Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

NGHĨ VỀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

NGHĨ VỀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

          Đã có hàng ngàn cuốn sách, bài báo của hàng trăm tác giả trong và ngoài nước phân tích, đánh giá về Đại thắng mùa xuân 1975 của lực lượng Cách mạng Việt Nam. Trong bài viết ngắn này, tác giả chỉ tập trung phân tích một số tình tiết, chứng minh các nhân tố sau:
          Một, vai trò cá nhân và tập thể lãnh đạo.
          Hai, vai trò quần chúng nhân dân, cán bộ chiến sĩ Cách mạng.
          Ba , về lực lượng quân sự hai phe.

          Vai trò lãnh đạo:
          Các nhà nghiên cứu tiến bộ trên thế giới đều nhất trí với nhau về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công đầu trong việc tổ chức, lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành lại độc lập, thống nhất đất nước từ tay thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. 

          Có một Đảng chân chính, đoàn kết thống nhất ý chí và hành động, có đường lối đúng đắn tập hợp mọi lực lượng yêu nước quanh mình, biết tổ chức làm chiến tranh tạo nên sức mạnh, lực lượng từ không đến có, từ yếu sang mạnh, từ du kích lên chính quy hiện đại, càng đánh càng mạnh, đối phương không nhận ra chiến thuật, chiến lược của bên ta, và cuối cùng dùng sức mạng tổng hợp quân sự, chính trị Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 gây cho quân địch và những nhà nghiên cứu trên thế giới sự ngạc nhiên đến ngở ngàng nhất trong thế kỷ XX: một nước dân số không đông, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, yếu kém đã biết xây dựng thế và lực cho mình đủ sức đánh thắng Pháp rồi Mỹ cường quốc hàng đầu thế giới. 
          Người Mỹ sau khi thua họ cũng nhìn ra cái mạnh của Cách mạng Việt Nam, cái yếu của họ và chính quyền tay sai Sài Gòn: Xuyên suốt 9 năm chống thực dân Pháp rồi 21 năm chống Mỹ, lãnh tụ Cách mạng Việt Nam là Hồ Chí Minh, và người kế nhiệm lãnh đạo, người thống lĩnh quân đội là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì vậy người Việt Nam có được đường lối chủ trương, lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhất quán, xuyên suốt cuộc chiến, tạo nên thế lực càng đánh càng mạnh và cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn. Người Pháp, người Mỹ không có được điểm ưu việt nói trên. Nước Pháp, vì cuộc chiến với Việt Nam đã xảy ra khủng hoảng không có người nào ngồi ghế Thủ tướng được lâu, phải thay đổi liên tục.  Người Mỹ cũng vậy, cuộc chiến 20 năm với Việt Nam họ có 4 đời Tổng thống, 3 đời Đại tướng(*).Tổng thống Nixon phải từ bỏ ý định tranh cử nhiệm kỳ sau. Đường lối chính trị, quân sự cũng thay đổi liên tục: Chiến tranh đơn phương, tự do bắn giết trong lúc đối phương không chống lại bằng vũ lực; Chiến tranh đặc biệt; Chiến tranh cục bộ; Việt Nam hóa chiến tranh. Người Mỹ còn mặt yếu không thể khắc phục: người lính không có động cơ, tự nguyện chiến đấu như người lính của Cách mạng. Mặt khác, quân viễn chinh chỉ ở chiến trường vài năm rồi về nước thay một lực lượng mới, hạn chế sự hiểu biết địa hình địa vật chiến trường. Người lính Cách mạng chiến đấu trên quê hương đất nước của mình, đi đâu ở đâu cũng là nhà, được người dân mến thương ủng hộ hết lòng. Lính của Sài Gòn, Mỹ và các nước chư hầu không được người dân ủng hộ mà còn bị họ tích cực chống lại.   
           Lãnh tụ và lãnh đạo Cách mạng Việt Nam các cấp hòa đồng, chịu gian khổ hy sinh như người chiến sĩ nên tạo sự gắn bó mật thiết giữa người lãnh đạo, chỉ huy với chiến sĩ và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dặn dò các tướng lĩnh: Chiến sĩ chưa có cơm thì chỉ huy không được kêu mình đói, chiến sĩ thiếu áo mặc chỉ huy không được nói mình rét...cán bộ đối với chiến sĩ phải như anh em ruột thịt...Điều này người Mỹ và lực lượng chư hầu cả VNCH không có được. Chính vì thế nên nhiều người trong hàng ngũ của họ nhìn thấy cuộc chiến tranh họ đang tham gia là phi nghĩa, nảy sinh tư tưởng phản chiến ngày càng đông.

          Vai trò quần chúng nhân dân cán bộ chiến sĩ:
          Ở miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước, có hai vùng: Một bên chính quyền Sài Gòn quản lý, một bên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý (vùng giải phóng). Vùng giải phóng dù bị bom đạn của địch đánh phá ác liệt nhưng người dân luôn bám đất bám làng sản xuất, đóng góp sức người sức của, ủng hộ Cách mạng không tiếc máu xương quyết chiến thắng xâm lược. Có một thực tế rõ ràng: Người ở vùng tạm chiếm tìm cách thoát ly tự nguyện tham gia lực lượng kháng chiến, còn địch phải bắt buộc thanh niên đi lính. Không có ai ở vùng giải phóng chạy ra vùng địch để tự nguyện đi lính cho QLVNCH.
           Lực lượng hai bên còn có cách sống, đối xử với người dân rất khác nhau:
          - Bên cách mạng, cán bộ chiến sĩ luôn tuân thủ kỷ luật rất nghiêm, không lấy cây kim sợi chỉ của dân, phải giúp dân, thực hành công tác dân vận cho tốt, tạo nên sự gắn bó giữa người dân với cán bộ chiến sĩ như cá với nước, nên: "Đi dân nhớ, ở dân thương", dân bao bọc, nuôi dưỡng che giấu bảo vệ cán bộ chiến sĩ giải phóng - không chỉ ở vùng giải phóng mà có cả ở vùng địch tạm chiếm nữa.
          - Lính "Quốc gia", khi càn vào vùng giải phóng họ bắn phá, giết chóc đồng bào, hãm hiếp phụ nữ, cướp tài sản của dân, xảy ra thường xuyên. Thời ấy lính Quốc gia mặc quần có hai túi ở đùi, người ta kháo nhau dùng để đựng gà vịt họ cướp của dân. - Đây là sụ thật chứ không phải nói đùa chế nhạo. Lính Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan...tàn sát người dân vùng giải phóng, đã xảy ra nhiều trường hợp đàn bà trẻ em bị giết chết oan uổng, gây ra oán thù khắp nơi, thì làm sao người dân ủng hộ họ được.
          Điều thực tế nêu trên cho thấy chính nghĩa đã thuộc về bên cách mạng rất rõ ràng. Những người lính viễn chinh có lương tâm, những nhà nghiên cứu trên thế giới có điều kiện tiếp cận tình hình ấy họ nhận ra bên sẽ thắng trong cuộc chiến này; nhà báo phương Tây Wilfred Burchett đã đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam trước tiên, khá sớm, qua tiếp xúc với lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ, người dân vùng giải phóng ông đã viết nhiều bài báo, in nhiều cuốn sách khẳng định: CÁCH MẠNG VN SẼ CHIẾN THẮNG.
           
          Lực lượng quân sự:
          Nếu chỉ xem đơn thuần về số lượng quân lính, trang thiết bị quân sự hai bên thì Mỹ và quân đội Sài Gòn mạnh hơn lực lượng miền Bắc và của MTDTGPMN rất nhiều lần.
          Lực lượng Quân Giải phóng của miền Nam, trước Đồng khởi 1959 gần như không đáng kể. Sau Đồng khởi, lực lượng ba thứ quân xây dựng tại chỗ và được miền Bắc chi viện phát triển nhanh nhưng quân số vẫn ít hơn quân Mỹ - ngụy và chư hầu. Trang bị vũ khí cũng kém hơn. Phía đối phương lực lượng không quân chiếm lĩnh làm chủ bầu trời, cơ động đổ quân bằng trực thăng, kịp chi viện cho chiến trường, làm cản ngại không nhỏ sức mạnh của quân ta. Xe tăng, bọc thép, pháo cực nhanh cũng là một lợi thế đáng kể của địch.
           Sau khi Mỹ rút quân lực lượng Cách mạng phát triển nhanh, chiến trường đã có xe tăng phối hợp với bộ binh trong chiến đấu, việc điều quân một số chiến trường có ô tô vận chuyển. Tuy vậy, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh việc tiến quân mới có điều kiện "thần tốc" hành tiến bằng ô tô đến hội quân tại Sài Gòn.
          Sau Hiệp định Paris 1973, chính quyền Sài Gòn không chịu thi hành Hiệp định, họ xua quân đánh chiếm vùng giải phóng, lấn đất giành dân, buộc phía Cách mạng phải đánh trả. Qua đó, cho thấy không có khả năng thống nhất bằng phương pháp hòa bình nên việc giải phóng miền Nam bằng sức mạnh quân sự là con đường duy nhất đúng. Ta nhanh chóng bố trí lực lượng mở chiến dịch Tây Nguyên rồi Trị Thiên, Khu năm và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Thành phố Sài Gòn đầu não của địch.
          Đến đầu năm 1975, lực lượng quân đội, cảnh sát, phòng vệ dân sự của VNCH còn nguyên vẹn, trên 1 triệu 200 ngàn quân, họ vẫn đông hơn bên Cách mạng. Nhưng về tinh thần thì sa sút nặng, bởi những lý do thuộc bản chất một quân đội không có chính nghĩa.
                    Cụ thể:
          - Khi có quân Mỹ và chư hầu dồn sức, nhưng không thắng. Sau khi đội quân viễn chinh rút về nước, đội quân VNCH "đơn độc" không còn chỗ dựa nữa nên tư tưởng hoang mang, ý chí chiến đấu sa sút là tất yếu.
          - Một chính quyền, quân đội được "nuôi" bằng viện trợ nước ngoài nó mới "thở" được. Khi mất nguồn viện trợ, ắt "tắt thở" là chuyện cũng tất yếu.
          - Trong chiến đấu, quân lính phải có chỉ huy giỏi, sát cánh bên họ thì lính mới tuân lệnh. Chính quyền, quân đội Sài Gòn  trong những ngày giữa cuối tháng Tư lịch sử 1975, ở vào tình trạng "Tướng đầu cuốn gói ba quân ngỡ ngàng". Rắn mất đầu, tướng tá lục tục bỏ chạy tiếp ra nước ngoài thì lính và sĩ quan cấp thấp tự tan rã cũng là tất yếu.


          Lịch sử chiến tranh thế giới chưa có cuộc tháo chạy nào như cuộc tháo chạy của QLVNCH mùa xuân 1975: Tháo chạy khỏi Tây Nguyên là cuộc tháo chạy tồi tệ nhất trong chiến tranh. Tháo chạy khỏi Trị Thiên - Quảng Nam Đà Nẵng cũng không hơn tháo chạy bỏ Tây Nguyên bao nhiêu. Lính tráng, chỉ huy không chiến đấu, lột bỏ quần áo, giày, nón sắt, vứt súng đạn hàng cây số trên đường phố ngoại ô Sài Gòn như mọi người đã biết.         
          Trước tình hình càng đánh càng thắng, trận thắng sau to hơn trước, khí thế quân dân lên cao vùn vụt, thu chiến lợi phẩm của địch đủ loại số lượng lớn nhất: máy bay, xe tăng, chiến xa, vũ khí, xăng dầu...bổ sung kịp thời, lực lượng cách mạng lớn mạnh như Phù Đổng; trong một thời gian ngắn đủ lực mở cuộc chiến cuối cùng dự định phải giải quyết trong tình huống phức tạp, kẻ thù còn  cố chống trả. Nhưng trước sức mạnh của quân đội và quần chúng cách mạng, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải chọn giải pháp đầu hàng, quân đội Sài Gòn chỉ còn vài nhóm nhỏ chống cự lẻ tẻ nhanh chóng bị quân ta tiêu diệt trên đường thẳng tiến vào Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975. Rồi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng toàn miền Nam vào ngày hôm sau ở các tỉnh đồng bằng sông Cữu Long.
         

          Ngày nay thời bình, từ tình hình thực tế Đảng, Nhà nước ta chủ trương hiện đại hóa quân đội bao gồm các mảng đổi mới phương thức huấn luyện, tăng cường quản lý chặt chẽ, mua sắm và chế tạo các loại vũ khí, khí tài mới, ưu tiên trang bị cho lực lượng Phòng không, Không quân, Hải quân, v.v...mạnh, hiện đại gấp nhiều lần 40 năm trước, sẵn sàng đập tan những thế lực phản động, bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.  

                                                          GIÀ THÉP
            Chú thích (thao Wikipedia):
            Các Tổng thống Mỹ lãnh đạo cuộc chiến Việt Nam: Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixxon, và hon một năm đầu của Gerald Fotd nữa. Các Đại tướng: McNamara, Westmoreland, Abrams.
             Lực lượng quân sự hai phía:
             * Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam: Quân số: 520.000, trong đó 280.000chie61n đấu ở miền Nam (năm 1968).
            Trang bị nặng (năm 1968): 150 xe thiết giáp, 850 đại bác, 90 máy bay và trực thăng, 65 hệ thống phòng không SA-2, 1000 pháo phòng không, 12 tàu phóng ngư lôi và vài chục tàu vận tải nhỏ.
             Trung Quốc: 170.000 (giai đoạn 1965-1969, chủ yếu là nhân viên hậu cần-làm đường phía bắc Hà Nội), Liên Xô: 3000, CHDCND Triều Tiên: 300-600.

             * Mỹ và chư hầu: 1.200.000 quân (tháng 7.1968), gồm:
             Hoa kỳ: 541.933 người, VNCH; 600.00, Thái Lan: 5900, Hàn Quốc: 50.355, Philippines: 1825, Úc: 7.379, New Zealand: 523, Đài Loan: 31.
             Trang bị của địch (năm 1968): 3787 xe tăng, xe thiết giáp, 2540 đại bác các loại, hơn 2000 máy bay và 3.300 máy bay trực thăng (chiếm 60% Không lực Hoa Kỳ), 4 tàu sân bay, 263 tầu chiến và hơn 1500 xuồng cỡ nhỏ (chiếm 40% Hải quân hoa kỳ)... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét