Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Chuyện cụ Diệm "trưng cầu dân ý"

Phần 1
Năm 1933, để cải cách triều đình, Hoàng đế Bảo Đại cách chức một loạt 5 ông Thượng thư các Bộ: Lại, Hình, Binh, Lễ, Công. Nguyên nhân? Vì các ông này vốn chỉ thông nho học, mà bây giờ lại là thời của những người Tây học. Thời ấy, cụ Diệm được Bảo Đại ưu ái giao cho chức Thượng thư bộ Lại.
Ngày 7-7-1954, cụ Diệm lại được quốc trưởng Bảo Đại chính thức bổ nhiệm chức thủ tướng Quốc Gia Việt Nam (Nam Việt Nam). Lần này thì chẳng còn thuần túy là “ưu ái” nữa mà là nhờ áp lực của người Mỹ đối với người Pháp và với cả quốc trưởng Bảo Đại. Đó là chưa kể bản thân cụ Diệm cũng có viết cho ông Bảo Đại một cái thư bốn năm trương (trang), nghĩa là lạy lục khú lụ không thể tưởng tượng được, để xin được làm thủ tướng ở trong ấy” (Hoàng Xuân Hãn – trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê). “Cái thư ấy tôi có được đọc”- vẫn lời cụ Hoàng Xuân Hãn.
Cụ Diệm Thượng thư bên cạnh Hoàng đế Bảo Đại và trang cuối bức thư cụ Diệm Thủ tướng viết ngày 10-10-1954 trình lên quốc trưởng Bảo Đại "lòng trung thành tôn kính và thâm sâu".
Sự nghiệp “đả thực - bài phong” (đánh thực dân – bài trừ phong kiến) của cụ Diệm chỉ thực sự bắt đầu từ đây.
Nhưng lúc này (7-1954) thì còn gì để mà “đả thực” nữa, khi mà toàn bộ đoàn quân xâm lược của thực dân Đại Pháp đã bị tướng Giáp của Việt Minh tống tiễn bằng quả bom Điện Biên phủ “chấn động địa cầu”? Vả lại cụ Diệm nỡ lòng nào “đả thực”, khi anh cụ là Ngô Đình Thục đã từng kể công hãn mã với “thực” rằng: “ …với tư cách của một Giám mục, của một người An-nam, và với tư cách là người con của một gia đình mà thân phụ tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi Pháp mới đến An-nam, và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ- an và Hà-tĩnh …” (Thư của Giám mục Ngô Đình Thục gởi Toàn Quyền Decoux, 21 – 08 – 1944).
Thư  "kể công" của Ngô Đình Thục gửi toàn quyền Decoux 
Tưởng vậy, nhưng hóa ra vẫn còn có lý do cho cụ Diệm “đả thực”. Vì ngay sau khi hay tin cụ Diệm được Bảo Đại bổ nhiệm Thủ Tướng thì tổng thống Hoa Kỳ là Eisenhower đã gửi công hàm thông báo từ nay chính phủ Quốc gia Việt Nam sẽ nhận viện trợ trực tiếp từ Hoa Kỳ chứ không qua nhà đương cục Pháp như trước. Và cũng bắt đầu từ đây, thế chân người Pháp, Hoa Kỳ sẽ là cường quốc Tây Phương duy nhất và độc quyền can dự vào Việt Nam.
“Đả thực” xong rồi, thì cụ Diệm tính đến chuyện “bài phong”. Đầu sỏ phong kiến thì còn có thể là ai khác, ngoài chính cái “thèng” đã vì những lời “lạy lục khú lụ không thể tưởng tượng được” của cụ mà trực tiếp đưa cụ lên ghế thủ tướng?
Vậy là, ngày 30 – 04 – 1955, “Hội đồng cách mạng quốc gia” được cụ tập hợp, họp đại hội tại Tòa Đô chánh sài Gòn, chính thức phát động một phong trào đòi truất phế quốc trưởng Bảo Đại (mới có một vế là truất phế Bảo Đại, chưa có ý suy tôn cụ Diệm).
Tại Huế, ngày 16-6, hưởng ứng “phong trào”, cụ Cẩn - em cụ Diệm, triệu tập Hội đồng tôn nhơn phủ của Nguyễn Phước tộc, ra tuyên bố bất tín nhiệm đối với Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại), đồng thời Tôn nhân phủ cũng xác nhận cụ Diệm mới đúng thật là người “tranh đấu cho tự do”. Rõ là “đường đường chính chính” nhé! Các mệ có ai còn "lăn tăn" thì cho biết sớm để cụ Cố trầu bố trí cho vào Chín hầm mà “ngâm cứu” tiếp nào?
Nhưng đến tháng 8-1955, cụ Diệm lại lo ngại thế lực bành trướng và ô hợp của đám “Hội đồng cách mạng quốc gia”, nên cho cảnh sát bao vây trụ sở hội đồng tại đường Phùng Khắc Khoan, khiến cho tổ chức này không thể tiếp tục hoạt động. Công cuộc tuyên truyền và hậu thuẫn cho việc phế truất Bảo Đại và đưa cụ Diệm lên ngôi được chuyển giao cho một tổ chức có tên gọi tương tự là “Phong trào Cách mạng Quốc gia”. Vì thế, phong trào này sẽ do đích thân Tổng trưởng thông tin của chính phủ, một “mưu sĩ nhà họ Ngô” là Trần Chánh Thành làm trung ương chủ tịch. (Ông Thành cũng chính là một trong hai người hôm 31-5-1955 đã “sắt máu” đòi “mở cửa kinh thành Huế, tịch thu các vật dụng trong văn phòng quốc trưởng, kể cả ấn tín”). Nhưng người thực sự chỉ đạo “phong trào”, thì chính là anh em nhà cụ Diệm chia nhau - cụ Cẩn phụ trách Trung phần và cụ Nhu phụ trách Nam phần.
Chiến dịch tuyên truyền nhằm phế truất Bảo Đại và suy tôn cụ Diệm bắt đầu.
Ông Đỗ Mậu, hồi ấy là chủ tịch phong trào Cách mạng quốc gia của bốn tỉnh duyên hải kể lại trong hồi ký: “...những tài liệu do Bộ Thông Tin Sài Gòn gởi ra cũng như những chỉ thị mật của Phong trào Cách mạng quốc gia từ Huế gởi vào cho tôi đều chủ yếu tập trung vào việc lên án những tội lỗi của vua Bảo Đại vô đức vô tài… Lên án không chưa đủ, chỉ thị còn bắt phải khơi dậy lòng căm thù ông Bảo Đại trong quần chúng nữa! ...
Cả một chiến dịch bao trùm từ Cà Mau đến Bến Hải do chính quyền yểm trợ trên cả hai mặt nội dung lẫn phương tiện, hung hăng và rầm rộ tìm cách đạp Bảo Đại xuống bùn dơ của lịch sử. Cả nước được vận động để phỉ nhổ Bảo Đại như là một hiện thân xấu xa nhất hơn cả Lê Chiêu Thống và Lê Long Đĩnh. Hai đài phát thanh Sài Gòn và Huế, phối hợp với báo chí trong gần một tháng trời, liên tục mạt sát ông Bảo Đại và thúc dục dân chúng quất roi và đốt lửa những hình nộm Bảo Đại”.
Về phía cụ Diệm, dĩ nhiên ban nhạc nhà thờ sẽ chỉ hát rặt một thứ Thánh ca. Tại Huế, trung tâm quyền lực xếp thứ hai sau Sài Gòn, đích thân ông Đỗ Mậu thuyết trình đề tài "Chí sĩ Ngô Đình Diệm với chính nghĩa quốc gia" trước hàng ngàn dân chúng. Bài thuyết trình này sau đó lại được cụ Cẩn cho phát đi phát lại trên đài phát thanh Huế 7 đêm liên tục, rồi được Bộ Thông tin in ra phát không khắp các tỉnh để làm tài liệu tuyên truyền học tập.
Trên hệ thống báo chí của cụ Diệm, Bảo Đại được mô tả như là một ông vua hư đốn về mặt đạo đức. Và lại còn là kẻ đần độn về mặt chính trị, mặc dù những nhân chứng đáng tin (Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn...) có dịp tiếp xúc với ông sau này kể lại, thực tế không phải như vậy.
Theo truyền thông cụ Diệm, Bảo Đại là “một kẻ hiếu sắc, rượu chè, tham lam và đần độn, đã thế còn thỏa hiệp với âm mưu tái lập chế độ thực dân, thông đồng với cộng sản và bao che cho những sứ quân “thoái hóa” và “phong kiến””.
Một loại bài kéo dài tới ba tuần lễ đăng trên báo Thời đại kể ra những chuyện gọi là “thâm cung bí sử” của vị vua này.
Từ chuyện Bảo Đại chỉ là con rơi của vua Khải Định vì “ai cũng biết” là Khải Định bất lực nên không thể có con, tác giả còn đi xa hơn nữa bằng một giả thiết rằng “có thể hoàng gia đã ra một chỉ dụ tuyên bố rằng không một người nào không có khả năng sinh con đẻ cái lại có thể được chấp nhận là hoàng đế, do đó bằng mọi giá Khải Định phải lấy một cung nữ có tên là Cúc (sau này là Huệ Phi) để có sẵn cái thai trong bụng” và “Khải Định đã hối lộ người cha thực của Bảo Đại để ông này im tiếng”.
Báo chí cũng tập trung  khai thác tối đa vào sự khác biệt về hình thể và tâm lý giữa hai ông vua để chứng minh họ không có cùng một dòng máu. Tỷ như Khải Định và Đồng Khánh thì nhu nhược, gầy ốm, trong khi đó thì Bảo Đại lại chững chạc, phương phi; hoặc Khải Định xa lánh đàn bà mà Bảo Đại lại là kẻ háo sắc.
Báo chí cũng liệt kê một loạt chuyện lăng nhăng tình ái, vợ nọ, nhân tình kia, rồi chuyện ăn chơi cờ bạc của cựu hoàng và cho rằng, đó là do Bảo Đại chịu ảnh hưởng của thực dân, vì chính người Pháp đã nuôi dạy Bảo Đại từ lúc bé. Nhưng chuyện “thâm cung” mãi, rồi cũng bí sử... nghĩa chả còn gì để nói, thì đến lúc tờ báo kết luận: “Quý độc giả phải đồng ý với chúng tôi về điểm này, Bảo Đại chỉ là lá bài của Pháp – hoặc chính xác hơn nữa – của một số quan chức thực dân Pháp”. 
Hình ảnh “phương diện quốc gia” chỉ thạo nghề ăn chơi trác táng chỉ là một phần nhỏ trong chiến dịch bôi lọ nồi lên mặt vị quốc trưởng thời mạt vận. Đến cái tội “là vua bù nhìn, là nhà lãnh đạo chia rẽ dân tộc, chia rẽ đất nước, đã bán đứng đất nước cho Pháp và Nhật nay lại cấu kết với thực dân và cộng sản bán nước một lần nữa” thì mới là tội to, không truất phế thì để làm gì?
Tấm chân dung quốc trưởng cũng bị đánh hội đồng.
Tất nhiên là cụ Diệm biết tội quốc trưởng cả đấy, nhưng cụ “nhân từ” lắm, cụ cứ để im xem sao, cụ chờ...
Tiếp theo sự chỉ trích của báo chí và các cơ quan tuyên truyền, đến lượt hàng loạt “thỉnh nguyện thư” của đủ những thành phần, từ các cơ quan của chính phủ và các phong trào chính trị miền Nam (hầu hết do gia đình cụ Diệm điều hành) cho đến của lính tráng và thường dân, được gửi lên, khẩn thiết đòi cụ Diệm phải truất phế ngôi vị quốc trưởng của Bảo Đại và thỉnh cầu cụ lên thay.
Ý dân là ý Chúa, đến nước này thì cụ Diệm hết chịu nổi, cụ đành phải “bất đắc dĩ” mà "chịu" tổ chức cuộc “trưng cầu dân ý”, tuy thật ra trước đó vào khoảng tháng 7-1955 cụ đã tham vấn trùm tình báo CIA ở Việt Nam lúc bấy giờ là Edward  Lansdale về việc này. Và “tình cờ” thế nào mà, cũng giống ông Nhu, Lansdale  đã gợi ý cho cụ rằng nên dùng hình thức trưng cầu dân ý là tiện lợi nhất. 

Cho nên, người ta gọi đó là “hiệp thông”, cứ như chuyện Khổng Minh với Chu Du không ai bảo ai cùng viết chữ “hỏa” vào lòng bàn tay trước khi đánh trận Xích Bích vậy.

*******************
Phần 2
Vậy là, ngày 4-10-1955, một cuộc họp gồm đại diện của 15 đoàn thể chính trị, tôn giáo, thanh niên, lao động, phụ nữ, lập ra một ủy ban mang tên “Ủy ban Trưng cầu dân ý”, đưa kiến nghị đòi truất phế quốc trưởng Bảo Đại kèm suy tôn cụ Diệm. Hai ngày sau (6-10), cụ Diệm lạch bạch triệu tập một cuộc họp Hội đồng Chính phủ chấp thuận “nguyện vọng” của dân chúng và hai ngày sau nữa (8-10) thì bộ Nội vụ ra tuyên cáo, sẽ tổ chức “trưng cầu dân ý” vào ngày 23/10/1955.
Trong khi ấy thì quốc trưởng Bảo Đại vẫn còn đang mơ màng ở xứ Riviera nước Pháp và nếu chẳng mơ màng thì ngài cũng làm gì có đủ thời giờ và phương tiện để mà phản công cụ Diệm.
Mãi đến ngày 13-10, mười ngày trước khi cuộc “trưng cầu dân ý” bắt đầu, quốc trưởng Bảo đại mới phản ứng một cách chiếu lệ. Từ Cannes (Pháp), ngài tố cáo Diệm “ngăn cản cuộc hiệp thương thống nhất trong hòa bình giữa hai miền”. Ngài khẩn khoản “xin người dân đừng hỗ trợ hoặc khuyến khích những hành vi của chính phủ (Diệm), trái với tình cảm sâu xa của dân tộc Việt Nam và lý tưởng hòa bình”.  Bảo Đại cũng gửi tới các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Hoa Kỳ lời trần tình là ông chẳng có phương tiện nào trong tay để đấu lại với truyền thông Sài Gòn, nơi báo chí bị chính phủ (cụ Diệm) kiểm duyệt gắt gao. Sau chót, ngày 18-10 - 1955, Bảo Đại đưa ra nỗ lực cuối cùng của để vớt vát uy quyền bằng cách tố cáo Diệm dùng cuộc trưng cầu dân ý để chủ trương độc tài cá nhân và tạo nên sự hiềm khích giữa Pháp và Hoa Kỳ, đồng thời ông tuyên bố thu hồi quyết định bổ nhiệm Diệm làm thủ tướng. Đây có lẽ là văn kiện cuối cùng của ông trên cương vị quốc trưởng Quốc gia Việt Nam.
Sài Gòn bấy giờ rầm rộ bước vào chiến dịch cổ động cho sự kiện “trưng cầu dân ý”. Các đài phát thanh chính phủ, thay vì phát những thông tin lạt nhách như thường lệ thì đặc sắc thay, họ lại đọc vè trong suốt nhiều ngày: “Vè vẻ vè ve/ Nghe vè Bảo Đại/ Là quân ăn hại/ Theo gót thực dân...”. Xen giữa vè là nhạc, bản nhạc phổ biến suốt ngày đêm là “Hai ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý/ Bầu cho, bầu cho người nào/ Bầu người chống cộng bài phong/ Hai ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý/ Đứng lên, toàn quốc viết trang sử mới …”
Chiến dịch suy tôn Ngô chí sỹ 
Trong khoảng một tuần trước ngày 23-10-1955, đường phố Sài Gòn và khắp các tỉnh miền Nam rực rỡ với những bích chương, biểu ngữ, tranh đả kích và hình nộm Bảo Đại. Các cơ quan tuyên truyền đã có rất nhiều sáng kiến trong việc “đấu tố” quốc trưởng Bảo Đại và suy tôn cụ Diệm, kể cả việc dùng đến quyền năng của đồng tiền và dụ khị trẻ con. Các học sinh theo học một vài trường công giáo được xe nhà binh (camion) rước tới những nơi đông người, tay cầm hình vua Bảo Đại bị gạch vào ngang mặt, miệng hát khản cả tiếng những bài vè về “quân ăn hại” như đã nói ở trên. Để thù lao cho việc xuống đường chửi bới quốc trưởng Bảo Đại, các thầy cô phát cho mỗi đứa 5 đồng, một món tiền khá lớn đối với trẻ con lúc bấy giờ, gọi là tiền "cụ Diệm thưởng" như ông Đào Văn Bình kể lại.
Dọc đường phố và tại các nơi công cộng, các khẩu hiệu “quảng bá” cho hai phe đối nhau chan chát. Để “ngợi ca” quốc trưởng Bảo Đại thì có các khẩu hiệu: “Bù nhìn Bảo Đại bán nước”; “Bảo Đại nuôi dưỡng sòng bài, đĩ điếm”; “Hãy cảnh giác Bảo Đại gian ác, mê cờ bạc, gái, rượu chè, bơ sữa. Những ai bỏ phiếu cho Bảo Đại là phản bội quốc gia và bóc lột nhân dân”. Trong khi đó, các khẩu hiệu dành cho đối thủ của ông thì: “Dồn phiếu cho chí sĩ Ngô Đình Diệm là xây dựng một xã hội công bằng và hạnh phúc”; “Chào mừng Ngô Chí Sĩ vị cứu tinh của dân tộc. Diệt cộng, truất phế Bảo Đại, bài phong, đả thực là nhiệm vụ công dân của một nước tự do.”
Hình nộm Bảo Đại, tay cầm một bị tiền và gái.
Còn đây là hình ảnh cụ Diệm
Trước ngày bỏ phiếu, lại thêm vài câu vè dễ nhớ được đưa ra để dân chúng mau chóng học thuộc: "Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì”, hay “Phiếu đỏ ta bỏ vô bì/ Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi”.
Rồi thì cũng đến ngày 23-10-1955, các cử tri đi bỏ phiếu với một “tinh thần ... rất là... thể dục”.
Tất cả các công dân trên 18 tuổi có tên trong thống kê dân số mới nhất đều có quyền đi bầu (thống kê trước đó của chính phủ cho biết, tổng số cử tri ghi danh là 5.335.688 người), và thể thức bầu cử là “bỏ phiếu kín”. Các địa điểm bỏ phiếu được thiết lập cho mỗi đơn vị bầu cử là 1000 cử tri/điểm.
Bước chân vào phòng phiếu, cử tri phải xuất trình thẻ căn cước để ghi danh rồi sau đó nhận phiếu bầu và một phong bì kèm theo. Nhân viên điều hành phòng bỏ phiếu sẽ hướng dẫn cử tri tách đôi lá phiếu có in hình hai người mà mình định bầu cử, một bên xanh và một bên đỏ.
Gọi là “bỏ phiếu kín” nhưng không đồng ý ai làm quốc trưởng thì cứ việc vất toẹt phiếu in hình người đó, thẳng xuống đất hoặc vào sọt rác. Phiếu còn lại sẽ được bỏ vào cái phong bì đã được phát sẵn. Trước khi bỏ phong bì vào thùng phiếu, cử tri phải trình phong bì cho nhân viên điều hành phòng phiếu kiểm tra và chấp thuận.
Cho dù qui định quy trình bầu bán bề ngoài có vẻ chặt chẽ là vậy, nhưng lá phiếu “ta thì vất đi” (có màu xanh) sẽ cho thấy cụ Diệm là người chắc chắn đã được Chúa chọn lựa mà không hề cần đến Ban kiểm phiếu.
Phía bên trái, lồng trong khung màu xanh, lạnh lẽo và xui xẻo là hình quốc trưởng Bảo Đại trong bộ quốc phục, béo phị, mặt mũi tối tăm - (cái mặt không chơi được), bên dưới có hàng chữ: “Tôi không truất phế Bảo Đại, và không chấp nhận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Việt Nam với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ”.
Phía bên phải, lồng trong khung màu đỏ, ấm nồng và may mắn như thần tài, là hình cụ Diệm trong bộ Âu phục, mặt mũi phương phi, tươi cười, sáng sủa thật đáng ngưỡng mộ, bên dưới có hàng chữ “Tôi truất phế Bảo Đại và chấp thuận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Việt Nam, với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ”.
Thực ra, cái sáng kiến nửa xanh nửa đỏ này cũng lại do trùm CIA tại Việt Nam, là đại tá Edward Lansdale, rỉ tai cho cụ Diệm, nhằm tác động mạnh mẽ tới tâm lý cử tri mà chưa cần xét tới chuyện mê tín hay tập tính. Tuy nhiên, về tấm hình “nhìn mắc ghét” của Bảo Đại thì Lansdale sau này có nói lại rằng ông ta đã yêu cầu cụ Diệm phải dùng một tấm hình đẹp của Bảo Đại để tăng chút giá trị sòng phẳng cho cuộc đấu giữa đôi bên, nhưng có lẽ cụ Diệm thấy rằng tốt nhất là cứ làm ngược lại... cho đảm bảo “chắc ăn”.
Lanseale "xúi" cụ Diệm chọn ảnh này cho Bảo Đại - Nhưng cụ Diệm đâu có dại!
Để giữ thể diện cho cuộc trưng cầu dân ý, tốt nhất là Edward Lansdale nên lánh mặt khi nó xảy ra. Vì vậy, trước khi trở về Hoa Kỳ, với một vẻ hài hước nhưng thực ra lại rất nghiêm túc, ông ta căn dặn cụ Diệm: “Trong lúc tôi vắng mặt, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin ông đắc cử với tỉ số 99.99 phần trăm số phiếu”.
Edward  Lansdale quả không hổ danh là một trùm tình báo, ít nhất là ở khả năng dự đoán kết quả bầu cử của cụ Diệm. Con số mà y đưa ra so với kết quả kiểm phiếu của cụ Diệm hóa ra chỉ sai lệch có hơn 1%: cụ Diệm đắc cử với số phiếu chiếm tỉ lệ 98.2%, và 1,1% là tỷ lệ số phiếu bầu cho đối thủ và cũng là đại ân nhân của cụ, người bây giờ đã chính thức bị bỏ vào sọt rác.
Đặc biệt, tại Sài Gòn, cụ Diệm được “dân” bầu tới 605.025 lá phiếu trong khi khu vực này chỉ có 450.000 cử tri ghi tên, đạt tỷ lệ “kinh dị” là xấp xỉ 130%. Nói cách khác, cứ 10 người đi bầu, thì có ít nhất là 3 con ma đi theo để bỏ phiếu suy tôn cụ Diệm!
Kết quả mỹ mãn của cuộc "trưng cầu dân ý"
Ba ngày sau, 26-10-1955.
Tại dinh Độc lập, cụ Diệm, tân quốc trưởng đọc bản Tuyên cáo xóa bỏ danh xưng Quốc gia Việt Nam và thành lập nền cộng hòa có tên Việt Nam Cộng hòa. Và trong khi chờ đợi một hiến pháp mới, thì quốc trưởng, đồng thời cũng là thủ tướng chính phủ, sẽ nhận danh hiệu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
Như vậy, cuộc trưng cầu dân ý đầy gian lận và khôi hài này đã khai sinh ra thể chế Việt Nam cộng hòa.  Và cụ Diệm bắt đầu công cuộc thực thi “nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ” - cho đến tháng 11-1963, chính những người đã từng tung hô và bỏ phiếu cho cụ "rước cụ" về  nước Chúa, trên chiếc xe bọc thép M113...
 Tháng 11-1963, Lá phiếu cuối cùng của người Saigon "bầu" cho cụ Diệm.
Nguồn Cụ Lý

5 nhận xét:

  1. -Tôi bỏ không được cái thói quen chưa tốt, lướt qua văn phong trước vài câu, vài đoạn, cảm thấy người viết có sở học, rồi mới xem nội dung. Thông tin, hình ảnh trong bài, cái thì đã biết, cái thì chưa biết, gắng tìm thì cũng có tất. Tuy nhiên, cái văn phong Bác Mõ, chủ trang Lốc Liếc, thì tôi xin chào thua. Quá hay, quá hợp, lôi cuốn, thuyết phục, chứng lý ràng rành, làm cứng họng lắm đứa già mồm suốt ngày, suốt tháng, suốt năm cắm cúi tô vẽ, cố vực dậy cái thây ma thối rữa VNCH. Cám ơn Bác Mõ. Khen Bác không tiếc lời. Mong có nhiều cây bút noi gương, học tập bác.
    -Trong đời tôi, chỉ chứng kiến chứ không đi bầu. Lần 1, 1955, khi ấy tôi tầm 13 tuổi, cuộc 'trưng cầu dân ý' tín nhiệm Ngô Đình Diệm. Lần 2, 1967, cuộc 'trưng cầu dân ý' tín nhiệm Nguyễn Văn Thiệu ( Nguyễn Cao Kỳ rút tên giờ chót. Nguyễn Văn Thiệu phải sử dụng chiêu
    độc diễn). Cả 2 lần, nay nghĩ lại, lố bịch, kệch cỡm, vẫn còn cười rung cả bụng.
    -Chê chúng thì chúng ta phải quyết tránh. Bản chất chế độ là dân chủ đến tận người dân nghèo thấp cổ bé miệng. Nhưng phương pháp tổ chức bầu cử, ứng cử còn nhếch nhác và coi thường dân trí. Nhìn những kỳ bầu cử Quốc Hội, chính quyền 3 cấp mà thắt lòng, đôi khi cũng phải 'cứng họng'. Nhục và đau nhất là cái chuyện này. Phải thay đổi gấp.
    -Tháng Chạp, Giáp Thân, 1284, vua Trần Thánh Tông tổ chức Hội Nghị Diên Hồng trước khi rợ Nguyên Mông xâm lược nước ta, để trưng cầu ý dân nên hòa hay nên chiến. Sinh hoạt dân chủ này, non 800 năm rồi, không có chế độ chính trị nào làm được. Bao thế hệ đỏ mắt chờ. Thấy Nhà Quốc Hội có phòng Diên Hồng, không biết có Diên Hồng được hay không? Khó quá!

    Trả lờiXóa
  2. Bài này hơi vớ vẩn giọng điệu giống mấy tay hai hàng thời Mỹ Thiệu cũng chửi Diệm nhưng viết theo cái tiên đề rằng Diệm là nhân vật chính. Thực tế Mỹ mới là kẻ có quyền và là nhân vật chính. Mỹ nắm đầu đem thằng Diệm về cho lên làm 'vua' kiểng rồi mới cựa quậy một tí là giết ngay.

    'Đả thực' cái éo gì khi Diệm làm 'thủ tướng' của 'Quốc Gia VN' tay sai Pháp. Rồi sau khi Mỹ hất cẳng Pháp thì cả đám nhà Ngô gào lên 'đả thực' .... bằng cái mồm chém gió. Trong khi sự thật là cả nhà Ngô con dòng cháu giống của Phú Lang Sa từ 3 đời phục vụ Tây đắc lực, thi đua giết nghĩa quân, đốt hạ bộ, đào mả nghĩa quân Phan Đình Phùng.

    Bài này nội dung khá là cải lương và không nói đầy đủ đến tội ác to lớn của gia đình Ngô và thằng Diệm thằng Nhu đối với dân tộc VN nói chung và miền Nam Bộ nói riêng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn hơi vội vàng khi nêu cảm nhận của Bạn về bài viết này:
      -Chủ đề của nó là trò diễn"trưng cầu dân ý". Đã nực cười, lố bich thế thì chọn cách hành văn như Bác Mõ là phương pháp tốt nhất. Còn tội ác của nó, trăm cuốn sách viết cũng đâu đủ.
      -Bài viết dẫn về để sáng tỏ thêm quan điểm sai lầm khi có một 'nước VNCH' nam vĩ tuyến 17 sau hiệp định Genève 1954 của bài vừa đăng về cách biện luận chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.
      Tuy nhiên, Bạn cũng thấm được cái hiểm ác chế độ Diệm cũng như tôi nên nhẹ nhàng góp lồ thội. Chào Bạn.

      Xóa
    2. Tôi xin lỗi: Góp lời nhưng gõ nhầm thành góp lồ.

      Xóa
  3. Cùng là Mỹ đạo diễn nên chuyện bầu cử của Cụ Diệm y chang chuyện bầu cử của cái anh nghiện rượu Elsin ở Nga

    Chuyện cụ Diệm "trưng cầu dân ý"
    https://googletienlang2014.blogspot.com/2015/07/chuyen-cu-diem-trung-cau-dan-y.html
    BÁO MỸ TIẾT LỘ: HOA KỲ ĐÃ ĐẠO DIỄN CHO YELTSIN TRÚNG CỬ TỔNG THỐNG NHIỆM KỲ II RA SAO
    https://googletienlang2014.blogspot.com/2022/07/bao-my-tiet-lo-hoa-ky-ao-dien-cho.html

    Trả lờiXóa