Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Linh hồn của Chiến dịch Tây Nguyên

(Bài Hưởng ứng Chuyên mục 
Lời dẫn của bác bạn đọc Người Đất Thép: "Tôi vừa nhận được báo biếu tháng 3-2020 của Tạp chí Sở tay Xây dựng Đảng thuộc Ban Tuyên giao Thành ủy TP HCM có bài "Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Linh hồn của Chiến dịch Tây Nguyên" của đồng chí Lê Văn Hiếu, một cộng tác viên kỳ cựu của Tạp chí.
Tạp chí này không đưa bài lên mạng. Nhận thấy bài này hay, tôi cố gắng đánh vi tính lên đây phục vụ các ban.
Lời dẫn bổ sung của Lê Hương Lan: "Cảm ơn bác Thép đã số hóa bài báo này!
Cháu sẽ đăng ngay thành bài độc lập vì Hôm nay là ngày 14/3/2010. Ngày 14 tháng 3, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời là Tổng tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã có một bước đi hết sức sai lầm khi ông ta quyết định rút quân trên toàn địa bàn Tây Nguyên để về giữ miền duyên hải Trung bộ. Ba ngày sau đó, hầu như toàn bộ Quân đoàn II Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt và tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn trên con đường số 7 định mệnh.
Đây có phải là SAI LẦM của Nguyễn Văn Thiệu không?
Theo cháu thì không phải!
Nguyễn Văn Thiệu đã CỐ Ý bỏ Tây Nguyên, bỏ Huế- Đà Nẵng.
Bởi ông ta cò kè mặc cả với ông chủ Mỹ theo kiểu đánh thuê cho chủ Mỹ:
- "Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống cộng!"
- "Mỹ viện trợ nhiều thì chống cộng nhiều, viện trợ ít thì chống cộng ít".
- "Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập"!
********

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Linh hồn của Chiến dịch Tây Nguyên
Chiến dịch Tây Nguyên (bắt đầu từ ngày 4-3 đến 3-4-1975), mật danh chiến dịch 375, là chiến dịch mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, của quân dân ta. Chiến dịch Tây Nguyên do Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (lúc đó là Thiếu tướng) là Tư lệnh và Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp là Chính ủy chiến dịch.
Khi viết cuốn sách "Tìm hiểu tổ tiên ta đánh giặc" năm 1971 ngay tại chiến trường Tây Nguyên, Giáo sư - Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã sớm nhận ra chỗ yếu và hiểm yếu của chiến trường Tây Nguyên. Đến năm 1973, khi ra Bắc họp, ông đã đề nghị với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về việc đánh Buôn Ma Thuột, chi tiết lịch sử này đã được ghi trong hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Gíap trong cuốn "Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng", trang 126: "Trong buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu ý kiến: Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Tôi rất tán thành. Sau này ý kiến đó của anh được Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đồng ý chấp thuận".
Thực hiện kế nghi binh lừa địch, khi Sư đoàn 10 đã tiến về Đức Lâp, phía Nam Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 320 đã tiến vè Ea H'leo, bắc Buôn Ma Thuột thì ta thực hiện đánh chia cắt chiến lược và chia cắt chiến dịch ở Tây Nguyên chuẩn bị cho việc "trói địch lại mà diệt". Ta đã cắt đứt đường 19, đường 14 rồi đường 21, làm cho Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị cô lập. Thế trận đã giăng. Sư đoàn 23 ngụy bị trói chân ở Pleiku - Kon Tum, các đơn vị tổng dự bị chiến lược của địch bị ghìm ở hai đầu Nam Bắc (tức Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn). Đây là một mưu kế chiến lược sáng suốt, nhìn xa trông rộng của Bộ Tổng Tư lệnh. Thời cơ để ta hạ quyết tâm tiến công Buôn Ma Thuột. 
Ngày 10-3-1975, khi những chiếc xe tăng của bộ đội ta đã cán xích trên đường phố Buôn Ma Thuột lúc đó viên tướng ngụy Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đòan 2 kiêm Tư lệnh Vùng chiến thuật 2, mới biết tin. Ông ta choáng váng vì đã quá muộn, quân ta đã làm chủ hoàn toàn Buôn Ma Thuột. 
Tổng thống chế độ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh: "Phải giữ Buôn Ma Thuột bằng bất cứ giá nào". Do đường 14 là đường duy nhất nối liền Pleiku với Buôn Ma Thuột đã bị Sư đoàn 320 cắt đứt và chiếm giữ, nên Sư đoàn 23 ngụy muốn thực hiện phản kích chỉ còn cách đi bằng trực thăng, đổ quân vào nơi ta dự kiến. Thế trận ta đã bày sẵn, Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 của ta liên tiếp đánh bại 4 trận phản kích của địch ở đường 21 phía đông Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 23 ngụy, con "át chủ bài" đã cơ bản bị xóa sổ, những cố gắng và hy vọng chiếm lại Buôn Ma Thuột của địch đã bị dập tắt. 
Ngày 23-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tham mưu ngụy đã quyết định rút bỏ Tây Nguyên và ra lệnh "tùy nghi di tản", đồng thời cho quân rút về co cụm ở ven biển miền Trung để bảo vệ lực lượng. Bộ Chính trị và Quân ủy Trng ương đã dự kiến tình hình này và đã chỉ đạo cho các đơn vị đón đánh tiêu diệt chúng. Cuộc rút chạy của quân địch đã gây ra hoảng loạn "đột biến". Sư đoàn 320 đã kịp thời truy kích, kết hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên, đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân rút chạy và bắt cả viên chỉ huy cuộc hành quân rút chạy này ngay tại thị xã Tuy Hòa.
Thắng lợi vang dội của chiến dịch Tây Nguyên đã mở ra "thời cơ chiến lược lớn", với khí thế thượng phong, quân dân ta thừa thắng chuyển mạnh sang tổng tiến công và nổi dây trên khắp các chiến trường. 
Ngày 29-3, tại Bình Định, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ra lệnh Sư đoàn 968 (Quân đoàn 3), cùng Sư đoàn 3 (Quân khu 5) tiến công địch ở các địa bàn Thủ Thiên, Lai Nghi, Phú Phong, Bình Khê, hỗ trợ nhân dân nổi dậy. 
Sau đó, sáng 30-3, Sư đoàn 3 tiếp tục tiến công các cụm quân địch còn lại ở Phú Xuân, Phú Hòa 2 và chốt chặn đường 19 không cho địch tháo chạy về Quy Nhơn. Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 đánh chiếm ga Diêu Trì và sở chỉ huy Sư đoàn 22 quân đội Sài Gòn ở An Sơn. Đêm 30-3, Trung đoàn 2 (thiếu) của Sư đoàn 3, bí mật vượt qua tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch ở Bình Định, tổ chức tuyến chốt chặn ở Diêu Trì, bịt kín đường rút lui của Sư đoàn 22 địch. Cùng với Sư đoàn 3, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 đánh chiếm núi Trà Lam Sơn (Tây Gò Quánh) diệt hai trung đoàn 3 và 44 của địch. Trung đoàn 95A đánh chiếm thị trấn Phú Phong, Sư đoàn 968 đánh chiếm núi Trà Lam Sơn và một mũi của Sư đoàn này thọc sâu đánh chiếm thị xã Đập Đá cắt đứt Quốc lộ 1. 
13 giờ ngày 31-3, quân dân ta chiếm thị xã Quy Nhơn. Tỉnh Bình Định được hoàn toàn giải phóng ngày 1-4-1975.
Tại Phú Yên, ngày 31-3, tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 nổ súng tiến công cứ điểm Hòn Một; Tiểu đoàn 8 đánh chiếm Quốc lộ 1 đoạn từ Phú Khê đi Cầu Váng Hòa Xuân. Cùng lúc bộ đội địa phương đánh chiếm cầu Ngân Sơn. Trung đoàn 48 và Trung đoàn 9, cùng lực lượng địa phương đánh chiếm thị xã Tuy Hòa ngày 31-3. Tỉnh Phú Yên được giải phóng ngày 1-4-1975.
Sáng 31-3, xe tăng Sư đoàn 6 (Quân khu 7) đập tan cuộc phản kích của địch ở Bảo Lộc, Di Linh. Trung đoàn 812 Quân khu 6 đánh chiếm Quốc lộ 20 (đoạn Di Linh). Đêm 31-3, rạng sáng 1-4, địch ở Tuyên Đức, Đà Lạt rút chạy về Phan Rang, phá sập cầu Đại Ninh hòng cản bước tiến của Trung đoàn 812 lên Đà Lạt. Tiểu đoàn 186 (E812) 8 giờ 30 ngày 3-4 và nhân dân chiếm Đà Lạt. Ngày 3-4-1975, tỉnh Tuyên Đức, Đà Lạt được giải phóng.
Tại Khánh Hòa, ngay trong đêm 30-3, bộ đội tỉnh di chuyển về Diên Khánh. Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) được lệnh cấp tốc hành quân theo Quốc lộ 21, tiến về giải phóng Nha Trang. Cùng ngày tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, Sư đoàn 320, hành quân đến Đèo Cả (đoạn Hảo Sơn) chốt chặn không cho địch tháo chạy vào Khánh Hòa. 15 giờ ngày 2-4, Sư đoàn 10 có xe tăng dẫn đầu nổ súng đánh chiếm sân bay và giải phóng thành phố Nha Trang, sau đó tiến công khu quân sự liên hiệp Cam Ranh, cuối ngày 3-4-1975, tỉnh Khánh Hòa giải phóng.
Trong chiến dịch Tây Nguyên, quân dân ta đã đập tan thế phòng ngự chiến lược của địch, mở ta một "thời cơ chiến lược lớn" tiến công địch "một ngày bằng 20 năm". Trong chiến dịch này, ta đã giải phóng 10 tỉnh (Đăc Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Đức, Phú Bổn, Lâm Đồng, Tuyên Đức và 3 tỉnh đồng bằng Trung Bộ là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa).

Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Hoàng Minh Thảo (1921 - 2008) thực sự là linh hồn của chiến dịch Tây Nguyên. Từ nhãn quan một nhà nghiên cứu quân sự, ông đã trực tiếp chỉ huy và đề ra nguyên lý: "Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời, đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời, đó là tinh hoa nghệ thuật, khoa học quân sự Việt Nam".

Lê Văn Hiếu/ Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, số tháng 3/2020
-----
Ghi chú của Google.tienlang: Trên đây, có thể bác Thép gõ nhầm hoặc tác giả Lê Văn Hiếu nhầm lẫn về thời gian trong đoạn: "Ngày 23-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tham mưu ngụy đã quyết định rút bỏ Tây Nguyên và ra lệnh "tùy nghi di tản", đồng thời cho quân rút về co cụm ở ven biển miền Trung để bảo vệ lực lượng."
Sự thật thì sau những cố gắng phản kích, tái chiếm Buôn Mê Thuột bất thành, sáng ngày 14 tháng 3/1975, Nguyễn Văn Thiệu cùng Trần Thiện Khiêm (thủ tướng), Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang, Phụ tá an ninh của Tổng thống đến Cam Ranh để họp với Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2& Quân khu 2. Tại cuộc họp kéo dài gần 2 giờ, từ 11 giờ 30 sáng đến 1 giờ trưa, Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú phải rút toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 tại hai tỉnh Pleiku và Kontum về khu vực duyên hải miền Trung (Phú Yên và Khánh Hòa) để tái phối trí lực lượng phản công chiếm lại Ban Mê Thuột.
=======

12 nhận xét:

  1. Theo lời khai của viên đại tá Phạm Duy Tất - Chỉ huy trưởng biệt động quân thuộc QK 2 của quân đội Sài Gòn được tướng Văn Tiến Dũng trích trong hồi ký "Đại thắng mùa xuân", ngày 14-3-1975, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã có cuộc họp với các tướng lĩnh ở Cam Ranh để bàn về bước đi sau khi thất trận ở Buôn Ma Thuột.
    Trong cuộc họp đó, Thiệu hỏi tướng Cao Văn Viên có còn quân trù bị để tăng cường cho Tây Nguyên thì được câu trả lời không còn. Thiệu lại hỏi Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 rằng, nếu không tăng viện thì giữ được bao lâu. Phú trả lời giữ được 1 tháng với điều kiện yểm trợ không quân tối đa, tiếp tế đường không đầy đủ để bù đắp thiệt hại của những trận vừa qua. Phú thề sẽ tử thủ ở Pleiku nếu được đáp ứng các điều kiện trên. Thiệu nói ngay cả việc tiếp tế đường không cũng không thể đáp ứng và kết luận rằng phải rút khỏi Kon Tum, Pleiku để bảo toàn lực lượng, lấy quân đưa về giữ đồng bằng ven biển, tiếp tế thuận lợi hơn. Tướng Cao Văn Viên nói rằng trong lịch sử chiến tranh Đông Dương chưa có lực lượng nào rút theo đường 19 mà không bị diệt còn đường 14 thì càng không thể được. Những người dự họp cho rằng chỉ có đường 7 từ lâu không dùng đến, tuy xấu, nhưng như vậy có thể tạo yếu tố bất ngờ giúp cuộc rút lui an toàn.
    Ngày 15-3 Quân đoàn 2 ngụy bắt đầu rút khỏi Tây Nguyên với liên đoàn biệt động số 6, liên đoàn biệt động số 23 và lữ đoàn kỵ binh số 2 làm nhiệm vụ bảo vệ đường, liên đoàn công binh đi trước để chữa đường, bắc cầu. Trước đó, đêm 14-3, Bộ chỉ huy tiền phương QĐ 2 ngụy đã rút về Nha Trang.

    Vì sao Thiệu quyết rút khỏi Tây Nguyên?
    Nhận xét về rút khỏi Tây Nguyên của quân đội Sài Gòn, trong hồi ký "Đại thắng mùa xuân", Đại tướng Văn Tiến Dũng viết "...trong ký ức tôi hiện lên nhiều hình ảnh rút chạy của địch trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ: cảnh tháo chạy của Sáctông và Lơpagiơ trên đường số 4 hồi Chiến dịch Biên giới, cảnh tháo chạy của Trung đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh năm 1968, của Sư đoàn 1, các lữ đoàn dù và thủy quân lục chiến ngụy ở đường 9 nam Lào năm 1971, của Sư đoàn 3 ngụy ở Quảng Trị năm 1972. Địch đã nhiều phen rút chạy trước sức tiến công của ta và thường áp dụng những thủ đoạn nghi binh khác nhau khi rút. Nhưng giờ đây, cả một quân đoàn chủ lực của ngụy rút chạy hộc tốc, bỏ cả Tây Nguyên địa bàn chiến lược rất quan trọng thì sao? Theo lệnh ai? Hai đòn sấm sét đánh ở nam Tây Nguyên đã làm rung chuyển quân địch đến thế ư? Đúng là đòn đánh trúng huyệt, địch bắt đầu ngấm, chỉ sau có mấy ngày. Đúng là địch đã choáng váng và rối loạn về chiến lược. Lại một sai lầm nữa rất lớn về chiến lược của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Tiếp theo
    Người quyết rút bỏ Tây Nguyên là TT ngụy quyền SG Nguyễn Văn Thiệu. Là một sĩ quan lục quân được đào tạo bài bản theo chương trình của Pháp và trước khi bước vào chính trường, Thiệu không thể không hiểu vị trí chiến lược của Tây Nguyên. Vây thì vì sao ông ta đã quyết định như một nước cờ vậy?
    Trong cuốn sách "Khi đồng minh tháo chạy", Nguyễn Tiến Hưng - phụ tá của ông Thiệu đã cố gắng trả lời câu hỏi này dựa trên các sự liên quan. Theo ông Hưng, ảnh hưởng lớn nhất cho quyết định này là tình hình viện trợ quân sự của Mỹ.
    Giữa tháng 8-1974, Quốc hội Mỹ duyệt mức chuẩn chi viện trợ quân sự cho ngụy quyền Sài Gòn ở con số 700 triệu USD. Cũng thời điểm đó, theo tính toán của Bộ tổng tham nưu quân đội Sài Gòn, dự trữ đạn dược và xăng dầu đã gần cạn, nếu không có bổ sung, dự trữ đạn tồn kho chỉ đủ cung ứng được từ 30 - 45 ngày. Tướng Cao Văn Viên nói rằng: "Số đạn tồn kho sẽ hết vào tháng 6-1975 nếu không nhận được thêm viện trợ".
    Trên cơ sở đó, một số tướng lĩnh Sài Gòn dưới sự cố vấn của sĩ quan Mỹ đã đề xuất lên ông Thiệu ý tưởng rút bỏ Cao Nguyên nếu quân Giải phóng tấn công. Ông Nguyễn Tiến Hưng kể: trong cuộc họp hồi cuối năm 1974, ông đã đọc một tài liệu phân tích ảnh hưởng của mức viện trợ quân sự với khả năng chiến đấu và phân chia từng quân binh chủng. Theo đó, nếu mức viện trợ quân sự là 1,4 tỷ USD thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của 4 vùng chiến thuật. Nếu là 1,1 tỷ USD thì vùng 1 phải bỏ, Nếu là 900 triệu thì khó giữ được vùng 1 và vùng 2 chiến thuật. Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc. Nếu dưới 600 triệu thì chỉ giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long.
    Ngoài ra, từ 1-8-1974, một nhóm nghiên cứu của quân đội Sài Gòn được chuẩn tướng về hưu Ted Sarong của Úc cố vấn đã đi đến kết luận là quân đội Sài Gòn nên bỏ vùng 1 và vùng 2, tập trung lại để giữ một tuyến từ Tây Ninh tới Nha Trang.
    Như vậy, quyết định rút khỏi Cao Nguyên của ông Thiệu ít nhất đã được xem xét từ trước đó vài tháng nhưng không phải dựa trên những cân nhắc chiến lược chiến thuật quân sự mà chỉ dựa trên số lượng viện trợ quân sự Mỹ. Qua đó cho thấy rõ tính chất phụ thuộc của quân đội Sài Gòn vào Mỹ.

    Theo Trần Vũ (Người đưa tin)

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Các bài viết và các bình luận đều hay. Ủng hộ hết mình.

    Trả lờiXóa
  5. Ngày vui toàn thắnglúc 13:01 15 tháng 3, 2020

    Bác Thép có đề cập đến hồi ký Đại Thắng Mùa Xuân của cố Đại Tướng Văn Tiến Dũng. Đây là hồi ký được xuất bản chỉ một năm sau ngày cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 giành toàn thắng. Xin đăng lại đoạn bác Thép đã đề cập bên trên:
    Đại tá ngụy Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng biệt động quân thuộc Quân khu 2 khai với ta về cuộc rút chạy của quân ngụy ở Tây Nguyên như sau: "Chiều 14 tháng 3, lúc tôi đang đến các đơn vị xem lại tình hình phòng thủ Pleiku thì Bộ Tư lệnh Quân đoàn gọi đi họp tại văn phòng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn. Phú cho biết vừa đi họp tại Cam Ranh với Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên và Đặng Văn Quang. Phú thuật lại cuộc họp: Thiệu hỏi Viên: - Còn quân trù bị để tăng cường cho Quân đoàn 2 không? Viên trả lời: - Không còn. Thiệu quay hỏi Phú: - Nếu không có quân tăng viện, anh giữ được bao lâu? Phú trả lời: - Tôi có thể giữ được một tháng với điều kiện không quân yểm trợ tối đa, tiếp tế bằng không vận đầy đủ nhu cầu về vật liệu vũ khí, đạn dược, bổ sung quân số đủ bù số thiệt hại nặng vừa qua. Tôi sẽ ở lại Pleiku chiến đấu và tôi sẽ chết ở đấy. Thiệu nói các điều kiện đó không thoả mãn được, mà Quân giải phóng thì đang đánh mạnh cho nên phải rút khỏi Kon Tum, Pleiku để bảo toàn lực lượng, lấy quân đưa về giữ đồng bằng ven biển, tiếp tế thuận lợi hơn. Thiệu lại nói: - Rút bằng đường số 19 được không? Viên trả lời- Trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, chưa có lực lượng nào rút theo đường số 19 mà không bị tiêu diệt. Thiệu hỏi thêm: - Thế thì đường số 14 ra sao? Viên đáp: - Đường số 14 lại càng không thể đi được. Mọi người dự họp thấy chỉ còn con đường số 7, từ lâu không dùng đến, tuy xấu nhưng tạo được yếu tố bất ngờ. Chuẩn tướng Tư lệnh phó Quân đoàn 2 Trần Văn Cẩm hỏi: - Còn các tỉnh trưởng, lực lượng địa phương và dân chúng có tổ chức cho họ rút không? Phú trả lời: - Theo lệnh ông Thiệu, bỏ lực lượng này lại, không được thông báo cho các tỉnh trưởng, cứ để họ tiếp tục chống giữ. Khi chúng ta rút xong, ai biết thì biết. Địa phương quân toàn là người Thượng thì trả chúng về với cao nguyên. Sau khi trình bày xong, Phú ra lệnh cho Cẩm và Lý, Tham mưu trưởng quân đoàn làm kế hoạch rút lui. Sáng ngày 15 tháng 3, Phú và Bộ Tham mưu chính của Quân đoàn 2 rút bằng máy bay về Nha Trang lấy lý do là để thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương chỉ huy tác chiến lấy lại Buôn Ma Thuột. Thế là Phú không tử thủ ở Pleiku như đã hứa. Những đơn vị chuyên môn rút về Phú Bổn mang theo gia đình họ. Việc này làm cho dân chúng thấy rõ ý định bỏ Pleiku. Từ đó sĩ quan binh lính khiếp sợ và gia đình họ ùn ùn kéo vào sân bay, tranh nhau lên máy bay, gây nên sự hỗn loạn. Người nào không vào được sân bay thì dùng đủ các loại xe chạy về Phú Bổn. Đường sá tắc nghẽn, quân lính tranh nhau đường đi, chửi bới, đánh nhau ầm ĩ, gây thêm nhiều cảnh hỗn loạn trên đường. Trong khi đó Liên đoàn biệt động quân 22 cũng rút khỏi Kon Tum. Tới Thanh An, Liên đoàn 25 bị Quân giải phóng đuổi kịp tập kích dữ dội, gây thiệt hại nặng. Theo kế hoạch, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và các đơn vị tác chiến phải lập tuyến phòng thủ tại Phú Bổn chờ các đơn vị cơ giới nặng và các bộ phận chuyên môn qua trước. Khi các lực lượng này tới Phú Bổn ngày 16 tháng 3 thì họ mệt mỏi, chán chường quá, cho nên họ dừng lại không đi nữa. Họ không những ở trong thị xã mà người và xe cộ còn ngổn ngang cả trên đường quanh thị xã. Giao thông trong thị xã bị tắc nghẽn vì lính dồn về đông, trong lúc đó xe cộ cứ tiếp tục ùn về. Binh lính bắt đầu phá phách, cướp bóc trong phố, gây nên cảnh tượng rất hỗn loạn. Ngày 16 tháng 3, Quân đội giải phóng bắt đầu tiến công một đơn vị của Tiểu đoàn 23 biệt động quân trên đèo Ban Blếch, gây thiệt hại nặng. Ngày 17 tháng 3, Quân giải phóng lại pháo kích vào Ban chỉ huy tiểu khu trong thị xã Phú Bổn, gây thiệt hại đáng kể cho Liên đoàn 23. Lúc này các đơn vị địa phương quân thuộc Phú Bổn đã tan rã, tự động bỏ ngũ chạy làm cho tình hình thị xã rối thêm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày vui toàn thắnglúc 13:03 15 tháng 3, 2020

      Quân giải phóng lại tiến công và chốt đoạn đường từ phía đông thị xã Phú Bổn đến đèo Tu Na, làm cho tình hình phòng thủ Phú Bổn suy sụp nhanh chóng. Chiều 17 tháng 3, Liên đoàn 7 gọi không quân yểm trợ. Một đoàn máy bay A.37 đến ném bom lại trúng vào quân của Liên đoàn, một tiểu đoàn gần như bị tiêu diệt. Sáng 18-3 lại bị Quân giải phóng đánh một trận nữa, liên đoàn này thiệt hại nặng, chỉ có một số rất ít vượt qua được điểm chốt. Quân giải phóng tiến vào chiếm Phú Bổn. Phú ra lệnh cho chúng tôi bỏ hết vũ khí nặng và quân dụng, chạy khỏi Phú Bổn. Tôi ra lệnh cho quân bỏ lại hết xe cộ, đại bác, đi bộ vòng rừng không qua đèo. Thiết đoàn 3 cũng bỏ hết xe chạy vào rừng sau khi bị Quân giải phóng chặn đánh nhiều lần. Quãng đường từ đèo Tu Na đến quận Sơn Hoà, các tàn quân phải lẩn trốn, chui rúc trong rừng. Sỹ quan, binh lính lại mang theo gia đình, hàng trăm, hàng nghìn người kéo sau, ồn ào, lộ mục tiêu. Quân giải phóng truy kích sát cho nên chúng tôi bị tan tác, thiệt hại rất nhiều. Binh lính mệt mỏi, không có chỉ huy, bỏ cả vũ khí, máy móc trên đường chạy. Quân ở quận Phú Túc và các đồn địa phương đều ra hàng hoặc rã ngũ, và các nơi đó đều bị Quân giải phóng đánh chiếm. Liên đoàn 6 biệt động quân là cánh quân đi sau cùng và có trách nhiệm hướng dẫn tàn quân các đơn vị khác về Sơn Hoà. Sáng 20 tháng 3, Quân giải phóng bắt đầu tiến công bất ngờ đơn vị đầu tiên của Liên đoàn 6, gây thiệt hại đáng kể. Những ngày kế tiếp, Liên đoàn rút chạy nhưng vẫn bị truy kích và bị đón đánh liên tiếp, chỉ còn một số rất ít chạy được về Tuy Hoà. Quân giải phóng vận động nhanh qua phía đông thị xã Phú Bổn, chốt chặn con đường lên đèo Tu Na, đã quyết định sự thất bại cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên của quân đội Sài Gòn. Thế là rõ. Trận Buôn Ma Thuột hiểm và mạnh quá, tiếp đến trận đánh diệt quân viện Sư đoàn 23 ở phía đông Buôn Ma Thuột nhanh và gọn quá làm cho địch hốt hoảng, rối loạn không những ở cấp sư đoàn, quân khu mà chính là động đến cơ quan đầu não của nguỵ quyền Sài Gòn. Từ sai lầm về chiến thuật, chiến dịch, bị ta đánh đau quá địch đi đến sai lẩm về chiến lược; nguỵ quyền Sài Gòn hoảng hốt ra lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên, đưa quân về đồng bằng hòng giữ lực lượng và giữ đất. Nhưng nào có đưa được lực lượng về đâu, có giữ được đất nữa đâu! Ta đã diệt chúng trên đường rút chạy. Mà đã sai lẩm về chiến lược rồi thì thất bại trong chiến tranh là điều chắc chắn, không sớm thì muộn. Chính chúng ta đã đưa địch đến sai lầm đó, biết tạo và nắm thời cơ, thúc đẩy quá trình thất bại của địch, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh. Ta nhanh hơn lên, quyết đoán hơn lên, táo bạo hơn lên, chủ động hơn lên, thừa thắng xông lên thì chắc chắn là ta thắng cuộc.

      Xóa
  6. Đọc bài này rồi đọc các nhận xét của bác Thép, của bác Ngày vui toàn thắng, tôi tin chắc ai ai cũng vui khi nhớ lại những ngày này năm 1975.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó, người dân Việt Nam ai cũng vui khi nghĩ về ngày đại thắng 30/4/1975

      Xóa
  7. Các bạn thân mến,
    Tôi xin nêu một vấn đề để trao đổi:
    Đại tướng Văn Tiến Dũng viết trong sách "Đại thắng mùa xuân" nhắc lại cảnh tháo chạy:
    - Của Sáctông và Lơpagiơ trên đường số 4 trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 (cả hai tên sĩ quan này của Pháp đều bị ta bắt làm tù binh). Chiến dịch này rất quan trọng nên Bác Hồ cùng ra trận động viên bộ đội, dân công và chỉ đạo...
    - Cảnh tháo chạy của Trung đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh năm 1968. Nên nhớ quân Mỹ có đầy đủ thực lực quân sự từ máy bay ném bom cả B52, xe tăng, và chúng sợ xảy ra Điện Biên Phủ thứ hai ở đây đã định dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhưng rồi sợ Liên Xô nên không dám.
    -Sư đoàn 1, các lữ đoàn dù và thủy quân lục chiến ngụy ở đường 9 nam Lào năm 1971. Chiến dịch này tên đại tá Thọ chỉ huy lữ đoàn dù bị ta bắt làm tù binh.
    -Sư đoàn 3 ngụy ở Quảng Trị năm 1972.
    -Cũng xin nhắc trận Điện Biên Phủ năm 1954, địch có chủ trương tháo chạy nhưng ta đã khóa chúng lại để tiêu diệt.
    -Và cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên của Quân đoàn 2 ngụy năm 1975 này nữa.
    Trong quân sự bên đồn trú có công sự, chủ động, tức địch có ưu thế hơn bên ta tấn công phơi lưng trên mặt đất.
    Về vũ khí khí tài bên địch luôn được trang bị đầy đủ dồi dào hơn.
    Bên ta hoàn toàn không có không quân yểm trợ, bên địch thì đây là lợi thế rất lớn trong chiến đấu.
    Vậy mà địch không chỉ một vài lần mà hàng chục lần phải tháo chạy tán loạn khi bị ta tấn công.
    Nên có thể nói rằng quân đội địch có truyền thống thua chạy hổn loạn phải không?
    Cũng cần nhắc lại khi thành lập Quân đội ta chỉ có 34 người với số vũ khí thô sơ. Thế mà càng đánh càng giành thắng lợi, càng phát triển lớn mạnh và chiến thắng kẻ thù mạnh thuộc loại có tầm cỡ thế giới.
    Vì sao quân đội cách mạng có sức mạnh như thế? Có phải đó là do có Đảng Cộng sản lãnh đạo, có Bác Hồ rèn luyện giáo dục tạo nên sức mạnh ấy?
    Và một yếu tố cốt lõi căn cơ của sức mạnh này là có chủ nghĩa Mác Lênin soi đường cho Đảng Cộng sản Việt Nam tạo nên sức mạnh cho cách mạng Việt Nam?
    Thế nên nhân dân Việt Nam luôn nhớ ơn Đảng Cộng sản Việt Nam, nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho công cuộc cách mạng xây dựng đất nước hiện nay!

    Trả lờiXóa
  8. THÔNG BÁO
    Tôi vừa gửi bài "TƯỢNG ĐÀI LENIN TẠI NGA", bài đăng trên THÔNG TIN THAM KHẢO tháng 3-2020 vào Status "DÂN NGA ĐÃ TỪ BỎ LENIN TỪ 30 NĂM QUA - Sự Xuyên Tạc Bịa Đặt Của Những Kẻ Thiếu Hiểu Biết" - Ngày Thứ Bảy 29-2-2020.
    Mời các bạn vào xem.

    Trả lờiXóa
  9. Có thể nói: thắng lợi vang dội của chiến dịch Tây Nguyên đã mở ra "thời cơ chiến lược lớn", với khí thế thượng phong, quân dân ta thừa thắng chuyển mạnh sang tổng tiến công và nổi dây trên khắp các chiến trường.

    Trả lờiXóa
  10. Việt Nam đã đánh thắng đế quốc Mỹ bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; vì vậy chúng ta phải đoàn kết để giữ vững biên cương và giữ vững thành quả cách mạng đã đạt được.

    Trả lờiXóa