Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Kỳ 4 (Kỳ cuối): Sự khác biệt giữa IS và Al - Qaeda


Mỹ cùng đồng minh có thể khai thác sự chia rẽ này để tuyển mộ lực lượng và đối phó với Al-Qaeda. Indonesia và Philippines là những quốc gia đạt được thành công điển hình trong việc sử dụng chiến lược chống nổi dậy để dập tắt hoạt động của các chi nhánh Al-Qaeda.

CHIẾN LƯỢC NÀO CHO IS

Mỹ dựa vào chiến lược chống nổi dậy không chỉ để ngăn chặn sự thất bại của chính phủ Iraq mà còn nhằm thử nghiệm một mô hình chống các phong trào thánh chiến toàn cầu rộng lớn hơn. Thời điểm năm 2006 là giai đoạn Al-Qaeda đã bành trướng rất mạnh ở khu vực Trung Đông nhờ chiêu mộ được các nhóm chiến binh Hồi giáo trên toàn thế giới. Chúng đã chuyển hướng từ việc thực hiện các chiến dịch quy mô nhỏ mang tính quốc gia sang gia nhập vào mắt xích của phong trào thánh chiến do Al-Qaeda lãnh đạo. Một số nhóm thậm chí đã đồng ý trở thành chi nhánh của Al-Qaeda ở địa phương. Tuy nhiên, không phải nhóm Hồi giáo cực đoan nào cũng chia sẻ chung quan điểm với Al-Qaeda, như các chiến binh Hồi giáo Chechnya, Philippines, Indonesia, Kashmir, Palestine và Duy Ngô Nhĩ.

Mỹ cùng đồng minh có thể khai thác sự chia rẽ này để tuyển mộ lực lượng và đối phó với Al-Qaeda. Indonesia và Philippines là những quốc gia đạt được thành công điển hình trong việc sử dụng chiến lược chống nổi dậy để dập tắt hoạt động của các chi nhánh Al-Qaeda. Họ kết hợp chiến dịch chống khủng bố với việc xây dựng mối quan hệ với các cộng đồng dân cư; xây dựng các chương trình chống cực đoan hóa, tái hòa nhập cho các phần tử cực đoan; giáo dục tôn giáo trong các nhà tù và tuyển dụng chính những cựu phần tử khủng bố làm người phát ngôn của chính phủ, thương thuyết với các nhóm phiến quân địa phương.

Nhiều người cho rằng Washington cần áp dụng chiến lược tương tự với IS để khai thác những điểm bất đồng giữa các cựu sĩ quan quân đội Iraq không theo đạo Hồi, các thủ lĩnh bộ lạc Sunni, những phiến quân Sunni còn dao động với các phần tử thánh chiến kỳ cựu. Nhưng nay đã quá muộn để có thể áp dụng chiến thuật này. Lý do là các thủ lĩnh của IS hiện nay đều là những nhân vật được huấn luyện tốt, những cựu tướng lĩnh quân đội Iraq hiểu rõ kỹ chiến thuật và chiến lược của Washington, vì họ được chính Mỹ huấn luyện.

Có thể quan điểm tôn giáo của IS quá cực đoan, quá cuồng tín so với những cựu đảng viên đảng Baath (đảng của ông Hussein), nhưng các sĩ quan quân đội một thời này không còn là những chiến binh bất đắc dĩ cho IS, họ đã ở phần chóp nón trong cơ cấu chỉ huy của tổ chức này. Mặt khác, IS đã xây dựng được một đội quân bộ binh hạng nhẹ, được trang bị vũ khí khá hiện đại của Mỹ. Sau khi đánh đuổi các đơn vị quân đội Iraq và chiếm lấy vũ khí của họ, IS nay đã có trong tay các xe tăng, pháo, xe thiết giáp Humvee và xe chống mìn của Mỹ.

Tất nhiên, thực tế này mở ra một phương pháp tiếp cận khả dĩ thứ 3 để chống IS, ngoài chiến lược chống khủng bố và chống nổi dậy. Đó là phát động một cuộc chiến tranh quy ước với mục tiêu là phá hủy hoàn toàn sức mạnh quân sự của chúng. Nhưng một cuộc chiến như vậy trong bối cảnh hiện nay là một lựa chọn không khôn ngoan. Trải qua hơn một thập niên tham chiến liên tục tại các chiến trường Afghanistan và Iraq, dư luận Mỹ không sẵn lòng ủng hộ cho một cuộc chiến cường độ cao để xóa sổ IS và các hoạt động chiếm đóng lâu dài khác. Việc theo đuổi một chiến dịch quân sự chính thức sẽ làm cạn kiệt các nguồn lực của Mỹ mà lại không có gì đảm bảo sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Tóm lại, giải pháp quân sự không phải là lựa chọn tốt trong cuộc chiến với IS. Chiến lược chống khủng bố, chống nổi dậy hay một cuộc chiến quy ước cũng khó có thể đảm bảo một chiến thắng trước nhóm khủng bố này. Trong thời gian tới, lựa chọn tốt nhất có lẽ nên là: theo đuổi một chiến dịch quân sự hạn chế, kết hợp với nỗ lực ngoại giao, kinh tế nhằm làm suy yếu IS và tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các quốc gia có khả năng bị đe dọa trước sự phát triển của IS.
IS không phải là vấn đề riêng của nước Mỹ, Nga hay Pháp. Nhiều cường quốc đã can dự vào cuộc chiến hiện nay tại Iraq và Syria, trong đó phải kể tới Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác. Mỹ cần ngừng việc hành xử như thể là có thể giải quyết các vấn đề của khu vực bằng sức mạnh quân sự. Thay vào đó, cần khôi phục lại vị thế cường quốc trên sân chơi ngoại giao.

Tất nhiên, sức mạnh quân sự của Mỹ cần phải là một phần trong chính sách ngăn chặn. Chiến dịch không kích có thể làm suy yếu IS, cắt đứt nguồn cung công nghệ, vũ khí, đạn dược. Đồng thời, Mỹ cần tiếp tục cố vấn và hỗ trợ quân đội Iraq, hậu thuẫn các lực lượng tại chỗ như Lực lượng vũ trang người Kurd (Peshmerga) và hỗ trợ nhân đạo cho người dân tháo chạy khỏi các vùng đất do IS kiểm soát.

Mỹ cũng cần mở rộng sự hỗ trợ sang các quốc gia láng giềng Syria như Jordan, Liban, vốn đang phải vật lộn ngăn chặn làn sóng người tị nạn từ Syria. Việc đưa bộ binh Mỹ vào Syria chắc chắn sẽ phản tác dụng, đẩy nước Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến tranh kéo dài tới hàng thập kỷ và không thể thắng.

Điều đáng mừng là tới nay không có quốc gia nào ủng hộ IS, nhóm này đang tự biến mình thành kẻ thù của tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông và cả thế giới. Để khai thác được điều này, Washington cần theo đuổi một nghị trình tích cực hơn với các cường quốc khu vực và thế giới, trong đó có Iran, Saudi Arabia, Pháp, Đức, Anh, Nga và cả Trung Quốc, cũng như với các nước láng giềng Syria, nhằm hình thành một cách đối phó chung với mối họa IS.

Đó cần là một cam kết chung để ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa một bộ phận người Hồi giáo, chặn đứng hoạt động tuyển mộ những đối tượng có thể trở thành phần tử thánh chiến. Câu trả lời này còn hơn cả là một liên minh quân sự khu vực mà Mỹ xây dựng. Các cường quốc và quốc gia chủ chốt trong khu vực cần nhất trí siết chặt mọi con đường cung cấp vũ khí cho IS, áp đặt những lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất với tổ chức này, tiến hành tuần tra chung trên các tuyến biên giới. Ngoài ra, cần cung cấp thêm viện trợ cho những người phải rời bỏ nhà cửa và di cư, đẩy mạnh hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở các nước giáp ranh với Iraq và Syria.

Các nước cần phải áp dụng các công cụ chiến lược chống IS như là đối đầu với một nhân tố nhà nước, và cũng cần lưu ý rằng dù IS hiện chưa sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng không vì thế mà lơ là được nguy cơ này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét