Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

ĐBQH HOÀNG HỮU PHƯỚC NÓI VỀ VỤ HUỲNH VĂN NÉN

Vu án oan của ông Huỳnh Văn Nén đã chiếm lĩnh tất cả các trang báo và được nói đến rất nhiều. Ở đây tôi nói về một khía cạnh khác của vấn đề.

Ai đọc về các gương nghiên cứu của các nhà bác học đã chế ra các loại kháng sinh và các loại vắc-xin để cứu nhân loại cũng đều thán phục. Nhưng không bất kỳ ai theo học ngành Dược từng có lần tự nhủ sẽ trở thành một nhà bác học như thế, thay vào đó, tuyệt đại đa số nhắm đến việc sẽ mở tiệm bán thuốc Tây hay cho người khác thuê văn bằng của mình để mở tiệm bán thuốc tây.
Ai đọc về tiểu sử của Bill Gates cũng thán phục ông ở tính quyết tâm và sự dứt khoát từ bỏ những cái thói thường mang tính từ chương luôn chạy theo bằng cấp của thiên hạ. Nhưng không bất kỳ ai dám can đảm làm như Bill Gates để không chen lấn vào trường đại học bằng mọi giá, song bất kỳ ai trẻ người non dạ đang chen lấn giành giật một chỗ ngồi trong đại học đều dám can đảm nói rằng sẽ thành người giàu nhất thế giới như Bill.
Ai đọc qua quyển Bao Công Kỳ Án cũng thán phục Bao Chửng. Ai xem bộ phim dài nhiều tập Bao Công cũng thán phục Bao Công. Nhưng không bất kỳ ai theo học ngành Luật từng có lần tự nhủ sẽ trở thành một Bao Công bảo vệ công lý bảo vệ nhân dân lương thiện, thay vào đó, tuyệt đại đa số nhắm đến việc sẽ trở thành một đại quan chí ít ở cấp bậc ngang hàng với Bao Công để vinh thân phì gia, hoặc mở văn phòng Luật để bảo vệ khách hàng bao gồm công dân lương thiện và công dân gây hại cho công dân lương thiện.
Chính cái sự thật quái gở trên mà Việt Nam mãi mãi không có nhà bác học dược, không có nhà giàu bằng hay xém bằng hoặc hơn Bill Gates, và không có nhà luật phán xét như “thần” cỡ Bao Công. Mà nếu không có Bao Công thì đương nhiên trông tránh khỏi oan sai trong nhiều phán quyết, vì ngay cả học trò Bao Công và cháu của Bao Công cũng là ác quan gây oan sai cho lương dân mà Bao Công cũng phải ra tay xử trảm, huống hồ cả đất nước Tàu rộng lớn mà chỉ có mỗi ông Bao ở mỗi một Phủ Khai Phong thì tất nhiên có bao triệu lương dân bị hãm hại oan sai từ vô số các quan lại trấn nhậm ở các địa phương khác mà ông Bao chỉ có thể xử lý được vài vụ trong một quyển Kỳ Án dày có 2 xen-ti-mét nếu nạn dân còn sống và còn đủ sức lết ngàn dặm đến Phủ Khai Phong gióng trống kêu oan. Song, không nói tiếp về các vụ trọng án hình sự mà oan sai dẫn đến các án chung thân hoặc có khi đã thi hành xong án tử hình của các vụ hình sự, tôi xin nói về các tranh chấp, khiếu tố dân sự, vốn phức tạp tương tự, đòi hỏi Bao Công tương tự, dù chẳng ai là bị đơn phải lo sợ bất kỳ vì không có các phán quyết chung thân hay tử hình.
Trong nhiệm kỳ Quốc Hội Khóa XIII vơi tư cách nghị sĩ tôi đã nhận nhiều đơn thư khiếu tố của công dân mà tôi thấy toát ra từ những vụ kéo dài dây dưa hàng chục năm những vấn nạn như sau:
– Đã chưa từng có đối thoại giữa người-với-người giữa chức sắc cơ quan xử lý khiếu tố với người khiếu tố. Tất cả những “đối thoại” thuần dựa trên các văn bản đã phát hành, nhất là những văn bản mang chữ “kết luận” được xem như đã đóng hồ sơ, không xem xét thêm, và tất nhiên mặc cho không có sự đồng thuận của người đứng đơn khiếu tố, dẫn đến việc người khiếu tố tiếp tục khiếu tố từ chục năm này qua chục năm khác bất chấp đã có “kết luận”. Nếu đã có đối thoại giữa-người-với-người thay vì giữa-người-với-văn-bản, lẽ ra đa số các trường hợp đều có thể đã được đồng thuận nếu bên xử lý (a) dẫn chứng đầy đủ trong buổi đối thoại những điều luật có liên quan và nhất là chứng minh việc xử lý không những đúng luật theo lý mà còn có theo tình ở những xét nhẹ có thể được, và (b) trân trọng kính mong bên khiếu tố thông hiểu và thông cảm để đồng thuận do không thể xét xử khác hơn luật định.
– Ắt đã có suy nghĩ quái gở nơi bậc chức sắc xử lý đơn thư khiếu tố rằng đó là việc gây ra bởi chức sắc tiền nhiệm hoặc chức sắc trước chức sắc tiền nhiệm có thể có liên quan đến một chức sắc cao hơn đã quy điền hoặc có thể đã quy tiên mà mình không nên khuấy động hay động chạm đến, và tốt hơn cứ ngâm đấy để chức sắc của nhiệm kỳ tới sau mình xử lý hoặc không xử lý tùy anh ta/chị ta.
– Ắt đã có suy nghĩ quái gở nơi bậc chức sắc xử lý đơn thư khiếu tố rằng công việc bề bộn họp hành đa đoan nên nếu việc khiếu tố đã kéo dài nhiều năm thì có chờ thêm một vài năm thì cũng không phải là điều nghiêm trọng.
– Ắt đã có suy nghĩ quái gở nơi bậc chức sắc xử lý đơn thư khiếu tố rằng mình còn có cấp trên của mình nên cứ để đấy rồi người khiếu tố khiếu nại sẽ tự động khiếu nại lên trên, cứ để cấp trên hoặc xử lý hoặc ngâm thêm và gánh chịu búa rìu dư luận thay minh.
– Ắt đã có suy nghĩ quái gở nơi bậc chức sắc xử lý đơn thư khiếu tố rằng mình thuộc sự quản lý hàng dọc của cơ quan cấp trên nên các đơn thư khiếu tố của công dân do Đại biểu Quốc hội chuyển đến thì chẳng cần quan tâm xử lý hoặc phúc đáp làm gì vì Đại biểu Quốc hội chẳng là gì cả mà luật không bao giờ quy định các chức sắc cơ quan công quyền sẽ bị chế tài ra sao nếu chậm trể xử lý đơn thư do Đại biểu Quốc hội chuyển đến hay gởi đến.
– Và ắt đã có suy nghĩ quái gở nơi bậc chức sắc xử lý đơn thư khiếu tố rằng cứ để yên đấy vì sẽ đến lúc mọi việc hóa bùn hoặc người khiếu tố đã hưởng thọ đầy đủ chốn trần gian nên sẽ có cớ đóng lại hồ sơ một lần và mãi mãi.
Mẹ vợ của tôi lúc sinh tiền hay kể chuyện bà nội của bà đã đau khổ rồi mất sớm vì đứa con trai bé bỏng kháu khỉnh xinh đẹp của bà bị một nữ gia nhân bắt đem đi mất mà gia đình đã chi ra biết bao vàng bạc cử người truy lùng khắp miền Bắc vẫn không ra. Đứa bé ấy bị bắt cóc hoặc để bán qua Tàu hoặc đơn giản vì nữ gia nhân ấy muốn đứa bé thành con của mình nên đã bắt đem vào miền thượng du hay sơn cước vùng sâu vùng xa. Đứa bé ấy lớn lên không biết mình xuất thân từ gia đình điền chủ quan lại thế gia vọng tộc. Đứa bé ấy nếu còn sống ắt đã hơn 300 tuổi. Bắt cóc thuộc phạm trù hình sự, nhưng vụ bắt cóc trên chưa từng được xét xử nên không có án phạt. Thí dụ này chỉ để cho thấy ngay cả khi không tạo ra một án oan, thì việc bó tay trước một vụ phạm tội cũng dẫn đến đau thương như thế nào cho gia đình người bị hại, huống hồ một vụ án có bị can trước vành móng ngựa nhưng việc điều tra xét xử không đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ rất có thể – như từng đã – dẫn đến oan sai đối với bị can cũng như có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường từ gia đình người bị hại đối với bị can bị xử oan thành kẻ thủ ác thủ phạm chính của vụ án.
Lời phát biểu của ông Huỳnh Văn Nén rất có thể sẽ được các quan chức luật pháp ghi nhớ để cẩn trọng hơn trong những vụ trọng án hình sự. Song, điều tôi mong muốn các quan chức pháp luật cần quan tâm đến một sự thật khác quan trọng hơn: đó là các khiếu tố dân sự; quan trọng hơn vì số lượng nhiều hơn, được kéo dài hơn trong xử lý, không thể miễn nhiễm với tiêu cực tham nhũng phạm pháp, không thể không dẫn đến oan sai oan ức của người khiếu tố, và luôn tiềm tàng nguy cơ khiếu kiện đông người gây bất ổn xã hội, gây mất sự tôn trọng Đảng nơi người dân.
Làm một Bao Công đâu phải là chuyện đội đá vá trời mà lại tránh né, khiếp sợ, không dám làm cơ chứ?
Làm một chức sắc luật pháp lại xem chuyện dây dưa, chuyện tiêu cực, chuyện chạy án, chuyện phủi tay trách nhiệm không phải là chuyện động trời để không tránh né, không khiếp sợ và không không dám làm, thì rõ là đầu óc không những của vị chức sắc luật pháp ấy mà còn của những vị đề cử vị chức sắc luật pháp ấy có vấn đề nghiêm trọng thuần-phe-nhóm, thuần-vây-cánh, và phi-bịnh-lý.

2 nhận xét:

  1. Nghị Phước biên bải này hay đấy.Anh khen.

    Trả lờiXóa
  2. Khi Tư pháp đã nhuốm màu chính trị ,Hiến pháp không là pháp chế tối cao của một quốc gia , luật pháp chạy theo nghị quyết các cấp của đảng cầm quyền ,sẽ không bao giờ có được những Bao Công mà xã hội mong chờ.

    Trả lờiXóa