Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Cô bộ đội cùng em bé trong tấm hình lịch sử 1979 đã tìm thấy nhau

Cô bộ đội cùng em bé trong tấm hình lịch sử được chụp tháng 2.1979 ở mặt trận Cao Bằng đã gặp nhau ngày 28.2, và họ gọi nhau là 'mẹ con', để làm thành đoạn kết đẹp của câu chuyện cổ tích giữa đời thường...

Cô bé ngày nào giờ đã 40 tuổi, ôm choàng người phụ nữ 58 tuổi nằm trên giường, nức nở: “Mẹ ơi!”. Cô bộ đội 21 tuổi của 37 năm về trước cũng giàn giụa nước mắt: “Bé ơi! Con lớn thế này rồi ư?”, khiến những người dân xóm Núi Chùa (xã Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ) cùng bật khóc theo.
Mong ước tưởng chừng vô vọng
Đầu tháng 2.1979, ông Trần Mạnh Thường (nay đã 80 tuổi) là cán bộ của Phòng Nhiếp ảnh, Nhà xuất bản Văn hóa được cử lên công tác Cao Bằng. Rạng sáng 17.2.1979, khi đang ở Tà Lùng, lính Trung Quốc ào ạt tấn công, ông Thường phải rút về tuyến sau.
Ròng rã chạy giặc, sáng 24.2.1979 đến cầu Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng), ông Thường gặp một tốp bộ đội đang cứu chữa một người phụ nữ máu me đầy người, bất tỉnh như đã chết và một cô bộ đội khoác súng AK đang ôm một bé gái. Vội vã hỏi thăm mới biết hai mẹ con bị lính Trung Quốc bắn, được bộ đội cứu và cõng ra đây suốt 1 ngày đêm. Cô bộ đội đã bế em bé từ rừng và đang chờ đưa hai mẹ con lên xe vận tải…

VIDEO: Khoảnh khắc trùng phùng sau 37 năm của cô bộ đội và em bé năm xưa - Thực hiện: Lê Quân - Minh Hoàng
“Tôi chỉ kịp chụp tấm hình cô bộ đội bế đứa bé, không kịp hỏi tên”, ông Thường nhớ lại và kể tiếp: Cứ tưởng bà mẹ đã chết, nên tôi gửi tấm hình cho Báo Quân đội Nhân dân đăng cuối tháng 2.1979, với chú thích: “Mẹ của em bé? Không phải. Mẹ của em bị quân Trung Quốc xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24.2.1979 và đây là cô bộ đội đã cứu em!”…
Mẩu báo đăng hình cô bộ đội bế em bé, được bà Hoàng Thị Minh (ở Hòa An, Cao Bằng) lưu giữ trong túi xách giấy tờ gia đình với tâm nguyện: “Sẽ tìm cho được cô bộ đội đã cứu cháu mình” và anh Bùi Quốc Tuấn (ở Đồng Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ) dán lên cột nhà với niềm tự hào: “Chị gái mình kiên cường chiến đấu đánh giặc, cứu dân!”.
Từ câu chuyện của ông Trần Mạnh Thường, cuối tháng 1.2014, nhóm PV Báo Thanh Niên lên Cao Bằng dò tìm 2 nhân vật. Gần 1 tuần, chúng tôi mới có thông tin về em bé trong ảnh.
Vừa thấy tấm hình, chị Hoàng Thị Thu Hiền (40 tuổi, cán bộ UBND xã Hoàng Tung, Hòa An, Cao Bằng) giật mình đưa ra mẩu báo in hình cô bộ đội bế em bé, nghẹn ngào: “Tôi đấy! Lúc đó mới gần 3 tuổi và gia đình cất giữ mẩu báo, mong gặp lại cô bộ đội!”, chị Hiền nói vậy và đau đáu: “Gia đình đã tìm được 2 trong số những người lính đã cứu mẹ con tôi. Đó là chú Thành (quê Đoan Hùng, Phú Thọ là trung đội trưởng trinh sát) và chú Lê Văn Thích (quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang, y tá), nhưng cô bộ đội thì chịu”.
“Gia đình có hỏi 2 anh về cô bộ đội, nhưng không có thông tin, bởi vì đi cùng nhau nhưng không được nói chuyện do sợ lính Trung Quốc phát hiện. Về đến trạm phẫu, cô ấy trao bé cho y tá rồi quay trở lại tuyến trên ngay”, bà Hoàng Thị Minh, cô ruột của Hoàng Thị Thu Hiền, nói vậy và chặn nước mắt: “Nếu không có cô ấy, chắc gì con Hiền sống đến hôm nay”.
Cuộc hội ngộ sau 37 năm
Tấm ảnh 37 năm trước
Làm mẹ một ngày đêm
Sau gần 3 năm tìm kiếm, mãi đến cuối tháng 2.2016, chúng tôi mới có thông tin về cô bộ đội và về xã Hanh Cù (Thanh Ba, Phú Thọ) tìm gặp. Vừa nhìn khuôn mặt người đàn bà nhỏ thó, nằm liệt trên giường, cả nhóm đã giật mình bởi khuôn mặt giống y tạc cô bộ đội 37 năm trước. Nhìn bức hình, người đàn bà cũng ngỡ ngàng: “Sao các anh biết?” và ứa nước mắt: “Tôi luôn nhớ đến em bé ấy. Nó rất ngoan và rất hiền”.


Gần 25 triệu đồng giúp đỡ “cô bộ đội”
Trong buổi gặp gỡ lịch sử sáng qua, đại diện Báo Thanh Niên đã trao số tiền 24,5 triệu đồng góp nhanh hỗ trợ bà Bùi Thị Mùi. Trong đó, gia đình ông Võ Hồng Nam và Mạc Thị Thu Hường (con trai và con dâu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) ủng hộ 5 triệu đồng, gia đình bà Trịnh Kim Oanh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) 5 triệu đồng; đặc biệt, khi biết hoàn cảnh của cựu chiến binh Bùi Thị Mùi đang gặp khó khăn, đại úy Nguyễn Xuân Thắng, thuyền trưởng tàu Trường Sa 22 (Hải đội 411, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), đang làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa cũng gửi tặng 1 triệu đồng; số còn lại là của Báo Thanh Niên, bạn đọc và PV các báo, đài.

Tháng 11.1976, Bùi Thị Mùi tình nguyện nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi và tháng 2.1979, cô về nhận nhiệm vụ tại đại đội 3, Tiểu đoàn 19 vận tải, trực thuộc Sư đoàn 346, Quân khu 1.
“Sáng 17.2.1979, lính Trung Quốc tấn công vào sư đoàn bộ đang đóng quân tại Nam Tuấn (Hòa An, Cao Bằng), chúng tôi bám từng mỏm đá, góc rừng đánh trả chúng. Khi bị bao vây và tổn thất nặng, cấp trên ra lệnh cho các đơn vị tự rút lui”, bà Mùi nhớ lại và ứa nước mắt: “Tiểu đội nữ vận tải chôn vội mấy đồng chí hy sinh và chia nhau những viên đạn cuối cùng, cắt đường rừng tìm về phía không có tiếng súng. Đến sáng, chị em lạc nhau và tôi ôm khẩu AK đi cùng bảo vệ người dân sơ tán”.
Bà Mùi kể, sáng 23.2.1979, khi đến đường mòn gần Bản Tấn, bà được gọi lại, giao bảo vệ một bé gái đi cùng tốp trinh sát đưa bà mẹ bị thương về phía sau. Cả tốp 6 người luồn rừng qua xã Bình Dương (Hòa An).
“Mấy ngày không có gì vào bụng, ai cũng kiệt sức, nhưng cứ bấm lưng nhau động viên cố gắng cứu 2 mẹ con. Tôi bế em bé, nó hình như cũng biết nguy hiểm nên không dám khóc. Mỗi khi bé cựa quậy, tôi lại phải ủ vào ngực”, bà Mùi nhớ lại.
Sáng ngày 24.2.1979, cả tốp chiến sĩ đưa mẹ con đến cầu Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng) và đưa lên xe tải chuyển thương binh về bệnh xá tiền phương cách đó khoảng 30 km. “Khoảng 4 giờ chiều tới trạm phẫu. Tôi nhảy xuống xe, trao em bé cho y tá để quay lại biên giới. Đứa bé rời khỏi tay tôi cứ khóc thét và vươn cả 2 tay đòi theo. Tôi cũng muốn ở lại với bé một đêm, nhưng tôi là bộ đội và vẫn đang khoác súng, phải quay lại chiến đấu”, bà bật khóc.
Cuộc hội ngộ sau 37 năm - ảnh 2
Bà Bùi Thị Mùi nhìn tấm ảnh năm xưa và chị Hoàng Thị Thu Hiền trong phút hội ngộ sau 37 năm
Tháng 12.1979, bà Mùi xuất ngũ về địa phương và năm 1981 nên vợ chồng với ông Nguyễn Thanh Long. Hiện hai vợ chồng vẫn không có con. Tháng 3.2015 vừa qua, trong lúc vào rừng lấy củi, bà Mùi bị cây đổ đè qua người gây đa chấn thương, phải xuống Việt Trì (Phú Thọ) và Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) chữa trị, mới thoát chết. Hiện bà nằm liệt ở nhà, mọi sinh hoạt cá nhân, đều do ông Long lo toan.
Mẹ đã có con!
5 giờ ngày 28.2.2016, chúng tôi cùng chị Hoàng Thị Thu Hiền lên đường về Phú Thọ. “Không biết cô có nhận ra em không? Gần 40 năm rồi”, chị Hiền run run. Bước qua khung cửa hẹp của căn nhà cấp 4 nằm dưới tán cây mít, chị sững người nhìn bà Mùi đang nằm nhỏ thó trên giường và rồi tiếng khóc vỡ òa...
“Mẹ ơi!”, chị nức nở úp mặt vào ngực bà Mùi. “Bé ơi! Con lớn thế này rồi à?”, nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt nhăn nheo của bà Mùi. Những người dân xóm Núi Chùa đứng đợi ở ngõ từ sáng đến giờ, dồn vào chật kín các khung cửa, cùng im lặng khóc, để nhường cho những câu hỏi - đáp dồn dập trong tiếng nấc: “Mẹ bé đâu rồi?”, “Mẹ con mất cách đây 4 năm rồi”, “Những vết muỗi đốt ngày trước có làm bé sốt rét không?”, “Con không bị sao, con khỏe mà”…
Gần 1 ngày ở nhà bà Mùi, chị Hiền cứ ngồi lỳ bên mép giường nói chuyện, bóp tay cho bà và rủ rỉ: “Hôm nào mẹ khỏe, con đưa mẹ lên nhà con chơi nhé”, khiến đôi mắt bà Mùi sáng rực, hào hứng nhắc lại những địa danh Cao Bằng mà bà đã từng đi qua 37 năm trước...
Năm 1979, ông Hoàng Quang Thái và bà Hoàng Thị Phiến công tác ở mỏ thiếc Tĩnh Túc, gửi 2 con gái cho ông bà nội ở thôn Ngọc Quyến (nay là xóm 3, Ngọc Quyến, Hưng Đạo, TP.Cao Bằng) trông nom. Giữa tháng 2.1979, bà Phiến nghỉ phép về thăm 2 con gái và ngày 16.2.1979, bà đạp xe chở bé Hiền về thăm ngoại ở xã Đức Long (Hòa An, Cao Bằng). Sáng 17.2, lính Trung Quốc ào ạt tấn công Cao Bằng, bà Phiến vội vàng chở Hiền về lại nhà ông bà nội đón con gái lớn để đi sơ tán. Đến Cầu Khanh (xã Bế Triều, H.Hòa An), nghe tin xe tăng đã vào đến thị trấn Nước Hai (Hòa An), bà Phiến bế con chạy vào xóm Nà Sa (Bế Triều, Hòa An) lánh nạn và hôm sau cùng một số hộ dân Nà Sa luồn rừng chạy xuống Cao Bình (xã Hưng Đạo, TX.Cao Bằng).
Tối 21.2.1979, mẹ con bà Phiến di chuyển qua Hoàng Tung ra ngã ba Bản Tấn, hướng sang xã Bình Dương, dự định đi tắt qua rừng để về khu vực Tài Hồ Sìn. Trên đường đi, đoàn sơ tán bị lính Trung Quốc xả súng bắn và bà bị thương ở đùi, 2 mẹ con ngã xuống rãnh nước ven đường mòn trong rừng, gần Bản Tấn. Suốt đêm đó, bà Phiến bất tỉnh và cô bé Hiền gào khóc bên mẹ. Rạng sáng 22.2.1979, tình cờ 1 tổ trinh sát của bộ đội ta đi làm nhiệm vụ ngang qua phát hiện và đưa 2 mẹ con về vị trí trú quân...

Nguồn: Thanh niên

5 nhận xét:

  1. Thân kính Anh Trần Mạnh Thường!
    Anh với tôi, hai vùng miền xa lắc.
    Chỉ khác cái tên. Còn giống nhau nhiều, nhiều điểm Anh ơi!
    Trái tim họ Trần.
    Cái đầu họ Trần.
    Khiển ngón tay Anh bấm máy.
    Cho đời một tấm hình, xem bao lần, vẫn giàn giụa nước mắt Anh ơi!
    Một tấm hình trắng đen, chứa thông điệp cao vời.
    Người lính cụ Hồ vì ai mà chiến đấu.
    Mẹ già, trẻ thơ, giặc đều tắm máu.
    Muôn lớp sơn dù na-nô cũng bị bóc trần.
    Ba mươi bảy năm rồi.
    Chiến sĩ Bùi Thị Mùi đã hết thanh xuân.
    Vẫn sống ung dung trong thanh bần, đạm bạc.
    Không hề vòi vĩnh cái gì từ Tổ Quốc.
    Không hề lòe công trạng, máu xương.
    37 năm rồi.
    Cháu Hoàng Thu Hiền lên ba, nay đã là thiếu phụ.
    Hạnh ngộ, đoàn viên, cô cháu ôm nhau mẹ mẹ, con con.
    Một ngày đêm bên nhau thành cuộc vuông tròn.
    Vừa gõ những giòng này, tôi vừa lau nước mắt.
    Anh Thường ơi, tôi ghen với Anh.
    Một người con họ Trần luôn luôn sống đẹp.
    Biết khéo khôn để gìn giữ giang san.
    Hòa trong nước mắt tôi,
    Lòng biết ơn Anh và ngưỡng vọng vô vàn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồ Chủ Tịch năm 1945 đã trân trọng tiếp nhận sự chuyển giao giang sơn từ Hoàng đế Bảo Đại để thống nhất đất nước. Cụ Hồ đã tiếp nhận quốc ấn và bảo kiếm truyền quốc từ tay vua Bảo Đại chứng tỏ Cụ Hồ đã chính thức công khai công nhận tính chính thống của Cờ vàng ba sọc - Long tinh kỳ. Sáu Nghĩa và ông Tú Nô phải đọc lại lịch sử giai đoạn 1945 để hiểu rõ và biết trân trọng di sản văn hóa cờ vàng Long tinh kỳ và các danh nhân của nước nhà.

      Xóa
  2. Thật xúc động.Xúc động tới rơi nước mắt.Câu chuyện này đã xảy ra và còn xảy ra trong các hoàn cảnh.Cần gì phải tìm đâu những tấm lòng vàng đích thực.Cám ơn tác giả tấm ảnh.Cám ơn cô bộ đội.

    Trả lờiXóa
  3. Đẩu Anh! Chỗ này mà cũng quảng cáo được ư?

    Trả lờiXóa