Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Kỳ 2: Đù me “công tích”

Những người đàn bà Ninh Bình bị bắt do liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Ba Đình
Lời dẫn: Tại Kỳ 1 mà Google.tienlang xin phép Cụ Lý đưa về đây, thú thật là có nhiều thông tin về ông Quan Toàn quyền Đông Dương Pau Doumer mà chúng tôi- chủ blog Google.tienlang trước đây chưa biết. Với tôn chỉ blog MANG SỰ THẬT ĐẾN CÔNG CHÚNG, chúng tôi tiếp tục xin phép Cụ Lý đưa phần 2 về đây chia sẻ cùng bạn đọc…
******************************************
Tem in hình Đông Dương Tổng thống toàn quyền Đại thần Pau Doumer do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ
 Mấy đời bánh đúc có xương?
------
Entry trước kể chuyện trong 5 năm, từ 1897 đến 1902, quan thực dân Paul Doumer (Pôn Đù me), với vai trò Toàn quyền cai trị xứ Đông Dương đã để lại những “công tích” nhất định, đó là những cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội, văn hóa, mà phần lớn trong số đó, cho đến nay vẫn hữu ích với người Việt.
Paul Doumer cũng là một trong số hiếm hoi người Pháp thực dân có nhận xét tốt đẹp về người Việt. Ông đánh giá người Annam thông minh, cần mẫn và can đảm, hơn hẳn các dân tộc lân bang như Lào, Miên và Thái, kể cả Ấn Độ. Và ông cho rằng chỉ có người Nhật mới có thể có những đức tính tương đương với người Annam.
Tuy vậy, thật ngu xuẩn nếu cho rằng Paul Doumer thực hiện những điều đó hoàn toàn vì một tấm lòng nhân ái đối với những “người cùng khổ” tại xứ Annam thuộc địa. Chí ít thì những dòng hồi ức của chính ông cũng hé lộ “động cơ” thực sự thúc đẩy lòng nhiệt thành của quan Toàn quyền trong việc xây dựng hệ thống đường sắt xuyên Việt:
“Chúng ta được ưu đãi hơn nhờ vào những thuận lợi mà vùng châu thổ sông Hồng đem lại cho chúng ta để đến được Vân Nam. Chúng ta phải biết lợi dụng tình thế này để gắn kết việc xây dựng mạng đường sắt ở Đông Dương thuộc địa với nỗ lực của chính quốc, tạo cơ sở cho hành động xâm nhập của chúng ta vào Trung Quốc. Vì vậy, trước tiên Toàn quyền Đông Dương phải tìm cách tạo ra các nguồn tài chính cần thiết cho việc xây dựng mạng đường sắt bằng cách tăng thêm các khoản thu ở những xứ thành viên của Đông Dương có ngân sách thu ít nhất. Như thế mới gây được niềm tin cho giới tư bản ở Pháp. Chính họ mới là chỗ dựa của chúng ta, chúng ta phải kêu gọi họ tới đầu tư ở Đông Dương dưới dạng này hay một dạng khác”.
(Hồi ký L’Indochine Française (Souvenirs) Nhà xuất bản Vuibert & Nony, Paris 1903, Nguyễn Văn Trường trích dịch)
Những “công tích lớn lao” đã được “ca tụng” trong entry trước, và cả những “công tích” còn dang dở, như dự định về tuyến đường sắt Sài Gòn – Phnompenh, được chính Paul Doumer ghi lại đầy đủ trong cuốn hồi ký Xứ Đông Dương thuộc Pháp (Hoài niệm) nói trên. (Các ông Nguyễn Văn Trường, cựu nhân viên Viễn Đông Bác cổ đã dịch một số đoạn đăng báo, cụ Vương Hồng Sển dịch một phần trong di cảo Dỡ mắm, riêng Công ty cổ phần sách Alpha và Nhà xuất bản Thế Giới đã huy động vốn (bán trước khi in) đạt 104% để dịch và sẽ in vào tháng 12-2015 – Vinh dự thay, ông Nguyễn Cảnh Bình Chủ tịch HĐQT Alpha books bày tỏ lòng tri ân quan toàn quyền trước khi bán sách).
Nhưng cũng còn có những “công tích” khác đối với người Annam khốn khổ mà Paul Doumer không hề muốn ghi lại trong hồi ký và chắc chắn, chẳng người Việt lương thiện nào muốn “tri ân”.
Chẳng hạn,
Vào tháng 3-1897, theo các hiệp ước và thỏa thuận đã ký từ những năm 1885-1886 được viên Toàn quyền Đông Dương thời 1894 là Lanessan xác nhận, thì Bắc kỳ là phần đất vẫn thuộc về nhà vua Annam và được cai quản bởi chức Phó vương, hay còn gọi là quan Kinh lược sứ của người Việt, lúc bấy giờ là Hoàng Cao Khải. Doumer đã nhẫn tâm tước nốt chút quyền lực cuối cùng và ít ỏi của triều đình Huế trên đất Bắc, bằng cách bãi bỏ chức vụ này thông qua một đạo dụ của nhà vua vào ngày 26-7-1897. Quyền hạn của Hoàng Cao Khải được chuyển giao cho viên Thống sứ người Pháp Augustin Fourès. Chức vụ Thống sứ Bắc kỳ này vốn đã được bãi bỏ vào năm 1895 nay lại được phục hồi.
Thế là xứ Bắc kỳ nay đã do người Pháp trực tiếp cai trị. Ít lâu sau, đến lượt chính quyền trung ương Annam tại Trung kỳ cũng bị Doumer "mần thịt":
Nắm lấy cơ hội kết thúc thời kỳ vị thành niên của vua Thành Thái, đồng nghĩa là dịp kết thúc chế độ “phụ chính” (vốn do Phụ chính đại thần, thượng thư Nguyễn Trọng Hiệp (Hợp) đảm nhiệm), từ tháng 9-1987, Toàn quyền Doumer trực tiếp chi phối vương triều Annam thông qua một Hội đồng mới, gọi là Viện Cơ mật, mà chức vụ chủ tịch Hội đồng sẽ là một người Pháp (đầu tiên là Brière rồi đến Auvergne và Boulloche), những người Annam còn lại sẽ do nhà vua bổ nhiệm theo đề xuất của Pháp.
Vua là tượng gỗ
Tờ báo Pháp Illustration số ra ngày 10-1-1903 bình luận: “Hội đồng được thu nhỏ thành một sân khấu múa rối đáng yêu với những con rối xinh đẹp mạ vàng mà tất cả các dây nhợ từ nay phải được buộc vào những ngón tay của viên Thống sứ”.
Với Doumer, toàn cõi Annam phải tiến đến một nền cai trị trực tiếp và từ nay chấm dứt việc đặt ra vấn đề trả lại quyền hành thực sự cho người Annam.
Tác giả Philippe Devillers viết về những "công tích" này, trong cuốn Người Pháp và người Annam – Bạn hay thù?: “Như vậy, những quyết định đầu tiên về chính trị của Paul Doumer đối với Annam, là hoàn thành việc người Pháp nắm lấy chính phủ vương triều bằng việc đặt một viên chức Pháp lên đầu chính phủ này, nô lệ hóa hoàn toàn Nhà vua và các Thượng thư, thu nhỏ họ lại, (như Ủy ban Bremier đã khuyến cáo năm 1857), trong vai trò của những người thừa hành, thậm chí những bù nhìn, để tiêu diệt những vết tích cuối cùng ảnh hưởng của vương triều Huế lên Tonkin”.
Đặc biệt không thể không nhắc đến một “công tích” rất “ấn tượng” khác mà Paul Doumer để lại trong những năm cầm quyền, đó là đánh thuế, đánh thuế và... đánh thuế. Thật ra đây mới đích thực là “nghề của chàng” - vốn là Bộ trưởng Bộ Tài chính trước khi trở thành Toàn quyền Đông Dương.
Một người Pháp cùng thời từng tốt nghiệp trường Bách Khoa Paris (École Polytechnique) là Đại úy Fernand Bernard, nhân vật dưới quyền được Doumer giao “tiền trạm” con đường từ Sài Gòn đến Lang Biang vào tháng 9-1898, ghi lại “công tích” này của Doumer trong cuốn Đông Dương - Những sai lầm và nguy hiểm (L’ Indo-Chine. Erreurs et dangers, NXB Charpentier, 1902):
“Vào năm 1897, chỉ trong vài tuần lễ, một cơn mưa đá thực sự đổ xuống. Tăng thuế thân và thuế địa ốc, thuế của những người không đăng ký, thuế đăng ký sắc phong của các quan, thuế diêm, thuế quế, thuế giấy có đóng dấu, thuế muối, rượu, thuyền trên sông, giấy phép đốn gỗ, thuế thuốc lào, thuế cau, thuế củi, thậm chí cả thuế rơm thuế rạ để lợp những cái lều thảm hại nhất...”
Doumer chủ trương khai thác cùng kiệt các tài nguyên của các nước trong Đông Dương. Theo nhà báo Phan Quang, trong triều đại Doumer các sắc thuế được đẩy mạnh hết mức để đạt mục tiêu cải tổ tài chính, đặc biệt là thuế thuốc phiện, thuế muối và thuế rượu. Các sắc thuế bòn rút từ người dân đóng vào ngân sách thuộc địa tăng từ 20 triệu đồng Đông Dương năm 1899 lên 33 triệu đồng năm 1902. Ở Trung Kỳ, thuế thân và thuế ruộng đất tăng từ 83.000 đồng năm 1897 vọt lên 2.000.000 đồng vào năm 1899. Ở Bắc Kỳ, 2 sắc thuế ấy đến 1907 đạt gần 5 triệu đồng. Trong khi đó, mọi loại thuế má người Pháp làm việc tại Đông Dương phải đóng góp vào ngân sách vỏn vẹn có 9.000 đồng/năm.
Trên thực tế, trong 5 năm cầm quyền của Paul Doumer, gánh nặng thuế má đè nặng lên dân chúng Annam tăng gần gấp đôi. Và để tận thu, Doumer còn thiết lập các chế độ quản lý và độc quyền gây thêm những hậu quả về kinh tế: Nhiểu hộ dân sản xuất rượu buộc phải phá sản và việc chăn nuôi heo cũng giảm theo do người dân vốn quen “vỗ” béo heo bằng bã rượu. Tương tự, thuế muối và độc quyền sản xuất muối làm thiệt hại đến việc đánh bắt cá và sản xuất nước mắm. Trong khi đó, bộ máy quản lý của người Pháp ngày càng phình to, và F. Bernard nhận xét ở Bắc kỳ: “Lương của các quan (Annam) là từ 8-10 lần kém lương của các công chức Pháp, và tổng cộng lại toàn bộ dân sự Annam của bộ máy hành chính, các tỉnh hàng năm tốn ít tiền kém 5 lần so với vài trăm nhân sự người Âu.”
Dân là thân trâu
Vậy thì có thể nói một trong những “công tích vĩ đại” nhất của Doumer trong 5 năm cầm quyền tại Đông Dương là điên cuồng bổ thuế vào đầu dân chúng Annam.
Người Pháp tự giao cho họ cái trách nhiệm đến Đông Dương để “khai hóa văn minh”. Nhưng văn minh đâu chỉ là những “công tích” được tóm lược trong việc xây dựng những con đường sắt, vài tòa bưu điện, vài tòa án, vài nha khí tượng hay thậm chí là cả những nhà thương. Thế còn điều này thì sao: “ở Bắc kỳ, cuộc “điều tra dân số” vào năm 1875 có 10.200.000 người và 25 năm sau, con số này vẫn thế, mặc dù có một tỷ lệ sinh đẻ như ngựa phi. Đó đơn giản là vì có một tỷ lệ tử vong lớn chưa từng có trước khi họ được “khai hóa””?
Doumer, trong cuốn hồi ký của mình hẳn đã không giấu niềm tự hào khi vào tháng 11-1897 đã lập nên một “công tích” có lẽ còn "vĩ đại" hơn cả việc đánh thuế, đó là ông khẳng định đã“hoàn thành việc bình định Tonkin” qua việc mở những cuộc tấn công vào nghĩa quân Yên Thế làm Đề Thám bị thương và buộc phải tạm hàng tại Phồn Xương. Nhưng hồi ký của ông không nhắc đến những sự kiện diễn ra sau đó chưa đầy một tháng (12-1897). Đó là sự kiện những người nông dân đi theo Kỳ Đồng, “một đứa trẻ kỳ lạ” đã được “gửi sang” Algérie rồi sang Pháp khi mới chỉ 12 tuổi nay vừa trở về nước sau tám năm “tẩy não”. Những người nông dân ấy, trong cùng một đêm, cầm gậy, cầm mác tiến vào Hải Phòng, Hải Dương, Phủ Ninh Giang và Thái Bình. Dù rằng cuộc nổi loạn này gây bất ngờ với người Pháp, nhưng hậu quả là chỉ có hai người Âu ở Hải Phòng, một bị giết và người kia bị thương. Và chính Doumer Đại nhân đã ra lệnh một cuộc đàn áp để làm gương. Đại úy F. Bernard, trong một bức thư viết ngày 1-1-1898, gửi về Pháp cho người anh trai, kể lại: “Tất cả những người Pháp hèn nhát chỉ hết sợ khi đòi hỏi chúng ta phải chặt đi vài ngàn cái đầu...Viên Công sứ Hải Dương Robineau, vào hôm sau ngày xảy ra vụ manh động cho chặt và bêu 54 cái đầu. Trong vài ngày tiếp theo, người ta đã hành hình 200 người Annam, trong số đó có cả những đứa nhóc 14 tuổi, với cái tội là đã làm rối giấc ngủ của những vị quan cai trị của chúng ta. Tất cả những điều này thật đáng nôn mửa”.
Những người đàn bà Ninh Bình bị bắt do liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Ba Đình
Nhìn lại những “công tích” của Doumer, có thể khẳng định rằng: “những cơ cấu mà ông đặt thành nền tảng cho cho nền cai trị của nước Pháp thực dân tại Đông Dương và Annam nói riêng là bền vững, quá bền vững nữa là khác, và được làm ra để tồn tại lâu dài. Nhưng đối với những người Việt Nam yêu nước, đã hiểu được cơ cấu ấy thì không thể có một sự “thỏa hiệp” nào với nó được nữa. Chỉ có đánh đổ nó bằng vũ lực thì mới có thể vãn hồi được nền độc lập của Việt Nam, của cái nước Việt Nam mà vào thời đó chưa thấy có tên trong bất cứ một văn bản nào.
Phải mất nửa thế kỷ nữa mới có được điều đó”.
Và những người Việt Nam đã làm điều đó. Buổi chiều ngày 9-10-54, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng cuốn gói lầm lũi rời Hà Nội qua chính chiếc cầu vĩ đại bắc qua sông Hồng. Chiếc cầu từng mang tên Paul Doumer, ngài Đông Dương Tổng thống Toàn quyền đại thần lắm “công” nhiều “tích”.
-------
Những đoạn in nghiêng được dẫn theo:
Người Pháp và người Annam – Bạn hay thù? - Philippe Devillers, Nhà Denoel xuất bản tiếng Pháp năm 1998, Ngô Văn Quỹ dịch, NXB tổng hợp Tp. HCM in và xuất bản năm 2006. 
Nguồn: Cụ Lý
====================== 
Mời xem bài liên quan:

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Lý!
    Những thông tin ở đây không phải ai cũng biết!
    Hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm khiến dân tộc Việt Nam ta được cả thế giới kính phục, ngưỡng mộ.
    Vậy mà các bác rận xĩ dám ngang nhiên xuyên tạc, bịa đặt!

    Bà Mượt chửi đích đáng. Anh Osin Huy Đức rất đáng bị chửi.
    Còn cái anh gì gì Dương Hoài Linh thì chả ai nghe tên bao giờ, không chấp.
    Các bác rận xĩ từ nay đừng có bi bô như anh Osin Huy Đức nữa nhé:
    "Tao không nghĩ nước mày đánh thắng mấy đế quốc to, tao nghĩ nước mày đã đuổi đi những nền văn minh của nhân loại. Một người bạn Hàn Quốc đã nói với tôi."

    Nếu Bác Hồ và Đảng CSVN không lãnh đạo dân tộc Việt Nam làm 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì ngày nay VN có khác nào mấy nước châu Phi?
    Có gì chưa thông, mời các bác rận xĩ đọc thêm bài này:
    -----
    "THUẾ THUỘC ĐỊA" VÀ NỀN ĐỘC LẬP GIẢ HIỆU MÀ THỰC DÂN PHÁP DUY TRÌ Ở CHÂU PHI CHO ĐẾN NGÀY NAY
    http://googletienlang2014.blogspot.com/2015/12/thue-thuoc-ia-va-nen-oc-lap-gia-hieu-ma.html

    Trả lờiXóa
  2. Gửi Huy Đức, Dương Hoài Linh và những anh/chị zận trủ.
    Các anh không cần đi đâu xa để tìm hiểu ma hãy đọc ngay ở Google.tienlang này thôi. Người sĩ quan Nam Hàn nghĩ gì về cuộc chiến Cống Mỹ cứu nước của nhân dân ta?
    =======
    Cảm ơn Trần Thị Hương Ly giới thiệu bài viết cảm động này...
    Tôi rất muốn tìm hiểu về lịch sử cha ông qua những trang viết của những người ở phía bên kia. Họ đã nghĩ gì, làm gì với cha ông chúng ta?
    Đọc những dòng hồi ký này, thật khó cầm được nước mắt. Cha ông mình anh dũng quá khiến những tên lính ngoại bang phải run sợ....
    Dưới đây là những dòng hồi ký của Kim Jin Sun- một cựu chiến binh Nam Hàn đã tham chiến ở Việt Nam trong biên chế sư đoàn Mãnh Hổ. Ông đã về hưu với quân hàm Đại tướng.
    Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, tướng Kim giữ chức Đại uý, Đại đội trưởng Đại đội 11 trong sư đoàn Mãnh Hổ. Ông khá được trọng dụng vì "chỉ biết truy tìm và diệt Việt Cộng (VC)" với biệt danh "tướng cướp rừng xanh"...
    Tuy nhiên qua hồi ký này người đọc sẽ thấy những gì diễn ra trong cuộc chiến ở Việt Nam đã làm tướng về hưu Kim Jin Sun phải suy nghĩ và ân hận trong giai đoạn cuối đời.
    1- Phần 1: NGƯỜI LÍNH GIẢI PHÓNG TRONG CON MẮT SĨ QUAN NAM HÀN QUỐC
    http://googletienlang2014.blogspot.com/2014/06/nguoi-linh-giai-phong-trong-con-mat-si.html

    2- Phần 2: NGƯỜI LÍNH GIẢI PHÓNG TRONG CON MẮT SĨ QUAN NAM HÀN
    http://googletienlang2014.blogspot.com/2014/06/p-2-nguoi-linh-giai-phong-trong-con-mat.html

    3- Phần 3: NGƯỜI LÍNH GIẢI PHÓNG TRONG CON MẮT SĨ QUAN NAM HÀN
    http://googletienlang2014.blogspot.com/2014/06/phan-3-nguoi-linh-giai-phong-trong-con.html

    4- Phần 4: NGƯỜI LÍNH GIẢI PHÓNG TRONG CON MẮT SĨ QUAN NAM HÀN
    http://googletienlang2014.blogspot.com/2014/06/phan-4-nguoi-linh-giai-phong-trong-con.html

    5- Phần 5: NGƯỜI LÍNH GIẢI PHÓNG TRONG CON MẮT SĨ QUAN NAM HÀN
    http://googletienlang2014.blogspot.com/2014/06/phan-5-nguoi-linh-giai-phong-trong-con.html

    6- Phần cuối: NGƯỜI LÍNH GIẢI PHÓNG TRONG CON MẮT SĨ QUAN NAM HÀN
    http://googletienlang2014.blogspot.com/2014/06/phan-cuoi-nguoi-linh-giai-phong-trong.html

    Trả lờiXóa