Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Kỳ 4a: Chân tướng Trần Đĩnh qua Đèn Cù

 Còn đây cụ Đĩnh cùng hội hè của mình. Hình lấy trong bài "Vui một tý: Phản động trông như thế nào?"

Lời dẫn: Thú thật là Google.tienlang dù đã đăng Toàn văn Đèn cù của ông Trần Đĩnh nhưng chủ blog chưa thể một lần đọc hết cả 8 phần, 41 chương của Đèn Cù. Cố gắng đọc được một vài chương đầu ở Phần I là tự nhiên thấy oải vì cái thứ văn chẳng ra văn, sử chẳng ra sử. Ấy vậy mà có người đã đọc hết cả 8 phần, 41 chương Đèn cù. Và đọc những hai lần. Và lại đọc kỹ chứ không "cưỡi ngựa xem hoa" như chúng tôi khi cố đọc một vài chương đầu. Không những đọc kỹ hai lần toàn bộ Đèn cù mà lại còn kỳ công viết bài đến 4, 5 kỳ để chỉ ra cho chúng ta cái sự thật trong Đèn cù. Chúng tôi dám chắc rằng không có ai trên đời có được cái kỳ tích này. Người đó chính là Cụ Lý- một cây viết quen thuộc với bạn đọc Google.tienlang.

Hôm nay, nhân ngày nghỉ cuối tuần, Google.tienlang xin phép Cụ Lý mang loạt bài phân tích của Cụ về đây để bạn đọc thưởng lãm.
************** 
 Kỳ 4: Những chiếc mặt nạ của Trần Đĩnh (phần 1)


"Đọc “Đèn cù” tôi thấy phần nào ấm lòng vì số người biết xót xa cho phận người dân khốn khổ, hẩm hiu như tác giả còn rất nhiều. Chỉ có điều, những người tốt thường không quyết liệt, mạnh mẽ như những người hiếu chiến. Có lẽ do đặc tính này mà loài người còn nhiều đau khổ chăng?
    "Với lượng thông tin phong phú chứa đựng trong 599 trang sách hẳn sẽ thỏa mãn nhiều mối quan tâm khác nhau của độc giả. Là một người tham gia tranh đấu cho quyền con người, đọc “Đèn cù” tôi thấy quyền tự do ngôn luận quí đến dường nào. Nếu ngày đó có tự do ngôn luận, hay có internet chắc chắn người dân miền Bắc sẽ không yêu nước đến cuồng nhiệt: lớp sống đói khổ, lớp chịu bom đạn, lớp đưa hàng triệu con em mình vào Nam chịu cảnh bi thảm: sinh Bắc tử Nam.
    "Tôi cũng thật bất ngờ khi biết rằng ở miền Bắc cũng có phe phản chiến như ở Mỹ, chỉ có điều họ bị bịt miệng quá nhanh chứ không được tự do nói như bên Mỹ".
     (Tụng ca 4 – Một nhà rân trủ)

    "Bỏ ra $25 USD để mua Đèn Cù Trần Đĩnh thà mua thức ăn nuôi chó mèo, nuôi thú cưng tốt hơn, hay tỉ như quyên góp từ thiện cho học khu cộng đồng còn được mang tiếng tốt, đem bố thí cho ăn xin hay người ốm đau còn được tiếng cám ơn. Có tay bác sĩ hải ngoại nọ chụp hình khoe trong nhà có 3 cuốn Đèn Cù, hóa ra ngu hơn người gấp ba lần".

    (Bỉ ca  – Một nhà rân trủ khác)

--------------------

1. “Con dê tế thần” hay con thú cưng (Pet)?
Trong Đèn Cù, Trần Đĩnh tự nhận mình là người viết tiểu sử cho Cụ Hồ và viết hồi ký cho nhiều lãnh đạo tiếng tăm khác. Tuy vậy, cho đến tận trước khi Đèn Cù xuất hiện (2014) thì hầu như không ai biết đến tên tuổi Trần Đĩnh. Rất nhiều người đã đọc “Bất khuất” (in 210.000 cuốn, xuất bản bằng 5 ngoại ngữ) chỉ biết đến tác giả tự truyện là ông Nguyễn Đức Thuận chứ hoàn toàn không biết đến một Trần Đĩnh “bồi bút” (như chính ông tự nhận trong Đèn Cù đến ba lần).
Vậy Trần Đĩnh là người như thế nào?
Vài chi tiết đã được Wikipedia tóm tắt như: sinh năm 1930, vào Đảng năm 1946, làm báo Sự Thật năm 1949, được cử đi học Đại học Bắc Kinh từ 1955 đến 1959. Trần Đĩnh có thời gian làm báo Nhân dân, dính vụ án xét lại chống Đảng, phải "khai cung", bị kỷ luật lao động và năm 1976 bị khai trừ ra khỏi Đảng. Những sự kiện trên cho thấy dường như Trần Đĩnh có một số phận kém may mắn.
Bản thân Trần Đĩnh nói trên BBC: “Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi”
Có thật vậy không?
Đèn Cù lại cho ta biết một Trần Đĩnh có một số phận không hề  kém may mắn.
Vào đời, và cũng là vừa chân ướt chân ráo đi theo cách mạng, Trần Đĩnh đã được “vinh dự ở bên các vì sao sáng”.
Đến ATK, Trần Đĩnh được đưa về báo Sự Thật, thẻ phóng viên “được phép vượt qua bất cứ chặn giữ, kiểm soát nào”. Trần Đĩnh lại được đích thân cây bút lão luyện Trường Chinh dạy nghề.
Không biết Trần Đĩnh tài cán thế nào, cống hiến ra sao, viết được mấy bài báo (mà trong Đèn Cù đã có ít nhất ba bài “bịa”, “dựng” và “pha phách thêm nếm”), vậy mà vẫn được cấp trên ưu ái cử sang Trung Quốc học tập.
Nói ưu ái là vì khi Trần Đĩnh vào ATK, thì bố đẻ ông theo Pháp và ở lại Hà Nội, và như ông nói “Biết lôi thôi ở cái khoản bố làm việc cho Pháp ở trong Hà Nội. Tôi vẫn đi là nhờ uy lực báo đảng. Và cá nhân tôi cũng có uy lực nào đó nên báo đảng mới bênh!”, (Chương 6). Trong khi đó hai nhà báo Chính Yên (báo Cứu Quốc) và V.T.D (Thông tấn xã) cũng có hoàn cảnh tương tự thì phải xách ba lô ra về.
Đến khi đi học ở Bắc Kinh, thì vi phạm quan hệ luyến ái, người khác thì hẳn sẽ bị đuổi về vì quan niệm hồi ấy khắt khe lắm, nhà nước chi tiền để sang nước bạn học tập, chứ không phải du hí. Nhưng Trần Đĩnh và người yêu Hồng Linh, sau này là vợ ông, thì vẫn được đoàn thể bỏ qua (Chương 7).
Sau Điện Biên phủ, ta lại biết bố ông Trần Đĩnh vào Sài Gòn theo chủ mới, nhưng ông vẫn được tin cậy, giao ngồi một chỗ viết tiểu sử Cụ Hồ, lĩnh nhuận bút nhiều nhất trong khi hai ông nhà văn là Nguyễn Huy Tưởng và Hoài Thanh lọ mọ vào tận Nghệ An sưu tầm tài liệu mà chẳng được đồng nào.
Trích Chương 14: “Tiểu sử Bác phát hành đầu tháng 5. Nhuận bút 900 đồng. Một món tiền rất to. Ai có một chỉ vàng khoảng mười sáu đồng đã ghê. Tôi được nhiều nhất: 400 đồng. Phạm Bình tìm tài liệu được 300 và Tố Hữu hiệu đính, thật ra là công đọc, 200. Huy Tưởng, Hoài Thanh chả tẹo nào. Trừ công tác phí đi Nghệ An chắc là lỗ”.
Kể cả khi đã dính vào “vụ án xét lại chống Đảng”, trong khi người khác đi tù không biết ngày nào ra, thì Trần Đĩnh vẫn ung dung ở ngoài, vẫn là đảng viên, vẫn chấp bút cho các “ngôi sao”, vẫn hưởng các chế độ ưu đãi cho mãi đến năm 1976 mới bị khai trừ. 
Khi đọc đến đoạn Trần Đĩnh tự nhận trong Đèn Cù, rằng ông là "một con dê tế thần",  tôi cho rằng không phải thế. Sự thực, thì ông giống một "con vật cưng" hơn. (Pet: tiếng Anh, chỉ các loại chó, mèo, rắn, rùa, tắc kè ... nuôi làm cảnh). 
2. Trần Đĩnh “cộng sản đích thực, yêu hòa bình”?
Ấy thế mà khi bị xử lý về việc tham gia nhóm “xét lại chống Đảng” Trần Đĩnh luôn miệng kêu oan, rằng mình mới là “cộng sản đích thực, yêu hòa bình”, thậm chí bệ đâu về hai chữ “phản chiến” và tự dán nhãn cho mình.
Về chuyện “yêu hòa bình” thì đúng là như Trần Đĩnh nói, “người cộng sản đích thực” thì phải yêu hòa bình. Không chỉ người cộng sản, mà cả những người nông dân “việc cuốc việc cày việc bừa tay vốn quen làm” cũng có thích gì chiến tranh, nhưng bởi “bát cơm manh áo ở đời mắc mớ chi ông cha nó” mà phải “tập khiên tập giáo tập mác tập cờ” cho dù “mắt chưa từng ngó”. Nếu cứ nói theo kiểu ba láp của Trần Đĩnh thì hóa ra, những người nông dân Cần Giuộc đều là kẻ "yêu chiến tranh" cả, và vua quan nhà Nguyễn thì mới lại là người "yêu hòa bình" (!?).
Hồ Chí Minh lại càng mong muốn hòa bình lắm chứ, khi nhẫn nhịn chịu tiếng “Câu Tiễn” ký hiệp định 6-3-1946 để cứu vãn một nền hòa bình. Nhưng, “chúng ta muốn Hòa Bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng, giặc Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.”  
Trần Đĩnh cố tình không hiểu điều đó, ông đề cao tư tưởng chung sống hòa bình giữa hai phe do Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô bấy giờ là Nikita Khrushchev đề xuất và tỏ thái độ không đồng ý với cuộc đấu tranh vũ trang, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xuất phát từ tư duy nô lệ, phụ thuộc vào quan điểm Khrushchev (và cả Mao), Trần Đĩnh gom hết tất cả những nhân vật chính trị hàng đầu trong Đảng (đặc biệt là hai ông họ Lê, là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ) vào một cái rọ gọi là “mao-it” và đi đến kết luận (trong Đèn Cù), chính vì Đảng cộng sản Việt Nam theo Mao nên mới phát động chiến tranh giải phóng miền Nam chống Mỹ cứu nước.
Để đánh bóng và kêu oan cho mình, Trần Đĩnh đã cố tình lờ đi hiện thực đất nước Việt Nam giai đoạn đó, thậm chí mưu toan lộn ngược cả lịch sử.
Sự thực, phong trào Nam tiến (mà trong Đèn Cù, có chỗ Trần Đĩnh gọi là "nội chiến" với cái ý "miền Bắc xâm lược miền Nam") đã bắt đầu ngay sau ngày thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ 23/9/1945.
Khí thế Nam Tiến của Thanh niên Hà Nội, 1945 

Ga Hàng Cỏ, nơi xuất phát những đoàn quân Nam Tiến, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ, họa sĩ chạc tuổi Trần Đĩnh
Và cũng chẳng phải đợi đến năm 1960, với Lê Duẩn và Nghị quyết 15 ra đời thì mới có tư tưởng đấu tranh vũ trang thống nhất đất nước:
Ngay từ những năm đầu lập nước, Võ Nguyên Giáp, trong thư gửi cho Trung đoàn Thủ đô, ngày 18-2-1947, đã viết: “Các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội... Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm, hay lâu hơn nữa, nếu cần. Cho đến ngày tổ quốc độc lập, thống nhất. Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm thủ đô một nước độc lập, thống nhất”.
Rõ ràng ở thời điểm 1945 – 1947, chưa hề có cái gọi là "mao-it" để mà theo, thì vẫn phải đổ máu để giành độc lập và thống nhất đất nước.
Vì, như Hồ Chí Minh đã nói:
"Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Đến đây, ông Trần Đĩnh rất có thể sẽ cãi, rằng ông ấy không đề cập đến cuộc kháng chiến chống Pháp, mà chỉ “phản chiến” đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này, nó mới là do "mao-ít" đẻ ra.
Nhưng, một nhận định của Quốc hội Hoa Kỳ (Tài liệu lưu trữ  BQP - 1973) đã chỉ rõ: "Chính phủ Nam Việt Nam đã trở thành nơi ẩn nấp của những người Việt Nam từng đi theo Pháp trong cuộc chiến đấu chống lại nền độc lập của đất nước họ. Chính phủ Nam Việt Nam không có cơ sở thành trì trong nhân dân. Nó đi theo hướng bóc lột dân chúng nông thôn và tầng lớp dưới ở thành thị, trên thực tế nó là sự tiếp tục chế độ thuộc địa của Pháp". Và cũng chẳng cần tìm ở đâu xa, bản thân cái “sự nghiệp” của ông cụ thân sinh ông Trần Đĩnh, hết ở Hà Nội theo Pháp rồi lại vào Nam theo Mỹ Diệm đã là một minh chứng không thể phủ bác cho nhận định nói trên.
Thực ra, vẫn có cơ hội để đất nước thống nhất trong hòa bình, nếu ông chủ mới của bố ông Đĩnh, tức là ông Diệm, chấp nhận thực hiện tổng tuyển cử như hiệp định Genève quy định.
Ông Diệm có muốn thống nhất đất nước không? Có chứ, đây này. Nhưng, Diệm đặt ra một điều kiện cực kỳ lố bịch là: dứt khoát "phải có Tổng thống Ngô Đình Diệm".
Đầu cầu Hiền Lương, phía bờ Nam sông Bến Hải

Trong khi đó, ở đầu cầu Hiền Lương, phía Bắc
Nhưng nếu thực hiện Tổng tuyển cử thì lại không thể có ông Diệm, vì chuyện tất yếu là ông Diệm sẽ thua trong cuộc bầu cử, như nhà sử học Mortimer T. Cohen cho biết: "Không ai có thể thắng cử trước Hồ Chí Minh, vì ông là một George Washington của Việt Nam".
Ngay từ năm 1956, một nhân vật của CIA là Allen Dulles đã tiến hành điều tra và lập một bản báo cáo lên tổng thống Mỹ, bấy giờ là Eisenhower, dự đoán nếu bầu cử diễn ra thì có đến 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh, và "thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi"
Không thể chấp nhận Tổng tuyển cử, (tức là giải pháp hòa bình), vì sợ thua, và chắc chắn sẽ thua. Vậy thì làm cách nào để ông Diệm vừa muốn "thống nhất lãnh thổ" lại vừa có ngôi vị "tổng thống"? Ông Diệm không thể có giải pháp nào khác để đạt được mục đích, ngoài việc huy động chiến tranh. Và chính ông mới là kẻ cầu đến sức mạnh quân sự, bằng cách "rước" các cố vấn quân sự Mỹ vào Việt Nam và đề ra quốc sách “Lấp sông Bến Hải, Bắc tiến”.
Những con tem phát động chiến tranh thời Ngô Đình Diệm, khẩu hiệu "Toàn dân đoàn kết, chuẩn bị Bắc tiến, với "mục tiêu cắm cờ" là vị trí Thủ đô Hà Nội trên bản đồ và hình ảnh chùa Một Cột.
Trong khi đó, miền Bắc suốt từ 1955 đến năm 1959 vẫn đấu tranh đòi gìn giữ hòa bình, thống nhất đất nước bằng tuyển cử. Mọi chỉ thị mật của Trung ương gửi vào Nam thời kỳ này đều khẳng định: Chỉ đấu tranh chính trị, hợp pháp, không được đấu tranh bằng vũ trang, không được manh động. Mọi cán bộ, chiến sĩ còn ở lại miền Nam đều không được mang vũ khí. Vũ khí phải đem đi chôn giấu. 
Thậm chí, tháng 8/1958, nhân khánh thành sân vận động Hàng Đẫy chính quyền Hà Nội vẫn gửi giấy mời chính quyền Saigon cử đội bóng đá của mình ra miền Bắc thi đấu, trong thư viết rất cảm động: "Phong trào thể dục, thể thao Bắc Nam cùng chung một lịch sử, cũng như nhân dân hai miền vốn chung một huyết thống dân tộc từ ngàn xưa"...
Đáng tiếc, phía Saigon đã không hồi đáp.
Và, thay vì đưa đội bóng ra giao hữu thì rất nhiều các đội biệt kích đã được tung ra miền Bắc, cả đường bộ, đường không lẫn đường biển.
Còn ở ngay tại miền Nam, thì  ông Diệm phát động những chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, thông qua “luật 10/59”  “tiêu diệt cộng sản tận gốc”, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, tuyên bố “đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh”. Thử hỏi ông Đĩnh, người cộng sản miền Nam và người dân miền Nam làm sao “chung sống hòa bình” với những thứ “tố”, “diệt”, “tiêu diệt”, “giết” và thậm chí cả “giết nhầm” nữa của ông Diệm được đây.
Như vậy, chính Ngô Đình Diệm với sự giúp sức của quan thầy là đế quốc Mỹ, mới là người cần đến chiến tranh, và các nghiên cứu lịch sử đã chỉ ra chính họ là thủ phạm gây ra núi xương biển máu cho dân tộc Việt Nam, chứ không phải các ông “mao-it”. (Chính người Mỹ cũng đã thừa nhận điều này, xin xem Wikipedia về “chiến tranh Việt Nam”).
Mỹ - Diệm và tay sai (trong đó có cả bố ông Đĩnh) chính là những kẻ châm ngòi ngọn lửa chiến tranh, điều ấy đã quá rõ, vậy mà không thấy Trần Đĩnh chỉ mặt tố cáo họ là “mao-it”, theo âm mưu Trung quốc “khuấy lên cái chậu bùn thiên hạ để trục lợi”
Do đó, lý luận như ông Trần Đĩnh, rằng “phe chủ chiến” là theo "mao- ít", chẳng qua là tự bịt mắt mình trước sự thực lịch sử, thừa dịp tâm lý bài Hoa sùng Mỹ hiện nay để đánh bóng mình trước con mắt giới chống cộng hải ngoại và đám dân chủ giả cầy trong nước.
Thế còn các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ có "mao ít mao nhiều" không? Vì ở chương 42, ông Đĩnh viết rõ Duẩn theo Mao phát động chiến tranh”?
Là một người được Bắc Kinh đào tạo, nhưng Trần Đĩnh đã cố tình lờ đi sự thực là khi đó (1954 -1964) giới cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn “thuyết phục” Việt Nam rằng công cuộc thống nhất là “một cuộc đấu tranh trường kỳ”, cần phải "trường kỳ mai phục" và không thể thực hiện được bằng lực lượng vũ trang. Tháng 11 năm 1956, Mao Trạch Đông nói với những người lãnh đạo Việt Nam: “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm”
Trước đó, tháng 7 năm 1955, Đặng Tiểu Bình doạ (*): “Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả năng nữa là mất cả miền Bắc”. 
Tháng 7 năm 1957, Mao lại nói: “Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17…Thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt.”
Tháng 5 năm 1960, hội đàm với phía Việt Nam, họ nói về miền Nam Việt Nam như sau: “ Không nên nói đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự là chính…Đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự không phải là cướp chính quyền ngay, mà cuộc đấu tranh vẫn là trường kỳ... . Dù Diệm có đổ cũng không thể thống nhất ngay được, vì đế quốc Mỹ không chịu để như vậy đâu…”
Nhưng, khi không cản được nhân dân miền Nam Việt Nam “đồng khởi” thì họ lại "khuyên" rằng việc đấu tranh vũ trang ở miền Nam chỉ nên tiến hành đánh du kích, đánh nhỏ cỡ đơn vị trung đội, đại đội.
Như vậy, thử hỏi hai ông lãnh đạo“họ Lê” (và cả những ông khác), đồng lòng quyết tâm giải phóng miền Nam bằng đấu tranh vũ trang (thực ra là kết hợp cả với đấu tranh chính trị và ngoại giao), có phải là “mao-it” như Trần Đĩnh “ngậm máu phun người” không? Và nếu đặt bên cạnh những "quan điểm" của Bắc Kinh về sự nghiệp thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam với những “diễn biến tư tưởng” của Trần Đĩnh trong Đèn Cù, thì ta thấy ngay, chính Trần Đĩnh mới đích thị là “mao-it”, vì cũng như Bắc Kinh, Trần Đĩnh đòi phải "trường kỳ mai phục".
Thực tế lịch sử quan hệ ngoại giao của Việt Nam DCCH thời chống Mỹ cho thấy, bất chấp đường lối của “ông Liên xô” hay “bà Trung quốc” hay ai khác thế nào, họ lý luận ra sao, khuyên bảo cái gì, nếu chính sách của họ phù hợp với mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thì Việt Nam đều tranh thủ tối đa. Mặc dù Liên Xô và Trung Quốc có lúc bất hòa, nhưng mọi sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của cộng đồng quốc tế (trong đó Liên xô và Trung Quốc chiếm phần lớn) và của cả những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đều có chung một đích đến là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước Việt Nam.
Đó là một chính sách ngoại giao, khôn khéo, khi mềm dẻo khi cương quyết, có thể gọi là ứng biến, nhưng cái mục tiêu vẫn luôn “bất biến”. Khác hẳn với cái “sách lược hòa bình” của ông Đĩnh vốn chỉ dựa trên thứ tư duy nô lệ, phụ thuộc hoàn toàn vào “đường lối” của Mao hay Khrushchev. Mà ngay cả cái chính sách “chung sống hòa bình” của Khrushchev cũng chỉ tồn tại được vài năm (cho đến khi ông ta bị thay thế), do đó nếu Trần Đĩnh có thực sự không phải là “phần tử xét lại, theo phe Trọc” (chỉ Khrushchev), thì “sách lược” của ông Đĩnh chắc chắn cũng sẽ phải đổi màu theo.
Như vậy, ông Trần Đĩnh hoàn toàn không phải là một người “cộng sản đích thực, yêu hòa bình” như ông "nổ" với người đọc Đèn Cù. Thực chất, khi còn đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông cũng chỉ là một kẻ có tư duy nô lệ, giáo điều, mơ hồ, hoang tưởng về sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất nước. Nhưng đến khi viết Đèn Cù thì ông còn tỏ ra là kẻ lấp liếm sự thật lịch sử và to mồm vu vạ.
3. Thế còn “người phản chiến” Trần Đĩnh?
(Xin chờ entry sau)

Ghi chú :

(*) Chỗ này lúc trước viết: Tháng 7 năm 1955, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình doạ:“Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả năng nữa là mất cả miền bắc”. (nguồn: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua" - Sách do Bộ Ngoại giao xuất bản tháng 10/1979, Phần III, mục I- THỜI KỲ 1954-1964 NHỮNG NGƯỜI CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC NGĂN CẢN NHÂN DÂN VIỆT NAM ĐẤU TRANH ĐỂ THỰC HIỆN THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ).

Nay, 27/10/2014 sửa lại như trên, theo phát hiện của bạn đọc Nặc danh09:45 Ngày 27 tháng 10 năm 2014, (xem các comment bên dưới)

Ghi chú thêm: Vào thời điểm 1979 khi Bộ Ngoại giao xuất bản sách này, thì Đặng đang là Tổng Bí thư và chính y đã phát động cuộc chiến xâm lươc Việt Nam 1979.
Nguồn: Cụ Lý
============

Mời xem bài liên quan

Loạt bài của Cụ Lý về Trần Đĩnh:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét