Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Ngày này năm xưa 10/3: Chiến dịch Tây Nguyên: Giải phóng Buôn Ma Thuột

Những sự kiện đáng nhớ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975

Chiến dịch Tây Nguyên: Giải phóng Buôn Ma Thuột

* Ngày 9/3/1975: Tiến đánh Đức Lập, giải phóng căn cứ 23 và Núi Lửa

Lúc 5 giờ 35 phút ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 bộ binh tiến đánh Đức Lập. Đức Lập là quận lỵ nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia về phía Tây Nam thị xã Buôn Ma Thuột khoảng hơn 50km. Quận lỵ Đức Lập là một quận lỵ lớn nằm trên đường số 14, án ngữ con đường vận tải chiến lược vào miền Đông Nam Bộ. Theo yêu cầu của chiến lược từ cuối năm 1974, việc giải phóng quận lỵ Đức Lập, chiếm đường số 14 ở đoạn này để nối tiếp đường chiến lược vào Lộc Ninh là yêu cầu rất cấp thiết. Việc giải phóng Đức Lập là nhiệm vụ rất quan trọng.


Các đơn vị hành quân tiến vào giải phóng Buôn Mê Thuật. Ảnh tư liệu TTXVN

Sau đòn hoả lực chuẩn bị, trung đoàn 66 đã đột kích vào căn cứ 23. Đến 8 giờ 30 phút ngày 9/3/1975, ta đã tiêu diệt quân địch và chiếm được căn cứ 23. Cùng lúc, ở phía Tây, trung đoàn 28 cũng đã đánh chiếm căn cứ Núi Lửa. Sư đoàn 10 tiếp tục tổ chức tiến công vào chi khu (quận lỵ Đức Lập).

Lợi dụng công sự và xe thiết giáp đặt ngầm dưới đất, quân địch trong căn cứ chi khu đã chống trả quyết liệt. Ngày hôm đó, Sư đoàn 10 bộ binh không đánh chiếm xong chi khu và phải tạm dừng lại. Chiều cùng ngày, Bộ Tư lệnh Chiến dịch hạ quyết tâm: “Tiến công thị xã Buôn Ma Thuột”.

* Ngày 10/3/1975: Giải phóng Đức Lập, quân ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột


Sáng 10/3/1975, Sư đoàn 10 bộ binh tổ chức lại lực lượng, tiến công lần thứ hai và dứt điểm chi khu Đức Lập. Quận lỵ Đức Lập được hoàn toàn giải phóng. Bộ Tư lệnh Chiến dịch lập tức điều động một bộ phận lực lượng và phương tiện của Sư đoàn 10 bộ binh nhanh chóng chuyển về phía Đông thị xã Buôn Ma Thuột.

Tại thị xã Buôn Ma Thuột, từ 2 giờ sáng, Trung đoàn 198 đặc công đã nổ súng tiến công sân bay thị xã, sân bay Hoà Bình, khu kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột. Cùng lúc đó, pháo chiến dịch chế áp mãnh liệt các mục tiêu: Sư đoàn bộ Sư đoàn 23, sở chỉ huy tiểu khu Đắk Lắk, trại pháo binh, thiết giáp của địch. Cuộc pháo kích kéo dài đến 6 giờ sáng, làm rối loạn và tê liệt cơ quan chỉ huy, tiêu hao một bộ phận lực lượng địch trong thị xã. 

Trên hướng Đông Bắc, Trung đoàn 95B tràn lên đánh chiếm khu Ngã Sáu gần trung tâm thị xã. Trên hướng Tây Bắc, theo phương án tác chiến, Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) bắt đầu đánh chiếm khu pháo binh và khu thiết giáp, lúc 6 giờ sáng. Đến 15 giờ 30 phút, ta đánh chiếm được mục tiêu trên. Một bộ phận của Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) tiến theo đường Phan Bội Châu, đập tan cụm phòng ngự của địch ở trường trung học Bồ Đề, phát triển sang Ngã Sáu, bắt liên lạc với Trung đoàn 95B.

Trên hướng Tây-Tây Nam, Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) đánh chiếm khu kho Mai Hắc Đế. Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 10) được tăng cường một đại đội xe tăng và một đại đội xe bọc thép nhanh chóng vượt qua các ổ đề kháng của địch ở vòng ngoài, tiến công khu truyền tin và khu vận tải, áp sát căn cứ Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 ngụy.

Đến 17 giờ 30 phút ngày 10/3/1975, bộ đội ta đã chiếm được hầu hết các mục tiêu trong thị xã. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu và Tư lệnh quân đoàn 2 ngụy Phạm Văn Phú lệnh cho binh lính còn lại trong thị xã “tự thủ Buôn Ma Thuột bằng mọi giá” để chờ quân cứu ứng.

* Ngày 11/3/1975: Giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột; Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị: Nhanh chóng nắm thời cơ giành thắng lợi to lớn hơn nữa

Bộ đội hành quân diệt địch trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu TTXVN

6 giờ sáng ngày 11/3/1975, các đơn vị binh chủng hợp thành của ta từ ba hướng mở trận công kích vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Trong cơn tuyệt vọng, bọn địch cố dồn sức chống đỡ. Máy bay địch ném bom xuống đường phố. Xe tăng M48, M41 của địch liều mạng xông ra bịt các ngả đường.

Đến 11 giờ cùng ngày, sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy bị tiêu diệt. Đại tá Vũ Thế Quang, sư đoàn phó Sư đoàn 23 và đại tá Nguyễn Trọng Luật, tiểu khu trưởng Đắk Lắk bị bắt.

Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng được kéo lên trên cột cờ cao của Sư đoàn bộ Sư đoàn 23. Trận then chốt mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi sau 32 giờ tiến công mãnh liệt.

Chiều ngày 11/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi điện khen quân và dân Tây Nguyên đã nêu cao tinh thần quyết thắng, anh dũng và sáng tạo, táo bạo và khẩn trương giành thắng lợi to lớn ngay trong những ngày đầu Chiến dịch và chỉ thị: Nhanh chóng nắm lấy thời cơ thuận lợi, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Bộ Tư lệnh Chiến dịch cũng lệnh cho Sư đoàn 10 nhanh chóng cơ động về đông bắc thị xã, sẵn sàng làm dự bị và chuẩn bị đánh địch phản kích lớn.

* Ngày 12/3/1975: Ta đánh địch phản kích và thành lập ủy ban quân quản tỉnh Đắk Lắk


Sau trận Buôn Ma Thuột, cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ. Bộ Chính trị đề ra chủ trương nhanh chóng nắm bắt thời cơ, giành thắng lợi lớn hơn nữa. Trong sử dụng lực lượng và phát triển tiến công phải linh hoạt, tập trung, không phân tán, khẩn trương và mạnh bạo. Hướng tiến công tiếp theo có thể là Huế, Đà Nẵng và khi có thời cơ, đánh mạnh vào Sài Gòn.


Trước mắt, Bộ Chính trị chủ trương củng cố vùng mới giải phóng sẵn sàng đánh địch phản kích; đồng thời, mở rộng tiến công ra xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk; bao vây, cô lập Pleiku, Kon Tum nhanh chóng phát triển hướng về Cheo Reo. ở Tây Nguyên, chú trọng công tác tiếp quản và chính sách dân tộc. Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với các chiến trường là kiên quyết thực hiện kế hoạch ban đầu, nhưng khẩn trương và mạnh bạo hơn.

Ngày 12/3/1975, Bộ Tổng Tư lệnh thông báo cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch tin địch đang chuẩn bị lực lượng phản kích. Bộ Tổng Tư lệnh nhấn mạnh nhiệm vụ cấp thiết nhất của mặt trận là tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Buôn Ma Thuột và viện binh của chúng. Việc đó “sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của Chiến dịch”.

Bộ Tư lệnh đã truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Bộ đến các đơn vị, đôn đốc bộ đội truy quét tàn binh, diệt các cứ điểm còn lại của địch ở xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột, đặc biệt là khu vực hậu cứ của Sư đoàn 23 ngụy (những vị trí địch có thể sử dụng làm bàn đạp phản kích).

Nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột cùng bộ đội truy lùng tàn binh, đào hầm phòng không, xây dựng công sự chiến đấu. Ủy ban quân quản tỉnh Đắk Lắk được thành lập do đồng chí đại tá Y Blốc làm chủ tịch, động viên và tổ chức nhân dân ổn định đời sống, sản xuất, giữ gìn trật tự trị an, sẵn sàng chiến đấu.


5 nhận xét:

  1. Nơi đánh trận mở màn giải phóng Tây Nguyên

    Thứ hai, 09/03/2015 - 10:36 PM (GMT+7)

    http://www.nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2577/36b8c0a3710ba6860476fc86ab899cd2_L.jpg
    Ngã sáu Buôn Ma Thuột, nơi diễn ra trận đánh mở màn Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên năm xưa.

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975) là chiến thắng vang dội mở màn cho giải phóng Tây Nguyên. Tiếp nối hào khí cách mạng năm xưa, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đác Lắc quyết tâm xây dựng TP Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đác Lắc nói chung ngày càng giàu, mạnh.
    Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phóng miền nam, tháng 1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp quán triệt và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 4-3-1975, bộ đội ta chính thức nổ súng mở màn Chiến dịch. Từ ngày 4 đến 9-3, quân ta đánh cắt giao thông trên các tuyến đường số 19, 21, cô lập Tây Nguyên với vùng duyên hải miền trung; chia cắt đường số 14 để cô lập hai khu vực bắc Tây Nguyên với nam Tây Nguyên; tiến công đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn (8-3), Đức Lập (9-3), cô lập triệt để Buôn Ma Thuột. Trong hai ngày 10 và 11-3, quân ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, đánh thắng trận then chốt của chiến dịch...
    Chiến dịch Tây Nguyên đã mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 thắng lợi vang dội, có ý nghĩa to lớn cả về chính trị và quân sự. Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng chí Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đác Lắc nhớ lại: Để có được trận đánh Buôn Ma Thuột lịch sử (10-3-1975), quan điểm chỉ đạo của Trung ương là quyết giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột để tạo đà giải phóng toàn Tây Nguyên. Khát vọng độc lập tự do của đồng bào Tây Nguyên đã góp phần quan trọng và ý nghĩa cho Chiến thắng Buôn Ma Thuột lịch sử, mở đầu chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.
    Cựu chiến binh Nguyễn Tất Xáng, hiện sống ở thị trấn Ea Ca, huyện Ea Ca (Đác Lắc) kể: Năm 1970, khi đang là sinh viên của Trường đại học Sư phạm Vinh, tôi xung phong đi bộ đội và có mặt tại chiến trường Tây Nguyên vào tháng 1-1971. Đến tháng 8-1974, tôi được lệnh của Trung đoàn cử đi trinh sát chuẩn bị chiến trường để sẵn sàng hợp đồng tác chiến đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột khi có lệnh. Lúc bấy giờ thị xã Buôn Ma Thuột chỉ có lèo tèo vài con đường nhựa, tập trung chủ yếu ở khu vực chợ, còn chung quanh toàn là rừng rậm. Ngày 10-3-1975 lịch sử ấy, khi những quả pháo đầu tiên của ta dội bão lửa xuống trận địa của địch, từ đài quan sát chúng tôi đã thấy rõ những đồn bốt quân thù đóng tại nhiều điểm trong trung tâm thị xã và các vùng lân cận bốc cháy, quân địch bỏ chạy tán loạn. Chứng kiến thời khắc lịch sử ấy, trong tôi đã dâng lên một niềm tin tất thắng mãnh liệt vào cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập của Tổ quốc.
    Xuất phát điểm của đô thị Buôn Ma Thuột lúc ấy rất thấp, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của chế độ cũ để lại quá nhỏ bé, nghèo nàn. Mọi hoạt động kinh tế chủ yếu là phục vụ trực tiếp cho bộ máy chiến tranh tại chỗ của địch. Vì thế đời sống của người dân Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đác Lắc nói chung gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nạn đói thường xuyên xảy ra. Thêm vào đó là sự phá hoại quyết liệt của bọn Phun-rô trong những năm đầu mới giải phóng, càng làm cho đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở Buôn Ma Thuột trở nên vô cùng phức tạp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 40 năm đã trôi qua, giờ đây nhiều vùng quê ở Đác Lắc không ngừng khởi sắc, đã và đang khẳng định bước đi trên con đường công nghiệp hóa của mình. Tỉnh đã phát triển hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho hơn 76,3% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; cải tạo, nâng cấp, trải nhựa hoặc bê-tông hóa 100% các tuyến đường tỉnh, 80% hệ thống đường huyện, 50% đường xã và liên xã; 97% thôn, buôn có điện, trong đó 97% số hộ được dùng điện. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 31,4%. Có 95% thôn, buôn có trường hoặc lớp mẫu giáo (tính cả thôn, buôn học ghép lớp). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 50% tổng số lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 2,94%.
      Trong trụ sở UBND xã mới xây còn thơm mùi sơn mới, ông Ama Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Dak Phơi, huyện Lắc (tỉnh Đác Lắc) kể cho chúng tôi nghe về truyền thống anh hùng của nhân dân Dak Phơi với vẻ đầy tự hào... Dak Phơi được cách mạng chọn làm căn cứ H10, gọi là xã 1 và xã 2 theo yêu cầu kháng chiến. Người dân nơi đây không chỉ nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng mà còn trực tiếp vót hàng nghìn mũi chông, góp hàng trăm tấn lương thực phục vụ kháng chiến. Nhiều nhà cửa trong làng bị giặc đốt cháy thành tro bụi nhưng không một người dân nào nản chí mà vẫn kiên cường bám trụ, tăng gia sản xuất để tiếp tế lương thực, nuôi dưỡng bộ đội, nổi dậy phá ấp chiến lược, tham gia các cuộc đấu tranh chính trị. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng chục người con ưu tú của Dak Phơi đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Năm 1977, xã Dak Phơi vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

      Sau ngày đất nước thống nhất, xã Dak Phơi đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng và kiến thiết quê hương. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trong kháng chiến, người dân Dak Phơi đã đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Toàn xã hiện có 1.259 hộ, với 6.247 khẩu gồm năm dân tộc Tày, Nùng, M'nông, Mông và Kinh sinh sống ở 11 thôn, buôn. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày. Bà H'Jiêng Liêng Hót, (dân tộc M'nông, ở buôn Pai Ar) từng tham gia kháng chiến, sau chiến tranh, bà trở về cuộc sống đời thường với tỷ lệ mất sức lao động 63% (bệnh binh), gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, bà bắt tay vào khai hoang đất làm nương rẫy. Nhờ chịu khó học hỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nên năng suất cây trồng ngày càng tăng, hiệu quả kinh tế cao.
      Với 1 ha trồng cà-phê và tám sào ruộng, cộng với việc chăn nuôi heo, bò, gia đình bà H'Jiêng giờ có thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Dak Phơi đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của thôn, buôn ngày càng khởi sắc. Anh Lục Văn Kiểm, Trưởng Công an xã chia sẻ: "Mình tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng này. Vì vậy, mình luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người cán bộ gương mẫu, xứng đáng với các thế hệ cha anh".

      Xóa
    2. Có dịp về lại buôn Đác Tua, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, cái nôi cách mạng của tỉnh Đác Lắc. Nép mình bên dãy Cư Yang Sin hùng vĩ, buôn Dak Tua hiện lên yên bình bên những đồng lúa vàng óng. Ngồi bên hiên nhà dài hướng mắt về ngọn núi Cư Pui cao vút trong sương mờ, già làng Y Sing Mdrang đã qua 80 mùa rẫy nhưng vẫn còn minh mẫn, đôi mắt vẫn tinh anh, già nhớ lại: "Thuở xưa, ngày nào cũng vậy, cứ sau một ngày lên rẫy tỉa bắp, trồng lúa, săn bắt thú trở về, người dân trong buôn làng lại tề tựu cùng nhau về căn nhà dài cộng đồng. Một ngày kia, lũ giặc cướp nước đến đốt phá hết nhà cửa, bắt hết trâu, bò, gà, heo khiến cho đời sống dân làng chìm trong đau khổ. Nhiều người đã bỏ làng chạy trốn vào rừng, đi theo cách mạng.
      Được cách mạng giác ngộ, những người con của buôn làng Đác Tua đã xung phong lên đường đánh giặc, còn những người cha, mẹ cũng hăng hái cùng nhau trồng sắn, tỉa ngô, gieo lúa, gùi lương, tải đạn, nuôi giấu bộ đội, phục vụ kháng chiến". Chỉ tay về phía những ngôi nhà mới, con đường nhựa uốn lượn qua những quả đồi và cánh đồng lúa dưới chân núi, Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: Xã đã đầu tư kinh phí mở các lớp đào tạo, tập huấn cho người dân nắm khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để áp dụng vào sản xuất, mở các lớp dạy nghề cho nhân dân, định hướng cho nông dân cải tạo vườn tạp và chuyển những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các cây hoa màu để tăng thu nhập, nay buôn Đác Tua không còn hộ đói, các hủ tục, tập quán mê tín dị đoan dần được loại bỏ.
      Nói về vị thế của Buôn Ma Thuột, của Đác Lắc ở khu vực Tây Nguyên nhân dịp 40 năm giải phóng Buôn Ma Thuột, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đác Lắc Niê Thuật khẳng định: Năm 2015 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm của tỉnh (2011 - 2015), vì vậy, các ngành, các cấp và địa phương ở Đác Lắc cần nỗ lực phấn đấu, phát huy tối đa các nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung các nguồn lực, giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; tập trung bảo đảm an sinh xã hội ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, cải cách hành chính, tăng cường thu hút đầu tư, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2014. Đó là quyết tâm của Đác Lắc nhằm tạo vị thế mới để Buôn Ma Thuột trở thành khu vực trung tâm của Tây Nguyên.

      NGUYỄN HỒNG
      http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/25772802-noi-danh-tran-mo-man-giai-phong-tay-nguyen.html

      Xóa
  2. Sau trận Buôn Ma Thuột chính phủ Thiệu trở nên trao đảo và vô cùng hoang mang. Trận đánh đánh dấu những thắng lợi liên tiếp và giải phóng hoàn toàn Miền Nam, Việt Nam. Ngày hôm nay truyền thông một lần nữa tái hiện lại sự kiện lịch sử quan trọng này.

    Trả lờiXóa
  3. Đắk Lắk long trọng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột

    Thứ ba, 10/03/2015 15:58
    Sáng 10-3, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10-3-1975 - 10-3-2015).

    Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Đại Quang cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Trung ương, các Quân khu, lãnh đạo các tỉnh lân cận, cùng hơn 1.000 cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

    Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong những năm qua.
    Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đã ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân Đắk Lắk trong những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975; khẳng định tầm vóc và ý nghĩa chiến lược của Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975, trận thắng mở màn cho Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời nêu bật những thành tựu to lớn mà nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk giành được sau 40 năm giải phóng. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đắk Lắk đạt bình quân 8%. Trong năm 2014 tỉnh Đắk Lắk đạt sản lượng lương thực cao nhất từ trước đến nay, với gần 1,3 triệu tấn. Sản lượng một số loại cây công nghiệp chủ lực vẫn duy trì ở mức cao; trong đó, cà phê gần 460.000 tấn, cao su 30.000 tấn, hồ tiêu hơn 20.000 tấn. Sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm qua đạt trên 31 triệu đồng.

    http://daklak.gov.vn/portal/pls/portal/docs/8452023.JPG
    Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại buổi lễ

    Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Hồng Anh ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đạt được sau 40 năm giải phóng. Đồng chí chỉ đạo, năm 2015 và những năm tiếp theo, tỉnh Đắk Lắk tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; củng cố vững chắc khối đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo hơn nữa tới đời sống nhân dân vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ nhân dân, ra sức thi đua xây dựng Đắk Lắk xứng đáng là trung tâm vùng Tây Nguyên.

    Tại Lễ kỷ niệm thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại tướng Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ tỉnh Đắk Lắk; Huân chương Độc lập hạng Ba cho nhân dân và cán bộ thành phố Buôn Ma Thuột vì thành tích xuất sắc trong 40 năm giải phóng.

    Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen cho 40 công dân tiêu biểu sinh năm 1975.

    http://daklak.gov.vn/portal/page/portal/daklak/view?p_page_id=&pers_id=0&folder_id=12198397&item_id=19884705&p_details=1

    Trả lờiXóa