Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

11 văn kiện hợp tác Việt Nam - Nga

 

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin chứng kiến trao các văn kiện đã ký kết giữa hai nước - Ảnh: TTXVN


 Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ về hợp tác tại Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Novatek 

11 văn kiện hợp tác Việt Nam - Nga

Trước cuộc gặp báo chí, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin đã cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện được ký kết nhân chuyến thăm lần này. Cụ thể gồm:

1. Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nga về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học.

2. Chương trình hợp tác giai đoạn 2024-2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Nga.

3. Bản ghi nhớ về lộ trình thực hiện dự án Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom.

4. Bản ghi nhớ giữa Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt - Nga và Cơ quan Liên bang Nga về Giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh con người về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm để phòng chống dịch bệnh.

5. Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lô 11-2 cho Tập đoàn Zarubezhneft.

6. Thỏa thuận hợp tác trao đổi khoa học giữa Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Nga (RANEPA).

7. Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Hà Nội và RANEPA.

8. Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông (FEFU).

9. Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Kinh tế cao cấp (HSE).

10. Bản ghi nhớ về hợp tác tại Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Novatek.

11. Biên bản ghi nhớ giữa Công ty cổ phần Quản lý BVIM và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).

TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT NAM - NGA

 (Chinhphu.vn) - Toàn văn Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin hội đàm - Ảnh: VGP

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin ( Vladimir Putin) đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 6 năm 2024. 

Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghịViệt Nam – Nga. 

Sau đây Cổng TTĐT Chính phủ xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

“Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 6 năm 2024. 

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (16 tháng 6 năm 1994).

Tại Hà Nội, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. 

Tổng thống Vladimir Putin cũng đã đặt hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin đã gặp gỡ với cựu sinh viên Việt Nam từng tốt nghiệp tại các trường đại học của Liên Xô và Nga.

Trong bầu không khí thân tình và hữu nghị, hai Bên đã trao đổi sâu rộng về nhiều nội dung và phương hướng thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nga trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ và nhân văn. Hai Bên cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm trên tinh thần tin cậy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin đã tổng kết hợp tác nhiều mặt giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga từ sau khi ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga ngày 16 tháng 6 năm 1994 và thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước năm 2012.

Phía Việt Nam hoan nghênh kết quả bầu cử Tổng thống Liên bang Nga vào tháng 3 năm 2024, ghi nhận tính minh bạch và khách quan của cuộc bầu cử, cho rằng việc Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Nga đối với đường lối của Liên bang Nga, với một trong những ưu tiên đối ngoại là phát triển hợp tác với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phía Việt Nam kịch liệt lên án vụ khủng bố dã man ngày 22 tháng 3 năm 2024 tại tỉnh Mát-xcơ-va, tuyên bố không chấp nhận các hành động tấn công dân thường và ủng hộ Nga đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, cũng như trong bảo đảm hòa bình và ổn định trong nước.

Phía Nga đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần ngày càng nâng cao uy tín và vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước. 

Tổng thống Vladimir Putin cũng đã chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp được bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và mời Lãnh đạo cấp cao Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (ngày 9 tháng 5 năm 2025).

Trên cơ sở kết quả chuyến thăm, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga đã tuyên bố như sau:

***

1. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga không ngừng củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên tinh thần hữu nghị và ủng hộ lẫn nhau trong bối cảnh quốc tế phức tạp. 

Năm 2025, hai nước sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu chặng đường dài cùng nhau vượt qua thử thách và khó khăn, trong đó có những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh vì độc lập, tự do.

Quan hệ song phương đã đứng vững trước các biến động, góp phần củng cố hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. 

Với nỗ lực chung của hai Bên, quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Nga tiếp tục phát triển tích cực phù hợp với lợi ích hai quốc gia, là tài sản vô giá của nhân dân hai nước và là hình mẫu của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác cùng có lợi.

Sau 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị và sau khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2012, hai Bên đã đạt được những thành tựu quan trọng sau:

- Đối thoại chính trị giữa Việt Nam và Nga có độ tin cậy và hiểu biết cao. Trao đổi, tiếp xúc các cấp được duy trì thường xuyên, tạo nền tảng vững chắc cho việc củng cố và mở rộng hơn nữa quan hệ song phương. 

Hai Bên duy trì quan điểm gần gũi hoặc tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp hiệu quả trong khuôn khổ các tổ chức đa phương.

- Việt Nam và Nga không ngừng thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại, bao gồm trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Á – Âu ký ngày 29 tháng 5 năm 2015.

- Hai Bên tiếp tục củng cố hợp tác trên các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, công nghiệp, công nghệ số, giao thông - vận tải và nông nghiệp, phát huy tiềm năng to lớn về hợp tác trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, công nghệ, giáo dục và nhân văn. 

Hai Bên ngày càng chú trọng tăng cường hợp tác địa phương, tiếp xúc theo kênh đảng và tổ chức xã hội, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, thành lập các cơ chế và khuôn khổ hợp tác mới khi cần thiết.

2. Nhằm phát huy thành tựu đạt được sau 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, gìn giữ truyền thống hữu nghị tốt đẹp, cũng như tranh thủ tiềm năng hợp tác, hai Bên khẳng định mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở các nguyên tắc và định hướng sau:

- Việc củng cố và nâng cao hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là một trong những ưu tiên đối ngoại của Việt Nam và Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước, cũng như nâng cao vai trò của hai quốc gia tại mỗi khu vực và trên thế giới.

- Việt Nam và Nga xây dựng quan hệ trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, cũng như trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, quyết tâm tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực trong cả khuôn khổ song phương và đa phương.

- Việt Nam và Nga không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba nhằm có các hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích cơ bản của nhau. Việc phát triển quan hệ Việt Nam – Nga không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba khác.

3. Việt Nam và Nga nhất trí tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác sau:

- Tiếp tục tăng cường đối thoại chính trị thường xuyên và thực chất ở cấp cao và cấp cao nhất, nỗ lực thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước. Nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có và thành lập các cơ chế hợp tác mới, kịp thời phối hợp tháo gỡ các vấn đề trong hợp tác song phương.

- Đẩy mạnh tiếp xúc theo kênh đảng và giữa lãnh đạo các cơ quan lập pháp, Ủy ban hợp tác liên nghị viện giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đu-ma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga, giữa các ủy ban và nhóm nghị sỹ hữu nghị của Quốc hội hai nước; tiếp tục phối hợp hành động tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực.

- Nhấn mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng – an ninh giữ vai trò đặc biệt trong tổng thể quan hệ Việt Nam – Nga, không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba, có độ tin cậy cao và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới nói chung.

- Nhất trí củng cố hợp tác toàn diện trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định, thỏa thuận song phương nhằm ngăn chặn việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào mục đích xâm hại chủ quyền, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ, cũng như các hành vi khác trên không gian mạng toàn cầu có mục đích cản trở hòa bình, an ninh và ổn định quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý song phương đối với hợp tác hỗ trợ tư pháp liên quan đến tội phạm hình sự sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

- Tiếp tục tăng cường hợp tác ứng phó với tình huống khẩn cấp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người bị nạn, tiến hành diễn tập và huấn luyện chung giữa các cơ quan cứu hộ hai nước.

- Chú trọng phát triển hơn nữa hợp tác kinh tế. Tạo thuận lợi cho mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính - tín dụng phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định pháp luật hai nước nhằm thúc đẩy trao đổi hàng hóa cân bằng, khai thác hiệu quả lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu.

- Khẳng định vai trò điều phối quan trọng của cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, cùng các tiểu ban và tổ công tác trong việc xây dựng và triển khai các dự án và chương trình hợp tác chung. Ủng hộ sớm thống nhất và triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển hợp tác Việt Nam – Nga đến năm 2030, bao gồm thông qua các lộ trình hợp tác trên các lĩnh vực.

- Khẳng định cần tăng cường đầu tư của Việt Nam vào Nga và đầu tư của Nga vào Việt Nam, bao gồm trên các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp, nông nghiệp, chế tạo máy và năng lượng. Trên cơ sở đó, nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác cấp cao Việt – Nga về các dự án đầu tư ưu tiên.

- Khẳng định tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ các dự án dầu khí hiện có và mới phù hợp với pháp luật mỗi nước, bao gồm việc cung cấp, chế biến dầu thô và khí hóa lỏng cho Việt Nam, đáp ứng lợi ích chiến lược của hai Bên. Đánh giá hợp tác xây mới và hiện đại hóa các cơ sở điện năng hiện có là hướng hợp tác triển vọng.

- Ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam và Nga, cũng như luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

- Tính đến tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, quyết tâm đẩy nhanh triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.

- Cho rằng cần tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như công nghiệp khai khoáng, giao thông - vận tải, đóng tàu và chế tạo máy, hiện đại hóa đường sắt.

- Khẳng định tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp, bao gồm tăng cường xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, cũng như khuyến khích doanh nghiệp tham gia thành lập các cơ sở sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam và Nga.

- Ủng hộ tính chất chiến lược trong hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên tinh thần đó, hoan nghênh việc ký kết Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học trong khuôn khổ chuyến thăm lần này.

- Ủng hộ đẩy mạnh nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt tại Nga và tiếng Nga tại Việt Nam, bao gồm sử dụng tối đa tiềm năng của các cơ sở giáo dục hai nước, trong đó có Phân viện tiếng Nga mang tên Pu-sơ-kin tại Hà Nội và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.

- Giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sáng kiến của Nga về lập trường phổ thông giảng dạy bằng tiếng Nga tại Hà Nội.

- Hỗ trợ mở rộng hoạt động của Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật Việt – Nga để đào tạo bậc đại học, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp tại Việt Nam nhằm tăng cường quảng bá cho Mạng lưới trên.

- Hỗ trợ hoạt động, phát huy hiệu quả tiềm lực của Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ nhiệt đới Việt – Nga nhằm đưa Trung tâm thành hình mẫu, biểu tượng cho hợp tác song phương. Bảo đảm hoạt động nghiên cứu của các chuyên gia Việt Nam và Nga tại Trung tâm ngang tầm khu vực và quốc tế. Nga sẽ chuyển giao tàu nghiên cứu khoa học “Giáo sư Ga-ga-rin-xki” cho Việt Nam. Tiếp tục xem xét chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm.

- Hoan nghênh thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nhân văn, bao gồm mở rộng giao lưu giữa các bộ, ngành, địa phương, tiến hành thường xuyên các Ngày văn hóa hai nước trên cơ sở có đi có lại, duy trì tiếp xúc giữa các cơ quan thông tin đại chúng, lưu trữ, hội hữu nghị và các tổ chức xã hội khác.

- Hỗ trợ mở rộng hợp tác nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự tích cực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga trên không gian mạng toàn cầu, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực báo chí, tăng cường phối hợp ngăn chặn thông tin sai lệch và chiến dịch thông tin không thân thiện của các bên thứ ba.

- Tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trong lĩnh vực y tế, bao gồm chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ y tế chất lượng cao.

- Khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa giao lưu trong lĩnh vực thể dục và thể thao. Việt Nam đánh giá cao việc Nga lần đầu tiên tổ chức Giải thể thao quốc tế “Thế vận hội tương lai” tại Ka-zan và ủng hộ việc Liên bang Nga tổ chức Đại hội thể thao của các nước BRICS trên tinh thần không phân biệt đối xử, phù hợp với nguyên tắc chung của phong trào Ô-lim-píc.

- Hài lòng ghi nhận tăng trưởng ổn định lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam và ủng hộ mở rộng hơn nữa hợp tác du lịch, bao gồm tăng số lượng các chuyến bay thẳng thường lệ và chuyến bay thuê chuyến giữa hai nước, cũng như đơn giản hóa thủ tục đi lại cho công dân hai nước.

- Tiếp tục trao đổi về vấn đề di trú, tạo thuận lợi cho việc sinh sống, làm việc và học tập của công dân Việt Nam tại Nga và công dân Nga tại Việt Nam.

- Khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức kỷ niệm trang trọng các sự kiện trọng đại trong lịch sử hai nước và quan hệ Việt Nam – Nga trong năm 2025, bao gồm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nga (30 tháng 1 năm 1950), 50 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30 tháng 4 năm 1975), 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (9 tháng 5 năm 1945), 80 năm Quốc khánh Việt Nam (2 tháng 9 năm 1945).

4. Thúc đẩy tiến trình khách quan hình thành trật tự thế giới đa cực công bằng và bền vững, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp.

- Ghi nhận thay đổi nhanh chóng trong bức tranh chính trị - kinh tế toàn cầu, củng cố vị thế và tiềm lực của các nước phương Nam. Hoan nghênh vai trò ngày càng tăng của các nước này trong quản trị quốc tế.

- Cho rằng mọi quốc gia có quyền tự quyết định mô hình phát triển, thể chế chính trị, kinh tế và xã hội phù hợp với điều kiện đất nước và nguyện vọng của nhân dân. Hai Bên không ủng hộ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, việc áp đặt các biện pháp cấm vận đơn phương, áp dụng trị ngoại pháp quyền, chia rẽ về ý thức hệ mà không có cơ sở pháp lý quốc tế và không thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

- Khẳng định nhất quán kết quả của Chiến tranh Thế giới thứ hai, được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như phản đối mọi mưu toan bác bỏ, làm sai lệch và xuyên tạc lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ hai. 

Hai Bên khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục đúng đắn lịch sử, gìn giữ ký ức về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, kiên quyết lên án các hành động tôn vinh, nỗ lực hồi sinh chủ nghĩa phát xít và quân phiệt.

- Tiếp tục củng cố hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc, bao gồm tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, không ủng hộ việc chính trị hóa hoạt động của các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác. 

Ủng hộ vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, ủng hộ nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như dân chủ hóa và cải tổ Liên hợp quốc. 

Hai Bên có quan điểm gần gũi hoặc tương đồng về nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đa phương khác, ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế và các cơ quan chấp hành liên quan.

- Cam kết thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, bao trùm, minh bạch và không phân biệt đối xử, dựa trên các quy tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Bày tỏ quan ngại về việc chính trị hóa quan hệ kinh tế quốc tế và phân mảnh thương mại toàn cầu, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh không lành mạnh.

- Khẳng định sẵn sàng thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, xung đột vũ trang, sản xuất và buôn bán trái phép chất ma túy, tranh chấp lãnh thổ, can thiệp lật đổ, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh thông tin, an ninh lương thực, cũng như triển khai hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

- Tiếp tục phát triển hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tài trợ khủng bố quốc tế tính đến vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như thúc đẩy tăng cường vai trò chủ đạo của các quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực này.

- Ủng hộ các nỗ lực quốc tế về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí, bao gồm thúc đẩy tiến trình kiểm điểm Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân ngày 1 tháng 7 năm 1968, cũng như trong khuôn khổ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện. Ủng hộ tham vấn giữa năm cường quốc hạt nhân với các nước thành viên Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân nhằm giải quyết những vướng mắc và tiến tới ký kết Nghị định thư kèm theo Hiệp ước.

- Ủng hộ việc tuân thủ và củng cố Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí vi khuẩn (sinh học) và độc tố cũng như về việc tiêu hủy chúng ngày 16 tháng 12 năm 1971, bao gồm thể chế hóa thực thi Công ước và không để trùng lặp chức năng giữa các cơ quan quốc tế liên quan.

- Khẳng định cần khởi động đàm phán đa phương về Công ước quốc tế về đấu tranh chống tấn công khủng bố sinh học và hóa học tại Hội nghị về giải trừ quân bị nhằm ứng phó với nguy cơ khủng bố sinh học và hóa học.

- Kiên trì mục tiêu xây dựng thế giới không có vũ khí hóa học, quan ngại về việc chính trị hóa hoạt động của Tổ chức cấm vũ khí hóa học. Khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học ngày 13 tháng 1 năm 1993, là công cụ quan trọng trong lĩnh vực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí.

- Bày tỏ quan ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ, nhấn mạnh cần tuân thủ sử dụng khoảng không vũ trụ chỉ cho mục đích hòa bình, ủng hộ đẩy nhanh đàm phán Hiệp ước về ngăn ngừa triển khai vũ khí trong khoảng không vũ trụ, dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong vũ trụ, cũng như ủng hộ thúc đẩy các sáng kiến và cam kết về không triển khai trước vũ khí trong vũ trụ.

- Thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh công nghệ thông tin và truyền thông, sẵn sàng hợp tác ứng phó các nguy cơ trên không gian mạng, bao gồm liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong công nghệ thông tin và truyền thông, ủng hộ thành lập khuôn khổ quản trị không gian mạng toàn cầu mang tính đa phương, dân chủ và minh bạch trên cơ sở bảo đảm an ninh thông tin và an toàn cho các mạng Internet quốc gia.

- Thừa nhận vai trò chủ chốt của Liên hợp quốc trong thảo luận các vấn đề an ninh thông tin quốc tế. Cho rằng cần thiết xây dựng quy chế pháp lý quốc tế về quản lý không gian mạng. Các Bên ủng hộ Liên hợp quốc sớm xây dựng Công ước toàn diện về ngăn chặn sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào mục đích tội phạm và củng cố hơn nữa hợp tác trên lĩnh vực này.

- Tiếp tục triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định cam kết với các mục tiêu, nguyên tắc và nội dung chính của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ngày 9 tháng 5 năm 1992 và Thỏa thuận Pa-ri ngày 12 tháng 12 năm 2015. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính nhằm triển khai các nỗ lực trên.

- Tin tưởng rằng, theo nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về bình đẳng giữa các quốc gia, cần tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến quyền miễn trừ quốc gia và miễn trừ tài sản quốc gia.

- Tiếp tục hợp tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia của Việt Nam và Nga. Phối hợp chặt chẽ nhằm đấu tranh với xu hướng chính trị hóa quyền con người, sử dụng các vấn đề quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia.

- Cho rằng cần củng cố hơn nữa tiềm năng của UNESCO như diễn đàn nhân văn liên chính phủ toàn cầu, thúc đẩy duy trì đối thoại chuyên môn tại diễn đàn này nhằm đạt được đồng thuận của các quốc gia thành viên và thúc đẩy chương trình nghị sự thống nhất.

- Nga đánh giá cao lập trường cân bằng, khách quan của Việt Nam về vấn đề U-crai-na, theo đó cần giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới; hoan nghênh Việt Nam sẵn sàng tham gia các nỗ lực quốc tế có sự tham gia của các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, bền vững cho vấn đề U-crai-na.

- Phía Nga hoan nghênh Việt Nam tham gia vào Phiên họp Bộ trưởng Ngoại giao các nước BRICS và các nước phương Nam và phương Đông từ ngày 10 đến ngày 11 tháng 6 năm 2024 tại Ni-giơ-nhi Nốp-gô-rốt. Tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các nước BRICS và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

- Cho rằng cần tăng cường các nỗ lực chung của khu vực nhằm xây dựng tại Châu Á – Thái Bình Dương cấu trúc an ninh và hợp tác bình đẳng, không chia tách, mang tính toàn diện, mở và minh bạch, bao trùm dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình xung đột, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hai Bên phản đối việc chia rẽ cấu trúc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với vai trò trung tâm của ASEAN, tác động tiêu cực đến việc mở rộng và tăng cường đối thoại chung của khu vực.

- Khẳng định tính phổ quát và toàn vẹn của Công ước liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, là nền tảng pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và đại dương và có vai trò chủ đạo trong phát triển hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước.

- Phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở, ủng hộ kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như theo các tiêu chuẩn và thực tiễn được khuyến nghị của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức Hàng hải Quốc tế.

- Ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002 và hoan nghênh tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.

- Ủng hộ việc củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc khu vực tại Châu Á - Thái Bình Dương thông qua đề cao giá trị và nguyên tắc của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, tham gia các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.

- Thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Tham vấn các Đại diện cao cấp phụ trách vấn đề an ninh ASEAN - Nga, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin trong quan hệ ASEAN - Nga, cũng như trong khuôn khổ Đối thoại ASEAN – Nga liên quan đến an ninh công nghệ thông tin và truyền thông.

- Tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Nga, đẩy mạnh triển khai hợp tác hiệu quả trên cơ sở Kế hoạch hành động toàn diện ASEAN - Nga giai đoạn 2021 – 2025 và quyết tâm soạn thảo văn kiện tương tự cho giai đoạn 5 năm tiếp theo.

- Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và triển khai các sáng kiến kết nối liên khu vực, bao gồm dự án Đối tác Đại Á-Âu, cũng như tìm hiểu tiềm năng hợp tác kinh tế giữa ASEAN, Liên minh Kinh tế Á – Âu. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với Liên minh Kinh tế Á – Âu và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

- Tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, các cơ chế liên nghị viện khu vực (Diễn đàn liên nghị viện ASEAN, Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương, Đại hội đồng nghị viện Châu Á) nhằm mục đích nâng cao vai trò của các cơ chế này vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại ở Châu Á. Tăng cường hợp tác với các nước tiểu vùng Mê Kông trên các lĩnh vực.

- Nga ủng hộ và cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam hướng tới tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2027.

- Chia sẻ mong muốn củng cố hòa bình và ổn định tại Trung Đông, phản đối can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khu vực, bày tỏ cam kết đối với một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề Pa-le-xtin trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan, với thành tố chính là giải pháp hai nhà nước, theo đó thành lập Nhà nước Pa-le-xtin độc lập với thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem dựa trên đường biên giới trước năm 1967, cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước I-xra-en.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga tin tưởng rằng, việc triển khai hiệu quả các phương hướng hợp tác trên và phối hợp hành động tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế và khu vực sẽ góp phần củng cố và tăng cường thực chất quan hệ song phương, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và trên thế giới nói chung.

***

Tổng thống Vladimir Putin cảm ơn Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã đón tiếp chu đáo và trọng thị, thể hiện tin cậy cao, hữu nghị truyền thống và tình cảm đặc biệt giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Tổng thống Vladimir Putin mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm Nga vào thời điểm thích hợp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã vui vẻ nhận lời”./.

Bài viết của V.Putin trên báo Nhân Dân: NGA ĐANG GIÚP VIỆT NAM XÂY DỰNG TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN ĐỒNG NAI

 

Lời dẫn: Đúng như khuyến nghị của Google.tienlang tại bài Nhân chuyến thăm Việt Nam của V.Putin: CHÍNH TÁC GIẢ CỦA CUỘC “CHUYỂN ĐỔI XANH”- ÔNG PHÓ THỦ TƯỚNG KIÊM BỘ TRƯỞNG KINH TẾ ĐỨC ĐÃ THỪA NHẬN SAI LẦM. Tại bài này chúng tôi đã viết “Ở Việt Nam hiện nay, cứ lên mạng là lại thấy mọi người say sưa nói về “Chuyển đổi Xanh”. Cứ như “Chuyển đổi Xanh” mới là thời thượng, mới là tiên tiến, mới là “công nghệ tương lai”… Điện gió, Điện Mặt trời mới là thời thượng; còn những ai luyến tiếc Nhiệt điện (điện Than hay điện Khí gas), Điện hạt nhân đều là lạc hậu, cổ hủ! Trong trào lưu này, Bộ Công Thương trình Chính phủ Bản QUY HOẠCH ĐIỆN KHÔNG CÓ ĐIỆN NGUYÊN TỬ, TRONG KHI ĐÓ VẪN Ồ ẠT PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ, ĐIỆN MẶT TRỜI- THỨ MÀ CHÂU ÂU ĐANG PHÁ BỎ!

Kết luận: Trong đợt V.Putin sang thăm và làm việc ngày mai, chắc chắn Phái đoàn Nga sẽ nhắc lại những bản ghi nhớ đã ký kết giữa Việt Nam và Nga, đặc biệt là về Năng lượng hạt nhân. Google.tienlang khuyễn nghị:

1. Bộ Công thương nên trình Chính phủ việc khởi động lại Dự án Điện nguyên tử Đồng Nai mà Chính phủ cũng đã phê duyệt.

2. Không phát triển thêm các dự án Điện gió, Điện Mặt trời.

3. Nâng cấp các Nhà máy Lọc dầu và đàm phán với Nga v/v mua dầu thô giá ưu đãi của Nga, tương tự như Ấn Độ, Trung Quốc đang làm để lọc dầu tại Việt Nam, làm ra xăng giá rẻ cung cấp cho nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.

4. Mở lại đường bay thẳng Hà Nội- Moskva và ngược lại.”

****Hết trích****

Hôm nay, Tổng thống Nga V.Putin có bài viết gửi đăng trên báo Nhân Dân với tiêu đề

Nga và Việt Nam: Tình hữu nghị được thử thách qua thờigian. Tại bài này, ông V.Putin nhấn mạnh việc Nga đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm nghiên cứu Công nghệ hạt nhân Đồng Nai cùng với Dự án có thiết bị chính là lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10MW. Thông tin v/v Nga hỗ trợ Việt Nam xây Trung tâm hạt nhân này cũng đã được báo Reuters (Anh) loan tải trong bài viết với tiêu đề Russia's Putin praises Vietnam for its stance on Ukraine – Dịch: Tổng thống Nga Putin ca ngợi lập trường của Việt Nam về Ukraina. Trong bài này có đoạn: "He also cited an initiative "to establish a Centre for nuclear science and technology in Vietnam with the support of Rosatom, Russia's state-owned nuclear energy giant". - Dịch: "Ông (Putin) cũng nêu sáng kiến ​​“thành lập Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam” với sự hỗ trợ của Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga".

https://www.reuters.com/world/asia-pacific/russias-putin-praises-vietnam-its-stance-ukraine-2024-06-19/

Dưới đây, Google.tienlang xin đăng lại bài của ông V.Putin trên báo Nhân Dân ….

*****

Nga và Việt Nam: Tình hữu nghị được thử thách qua thờigian

Lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Saint Petersburg (Nga), tháng 6/2023. Ảnh: THANH THỂ

NDO - Nhân dịp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19 đến 20/6, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã gửi bài đăng trên Báo Nhân Dân. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung bài viết.

Thứ tư, ngày 19/06/2024 - 20:25

Trước chuyến thăm lần thứ năm tới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi mong muốn qua trang Báo Nhân Dân, tờ báo có uy tín và ảnh hưởng, chia sẻ tầm nhìn của tôi về lịch sử, hiện trạng và tương lai của quan hệ đối tác Nga-Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của chúng tôi là sự kiện mang tính biểu tượng sẽ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Nga và Việt Nam. Văn kiện mang tính chiến lược này đã mở ra những cơ hội to lớn để củng cố và phát triển tổng thể quan hệ song phương. Trong giai đoạn lịch sử mới, nó đã tạo xung lực mạnh mẽ để quan hệ Nga-Việt phát triển ngày càng năng động.

Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam và là người bạn lớn của đất nước chúng tôi chính là người khởi nguồn mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước chúng ta. Nước Nga luôn ghi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà yêu nước, nhà chính trị và chính khách kiệt xuất, người luôn kiên định bảo vệ chủ quyền và tự do của Tổ quốc. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, năm ngoái, tượng đài tưởng niệm Người - Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam đã được khánh thành ở St. Petersburg nhân dịp kỷ niệm 100 năm Hồ Chí Minh đến thăm “thủ đô phương Bắc” của nước Nga.

Đất nước chúng tôi đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống giặc ngoại xâm. Sau khi Việt Nam giành chiến thắng và hoàn toàn giải phóng đất nước khỏi xâm lược, các chuyên gia xây dựng, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo và nhà khoa học Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại đất nước. Họ đã làm được rất nhiều việc để xây dựng tiềm lực kinh tế và quốc phòng của Việt Nam và giúp Việt Nam giải quyết các nhiệm vụ xã hội ưu tiên.

Dạ tiệc kỷ niệm 100 năm Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Petrograd, nay là Saint Petersburg. Ảnh: THANH THỂ

Những truyền thống về tình đồng chí và tương trợ lẫn nhau được thử thách qua thời gian như vậy đóng vai trò là nền tảng vững chắc để tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Việt Nam là một nền văn minh lâu đời, rực rỡ và độc lập trong bức tranh toàn cảnh của một thế giới đa cực. Trên trường quốc tế, Hà Nội theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và ủng hộ mạnh mẽ trật tự thế giới công bằng dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Chúng tôi đánh giá cao việc hai nước chúng ta có cách tiếp cận tương đồng hoặc gần gũi về các vấn đề cấp thiết và quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế. Hai nước chúng ta phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương then chốt, trước hết là Liên hợp quốc.

Chúng ta có những đánh giá tương đồng về tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi coi Việt Nam cùng chung quan điểm về xây dựng một cấu trúc an ninh Á-Âu mới bình đẳng, không chia tách, bao trùm và không phân biệt đối xử.

Chúng tôi cảm ơn các bạn Việt Nam đã thể hiện lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine và mong muốn thúc đẩy việc tìm kiếm con đường thiết thực giải quyết khủng hoảng bằng các biện pháp hòa bình. Tất cả những điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần và bản chất mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Điều quan trọng là cả hai nước đều thường xuyên quan tâm thực sự đến việc tăng cường thương mại song phương và khuyến khích đầu tư vào nhau. Theo số liệu thống kê của Nga, năm 2023 kim ngạch thương mại song phương tăng 8% và trong quý I năm nay tăng hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Thực phẩm, nguyên liệu khoáng sản, máy móc, thiết bị của Nga được xuất khẩu sang Việt Nam. Nhiều mặt hàng Việt Nam, bao gồm quần áo, trái cây, rau quả và các sản phẩm nông nghiệp khác đã tìm được người tiêu dùng trên thị trường Nga. Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam ký kết năm 2015 đã tạo điều kiện củng cố và phát triển những xu hướng tích cực này.Hai nước chúng ta có khả năng thanh toán bằng đồng nội tệ - Rúp Nga và Đồng Việt Nam. Năm ngoái, những giao dịch như vậy chiếm hơn 40% giao dịch thương mại song phương. Quý I năm nay, tỷ lệ này đã đạt gần 60%. Điều này phù hợp với xu thế toàn cầu nhằm loại bỏ dần việc sử dụng các loại tiền tệ bị mất uy tín trong thương mại và đầu tư quốc tế. Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các giao dịch tài chính đáng tin cậy. Tôi đã tham gia lễ khai trương Ngân hàng từ năm 2006. Chúng tôi hy vọng rằng Ngân hàng sẽ tiếp tục hoạt động và tích cực hỗ trợ thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước chúng ta.

Năng lượng vẫn là lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong hợp tác song phương. Liên doanh Vietsovpetro đã khai thác các mỏ tại thềm lục địa Việt Nam trong hơn bốn thập niên qua và mang lại hiệu quả cao. Khối lượng dầu do Vietsovpetro sản xuất trong những năm qua đã vượt quá 250 triệu tấn. Công ty liên doanh Rusvietpetro được thành lập năm 2008 đang hoạt động thành công tại Khu tự trị Nenets của Nga. Trong những điều kiện khó khăn của vùng Cực Bắc, Rusvietpetro đã khai thác được hơn 35 triệu tấn dầu từ lòng đất sâu. Còn Tập đoàn Gazprom đang khai thác khí đốt tại Việt Nam, một công ty lớn khác của Nga là Novatek dự định triển khai các dự án khí hóa lỏng (LNG) trên lãnh thổ Việt Nam.

Hiện nay, hai bên đang nghiên cứu triển khai sáng kiến thành lập Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Tập đoàn Rosatom (Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga) của Nga. Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh rằng Tập đoàn nhà nước Rosatom luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong việc xây dựng ngành năng lượng nguyên tử quốc gia, bao gồm cả việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.

Nước Nga có truyền thống đóng góp to lớn vào việc phát triển tiềm lực thủy điện của Việt Nam. Thí dụ, Công ty RusHydro rất quan tâm đến việc tham gia tái thiết và nâng công suất của các công trình thủy điện trên các dòng sông Việt Nam.

Tại Đà Nẵng, Công ty liên doanh GAZ - Thành Đạt đang triển khai hoạt động lắp ráp ô tô mang thương hiệu GAZ của Nga.

Chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư Việt Nam cũng sẽ tích cực hơn nữa trong việc tận dụng những cơ hội to lớn tại thị trường Nga. Thí dụ, Công ty “TH Group” của Việt Nam đã tận dụng thành công cơ hội này và hiện đang xây dựng các nhà máy chế biến sữa ở các tỉnh Moskva và Kaluga cũng như tại vùng Primorye.

Dĩ nhiên, tôi không thể không nhắc đến truyền thống hợp tác lâu đời giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục. Trong nhiều thập kỷ qua, hàng chục nghìn chuyên gia Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã được đào tạo và nâng cao trình độ và hàng nghìn chuyên gia đã nhận được học vị khoa học ở Nga. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt đến quan hệ đối tác trong lĩnh vực này, trong đó có tiếp tục đào tạo công dân Việt Nam tại các trường đại học Nga bằng kinh phí từ ngân sách liên bang. Chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách thúc đẩy hoạt động trao đổi sinh viên và triển khai các dự án và chương trình học thuật chung. Một thí dụ nổi bật về sự hợp tác tích cực như vậy là hoạt động của Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới Nga-Việt, đã nhiều năm tiến hành các công trình nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản.

Đương nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các mối quan hệ nhân văn. Tôi biết nhiều người Việt Nam am hiểu và yêu thích âm nhạc, văn học và điện ảnh Nga. Còn người Nga cũng rất quan tâm đến nền nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga dự kiến ​​được tổ chức vào đầu tháng tới sẽ giúp người Nga hiểu sâu hơn về nghệ thuật của Việt Nam.

Du lịch chắc chắn sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước chúng ta. Việt Nam từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến nghỉ dưỡng ưa thích của người Nga, còn người dân Việt Nam luôn bị thu hút bởi những danh lam thắng cảnh của đất nước chúng tôi. Sắp tới, việc tăng số lượng chuyến bay thẳng sẽ góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch Nga tới Việt Nam và Việt Nam tới Nga.

Cùng với các bạn Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ song phương và phát triển hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới. Và tôi tin tưởng rằng hai nước chúng ta, trên cơ sở truyền thống hữu nghị tốt đẹp, tin cậy và tương trợ lẫn nhau, sẽ đạt được tất cả các mục tiêu lớn đặt ra.

Chúc nhân dân Việt Nam hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng.

Tác giả: Tổng thống Nga Vladimir Putin

Bùi Ngọc Trâm Anh 

Kính mời xem các bài liên quan:

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

Báo Đức: ÔNG CỐ BIDEN DOẠ NẠT ĐẢNG DÂN CHỦ TRƯỚC CUỘC BẦU TỔNG THỐNG

 
Láo quá! Đứa nào bảo tao quá già? Tao mới 18 thôi à!

Kính mời những ai biết tiếng Đức, xin hãy đọc bản gốc bài trên báo Bild (Đức) với tiêu đề Verschwörung gegen greisen Biden – Dịch: Ông cố dọa nạt đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử tổng thống

https://www.bild.de/politik/ausland-und-internationales/us-wahlen-geheimkomplott-gegen-greisen-joe-biden-6670690595ece052074aaeb6

Bild viết: Đảng Dân chủ đang lo lắng tìm ứng cử viên khác thay Biden. Giới tinh hoa Mỹ không thể không thấy sức khỏe tâm thần của Biden đang suy thoái nhanh như thế nào. Về vấn đề này, phương án loại “Joe buồn ngủ” khỏi cuộc đua tổng thống và thay thế ông cố bằng một ứng cử viên Đảng Dân chủ khác là rất có thể xảy ra.

“Joe buồn ngủ”

Dưới đây, Google.tienlang xin dịch bài báo này ….

******

Verschwörung gegen greisen Biden – Dịch: Ông cố dọa nạt đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử tổng thống

Ảnh chụp màn hình tiêu đề bài trên báo Bild (Đức)

Âm mưu chống lại ông cố Biden

Liệu ông có bị thuyết phục rời khỏi cuộc đua chống lại Trump?

Sự lo lắng và sự tuyệt vọng ngày càng tăng của các đảng viên Đảng Dân chủ!

Chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa, nước Mỹ sẽ bầu ra một tổng thống mới. Một trong những mối quan tâm lớn nhất của Đảng Dân chủ là trạng thái tinh thần và thể chất của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden (81 tuổi).

Điều này có thể được nhìn thấy gần như hàng ngày: vị tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ đang phải vật lộn để đương đầu với trách nhiệm của mình. Và anh ta thiếu ảnh hưởng trên con đường tranh cử để chống lại đối thủ Donald Trump (78).

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng trông mong manh

Nước Mỹ và thế giới lắc đầu với vị tổng tư lệnh già nua của họ.

►Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý, ông cố lang thang lạc lối.

Mời xem video clip của báo New York Post: Biden dường như đi lang thang tại hội nghị thượng đỉnh G7 trước khi bị Thủ tướng Ý kéo lại

Bản gốc: Biden appears towander off at G7 summit before being pulled back by Italian PM – Dịch: Biden dường như đi lang thang tại hội nghị thượng đỉnh G7 trước khi bị Thủ tướng Ý kéo lại

https://www.youtube.com/watch?v=kqHxSVzOmNI&t=3s

►Tại một bữa tiệc ở Nhà Trắng, ông cố cứng người như một thây ma giữa các vũ công.

►Và tại một buổi dạ tiệc gây quỹ, người yêu cũ của Biden, Barack Obama, 62 tuổi, đã phải nắm tay dẫn ra khỏi sân khấu.

Có tình trạng bất ổn trong đảng của ông: ngày càng có nhiều lo ngại rằng trong cuộc bầu cử tổng thống (ngày 5 tháng 11), đảng có thể thất bại cùng với “Methuselah”(Chú thích của Google.tienlang: “Methuselah”- một tộc trưởng trong Kinh thánh và là một nhân vật trong đạo Do Thái , đạo Cơ đốc và đạo Hồi . Ông được cho là người sống lâu nhất, qua đời ở tuổi 969). Họ ngày càng thì thầm nhiều hơn về việc liệu (và bằng cách nào) có thể phá vỡ van chặn. 

Daily Mail thậm chí còn nghi ngờ có âm mưu lật đổ Biden. Secret Democrat plot to replace Biden revealed: How Clinton, Obama, Pelosi and Schumer would topple the aging President… and when they'd do it Âm mưu bí mật của Đảng Dân chủ nhằm thay thế Biden đã tiết lộ: Clinton,Obama, Pelosi và Schumer sẽ lật đổ vị Tổng thống giànua như thế nào… và khi nào họ sẽ làm điều đó

Điều rõ ràng là nếu ông nhượng bộ Trump trong cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên do CNN tổ chức vào thứ Năm tuần sau, thời điểm can thiệp có thể bị mất. Bốn ông lớn của đảng - Obama, Hillary Clinton, Chuck Schumer và Nancy Pelosi - có thể đề xuất giới hạn Biden trong một nhiệm kỳ để dọn đường cho ứng cử viên mới.

Nhưng cũng rõ ràng rằng việc thay thế nhanh chóng như vậy chỉ có thể thực hiện được nếu Joe Biden tự nguyện rời đi. Sau đó, tại hội nghị đảng ở Chicago, dự kiến ​​diễn ra vào giữa tháng 8, các giải pháp thay thế sẽ được tìm kiếm.

Ai khác có thể thay thế Biden?

Ai? Điều này chưa rõ ràng vào thời điểm này. Cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama (60 tuổi) được đánh giá tốt. Nhưng cô ấy đã loại trừ rõ ràng việc chạy đua này. Có suy đoán rằng ứng cử viên mới sẽ có thể thu phục được những người ủng hộ đảng bằng một bài phát biểu xuất sắc ở Chicago.

Chuyên gia thăm dò ý kiến ​​Nate Silver đã tóm tắt tính bùng nổ của tình hình: "Bỏ cuộc đua là một rủi ro lớn, nhưng anh ta dường như đã đến mức ở lại cuộc đua còn gây ra những nguy hiểm lớn hơn..."

Nhưng nhà khoa học chính trị Jonathan Kristol không đồng ý: "Nếu không có một giải pháp thay thế rõ ràng, khả thi - một người có thể đoàn kết các đảng viên Đảng Dân chủ và đánh bại Trump - thật khó để tưởng tượng Biden sẽ rời nhiệm sở."

Dù thế nào đi nữa, mức độ nổi tiếng của Biden vẫn dao động ở mức 37%. Tuổi tác của anh ấy là một yếu tố quan trọng.

Dù vậy, ngày của ông cố đã được đánh số rồi...

Tác giả: Herbert Bauernebel

Trịnh Thanh Hà - Cộng tác viên Google.tienlang Dịch và Giới thiệu

Kính mời xem các bài liên quan: