Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Chuyến "phượt" có một không hai trên thế giới

Mấy ngày nay, nhiều cơ quan báo chí đưa tin về một chuyện có thể xem là vô cùng hy hữu đã xảy ra khi một người đàn ông Hmông ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đi lạc gần 6.000 km đến Pakistan.
Mới đây, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao, trả lời câu hỏi về thủ tục đưa công dân Vừ Già Pó của Việt Nam đang bị Pakistan bắt giữ do nhập cảnh trái phép hồi tháng 10/2013 về nước, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Lãnh sự đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương xác minh nhân thân.
 Xem video clip:
 Hành trình kì lạ từ Mèo Vạc sang Pakistan của Vừ Già Pó 

Đồng thời, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan có các biện pháp hỗ trợ đối với Vừ Già Pó. Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan thông báo đang làm việc với các cơ quan chức năng sở tại và hoàn tất thủ tục lãnh sự để đưa người đàn ông dân tộc Mông Vừ Già Pó về nước.
Trước đó, ông Vừ Già Pó (sinh năm 1977, trú tại thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) bị bắt giữ do nhập cảnh trái phép vào Pakistan khoảng tháng 10/2013 và từ đó bị tạm giam tại đồn cảnh sát Athmuqam, huyện Muzaffarabad (khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát).
Cuối năm 2013, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan thông báo cho Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao về việc này.
Ngày 21/3/2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan cho biết đã tiếp xúc lãnh sự với ông Vừ tại trụ sở cảnh sát Zila Nellum. Ông Vừ trong tình trạng sức khỏe bình thường, tinh thần ổn định và mong muốn sớm được đoàn tụ với gia đình tại Việt Nam.
Dẫu thế nào thì hành trình của anh Vừ Già Pó- một người chắc chắn không có nhiều tiền như Huyền Chíp, làm thế nào đã sống được trong 2 năm qua và bằng cách nào để vượt cả quãng đường rừng núi gần 6000 km, qua nhiều vùng lãnh thổ "nhạy cảm" vùng biên giới nhiều nước để đến Pakistan? Quả là một chuyến "phượt" có một không hai trên thế giới! Câu chuyện của anh chắc chắn sẽ hay hơn câu chuyện của Huyền Chip vì đây không phải chuyện phịa như của Huyền Chíp.  

1 nhận xét:

  1. Hành trình phiêu bạt của 'Thánh phượt' Vừ Già Pó: 18 tháng và hơn 7.000 km đi bộ
    https://thanhnien.vn/van-hoa/hanh-trinh-phieu-bat-cua-thanh-phuot-vu-gia-po-18-thang-va-hon-7000-km-di-bo-79309.html

    Vậy là kể từ tháng 3.2012 khi anh và những người bạn trốn khỏi nhà chủ đâu đó ở Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), anh đã đi bộ ròng rã gần 18 tháng, băng qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vào biên giới và ngang qua miền trung Myanmar tới bang Manipur (Ấn Độ) rồi đến Bangladesh. Pó tiếp tục vào Ấn Độ ở Đông Bengal, rồi bang Orissa (hay còn gọi là Odisha).

    Anh tiếp tục đi cắt ngang qua miền trung Ấn Độ tới tận phía tây của đất nước này, nơi thành phố Mumbai đông đúc. Từ đó anh ngược lên phía bắc đến tận chân dãy Himalaya ở Himachai Pradesh rồi tiếp tục hướng tây bắc lên Jammu & Kashmir cho tới khi vào đất Pakistan bị quân báo nước này bắt vào khoảng tháng 9.2013. Tổng quãng đường bộ ấy, tính sơ lược vào khoảng 7.300 km. Theo lời kể của anh, Vừ Già Pó chỉ đi xe lửa tổng cộng chưa đến 4 tiếng khi ở đất Ấn Độ. Còn lại quãng đường hơn 7.000 km, qua 5 quốc gia, anh hoàn toàn đi bộ bằng đôi chân dẻo dai, không tiền bạc, không giấy tờ và không cả ngôn ngữ giao tiếp trừ một vài từ đơn giản anh học được trên đường đi để xin ăn, uống.

    Những giọt nước mắt đoàn tụ

    Có lẽ Pó sẽ sống nốt quãng đời còn lại ở đất Pakistan như anh từng nghĩ nếu một ngày tháng 12.2013 ông Mukhtar Qreshi, nhân viên phụ trách các vấn đề thảm họa của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ ở địa phương không ghé qua đồn cảnh sát Zila Neelum. Ông tò mò khi biết cả tình báo quân đội, cả cơ quan điều tra tội phạm của bang và cả cảnh sát ở đồn không tài nào biết được nguồn gốc của người đàn ông nói thứ tiếng kỳ lạ đang được giam lỏng mà họ gọi là Wu Ta Puma kia. Như đã đề cập trong những loạt bài đầu tiên, ông Mukhtar đã xác định anh là người Việt Nam khi cho anh xem ảnh cờ và tiền Việt trên máy tính. Và rồi ông viết thư gửi cho Đại sứ quán Việt Nam ở Islamabad để thông báo.

    Sau đó, những nỗ lực của Đại sứ quán, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc và xã Khâu Vai cũng như sự hợp tác nhiệt tình của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ Pakistan cùng với sự quan tâm của báo giới cả hai nước, tối 10.5.2014, Pó đã được trở về trên chuyến bay TG350 sang Bangkok (Thái Lan) và tiếp tục với TG560 về Hà Nội lúc 9 giờ 35 ngày 11.5.2014. Trước đó, hai viên cảnh sát ở đồn Zila Neelum đã thuê xe đưa anh đi từ Neelum vượt hơn 700 km đường núi về đến sân bay Benazir Brutto ở thủ đô Islamabad.

    Pó nhớ lại: “Lúc máy bay hạ cánh, nhìn thấy 2 người công an Việt Nam, một đàn ông, một đàn bà ra máy bay dẫn mình vào là mình biết mình đã được về quê rồi. Các anh chị ấy còn chụp ảnh chung với mình nữa. Một lúc sau, có anh Pó, Công an huyện Mèo Vạc vào nói tiếng H’mông với mình thì mình mừng quá”. Chỉ ít phút sau, anh được gặp vợ, Ly Thị Lía sau hơn 2 năm 3 tháng anh xa nhà. Hai vợ chồng ôm nhau khóc to thành tiếng. Pó còn đứng không vững, cứ ngồi thụp xuống đất ôm mặt, nấc từng hồi.

    Trả lờiXóa