Gần 1000 người dưới sự chỉ đạo trực tiếp ở hiện trường của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, nỗ lực suốt ngày đêm với nhiều phương án cứu hộ liên tiếp kể từ khi xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Sau gần 4 ngày đêm, chiều tối 19/12/2014, việc cứu hộ thành công toàn bộ 12 nạn nhân đã hoàn tất.
7h ngày 16/12, hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bất ngờ sập khi hơn 30 công nhân đang làm việc bên trong. 20 người may mắn chạy kịp ra bên ngoài trong khi 12 đồng nghiệp của họ bị kẹt lại. Sau hơn 10 năm khởi công, công trình này đã thi công được 600 m đường hầm xuyên qua, còn hơn 100 m nữa, hầm này sẽ được thông. Đoạn bị sập nằm cách miệng hầm 500 m và dưới đỉnh đồi thông 70 m.
Suốt nhiều giờ sau đó, lực lượng cứu hộ đông đảo của Lâm Đồng nỗ lực tiếp cận nạn nhân nhưng bất thành. Đến 19h40, mọi người đã xuyên thủng đoạn ống 3 cm qua khối đất, đá sập chừng 30 m. Niềm vui vỡ òa khi qua đường ống khí đưa vào, mọi người đã nghe được tiếng nói của các nạn nhân kẹt bên trong vọng ra. Họ cho biết vẫn an toàn, rất lạnh và rất đói, nước rò rỉ bị khối đất đá sập chặn đường thoát nên đang dâng lên.
12 nạn nhân bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Phía trước họ là khối đất, đá, bùn nhão... chảy dài hàng chục mét. 3 phía còn lại là tường hầm được bao phủ bởi ngọn đồi rộng lớn. Công cụ duy nhất để họ tiếp nhận cháo sữa, oxy và truyền thông điệp ra bên ngoài là ống thông khí này....
Xem video clip trên Kênh Google.tienlang-TV:
NHẬT KÝ CỨU HỘ 2 NGÀY CUỐI 18 VÀ 19/12/2014:
  • Mặc dù đang có chuyến công tác tại Thái Lan, nhưng khi nhận được tin cứu hộ thành công 12 công nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đa Dâng (Lâm Đồng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất vui mừng và đã có thư khen ngợi lực lượng cứu hộ ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống Bangkok chiều tối nay (19/12). 
  • Vui trào nước mắt nghe tin người thân được cứu từ hầm sâu
  •  
    Bữa cơm đầu tiên của nạn nhân Nguyễn Văn Quang sau những ngày trong hầm tối. Ảnh: Zing
  • Ban Biên tập báo Tiền Phong quyết định tặng mỗi công nhân bị sập hầm vừa được cứu mỗi người 3.000.000 đồng. Đây là số tiền trích từ số tiền 200.000.000 đồng mà Hoa hậu Kỳ Duyên, các á hậu và người đẹp đoạt các giải thưởng của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 trích tiền giải thưởng đóng góp vào quỹ hoạt động xã hội – từ thiện của báo Tiền Phong. 
  • Theo Thanh Niên, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đưa hai bác sĩ chuyên khoa tâm lý vào Lâm Đồng để chăm sóc tâm lý cho các nạn nhân vụ sập hầm thủy điện và cả người thân gia đình họ.
    PGS-TS Nguyễn Văn Khôi cho rằng những tình huống như thế này rất cần làm tốt công tác điều trị, chăm sóc tâm lý.
  • “Những ngày bị kẹt trong hầm, chúng tôi sợ nhất là cái lạnh, ai cũng co ro, run cầm cập. Sau mỗi lần ăn cháo, uống nước từ đường ống, chúng tôi phải thống nhất phương án tập hợp lại với nhau để nói chuyện và ca hát cho chống lại cái lạnh tê người ở trong hầm”, anh Nguyễn Văn Quang-một trong 12 nạn nhân, kể trên tờ Zing.vn.
     
    Anh Quang kể lại giây phút sinh tử.
  • Tối nay, hàng loạt các hãng tin quốc tế và nhiều tờ báo nước ngoài đã đưa tin về cuộc giải cứu thành công 12 nạn nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đa Dâng- Đa Chomo, thôn Păng Tiên, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đông.
    Hãng tin AP dẫn lời ông Phạm Triều, Phó Chủ tịch huyện Lạc Dương cho hay, 11 công nhân nam và 1 nữ đã được cứu thoát ra ngoài sau hơn 3 ngày mắt kẹt. Đồng thời đưa thêm thông tin lực lượng cứu hộ đã khoan lỗ để cung cấp không khí và thực phẩm cho những nạn nhân bên trong.
  • Qua điện thoại, ông Phạm Viết Khang – bố của nạn nhân Phạm Viết Lành cũng không dấu nổi vui mừng. “Suốt 3 ngày qua, chúng tôi như ngồi trên đống lửa, chỉ sợ con cháu mình nhỡ mệnh hệ gì. Giờ thì sống rồi, sống thật rồi. Thằng Lành sắp về rồi”.

  •  
     Bác sĩ thăm khám cho các nạn nhân ở bệnh viên Đa khoa Lâm Đồng. Ảnh: Tuổi trẻ.
  • BS Bùi Văn Nhân - phó giám đốc BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hai bệnh nhân ở khoa hồi sức đang được các bác sĩ của bệnh viện tỉnh Lâm Đồng và bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám. "Các nạn nhân còn lại sức khỏe tốt, đa số đều tự ăn uống được, chỉ một số người phải truyền thêm đường và muối", bác sĩ Nhân trả lời Tuổi trẻ.
    .
  • Anh Hoàng Văn Sơn 25 tuổi, quê Nam Định kể, những ngày qua, anh rất sợ, có những lúc cảm giác tuyệt vọng. Đặc biệt ngày hôm qua, khi nước cao tới cổ, mọi người thực sự mất bình tĩnh. Tuy nhiên, hàng ngày nghe được tiếng mọi người ở bên ngoài động viên, được tiếp tế thức ăn đầy đủ, anh em cũng đã dần lấy lại niềm tin, luôn tin rằng sẽ được cứu sống.
    Anh Sơn cũng cho biết: Tuy tin sẽ được cứu sống, nhưng ngày hôm nay mọi người cũng bất ngờ. Tất cả động viên nhau ráng chờ, giữ niềm tin nhưng cũng không ngờ được cứu nhanh như thế.
  • Thông tin từ Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng cục cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, ngay trong chiều tối nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, sẽ ký quyết định khen thưởng tập thể cứu hộ cứu nạn tham gia ứng phó với vụ tai nạn sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, Lâm Đồng.
    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã tặng lẵng hoa và "thưởng nóng" 100 triệu đồng cho lực lượng quân đội tham gia cứu hộ.

  •  
    Ông Nguyễn Viết Tỵ bác của nạn nhân Nguyễn Anh Tuấn chăm sóc cháu tại bệnh viện. Ông tâm sự: "Tôi không tin vào mắt mình khi thấy cháu bước ra ngoài. Ai cũng nghĩ ngày mai mới cứu được các nạn nhân. Bây giờ tôi chỉ hi vọng nó khỏe lại rồi đưa về quê. Tôi đã gọi điện về báo cho cha mẹ nó rồi. Gia đình tôi rất cám ơn các đơn vị đã ngày đêm cứu hộ mọi người".

  •  
    Ông Phạm Viết Diệm (có tới 3 người thân mắc kẹt trong vụ sập hầm) . Ảnh: Zing
  • Từ Nghệ An, phóng viên cho hay: Gần như ngay lúc 12 công nhân được đưa ra khỏi hầm, ông Phạm Viết Diệm (có tới 3 người thân mắc kẹt trong vụ sập hầm) nhận được điện thoại báo tin vui. Quá vui sướng, người đàn ông 68 tuổi chạy ra giữa sân thông báo với làng xóm: "Mọi người ơi, con tôi được cứu rồi!"
  • Theo VietNamNet, ông Phạm Đình Hiếu, chỉ huy trưởng công trình thủy điện Đạ Dâng cho biết, ông là một trong những người có mặt tại thời điểm thông hầm. Lúc đó, theo quan sát của ông Hiếu, 12 công nhân đều đi lại bình thường. Nhưng khi thoát ra, một số công nhân có thể bị choáng do tiếp xúc với ánh sáng và nhiệt độ bên ngoài nên phải nhờ đến hỗ trợ y tế.
    Theo lời ông Hiếu, 12 công nhân đã tích cực phối hợp với lực lượng cứu nạn như đấu nối 2 đầu bơm bên trong để hút nước đưa ra ngoài, sau đó thông được đường hầm...

  •  
    Rào lối vào hầm để đảm bảo an toàn và bảo vệ hiện trường . Ảnh: Lê Hữu Việt.
  • Ông Phạm Viết Diệm (68 tuổi, là bố đẻ của Phạm Viết Nam và con dâu Đặng Thị Hồng Ngọc) thốt lên: "Ôi anh chị ơi, vợ chồng tôi như sống lại. Từng nay tuổi rồi, hôm nay tôi mới có cảm giác sung sướng vỡ òa thế này. Mấy ngày qua gia đình tôi khổ lắm, tôi không ăn không ngủ được".
    Ông Diệm cho biết, chiều nay đang túc trực bên điện thoại và tiếp một số bà con hàng xóm thì nhận được điện thoại của người con trai thứ 6 - Phạm Viết Thành đang ở hiện trường báo về. Hai ông bà ôm chầm lấy nhau, hàng xóm cũng vỡ òa chung vui. "Qua báo chí, tôi đã thấy được hình ảnh của Ngọc. Chỉ muốn qua đây gừi lời tới các con nhanh chóng bình phục sức khỏe, sớm trở về quê thăm bố mẹ", ông Diệm nói.

  •  
    Nạn nhân nữ rời hiện trường với máy thở. Ảnh: Lê Hữu Việt.
  • Đến thời điểm này, nạn nhân nữ cuối cùng đã được đưa lên xe cứu thương chuyển tới bệnh viện, kèm theo máy thở.
    Theo các bác sĩ, nạn nhân tuy chưa nói được nhưng tỉnh, nhận biết được mọi người xung quanh.

  •  
    Công nhân Phạm Viết Lành (20 tuổi) bị thương ở đầu đang nằm tại bệnh viện Lâm Đồng. Ảnh: Zing.
  • Ông Phạm Viết Diệm (68 tuổi, là bố đẻ của Phạm Viết Nam và con dâu Đặng Thị Hồng Ngọc) thốt lên: "Ôi anh chị ơi, vợ chồng tôi như sống lại. Từng nay tuổi rồi, hôm nay tôi mới có cảm giác sung sướng vỡ òa thế này. Mấy ngày qua gia đình tôi khổ lắm, tôi không ăn không ngủ được".
    "Qua báo chí, tôi đã thấy được hình ảnh của Ngọc. Chỉ muốn qua đây gừi lời tới các con nhanh chóng bình phục sức khỏe, sớm trở về quê thăm bố mẹ", ông Diệm nói.
  • Theo anh Nguyễn Thanh Truyền – cán bộ Phòng cứu hộ, cứu nạn của Sở cảnh sát PCCC TP HCM, người đầu tiên đi vào trong đường hầm - kể lại, thì ngách đào bên phải, tức là ngách đào tiến hành lúc 13h30 ngày 17.12 theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là ngách đào thuận lợi nhất, có khoảng cách ngắn, tính từ điểm cuối của đường hầm đến nơi các nạn nhân bị kẹt cách nhau có 15m - Thông tin từ báo Lao động.
  • Lực lượng cứu hộ cũng gần như kiệt sức, mệt mỏi vì làm việc liên tục vài ngày liền, nhưng đã cố hết sức dìu từng nạn nhân ra ngoài và tìm cách kiềm chế cảm xúc của họ. 
  • Từ hiện trường, phóng viên Lê Hữu Việt cho biết, hiện nay toàn bộ khu vực hầm đã được bảo vệ chặt chẽ để đảm bảo an toàn.
  • Đại tá Phạm Văn Tỵ - Phó cục trưởng cục cứu hộ cứu nạn, bộ quốc phòng, phó chánh văn phòng ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn thông báo, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh vừa gọi điện chúc mừng và thưởng nóng cho các lực lượng làm nhiệm vụ.
  • Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng xúc động nói: "Kết thúc có hậu này đã đền đáp xứng đáng những vất vả, hiểm nguy của gần 1.000 người tham gia công tác cứu hộ suốt 4 ngày qua.
  • Đại tá Phạm Văn Tỵ cho biết, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết việc đào 2 đường hầm cùng lúc thể hiện quyết tâm cao của lính cứu hộ. Với điều kiện địa chất thuận lợi nên ngách bên tay trái đã tạo điều kiện bất ngờ cho việc giải cứu các nạn nhân.

  •  
     Lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân lên xe cứu thương. Ảnh: Zing
  • Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải gọi điện chúc mừng các lực lượng cứu hộ đã đưa thành công 12 công nhân ra ngoài, sớm hơn dự kiến.
  • Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh - trao đổi, ngách hầm bên trái được tiến hành đào nhanh, mang lại kết quả thành công ngoài mong đợi là do áp dụng phương pháp "hầm trong cát" - một phương pháp đào hầm từng được bộ đội ta áp dụng từ thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ.

  • PV Lê Hữu Việt cho biết, sau thời gian nỗ lực sơ cứu, hiện nạn nhân Đặng Thị Hồng Ngọc sức khỏe tạm ổn, tuy nhiên để đảm bảo an toàn, các bác sĩ vẫn tiếp tục cho thở ô xi, giữ ấm để cân bằng nhiệt độ cơ thể, huyết áp trước khi chuyển viện.
  • Binh nhất Hoàng Văn Thảo người đầu tiên thông hầm cho biết, lúc đào gần đến đường hầm anh thấy một tia sáng phản lại nên anh em đồng loạt quyết tâm đào liên tục và rất nhanh. Khi đào được vào trong hầm các nạn nhân hết sức sung sướng.
    "Lúc đó những nạn nhân đang có dấu hiệu bị lạnh cóng. Đây là niềm vui lớn nhất đời tôi từ xưa đến giờ", binh nhất này cho biết.
  • Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, 11 nạn nhân sức khỏe tạm ổn và chuyển tới bệnh viện chăm sóc tiếp. Riêng chị Đặng Thị Hồng Ngọc, 26 tuổi, nạn nhân nữ duy nhất trong vụ sập hầm sức khỏe yếu, vẫn phải ở lại lán sơ cứu.
    Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ giường, trang thiết bị, thuốc men và y bác sĩ sẵn sàng cứu chữa, chăm sóc sức khỏe các nạn nhân.

  •  
    Khẩn trương đưa các nạn nhân lên xe cấp cứu chuyển tới bệnh viện. Ảnh: Lê Hữu Việt
  • Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Ban chỉ đạo cứu hộ các nạn nhân chuẩn bị có cuộc họp, xem xét hồ sơ dự án để điều tra nguyên nhân vụ sập hầm này.
    Tại hiện trường, PV Lê Hữu Việt cho biết thêm, các nạn nhân đang lần lượt được đưa lên xe cấp cứu để chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chăm sóc sức khỏe
  • PV Lê Hữu Việt cho biết, nạn nhân đầu tiên đã được đưa lên xe cấp cứu chuyển tới bệnh viện Lâm Đồng chăm sóc sức khỏe.

  •  
    Một nạn nhân được khiêng ra ngoài. Ảnh: Khải Hoàng (Zing)

  •  
    Chị Đặng Thị Hồng Ngọc, 26 tuổi, nạn nhân nữ duy nhất trong vụ sập hầm. Ảnh: VnExpress

  •  
    Người thân vỡ òa cảm xúc khi thấy người bị nạn ra an toàn. Ảnh: VnExpress
  • Trao đổi với VnExpress, đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh công binh vui mừng cho biết khi được giao nhiệm vụ đơn vị cũng rất lo lắng.
    "Việc giải cứu được 12 nạn nhân rất sớm, nhanh và an toàn cho cả nạn nhân và cả lực lượng cứu hộ là một niềm vui rất lớn của đơn vị chúng tôi và đây cũng là một vinh dự rất lớn đối với tổ quốc", đại tá Hùng nói.

  •  
    Lực lượng cứu hộ ôm nhau vui mừng khôn xiết. Ảnh: Lê Hữu Việt
  • Trao đổi với PV Tiền Phong, anh Nguyễn Bách Thuận, người đầu tiên tiếp cận những nạn nhân cho biết, thời điểm đó các nạn nhân rất mệt mỏi và hoảng loạn. Nước trong hầm rút hết từ cống ở hạ lưu.
    Cảm giác của anh lúc này rất là vui sướng và anh liên tục gọi điện cho bạn bè, họ hàng thông báo tin mừng.

  •  
     Xe cứu thương tiếp cận hiện trường, chuẩn bị đưa các nạn nhân tới bệnh viện. Ảnh: Lê Hữu Việt
  • Trước đó, hầm công binh tiếp cận các nhân trước và đưa được 2 người ra, còn hầm của TKV tiếp cận sau đó ít phút đưa các nạn nhân còn lại.

  • Trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, bác Nguyễn Viết Túy, bố của anh Nguyễn Anh Tuấn (Hương Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh) vui mừng, nghẹn ngào chỉ nói được câu 'ổn rồi, ổn rồi'.


  •  
     Các công nhân được phủ kín chăn và cấp cứu. Ảnh: Lê Hữu Việt.

  •  
    Nạn nhân được đưa ra ngoài và nhận được sự chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Lê Hữu Việt.
  • PV Lê Hữu Việt cho biết thêm, không khí cứu hộ tại hiện trường rất khẩn trương, hầu hết các nạn nhân sức khỏe ổn định, có nạn nhân sức khỏe yếu, đang phải truyền nước, thở ô xi, quấn chăn giữ ấm, tuy nhiên không có nạn nhân nào nguy kịch.

  • Tại hiện trường, PV Lê Hữu Việt cho biết, 12 nạn nhân đã thoát nạn ra ngoài trong tiếng hò reo, niềm vui mừng khôn xiết của mọi người. Do ở trong hầm nhiều ngày, các nạn nhân bị lạnh và đang được các y bác sĩ cấp cứu.
    Công tác an ninh được thắt chặt, báo chí cũng bị hạn chế để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân.
    12 nạn nhân đã được đưa ra ngoài, đang chăm sóc sức khỏe đặc biệt.  Ảnh: Lê Hữu Việt.
  • Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Phó giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng (Trưởng ban chỉ đạo y tế tại hiện trường) cho biết đã huy động 8 xe cấp cứu cùng 32 y, bác sĩ túc trực bên các lán trại dã chiến, sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân khi thông hầm. 

    Tình huống được đặt ra là, sau chuỗi ngày dài bị kẹt trong hầm, khi các nạn nhân ra ngoài cơ thể chưa đáp ứng kịp thay đổi của nhiệt độ, môi trường ánh sáng.

  •  
    Đại tá Hoàng Công Thạo trả lời phỏng vấn sau cuộc diễn tập phương án cứu hộ nạn nhân. Ảnh: Đại Dương.
  • Đại tá Hoàng Công Thạo-Trưởng phòng CS PCCC, CA tỉnh Lâm Đồng, tổng chỉ huy lực lượng cứu hộ, cho biết: việc đào hầm ngách gặp nhiều đá lớn nên phải dùng thuốc nổ để phá đá. Do vậy tiến độ đào hầm có phần chậm lại và đêm nay chưa thể tiếp cận nạn nhân như dự kiến ban đầu.
    Nước trong hầm đã xuống thấp. Kết quả diễn tập tương đối tốt. "Tuy nhiên, do đường hầm ngách rất chật hẹp nên tôi yêu cầu anh em phải luyện tập bò trườn và cõng nạn nhân trên lưng", ông Thạo cho biết.
  • Trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, bác Nguyễn Viết Túy, bố của anh Nguyễn Anh Tuấn (Hương Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết: Anh Tuấn mới vào làm cho công trình thủy điện này được 3 tháng thì xảy ra chuyện. Ở nhà mọi người cũng đang rất lo lắng. Mới đây Tuấn gọi điện báo Tết sẽ về và bàn chuyện cưới vợ vào năm sau. Tuấn là con thứ 2 của gia đình, chị gái Tuấn lập gia đình và vào Tây Ninh định cư, còn 3 em Tuấn đều đang đi học, em kế Tuấn đang học đại học Vinh, 2 em sau đang học phổ thông.
    Nhà chỉ có 5 sào ruộng nên bố mẹ tuấn phải làm thêm đủ việc để có tiền nuôi con cái ăn học. Mới đi làm 3 tháng nhưng Tuấn cũng cố gắng tiết kiệm để gửi tiền về giúp bố mẹ chăm lo cho các em.

  •  
    Lực lượng cứu hộ sẵn sàng các phương tiện ứng cứu. Ảnh: Đại Dương

  •  
    Bàn phương án ứng cứu các nạn nhân khi được đưa ra khỏi hầm sập. Ảnh: Đại Dương

  •  
    Người thân các nạn nhân cầu nguyện bình an tại hiện trường cứu hộ. Ảnh: VnExpress
  • Trong khi lực lượng cứu hộ cấp tập khoan, đào đường hầm theo các hướng để tiếp cận vị trí các nạn nhân, trước cửa hầm nhiều người thân của họ khắc khoải chờ tin. Họ sụp xuống, nguyện cầu điều tốt lành sớm xảy ra với 12 công nhân kẹt trong hầm lạnh. 

  •  
    Các lực lượng diễn tập phương án cứu hộ. Ảnh: Lê Hữu Việt
  • 13h30, lực lượng cứu hộ đang chuẩn bị diễn tập phương án đưa những nạn nhân ra ngoài và cấp cứu y tế, để chuẩn bị tốt nhất cho trường hợp đưa được các nạn nhân an toàn ra ngoài.
  • Con rể, con dâu đang bị mắc kẹt trong hầm thủy điện, nơi quê nhà Nghệ An, ông Diệm bà Bình trắng đêm không ngủ, khắc khoải ngóng tin con.

  • Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Tâm - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, tới thời điểm 12h, sức khỏe và tinh thần của các nạn nhân vẫn ổn định. Sau khi mũi khoan phía hạ lưu thành công, hiện tốc độ nước thoát qua đường khoan này là khoảng 3 mét khối mỗi giờ.
    Trong khi đó, 2 mũi hầm đào qua vị trí sạt lở vẫn thuận lợi. Phần hầm do lực lượng của Tập đoàn Than - Khoáng sản đã được 15m, hầm do Công binh đào sâu khoảng 8m.


  • Bữa trưa của lực lượng cứu hộ tại hiện trường. Ảnh: Lê Hữu Việt.
  • Bác sĩ Trần Minh Trường, Phó GĐ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện phương án cấp cứu các nạn nhân đã được thông nhất của các lực lượng cứu hộ và lãnh đạo Bộ Y tế. Ngay khi đưa được các nạn nhân ra khỏi vị trí sạt lở, sẽ có 2 bác sĩ túc trực để phân loại mức độ sức khỏe của từng người để có phương án cấp cứu hợp lý. Tiếp đó, các bác sĩ của 3 lực lượng là Quân y, BV Chợ Rẫy, và lực lượng y tế tỉnh Lâm Đồng sẽ túc trực ở cổng hầm để đón các công nhân.

  •  
    Lực lượng cứu hộ đang tiến hành làm lối lên lán y tế, sẵn sàng cứu chữa tốt nhất cho các nạn nhân. Ảnh: Lê Hữu Việt.

  •  
    Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã đến hiện trường, vào tận trong hầm để thăm hỏi các nạn nhân và lực lượng cứu hộ. Ảnh: Đại Dương.

  • Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã đến hiện trường, vào tận trong hầm để thăm hỏi các nạn nhân và lực lượng cứu hộ.
    Trao đổi riêng với PV Tiền Phong, bà Mai nói: Tôi rất Khâm phục tinh thần của các nạn nhân, cũng như những nỗ lực của các lực lượng cứu hộ không quản ngày đêm đào hầm. Với tình hình này, việc cứu hộ sẽ được đẩy nhanh đạt kết qủa rất tốt. Bà Mai cũng cho biết, cử tri cả nước đang từng phút ngóng trông tình hình cứu nạn và sức khỏe nạn nhân.

  • Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết việc đặt mìn phá đá ở đoạn hầm phụ bên phải đã hoàn tất, bảo đảm an toàn. Hiện lực lượng cứu hộ hiện tại đã huy động đến 600 - 700 người. Riêng việc tiếp phẩm đã chuyển sang sử dụng các dung dịch chứa nhiều vitamin, chất bổ..., 4 tiếng/lần tiếp phẩm. 
    Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng sẽ quay lại hiện trường vụ sập hầm thủy điện để tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.
  • Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đội công binh vừa xử lý thành công khối đá nghẽn ở ngách hầm bên phải sau khi cho nổ mìn để công phá. Như vậy, ngách hầm này đã tiến được 15m.
    Hướng ngách khoan bên trái chưa gặp chướng ngại vật, vẫn đang triển khai thuận lợi, đã hoàn thành được 8m. So với độ dày ước tính khoảng 25m của khối đất đá bao phủ, còn khoảng 10m nữa sẽ tiến được đến vị trí các công nhân gặp nạn.
  • Thông tin từ hiện trường vụ sập hầm của công trình thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), đường hầm đã có thêm lỗ thông mới để thông hơi, thoát nước cho khu vực hầm nơi 12 công nhân đang bị mắc kẹt.
  • Theo Công an Nhân dân, người nhà các nạn nhân đã vào bên trong nói chuyện với các nạn nhân qua ống sắt. Đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với những người đang mắc kẹt.

  •  
    Nước uống được đưa đến cho nạn nhân và lực lượng cứu hộ. Ảnh: Đại Dương.
  • Trong cuộc họp sáng nay, ngành y tế Lâm Đồng đã vạch ra phương án tiếp cận sơ cứu nạn nhân khi họ được cứu ra ngoài. Theo đó, sẽ có 2 nhân viên y tế chăm sóc một nạn nhân. Khi họ được cứu hộ đưa ra, nhân viên y tế sẽ tiến hành thay đồ, sơ cứu và chuyển lên xe cứu thương đến bệnh viện. Hiện tại hiện trường có gần 10 xe cứu thương đang túc trực.
    Trong khi đó, việc truyền lương thực cho 12 nạn nhân bên trong ở ngày thứ tư sẽ do nhóm chuyên gia bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM đảm nhiệm.
  • Đại tá Phạm Hữu Tuấn (Binh chủng Công binh) lý giải về quyết định nổ mìn ở đường hầm phụ bên phải: Việc đào hầm phụ gặp đá to, nên lực lượng cứu hộ quyết định khoan và đặt một lượng nhỏ thuốc nhỏ, chỉ đủ làm vỡ đá, chứ không có tác động lớn gì đến xung quanh.
    Cũng theo đại tá Tuấn, phương án đào từ phía hầm thượng lưu vẫn là phương án cứu hộ khả thi nhất. Mũi khoan thông đến đoạn hầm sập sáng nay ở phía hạ lưu sẽ đảm nhiệm việc rút xả nước, cấp oxy... cho các công nhân bị kẹt bên trong.


  • Lực lượng cứu hỏa và xe bồn được huy động để vào cửa chính của hầm hút nước ra ngoài. Ảnh: Lê Hữu Việt.


  • Ông nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tinh uỷ Lâm Đồng: Sức khỏe các nạn nhân vẫn tốt. Nước trong hầm đang rút. Với tiến độ này, đến chiều nay, nước trong hầm cơ bản rút hết. Ảnh: Đại Dương.

  • Anh Lê Văn Tuấn đang trực tiếp khoan mũi phía hạ du cho biết: Nhóm chúng tôi là người của công ty khác, nhưng thấy các công nhân Công ty Cổ phần Sông Đà 505 gặp nạn nên sang giúp.
    Đều là công nhân với nhau nên anh em rất thương những người gặp nạn, khi luôn phải đối mặt hiểm nguy. Dù có vất vả, anh em tôi vẫn cố gắng, làm việc hết sức với quyết tâm đưa họ ra càng sớm càng tốt.


  • Dọn đường truớc của hầm phục vu công tác cứu hộ, sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân. Ảnh: Đại Dương.

  • Phóng viên Đại Dương từ hiện trường cho biết, sáng nay, lực lượng y tế gồm 11 bác sĩ và 12 hộ lý của các Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lâm Đồng, chợ Rẫy, Lạc Dương... tập trung bàn phương án cứu nạn.


  • Từ vị trí đỉnh đồi, lực lượng cứu hộ đang huy động máy xúc mở đuờng mới lên vị trí khoan khác để thực hiên mũi khoan mới đồng thời với mũi khoan đang thực hiên, lệch về phía thượng lưu. Ảnh: Lê Hữu Việt.
  • Có mặt tại hiện trường sáng nay, Thứ trưởng Bộ xây dựng Lê Quang Hùng cho biết đã tính đến phương án nhờ các chuyên gia nước ngoài như Đài Loan, Nhật Bản... để tham gia cứu hộ 12 nạn nhân bị kẹt trong hầm thủy điện. "Hiện hồ sơ thông tin hiện trường đã được gửi đến cho đối tác. Nếu như các phương án cứu hộ hiện tại thất bại, sẽ liên hệ ngay với đối tác", thứ trưởng cho biết.
    Về tình hình sức khỏe các nạn nhân, Thứ trưởng Hùng cho biết, sau 4 ngày ở trong điều kiện không tốt, thiếu thốn, sức khỏe của họ có giảm sút. Tuy nhiên, phía ngoài luôn liên lạc động viên và đang nỗ lực hết sức để cứu họ ra ngoài trong thời gian sớm nhất có thể.


  • Anh em cứu hộ tranh thủ ăn sáng tại chỗ rồi tiếp tục công tác tìm kiếm nạn nhân vụ sập hầm. Ảnh: Lê Hữu Việt.

  •  
    Sơ đồ cứu nạn sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) tính đến 0h ngày 19/12/2014. Đồ họa: Trung Hiếu.

  •  
    Trong điều kiện thời tiết giá rét, lực lượng cứu vẫn hộ không ngần ngại ngâm mình xuống nước để thông cống bị tắc do bùn. Tất cả đều nỗ lực để cứu những nạn nhân mắc kẹt. Ảnh: Lê Việt

  • Sau hơn một ngày, mũi khoan ở cửa hầm phía sau (cửa xả nước) đã đến vị trí 12 nạn nhân kẹt bên trong hầm thủy điện, sáng nay.
    Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tư lệnh binh chủng công binh cho biết mũi khoan phía sau hầm đã xuyên thủng tới vị trí các nạn nhân, nước bên trong đã phun ra ngoài.
  • Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó Tham mưu trưởng binh chủng công binh, người được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao chỉ huy toàn bộ lực lượng cứu hộ trong hầm - cho biết, đến sáng nay, 19/12, lực lượng công binh đã đào hầm ngách bên trái sâu được hơn 10m (tổng chiều dài ngách hầm khoảng 30m).
    Tiến độ công việc đang triển khai thuận lợi, đảm bảo đúng tiến độ, an toàn. Đây là ngách hầm đào đồng thời với ngách hầm bên phải do tổ cứu nạn Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam phụ trách đào trước đó.


  • Dù thời tiết giá lạnh, các công nhân phải dùng cả tay để gạt bùn, thoát nuớc ra ngoài nhanh hơn. Hàng trăm người vẫn đang nỗ lực không mệt mỏi để cứu 12 nạn nhân mắc kẹt. Ảnh: Lê Việt.


  • Loại ống được sử dụng để đặt cho nước thoát ra ngoài. Ảnh: Lê Việt.
  • Tin từ Bí thư Huyện Đoàn Thanh Chương (Nghệ An) Lê Đình Thọ cho biết, huyện này có 3 nạn nhân trong số 12 người hiện đang mắc kẹt tại hầm thủy điện Đạ Dâng.
    Các nạn nhân gồm: Phạm Viết Nam (SN 1973, quê xóm 10, xã Cát Văn); Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, xóm 10, xã Cát Văn) và Phạm Viết Lành (SN 1994, xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương).


  • Mũi khoan hạ du đã thông, máy bơm công suất lớn hơn được huy động để hút nước ra ngoài. Ảnh: Lê Việt.

  • Máy bơm hoạt động hết công suất vẫn không thoát nước kịp. Múi khoan phía hạ du sẽ là đường thoát nước chính. Ảnh: Lê Việt.

  • Bùn đang trào ra mũi khoan phía hạ du, máy xúc không kịp. Việc khoan cũng đang khó khăn vì đã vào túi bùn. Chưa tới cuối để gặp nước nhưng mũi khoan đã vào phần bùn cuối cùng của tường hầm.
    Theo đơn vị thi công, trước đây thi công phần cuối đường hầm bị sụt đất khoảng 8 - 10m, giờ mũi khoan phải tạm dừng để xúc bùn và hút nước. Giờ không đẩy mũi khoan sâu nữa mà chỉ cho mũi khoan xoay để cho nước và bùn chảy ra theo khe hở mũi khoan.

  • Cùng với việc hút nước và bùn, mũi khoan phía hạ du đã khắc phục xong sự cố về điện và bắt đầu khoan trở lai


  •  
     Đưa máy vào xúc bùn để tiếp tục khoan phía hạ du. Ảnh: Lê Việt

  •  
    Công nhân đang khắc phục hệ thống điện hạ du. Ảnh: Lê Việt
  • Theo phóng viên Lê Việt có mặt tại hiện trường, thời điểm 5 giờ sáng 19/12, mũi khoan hạ du phải dừng vì bị nước và bùn trào ra đe doạ an toàn máy và hệ thống điện.
    Thời điểm 6h15, mũi khoan phía hạ du đang gặp trục trặc sau khi đã cách vị trí hầm công nhân gặp nạn khoảng 5m.

  • 23h47 ngày 18/12, theo nguồn tin của phóng viên Tiền Phong  đang tác nghiệp tại hiện trường, đường hầm vòng bên trái của lực lượng công binh đã đào được khoảng 4m, đường hầm vòng bên phải của TKV được gần 8m. Các chiến sĩ công binh đã nghe được tiếng nạn nhân hét vọng ra qua các khe hở từ vị trí sập (các khe hở này do sắt thép gia cố đường hầm tạo ra).

  • Phóng viên Tiền Phong có mặt tại hiện trường lúc 23h35 ngày 18/2 chứng kiến cảnh truyền nước gừng và cháo loãng vào cho các nạn nhân. Toàn bộ lực lượng cứu hộ chia làm 4 ca làm việc suốt đêm nay.


  • 22h30 ngày 18/12, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, phó Tham mưu trưởng Lực lượng Công binh cho biết, hiện có 1 lữ đoàn công binh của Bộ Quốc phòng, 1 lữ đoàn Công binh của Quân khu 7, 1 tiểu đoàn kiêm nhiệm và Trung tâm Cứu hộ sự cố hầm mỏ của TKV tham gia cứu hộ.


  • Tới 23h ngày 18/12, để gọi những công nhân mắc kẹt phía trong chuẩn bị kéo dây vào để nhận thư, bút. Nhân viên cứu hộ liên tục gọi “Anh Nam ơi, anh Đăng ơi…”, sau một hồi vẫn không thấy có hồi âm, rồi mọi người phải thay nhau gọi vì giọng đã khàn.  Lúc này, nhân viên cứu hộ phải dùng thanh sắt đánh mạnh vào đường ống sắt để gọi người phía trong.
  • Hiện nay, sự liên lạc, tiếp tế của lực lượng cứu hộ với 12 nạn nhân thông qua một ống thép có đường kính gần 3 cm. Họ đang tiến hành luồn một sợi dây gân gắn lá thư, bút vào cho các công nhân. Hình thức liên lạc bằng thư này vừa được đề xuất và tán đồng. Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng vừa viết một lá thư cho các công nhân kẹt hầm.
     
    Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng viết thư cho 12 công nhân bị kẹt hầm
  • Lực lượng cứu nạn cho hay, điều lo lắng nhất hiện nay là tinh thần của các nạn nhân đang xuống.  Vì vậy, anh em cứu nạn ngoài việc gấp rút đào hai hầm cứu nạn còn phải thường xuyên thay nhau trò chuyện, trả lời các câu hỏi của 12 nạn nhân.
  • Gần 500 người tham gia cứu hộ vội vã ăn uống dã chiến để lấy sức tiếp tục lao vào công tác cứu hộ 12 công nhân đang bị kẹt dưới hầm thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, tỉnh Lâm Đồng. 
  • Trong 3 ngày qua có nhiều công ty tư nhân trong cả nước đến xin được tham gia cứu hộ, nhưng các phương án đưa ra đều không khả thi. "Một công ty đưa ra phương án cọc nhồi từ trên đỉnh đồi xuống. Tuy nhiên, với địa chất yếu, phương án này thực hiện có thể gây sập hầm thêm, rất nguy hiểm cho các nạn nhân", Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết.
  • Ban chỉ huy công trường thuộc Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo cho hay, hiện mực nước trong hầm lại có dấu hiệu tăng đều. Trước đó, 3 mũi khoan từ cửa hầm chính được phân bố 1 ống truyền thức ăn, 1 ống luồn dây thắp sáng nguồn điện trong khu vực hầm sập và 1 ống hút nước ra ngoài. Tuy nhiên trước thực tế nước lại đang tăng lên, lực lượng cứu hộ quyết định cắt nguồn dẫn điện, ưu tiên cho việc hút nước.
  • Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang triển khai đưa hệ thống đèn vào trong đường hầm; đưa một chiếc đèn pin cùng một thông báo về tình hình cứu nạn, cứu hộ bên ngoài vào trong để các nạn nhân yên tâm. Đồng thời đưa giấy bút vào cho các nạn nhân viết các yêu cầu của mình gửi ra để bên ngoài kịp thời hỗ trợ.


  • Công nhân sẵn sàng cho công việc cứu hộ xuyên đêm 18/12 (Ảnh: Viết Hảo)
    Các lực lượng cứu nạn tại chỗ đã hoàn tất việc ăn tối để tiếp tục triển khai công việc đào 2 đường hầm ở 2 bên hông vị trí bị sập. Công việc đang được triển khai hết sức khẩn trương để đảm bảo đúng tiến độ, tiếp cận 12 công nhân sớm nhất có thể.
  • Sáng nay, 45 cán bộ cứu hộ của Cảnh sát PCCC TP HCM đã có mặt chia thành nhiều nhóm, tiến hành tham gia cứu hộ ở tất cả các hướng. Theo nhóm cứu hộ trên đỉnh đồi, đêm qua khi khoan được 35 m đã gặp phải tảng đá lớn nhưng với nỗ lực, mọi người đã đưa được tảng đá lên và mũi khoan tiếp tục đi.

  •  
     Ngách hầm được đào xuyên đêm. Ảnh: Phước Tuấn/ VnExpress
  • Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, đường hầm ngách men theo bên phải đã được 6 m, bên trái 2 m. Đường hầm phía hạ lưu đã được 47 m. Tuy nhiên, việc khoan, đào hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do địa chất yếu, cát pha lẫn với đá mồ côi. 
    Trong 3 ngày qua có rất nhiều công ty tư nhân trong cả nước đến xin được tham gia cứu hộ, nhưng các phương án đưa ra đều không khả thi. "Một công ty đưa ra phương án cọc nhồi từ trên đỉnh đồi xuống. Tuy nhiên, với địa chất yếu, phương án này thực hiện có thể gây sập hầm thêm, rất nguy hiểm cho các nạn nhân", ông Yên nói.
  • Theo Dân Trí, hiện mũi khoan trên đỉnh đồi bị kẹt ở độ sâu 40m. Lực lượng chức năng đang dọn dẹp, giải phóng hiện trường để khoan mũi khoan khác thay thế mũi khoan bị kẹt. Nguyên nhân kẹt là do mũi khoan gặp phải đá cứng. Như vậy hướng tiếp cận từ đỉnh đồi sau một ngày nỗ lực lại phải bắt đầu lại từ đầu; mũi khoan mới cách vị trí cũ khoảng 8m.

  •  
    Mũi khoan phía sau hầm đã đi được 37 m. Ảnh: Phước Tuấn/ VnExpress
  • Báo Zing.vn ngày 18/12 dẫn lời ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, lực lượng cứu hộ, công binh, công an, quân đội, y tế, hậu cần… được điều động đến hiện trường lên đến 500 người.
    Hiện phương án đang được triển khai là đào 2 nhánh hầm phụ song song hầm chính theo hình vòng cung để tiếp cận các nạn nhân. Bên cạnh đó, đường hầm từ đỉnh núi vẫn đang được khoan xuống. Nếu thành công, nhánh hầm này sẽ được mở rộng thành con đường giải cứu các công nhân theo hướng thẳng đứng.
    Công tác cứu hộ tại hiện trường vẫn tiếp tục thực hiện 24/24 theo hình thức thay ca liên tục giữa các nhóm cứu hộ.
  • Ghi nhận của VnExpress tại hiện trường, mũi khoan của hướng từ trên đỉnh đồi xuống vị trí hầm sập (hướng dự kiến để đưa áo quần và mền cho các nạn nhân) đi được 42 m nhưng đã bị sụp, gãy. Lực lượng cứu hộ đã phải bỏ lại mũi khoan ở dưới lòng đất và tiến hành khoan ở vị trí mới vì không thể khoan tiếp. Như vậy, công sức của nhóm cứu hộ phụ trách khoan ở khu vực này từ đêm qua đến nay phải làm lại từ đầu.
  • Tối nay, một loại dung dịch đặc biệt sẽ được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy về để dùng thay cho sữa, giúp các nạn nhân tăng cường sức khỏe, tăng khả năng cầm cự trong thời gian chờ được giải cứu.
  • Chị Phan Thị Hoa, vợ anh Trương Tuấn Việt, một trong 12 nạn nhân ngồi nấu cháo cho chồng với đôi mắt sưng húp. Nghe tin chồng gặp nạn, chị từ Hà Nam lên hiện trường từ hôm qua nhưng 2 ngày nay vẫn chưa được nói chuyện với chồng. "Gia đình ở quê liên tục gọi điện vào hỏi tình hình. Giờ đây tôi chỉ có ước muốn được nghe thấy tiếng chồng để báo về nhà cho mọi người yên tâm. Mấy ngày hôm nay tôi không ngủ được", chị Hoa nói với Vnexpress.

  •  
    Điện đã được đưa vào vị trí bên trong chỗ các nạn nhân bị mắc kẹt. Ảnh: Công an Nhân dân.
  • Hiện sức khỏe 12 công nhân đều ổn định nhưng vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nhiệt độ trong hầm rất lạnh. Tối nay, một loại dung dịch đặc biệt sẽ được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy về để dùng thay cho sữa, giúp các nạn nhân tăng cường sức khỏe, tăng khả năng cầm cự trong thời gian chờ được giải cứu. 

    Lê Hương Lan - Tổng hợp
    Theo Tiền phong và nhiều cơ quan báo chí khác