Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Hậu trường lựa chọn “nhân vật số 1”

TT - Trước thềm Đại hội VI, một không khí khẩn trương trong những ngày chuẩn bị nhân sự cấp cao. Đây là thời điểm thế hệ đầu của các nhà lão thành cách mạng chuyển giao cho thế hệ tiếp theo.
.
Đoàn đại biểu TP.HCM dự Đại hội VI gặp gỡ ông Lê Đức Thọ (người ngồi, đeo kính) - Ảnh: Xuân Lâm
Đoàn đại biểu TP.HCM dự Đại hội VI gặp gỡ ông Lê Đức Thọ (người ngồi, đeo kính) - Ảnh: Xuân Lâm
 
""
Tuy nhiên, “chuyện không ai có thể hình dung” đã diễn ra.

Hai lần gặp ông Lê Đức Thọ
Ba ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ dự kiến không tiếp tục ứng cử Ban chấp hành trung ương khóa mới. Những nhân vật mới sẽ tiến lên đảm nhận trọng trách của Đảng và đất nước trong một tình hình muôn vàn bức bách năm 1986.
Nhưng ai sẽ là “nhân vật số 1”, tức tổng bí thư? Mọi việc đã được bàn thảo nhưng không phải tất cả đều suôn sẻ...
Về việc này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể: “Tôi được biết trong thời gian chuẩn bị nhân sự Đại hội VI, một số đồng chí lặn lội từ miền Nam ra tới xin gặp đồng chí Trường Chinh để “năn nỉ” đồng chí tiếp tục làm tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa. Điều này thật không ai có thể hình dung được trước đó”.
Ông Chín Đào (Phan Minh Tánh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên trưởng Ban dân vận trung ương) thuật lại chi tiết hơn. Lúc bấy giờ ông là thành viên đoàn đại biểu Đảng bộ TP.HCM đi dự Đại hội VI. Vấn đề nhân sự lãnh đạo cấp cao được thảo luận nhiều. Từ thực tiễn “xé rào” đổi mới thành công ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Linh được coi là một nhân vật sáng giá.
Từ Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa V), ông Nguyễn Văn Linh được bầu trở lại Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Sau đó, Bộ Chính trị thống nhất Tổng bí thư Trường Chinh tuổi cao sức yếu sẽ nghỉ, trình đại hội phương án ông Nguyễn Văn Linh kế nhiệm, ngoài ra cũng bàn thêm một số vị trí lãnh đạo khác.
Tuy nhiên, theo ông Chín Đào, khi bàn vấn đề này lại nảy sinh tình huống mới... “Việc thay ông Trường Chinh cũng có những đại biểu miền Bắc chưa ưng, chưa muốn ông nghỉ. Còn một số đoàn miền Nam lại chân thành suy nghĩ ông Nguyễn Văn Linh hoạt động trong Nam nhiều, nhận nhiệm vụ tổng bí thư ngay sẽ khó cho ông phát huy”.
Ông Chín Đào cho biết một số đại biểu trong đoàn TP.HCM đã lên gặp ông Trường Chinh, đề nghị ông ở lại thêm thời gian ngắn để ông Nguyễn Văn Linh có điều kiện chuẩn bị tốt hơn.
Một buổi tối, ông Lê Đức Thọ gọi ông Chín Đào lên hỏi thăm tình hình. Ông thắc mắc tại sao đoàn TP.HCM lại lên gặp ông Trường Chinh đông thế.
Ông Chín Đào trả lời: “Báo cáo anh, cái lo lắng của anh em là chính đáng, không có gì sai. Lo là lo cho anh Linh và cũng lo cho đại cuộc. Anh Linh ở nhiều trong miền Nam, trong khi các cơ quan, bộ ngành ngoài này đã phát triển lớn lắm rồi. Vấn đề bây giờ là cho anh Linh thời gian một năm, hai năm gì đấy, rồi anh Trường Chinh trao lại cho anh Linh thì tốt nhất. Chứ hoàn toàn không phải là không tín nhiệm anh Linh mà chỉ muốn anh Linh làm tròn hơn”.
Ông Chín Đào tâm sự thêm rất rõ ràng là anh em rất thương, lo và mong muốn cho ông Nguyễn Văn Linh có thêm điều kiện để nhận nhiệm vụ mới được tốt hơn...
Sau đó, một số đoàn đại biểu tiếp tục lên gặp ông Trường Chinh trình bày ý kiến. Hai hôm sau, ông Lê Đức Thọ lại kêu ông Chín Đào lên gặp. Ông Thọ hỏi dư luận trong các đoàn ra sao và nói vấn đề nhân sự lần này cũng khó nhưng phải quyết thôi.
Ông Lê Đức Thọ hỏi: “Còn ý kiến Chín Đào thế nào?”. “Tôi trả lời thật lòng nếu sức khỏe anh không có vấn đề gì kém, anh làm tổng bí thư. Anh xông pha Bắc - Nam đủ cả, làm nhiều chuyện lắm” - ông Chín Đào thẳng thắn.
Nghe ông Chín Đào trình bày, ông Lê Đức Thọ chậm rãi nói: “Cái này không được đâu Chín Đào ơi. Bây giờ sức khỏe mình nguy hiểm rồi, không thể nào làm được đâu. Nên ủng hộ anh Linh.
Thái độ của đoàn TP.HCM như vậy là tốt, suy nghĩ như vậy là tốt. Nhưng không để kéo dài thêm thời gian được, nên trao dứt khoát lần này”.
Ông Trường Chinh và ông Nguyễn Văn Linh trò chuyện với các thành viên trong ban soạn thảo văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh: Xuân Lâm
Ông Trường Chinh và ông Nguyễn Văn Linh trò chuyện với các thành viên trong ban soạn thảo văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh: Xuân Lâm
Trao ngay, không chờ
Theo ông Nguyễn Đức Tâm (nguyên trưởng Ban Tổ chức trung ương), lúc bấy giờ việc lựa chọn tổng bí thư gặp khó khăn.
“Một lần tôi nói riêng với anh Sáu Thọ tình hình khó khăn quá, anh nên nhận chức tổng bí thư đi, dễ thống nhất ý kiến hơn. Anh Thọ gạt đi, anh nói: Mình đã nhiều tuổi rồi, sức khỏe cũng kém, để đồng chí khác làm tốt hơn. Anh Thọ vẫn kiên trì giữ ý kiến để anh Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư” - ông Nguyễn Đức Tâm thuật lại.
Ông Lê Văn Triết (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại) là trưởng đoàn thư ký Đại hội VI, kể tình hình ở các tổ đại biểu lúc ấy cũng tập trung thảo luận nhiều về nhân sự cấp cao.
Ông Triết là tổ trưởng ở tổ có đoàn TP.HCM và một số tỉnh miền Nam khác. Tình hình đất nước lúc ấy chìm ngập khó khăn, nhiều vấn đề nan giải, đại biểu nào cũng trăn trở, mong muốn những trụ cột cầm lái vững vàng. Nhiều đại biểu rất tin tưởng ông Nguyễn Văn Linh với kết quả thực tiễn “xé rào” tốt đẹp ở TP.HCM, nhưng cũng có một số người muốn ông có thêm ít thời gian chuẩn bị cho nhiệm vụ tổng bí thư.
Ông Triết kể sau khi thảo luận ở tổ, chính ông đã góp ý phương án nhân sự cụ thể: ông Trường Chinh tiếp tục đảm nhiệm tổng bí thư thêm một thời gian ngắn để ông Nguyễn Văn Linh chuẩn bị thay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông Lê Quang Đạo là chủ tịch Quốc hội và chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là ông Võ Văn Kiệt...
Ông Nguyễn Đình Hương nói về nguyên tắc khi thảo luận tổ các đại biểu có quyền đề xuất, ngoài đề xuất của ông Lê Văn Triết thì còn nhiều ý kiến đưa ra các phương án khác nhau.
“Lúc này chúng tôi giúp việc cho anh Sáu Thọ là trưởng tiểu ban nhân sự, tổng hợp ý kiến thì thấy nổi lên là các đại biểu mong qua chuyển giao nhân sự, sự nghiệp đổi mới được trao vào những bàn tay tin cậy. Không vì cục bộ, vì quyền lợi riêng tư mà cản trở phát triển”.
Về phần mình, Tổng bí thư Trường Chinh cũng có phát biểu về việc “thực hiện quyền không ứng cử”.
Ngày bế mạc Đại hội VI, ông nói: “Trước đây tôi đã nhiều lần đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cho tôi được làm công việc nhẹ hơn, vì tôi tuổi cao sức yếu. Đảng ta có lực lượng cán bộ đông đảo, có nhiều đồng chí đủ sức, đủ tài đảm nhiệm trọng trách của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa Ban chấp hành Trung ương Đảng ta làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, trí tuệ và năng lực sáng tạo của Đảng là của tập thể”.
Cuối cùng, sau nhiều thảo luận, đoàn TP.HCM và các đoàn khác gần như thống nhất theo hướng nhân sự của trung ương. Lúc ấy sức khỏe Tổng bí thư Trường Chinh cũng đã yếu.
Và “nhân vật số 1” lèo lái con tàu đất nước trên đường ray đổi mới đã được lựa chọn. Đó là một người con của đất Hưng Yên, nhưng cả cuộc đời tuổi trẻ tranh đấu của mình gắn chặt với Sài Gòn và miền Nam..
“Có quan niệm cho rằng công tác cán bộ là việc bí mật, chỉ một số ít người làm, không thể công khai hóa, hỏi ý kiến rộng rãi được vì dễ sinh phức tạp. Tổng bí thư Trường Chinh bác bỏ quan niệm bảo thủ đó và cho rằng sự thật là dù sao cuối cùng cũng vẫn phải ra quyết định và mọi người đều biết, nếu để đến lúc công bố công khai mới nhận được hàng nghìn, hàng vạn ý kiến không tán thành của đa số người dưới quyền thì lúc bấy giờ sẽ xử lý ra sao?”. GS Trần Nhâm
QUỐC VIỆT - VÕ VĂN THÀNH/ Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh

2 nhận xét:

  1. Đọc bài này mới thấy công tác nhân sự Đại hội Đảng ta luôn luôn dân chủ chứ không như đồn đoán, xuyên tạc bịa đặt của giới rận bọ.

    Trả lờiXóa
  2. NGƯỜI ĐẤT THÉP:lúc 20:42 25 tháng 1, 2016

    Bài này và cách làm công tác nhân sự Đại hội Đảng lần thứ 12 nên viết ra phổ biến rộng cho mọi người đọc, để đánh bạt những điều bịa đặt của kẻ phá hoại chuyên xuyên tạc sự thật về Đảng Cộng sản Việt Nam trong đó có công tác nhân sự.

    Trả lờiXóa