Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Sự khác biệt giữa IS và Al-Qaeda - Kỳ 2

IS cũng đặt ra một thách thức khác đối với các chiến thuật chống khủng bố của Mỹ vốn vẫn nhắm vào nguồn tài chính, chiến dịch tuyên truyền và hoạt động tuyển mộ của lực lượng thánh chiến.VÌ SAO CHIẾN LƯỢC CHỐNG KHỦNG BỐ KHÔNG HIỆU QUẢ VỚI IS?


Vì hoàn cảnh ra đời và mục tiêu của IS khác so với Al-Qaeda, cách thức hoạt động của chúng, do vậy, cũng hoàn toàn khác nhau. Đó là lý do tại sao chiến lược chống khủng bố của Mỹ vốn được xây dựng để đối phó với Al-Qaeda đã không phù hợp với kẻ thù mới là IS.

Sau sự kiện 11/9, Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ đôla xây dựng cơ sở hạ tầng tình báo, thực thi pháp luật và chiến dịch quân sự nhằm vào Al-Qaeda và các phân nhánh của mạng lưới này trên khắp thế giới. Theo điều tra năm 2010 của tờ “Bưu điện Washington”, Mỹ đã lập mới hoặc tái tổ chức khoảng 263 cơ quan chính phủ, trong đó có Bộ An ninh nội địa, Trung tâm chống khủng bố quốc gia và Cơ quan an ninh vận tải.

Chiến lược UAV và đột kích của Mỹ phát huy hiệu quả khi tiêu diệt 75% giới chóp bu Al-Qaeda.
Mỗi năm, tình báo Mỹ thực hiện 50.000 báo cáo về chủ nghĩa khủng bố và có tới 51 cơ quan liên bang, bộ chỉ huy quân sự theo dấu dòng tiền đi và đến các mạng lưới khủng bố. Cơ cấu này đã giúp hạn chế phần lớn các vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ. Hay nói cách khác, hệ thống chống khủng bố này của Mỹ đã hoạt động hiệu quả, nhưng đối với IS lại là một câu chuyện khác.

Đầu tiên, hãy đánh giá về chiến dịch quân sự và tình báo mà Mỹ triển khai để bắt và tiêu diệt các thủ lĩnh của Al-Qaeda qua các cuộc không kích của máy bay không người lái và các vụ đột kích của lực lượng đặc nhiệm. Khoảng 75% các nhân vật chóp bu của Al-Qaeda đã bị tiêu diệt bởi đặc nhiệm Mỹ và máy bay không người lái. Công nghệ này rất phù hợp với các mục tiêu lẩn trốn ở các vùng hẻo lánh, nơi nguy cơ giết nhầm dân thường thấp.

Nhưng chiến thuật này lại tỏ ra không hiệu quả với IS. Các tay súng và giới chóp bu IS hoạt động ở khu vực đô thị, chúng thường lẩn trốn vào trong dân và nằm giữa các tòa nhà khiến máy bay không người lái và lính đặc nhiệm khó mà thực hiện được nhiệm vụ. Ngoài ra, việc chỉ tiêu diệt các thủ lĩnh IS không khiến tổ chức này bị suy yếu đáng kể. Đứng đầu Bộ Chỉ huy quân sự của IS là ban điều hành gồm Baghdadi và hai cấp phó - hai tên này từng là tướng lĩnh trong quân đội Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein. Đó là Abu Ali al-Anbari, phụ trách các chiến dịch của IS ở Syria và Abu Muslim al-Turkmani, kiểm soát các hoạt động quân sự tại Iraq.

Tổ chức hành chính dân sự của IS do 12 nhân viên hành chính giám sát, chịu trách nhiệm cai quản các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria và giám sát các hội đồng tài chính, truyền thông, tôn giáo… Mặc dù không hoàn hảo như mô tả trong các video tuyên truyền, nhưng “Nhà nước IS” vẫn có thể vận hành khá trơn tru mà không cần Baghdadi hay các cấp phó của hắn.

IS cũng đặt ra một thách thức khác đối với các chiến thuật chống khủng bố của Mỹ vốn vẫn nhắm vào nguồn tài chính, chiến dịch tuyên truyền và hoạt động tuyển mộ của lực lượng thánh chiến. Một trong những thành công ấn tượng nhất của chiến lược chống khủng bố của Mỹ đó là cắt được nguồn cấp tài chính cho Al-Qeada. Ngay sau vụ 11/9, FBI và CIA, rồi sau có thêm Bộ Quốc phòng đã bắt đầu phối hợp chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực tình báo tài chính. Trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, các nhân viên FBI dưới vỏ bọc nhân viên quân sự Mỹ đã thẩm vấn các nghi can khủng bố bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo, Cuba.

Năm 2004, Bộ Tài chính Mỹ đã thành lập Văn phòng Tình báo tài chính và khủng bố, đơn vị ngăn chặn hiệu quả dòng tiền đổ vào Al-Qaeda thông qua hoạt động rửa tiền hoặc dưới vỏ bọc làm từ thiện. Một mạng lưới toàn cầu chống tài trợ cho khủng bố dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) và hàng trăm chính phủ khác cũng đã được hình thành. Kết quả là đã đóng băng được đáng kể hầu bao của Al-Qaeda. Tới năm 2011, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Al-Qaeda đã “phải vật lộn để đảm bảo có nguồn cung tài chính ổn định cho việc lên kế hoạch và tiến hành các vụ tấn công khủng bố”.
Nhưng những công cụ trên vẫn chỉ đóng góp không đáng kể cho cuộc chiến chống IS hiện nay. Lý do là tổ chức này không phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ bên ngoài. Các lãnh địa mà chúng xây dựng cung cấp tiền cho chính hoạt động của chúng - một mô hình mà hầu hết các tổ chức khủng bố không thể hình dung ra trước đó.

Từ đầu năm 2012, IS đã dần chiếm giữ những mỏ dầu chủ chốt ở đông Syria, và nay đã kiểm soát được 60% năng lực sản xuất dầu mỏ tại quốc gia này. Trong khi đó, trong chiến dịch tấn công tại Iraq mùa hè vừa qua, IS cũng đã chiếm được 7 cơ sở sản xuất dầu. Nhóm này đang bán dầu khai thác được ra thị trường chợ đen ở Iraq và Syria. IS cũng xuất lậu dầu mỏ sang Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chúng đã tìm được nhiều khách hàng sẵn sàng mua món “vàng đen” này với giá thấp hơn giá thị trường. Ước tính, IS thu nhập từ 1 - 3 triệu USD mỗi ngày từ việc buôn dầu mỏ.

IS không chỉ thu lợi từ dầu mỏ. Hồi tháng 6, khi IS chiếm được thành phố Mosul, miền Bắc Iraq, chúng đã cướp được không ít của cải từ ngân hàng Trung ương của tỉnh cùng tên và nhiều ngân hàng nhỏ khác. Chúng còn bán rất nhiều cổ vật có giá trị ra chợ đen. Chúng lấy đồ trang sức, xe hơi, máy móc và cả thú nuôi từ người dân địa phương. Việc kiểm soát một số tuyến đường huyết mạch ở tây Iraq cho phép IS thu được một nguồn tiền ổn định từ việc vận chuyển hàng hóa và phí cầu đường. Chúng còn có được nguồn thu từ các cánh đồng trồng bông và lúa mì ở Raqqa, vựa lúa của Syria.

Kỳ 3: Tình dục và những chiến binh thánh chiến cô đơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét