu ý là HCMTT là sưu tầm những bài viết của Bác rất lâu trước khi chiến tranh với Pháp Mỹ xảy ra, thậm chí là trước khi cả 1930 hợp nhất thành lập Đảng. Thời kỳ còn đánh du kích chống Pháp Nhật và Đội VN Tuyên truyền GP quân còn chưa thành lập. Có thể nói Bác Hồ đã "chửi Mỹ" (lên án giai cấp cầm quyền Mỹ) từ rất lâu trước khi chiến tranh chống Pháp Mỹ xảy ra 1945-1975.

      Xóa
    8. Để khuất phục giai cấp lao động của một quốc gia, dân tộc đời đời kiếp kiếp cúi đầu nai lưng làm cu li, lao công cho các chủ tư bản Mỹ Tây hưởng thì chủ nghĩa đế quốc buộc phải lật đổ hoặc ít nhất thay đổi, thay màu chế độ, tự diễn biến tự chuyển hóa chế độ và BỨNG TẬN GỐC RỄ VĂN HOÁ BẢN SẮC TRUYỀN THỐNG CỦA ĐẤT NƯỚC đó, thông qua những chiến dịch truyền thông để thúc đẩy các "giá trị Mỹ" và "giấc mộng Hoa Kỳ" (American Dream), ở Ukraina họ làm khác, ở VN họ làm khác, ở Ukraina chủ yếu là thúc đẩy các chiến dịch thông tin bài Nga, còn ở VN là "bài Hán - đả Nho - chống Cộng", còn "chủ nghĩa phò Mỹ" thì được thúc đẩy ở tất cả mọi nơi bao gồm cả Ukraina và VN. Những nơi mà bất kì thằng CIA nào cũng vào làm nhà báo dễ dàng, thậm trí leo trèo lên làm sếp làm trùm của tờ báo đó.

      Thế giới đang định hình rất rõ thành 2 cực để chuẩn bị cho Chiến tranh lạnh II, một tuyến là tiến bộ đang lên, đang trỗi dậy: Nga, Trung, một trục là phản động thối nát và đang trên đà suy thoái và đang mất dần tầm ảnh hưởng, gồm chủ nghĩa tài phiệt Mỹ, phương Tây và chư hầu.

      Xóa
    9. Tiến bộ cũng được, phản động cũng ok, ai đánh ai thì kệ họ thôi bác ạ. Đông Lào là nước nhỏ, chỉ muốn yên ổn làm ăn, mình chỉ chống thằng nào XL mình thôi. Còn thiên hạ ai đánh nhau sứt đầu mẻ trán gì thì em xin tránh xa vạn dặm.

      Ai chả biết Mỹ là thằng lưu manh quốc tế, nhưng chống Mỹ thì cũng không phải là cao kiến gì, nhiều khi tình đời, dòng đời khiến ta phải chơi với 1 thằng lưu manh, phải tay bắt mặt mừng với thằng lưu manh.

      Chống Mỹ thì xem gương Iran bị tên lửa giết soái, gương Huawei với trò hề lỗ hổng bảo mật gián điệp từ đâu chui ra (link 1), gương chiến tranh thương mại, rồi ngẫu nhiên bạo loạn HK, tình cờ Corona bùng phát, rồi vừa rồi lại trùng hợp Dịch H5N1 bùng phát ở Hồ Nam. (link 2)

      Thế là tình cờ cả 1 khu vực trung tâm kinh tế giàu mạnh ở Hồ Bắc và Hồ Nam đồng loạt bị dịch bệnh bùng phát với Corona và H5N1.

      Còn theo Mỹ ư? Ngoài Hàn Quốc ra thì cho đến nay chưa có nước nào theo Mỹ hay làm em út của Mỹ mà có kết quả tốt cả. Nhật không phải là nước theo Mỹ hay đàn em của Mỹ như dư luận hay đánh đồng với HQ, Nhật là nước thua trận và bị Mỹ áp chế từ đó đến nay. Mọi người chắc còn nhớ hồi đó khi xe hơi Nhật áp đảo xe hơi Mỹ ở thị trường Mỹ thì lập tức Mỹ phát động chiến tranh thương mại đập Nhật. Nên tôi mới nói trong các nước theo mô hình Hoa Kỳ, rập khuôn chính trị Mỹ thì tới nay chỉ có mỗi Hàn là coi được. Nhật là siêu cường bại trận bị Mỹ áp chế và hạn chế quân sự.

      Nói cách khác Mỹ đã dùng 2 quả bom hạt nhân VÔ NHÂN ĐẠO thảm sát dân lành cướp công của Liên Xô, giành lấy quyền tiếp nhận đầu hàng của Nhật và giành lấy quyền kiểm soát và sắp xếp trật tự hậu chiến ở Nhật, tức là giành lấy quyền làm "bố" ở Nhật.

      Ai chả biết LX có công đầu trong WW2, giải phóng Berlin ép chết Hitler, sau khi px Đức không còn thì ai cũng biết trước sau gì Nhật cũng phải đầu hàng theo, nhất là sau khi quân Quan Đông Nhật bị Hồng Quân tiêu diệt, Nhật như cua bị gãy càng, trước sau gì cũng sẽ đầu hàng Nga.

      Để tránh Nga lập công quá to trong Thế Chiến và muốn tranh công, Mỹ mới dùng 2 trái bom vô nhân đạo để thực hiện điều đó.

      Người dân nào có hiểu biết chút ít lịch sử trên thế giới và có bộ nhớ không quá kém thì đều Mỹ là phường lưu manh trơ tráo ở cấp độ nào. Chiến tranh Iraq (VK hủy diệt hàng loạt), chiến tranh Việt Nam ("chỉ Chống Cộng sản chứ không xâm lược", sk Vịnh Bắc Bộ).

      Nhưng lưu manh thì kệ nó thôi. Bao giờ quay lại xâm lược thì tính tiếp. Chủ trương "không chống, không theo" đối với Mỹ là hợp lý.

      Link 1: Trò hề "gián điệp Huawei"
      https://vn.sputniknews.com/world/201912268426007-trung-quoc-va-hoa-ky-canh-tranh-ve-mang-di-dong-the-he-moi-nhu-the-nao/

      Link 2: Hết Hồ Bắc rồi dịch mới ở Hồ Nam
      https://vi.sott.net/article/4966-Hoa-vo-don-chi-Dich-cum-gia-cam-H5N1-bung-phat-tai-Ho-Nam-Trung-Quoc-giua-dai-dich-virus-corona

      Thằng Pháp Luân Công nói đúng, những thế lực tâm linh siêu nhiên cũng muốn diệt Trung Cộng nha. Quyền lực siêu nhiên này cũng khôn thiệt, biết chọn đúng lúc đúng chỗ, toàn nhằm vào chỗ trọng tâm kinh tế hiểm yếu của Tầu Cộng mà đánh.

      Xóa
    10. Nhật lúc đó đã là cua trong rọ không hàng thì có thể làm gì. Mỹ lấy cớ "kết thúc sớm chiến tranh" đã làm trò diệt chủng như thế rõ ràng là để phỗng tay trên của nước Nga và cướp lấy thị trường Nhật cũng như dàn sếp được chính trường Nhật. Ngày xưa chúng nó đã dám hành xử tàn bạo như thế để tranh quyền với Nga thì ngày nay chúng sao lại không dám vô nhân tính để tranh quyền với Tầu. Ngày xưa dùng cả vk nguyên tử mà nay chỉ có chơi vk sinh học virút thôi thì còn nhân đạo chán. Dân chủ kiểu Mỹ, nhân đạo kiểu Mỹ, quá nhiều "quà" cho thế giới rồi. Món quà nào cũng đắt giá, dân lành dân thường lăn đùng ra chết vì một bọn súc sinh mất hết tính người.

      Xóa
    11. Heheh tôi thích cách nói của bác, phe phản động cũng được, phe CM cũng tốt, Đông lào tránh xa, miễn đừng quăng boom lên đầu ng. dân trên đất hình chữ S của ông. Tốt nhất chém nhau chết mẹ hết đi TG đỡ chật đất VN tao lên làm boss.

      Xóa
  19. Vả lại, thời đại 4.0 hiện nay, một cụ bà miệt vườn miền Tây Nam Bộ, nếu muốn thì vẫn có thể biết mọi chuyện xảy ra trên thế giới. Đâu cần phải đến tận nước Mỹ thì mới biết ở Mỹ ra sao?

    Tôi đề nghị các chị chủ nhà đăng lại bài này
    ---
    Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016
    NGƯỜI MỸ NÓI VỀ NHÂN QUYỀN MỸ VÀ NHÂN QUYỀN CUBA

    http://googletienlang2014.blogspot.com/2016/03/nguoi-my-noi-ve-nhan-quyen-my-va-nhan_25.html

    Trả lờiXóa
  20. Tôi vừa đọc và trích bài "VỀ CHARLES FENN, NGƯỜI ANH ĐƯA HỒ CHÍ MINH ĐẾN VỚI ĐỒNG MINH" của Nguyễn Giang.
    (bbcvietnamese.com)
    để bạn đọc thấy rõ ông Charles Fenn đánh giá Hồ Chí Minh như thế nào. Tất nhiên chúng ta phải lọc ra điều đúng để nghe, lượt bỏ những điều khó tránh dưới lăng kính chống cộng của cái đài bbc này.

    ..."Charles Fenn luôn tin tưởng vào Hồ Chí Minh hơn là vào các tay tình báo "thực dân Pháp", những người mà theo ông ta duy trì đặc quyền của họ ở Đông Dương nhiều hơn là chống Nhật.
    Trong cuốn sách về Hồ Chí Minh xuất bản nhiều năm sau đó, Charles Fenn kể lại với sự ngưỡng mộ, thích thú rằng, ba tháng kể từ cuộc đảo chính của Nhật lât đổ Pháp (tháng 3/1945) ở Đông Dương, Hồ Chí Minh đã vươn lên thành "một lãnh tụ".
    "Ban đầu, ông ấy chỉ là một lãnh đạo một trong nhiều đảng phái, không được người Mỹ công nhận, bị người Pháp chống, bị người Trung Quốc từ mặt, trong tay không có súng, phương tiện...Nhưng đến cuối tháng 6, chủ yếu nhờ nhóm GBT giúp, ông ấy đã trở thành lãnh tụ của một đảng cách mạng rất mạnh mẽ (nguyên văn: Overwhelmingly strong revolutionary party)".
    Có vẻ như Charles Fenn không chỉ thừa biết Hồ Chí Minh là nhà cách mạng cộng sản, mà còn hoàn toàn ủng hộ cho việc một đảng phái như thế có vai trò trong cuộc chiến chống Nhật và ngăn người Pháp giành lại Đông Dương, theo tài liệu CIA ghi lại.
    "Trong cuốn sách xuất bản sau này, Chales Fenn viết:
    ..."Ban đầu ông ta không tạo ấn tượng gì đặc biệt với tôi cả. Nhưng đã nhận thấy ánh mắt sáng của ông ta, tôi hiểu tôi đang tiếp xúc với một người phi thường.
    Sau đó, khi hướng dẫn cho ông ta nghệ thuật quân báo, tôi thấy đôi mắt sáng đó toát ra sự sẵn sàng học công việc rất phức tạp này...Tính ấm áp rất con người của Hồ Chí Minh thể hiện qua quyết tâm vừa khôn khéo vừa thực tế của một người bỏ cả cuộc đời chiến đấu vì mục tiêu đem lại tự do cho Việt Nam".

    Trả lờiXóa
  21. Đầu năm 2020, Google.tienlang liên tục mở ra các chủ đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
    Có rất nhiều ý kiến hay trên kia.
    Tuy vậy, tôi tâm đắc nhất với ý kiến của cô Thuận:
    ----
    Trần Thị Thuận21:17 31 tháng 1, 2020
    Hôm nọ, có ai đó viết trên Google.tienlang rằng "Thôi cụ Thép ơi, 80 rồi, nghỉ đi! Cụ viết có ai thèm đọc đâu?"
    Tôi rất bực mình khi đọc dòng đó nhưng chả thèm phản hồi.

    Hôm nay đọc bài này của cụ Thép ta mới thấy chi tiết những hoạt động của Bác Hồ kính yêu trong mối quan hệ với người Mỹ. Những người Mỹ đã tiếp xúc với Bác Hồ đều yêu quý Bác.
    Tiếc rằng sau Cách mạng tháng Tám, giới cầm quyền ở Mỹ phũ phàng phản bội Bác Hồ, đế quốc Mỹ đã hỗ trợ Pháp xâm chiếm nước ta lần 2, buộc Việt Nam phải làm cuộc Kháng chiến 9 năm chống Pháp.
    Gọi là chống Pháp nhưng thực tế ngay thời điểm đó VN đã phải chống Mỹ bởi sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nước Pháp đã kiệt quệ. Nếu không có Mỹ chống lưng với 80- 90% chiến phí thì Pháp không thể duy trì ách đô hộ VN suốt 9 năm, đến tận 1954 như vậy.

    Sự thật lịch sử là thế.
    Ngày nay có quá nhiều kẻ u mê hoặc cố tình lật sử.

    Vậy nên rất cần những bài viết như bài này của cụ Thép!
    Cảm ơn cụ Thép.

    Trả lờiXóa
  22. Макрон отметил роль советских солдат в освобождении Освенцима
    Короткая ссылка17:12
    3326
    Французский лидер Эммануэль Макрон в ходе мемориальной церемонии в парижском музее холокоста, посвящённой 75-й годовщине освобождения Освенцима, отметил роль советских солдат в освобождении нацистского концлагеря Аушвиц-Биркенау на территории Польши.
    Макрон отметил роль советских солдат в освобождении Освенцима
    Reuters
    «27 января 1945 года отважные солдаты Красной армии вступили за колючую проволоку территории концлагеря. Они ещё не знали в тот момент, что идут по пеплу огромной братской могилы, где погибли более миллиона человек», — цитирует Макрона ТАСС.

    Он подчеркнул необходимость «помнить о прошлом, помнить о всех жертвах холокоста, чтобы строить настоящее» и «постоянно рассказывать новым поколениям».

    Макрон заявил, что «возвращающийся антисемитизм — это не проблема евреев, это проблема всех нас, нельзя мириться с расизмом, отрицанием преступлений нацистов, посягательством на историческое наследие и идеалы».

    Ранее российский лидер Владимир Путин на встрече с израильским лидером Реувеном Ривлином напомнил, что антисемитизм заканчивается Освенцимом, и призвал противостоять любым проявлениям ксенофобии и антисемитизма в мире.

    https://russian.rt.com/world/news/712418-makron-osvobozhdenie-osvencima

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CAM ON TRANG!

      https://googletienlang2014.blogspot.com/2020/01/putin-nga-se-cong-bo-kho-du-lieu-chien.html?showComment=1580623836165#c263554378632112194

      Xóa
  23. Mỹ chỉ lấy dân chủ, nhân quyền làm cái cớ để can thiệp vào nước khác thôi chứ dân chủ, nhân quyền gì Mỹ.
    Chỉ riêng việc Mỹ áp đặt dân chủ kiểu Mỹ lên nước khác đã là không dân chủ rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quyền con người trước tiên là quyền được sống, quyền sống trong hòa bình. Mỹ là thằng đầu tiên trong lịch sử trái đất này mồm thao thao bất tuyệt nhân quyền nhưng tay ký những mệnh lệnh giết người.

      Nó dội bom lên đầu giết người ta rồi sau đó tỉnh bơ lên lớp nhân quyền như chưa từng chuyện gì xảy ra. Nó hàng năm tự viết hồ sơ cho tất cả nước khác về nhân quyền, báo cáo về nhân quyền cho tất cả nhân loại, ghê chưa.

      Bom nó dùng thì toàn là bom nguyên tử, bom bi, bom napalm chứ có phải bom thường như bọn thực dân đế quốc khác đâu. Nhưng nó là thằng đầu tiên la ó về người khác dùng "vũ khí hủy diệt hàng loạt", "vũ khí hóa học". Trong khi nó là bậc thầy của những loại vũ khí diệt chủng này.

      Nó rải dioxin xuống VN rồi dăm chục năm sau quay lại dạy về quyền con người. Hồi đó sau khi nó rải bom nguyên tử xuống Nhật nó vào bắt cóc nhà bác học Nhật về phục vụ, ăn cướp công nghệ người ta, nhưng giờ nó lại là thằng to mồm hơn hết về "ăn cắp công nghệ", "bắt chước mẫu mã". Giẫy đành đạch lên cào mặt ăn vạ la làng nỗi oan Thị Mầu ta đây oan ức quá, ta bị bắt chước, ta bị chôm chĩa. Vừa khủng bố vừa la làng. Loại lưu manh đàng điếm đến mức này thì bị cả thế giới chửi là đúng rồi.

      Xóa
    2. Mà nói thật nó gào là bị "lấy cắp" chứ thật ra có ai lấy mất đi 1 sợi lông nào của nó đâu. Cái đó thực chất là hành vi "học lóm". Thay vì tự trách bảo mật không tốt để địch thủ nó học lỏm được tay nghề thì lại cào mặt ăn vạ Chí Phèo. Nói thật hồi nó còn là chiếu dưới nó không đi "ăn cắp" chắc. VN mình mà giờ có đủ tài để mà đi "ăn cắp" (học lén) để đem khoa học kỹ thuật tối tân về làm giàu đất nước thì tôi cũng ủng hộ bỏ mẹ luôn chứ. Đạo đức giả, đạo đức tiêu chuẩn kép!

      Xóa
    3. Thằng bob kerrey cầm dao đâm chết bao nhiêu người dân ở làng gì đó. Sau này tỉnh bơ sang VN tính làm giáo dục. Nhiều khi mình thấy bọn Tây nó không có 1 chút ý niệm nào về đạo đức tối thiểu của con người, nó không có 1 chút khái niệm nào luôn. Hay là chẳng lẽ nó không coi người da vàng nó giết là con người nên nó không coi đó là quyền con người? Lương tâm tỉnh bơ không suy suyễn? 1 thằng giết người như vậy chưa từng được xử thích đáng không hiểu nó tính dạy gì ở SG. Cũng may đã đuổi cổ thằng này ra sớm không thì đại họa cho cả 1 nền giáo dục.

      Xóa
    4. Học nữa học mãilúc 08:43 3 tháng 2, 2020

      Mỹ giờ thất thế ở nhiều mặt trận chỉ còn mỗi trò cấm vận với "lệnh trừng phạt" và chơi tên lửa giết người, đánh thương mại thì không tới đâu. Hết còn "lên lớp" được lâu, miệng nhà sang có gang có thép, nhưng giờ ông Trung, ông Nga cũng "sang" bằng ông rồi ông lên lớp gì nữa .

      Cứ cho là Mỹ chơi trò ném đá giấu tay, bi quan nhất thì con corona cùng lắm hãm chậm lại TQ nửa năm, chấp 10 con giống corona nữa thì cùng lắm làm TQ chậm lại 5 năm. Ngay bây giờ cấm vận Nga Trung thì cũng như gãi ghẻ rồi.

      Cấm vận với bắt nạt thì chỉ dọa nạt được, ápphê được với mấy nước nhỏ bé như VN, Cuba, Triều Tiên, Venezuela, động vào Nga Trung là động vào cọp bự, vuốt râu hùm. Vụ Grudia đã cho thấy Putin quyết tâm như thế nào về quân sự, không đùa được. Còn China thì sau khi ổn định được corona thì họ sẽ trả đũa, họ sẽ điều tra chứ không bỏ qua vậy đâu. Mỹ muốn thông qua dịch này để lên lớp nhân quyền trong đàm phán chiến tranh thương mại là không có cửa, báo chí chính thống TQ cũng đã cảnh cáo Mỹ trước rồi, không có cửa dùng dịch corona để chiếm thượng phong trên bàn đàm phán.

      Nhân quyền gì mà cảnh sát giết dân như ngóe, vào youtube tra vài từ khóa là đầy ra đó. Dân sợ cảnh sát như sợ cọp. Ẻm Đoan Trang khen cảnh sát Mỹ sinh ra để là để phục vụ và bảo vệ dân mà, sao giết dân như ngóe thế, đánh dân thảm hơn bạo hành con cái, chắc không coi dân da mầu là công dân, hay công dân hạng 2, vai vế hơn nô lệ 1 bậc.

      Xóa
    5. Mỹ đang đuối rồi, ở trên đỉnh vinh quang lâu quá mà rồi cũng sẽ bị cường quốc khác thách thức vai trò và sau đó thay thế. Nga bây giờ đã có vũ khí siêu thanh rồi trong khi Mỹ còn chưa có. 5G Mỹ thì cũng nghiên cứu nhưng trình độ phát triển thì thua xa Huawei 10 vạn dặm. Hầu hết tác quyền sáng chế về công nghệ thông tin mấy năm nay đều là của Huawei. Tôi xài 2 phone, 1 Huawei 1 Realme, xài tốt không thấy khác gì nhiều với Iphone, Samsung. Chơi game tốt, nói chuyện đt tốt, chat chit tốt, nhắn tin tốt, xài app tốt. Nếu bạn có phone cũ Huawei thì vẫn xài được GG bình thường.

      Xóa
  24. Bác Hồ khéo ngoại giao với Đồng Minh trực tiếp là Mỹ ở Nam Trung Quốc trước ngày Tổng khởi nghĩa 1945, thu được thành quả không nhỏ như có người nêu trên kia đâu.
    Theo tôi nhận thức, về ngoại giao ta tranh thủ được những nhân viên thuộc tổ chức con nai ủng hộ không chỉ lúc đó mà cả về sau này nữa. Về quân sự cũng gồm một số vũ khí tuy không nhiều nhưng lúc đó ta rất cần có để trang bị cho lực lượng vũ trang còn non yếu, về tập luyện chiến đấu cần thiết lắm vì lúc đó cách mạng Việt Nam chưa có kinh nghiệm gì và chưa có người giỏi về quân sự, chưa có trường quân chính. Theo tôi điều vô cùng quan trọng là Bác Hồ đã tranh thủ người Mỹ ủng hộ trang bị và đào tạo cán bộ sử dụng Vô tuyến điện. Nhờ có máy móc này nên ta nắm tin tức thế chiến thứ Hai nhanh chóng, kịp thời đưa ra chủ trương Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi như đã có.
    Xem thấy việc này chính Bác trực tiếp thân chinh đi gặp những sĩ quan tình báo Mỹ, cho thấy công việc hệ trọng nhất thời bấy giờ. Và ngày nay xem lại cách giải quyết của Bác cho ta nhiều bài học sâu sắc để vận dụng vào thời kỳ xây dựng, bảo vệ nền độc lập của đất nước.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính nhiều vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới cũng đánh giá Bác Hồ là nhà ngoại giao thiên tài mà

      Xóa
  25. Nông Quốc Cườnglúc 23:03 2 tháng 2, 2020

    Nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, 1 là bảo vệ lịch sử, chống tự diễn biến tự chuyển hóa về nhận thức lịch sử và tuyên truyền các sự kiện lịch sử, diễn giải, lý giải, kiến giải lịch sử và các sự kiện, cuộc chiến, nhân vật, bảo vệ ý nghĩa chống ngoại xâm của những cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ chân lý Cộng Sản và sự đấu tranh không ngừng nghỉ vì giai cấp, vì các dân tộc trong sự nghiệp giải phóng thuộc địa, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

    2 là bảo vệ chính trị xã hội, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ mục tiêu CNXH và lý tưởng cao đẹp về CNCS của Đảng Cộng Sản Việt Nam, người cộng sản Việt Nam nói riêng, và người cộng sản nói chung trên thế giới.

    Mỗi khi sắp Đại Hội Đảng là tổ chức khủng bố Việt Tân dưới ý chí Mỹ và sự điều động của những tổ chức "dân chủ Mỹ" ở chính quốc đều tăng cường các hoạt động "lề trái", gửi những "kiến nghị" phản động và có tính chất thù địch Cộng sản, phá hoại, thể hiện rõ sự ngu dốt ấu trĩ và thù địch với CNXH, CN Mác-Lênin, TT Hồ Chí Minh. Họ đòi đổi tên Đảng tên nước, bỏ đi chữ "Cộng sản" trong tên Đảng, với danh nghĩa là đòi trở lại tên Đảng lao động Việt Nam, chữ "XHCN" trong tên nước, với danh nghĩa là đòi trở lại tên Việt Nam dân chủ cộng hòa.

    Họ đòi thủ tiêu đường lối, cương lĩnh xây dựng đất nước định hướng CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Đòi hủy bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư Tưởng Hồ Chí Minh với vai trò là kim chỉ nam của cách mạng nước ta, đòi hủy bỏ những môn học này trong giáo dục, đòi hủy bỏ nhắc tới vấn đề ý thức hệ trong những giờ học liên quan đến kinh tế - chính trị.

    Trả lờiXóa
  26. Nông Quốc Cườnglúc 23:36 2 tháng 2, 2020

    Mỗi khi đến những ngày quan trọng của đất nước thì những "kiến nghị" phản động như trên lại được công bố khắp nơi ở các trang phản động, "lề trái", và còn ở một bộ phận báo chí "chính thống". Thiết nghĩ giới trẻ và quần chúng nên có những kiến thức giản dị cơ bản nhất về những vấn đề này, để từ đó tránh hoang mang dao động niềm tin, vững tin cùng Đảng đi trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nắm chắc tay lái con thuyền cách mạng Việt Nam, vững tin và vững bước tiến vào thời kỳ công nghệ 4.0 với lòng tự tin vào người Cộng sản và lực lượng trung kiên trên con đường xây dựng đất nước và đưa CMVN vững tiến chắc từng bước về phía trước.

    Chủ nghĩa Mác-Lênin là kết hợp, kết tinh của chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin.

    Chủ nghĩa Mác là bao gồm tất cả những gì tinh hoa nhất của Mác, những công trình nghiên cứu khoa học kinh tế xã hội của ông. Ông là người duy nhất trên thế giới dẫn chứng được sự bất công trong hệ thống vận hành của xã hội đương thời, bằng khoa học, số liệu và những công thức toán học phức tạp.

    Các tác phẩm của ông đọc rất khó hiểu, thông thường phải đọc nhiều lần mới hiểu được một phần nào đó. Do đó, rất nhiều kẻ vô danh trong xã hội đã công kích chủ nghĩa Mác, trong khi đó nhà khoa học thiên tài nhất trong lịch sử thế giới là Albert Einstein sau khi nghiên cứu những tác phẩm khoa học của Mác đã tuyên bố nhận mình là một người ủng hộ Mác và theo CNXH. Và dù nhận được những sự chê bai vô minh, ấu trĩ do không hiểu biết của bộ phận "trẻ trâu" trong xã hội thì các tác phẩm của ông đến nay luôn được những trí thức khoa học châu Âu trân quý, đặc biệt là Tư Bản luận, một trong những tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại, nhất là trong những thời kỳ khủng hoảng KT-TC thế giới, người trí thức thường mua lại những bản tái bản của Tư Bản luận để nghiền ngẫm những quy luật và ông đã đúc kết và phân tích.

    Đến nay, Mác vẫn là người duy nhất trong lịch sử hành tinh đã luận giải, phân tích và dẫn chứng khoa học được sự bất công và bản chất phản động, bất công của hệ thống vận hành chính trị - kinh tế - xã hội của thế giới đương đại một cách thuyết phục nhất cho những trí thức khoa học đọc hiểu nó, là những ấn phẩm gối đầu giường trong giới khoa học chính trị kinh tế xã hội và không chỉ là ở cánh tả.

    Qua ông, giới khoa học nhận thức được một khái niệm mới mà lúc đó chưa phổ quát, khái niệm về "chủ nghĩa tư bản", mà trước đó người ta còn mơ hồ chưa có những định hình rõ ràng và chưa gọi nó là chủ nghĩa tư bản.

    Như vậy, ở chủ nghĩa Mác chúng ta có được cái nhìn rõ ràng, cụ thể và khoa học hơn về CNTB. Chủ nghĩa Mác giúp ta hiểu hơn về bản chất bất công và phản động của CNTB. Nó giúp ta tránh được nhiều bất công, áp bức và tệ nạn xã hội. Nó giúp ta có giúp ta đi đúng đường đúng hướng, không bị sa đà, lạc lối.

    Trả lờiXóa
  27. Nông Quốc Cườnglúc 00:22 3 tháng 2, 2020

    Chủ nghĩa Lênin là sự bổ sung vĩ đại cho chủ nghĩa Mác trên phương diện giải thích, phân tích khoa học về vấn đề thuộc địa và dân tộc.

    Lênin đã đúc kết ra một quy luật cách mạng mới: muốn giải phóng giai cấp, giải phóng con người thì trước tiên phải giải phóng thuộc địa và dân tộc.

    Bác Hồ trong giai đoạn còn dò tìm đường cứu nước, đã tìm thấy được đáp án qua Luận cương Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đó là đáp án cứu nước mà sau này nhà thơ Tố Hữu đã miêu tả thi vị hóa nên câu thơ "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ / Mặt trời chân lý chói qua tim".

    Trong Quốc tế Cộng Sản, trước đó Mác đã đóng góp cho cách mạng thế giới và cộng sản quốc tế kho tàng lý luận về triết học, kinh tế học, xã hội học ở Quốc Tế I, thì Lênin đã phát triển và tiếp nối sự nghiệp của Mác với những kiến thức mới và lý luận mới của ông về chính trị học và cách mạng bạo lực (phi cải lương) để giải phóng dân tộc và thuộc địa trong Quốc Tế III. (Mác thành lập Đệ nhất Quốc Tế, Lênin thành lập Đệ tam Quốc Tế Cộng Sản)

    Lênin đã tìm ra lý luận để lý giải giai đoạn phát triển cao nhất và cực đoan nhất, quá khích nhất của CNTB là chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) và 1 trong những loại hình của nó là chủ nghĩa thực dân (CNTD).

    Khi quá trình tìm kiếm lợi nhuận và lợi ích vật chất tham lam của CNTB theo nguyên tắc tự do tự phát và quy luật hoang dã "cá lớn nuốt cá bé", "người mạnh bóc lột người yếu" bị lâm vào bế tắc và khi lòng tham đã lên đỉnh điểm, nó biến chất biến thể và chuyển hóa phát triển thành đường hướng xâm lược cướp bóc và bá chủ thế giới.

    Theo loại hình thực dân, "thực" là ăn, cắn nuốt, "dân" là nhân dân. Những nơi bị thực dân hóa sẽ bị chiếm đóng và khu vực đó trở thành một vùng đất nhằm mục đích duy nhất là khai thác tài nguyên thuộc địa bằng chính sức lao động của nhân dân sở tại, nô dịch hóa và bóc lột lao động nô lệ bản xứ. Một bộ phận đặc quyền đặc lợi bản địa phong kiến, địa chủ, tư sản mại bản được cộng tác và chính quyền thực dân bảo vệ để "chia để trị", "dốt để trị", "dùng người bản xứ trị người bản xứ", "dùng thiểu số giàu có chống đa số cùng khổ".

    Sau khi bị người cách mạng, người cộng sản thế giới đánh bại trong giai đoạn phát triển thực dân, CNTB đã thoái lui, hạ nhiệt, xuống thang và nhượng bộ nhiều chính sách về hưu trí, công ích, ngày làm tám giờ, chủ động giảm xuống và hạn chế sự bóc lột ở mức mà có thể con người còn chấp nhận được, rồi từng bước pháp quyền hóa, hợp thức hóa thông qua truyền thông chủ lưu và từng bước giảm bớt yếu tố vô nhân đạo, và xóa nhòa ý nghĩa bóc lột của nó. Hiện thực đó càng cho thấy sự phân tích chuẩn xác của Lênin, và luận cương của ông đã góp phần quyết định đưa tới sự giải phóng thuộc địa trên phạm vi toàn cầu, cả thuộc địa công khai mô hình cũ và thuộc địa trá hình mô hình mới trong nỗ lực níu kéo chiến tranh Đông Dương của Mỹ ở Việt Nam sau 1954.

    Nói một cách gọn gàng nhất, chủ nghĩa Lênin là kim chỉ nam vô giá đã giúp cách mạng nước ta đánh thắng 2 Đế quốc to, giải phóng thuộc địa và dân tộc, hoàn thành vĩ nghiệp chống ngoại xâm trong chuỗi chiến tranh dài nhất lịch sử.

    Trả lờiXóa
  28. Nông Quốc Cườnglúc 01:09 3 tháng 2, 2020

    Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về chính trị, xã hội, khoa học, kinh tế, cách mạng và chiến tranh giải phóng của Cụ Hồ dựa trên cơ sở của chủ nghĩa Mác và Lênin (gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin).

    Đó là những tư tưởng của Cụ Hồ mọi mặt về dân sự, quân sự, về biện pháp cách mạng và tổ chức quần chúng, xây dựng Đảng, phát triển phong trào cách mạng, kháng chiến chống xâm lược, cách đánh, cách hòa, cách đàm, về tác phong lãnh đạo và quản trị, về công tác cán bộ nhân sự, về đạo đức cách mạng của người Cộng sản, về đức cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư, về chống tiêu cực nội bộ, về công tác diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, ổn định kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, giáo dục và dùng người (vừa hồng, vừa chuyên), chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân, đúc kết từ cách đánh giặc dựa vào người dân cổ truyền của văn hóa làng xã dân tộc, từ đạo lý "cả nước là thành, toàn dân giữ thành" của Trần Thủ Độ và binh pháp Trần Hưng Đạo, những binh pháp cổ xưa của dân Việt, và nguyên lý "chiến tranh nhân dân" đã được lý thuyết hóa và chuyên nghiệp hóa bởi chủ tịch Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, đã được họ vận dụng thành công trong thực tiễn kháng Nhật và chống Tưởng.

    Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là sự "Việt hóa", "Á Đông hóa", "ĐCSVN hóa", "Hồ Chí Minh hóa" chủ nghĩa Mác Lênin và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, mà còn là những nghiên cứu mới, lý luận mới, cách diễn giải mới mẻ dung dị dễ hiểu mà Người đã đóng góp vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học và kho tàng nghiên cứu của những cộng đồng trí thức theo CNXH trên thế giới mà giới TBCN thường gọi là "cánh tả" trên phương tiện truyền thông của họ. Ví dụ: để bổ sung vào giáo trình của chủ nghĩa Lênin về sự liên hệ giữa dân tộc và giai cấp, thuộc địa và mẫu quốc tư bản, Bác đã dùng hình tượng "Con Đĩa Hai Vòi" để hình dung. Theo sự đúc kết của Người để bổ sung vào lý luận của Lênin, thì có những trường hợp không nhất định là giải phóng thuộc địa trước, mà còn có thể tiến hành cả 2 công cuộc giải phóng cùng lúc ở thuộc địa và chính quốc. Vì CNTB là con đĩa 2 vòi, 1 vòi thực dân ở thuộc địa hút máu dân thuộc địa và 1 vòi ở chính quốc hút cạn kiệt mồ hôi công sức lao động của giai cấp công nhân và tầng lớp cùng khổ trong xã hội.

    Cũng chính Bác chứ không phải chủ tịch Mao Trạch Đông hay Kim Nhật Thành, là người đầu tiên và có công to nhất trong việc phân tích và so sánh sự khác biệt không nhỏ giữa tính chất và mức độ bóc lột ở phương Tây, cũng như phong trào cách mạng Cộng sản ở đây so với phương Đông, với 2 nền văn hóa rất khác nhau và có nhiều điểm đối chọi nhất định. Nhờ đó mà Quốc Tế Cộng Sản đã phân định và đánh giá được xác đáng hơn để có thể có những giúp đỡ thích hợp nhất cho cách mạng ở từng nơi, trên cơ sở hiểu biết về đặc thù và thực tế khác nhau ở mỗi khu vực và nền văn hóa, phong tục tập quán, từ đó đưa ra được những đối sách, quyết sách thích hợp.

    Trả lờiXóa
  29. Nông Quốc Tuấnlúc 02:18 3 tháng 2, 2020

    Người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa kiệt xuất thế giới Hồ Chí Minh đã dành tuổi thanh xuân và cả đời mình không vì cá nhân mình, mà cho mục tiêu cao thượng nhất là giành độc lập cho Tổ Quốc, giành tự do, hạnh phúc cho dân tộc, công lý cho các dân tộc, các thuộc địa và quần chúng cùng khổ khắp năm châu, những nạn nhân chịu bất công áp bức trên địa cầu, vì hòa bình thế giới, độc lập và chủ nghĩa xã hội.

    Người đã để lại cho Việt Nam và thế giới di sản vô giá, là Tư Tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có 5 di sản tư tưởng đã được công nhận là Bảo Vật Quốc Gia:

    1) Đường Kách Mệnh (Đường Cách Mạng)
    2) Ngục Trung Nhật Ký (Nhật ký trong tù)
    3) Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp
    4) Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước chống Mỹ (Không có gì quý hơn độc lập - tự do)
    5) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Nhiều bạn sinh viên và đồng chí đã thắc mắc vì sao Bản Tuyên ngôn độc lập Việt Nam và Hồ Chí Minh Toàn Tập không được coi là di sản Tư Tưởng Hồ Chí Minh. Xin báo cáo, bản Tuyên ngôn độc lập còn có sự đóng góp nội dung của một số lãnh đạo Bộ Chính trị của Đảng và Nhà nước và một số nhà nho, nhân sỹ trí thức ngoài Đảng lúc bấy giờ.

    Hơn nữa, bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là kế thừa từ truyền thống đánh giặc giành độc lập của tổ tiên và ông cha ta, kế thừa từ những nội dung có tính khái quát và cách mạng của Lê Lợi, Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo. Như vậy, bản Tuyên ngôn độc lập đã vượt ngoài phạm vi biên giới của tư tưởng Bác Hồ, mà nó còn bao hàm tư tưởng truyền thống của dân tộc từ ngàn xưa đê lại, với những nội dung chứa đựng đạo lý truyền thống vang vọng dấu ấn của dân tộc mà ngàn xưa truyền lại, chứ không chỉ có dấu ấn của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

    Về Hồ Chí Minh Toàn Tập, đây không phải là một tác phẩm nghiên cứu lý luận mà là một bộ sưu tập tất cả những bài viết, bài nói và phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong nước và quốc tế mà giới khoa học lịch sử tìm lại được. Đó là các bài viết nói lên ý chí cách mạng kiên định, kiên cường, các quan điểm, lập trường, chính kiến của Bác trong nhiều vấn đề thời sự, về những sự kiện thời sự diễn ra trong thời đó, hơn là những nội dung có tính lý luận hay tổng kết lý luận, hay chuyên về tư tưởng của Người một cách có hệ thống. Đó là tất cả những bài viết, bài nói và phỏng vấn của Người về những vấn đề thời sự trong và ngoài nước.

    Tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp nhân dân miền Bắc xây dựng miền Bắc ổn định để có đủ khả năng chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, lãnh đạo tiền tuyến lớn giành chiến thắng trước Mỹ - ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra trang sử mới trong lịch sử, và kỷ nguyên mới cho đất nước ta, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội tiến bộ, tốt đẹp hơn.

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, về chiến tranh nhân dân và chiến tranh giải phóng dân tộc chính là sự kết hợp tài tình và sáng tạo giữa nghệ thuật đánh giặc truyền thống của cha ông, của nghệ thuật "kháng chiến toàn dân" truyền thống của dân tộc ta, ông cha ta trong lịch sử, với đường lối "chiến tranh nhân dân" đã được hàn lâm hóa và được lý luận thành một hệ thống khoa học quân sự của Đảng cộng sản Trung Quốc, từ đó hình thành một đường lối đánh giặc sáng tạo, linh hoạt, khôn khéo, chủ động, trong điều kiện thực tiễn chiến trường miền Nam VN, chúng ta không "lấy nông thôn vây thành thị" như Trung Quốc, không triển khai chiến tranh quy ước như Liên Xô, mà kết hợp cả 3 thứ quân cùng lúc đồng thời tiến hành kháng chiến ở 3 khu vực chiến lược: nông thôn, thành thị, miền núi, với phương châm "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù", "Dân che cán bộ, dân vây quân thù".

    Cuối cùng chúng ta đã giành được chiến thắng vẻ vang, viết lên trang sử mới trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

    Mỗi di sản tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại đều chứa đựng những giá trị, ý nghĩa quý báu vô giá, soi đường cho cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, và đang vững bước tiếp nối truyền thống cha anh, vững chân bước tiếp trên con đường tiến lên phía trước với 2 ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nông Quốc Cườnglúc 03:31 3 tháng 2, 2020

      Vấn đề khác:

      Mô hình thời bao cấp có phải là CNXH hay không? (câu hỏi thường nghe)

      Xã hội thời bao cấp có phải là một xã hội XHCN hay không?

      Xã hội miền Bắc thời chiến và cả nước sau giải phóng đã theo mô hình chế độ bao cấp.

      Nếu xét theo các tiêu chí đặc điểm mà nhân dân lao động, quần chúng cùng khổ và dân tộc các nước trông đợi ở CNXH thì mô hình bao cấp là một mô hình thất bại, một "thử nghiệm" thất bại về phương thức đi lên CNXH. Như vậy, tất nhiên nó không phải là một xã hội XHCN.

      Sở dĩ người ta nhầm lẫn xã hội thời bao cấp là xã hội XHCN là vì Đảng cầm quyền ở những nơi đó tuyên bố theo con đường XHCN.

      Một phần khác là vì hệ thống truyền thông chủ lưu của CNTB và chủ nghĩa chống Cộng cực đoan đã muốn định hướng dư luận theo cách nghĩ đó. Họ muốn đánh đồng sự nghèo đói với CNXH, muốn người dân nghĩ CNXH là nghèo nàn lạc hậu, là luôn gắn liền với sự nghèo khổ, là phản tiến bộ, phản văn minh, lỗi thời, thậm chí là tà ác, phi đạo đức, phi dân tộc. Họ ra sức bôi nhọ, cấm vận, ném đá xuống giếng trong thời kỳ khủng hoảng nhất của cách mạng XHCN.

      Mô hình bao cấp là một hình thức kinh tế "ra lệnh", chỉ huy tập trung của thời chiến tranh. Nó phù hợp với thời chiến tranh và cần thiết, thuận lợi với tình trạng chiến tranh. Trí thức trung lập phương Tây gọi nó là chủ nghĩa Stalin, một bộ phận còn gọi là mô hình Stalin. Giới chống Cộng và chủ nghĩa McCarthy thì đánh đồng nó với CNXH. Sở dĩ gọi đó là chủ nghĩa Stalin vì thời Stalin đã mở đầu cho trào lưu học theo mô hình này và được chủ tịch Mao Trạch Đông học theo ở TQ và ông Kim Nhật Thành mô phỏng ở CHDCND Triều Tiên, tiếp đó là Cuba, Đông Âu và toàn thế giới Cộng sản.

      Sở dĩ nhiều người ngộ nhận, nhầm lẫn mà đánh đồng lẫn lộn mô hình thời chiến này với bản thân CNXH, là vì họ chưa tìm hiểu rõ ràng cặn kẽ về lịch sử áp dụng mô hình này trong lịch sử các nước Cộng sản (những Nhà nước tuyên bố nhận mình theo con đường xây dựng CNXH).

      Mô hình mà nhiều người gọi là "Kinh tế Cộng sản thời chiến" này ban đầu được Lênin sử dụng trong chiến tranh và đạt được hiệu quả tốt. Nhưng sau chiến tranh, với tầm nhìn viễn kiến, ông đã dần chuyển sang kinh tế NEP để từng bước dần dà chuyển biến sang kinh tế thị trường theo hướng XHCN, vận dụng các quy tắc cạnh tranh thị trường để thúc đẩy thi đua lao động sản xuất, xây dựng dân giàu nước mạnh và tiến bộ xã hội.

      Stalin lên lãnh đạo, Đức xâm lược và cả nước bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức xâm lược. Do nhu cầu chiến tranh, Stalin bãi bỏ mô hình NEP và quay về với mô hình kinh tế thời chiến, để huy động được thuận tiện sức người sức của cho chiến trường cả nước chống xâm lược.

      Xóa
    2. Nông Quốc Cườnglúc 03:36 3 tháng 2, 2020

      Mô hình kinh tế bao cấp đã phát huy tốt trong thời chiến, giúp phe áp dụng giành chiến thắng trong những cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng, chính nghĩa, đánh bại chiến tranh xâm lược phi nghĩa của phe địch.

      Tuy nhiên, sau chiến tranh ông Stalin vẫn giữ nguyên mô hình bao cấp chỉ huy tập trung của thời chiến tranh này, và không có ý quay lại kinh tế thị trường NEP của Lênin.

      Điều này đã gây tranh cãi và chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ Đảng cộng sản Liên Xô. Sai lầm này của Stalin là một trong những hạt nhân đầu tiên, tạo ra tiên đề cho nhiều quyết định sai lầm có tính quyết định của lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô sau này, thúc thủ bó tay trước diễn biến hòa bình, tình trạng tự diễn biến tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng dẫn tới sự phản bội của Gorbachev và Yeltsin đưa đến sự sụp đổ chế độ Liên bang Xô viết. Nó cũng là tiền đề tạo ra những lý do, những danh nghĩa cho Khruschev khơi mào chủ nghĩa xét lại sau này, trong đó có xét lại lịch sử, lật lại chiến công, "vẽ đường cho hưu chạy", bị phản động quốc tế và trong nước khai thác lợi dụng, dần phát triển đến mức độ cực đoan là phủ định sạch trơn, đưa đến sự hỗn loạn niềm tin và hoang mang dao động và đảo điên giá trị trong xã hội, một trong những nguyên nhân chính đưa tới sự sụp đổ của chế độ Liên Xô.

      Như vậy, dựa trên lịch sử Liên Xô và thực tế những gì đã xảy ra ở đó, chúng ta có thể thấy và kết luận được là mô hình kinh tế thời bao cấp là một chế độ vận hành kinh tế thời chiến, phục vụ cho chiến tranh, cho mục đích chiến thắng trong chiến tranh, nhất là chiến tranh cách mạng và chiến tranh giải phóng.

      Do Stalin không quay lại kinh tế thị trường NEP vốn đã được Lênin thực nghiệm sơ bộ, nên mô hình Liên Xô (của Stalin) với vai trò là anh cả của gia đình XHCN được nhiều nước khác tin tưởng và mô phỏng theo. Từ đó nhiều nước sau chiến tranh đã không thay đổi mô hình kinh tế, hoặc chậm chạp trì trệ trong việc thay đổi mô hình kinh tế cho thích hợp hơn với thời bình.

      Do đó có thể thấy, sự sụp đổ của Liên Xô là sự sụp đổ của một chế độ đã quá thối nát do bị nhiều lãnh đạo phản bội, sự sụp đổ của một mô hình sai lệch.

      Đó không phải là sự sụp đổ của XHCN, và mô hình của Liên Xô (Stalin) đã cho thấy là mô hình đó không phải là mô hình đúng để có thể xây dựng CNXH thành công.

      Sau khi quan sát, nghiên cứu và hiểu được điều đó, Đảng cộng sản Trung Quốc đã tiến hành thay đổi mô hình và cấu trúc của hệ thống vận hành kinh tế. Tăng tốc cải cách kinh tế và mở cửa thị trường.

      Điều tương tự cũng diễn ra ở nước ta với những quan sát và nghiên cứu độc lập đối với những gì diễn ra ở LX và TQ, đưa đến "Đổi Mới" ở nước ta, xây dựng một mô hình kinh tế thời bình, kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo tiên đề để xây dựng và phát triển đất nước ổn định và phát triển bền vững.

      Sau khi tìm được đường lối lãnh đạo kinh tế đúng đắn, 2 nước Việt - Trung ngày càng phát triển nhanh và bền vững và có những thành công chói lọi mà cộng đồng quốc tế trên thế giới cũng đã ghi nhận. Ngày nay, với những thành công của công cuộc xây dựng CNXH của mình và bạn bè quốc tế, Việt Nam chúng ta ngày càng củng cố niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và càng tăng cường học hỏi và tìm tòi những đường hướng đúng đắn thích hợp và khoa học để thúc đẩy quá trình đi lên CNXH, xây dựng một xã hội tiến bộ, nhân văn, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, một xã hội mới và tốt đẹp hơn xã hội tư bản cũ mà Chủ nghĩa Mác đã phân tích về bản chất bóc lột, bất công và phản động của nó.

      Nông Quốc Cường

      (Hoàn thành năm 2015, cập nhật biên tập chỉnh sửa ngày 27/1/2020)

      Xóa
    3. 90 năm Đảng Cộng Sản Việt Namlúc 07:22 3 tháng 2, 2020

      Hồi còn học chính trị và cảm tình Đảng cũng đọc mấy nội dung này rồi, nhưng lâu năm rồi cũng quên nhiều. Bác viết rất tốt, sắp xếp trình bày rất dễ hiểu. Có điều xin góp ý là Đảng ta đã Đổi mới từ trước khi LX sụp đổ. Còn ông bạn Bắc Cực thì cải cách từ lâu rồi. Từ hồi ta còn đánh nhau với Mỹ thì họ đã bắt đầu tiến hành rồi. Chứ không phải Ta Tàu nhìn thấy LX sụp đổ xong rồi mới thay đổi. Các nước quan sát nội bộ và lẫn nhau để tìm tòi những cách làm mới cho tốt lên cũng bình thường thôi, đặc biệt là những nước giống nhau về chủ nghĩa chính trị, tương đồng ý thức hệ, học hỏi và áp dụng dễ hơn. Nhưng bác viết rất hay, trình bày dễ hiểu, lý luận vững vàng, kiến thức vững chắc. Nhờ bác tôi ôn lại vài kiến thức đem giáo dục đám trẻ trâu FB. :)

      Xóa
    4. Lều báo khách quan và Ba que PhâyBúclúc 08:54 3 tháng 2, 2020

      TQ vừa xử lý, cách chức gần 500 quan viên do thất trách trong vụ Corona. Rõ ràng là bọn Tàu Cộng này đã nhân cơ hội mượn đao giết người, đấu đá thanh trừng nội bộ. Rõ ràng nội bộ bọn Cộng Sản Bắc Kinh này đang chia rẽ trầm trọng và sắp sụp đổ rồi.

      (Nguồn tổng hợp từ BBC, RFA, VOA, Wiki, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, GiaoducVN, VTC News, SBTN, Việt Tân official)

      Xóa
    5. Mặc dù VN và TQ đã cải tổ trước thời điểm sụp đổ của Liên xô nhưng trước đó thì ai cũng đã thấy rõ sự rạn nứt, suy sụp và cái đà xuống dốc sắp sụp đổ của nó rồi.

      Có thể nói Liên Xô đã hi sinh để cho VN và TQ được sống. Sự sụp đổ của Liên Xô là hồi chuông cảnh tỉnh, là tiếng còi báo động, là bài học nhớ đời ngàn năm.

      Bài học Liên Xô là vết xe đổ giúp Đảng ta đề phòng, không chủ quan lơ là cảnh giác. Quyết tâm bảo vệ ổn định chính trị xã hội kinh tế, bảo vệ sự tồn vong của Đảng và chế độ. Không để lịch sử lặp lại, không để kịch bản Liên Xô tái diễn.

      Xóa
    6. Quế Ngọc Hảilúc 20:12 3 tháng 2, 2020

      Tôi để ý thấy từ hồi có internet 20 năm nay không năm nào hay thậm trí tháng nào mà không có mấy bài viết phản động bảo Cộng Sản sẽ sắp sụp đổ, không "năm nay" thì "năm sau", không CSVN thì CSTQ. Chế độ sẽ sụp đổ và VN sẽ đi theo Mỹ và đa đảng đa nguyên của CNTB giống như Mỹ. "Triều đại Cộng Sản" sẽ cáo chung vv.. Riết rồi không còn là ảo tưởng hay hoang tưởng mà là 1 bọn thần kinh, tâm thần phân liệt.

      Từ ngày bám càng bỏ chạy đến nay và nhất là sau ngày LX sụp đổ không ngày nào mà ba que và giới đu càng không van xin cho CS sụp đổ, gọi là "Ba que Dream", Giấc mộng ba que, ngay cả trong mơ nằm mơ thì nó cũng mơ CS sụp đổ, để về nước "phục cuốc" tiếp tục làm 1 anh nhà giàu bù nhìn cho Mỹ để kiếm ăn.

      Xóa
    7. Nhiều người cho rằng quan hệ Việt - Trung là quan hệ kỳ lạ nhất lịch sử nhân loại. Tôi thì lại thấy quan hệ Việt - Trung rất đơn giản, tổ tiên ta ngày xưa và chúng ta ngày nay đều có quan hệ toàn diện với TQ. Khi nào 1 nhóm chính trị diều hâu nào đó của Trung Hoa khởi động chiến tranh xâm lược thì ta chống lại. Những gì của ta thì ta cứ giữ, còn kết giao với láng giềng thì cứ tiếp tục kết giao. Rất đơn giản, phân biệt rạch ròi rõ ràng, không có nhiều phức tạp.

      Quan hệ Việt - Mỹ mới là quan hệ phức tạp nhất trong lịch sử. Bởi vì cơ cấu chính trị, ý thức hệ chính trị và văn hóa truyền thống Đông Tây của 2 bên hầu như đối chọi, đối lập nhau chan chát. Hai bên có những hệ giá trị rất khác nhau, chọi nhau, xuất phát từ 2 nền văn hóa khác nhau với những điểm xuất phát lịch sử khác nhau.

      Vì sự khác biệt giá trị đó mà Mỹ, với tư cách là một nước lớn và mạnh nhất hành tinh, luôn tìm cách gây ảnh hưởng, áp lực và áp đặt hệ tư tưởng, hệ giá trị của họ lên VN theo cách đồng hóa về mặt chính trị, ý thức hệ, "hòa nhập thành hòa tan".

      Tình trạng này không chỉ vì bản năng nước lớn, tư tưởng bề trên, từ chiếu trên nhìn xuống, mà còn với ý đồ chính trị cụ thể, nhằm mục đích đưa VN vào quỹ đạo của Mỹ để giúp thúc đẩy những chính sách Mỹ, chính trị Mỹ trong khu vực được vận hành trơn tru hơn, mà ở mức cao nhất là: Mỹ muốn làm gì thì làm như trên sân nhà. Mỹ muốn "tự do" triển khai những chính sách của họ tại đây. Họ muốn "quay lại châu Á" không hẳn là kéo quân trở lại đánh chiếm lãnh thổ VN, mà là "quay lại" về tầm ảnh hưởng. Một trong những ý đồ chính trị của họ là lợi dụng ta và biến ta trở thành "tốt thí" trong cuộc "chiến tranh lạnh" giữa họ và Trung Quốc.

      Ngày xưa khi chế độ cộng sản Liên Xô thì Mỹ lập tức nhảy vào "tái thiết", "giúp kiến thiết" nước Nga, nước Nga trở nên "te tua", tan hoang.

      Từ ngày ông Putin lên thì phong trào hoạt động XHCN diễn ra sôi nổi trên cả nước. Ông khôi phục nhiều giá trị Cộng Sản của thời Liên Xô, tạo cảm hứng và điều kiện cho những lực lượng xã hội đi theo con đường CNXH và "cánh tả" hoạt động, từng bước đẩy lùi được sự can thiệp chính trị của Mỹ, trục xuất nhiều tổ chức phản động, chống Cộng cực đoan, từng phần đưa nước Nga thoát khỏi cái bóng ma của Mỹ trong thời Yeltsin, và từng bước đưa Nga trở thành một nước phát triển, hùng mạnh, cùng với những phong trào XHCN hoạt động sôi nổi.

      Đảng Cộng Sản Nga trở thành đảng chính trị lớn thứ 2 ở Nước Nga và nhiều đảng cộng sản, đảng XHCN khác tạo nên một nguồn sức mạnh giúp thúc đẩy các giá trị XHCN, giá trị cộng sản, giá trị công ích, thúc đẩy định hướng XHCN, đi theo con đường xây dựng CNXH, và hạn chế được những mặt trái của xã hội hiện tại, giúp nước Nga phát triển hài hòa và ngày một hùng mạnh hơn.

      Xóa
    8. Núi Mác, suối Lêninlúc 23:38 3 tháng 2, 2020

      Vn chúng ta có 3 ông thầy lớn : Mark, Lenin, Hồ Chí Minh.

      Mark : Lột trần mặt nạ của Chủ nghĩa tư bổn, bằng lý luận và công thức khoa học.

      Lenin : Giải phóng dân tộc, cứu giúp thuộc địa giành độc lập. Lenin là ân nhân và với đại ân đại đức này, là ân nhân của Vn và nhiều thuộc địa trên trái đất này của chúng ta. Lenin là biểu tượng ân nghĩa của Liên Xô và đại diện cho tình hữu nghị anh em truyền thống của quan hệ Việt - Nga.

      Hồ Chí Minh : Tổng hợp, thẩm định, đánh giá và sàng lọc từ Mark và Lenin, du nhập và vận dụng thực tiễn vào trong tình hình thực tế đặc thù của nước Việt nam. "Việt nam hóa" chủ nghĩa ML nhưng đồng thời cũng có nhiều đóng góp mới mẻ vào CNXH khoa học và lý luận CS.

      3 ông thầy này ngày nay không hề "lỗi thời" như ba que xỏ lá hay phản tuyên truyền, mà vẫn là 3 ngọn đuốc lớn, 3 ngọn hải đăng lớn soi sáng niềm tin để giúp VN xây dựng CNXH đến ngày thắng lợi, hướng tới CNXH, xây được một xã hội giàu mạnh, dân chủ công bằng, hài hòa, văn minh hiện đại tiên tiến, nghĩa tình, nhân văn nhân ái, bình đẳng, tiến bộ và đẹp tươi, không còn tình trạng bất công giai cấp, không còn tình trạng người bóc lột người, và hòa bình giữa các quốc gia và dân tộc.

      Xóa
  30. Chủ nghĩa Mác-lênin (đại thể) : Một nước lạc hậu muốn tiến lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN phải có hai điều kiện tiên quyết đó là ĐCS lãnh đạo với đường lối đúng đắn và được một nước XHCN vững mạnh giúp đỡ. Tuy nhiên qua thực tiễn cách mạng Việt Nam có thể rút ra rằng hai điều kiện tiên quyết phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam cũng như thế giới ngày nay, đó là : ĐCS lãnh đạo với đường lối đúng đắn và đại đoàn kết toàn dân tộc.
    Tư tưởng của cụ Hồ ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN VỚI CNXH chỉ có thể thực hiện được khi có đầy đủ hai điều kiện trên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự sụp đổ của mô hình CNXH kiểu Stalin ở Liên Xô (và Đông Âu) là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng CNXH cụ thể, của một chế độ thối nát cụ thể, vốn đã đánh mất sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, những người đã từng đùm bọc, cưu mang, che chở nó trong chiến tranh vệ quốc cũng như đã góp phần xây dựng, bảo vệ nó trong thời hòa bình. Đó là một quá trình phản bội và tham nhũng thối nát từ trước khi Gorbachev và Yeltsin lên nắm quyền. Nếu không có quá trình phản bội và thối nát đó thì Gorbachev và Yeltsin đã không thể lên nắm đại quyền, mà đã bị thất bại, bị loại bỏ từ vòng gửi xe.

      Đó không phải là sụp đổ của một học thuyết khoa học, cách mạng, càng không thể là sự sụp đổ về một tương lai tươi đẹp mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới.

      Ngay ở thời điểm hiện tại, một loạt nước ở tây bán cầu ngay cận kề nước Mỹ đang tìm tòi con đường và cách thức để xây dựng CNXH theo một mô hình mới, mô hình CNXH thế kỷ 21 do Tổng thống Hugo Chavez đề xướng và đang được kế thừa bởi những người kế nhiệm ở khu vực Mỹ Latinh.

      Một loạt quốc gia ở châu Âu, nhất là Bắc Âu đã và đang lấy CNXH làm mục đích và cảm hứng để xây dựng, phát triển đất nước mình. Họ gọi đó là mô hình "CNXH phúc lợi".

      Một số nước kiên trì đi theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu có tính lịch sử trong giành độc lập, hòa bình ổn định, xây dựng đất nước và phát triển xã hội.

      Những thành tựu, thành quả cách mạng của Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tạo cảm hứng cho châu Mỹ Latinh và nhiều nước châu Âu tiếp tục con đường xây dựng CNXH thế kỷ 21 và CNXH phúc lợi của họ.

      Tại Nga, từ ngày ông Putin kế nhiệm Yeltsin thì phong trào hoạt động XHCN ở Nga đã diễn ra mạnh mẽ trong cả nước. Ông khôi phục nhiều giá trị XHCN, Cộng Sản của thời Liên Xô cũ, tạo điều kiện cho những đảng phái và hội đoàn theo CNXH mà phương Tây gọi là "cánh tả" hoạt động, áp chế sự can thiệp Diễn Biến hòa bình của Mỹ, trục xuất nhiều tổ chức NGO, hoàn toàn đưa nước Nga thoát Mỹ sau thời Yeltsin và trở thành một nước hùng mạnh, phát triển với những phong trào XHCN hoạt động mạnh mẽ. Đảng Cộng Sản Nga trở thành chính Đảng lớn thứ 2 ở Liên bang Nga và nhiều đảng Cộng Sản, đảng XHCN khác tạo nên một nguồn sức mạnh giúp thúc đẩy các giá trị XHCN, hạn chế được những mặt trái của xã hội, giúp nước Nga ngày một hùng mạnh hơn.

      Xóa
  31. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  32. Qua bài viết này mới thấy được còn rất nhiều điều chúng ta chưa được biết về quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ; chúng ta thật tự hào vì chúng ta có Bác Hồ

    Trả lờiXóa
  33. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  34. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa