Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Phần 2- 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ - Alan Dawson

Lời dẫn: 39 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, thế hệ trẻ chúng ta hôm nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tìm hiểu về sự thật những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngoài những trang sách giáo khoa được học tập trong trường phổ thông hay ở giảng đường đại học; ngoài những trang hồi ký cả các vị tướng lĩnh cách mạng, chẳng có ai cấm cản chúng ta tìm đọc những cuốn sách, những bài báo của những người ở bên kia chiến tuyến.
Dịp 30/4 năm ngoái, Google.tienlang đã đăng toàn văn cuốn sách "55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ" của Alan Dawson. Tiếc rằng blog cũ của chúng tôi đã bị chiếm đoạt. Kỷ niệm ngày Giải phóng Sài Gòn năm nay, chúng tôi xin đăng lại cuốn sách này...
************
 ************
 Sáng ngày hôm ấy, Mười nhận ra mình đang nằm trong hố cá nhân ở tường ngoài của văn phòng ngôi nhà tỉnh trưởng, con người thế lực nhất tại Buôn Ma Thuột. Anh ta nghe thấy cuộc giao tranh tiến gần trong 31 giờ qua khi anh ta quan sát từ hố cá nhân của mình.
Cũng như khoảng cách một tá lính khác ở trong và chung quanh ngôi nhà tỉnh trưởng, Mười không biết rằng viên tỉnh trưởng đã trốn chạy mất rồi. Ông ta đã tìm nơi trú chân tại sở chỉ huy sư đoàn 23. Thực ra cũng chẳng sao, chỉ có điều là Mười không biết rằng mình đang bảo vệ một ngôi nhà trống.
Một chiếc xe tăng Bắc Việt Nam do Liên Xô chế tạo nghiến xích trên đường phố tiến đến ngôi nhà viên tỉnh trưởng, tháp pháo đậy lại và trông có vẻ dữ tợn. Mười lặng người đi. Chiếc tăng bắt đầu tiến vào nhà tỉnh trưởng. Khẩu đại bác 100 ly ở mặt trước của nó từ vị trí bắn bắt đầu hạ xuống. Mười thình lình nhận ra rằng nó sắp sửa phá vỡ văn phòng tỉnh trưởng bằng lối bắn thẳng. Trong tay Mười chỉ có súng M.16. Anh ta nằm úp sấp và nhắm mắt lại… lắng nghe tiếng xe trườn trên lưng anh ta để xông vào nhà viên tỉnh trưởng. Hình như chiếc xe tăng không định nghiến nát Mười dưới hàng xích của nó. Đến khi Mười mở mắt thì đã thấy lá cờ xanh đỏ sao vàng của Việt Cộng bay trên sở chỉ huy tiểu khu. Cộng sản đã có thể tuyên bố chiến thắng ở Buôn Ma Thuột.
Phước Long là một đòn thử. Buôn Ma Thuột là kế hoạch. Kế hoạch đã xong được bước đầu. Không có gì ngăn cản cộng sản đi các bước tiếp.
 
Binh lính sư đoàn 23 BB ra hàng tại Buôn Ma Thuột.
Lỗi lầm chí tử
Không có dấu hiệu nào cho thấy Martin lại muốn hoặc có thể khuyên giải Thiệu đừng đi nước cờ tai hoạ ngày 12-3. Ngày Thiệu đi nước cờ ấy, người Mỹ đã khen ngợi “đấy là giải pháp duy nhất có thể được”. Nó chứng tỏ người Mỹ quá thiếu hiểu biết đối với người lính Sài Gòn mà họ đang làm cố vấn. Một lý do khác biện hộ cho quyết định của Thiệu được đưa ra bởi tay phụ tá quân sự cao cấp là Đặng Văn Quang. Theo lời tố cáo của phóng viên hãng truyền hình NBC (1971) thì Quang là tay buôn lậu thuốc phiện lớn nhất nước và là kẻ chèo lái cho Thiệu trong các vụ tham nhũng khác. Quang tuyên bố Việt Cộng đã bắn tin đến dinh Độc Lập là hoặc phải rút sạch khỏi Tây Nguyên hoặc là các thành phố này bị san thành bình địa. Câu chuyện hoàn toàn mang tính chất tự bào chữa.
Đến ngày 15-3, quyết định của Thiệu rút bỏ Tây Nguyên đã thành hình. Buổi sáng thứ bảy hôm ấy, Thiệu lên chiếc máy bay DC6 riêng của tổng thống và bảo phi công đi thẳng đến vịnh Cam Ranh. Thiệu chọn Cam Ranh cho cuộc so găng với các tư lệnh quân đội bởi vì các tướng lĩnh sẽ không thể về hùa với nhau để áp đảo Thiệu ở đó được. Căn cứ vốn ít được sử dụng đến và không phải là sân nhà bất cứ viên tư lệnh quân đội Sài Gòn nào. Sẽ không có “lợi thế sân nhà” cho các tướng lĩnh trong phiên họp cãi vã mà Thiệu đoán chắc thế nào cũng xảy ra.
Thiệu nghĩ không sai. Các tướng lĩnh Sài Gòn đã đón Thiệu gần cái đường bay dài gần 2 dặm trên bãi cát Cam Ranh. Mấy phút sau khi đến nơi, Thiệu đã ra lệnh di tản Pleiku và Kontum.

Năm 1966, Thiệu cũng từng đến Cam Ranh nhưng là để tháp tùng LBJ.

Phạm Văn Phú choáng người. Viên tư lệnh quân đoàn 2 không thể nào chấp nhận một cuộc rút lui trước khi nhập trận. Phú không đến nỗi bất ngờ trước quyết định đó của Thiệu vì đã nghe tin đồn đó từ trước khi Thiệu triệu tập họp, nhưng Phú cứ làm ra vẻ kinh ngạc.
Phú đã hỏi Thiệu có nói đùa không? Làm sao có thể rút lui trước khi xảy ra cuộc tấn công? Phú nói thậm chí không chắc có quân cộng sản ở xung quanh Buôn Ma Thuột. Tiếp đó Phú trở nên giận dữ khi Thiệu một mực nhắc lại những điều về vấn đề rút lui. Phú cãi lại rằng tất cả sẽ đổ sụp nếu rút lui. Nhưng Thiệu khăng khăng một mực giữ vững lập luận cho rằng bám trụ Tây Nguyên chỉ làm phí sinh mạng. Những người ấy có thể được sử dụng tốt hơn trong việc phòng ngự dải đất duyên hải vốn có giá trị chiến lược và đông dân hơn.
Sau 90 phút, Thiệu nhắc lại lệnh rút bỏ cao nguyên. Thiệu giáp mặt Phú và bảo viên tướng mắc bệnh lao phổi này rằng, chỉ có hai cách lựa chọn: hoặc là thi hành lệnh, hoặc bị thay thế và ngồi tù để người khác thi hành lệnh. Thiệu quay gót, lên chiếc DC6 và bay về Sài Gòn. Còn Phú lấy trực thăng lên sở chỉ huy ở Nha Trang.
Thế rồi cái gì đã xảy ra trong cơn sốt lúc bấy giờ được che phủ trong màn bí mật và những lời tự bào chữa. Cuộc hành trình đầy nước mắt đã bắt đầu trong đêm chủ nhật 16-3 ấy. Các sĩ quan Sài Gòn ra lệnh cho binh lính ủi sập thành phố và đốt cháy càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, các căn cứ quân sự lại gần như nguyên vẹn. Tại Pleiku và Kontum, 62 máy bay có khả năng cất cánh bị bỏ lại. Một đài rađa hàng triệu đôla với khả năng theo dõi sự di chuyển trên mặt đất và trên không cũng như đường bay của tên lửa cũng bị bỏ lại nguyên vẹn.


Sân bay Pleiku còn gần như nguyên vẹn.
Các phi công trực thăng thấy cơ hội làm ăn đã đến. Đám phi công do Mỹ huấn luyện ấy đã kiếm được một số tiền đáng kể trên nỗi lo sợ của đồng bào họ. Giá một vé đi từ Pleiku ra bờ biển là 100 đôla đã nhanh chóng tăng lên đến một lạng vàng. Trong cuộc di tản, thậm chí nó còn lên cao hơn nữa. Nhiều phi công đã kiếm đủ tiền tiêu xài suốt đời khi họ đến Hoa Kỳ bằng máy bay chú Sam sau đó một tháng.
Các quân nhân Sài Gòn sớm nhận biết đây không phải là rút lui mà là cuộc rút chạy. Cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên là dòng binh lính trà trộn vào dân, hoặc là binh lính kinh hoàng thấy dân trà trộn với mình.
Đến thứ hai, các hãng tin phương Tây đánh đi những bản tin nói về sự bỏ rơi Tây Nguyên và mặc dù chưa ai đoán chắc lệnh này xuất phát từ đâu nhưng có bằng chứng rõ ràng là cuộc ra đi của binh lính và dân chúng đang tiến triển. Đến lúc này chính quyền Sài Gòn bị buộc phải nói láo.
Như thường lệ. Lê Trung Hiền, nhận lấy công việc nói láo cho chính quyền. Trưa ngày chủ nhật, 16-3, Hiền họp báo trong cái phòng ngạt thở ở tầng trên một ngôi nhà ở đường Tự Do và nói với các nhà báo đang hoang mang trước tin đồn bỏ rơi Pleiku rằng: “Sở chỉ huy quân đoàn 2 vẫn đóng ở Pleiku. Chỉ có bộ phận chỉ huy chiến thuật là đang dời về Nha Trang. Không có lệnh nào di tản khỏi Pleiku cả…”.
Trưa thứ hai, Hiền lại tiếp tục câu chuyện giả dối này. Tại sao Hiền làm như thế-nói đúng hơn là tại sao cấp trên lại ra lệnh cho Hiền tiếp tục làm như vậy? Thật khó mà biết được! Chỉ biết khi bỏ rơi xong xuôi hai thành phố này, Hiền trơ mặt ra, uốn lưỡi nói với các nhà báo: “không có quyết định bỏ rơi hai thành phố này. Một số đơn vị chúng tôi được chuyển khỏi vùng này, chỉ vì lý do chiến thuật”.
“Phóng sự của các ông hoặc viết ra theo trí tưởng tượng, hoặc thiếu cơ sở sẽ gây bối rối và kinh hoàng cho dân chúng Tây Nguyên”. Hiền nói với các nhà báo như vậy.
Khi hàng trăm nghìn người di tản đã chết thì Hiền lại họp báo, trưa thứ ba, có bớt gay gắt một chút. Trưa thứ tư, 19-3, Hiền lại bọp báo, trình bày cuộc di tản như là “lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam” nhưng vẫn khăng khăng nói rằng quân đội Sài Gòn còn ở lại phía sau để phòng thủ thành phố.


Quân đội SG phòng thủ ở đâu?!

Đây là cách nói, cách nhìn của Sài Gòn. May mắn thay, thế giới không nhìn theo cách nhìn ấy. Trong khi cuộc hành trình đó rời khỏi Pleiku, các đơn vị Việt Cộng ở ngay sau lưng nó. Trong các đơn vị ấy, cấp chỉ huy và binh lính đều do Bắc Việt Nam huấn luyện. Khi họ đi vào, thành phố đang cháy âm ỉ. Bộ đội chiến đấu của họ tiến vào căn cứ không quân với súng ở tư thế sẵn sàng. Họ chiếm giữ vành đai rộng lớn quanh căn cứ. Không ai đụng chạm đến cái rada trị giá 1 triệu đôla hoặc bất kỳ thứ trang bị nào khác. Các chuyên viên sẽ đến xem xét các thiết bị do Mỹ chế tạo mà lính Sài Gòn đã bỏ lại. Trong lúc này, Việt Cộng chỉ có việc canh giữ chúng thôi. Trên thực tế, ở Pleiku cũng như nơi khác, bộ đội Việt Cộng đầu tiên vào thành phố đều không đụng chạm đến thứ gì cả. Họ dập tắt sự chống cự nếu có, đi khắp nơi với vũ khí ở tư thế sẵn sàng. Chẳng hề có trộm cắp, thậm chí những cảnh hư đốn của chiến tranh, thí dụ như đồng hồ trên tay người lính chết, đều còn nguyên vẹn…
Mấy nghìn linh hồn quyết định ở lại Pleiku không trốn chạy đã dè dặt bước ra khỏi nhà và cửa hàng, những gì mà thành phố còn để lại cho họ. Binh lính và thường dân nhìn nhau một cách thận trọng để tìm xem là thù địch hay thận trọng. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ có sự tôn trọng dân chúng của các binh sĩ Việt Cộng, những người ít được dịp nhìn thấy cuộc sống thành phố của những người Nam Việt Nam.
Những lá cờ ở Pleiku và các nơi khác đã là vật phá vỡ sự dè dặt giữa người lính chiến thắng và thường dân. Cờ Việt Cộng xuất hiện khắp nơi, trước cửa nhà, cửa hàng, cột cờ và thậm chí trên cây. Việc treo cờ đã làm cho cả người mới đến lẫn người ở đây cảm thấy có cái gì chung và cả hai đều thở phào khi họ có cơ hội cùng nhau treo cờ để phá tan sự ngại ngùng ban đầu.


Quân Giải phóng tiến vào Pleiku.
Cán bộ tuyên truyền đi theo sau bộ đội, đôi khi chỉ sau vài phút. Họ phân tán và giữ an ninh cho Pleiku. Ở nơi nào họ đến, cộng sản đều thông báo:
“Đồng bào đừng sợ hãi! Bộ đội giải phóng không làm hại ai cả. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam sẽ bảo vệ đồng bào. Không còn phải lo sợ sự tàn bạo và đàn áp của chính quyền Sài Gòn… Pleiku đã ở trong tay nhân dân”.

Đây là một thông cáo được loan truyền ở bất cứ nơi nào mà quân Bắc Việt Nam đến trong suốt tháng ba và tháng tư. Họ đã không hề lùi bước trong suốt 55 ngày cuối cùng của cuộc chiến. Lẽ tất nhiên, bộ đội tuân theo chỉ thị đến từng chữ một. Họ là chiến sĩ giỏi, tuân lệnh hoàn toàn, không bao giờ chất vấn tại sao cấp trên lại muốn thế này hoặc thế kia? Một trong những lý do là mọi mệnh lệnh đều được giải thích trước khi ban hành. Trong khi người lính đối thủ của họ trong quân đội Sài Gòn hay quân đội Mỹ bỏ đi nhậu nhẹt, xem phim hay hộp đêm thì binh sĩ của lực lượng vũ trang giải phóng ngồi học tập chính trị dưới hình thức một bài diễn thuyết, một cuộc hội thảo vấn đáp, v.v… Các buổi học tập chính trị tạo ra ý thức hệ cho những người chưa biết, tạo ra động cơ hành động. Mục đích nằm sau những buổi học tập này là làm cho chiến sĩ hiểu không những họ đang làm gì mà tại sao lại phải làm như thế? Nếu có cái gì đó làm cho các tướng lĩnh Mỹ phải thán phục “Sác-li” (tiếng lóng để gọi lính cộng sản) thì đấy chính là động cơ làm cho các chiến sĩ chiến đấu.
Như thế là bộ đội vào chiếm Pleiku cũng như các thành phố khác ở Nam Việt Nam không những họ biết rằng họ không được lấy chiến lợi phẩm mà còn hiểu vì sao phải làm như thế. Cái gì thuộc về nhân dân là của nhân dân. Bởi vì nhà nước là nhân dân. Nó nghe có vẻ kỳ quặc đối với những người lớn lên trong xã hội tư bản phương Tây. Nhưng với tính cách là khuôn mẫu và nền móng của chủ nghĩa Mác-Lênin, nó được chiến sĩ Việt Cộng và Bắc Việt Nam hiểu, tin và thi hành từ vùng châu thổ đến khu phi quân sự trong suốt năm 1975.

 Tiến quân vào Đà Nẵng.
Ở mỗi địa phương sau khi giải phóng, ít có những lời khiếu nại về việc lấy chiến lợi phẩm hoặc trộm cắp. Rõ ràng đấy là một trong những lý do tại sao không có đơn vị quân cảnh mặc sắc phục nào được gửi vào vùng Sài Gòn. Chỉ có một hoặc hai đại đội gồm nhân viên tình báo chìm làm việc dưới sắc phục quân cảnh mà thôi. Bộ đội tự họ giữ kỷ luật tốt đến mức nhìn chung quân cảnh được sử dụng tốt hơn trên chiến trường với vai trò chiến đấu hoặc yểm trợ chiến đấu. Kỷ luật của người lính, những người noi theo gương ông Hồ Chí Minh đã gây ảnh hưởng lớn trong các thành phố-nói nôm na là trong các vùng vốn theo lối sống phức tạp của phương Tây.
Nói tóm lại, tại Pleiku, tác phong của bộ đội cộng sản được biết là điển hình. Ở những nơi khác cũng đều tốt như vậy cả. Cá nhân người chiến sĩ có thể nghĩ rằng, người Mỹ là loài thú dữ đáng bị bắn khi bắt gặp để trả thù những gì mà họ gây ra cho gia đình, bè bạn và đất nước mình. Nhưng lúc bấy giờ mệnh lệnh là đối xử đàng hoàng với người Mỹ và người chiến sĩ đã làm đúng như thế. Không có vấn đề ngược đãi người Mỹ nào hoặc ngược đãi hạng người nào trong “nhân dân”. Thậm chí một vật tầm thường nhất cũng không bị lấy đi, trừ phi có lệnh chiếm lấy những thứ “vì lợi ích cách mạng”. Trường hợp như vậy, việc trưng dụng món đồ sẽ được giải thích mặc dù không nhất thiết làm cho người chủ hài lòng. Điều này ít ra cũng là những gì mà người dân đô thị sau này kể lại về những ngày đầu tiên sau chiến thắng.

Cuộc rút chạy bắt đầu

Cuộc tấn công bắt đầu lúc 11 giờ đêm ngày 19-3. Cuộc tấn công của Bắc Việt Nam vừa được chín ngày và bốn tỉnh đã nằm trong tay cộng sản. Binh nhì Đức của thuỷ quân lục chiến Sài Gòn chưa bao giờ thấy nhiều xe tăng đến thế trong đời mình và anh ta hoảng sợ.
Xung quanh Đức, binh sĩ đang sử dụng hoả lực hoặc nhìn trân trân như bị thôi miên trước những chiếc xe tăng. Hàng hàng lớp lớp chúng đang nghiến xích sắt băng qua cánh đồng. Lúc bấy giờ là 1 giờ sáng và quân phòng thủ trong làng gần nhất bị san bằng đã rút ra sau khoảng 10 phút giao tranh với những chiếc xe tăng đến từ ba hướng.
Sư đoàn thuỷ quân lục chiến Sài Gòn có lẽ là sư đoàn duy nhất thuộc loại tinh nhuệ của Nam Việt Nam. Quân của nó được giữ gần sát với con số 10 nghìn người theo bảng cấp số và được huấn luyện kỹ. Chỉ có mỗi một vấn đề: đã quá lâu, thuỷ quân lục chiến không ra trận nên thực sự là họ quên mất cách tác chiến như thế nào.
Năm 1972, họ đã từng mục kích xe tăng Bắc Việt Nam ở tỉnh Quảng Trị, nhưng chưa bao giờ họ nhìn thấy hàng hàng lớp lớp như thế này. Thậm chí ở Sài Gòn, nơi ngày xưa xe tăng Mỹ xuất hiện gần như ở khắp mọi ngõ ngách đường phố cũng không nhiều đến thế. Cuộc xung phong vào thuỷ quân lục chiến thật là ồ ạt. Sau này tính ra ít nhất cũng có 3 sư đoàn bộ binh và tối thiểu là một trung đoàn xe tăng tham gia tiến công.

Xe tăng QGP ở cửa Thuận An-Huế
Đức lại ló đầu lên, nhìn qua bờ hào giao thông ở chỗ mình. Giống như hầu hết đám thuỷ quân lục chiến trong vùng, anh ta tự làm lấy một mái che bằng cành dừa, lá dừa, thùng các-tông và bất cứ thứ gì có thể tìm được. Nó che nắng và mưa nhỏ, nhưng không che được đạn pháo, đạn cối hoặc hoả lực xe tăng. Chính đây là mối lo cấp thời. Cuộc pháo kích đã bắt đâu ồ ạt.
Hai phút sau khi Đức nhìn thấy xe tăng Bắc Việt Nam thì đại đội thuỷ quân lục chiến ở trước mặt Đức đứng lên khỏi hào giao thông. Anh ta tưởng là họ sẽ xung phong. Nhưng họ đã quay lại, chạy về phía trung đội của Đức nhưng lệch sang phải một chút. Họ khom người để chạy trốn cuộc giao tranh. Đức có thể nhìn thấy hàng trăm bóng người chạy lom khom in rõ hình trên bầu trời được chiếu sáng bằng hoả pháo. Họ xách súng M.16 chạy trốn những chiếc xe tăng.
Chiến sĩ cộng sản đang ngồi trên xe tăng, đi sau xe tăng và một số gan dạ thì tiến trước. Thỉnh thoảng họ mới bắn. Đám thuỷ quân lục chiến đang chạy trốn khỏi mối đe dọa chứ không phải trốn chạy hoả lực.
 Từ trước đến nay, binh nhì Đức chưa bao giờ tham dự trận đánh nào cả. Bỏ học từ 14 tuổi để kiếm việc làm giúp đỡ cái gia đình 9 người của mình. Anh chàng là con thứ 5 trong gia đình. Khi đến tuổi 17, anh ta có thể tìm cách trốn quân dịch, sống trong hang cùng ngõ hẻm. Cách này có nghĩa là phải hối lộ những món tiền lớn cho nhân viên sảnh sát, hoặc có thể trở thành nhà sư. Khoảng năm 1973 thì hàng loạt nhà su lại bị bắt quân dịch như thường. Thế là Đức gia nhập cái mà bạn bè cho biết là đơn vị chiến đấu giỏi hết chỗ nói. Trên lý thuyết, người nào chiến đấu giỏi thì có cơ hội sống sót nhiều nhất. Đức bèn vào lính thuỷ quân lục chiến.
Giờ đây các xe tăng đối phương đến cách trung đội của Đức trong vòng 400 mét. Thế là, chẳng có dấu hiệu hay lời nói nào, nhưng mọi người trong trung đội đều đứng cả dậy, luýnh quýnh leo lên bờ hào. Họ tự động khom người xuống để hạ thấp cái bóng của mình đề phòng có hoả lực. Chẳng ai bắn vào họ cả nhưng thỉnh thoảng lại có người vấp ngã.
Được khoảng nửa dặm. Đức dừng lại nghỉ và ngã vật ra đất. Đấy là đoạn đường dài nhất mà anh ta đã chạy sau thời gian huấn luyện cách đó 2 năm. Anh ta thấy chẳng có lợi ích gì để bám trụ và chiến đấu.
Chiến trường phía Nam tỉnh Quảng Trị này im lặng một cách lạ lùng. Âm thanh lớn nhất là tiếng máy nổ của xe tăng, tiếng xích sắt đã nghiến ken két. Các xe tăng chạy nhanh hơn Đức đã gần kịp anh ta, cách khoảng 200 mét. Anh ta rớt lại gần cuối đoàn quân mà Đức đoán khoảng 1 nghìn lính thuỷ quân lục chiến. Thực ra không phải “đoàn quân”. Nó chẳng có tổ chức gì cả. Đó là một đám tàn binh khác của quân lực Sài Gòn.

Xe tăng QGP trên QL1.
Họ đã đến quốc lộ 1, đi thẳng về hướng Huế. Ở gần quốc lộ lại có nhiều xe tăng hơn, đang có vẻ đuổi theo thôi, chẳng thèm bắn, cũng chẳng thàm tràn lên nghiến nát họ. Khi đám thuỷ quân lục chiến lên mặt đường thì đột nhiên các xe tăng bật đèn lên. Hình như chúng đang chỉ đường cho đám lính Sài Gòn chọn lấy con đường rút lui an toàn.
Đức không nán lại để xem sự nhân đạo này kéo dài bao lâu. Anh ta bắt đầu chạy đều bước, không nghỉ, cho đến rạng đông. Lúc đó, Đức mới loạng choạng chạy vào một đồn dân vệ đã bị rút bỏ cách Huế 12 dặm về phía Bắc để uống một hơi dài, thật dài…
 Chỉ mới 11 ngày, giữa bài diễn văn của Thiệu ngày 20-3 đến khi Đà Nẵng sụp đổ ngày 31-3 Việt Nam Cộng hoà đã trao cho Việt Cộng và Bắc Việt Nam một quân khu và không bao giờ lấy lại được. Từ cuối tháng 3, cuộc chiến đấu tiếp tục, giọng điệu tuyên truyền, sự đau xót của chính quyền Sài Gòn và lời kêu gọi Mỹ viện trợ vẫn nghe thấy, nhưng Nam Việt Nam đã mất rồi. Đó là 11 ngày định mệnh kết thúc bằng việc Thiệu lên đài phát thanh truyền bá giọng điệu hiếu chiến của mình. Từ tháp ngà dinh Độc Lập được canh giữ cẩn thận, qua bài diễn văn, Thiệu làm ngơ trước những tổn thất lớn kinh khủng của chế độ, giở giọng soi mói Hoa Kỳ giảm viện trợ. Thiệu trơ trẽn nói với dân chúng: “Trong 2 tuần qua, quân và dân ta dũng cảm tiêu diệt địch và thành công trong việc chặn đứng cộng sản ở chiến trường đông dân”. Đấy là những lời nó cố tỏ ra can đảm, nhưng rủi thay nó chẳng lừa bịp được ai. Dân chúng đều biết rõ, hàng sư đoàn, nhiều tỉnh trọn vẹn đã bị mất gọn. Với Thiệu, tuyên bố rằng quân đội đủ sức giữ vững phòng tuyến là điều khó tin. Ở tư cách tổng thống mà lại dám nói vậy thì không một công dân hay kiều dân nào ở Nam Việt Nam tin nổi.
Người ta nghĩ ngay đến việc bơm hơi của Mỹ. Dù sao, việc bơm hơì cũng làm dịu mối lo về việc Nam Việt Nam đang đứng trên bờ vực thẳm.
Quả thế, binh nhì Đức và đám bạn bè được tổ chức lại sau khi bỏ chạy khỏi tỉnh Quảng Trị. Đức được gọi lại đội ngũ trên đường đi Huế, gom thành mấy nghìn lính thuỷ quân lục chiến ở Bắc Thừa Thiên, giáp Quảng Trị tại sông Mỹ Chánh. Quyết định phá đổ cầu Mỹ Chánh được truyền xuống cho đại đội của Đức, trong khi lính thuỷ quân lục chiến đang nghe diễn văn của Thiệu đêm 20-3 qua đài bán dẫn:
“… Từ Quảng Trị vào Huế, dọc theo bờ biển xuống quân khu 3 và 4, chúng ta nhất quyết bảo toàn lãnh thổ đến người cuối cùng. Tin đồn về việc bỏ rơi Huế là hoàn toàn vô căn cứ…”
Vẫn còn khoảng 2 nghìn đến 2 nghìn rưởi lính thuỷ quân lục chiến đang được gom lại sau cuộc rút chạy khỏi Quảng Trị. Tư lệnh sư đoàn Bùi Thế Lân cùng sĩ quan đang đi vòng ở Huế để tìm kiếm binh sĩ.
Khi thuỷ quân lục chiến phá sập cầu Mỹ Chánh thì cộng sản áp đảo họ và vượt qua sông bằng xe tăng lội nước và cầu ngầm, còn dân Huế đang chạy về Đà Nẵng.

 Bộ đội và nhân dân làm ngầm vượt sông Mỹ Chánh.
Ở phía Nam, trong khi Thiệu nói với dân chúng rằng cộng sản đang bị đánh bại trên mọi mặt trận thì đã có ngay câu trả lời. Đức và đám bạn bè quay lại nhìn phía sau thấy bầu trời loé sáng mấy lần. Chẳng bao lâu họ phát hiện được ánh sáng loé lên ấy là Huế, đặc biệt là sân bay Phú Bài sát bên dưới tỉnh lỵ, đang bị cộng sản pháo kích, khoảng 50 quả đêm ấy. Sài Gòn sắp mât quyền kiểm soát cái kinh đô cũ này.
Nhưng cùng ngày hôm ấy, Ngô Quang Trưởng, một tướng thân Mỹ đã đến được Huế. Thân hình cao lớn, Trưởng được coi như một điển hình can đảm khi người Mỹ nói đến chuyện binh sĩ Việt Nam như thế nào. Thế nhưng giờ đây, Trưởng đã làm thất vọng những người vốn tin tưởng. Huênh hoang nói oang oang với các nhà báo, Trưởng khoe khoang rằng đã làm đủ thức chuyện mà trong quá khứ chẳng hề làm. Trưởng đã tự biến mình thành một thằng hề bằng cách nói mình sẽ cố thủ. Cá nhân Trưởng sẽ chiến đấu trên đường phố để cứu Huế, nếu thành phố mất, Trưởng sẽ mất theo. Trưởng sẵn sàng chết để bảo vệ Huế. Bọn hèn nhát có thể bỏ chạy nhưng Trưởng này sẽ chiến đấu đến cùng. Rồi Trưởng leo lên chiếc trực thăng riêng do Mỹ cung cấp, bay một vòng. Đây là lần cuối, người ta thấy mặt Trưởng ở Huế.
 Thông tin viên của UPI ở Huế điện về Sài Gòn cho biết 600 quả đạn pháo, tên lửa và súng cối đã rơi xuống thành phố phía Bắc này vào ngày 22-3. Đây là cuộc pháo kích dữ dội nhất trong mấy năm qua. Phút cuối cùng đang đến, mặc dù một số người lạc quan ở Sài Gòn thích gọi đây là trận phòng thủ kiên cường.

Những viên đạn ấy được bắn từ những khẩu pháo này.
Đêm ấy, tại căn cứ tiểu đoàn ở Phú Lộc, đại uý Trần Bá Phước rất sợ và nghĩ đến chuyện bỏ chạy. Cái thắng anh ta là một bài báo, hình như đã đọc trong tạp chí Mỹ “Thời báo” hay “Tuần tin tức”. Phước cho biết đã đọc mấy năm rồi và đâu như qua cuộc phỏng vấn một lính Mỹ. Người lính này nói rằng anh luôn luôn sợ hãi trong chiến đấu, một sự thú nhận làm Phước kinh ngạc, bởi vì Phước nghĩ rằng người lính bộ binh đáng lẽ phải không biết sợ. Nhưng người trung sĩ dày dạn kinh nghiệm ấy lại được thưởng huy chương và nói rằng sợ hãi là chuyện tự nhiên. Nhất thiết phải biết đúng sự sợ hãi, phải kiềm chế nó. Rồi thì lắng tai nghe mệnh lệnh và sử dụng cái đầu để suy nghĩ. Theo người trung sĩ Mỹ ấy, một người lính không biết sợ thì hoặc là ngu đần, hoặc là điên khùng, bởi vì anh ta nói láo hoặc sắp đi nhà thương điên.
Nhớ lại cảm giác lúc ấy và bài báo, Phước vẫn không chấp nhận rằng mình đang sợ. Phước vẫn nghe thấy tiếng đạn pháo dội xuống Phú Bài, Huế và vùng cảng. Là một tiểu đoàn trưởng, Phước có mấy máy điện đài trong sở chỉ huy của mình. Đó là một căn lầu và một hầm nhỏ. Một điện đài vặn tần số “mạng lưới chỉ huy” liên lạc với chỉ huy sở tiền phương của quân đoàn 1 đóng tại Huế. Mạng lưới giúp Ngô Quang Trưởng tuy vẫn tỏ ra thoải mái nhưng đang bù đầu ở Đà Nẵng khi biết những tin tức mới nhất về cánh quân phía Bắc đang rung rinh của mình.
Chính trên “mạng lưới chỉ huy” mà Phước nghe được tin thuỷ quân lục chiến đang chạy. Cộng sản mất khoảng nửa giờ để tràn qua vị trí này của thuỷ quân lục chiến dọc theo bờ sông Mỹ Chánh. Lần này, đám lính thuỷ quân lục chiến không kịp ngừng lại để phá sập cầu.
======

Mục lục:

1 nhận xét:

  1. Hoc sinh mẫu giáo vùng caolúc 07:19 1 tháng 5, 2014

    NGHIÊM! CHÀO CỜ, CHÀO!

    Đoàn quân Việt Nam đi
    Chung lòng cứu quốc,
    Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa,
    Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
    Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca,
    Đường vinh quang xây xác quân thù,
    Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu,
    Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
    Tiến mau ra sa trường.
    Tiến lên! Cùng tiến lên!
    Nước non Việt Nam ta vững bền.

    Lời 2

    Đoàn Quân Việt Nam đi
    Sao vàng phấp phới
    Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
    Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới
    Đứng đều lên gông xích ta đập tan
    Từ bao lâu ta nuốt căm hờn
    Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn
    Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
    Tiến mau ra sa trường
    Tiến lên! Cùng tiến lên!
    Nước non Việt Nam ta vững bền.

    Trả lờiXóa