Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Kỳ 3: Đù me “công tích”

Paul Doumer trở thành tổng thống thứ 14 của Cộng hòa Pháp 
Đời nào bánh đúc có xương?


Kết thúc nhiệm kỳ 5 năm đảm nhiệm chức vụ Toàn quyền tại Đông Dương, Doumer tự đánh giá là đã thành công và có thể trở về Pháp để tiếp tục sự nghiệp chính trị gián đoạn trong một thời gian. Ngày 13-3-1902, ông dời khỏi Đông Dương và vừa kịp ứng cử chức vụ Nghị viên trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại nước Pháp vào tháng Tư năm đó. Sau bầu cử, Doumer được bầu làm Thượng nghị sĩ, đại biểu của Laon rồi trở thành Chủ tịch thượng viện (1927-1931), và đạt đỉnh cao quyền lực - Tổng thống nước Cộng hòa Pháp vào năm 1931. Nhưng chỉ một năm sau đó, Doumer bị ám sát bởi tên cuồng tín Gorguloff, gốc gác là một bác sĩ Bạch vệ người Nga. Paul Doumer chết tại Paris ngày 6-5-1932, năm ấy ông 75 tuổi.
Tranh vẽ về vụ ám sát và ảnh khẩu súng của Gorguloff
Những kỷ niệm "đáng nhớ" trong 5 năm "kinh bang tế thế" tại Đông Dương được Paul Doumer kể lại kỹ càng trong cuốn hồi ký L’Indo- Chine Française (Souvenirs)được ông viết ngay sau khi trở về nước Pháp và do Nhà xuất bản Vuibert & Nony, Paris, phát hành năm 1903.

Một vài người đã trích dịch từng phần cuốn hồi ký này ra Việt ngữ, trong đó có cụ Vương Hồng Sển. Bài viết này xin tiếp tục kể ra một vài "công tích" nhỏ nhoi nhưng thú vị của Dume Đại nhân với vài nhân vật Annam, dẫn theo cuốn Dỡ mắm (Di cảo - Vương Hồng Sển) do NXB Trẻ in và xuất bản 2014. Còn các "công tích lớn lao và vĩ đại" của ông đã được nhắc trong Đù me "công tích" 1  và Đù me "công tích" 2.

Bìa cuốn L’Indo- Chine Française (Souvenirs) - Đông dương thuộc Pháp (Hoài niệm) của Doumer

Nhắc lại, Paul Doumer là một trong số rất ít người Pháp thực dân nhìn ra những phẩm chất tốt đẹp của người dân Annam mà không phải ông Tây nào cũng thấy. Trong cuốn hồi ký nói trên, Doumer viết: "Điều không thể chối cãi được là những người này hơn hẳn tất cả các dân tộc xung quanh. Người Miên, Lào, Xiêm không chống được họ. Không một dân tộc nào ở đế quốc Ấn Độ có những đức tính của họ, phải tới Nhật mới thấy có một giống người tương đương. Người Việt và người Nhật chắc chắn thủa xưa có bà con với nhau. Cả hai đều thông minh, cần mẫn và can đảm".

Thậm chí ông còn có cả một thư ký (secrétaire) người Việt, là ông Phạm Văn Tươi mà đi đâu ông cũng dắt theo (Sách Người Pháp và người Annam – Bạn hay thùdịch nhầm là ông Thươi theo cách viết của bản tiếng Pháp là Pham Van Thươi). Trong lần vào kinh đô Huế để trực tiếp xem xét và giải quyết việc để hay giữ ngôi vua Thành Thái, ông Doumer đưa ông Tươi đi theo. Triều đình dĩ nhiên phải mở tiệc linh đình cho vua ta thù tiếp quan Toàn quyền Đông Dương. Các quan lớn đại triều được yêu cầu phải mời cả ông thư ký đồng bang là ông Tươi.

Các quan trong triều tức nổ đóm mắt vì ghen tị, bèn rằng thưa lễ nghi Annam định rằng: muốn được ngồi yến cùng vua buộc phải có phẩm hàm cỡ Thượng thư hay chí ít cũng phải hàng Tổng đốc mới được dự. Tưởng rằng mách vậy là đủ hất cẳng kẻ muốn vượt mặt quan ta, ai ngờ quan Toàn quyền tưng tửng buông một câu mà như hắt nước vào mặt vương triều Annam: “Eh bien! Faites le nécessaire. Nommez – le Tổng đốc! C’ est moi qui signhe! (Tốt thôi! Vậy hãy làm giấy phong y ta hàm Tổng đốc! Chính tao sẽ ký!).

Nhờ vậy mà xứ Nam kỳ có thêm một "của hiếm" là ông Tổng đốc hiền lành và mẫn cán Phạm Văn Tươi xứ Vĩnh Long. Trước đó xứ Nam kỳ chỉ có hai ông được phong hàm tổng đốc là Đỗ Hữu Phương và Trần Bá Lộc, cả hai đều theo đạo Chúa, làm chó săn cho Tây và thẳng tay đàn áp những người Việt yêu nước. Riêng Trần Bá Lộc thì thật quá sức tàn ác, giết hàng trăm, hàng ngàn người vô tội, bỏ trẻ con, người già vào cối đá cho lính dùng chày giã, bắt người thân nạn nhân chứng kiến cảnh hãi hùng ấy…

Trong Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển tả về nhân vật này: “Ông (ám chỉ Lộc), người khô ráo dỏng dảy, môi mỏng, cặp mắt có sát khí. Ông ta bắt được địch thủ, nhứt quyết không cầm tù, chỉ chặt đầu y như quân lịnh: chém người như chém chuối, chém không chừa con đỏ. Chính Toàn quyền Paul Doumer còn phải hạ một câu xác đáng: "Nếu muốn (nhơn nghĩa)...thì thà đừng sai hắn (ám chỉ Lộc) cầm binh!”.

"Ngày nay còn nghe nhắc đến những phương pháp quá bạo tàn:
Để đối phó với các địch binh không khứng ra quy thuận và thường ẩn mình nơi thâm sâu cùng cốc, có một cách tuyệt đối:
Sai bắt cha mẹ vợ con của người ấy, đóng gông cầm tù. Một mặt bố cáo trong ngoài kỳ hạn bao nhiêu ngày, phải ra nạp mạng.
Bằng không thì:
- Cha, mẹ, và vợ, bêu đầu làm lịnh;
- Trẻ con thì bỏ vào lòng cối giã gạo, sai lính dùng chày lớn quết như quết nem!
- Đối với phạm nhơn tội không đáng chết, có khi cũng cho thân nhơn lãnh về. Mà đây là một đau lòng khác nữa.
Trò chơi ác độc là bỏ người đàn ông vào nóp lá nóp bàng, mỗi người một nóp may bít đầu đuôi, chỉ chừa một lỗ để lọt "bộ đồ kín" ra ngoài, đàn bà nào nhìn được "của riêng" thì lãnh được chồng về!...
Dẹp xong giặc, được thăng Tổng Đốc và được ban Đệ Tam Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh (Commandeur de la Légion d'Honneur), nhưng chim dữ hết thì ná treo đầu tường, Pháp ngán nên không dùng nữa.
Năm 1899, toàn quyền Doumer thân hành từ Sài Gòn đỗ đường xuống nhà thăm, thì đã gần miền (gần chết), chỉ mấy tháng sau là nhắm mắt. Lạ kỳ là trối trăng dạy "chôn đứng". Ma chay linh đình mấy chục ngày dài, mỗi bữa ngả bò vật heo thết trên ngàn miệng ăn. Quan tài đặt xuống huyệt có lính tập bồng súng chào, đủ mặt quan Lang Sa dự đám (Paul Doumer. -Souvenirs, trương 59-62)".

Tuy có nhiều ưu ái với Lộc, như  cử Lộc tham gia Hội đồng cao cấp Đông Dương (tháng 8-1898) và cho theo tháp tùng trong chuyến Toàn quyền viếng Xiêm La (1899), nhưng trong hồi ký L’Indo- Chine Française (Souvenirs) nơi trang 71, khi đánh giá về Trần Bá Lộc, Doumer hạ chữ “un serviteur de la France”, vừa khen vừa khinh bỉ. Khen là khen Lộc trung thành với “mẫu quốc” và khinh ở chỗ coi y như loại tôi tớ (nghĩa sát của serviteur).

Đoạn này, khi trích dịch lại trong cuốn Dỡ mắm, Cụ Vương Hồng Sển viết:

“Nhớ lại khi nói về Trần Bá Lộc, Toàn quyền viết tít (titre) thật lớn: “Un serviteur de la France”, phải dịch sao đây? Dịch “công thần của Pháp quốc” là văn hoa và nịnh. Dịch sát và dễ hiểu: “một thằng mọi của Tây”, serviteur là đày tớ, chứ gì? Dịch như vậy, mới sướng, ai chê, xin dịch thử.

Công lao bỏ sông bỏ biển, khi chết Lộc làm ma vật bò vật trâu, thết tiệc rình rang, ăn dộng ngót tháng chưa dứt, trối xin xác để đứng. Lộc mình cao 1,80m, mồ mả Cái Bè còn đâu? Con trai của Lộc, là Trần-Bá-Thọ, học ở Pháp về, cũng đốc-phủ đường-quan, nhưng chết vì mũi súng lục tự bắn vào đầu. Cháu con làm đến bác-sĩ, trưởng ngân-khố, nhưng rồi đều chết yểu chết non, sút huyết.” 

Cũng trong cuốn này (hồi ký L’Indo-Chine Française (Souvenirs)) nơi trang 198 có đoạn kể chuyện Paul Doumer chơi khăm tên Việt gian đại ác Nguyễn Thân ra sao. Nguyễn Thân, khi ấy là nhân vật số ba trong triều đình (le troisième régent), vừa là thày vua (Phụ chính đại thần cùng ông Nguyễn Trọng Hiệp và Hoàng Cao Khải) lại thêm còn là bố vợ của vua Thành Thái. Cũng vì thế mà Nguyễn Thân được triều đình Huế giao cho “trọng trách” hộ giá quan Toàn quyền Đông Dương trong một chuyến đi của Doumer từ Huế ra Đà Nẵng. Cụ Vương Hồng Sển thuật lại câu chuyện trong cuốn Dỡ mắm (NXB Trẻ – 2014) như sau:

“Nguyễn Thân bày có tàn-quạt-lọng-nhạc như vua ta ngự giá tuần du nhưng Doumer đã không thích nhạc lại chê võng chậm, làm trễ thì giờ, như vậy làm sao kịp tàu biển thuận buồm xuôi gió, vì thế Doumer đã lén phi nước lớn, cùng cận-vệ thần, thiếu tá Nicolas, hai người hai ngựa, chạy bay tới trước, để lại Nguyễn Thân, kèn – nhạc – võng – hiệu, rình rang rước tên bộ-hạ lính hạng nhì, tên là Picard, thiếu tá đem theo làm tùy tùng, nay nó nghiễm nhiên đổ thừa không cưỡi ngựa được và một mình nằm võng cho quân lính ta khiêng nó đi, lên đèo xuống dốc, trống đánh lọng che suốt quãng đường dài. Mỗi lần bọn nhạc thổi kèn chạy theo chân ngựa, thì Doumer khoát tay ra dấu, nhạc bèn day qua bám sát Picard nghênh ngang võng lọng, mà cố nhiên trong khi ngôn ngữ bất đồng, ai đời chạy theo thằng cưỡi ngựa, và ông nằm võng kia há không phải thượng-quan trọng-thần nước Pháp mà mình có lịnh phải tiếp đón thật long trọng hay sao? Cố nhiên ông Nguyễn-Thân đại-thần trào-đình cũng lầm ngay, và hôm ấy nịnh Doumer mà che lọng cho thằng đánh giày lính Pháp”.

Vẫn cụ Vương tiếp: "(Viết đến đây, tôi không thể cười được, nhục ôi là nhục, và nhớ lại bắt sợ cái ông quyền uy sất-sá nầy (chỉ Doumer), nét chơi của ông mới độc-địa làm sao. Ai nói tánh ông dễ dãi vui vẻ, chớ riêng tôi, tôi thấy rờn-rợn nổi ra gà). (trương 198 Souvenirs dẫn thượng)".

Nhắc lại thời Đù me đại nhân làm toàn quyền Đông Dương, ba miền Nam, Trung, Bắc có ba “cụ” Annam khét tiếng thuộc loại đại chó săn trong việc tận sát người Việt yêu nước. Đó là Trần Bá Lộc ở Nam kỳ, Nguyễn Thân ở Trung kỳ và Hoàng Cao Khải ở Bắc kỳ.

“Thố tử, tẩu cẩu phanh" (hết thỏ bỏ chó vào nồi), Hoàng Cao Khải, người đại diện của chính quyền Huế tại Hà Nội đã bị Doumer đá đít ra khỏi chức vụ Phó vương (nhất vua, nhì Khải), ngay năm đầu tiên ông nhậm quyền (ngày 26-7-1897) và thay chức Kinh lược sứ của Khải bằng một ông Thống sứ Tây, là Augustin Fourès. Còn thân phận chó săn chim mồi của Trần Bá Lộc và Nguyễn Thân phần nào bộc lộ qua ngòi bút Paul Doumer cũng chẳng hơn gì, như những chuyện đã kể ở trên.

Vậy mới biết cái giống “khuyển mã chí tình” mà từ bậc tiên sư là ba “cụ” dẫn trên cho chí mấy nhà “hoạt động rân trủ” thời nay đang thở than tiếc nuối “những nền văn minh bị bỏ lỡ” thế nào cũng có ngày bị chủ xích ra cột điện. À mà nói ra thì đụng chạm và nói nữa bằng thừa, vì số phận cái “cụ” “hồn nhiên” tuyên bố “biên giới nước Mỹ kéo dài đến vĩ tuyến 17” bị ông chủ Hoa kỳ “xử” ra sao thì ai cũng biết...
Nịnh chủ thế này mới "siêu", các ông "khuyển mã chí tình" ạ!

Nhưng đây là kết cục...
Nguồn Cụ Lý
===============================
Mời xem bài liên quan:

1 nhận xét:

  1. Cụ Lý có cả kho tư liệu lịch sử rất hay.
    Cảm ơn!

    Trả lờiXóa