Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

P2. Chuyên gia Mỹ: Nhật đầu hàng không phải vì bom nguyên tử mà... vì Stalin

Lời dẫn: Ward Wilson là nhà phân tích chính sách hạt nhân, đã sống và làm việc tại TrentonNew Jersey- Hoa Kỳ. Từ năm 2007 đến nay Ward Wilson nổi tiếng trên toàn thế giới về những nghiên cứu chính sách hạt nhân. Những tác phẩm của ông đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế. 
Ward Wilson 
Wilson đã được mời đến thuyết trình tại Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, các viện Anh Commons, Nghị viện châu Âu, Viện Brookings, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, Naval War College cùng nhiều trường đại học danh tiếng  như Harvard, Princeton, Stanford, Georgetown và Đại học Chicago. Wilson được mời đến giới thiệu cuốn sách của mình “Năm thần thoại về vũ khí hạt nhân” tại Văn phòng Liên Hợp Quốc về giải trừ quân bị giao vào tháng Hai năm 2013…
Google.tienlang giới thiệu bài viết "The Bomb Didn’t Beat Japan… Stalin Did”- "Nhật đầu hàng không phải vì bom nguyên tử, mà... vì Stalin" của Ward Wilson đăng trên Tạp chí Foreign PolicyChính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. 
****************************
Nguồn: Ward Wilson, “The Bomb Didn’t Beat Japan… Stalin Did”, Foreign Policy, 30/5/2013.
Biên dịch: Lê Hoàng Giang
Bài liên quan:
Ý nghĩa chiến lược
Nếu các lãnh đạo Nhật Bản không lo ngại gì trước những vụ ném bom thành thị nói chung và vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima nói riêng, thì họ lo ngại điều gì? Câu trả lời rất đơn giản: Liên Xô.
Nhật Bản khi đó đang ở trong một tình thế chiến lược tương đối khó khăn. Họ đang tiến gần đến kết thúc điểm của một cuộc chiến mà họ đang thua. Tình hình rất tồi tệ. Tuy nhiên, lực lượng Lục quân vẫn còn mạnh và quân nhu còn đầy đủ. Gần 4 triệu binh sĩ còn được vũ trang và 1,2 triệu binh sĩ trong số đó đang canh gác những hòn đảo chính của Nhật Bản.[1]
Thậm chí những nhà lãnh đạo cứng rắn nhất trong chính phủ Nhật Bản cũng biết rằng cuộc chiến không thể tiếp diễn. Câu hỏi đặt ra không phải là có nên tiếp tục hay không, mà là làm thế nào để kết thúc cuộc chiến với những điều kiện tốt nhất có thể. Quân Đồng Minh (Hoa Kỳ, Anh Quốc, và các nước khác – hãy nhớ rằng Liên Xô khi đó vẫn còn trung lập) yêu cầu Nhật phải “đầu hàng vô điều kiện”. Các lãnh đạo Nhật Bản đã hy vọng rằng họ có thể tìm được cách để tránh bị xét xử vì tội ác chiến tranh, giữ được hình thức tổ chức chính quyền, và giữ lại một số vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được: Triều Tiên, Việt Nam, Miến Điện, một phần Malaysia và Indonesia, một phần lớn miền đông Trung Quốc, và hàng loạt hòn đảo trên Thái Bình Dương.
Họ có hai kế hoạch để đạt được những điều kiện đầu hàng tốt hơn; nói cách khác, họ có hai lựa chọn chiến lược. Lựa chọn thứ nhất là ngoại giao. Nhật Bản đã từng ký một thỏa thuận trung lập hiệu lực 5 năm với Liên Xô vào tháng 4 năm 1941, và sẽ hết hạn vào năm 1946. Một nhóm gồm phần lớn là các lãnh đạo dân sự, đứng đầu là Ngoại trưởng Togo Shigenori, đã hy vọng có thể thuyết phục Stalin làm trung gian dàn xếp thỏa thuận giữa một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh, bên kia là Nhật Bản. Mặc dù kế hoạch này là một ván cược đầy rủi ro, song nó vẫn thể hiện tư duy chiến lược vững vàng. Sau cùng thì Liên Xô sẽ có lợi nếu đảm bảo những điều kiện trong thỏa thuận không quá có lợi cho Hoa Kỳ; tăng cường ảnh hưởng hay quyền lực của Hoa Kỳ ở châu Á ở bất kỳ mức độ hay hình thức nào sẽ đồng nghĩa với suy giảm quyền lực và ảnh hưởng của Nga.
Lựa chọn thứ hai là quân sự, và phần lớn những người ủng hộ lựa chọn này là quân nhân, đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Anami Korechika. Những người này hy vọng sẽ dùng bộ binh Lục quân Đế Quốc để gây thương vong lớn cho các lực lượng Hoa Kỳ khi họ đổ bộ. Họ cho rằng nếu thành công thì sẽ có thể buộc Hoa Kỳ phải đưa ra những điều kiện có lợi hơn cho Nhật Bản. Chiến lược này cũng là một ván cược đầy rủi ro. Hoa Kỳ có vẻ rất cương quyết với yêu cầu đầu hàng vô điều kiện. Nhưng vì trên thực tế là đã có những lo ngại trong giới lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ rằng thương vong trong cuộc đổ bộ vào Nhật Bản sẽ là rất lớn, nên chiến lược này của giới cầm quyền Nhật Bản không phải là không có cơ sở.
Một cách để đánh giá xem nguyên nhân Nhật Bản đầu hàng là vì vụ ném bom Hiroshima hay vì cuộc đổ bộ và tuyên chiến của Liên Xô là so sánh cách mà hai sự kiện này tác động đến tình hình chiến lược. Tính đến ngày 8 tháng 8, sau khi Hiroshima bị ném bom, cả hai lựa chọn trên đều vẫn còn khả thi. Khi đó vẫn còn có thể đề nghị Stalin làm trung gian thỏa thuận (những ghi chép trong nhật ký của Takagi trong ngày 8 tháng 8 cho thấy ít nhất một số lãnh đạo Nhật Bản vẫn còn nghĩ đến việc cố gắng lôi kéo Stalin tham gia). Khi đó cũng vẫn còn có thể cố gắng đánh một trận quyết định cuối cùng và gây được tổn thất lớn. Việc Hiroshima bị hủy diệt không làm giảm đi sự sẵn sàng của những binh lính đang trấn thủ trên các bờ biển của bốn hòn đảo chính của Nhật Bản. Lúc ấy phía sau họ đã mất đi một thành phố, nhưng họ vẫn còn ở nguyên vị trí, vẫn còn đạn dược, và sức mạnh quân sự của họ không bị tổn hại theo bất kỳ cách đáng kể nào. Vụ ném bom Hiroshima không làm mất đi bất kỳ lựa chọn chiến lược nào trong số hai lựa chọn của Nhật Bản.
Tuy nhiên, tác động của việc Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản và đưa quân xâm nhập vào Mãn Châu & quần đảo Sakhalin lại rất khác. Ngay khi Liên Xô tuyên chiến, Stalin không còn có thể làm trung gian thỏa thuận nữa – giờ thì ông ta đã trở thành địch thủ. Vì vậy bước đi này của Liên Xô đã gạt bỏ đi lựa chọn ngoại giao của Nhật Bản. Tác động đối với tình hình quân sự cũng nặng nề không kém. Phần lớn những binh sĩ thiện chiến nhất của Nhật Bản đã được điều chuyển xuống phía nam của bốn hòn đảo chính. Quân đội Nhật Bản đã đoán đúng rằng nơi dễ là mục tiêu đầu tiên mà người Mỹ đổ bộ sẽ là đảo Kyushu nằm ở cực nam Nhật Bản. Đạo quân Quan Đông của Nhật Bản ở Mãn Châu chỉ còn là cái bóng của mình ngày xưa, bởi vì những binh lính giỏi nhất trong quân đoàn này đã được đưa về Nhật Bản để bảo vệ chính quốc. Khi Nga đưa quân vào Mãn Châu, họ dễ dàng cắt xuyên qua thứ mà ngày trước từng là một đội quân tinh nhuệ bấc nhất, nhiều đơn vị Nga chỉ phải dừng lại mỗi khi hết nhiên liệu. Tập đoàn quân 16 của Liên Xô – với quân số 100.000 binh sĩ – đã đổ bộ lên phía nam đảo Sakhalin. Lệnh của họ là quét sạch toàn bộ những lực lượng của Nhật Bản trên đảo và sau đó – trong vòng 10 hay 14 ngày – chuẩn bị đổ bộ lên Hokkaido, đảo cực bắc trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản. Lực lượng của Nhật có nhiệm vụ bảo vệ Hokkaido, Quân Khu 5, đã suy yếu khi chỉ còn hai sư đoàn và hai lữ đoàn, và được dồn về phía đông trên đảo. Kế hoạch tấn công của Liên Xô là đổ bộ lên đảo từ phía tây.
Chẳng cần phải là thiên tài quân sự mới thấy được rằng, mặc dù có thể đánh một trận quyết định chống lại một đại cường quốc tiến công từ một hướng, song không thể nào đánh lui hai đại cường quốc tiến công từ hai hướng khác nhau. Cuộc đổ bộ của Liên Xô đã vô hiệu hóa chiến lược đánh một trận quyết định, cũng như đã vô hiệu hóa chiến lược ngoại giao. Chỉ với một đòn đánh, tất cả lựa chọn của Nhật Bản đều đã tan biến. Cuộc đổ bộ của Liên Xô có ý nghĩa chiến lược quyết định còn vụ ném bom Hiroshima thì không – cuộc đổ bộ đã làm mất đi cả hai lựa chọn của Nhật Bản, trong khi vụ ném bom thì không làm mất đi lựa chọn nào.
Lời tuyên chiến của Liên Xô cũng đã thay đổi những tính toán về việc còn bao nhiêu thời gian để ứng phó. Tình báo Nhật Bản dự tính rằng các lực lượng Hoa Kỳ sẽ không đổ bộ trong suốt nhiều tháng. Mặc khác, các lực lượng Liên Xô có thể tiến sâu vào Nhật Bản trong thời gian rất ngắn là 10 ngày. Cuộc đổ bộ của Liên Xô đã khiến cho việc quyết định chấm dứt chiến tranh là vô cùng cấp bách.
Và các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã đi đến kết luận này trước đó vài tháng. Trong một cuộc họp của Hội đồng Tối cao vào tháng 6 năm 1945, họ đã nói rằng sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến “sẽ quyết định số phận của cả Đế Quốc”. Cũng trong cuộc họp đó, Phó Tổng Tham mưu Lục quân Kawabe đã nói rằng “Duy trì tuyệt đối hòa bình trong quan hệ của chúng ta với Liên Xô là hết sức quan trọng nếu muốn tiếp tục cuộc chiến”.
Giới lãnh đạo Nhật Bản từ đầu đến cuối đã tỏ ra không quan tâm gì đến những vụ ném bom đang tàn phá các thành phố của họ. Và mặc dù điều này có thể không đúng khi những vụ ném bom bắt đầu diễn ra vào tháng 3 năm 1945, đến khi Hiroshima bị tấn công thì họ chắc chắn đã không coi những vụ ném bom thành thị là quan trọng, xét về khía cạnh tác động chiến lược. Khi Truman đưa ra lời đe dọa nổi tiếng là sẽ đổ xuống các thành phố Nhật Bản một “cơn mưa hủy diệt” nếu Nhật Bản không chịu đầu hàng, có ít người ở Mỹ nhận ra được là không còn gì nhiều để hủy diệt. Đến ngày 7 tháng 8, khi Truman đưa ra lời đe dọa, chỉ còn 10 thành phố trên 100.000 dân là chưa bị ném bom. Khi Nagasaki bị ném bom vào ngày 9 tháng 8, chỉ còn lại chín thành phố. Bốn trong số đó nằm trên đảo Hokkaido phía cực bắc Nhật Bản, một vị trí rất khó bị ném bom vì cách quá xa đảo Tinian nơi các máy bay ném bom của Mỹ đồn trú. Kyoto, cố đô của Nhật Bản, đã được Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson loại ra khỏi danh sách mục tiêu vì thành phố này có ý nghĩa biểu tượng và tôn giáo quan trọng. Vì vậy mặc dù đe dọa của Truman nghe rất đáng sợ, song sau khi Nagasaki bị ném bom thì chỉ còn lại bốn thành phố lớn có thể bị tấn công bằng bom nguyên tử.
Có thể thấy rõ sự tỉ mỉ và phạm vi của những chiến dịch không kích thành thị của Không lực Lục quân Hoa Kỳ qua thực tế là họ đã đánh bom nhiều thành phố của Nhật Bản đến nỗi họ về sau phải đánh đến cả những “thành phố” chỉ có khoảng 30.000 dân hoặc ít hơn. Trong thế giới hiện đại, 30.000 dân chỉ tương đương với một thị trấn lớn.
Tất nhiên là luôn có thể đánh bom lại những thành phố đã bị đánh bom từ trước bằng bom thông thường. Nhưng những thành phố này tính trung bình đều đã bị phá hủy 50%. Hoặc là Hoa Kỳ có thể ném bom nguyên tử xuống những thành phố nhỏ hơn. Tuy nhiên, khi đó chỉ còn có sáu thành phố nhỏ hơn (với dân số từ 30.000 đến 100.000 người) là chưa bị đánh bom. Xét đến việc Nhật Bản đã có 68 thành phố bị đánh bom nặng nề, và nhìn chung là đã không mấy để tâm đến chúng, thì có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên rằng các lãnh đạo Nhật Bản đã không mấy ấn tượng gì trước đe dọa tiếp tục đánh bom. Đe dọa đó không có tính thuyết phục về chiến lược.
Một câu chuyện thuận tiện
Bất chấp sự tồn tại của ba phản biện mạnh mẽ trên, cách diễn giải truyền thống vẫn đứng vững được trong tư duy của rất nhiều người, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Người ta thực sự phản đối mạnh mẽ việc xem xét lại các dữ kiện thực tế. Nhưng có lẽ điều này không hề đáng ngạc nhiên. Chúng ta nên nhớ rằng cách diễn giải truyền thống về vụ ném bom Hiroshima là thuận tiện về mặt cảm tính đến thế nào – cho cả Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ. Các ý tưởng có thể tồn tại lâu vì chúng đúng sự thật, song không may là chúng cũng có thể tồn tại lâu vì chúng tạo ra sự thỏa mãn về cảm xúc: Chúng thỏa mãn một nhu cầu tâm linh quan trọng. Chẳng hạn, vào cuối cuộc chiến, cách diễn giải truyền thống về vụ ném bom Hiroshima đã giúp các nhà lãnh đạo Nhật Bản đạt được một số mục tiêu chính trị quan trọng, cả về đối nội và đối ngoại.
Hãy đặt mình vào vị trí của Thiên Hoàng. Bạn vừa dẫn đất nước của mình qua một cuộc chiến thảm khốc. Nền kinh tế bị tiêu tan. Tám mươi phần trăm các thành phố của bạn đã bị đánh bom và thiêu hủy. Lục quân đã liên tiếp bị đánh gục trên chiến trường. Hải quân đã bị tiêu diệt phần lớn và không thể rời khỏi cảng. Nạn đói đang dần đến. Nói ngắn gọn là cả cuộc chiến đã là một thảm họa và, tệ hại nhất, là bạn đã nói dối thần dân của mình về việc tình hình thực sự tệ hại đến mức nào. Họ sẽ bị sốc trước tin đầu hàng. Vậy thì liệu bạn sẽ chọn làm gì? Thừa nhận rằng mình đã thất bại thảm hại? Đưa ra tuyên bố rằng bạn đã tính toán sai lầm nhiều đến mức khó tin, liên tiếp phạm sai sót, và gây thiệt hại khủng khiếp cho cả đất nước? Hay liệu bạn sẽ đổ thừa thất bại này lên một bước đột phá khoa học phi thường mà không ai có thể dự đoán? Chỉ với một hành động là đổ lỗi thất bại trong cuộc chiến cho bom nguyên tử đã quét sạch tất cả những nhận định và tính toán sai lầm. Bom nguyên tử là cái cớ hoàn hảo cho việc bại trận. Không cần phải phân bổ trách nhiệm, không cần tổ chức tòa án điều trần. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản có thể nói rằng họ đã làm hết sức mình. Vậy là ở mức độ chung nhất, bom nguyên tử đã có tác dụng giúp các lãnh đạo Nhật Bản không bị đổ lỗi.
Nhưng việc quy sự bại trận của Nhật Bản cho bom nguyên tử cũng phục vụ cho ba mục đích chính trị cụ thể khác. Trước hết, nó giúp bảo vệ tính chính danh của Thiên Hoàng. Nếu thua trận không phải vì lỗi lầm của thiên hoàng mà là vì vũ khí thần kỳ bất ngờ của kẻ địch, thì chức Thiên Hoàng vẫn có thể tiếp tục được ủng hộ ở trong nước Nhật.
Thứ hai, nó thu hút sự cảm thông của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản đã gây chiến một cách hung hăng, và hết sức tàn bạo đối với những dân tộc bị họ chế ngự. Hành vi của Nhật Bản nhiều khả năng sẽ bị các quốc gia khác lên án. Việc tái xây dựng hình ảnh cho Nhật Bản như là một nước nạn nhân – một nạn nhân bị đánh bom một cách bất công bằng một thứ vũ khí đáng sợ và tàn nhẫn – sẽ giúp bù trừ cho một số hành động vô đạo đức mà quân đội Nhật Bản đã làm. Hướng sự chú ý đến những vụ ném bom nguyên tử giúp vẽ lại hình ảnh Nhật Bản với màu sắc đầy cảm thông hơn và xua đi những kêu gọi trừng phạt nặng nề.
Cuối cùng, nói rằng bom nguyên tử đã giành phần thắng sẽ làm người Mỹ hài lòng. Hoa Kỳ chỉ chính thức ngừng chiếm đóng Nhật Bản vào năm 1952, và trong thời gian đó họ đã có quyền thay đổi hoặc tái lập xã hội Nhật Bản tùy ý. Trong những ngày đầu chiếm đóng, nhiều quan chức Nhật Bản đã lo sợ rằng người Mỹ định sẽ bãi bỏ chức Thiên Hoàng. Và họ còn một mối lo khác. Nhiều quan chức hàng đầu trong chính phủ Nhật Bản biết rằng họ sẽ phải ra trước tòa án tội phạm chiến tranh (những phiên tòa xử tội phạm chiến tranh chống lại các lãnh đạo Đức đang được tiến hành ở châu Âu khi Nhật Bản đầu hàng). Sử gia Nhật Bản Asada Sadao đã nói rằng trong nhiều cuộc thẩm vấn sau chiến tranh, “các quan chức Nhật Bản… tỏ ra rất nóng lòng muốn làm hài lòng những người Mỹ thẩm vấn họ”. Nếu người Mỹ muốn tin rằng bom nguyên tử đã giúp giành phần thắng, thì tại sao lại làm họ thất vọng?
Việc cho rằng bom nguyên tử đã kết thúc cuộc chiến phục vụ cho lợi ích của Nhật Bản theo nhiều cách. Nhưng nó còn phục vụ cho cả lợi ích của Hoa Kỳ. Nếu bom nguyên tử đã giúp giành chiến thắng, thì nhận thức về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ sẽ được tăng cường, ảnh hưởng ngoại giao của Hoa Kỳ ở châu Á và trên cả thế giới sẽ lớn hơn, và an ninh của Hoa Kỳ sẽ được củng cố. Hai tỷ USD dành để chế tạo quả bom sẽ không bị uổng phí. Mặt khác, nếu sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến mới là điều khiến Nhật Bản đầu hàng, thì Liên Xô có thể tuyên bố rằng họ đã làm được trong bốn ngày điều mà Hoa Kỳ không thể làm được trong bốn năm, và nhận thức về sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ngoại giao của Liên Xô sẽ được tăng cường. Và một khi Chiến tranh Lạnh diễn ra, khẳng định rằng sự tham gia của Liên Xô là yếu tố quyết định sẽ giống như hỗ trợ cho kẻ thù.
Xét đến những câu hỏi đặt ra ở trên, thật không hay khi chúng ta phải cân nhắc thực tế rằng những bằng chứng về HiroshimaNagasaki là trọng tâm của tất cả những gì chúng ta nghĩ về vũ khí hạt nhân. Sự kiện này là nền tảng cho quan niệm về tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân. Nó là tối quan trọng đối với trạng thái độc nhất vô nhị của vũ khí hạt nhân, tức ý niệm rằng những quy luật bình thường không áp dụng được cho chúng. Nó là một thước đo quan trọng cho những mối đe dọa hạt nhân: Đe dọa của Truman về việc trút “mưa hủy diệt” lên Nhật Bản là đe dọa hạt nhân công khai đầu tiên. Nó là mấu chốt của hào quang uy quyền khủng khiếp bao quanh vũ khí hạt nhân và khiến cho chúng quan trọng đến vậy trong quan hệ quốc tế.
Nhưng chúng ta sẽ phải nghĩ thế nào về những kết luận đó nếu như câu chuyện truyền thống về Hiroshima bị nghi ngờ? Hiroshima là trung tâm, là điểm xuất phát của tất cả những tuyên bố và khẳng định khác. Nhưng câu chuyện mà chúng ta đang tự kể cho mình có vẻ khá xa rời thực tế. Chúng ta phải nghĩ gì về vũ khí hạt nhân nếu thành tựu to lớn đầu tiên này – sự đầu hàng đột ngột và kỳ diệu của Nhật Bản – hóa ra chỉ là chuyện hoang đường?
Ward Wilson là học giả cấp cao tại Hội đồng Thông tin An ninh Mỹ – Anh (British American Security Information Council – BASIC). Bài viết này được xây dựng trên nội dung cuốn sách của ông là Five Myths About Nuclear Weapons (Mariner Books, 2013).
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/01/05/nhat-dau-hang-vi-stalin-khong-phai-bom-nguyen-tu-p2/#sthash.9oqbxGyM.dpuf
Nguồn: Ward Wilson, “The Bomb Didn’t Beat Japan… Stalin Did”, Foreign Policy, 30/5/2013.
Biên dịch: Lê Hoàng Giang

2 nhận xét:

  1. Ko phải vì stalin mad là vì ...Việt Nam. Nhật nhục vì thua Việt Nam nên ...đầu hàng.

    Trả lờiXóa
  2. Đó cũng là một lập luận khá logic. Sau khi tiêu diệt Đức, Liên Xô đã dồn quân sang mặt trận phía đông chuẩn bị vượt qua biển tiến vào đảo Hokkaido. Lựa chọn đầu hàng vô điều kiện là lựa chọn tuy có phần mất thể diện so với lối hành động và suy nghĩ của người Nhật nhưng là vì đại cục thì đó là một lựa chọn tốt nhất. Nếu kiên quyết chống cự thì Nhật sẽ bị Mỹ và Liên Xô sẻ làm đôi, hình ảnh của Triều Tiên ngay sau chiến tranh thế giới thứ 2. Đầu hàng thì họ sẽ vẫn tự chủ mặc dù phải chịu nhiều thiệt hại về kinh tế, chính trị.

    Trả lờiXóa