Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Phần 3: NGƯỜI LÍNH GIẢI PHÓNG TRONG CON MẮT SĨ QUAN NAM HÀN

Cảm ơn Trần Thị Hương Ly giới thiệu bài viết cảm động này...
Tôi rất muốn tìm hiểu về lịch sử cha ông qua những trang viết của những người ở phía bên kia. Họ đã nghĩ gì, làm gì với cha ông chúng ta?
Đọc những dòng hồi ký này, thật khó cầm được nước mắt. Cha ông mình anh dũng quá khiến những tên lính ngoại bang phải run sợ....
Dưới đây là những dòng hồi ký của Kim Jin Sun- một cựu chiến binh Nam Hàn đã tham chiến ở Việt Nam trong biên chế sư đoàn Mãnh Hổ. Ông đã về hưu với quân hàm Đại tướng.
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, tướng Kim giữ chức Đại uý, Đại đội trưởng Đại đội 11 trong sư đoàn Mãnh Hổ. Ông khá được trọng dụng vì "chỉ biết truy tìm và diệt Việt Cộng (VC)" với biệt danh "tướng cướp rừng xanh"...

Tuy nhiên qua hồi ký này người đọc sẽ thấy những gì diễn ra trong cuộc chiến ở Việt Nam đã làm tướng về hưu Kim Jin Sun phải suy nghĩ và ân hận trong giai đoạn cuối đời. 
====

Hồi ký Kim Jin Sun (phần 3)
Đúng 12 giờ đêm, ngày 7 tháng 6 năm 1970 đạn cối bất ngờ rơi xuống đại đội tôi. Quân Việt Cộng tấn công. Thực ra thì việc dùng pháo cối để tấn công một đơn vị tiền tiêu như đại đội của tôi là một việc làm rất không có hiệu quả. Bởi vì họ có nhiều mục tiêu quan trọng hơn để tấn công. Những quả đạn cối đã khó khăn lắm mới được vận chuyển từ Hà Nội xa xôi tới đây.
Trong khi chúng tôi còn đang chuẩn bị chiến đấu thì đã có những tiếng nổ từ phía doanh trại quân nguỵ Sài gòn nằm cách đó khoảng 400m. Để hiểu thêm về tình hình bên đó, tôi đã vào mạng vô tuyến của họ. Trên đó đầy những âm thanh gấp gáp: “VC, VC, VC”. Đó chính là tín hiệu cho thấy quân VC đã lọt vào căn cứ của quân nguỵ Sài gòn.
Theo suy nghĩ của tôi thì quân VC đã đồng thời tấn công cả chúng tôi lẫn quân VNCH. Tình hình rất khẩn cấp và cũng rất phức tạp. Liệu mục tiêu chủ yếu của đối phương là căn cứ nào?
Theo tôi, trong chiến đấu nhiều khi phải dùng cảm giác chứ không phải lúc nào cũng có thể dùng lý luận mà phán đoán. Đầu tiên tôi xác định xem VC có tấn công căn cứ của chúng tôi hay không. Ngay sau khi xác định được là VC không tấn công chúng tôi, tôi đã đơn phương thông báo cho quân VNCH biết là tôi sẽ pháo kích vào căn cứ của họ. Và chúng tôi bắt đầu bắn một cách vô tội vạ vào căn cứ của họ. Chúng tôi đã bắn đạn cối đến đỏ rực cả trời. Đồng thời khẩu đội pháo 155mm trong đại đội cũng bắn đạn nổ trên không lên khắp khu vực xung quanh.
Theo mệnh lệnh của tôi, khu vực xung quanh cứ của quân VNCH đã biến thành bãi máu và những mảnh da thịt rơi vãi. Trong chốc lát, xung quanh căn cứ bị bao trùm bởi đạn phát sáng, bởi những chớp đạn, bởi những tiếng nổ dữ dội và mùi thuốc đạn nồng nặc. Cứ như cảnh ma quỷđang tụ họp để phân định sự sống và cái chết. Rõ ràng là những linh hồn chết trước và những linh hồn chết sau đó đang cùng nhau than khóc trong khói bụi và làn mưa đạn.
Khi ánh chớp lửa đạn ít dần đi, căn cứ của quân VNCH bị bao phủ dầy đặc bởi làn khói bụi. Trong lồng ngực tôi, người đã chứng kiến từ đầu trận bắn giết tơi bời đó,là cảm giác căng thẳng tột cùng. Thật lòng mà nói, là một người lính Hàn quốc, tôi không quan tâm lắm tới việc ở đó bên nào bị chết. Điều quan trọng là chúng tôi vẫn được an toàn.
Đến sáng sớm tôi ra lệnh ngừng pháo kích. Ngay lập tực một cảm giác im lặng rợn người bao quanh toàn khu vực. Theo phán đoán của tôi thì trong trận pháo kích đó, không còn ai sống sót. Ngay khi trời sáng, tôi dẫn đại đội tiến sang bên căn cứ quân VNCH. Chúng tôi đi trong trạng thái rất căng thẳng. Xung quanh im lặng như tờ. Chỉ nghe rõ có tiếng chân của đại đội đang tiến một cách thận trọng. Liệu có bao nhiêu xác chết ở đó? Sau khi tiến vào căn cứ của quân VNCH, tôi cho bắn pháo hiệu quân nhà lên.
Thế là bắt đầu nhô lên những cái đầu đang ẩn kỹ trong căn cứ. Sau khi xác định được chúng tôi, họ bắt đầu chạy tới, vừa giơ súng lên trời vừa la hét. Họ hôn chúng tôi, ôm lấy và nhẩy vòng tròn trên đất. Đại đội trưởng VNCH cũng chạy tới chỗ tôi, ôm chầm và hôn lấy hôn để trên mặt. Có nhiều tình huống trên chiến trường không thể dùng lời mà diễn tả hết được. Đây chính là lúc như vậy. Hoan hỉ, cảm kích, vui vẻ, xúc động, cuồng nhiệt... Không có một lời nào có thể tả hết được hình ảnh vừa sung sướng vừa khiếp sợ của những người lính Sài gòn lúc đó.
Họ đã phải chịu một cơn mưa đạn pháo suốt đêm. Và họ cũng đã phải trải qua một thời gian dài trong nỗi sợ hãi giữa sự sống và cái chết. Trong tình cảnh đó, điều duy nhất mà họ có thể làm được là gửi sinh mạng cho ông trời, còn bản thân thì cố làm sao ẩn nấp được càng kỹ càng tốt.
Bên ngoài hàng rào, tứ phía là bông băng. Vết máu từ thương binh kéo dài cho đến tận hang Đầu Voi. Có vẻ quân VC đã thiệt hại khá nặng. Căn cứ của quân đội Sài gòn được bao bọc bở i6 lớp hàng rào giây thép gai. Những người lính VC bò vào dưới hàng rào đó chỉ mặc mỗi một chiếc quần cộc đen và toàn thân cũng nguỵ trang bằng một màu đen. Có một điều rất đặc biệt là quân VC không có ai đem theo súng cả. Họ chỉ đem theo thủ pháo được chế tạo thủ công từ những hộp lương khô C. Họ bò vào căn cứ và kéo theo sau những túi mây trong đó đựng khoảng 20 quả thủ pháo.
Chiến thuật của họ là trong khi quân VNCH còn đang sợ hãi ẩn nấp trước làn đạn súng máy bắn yểm hộ từ bên ngoài thì họ bò qua hàng rào vào căn cứ và cho mỗi hầm một quả thủ pháo. Chính vì vậy, những khẩu súng vướng víu không được đem theo. Họ coi lính cộng hoà chẳng khác nào bù nhìn và chiến thuật của họ là tiêu diệt hết và sau đó cướp lấy vũ khí.
Điều làm tôi khâm phục nhất là tinh thần chiến đấu của quân giải phóng. Họ xâm nhập vào căn cứ được bảo vệ bằng lớp rào thép gai vững chắc mà chỉ mang theo có thủ pháo. Đây là hành động không phải chỉ do mệnh lệnh. Đằng sau mệnh lệnh về phục tùng của quân đội là điều gì đó mãnh liệt hơn thôi thúc họ. Sứ mệnh đánh đuổi hết ngoại xâm đã ăn sâu vào tận xương tuỷ của mỗi người dân VN, mỗi người lính giải phóng. Vì vậy họ đã có một tinh thần chiến đấu ngoan cường như vậy.
Tôi đã phải chơi trò sinh tồn suốt1 năm trời với khoảng một đại đội quân giải phóng như vậy đấy.
Một hôm, một chiếc xe chở đầy các cô gái đỗ xịch trước cổng căn cứ đại đội. Các cô gái hướng tới lính của tôi vừa vẫy tay vừa la hét. Lính của chúng tôi cũng hò hét đáp lại thành ra làm cả một vùng xung quanh căn cứ náo loạn cả lên. Nhưng khi những người đàn ông bước vào căn cứ thì tôi nhận ra họ là các quan chức địa phương của chính quyền Sài gòn mà ngày thường tôi biết rất rõ. Với vẻ ngạc nhiên ra mặt, tôi đón họ vào trong phòng khách.
Họ nói với tôi rằng nhờ sự chiến đấu dũng cảm của đại đội 11 mà họ được sống một cách yên ổn, vì vậy nên họ muốn tặng các cô gái kia cho đại đội làm quà. Tưởng là họ đem đoàn biểu diễn đến phục vụ đại đội nên tôi cảm ơn và hỏi đùa rằng làm quà nghĩa là như thế nào. Lời của các quan chức đó là hãy cho lính của đại đội vui chơi với các cô gái đó. Binh lính VNCH thường sinh sống cùng gia đình trong các doanh trại. Có lẽ vì đó mà các quan chức địa phương đã nghĩ ra việc làm này.
Tôi đề nghị với họ là nếu thật lòng muốn như vậy thì hãy sử dụng ngôi làng trống ởở phía trước căn cứ. Nhưng họ nói rằng như vậy sẽ phiền toái. Họ bảo rằng họ là quan chức địa phương, nếu có lời đồn đại ra ngoài thì rất khó xử. Trong khi tôi còn đang nói chuyện thì lính của tôi đã ào ra hò reo ầm ĩ, còn các cô gái thì vẫy tay và hò hét loạn xạ.
Đạo đức và luân lý lúc này đối với chúng tôi có thể chỉ là giả tạo. Tôi liền cho gọi các trung đội trưởng lại để hỏi ý kiến. Vàý kiến của các trung đội trưởng cũng phức tạp không kém. Hai trung đội trưởng thì bảo rằng “Đang trong chiến tranh mà, có gì mà đại đội trưởng phải lo nghĩ. Chỉ quyết một cái là xong ngay”. Nhưng hai người khác lại phản đối. Tất nhiên để cho phụ nữ ra vào căn cứ là một việc làm sai trái.
Trong căn cứ của đại đội còn có 3 tổ lính dù, và có cả đơn vị pháo binh nữa. Tôi cũng không hy vọng là sự việc sẽ giữ được trong bí mật mà chỉ mong họ hiểu rằng đây là một việc làm không đúng và hãy biết như vậy là đủ rồi. Tôi và các trung đội trưởng quyết định cùng quên việc binh lính dưới quyền đang làm gì và cùng các quan chức địa phương đó ngồi uống bia nói chuyện trong một căn phòng nhỏ phía sau.
Nhưng sau này tôi mới biết rằng các cô gái đó đã nhận tiền từ lính của tôi và họđã phải nộp một phần số tiền đó cho các quan chức địa phương. Hay nói cách khác, các quan chức địa phương đã làm cái trò của ma cô để kiếm lấy chút tiền. Không bao giờ và sẽ không bao giờ là quà tặng như họđã nói với tôi lúc đầu.
Tôi đã từng đi săn nhưng không có khoái cảm nào tuyệt vời bằng khoái cảm giết người trên chiến trường. Khi nhìn thấy đối phương bị giết, chúng tôi có một cảm giác hân hoan khó tả. Vì thế, chúng tôi có thể đặt chân lên xác người mà chụp ảnh, có thể ngồi lên cái xác đó vừa nói chuyện vui vẻ. Không thể có một chút gì gọi là nhân tính con người.
Nội dung nói chuyện vô tuyến khi phục kích được quân địch cũng rất đơn giản: Bấm chưa?
Bấm rồi ạ. -Xong chưa? -Vâng, chỉ nghe thấy tiếng rên thôi ạ.
Mấy thằng tất cả? -Khoảng 5, 6thằng gì đó. -Quăng thêm lựu đạn vào.
Nếu không phải là chiến tranh, không phải là những người như chúng tôi thì có thể vừa giết người xong lại nói những lời như trên không? Có lẽ những người có suy nghĩ bình thường sẽ nghĩ tôilà một thằng điên, một thằng đầy thú tính.
Chiến trường VNlà nơi chúng tôi đã sống với bản năng dã man. Quân Mỹ cũng không phải là bạn của tôi, người VN lúc đó cũng không phải bạn của tôi, những quân nhân Hàn quốc chỉ nhăm nhăm kiếm tiền và giả tạo chiến công cũng chỉ là đối tượng cho sự căm phẫn của tôi. Lúc đó trong tôi không còn chỗ cho tình cảm loài người hay những khái niệm phức tạp khác. Tôi trở thành người chỉ biết chém giết. Cuộc sống của tôi là những bữa nhậu vui vẻ mỗi khi thắng trận.
Tôi đã không thể kìm được nước mắt khi “ông rậm râu”, hạ sĩ Kim bị tử trận. Không còn cách nào làm vơi đi nỗi sầu, tôi đã dẫn đại đội đi nhổ một cây dừa thật to về trồng trong căn cứ. Trước khi lên đường tôi và hạ sĩ Kim chỉ nói với nhau mấy câu đơn giản thế này:
-Có phải Dae Yong là phân đội trưởng phân đội dẫn đầu không? -Vâng, đúng ạ. -Làm ăn cẩn thận nhé! Có tự tin không? -Vâng tôi rất tự tin. Trên khuôn mặt râu mọc rậm rì của anh ta nở một nụ cười thận trọng. Nhưng thật bất hạnh, viện phân đội trưởng đó lại bị chết bởi đạn của đại đội10 bắn nhầm. Tôi tức giận đến nỗi muốn đem bắn bỏ hết cả đại đội 10 đó. Tôi không thể chịu nổi chuyện thuộc hạ của mình lại chết bởi tay chính quân mình. Vì thế nên khi cậu lính bắn nhầm đến đại đội để xin lỗi, tôi đã chửi mắng và đánh, thậm chí tôi còn định lấy súng bắn chết anh ta nữa.
Khoảng 12 giờ đêm ngày 6 tháng 10 năm 1970 trong phòng nghỉ của đại đội, tôi đang lên lớp cho các đại đội trưởng. Nhưng không hiểu sao, hôm đó trong khi còn chưa nói thì tôi bỗng nhiên bảo với các trung đội trưởng “tất cả đứng dậy ra ngoài”. Đúng vào lúc tất cả ra ngoài, một trái đạn pháo không giật 75mm rơi trúng vào chiếc bàn chữ Tmà tất cả vừa ngồi họp. Quả đạn làm nổ tung chiếc bàn. Tiếp theo đó một quả đạn khác bắn trúng vào cửa sổ lán của trung đội 1, một quả khác vào kho 24 đang trong lúc dọn dẹp, một quả khác vào phòng y tế trong lúc đang bật đèn làm việc. Tất cả đều chính xác 100%. Tôi không thể không khâm phục tài bắn đêm của pháo binh quân giải phóng. Tất nhiên họ không được phép bắn trượt bởi mỗi quả đạn được vận chuyển từ tận Hà nội là vô cùng quý giá. Nhưng dù sao việc bắn chính xác 100% vào ban đêm cũng khiến người ta kinh ngạc.
Tôi và các trung đội trưởng đều sống sót, nhưng hai lính đang làm việc thì một người bị chết, còn một bị thương. Một lính khác đã bị cụt chân trong khi đang ngủ gác chân lên bệ cửa sổ lán y tế do bị đạn pháo không giật 57mm xuyên qua đúng chân. Mới sáng nay anh ta còn nhẩy tưng tưng. Anh lính bị cụt chân vừa mếu máo khóc lóc, vừa than thở không có chân thì làm sao sống được. Nhưng chúng tôi không thể chỉ ngồi nhìn anh ta than vãn, bởi vì trước mắt còn có những trận đánh mới.
Tôi đã cho bắn khoảng 1000 quả đạn cối vào nơi nghi ngờ là trận địa pháo của quân giải phóng. Sáng sớm hôm sau tôi cho pháo bắn ra xa hơn và cùng bộ binh đi lùng sục. Nhưng mưu trí của quân giải phóng lại một lần nữa khiến tôi kinh ngạc. Để chống lại trận phản pháo của chúng tôi, họđã ẩn nấp vào trong những căn hầm chữ T được đào bên cạnh những giao thông hào cớ từ thời đánh Pháp. Và tới sáng họ mới rút khỏi nơi này. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ mảnh đạn pháo rơi trúng chiếc bàn chữ T làm kỷ niệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét