Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Lưu trữ: TOÀN VĂN BÀI PHÁT BIỂU CỦA TT NGA V.PUTIN

TOÀN VĂN BÀI PHÁT BIỂU CỦA TT NGA V.PUTIN
Tại Diễn đàn Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/09/2015

(Bản dịch của Đại tá Lê Thế Mẫu)

Thưa ngài Chủ tịch kính mến! Thưa ngài Tổng thư ký kính mến! Thưa người đứng đầu quốc gia và các chính phủ kính mến! Thưa các quý vị!
Sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc (LHQ) là dịp tốt để chúng ta vừa nhìn lại lịch sử và vừa bàn thảo về tương lai chung của thế giới. Năm 1945, tất cả các nước đã từng đập tan chủ nghĩa quốc xã cùng phối hợp nỗ lực để tạo ra nền tảng vững chắc cho một cấu trúc thế giới sau chiến tranh.
Tôi nhớ lại, những quyết định then chốt về các nguyên tắc tương tác giữa các quốc gia, những quyết định về việc thành lập LHQ được thông qua ở đất nước chúng tôi tại Hội nghị Yanta của nguyên thủ các nước trong liên minh chống Hitler. Hệ thống Yanta đã từng bị tổn thất và trả giá bằng sự sống của hàng chục triệu người, hai cuộc chiến tranh thế giới trên hành tinh chúng ta trong thế kỷ XX. Xét về mặt khách quan hệ thống đó đã giúp loài người trải qua những biến cố đầy sóng gió và bi kịch trong 7 thập niên qua và bảo vệ loài người trước những tác động và rung chuyện lớn lao.
LHQ là một cơ cấu với tính hợp pháp, tính đại diện và tính toàn cầu không có một tổ chức nào có thể sánh kịp. Cũng cần phải nói rằng trong thời gian gần đây đã có không ít ý kiến phê phán nhằm vào LHQ, dường như tổ chức này đang thể hiện sự thiếu hiệu quả còn việc thông qua những quyết định có tính nguyên tắc lại dựa vào những mâu thuẫn không thể vượt qua được, trước hết là giữa các thành viên của Hội đồng bảo an.
Tuy nhiên tôi muốn lưu ý rằng những mâu thuẫn trong LHQ đã từng có trong suốt quá trình 70 năm tồn tại của tổ chức này và quyền phủ quyết đã từng được áp dụng và được Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Liên Xô và Nga hiện nay sử dụng.
Đó là một sự thật hiển nhiên đối với một tổ chức đại diện và đa phương như LHQ. Trên cơ sở LHQ cũng đã từng đạt được sự đồng thuận. Thực bản chất của tổ chức này chính là tìm kiếm và đưa ra những sự thỏa hiệp và nhân nhượng, còn sức mạnh của LHQ chính là ở chỗ tính đến những ý kiến và quan điểm khác nhau.
Những quyết định được đưa ra bàn thảo trong khuôn khổ LHQ đã được phối hợp và thống nhất dưới dạng nghị quyết hoặc không thống nhất được. Nói theo cách của các nhà ngoại giao là được thông qua hoặc không thể thông qua được. Như vậy mọi hành động của bất kỳ quốc gia nào bỏ qua quy tắc này đều không hợp pháp và mâu thuẫn với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế hiện nay.
Tất cả chúng ta đều biết rằng sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, thế giới hình thành một trung tâm duy nhất chiếm ưu thế. Khi đó những người đứng ở đỉnh cao của cấu trúc kim tự tháp này phát sinh tham vọng cho rằng nếu họ quá mạnh và siêu việt thì có thể biết và làm tốt hơn tất cả những người khác.
Nghĩa là họ không cần đến LHQ và đôi khi thay thế LHQ để cấm vận và áp đặt những quyết định cần thiết và dẫm đạp lên những quyết định ngăn cản họ. Đã có nhiều ý kiến cho rằng một tổ chức như của LHQ hiện nay đã bị lỗi thời và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó.
Dĩ nhiên, thế giới đang thay đổi và LHQ cũng cần phải thích nghi với sự chuyển hóa tự nhiên này. Trên cơ sở sự đồng thuận rộng rãi, nước Nga sẵn sàng tham gia công việc nhằm cùng với tất cả các đối tác tiếp tục phát triển LHQ. Nhưng chúng tôi cho rằng mọi nỗ lực nhằm làm phương hại đến uy tín và tính hợp pháp của LHQ là đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể làm sụp đổ toàn bộ cấu trúc quan hệ quốc tế hiện nay. Khi đó trên thế giới sẽ không còn một quy tắc nào cả ngoài quyền của kẻ mạnh.
Đó sẽ là thế giới mà trong đó thay vì làm việc cùng nhau thì chủ nghĩa ích kỷ sẽ ngự trị, tính áp đặt và chuyên chế sẽ ngày càng chiếm ưu thế và ngày càng ít đi sự bình đẳng, dân chủ và tự do thực sự, lúc đó thay vì những quốc gia thực sự độc lập sẽ hình thành hàng loạt nhà nước được bảo hộ và được điều khiển từ bên ngoài. Thế nào là chủ quyền quốc gia mà ở đây nhiều đồng nghiệp của chúng ta đã từng nói đến? Đây trước hết là vấn đề tự do, tự do lựa chọn số phần của từng con người, của từng dân tộc và quốc gia.
Thưa các đồng nghiệp kính mến, nhân đây xin nói về vấn đề tính hợp pháp của bộ máy quyền lực nhà nước. Chúng ta không nên làm trò chơi chữ. Trong quan hệ quốc tế và trong công việc quốc tế, mỗi một thuật ngữ đều phải dễ hiểu với tất cả mọi người, phải rõ ràng minh bạch để có một cách hiểu thống nhất và những tiêu chí được hiều một cách thống nhất. Tất cả chúng ta đều khác nhau nhưng phải tôn trọng lẫn nhau. Không ai được quyền áp đặt một mô hình phát triển đã từng được ai đó công nhận là duy nhất đúng và sẽ đúng mãi mãi.
Tất cả chúng ta không được quên kinh nghiệm của quá khứ. Chúng tôi nêu ra đây ví dụ từ lịch sử Liên Xô. Việc xuất khẩu các thí nghiệm xã hội, những nỗ lực kiềm chế sự thay đổi ở một quốc gia nào đó xuất phát từ quan điểm thường dẫn tới những hậu quả bi kịch, không tạo ra sự phát triển, không tạo ra sự tiến bộ mà là sự trì trệ. Thế nhưng dường như không ai rút ra được kinh nghiệm từ sai lầm của người khác mà chỉ lặp lại những sai lầm đó và hiện nay, như chúng ta thấy, các cuộc cách mạng "dân chủ" vẫn đang được tiếp tục xuất khẩu.
Chúng ta chỉ cần điểm qua tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi mà người phát biểu trước tôi đã từng nói đến. Tất nhiên các vấn để chính trị xã hội ở khu vực này đã chín muồi từ lâu và người dân ở đó cũng muốn có thay đổi. Nhưng trên thực tế đã xảy ra điều gì? Đó là sự can thiệp mang tính xâm lược từ bên ngoài cho nên thay vì cải cách thì các thể chế nhà nước và trật tự cuộc sống ở đó đã bị phá hủy một cách không thương tiếc. Thay vì xây dựng nền dân chủ và tiến bộ thì ở đó ngự trị bạo lực, đói khát, thảm họa xã hội và không ai quan tâm đến quyền con người, trong đó có quyền được sống.
Vì vậy tôi muốn hỏi những ai đã từng tạo ra tình hình này: “Hiện nay liệu các vị có hiểu được những gì các vị đã gây ra?”. Nhưng tôi sợ rằng câu hỏi này sẽ không có câu trả lời bởi người ta không bao giờ từ bỏ một chính sách dựa trên sự tự tin và quyền siêu việt cũng như không thể bị trừng phạt.
Lúc này chúng ta thấy một điều hết sức rõ ràng là khoảng trống quyền lực hình thành ở nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi đã tạo ra những vùng hỗn loạn được lấp đầy ngay lập tức bởi các lực lượng cực đoan và khủng bố. Hiện nay đã có hàng chục ngàn chiến binh chiến đấu dưới ngọn cờ của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”. Trong số đó có các cựu quân nhân của Iraq bị ném ra đường phố sau cuộc chiến tranh năm 2003.
Nguồn gốc của sự bất ổn còn là đất nước Libya mà ở đó thể chế nhà nước bị tàn phá do sự vi phạm Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an LHQ. Hiện nay hàng ngũ những kẻ cực đoan đang được bổ sung bởi các thành viên của cái gọi là các lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria nhận được sự hỗ trợ của phương Tây. Những lực lượng này được người ta trang bị vũ khí, huấn luyện rồi sau đó chạy sang hàng ngũ của Nhà nước Hồi giáo.
Cần phải nói thêm rằng Nhà nước Hồi giáo không hình thành từ con số không mà lúc đầu đó là công cụ để lật đổ các chế độ cầm quyền không thích hợp. Sau khi tạo ra địa bàn ở Syria và Iraq, Nhà nước Hồi giáo bắt đầu ráo riết bành trướng sang các khu vực khác với tham vọng giành quyền bá chủ trong thế giới Hồi giáo và không chỉ ở khu vực đó. Họ không dừng lại ở những kế hoạch này và tình hình ngày càng trở lên nguy hiểm hơn.
Trong bối cảnh đó sẽ là ngạo mạn và vô trách nhiệm khi đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về nguy cơ chủ nghĩa khủng bố quốc tế nhưng lại nhắm mắt làm ngơ trước các kênh cung cấp tài chính và viện trợ cho các lực lượng khủng bố, trong đó có nguồn tài chính từ kinh doanh ma túy, buôn lậu, dầu mỏ, vũ khí hoặc thao túng các lực lượng cực đoan để sử dụng chúng làm công cụ thực hiện các mục đích chính trị với toan tính sau đó sẽ sử lý lực lượng này, hay nói một cách đơn giản là tiêu diệt chúng.
Thưa các quý vị, đối với những ai thực sự hành động và suy nghĩ như vậy, tôi chỉ có thể nói rằng các vị đang đối xử với những con người vô cùng nghiệt ngã nhưng hoàn toàn không ngu ngốc và ngây thơ, họ không ngu ngốc hơn các vị và cũng chưa thể biết chắc ai sẽ lợi dụng ai để đạt được mục đích của mình. Những tin tức gần đây về việc chuyển giao vũ khí cho lực lượng đối lập ôn hòa nhất vào tay các tổ chức khủng bố là các minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Tôi cho rằng bất kỳ hành động nào chơi trò với các lực lượng khủng bố, hơn nữa lại trang bị cho họ đều đơn giản là không có tầm nhìn xa và cực kỳ nguy hiểm. Kết quả là nguy cơ khủng bố toàn cầu sẽ ngày càng trầm trọng hơn và bao trùm nhiều khu vực mới trên hành tinh. Ngoài ra, trong các trại huấn luyện của Nhà nước Hồi giáo có các chiến binh đến từ nhiều nước đang trải qua huấn luyện, trong đó có cả các nước Châu Âu.
Thưa các quý vị, rất đáng tiếc là tôi cần phải nói thẳng ra rằng Nga cũng nằm trong số các nước đó. Chúng ta không thể cho phép cho những kẻ sát nhân đã từng quen tay chém giết và khát máu quay trở về nhà và tiếp tục các hoạt động đen tối. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra và chắc hẳn cũng không ai muốn điều đó, phải không các quý vị? Nước Nga bao giờ cũng chủ trương nhất quán và kiên quyết chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức.
Hiện nay chúng tôi đang giúp đỡ kỹ thuật quân sự cho Iraq, Syria và nhiều nước khác trong khu vực để họ chống lại các nhóm khủng bố. Chúng tôi cho rằng sẽ là một sai lầm rất lớn khi từ chối hợp tác với chính quyền Syria, với quân đội của chính phủ Syria, với những ai đã từng anh dũng mặt đối mặt với chủ nghĩa khủng bố.
Cuối cùng cần phải công nhận rằng, ngoài quân đội của chính phủ Syria và lực lượng dân quân của người Kurd ở Syria thì không có ai thực sự chống lại Nhà nước Hồi giáo và nhiều tổ chức khủng bố khác. Chúng tôi biết rõ mọi vấn đề của khu vực này, mọi mâu thuẫn, nhưng cần phải xuất phát từ thực tế.
Các đồng nghiệp kính mến! Tôi cần phải đưa ra nhận xét rằng trong thời gian gần đây cách tiếp cận chân thành và thẳng thắn của chúng tôi bị lợi dụng như là một cái cớ để đổ lỗi cho nước Nga theo đuổi tham vọng ngày càng lớn. Dường như những ai đang làm điều đó lại không có bất kỳ tham vọng gì. Nhưng bản chất của vấn đề không phải là ở tham vọng của nước Nga mà là đã đến lúc chúng tôi không thể chấp nhận tình hình trên thế giới hiện nay.
Trong thực tế, chúng tôi không xuất phát từ tham vọng mà là từ những giá trị và lợi ích chung trên cơ sở luật pháp quốc tế, phối hợp nỗ lực để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trước mắt chúng ta và xây dựng một liên minh quốc tế chống khủng bố thực sự rộng khắp.
Cũng tương tự như liên minh chống Hitler trước đây, liên minh này cũng tập hợp trong hàng ngũ của mình những lực lượng đa dạng nhất, sẵn sàng kiên quyết chống lại những kẻ gieo rắc tội ác và sự hận thù đối với loài người như bọn quốc xã trước đây. Tất nhiên, các thành viên đóng vai trò then chốt trong liên minh này phải là các quốc gia đi theo Đạo Hồi bởi lẽ Nhà nước Hồi giáo không chỉ là nguy cơ trực tiếp đối với họ mà còn đang hủy hoại một nền tôn giáo vĩ đại nhất thế giới là đạo Hồi bằng các hoạt động tội phạm tàn bạo nhất. Các nhà tư tưởng khủng bố đang tàn phá đạo Hồi và chà đạp các giá trị nhân đạo đích thực.
Tôi cũng muốn gửi lời đến các nhà lãnh đạo tinh thần ở các nước Hồi giáo rằng hiện nay uy tín và những lời chỉ giáo của các vị là rất quan trọng. Cần phải che chở những người mà bọn khủng bố đang tuyển mộ để họ không phạm sai lầm, còn những ai đã bị lừa dối và do nhiều hoàn cảnh khác nhau gia nhập hàng ngũ khủng bố thì phải giúp họ tìm ra con đường để trở về cuộc sống bình thường, hạ vũ khí và chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Trong những ngày sắp tới, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng bảo an, ước Nga sẽ đề nghị tổ chức Hội nghị các Bộ trưởng để phân tích toàn diện về các nguy cơ ở Trung Đông. Trước hết chúng tôi đề nghị thảo luận về khả năng thông qua một Nghị quyết về phối hợp hành động của tất cả các lực lượng đấu tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo và các tổ chức khủng bố khác.
Tôi xin nhắc lại sự phối hợp hành động đó cần phải dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
Chúng tôi cho rằng, cộng đồng quốc tế có thể soạn thảo chiến lược toàn diện nhằm ổn định chính trị và phục hồi kinh tế xã hội ở Trung Đông. Các đồng nghiệp kính mến, khi đó chúng ta sẽ không còn phải xây dựng các trại tị nạn, sẽ không còn dòng người buộc phải rời bỏ quê hương chạy sang các nước láng giềng và sau đó sang Châu Âu. Số người này đã là hàng trăm ngàn và có thể là đến hàng triệu người. Thực chất đây là cuộc di cư mới đau đớn và bi cảnh lớn nhất của các dân tộc và là bài học đắt giá đối với tất cả chúng ta, trong đó có châu Âu.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng những người di cư dĩ nhiên cần nhận được sự cảm thông chia sẻ và hỗ trợ. Tuy nhiên biện pháp căn bản để giải quyết vấn đề này phải là khôi phục thể chế nhà nước ở những nơi đã bị tàn phá, củng cố thế chế quyền lực ở những nơi vẫn còn tồn tại hoặc đang được xây dựng bằng cách trợ giúp toàn diện về quân sự kinh tế và vật chất cho những quốc gia bị rơi vào tình cảnh khó khăn, trước hết là những người bất chấp mọi khó khăn nhưng vẫn không từ bỏ quê hương.
Dĩ nhiên, bất kỳ sự giúp đỡ nào dành cho các quốc gia có chủ quyền phải được thực hiện theo cách thức tự nguyện, phù hợp với Hiến chương LHQ. Tất cả những gì đang làm và sẽ làm trong lĩnh vực này cần phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế, được LHQ ủng hộ và phải ngăn chặn tất cả những gì trái ngược với Hiến chương LHQ. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là trước hết phải giúp đỡ khôi phục thể chế nhà nước ở Libya, hỗ trợ chính phủ mới ở Iraq, giúp đỡ toàn diện cho chính phủ hợp hiến ở Syria.
Các đồng nghiệp quý mến, nhiệm vụ then chốt của cộng đồng quốc tế đứng đầu LHQ là bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu.
Theo quan điểm của chúng tôi, chúng ta cần phải xây dựng một không gian an ninh bình đẳng và không thể chia sẻ, một nền an ninh không chỉ dành cho một số quốc gia nào đó được lựa chọn mà là an ninh của tất cả các quốc gia. Đây là một công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài nhưng không có cách nào khác.
Tuy nhiên lối tư duy theo khối liên minh từ thời Chiến tranh lạnh và tham vọng của một số đồng nghiệp của chúng ta muốn chiếm đoạt những không gian địa chính trị mới đang chiếm ưu thế. Ban đầu là chủ trương tiếp tục mở rộng NATO. Ở đây xin được hỏi: “NATO mở rộng nhằm mục đích gì nếu khối Varaxava đang giải thể, còn Liên Xô đã tan rã? Hơn thế nữa NATO không những vẫn tồn tại mà còn mở rộng cùng với các hạ tầng cơ sở quân sự của nó.
Vì sao người ta lại áp đặt cho các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết một sự lựa chọn giả dối rằng phải đi theo phương Tây hay phương Đông? Không sớm thì muộn, logic đối đầu như vậy sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng địa chính trị nghiêm trọng. Điều này đã xảy ra ở Ucraina mà ở đó người ta lợi dụng một bộ phận lớn dân chúng không hài lòng với chính quyền hiện tại và kích động cuộc đảo chính bằng vũ trang từ bên ngoài. Kết quả dẫn đến cuộc nội chiến.
Chúng tôi tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt đổ máu, tìm ra lối thoát từ sự bế tắc bằng cách thực hiện đầy đủ các Thỏa thuận Misk ngày 12/2/2015. Không thể bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ cho Ucraina bằng sức mạnh vũ khí. Cần phải tính đến thực tế, lợi ích và quyền của người dân ở Donbass, tôn trọng sự lựa chọn của họ phối hợp với họ như đã được xác định trong thỏa thuận Misk, phối hợp các thành phần then chốt của cơ cấu chính trị. Đây là sự bảo đảm để cho Ucraina sẽ phát triển như một nhà nước văn minh một khâu liên kết quan trọng nhất trong việc xây dựng không gian an ninh chung và hợp tác kinh tế ở Châu Âu.
Thưa quý vị! Không phải ngẫu nhiên mà tôi nói ở đây về không gian chung hợp tác kinh tế. Chỉ mới gần đây thôi, trong lĩnh vực kinh tế mà ở đó có các quy luật thị trường khách quan chúng ta đã học được cách vượt qua những đường phân cách và sẽ hành động trên quy tắc minh bạch đã được các nước cùng xây dựng, trong đó có các nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới, theo đó áp dụng chế độ tự do thương mại đầu tư, cạnh tranh công khai. Thế mà hiện nay các hành động cấm vận đơn phương bất chấp Hiến chương LHQ lại gần như trở thành một hành động bình thường không chỉ theo đuổi các mục đích chính trị mà còn được sử dụng như là một phương thức để loại bỏ đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Tôi muốn nhắc đến một hiện tượng là chủ nghĩa kinh tế ích kỷ ngày càng gia tăng, trong đó nhiều nước đi theo hướng thành lập các liên kết kinh tế đóng cửa, còn các cuộc đàm phàn để xây dựng các liên kết đó lại được thực hiện một cách bí mật đối với người dân, đối với các doanh nghiệp, đối với xã hội và đối với các nước khác. Những quốc gia khác mà lợi ích của họ có thể bị đụng chạm lại không được thông báo.
Có thể, tất cả chúng ta đều bị đặt trước một thực tế là các quy tắc của cuộc chơi đang được viết lại và nhằm phục vụ cho một số đối tượng hẹp mà không cần sự tham gia của LHQ. Điều này dẫn tới một hệ thống thương mại hoàn toàn mất cân bằng và sẽ chia cắt không gian kinh tế toàn cầu.
Những vấn đề được nêu trên đụng cham đến lợi ích của các quốc gia, ảnh hưởng đến triển vọng của toàn bộ nền kinh tế thế giới, và vì vậy chúng tôi đề nghị thảo luận vấn đề này trong khuôn khổ LHQ, Tổ chức thương mại thế giới và nhóm G-20. Phản đối chính sách phân biệt đối xử, nước Nga đề nghị thực hiện các biện pháp nhằm kết hợp hài hòa các đề án kinh tế khu vực, hay còn gọi là liên kết các mối liên kết dựa trên những nguyên tắc thương mại kinh tế minh bạch và phổ quát.
Thí dụ, các kế hoạch của chúng tôi nhằm phối thuộc Liên minh kinh tế thống nhất Á-Âu với sáng kiến xây dựng “Con đường tơ lụa kinh tế” của Trung Quốc. Cũng như trước đây chúng tôi nhìn thấy triển vọng to lớn của việc kết hợp hài hòa các quá trình liên kết trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu và Liên minh Châu Âu.
Thưa quý vị! Trong số các vấn đề liên quan đến tương lai của loài người còn có một thách thức là sự ấm lên toàn cầu. Chúng tôi quan tâm đến hiệu quả của hội nghị về khí hậu của LHQ sẽ được tổ chức hợp pháp ở Pari vào tháng 12/2015. Trong khuôn khổ đóng góp của quốc gia đến năm 2030, chúng tôi hạn chế mức khí thải nhà kính xuống mức 70-75% so với mức của năm 1990.
Tuy nhiên chúng tôi đề nghị xem xét vấn đề này rộng hơn. Bằng cách thiết lập côta về khí thải độc hại và sử dụng các biện pháp mang tính chiến thuật khác, chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn của vấn đề nhưng sẽ không giải quyết được căn bản vấn đề.
Chúng ta cần cách tiếp cận khác về chất như phải xây dựng những công nghệ hoàn toàn mới, thân thiện với môi trường không gây ô nhiễm môi trường, còn những công nghệ đang tồn tại một cách hài hòa sẽ cho phép khôi phục sự cân bằng giữa môi trường sinh thái và môi trường công nghệ đã bị con người hủy hoại. Đây thật sự là một thách thức có tầm toàn cầu. Tôi tin rằng, để hóa giải thách thức này, loài người đã có sẵn tiềm năng trí tuệ.
Chúng ta cần liên kết các nỗ lực, trước hết là các quốc gia có cơ sở nghiên cứu mạnh và nền tảng khoa học cơ bản. Chúng tôi đề nghị tổ chức một diễn đàn đặc biệt dưới sự bảo trợ của LHQ để xem xét một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phá hoại môi trường sống. Nga sẵn sàng đóng vai trò là một trong những nhà tổ chức diễn đàn này.
Thưa các quý vị và đồng nghiệp! Ngày 10/01/1946, ở Luân Đôn khai mạc kỳ họp đầu tiên của Đại hội đồng liên hợp quốc. Theo quan điểm của tôi, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị này, Chủ tịch ủy ban trụ bị của Hội nghị là nhà ngoại giao Columbia, Zuleta Anhele, đã đề ra những nguyên tắc bao trùm làm cơ sở để thiết lập hoạt động của LHQ. Đây là ý chí tốt đẹp, là sự coi thường mọi mưu mô qủy quyệt, là tinh thần hợp tác.
Hiện nay những lời nói này vẫn như đang vang lên bên tai chúng ta. Nước Nga tin tưởng vào tiềm năng rất lớn của LHQ sẽ giúp chúng ta tránh được một cuộc đối đầu mới trên phạm vi toàn cầu và chuyển sang chiến lược hợp tác. Cùng với các nước khác, chúng tôi sẽ kiên trì hành động nhằm củng cố vai trò trung tâm của LHQ.
Tôi tin rằng, phối hợp hành động cùng với nhau, chúng ta sẽ làm cho thế giới ổn định và an toàn, bảo đảm điều kiện để cho tất cả dân tộc và các quốc gia được phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn!

Nguồn: Đại tá Lê Thế Mẫu

7 nhận xét:

  1. Nga đã thực sự tuyên chiến không chỉ với IS, mà với cả những kẻ đã tạo ra chúng!

    Trả lờiXóa
  2. Ở vào tâm thế đối lập,bài phát biểu của ông Putin rất hay,tiếc rằng việc ký sắc lệnh sáp nhập Crưmia vào nước Nga làm uy tín của ông Putin hư tổn không nhỏ.

    Trong bài phát biểu của mình,ông Putin cũng không lấy làm hãnh diện khi Liên xô của ông trước đây từng dẫn đầu cuộc thử nghiệm chế độ xã hội khác biệt và đã thất bại ,để lại di chứng khá nặng nề cho nước Nga ngày nay.

    Việc ông Putin thúc đẩy một Liên hiệp quốc mạnh mẽ và đồng thuận hơn là ý kiến rất tích cực,thực tiễn góp phần đảm bảo an ninh thế giới.Thay vì đa cực bất ổn ,Thế giới hành động xoay quanh một cực duy nhất là tổ chức Liên hợp quốc đang là xu thế của thời đại.

    Những quốc gia,tổ chức khu vực mạnh nhất sẽ là yếu tố chi phối và chụi trách nhiệm đảm bảo an ninh,hòa bình,ổn định quốc tế với sự ủng hộ ,đồng thuận của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

    Trả lờiXóa
  3. Di chứng sẽ chẳng có, hoặc giả nếu có là do vai trò quốc gia đi đầu thực hiện đổi mới thì cũng không đáng kể (như Tàu sau này chẳng hạn) đối với nước Nga, nếu không có sự vội vàng, hấp tấp (chưa đặt nền móng cho cái mới đã phá bỏ sạch sẽ, kể cả 1 phần thành tựu mà cái cũ đã gây dựng) đến mức có thể coi là phản bội, của những người đứng đầu DCSLX và Nhà nước Xô Viết lúc bấy giờ.
    Trong bối cảnh thế lực tài phiệt vẫn đang nắm quyền chi phối mọi ngõ ngách của đời sống xh thế giới thì với nhãn quan của 1 người làm chính trị xuất thân là người cs, Putin chắc chắn chưa có tham vọng xây dựng LHQ thành 1 "siêu nhà nước". Ở đây ông chỉ muốn kêu gọi củng cố vai trò thật sự của LHQ như một "điều phối viên" giữa các thành viên của mình để đạt được những sự đồng thuận trong 1 thế giới còn nhiều mâu thuẫn dẫn đến nhiều sự khác biệt giữa các QG, thậm chí mang tính đối đầu. Mục đích cuối cùng của hoạt động này là bảo đảm cho 1 thế giới hòa bình. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm sau khi LX sụp đổ đã cho thấy LHQ đã không còn giữ vững được vai trò này của mình, mà trong nhiều trường hợp bị giới tài phiệt chi phối bằng sức mạnh của đồng tiền. Thậm chí có những Nghị quyết mang nặng tính áp đặt, cho phép một nước này tấn công 1 nước khác. Cho nên, trong giai đoạn này người ta cho cả LHQ vào trục phá hoại hòa bình cũng không phải là sai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi LX tan rã, lẽ ra nếu đã phá bỏ những gì Nhà nước này đã làm (không chỉ những hạn chế mà cả rất nhiều thành tựu không thể phủ nhận) thì vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trong lbxv trước cũng phải được giải quyết. Tuy nhiên người ta đã không làm điều này, dẫn đến những hệ lụy bị các thế lực hiếu chiến lợi dụng. Krime là một điển hình khi trước đây nó vốn thuộc CHLBN, lại giữ 1 một vị trí chiến lược quan trọng. Nếu phương Tây không tận dụng với ý đồ biến nơi đây thành căn cứ quân sự uy hiếp an ninh của nước Nga thì chắc người Nga sẽ chẳng nổi giận. Vì vậy việc sáp nhập vùng này trở lại nước Nga, dưới con mắt của người dân Nga đó là một việc làm hợp lý, vì vậy trong hành động này Putin đã được dân Nga "ghi điểm". Điều ấy mới là quan trọng và thực tế nó đã thể hiện thông qua kết quả là uy tín của Putin đã tăng lên rất nhiều. Còn việc làm này bị phương tây khó chịu, thậm chí tức tối là điều dễ hiểu. Còn đối với các nước thuộc thế giới thứ ba thì với những gì mà Mỹ và phương Tây gây ra trong vài chục năm qua chỉ khiến họ lo ngại, dè chừng và chắc chắn không nể phục. Vậy thì tại LHQ Putin đang "trong tâm thế đối lập" với ai đây.

      Xóa
    2. trong thời chiến tranh lạnh,LX đứng đầu phe XHCN đối đầu với Mỹ và Tây Âu,nay phe XHCN tan rã ,Nga mà người đứng đầu là TT Putin chỉ còn ở vị trí đối lập,không còn đủ sức mạnh để đối đầu với Mỹ và Tây Âu .

      Sáp nhập Crimea vào Nga ,ông Putin được dân Nga ủng hộ ,nhưng việc này để lại tiền lệ xấu cho an ninh thế giới ,nó không tạo ra được chút sức mạnh mềm nào cho ông Putin cũng như nước Nga.

      Xóa
    3. Khối liên kết phương Tây (gồm cả Mỹ) là khối liên kết có tiềm lực rất mạnh ngay cả trong thời kỳ của /chiến tranh lạnh". Nếu khi ấy LX không được sự ủng hộ của đa số các nước trong thế giới thứ 3 thì theo lý luận này, chính lx cũng chỉ là "đối lập". Thế giới thứ 3 giwux vai trò rất quan trọng trên trường quốc tế điều này đã được chúng minh, và thực tế vẫn vậy.
      Việc sáp nhập Krime người ta nói vống lên như vậy, nhưng lại quên rằng an ninh thế giới bị đe dọa hơn cả chính là những hành động ngạo mạn và trắng trợn của các thế lực hiếu chiến áp đặt với những nước có chủ quyền mà không có ai giám ngăn cản.

      Xóa
  4. Nga sát nhập Cream - về với đất mẹ dc dân chúng ủng hộ và thông qua bỏ phiếu chẳng biết có đáng quan ngại = việc cuối TK 20, đầu TK 21: năm 1999 giữa Châu Âu văn minh hoa lệ mà Mỹ và phương tây đem bom đạn dội vào thủ đô Nam Tư - 1 nc có chủ quyền là thành viên của LHQ để tách Kosovo ra khỏi Nam tư thì có đáng ngại = việc sát nhập Cream vào Nga mà ko có 1 tiếng súng, ko người chết lại nhận dc sự đồng thuận của nhân dân ủng hộ đến 90 mấy % ko Văn Lâm?
    - Nếu Mỹ - Phương Tây ko lật đổ Yakunovic để hất cẳng Hạm Đội Biển Đen ra khỏi Cream thì liệu Nga có phải đi trc 1 bc như thế ko? Và nên nhớ Cream thuộc về Nga, ở đây Nga đã từng mất hàng triệu quân để giữ cho dc Cream chẳng nhẽ h để cho Mỹ " ăn ko" và đặt tên lửa dưới háng mình
    - Sáp nhập Cream là tiền lệ xấu à? Trc khi nhập vào thì phải nói đến việc tách ra cái đã. Tách ra thì nó đã có tiền lệ từ năm 1999 với Kosovo rồi vậy thì còn kêu ca gì nữa nào? Còn nhập vào à? Thật ra cái bang Tezax của Mỹ nó đã là tiền lệ từ ngày xửa ngày xưa rồi, chỉ là thời điểm khác nhau mà thôi.
    - Những việc đó nó chỉ xấu khi Mỹ và phương tây luôn cố thổi phồng, thêu dệt lên mà thôi bởi vì như 1 câu nói của Putin từng nói: " Khi chúng ta làm gì mà bị những người bạn Mỹ phản đối thì hãy tin đó là khi chúng ta đang làm : ĐÚNG"

    Trả lờiXóa