Lời dẫn: Ward Wilson là nhà phân tích chính sách hạt nhân, đã sống và
làm việc tại Trenton , New Jersey- Hoa Kỳ. Từ năm 2007 đến nay Ward
Wilson nổi tiếng trên toàn thế giới về những nghiên cứu chính sách hạt nhân.
Những tác phẩm của ông đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế.
Ward Wilson
Wilson đã được
mời đến thuyết trình tại Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, các viện Anh Commons, Nghị
viện châu Âu, Viện Brookings, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, Naval
War College cùng nhiều trường đại học danh tiếng như Harvard, Princeton, Stanford, Georgetown
và Đại học Chicago. Wilson được mời đến giới thiệu cuốn sách của mình “Năm thần
thoại về vũ khí hạt nhân” tại Văn phòng Liên Hợp Quốc về giải trừ quân bị giao
vào tháng Hai năm 2013…
Google.tienlang giới thiệu bài viết "The Bomb Didn’t Beat Japan… Stalin Did”- "Nhật đầu hàng không phải vì bom nguyên
tử, mà... vì Stalin" của Ward Wilson đăng trên Tạp chí Foreign Policy- Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
****************************
Nguồn: Ward Wilson, “The Bomb Didn’t Beat Japan… Stalin Did”, Foreign
Policy, 30/5/2013.
Biên dịch: Lê Hoàng Giang
Phải chăng 70 năm chính sách
về vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ đã dựa trên một lời nói dối?
Việc Hoa Kỳ sử dụng vũ khí hạt
nhân chống lại Nhật Bản trong Thế Chiến II từ lâu đã là chủ đề của nhiều cuộc
tranh luận cảm tính. Ban đầu, ít ai đặt ra nghi vấn về quyết định của Tổng
thống Truman là thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima
và Nagasaki .
Nhưng vào năm 1965, nhà sử học Gar Alperovitz đã lập luận rằng mặc dù bom
nguyên tử đã trực tiếp chấm dứt chiến tranh, song giới lãnh đạo Nhật Bản dù gì
cũng đã muốn đầu hàng và có thể đã đầu hàng trước khi cuộc đổ bộ của Mỹ dự kiến
vào ngày 1 tháng 11 năm 1945 diễn ra. Do vậy, việc sử dụng bom nguyên tử là
không cần thiết. Rõ ràng là nếu việc thả bom là không cần thiết để giành chiến
thắng thì việc ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki là sai lầm.
Trong 48 năm sau đó, rất nhiều người đã tham gia vào cuộc tranh cãi: một số
người ủng hộ Alperovitz và lên án vụ ném bom, những người khác lại phản bác nảy
lửa và cho rằng những vụ ném bom là cần thiết, hợp đạo đức, và giúp cứu mạng
rất nhiều người.
Tuy nhiên, cả hai dòng tư tưởng
đều giả định rằng việc ném xuống Hiroshima và Nagasaki loại vũ khí mới và uy
lực hơn đã buộc Nhật Bản phải đầu hàng vào ngày 9 tháng 8 năm 1945. Cả hai dòng
tư tưởng đều đã không chất vấn tính hữu ích của việc ném bom ngay từ đầu – về
căn bản là hỏi rằng liệu việc đó có hiệu quả không? Quan điểm chính thống là
có, tất nhiên là đã có tác dụng. Hoa Kỳ đã ném bom Hiroshima vào ngày 6 tháng 8
và Nagasaki vào ngày 9 tháng 8, khi đó Nhật Bản cuối cùng đã chịu khuất phục
trước đe dọa tiếp tục bị ném bom hạt nhân và đầu hàng. Luận điểm này được ủng
hộ vô cùng mạnh mẽ. Nhưng nó có ba vấn đế lớn, và khi tổng hợp lại thì cả ba sẽ
làm giảm đáng kể tính thuyết phục của cách diễn giải truyền thống cho sự đầu
hàng của Nhật Bản.
Vấn đề thời gian
Vấn đề đầu tiên của cách diễn
giải truyền thống là thời gian. Và đó là một vấn đề lớn. Cách diễn giải truyền
thống chỉ đi theo một dòng thời gian đơn giản: Không lực Lục quân Hoa Kỳ[1] ném
bom hạt nhân xuống Hiroshima vào ngày 6 tháng 8, ba ngày sau họ ném một quả bom
nữa xuống Nagasaki, và ngay hôm sau Nhật Bản tỏ ý định muốn đầu hàng”. Khó mà
có thể đổ lỗi cho những tờ báo của Mỹ vì cho đăng những dòng tít như “Hòa bình
ở Thái Bình Dương: Bom của chúng ta đã thành công!”.
Khi câu chuyện về Hiroshima được kể lại
trong phần lớn sách lịch sử Mỹ, ngày vụ ném bom diễn ra – ngày 6 tháng 8 – được
dùng làm cao trào của câu chuyện. Tất cả thành tố của câu chuyện đều hướng đến
thời khắc đó: quyết định chế tạo quả bom, những nghiên cứu bí mật ở Los Alamos,
cuộc thử nghiệm đầu tiên đầy ấn tượng, và thành quả cuối cùng ở Hiroshima . Nói cách khác,
nó được kể như là một câu chuyện về bom nguyên tử. Song không thể nào phân tích
quyết định đầu hàng của Nhật Bản một cách khách quan trong bối cảnh câu chuyện
về bom nguyên tử. Ngay cách nói “câu chuyện về bom nguyên tử” đã giả định rằng
vai trò của bom nguyên tử là trọng tâm rồi.
Nếu xem xét từ quan điểm của Nhật
Bản, thì ngày quan trọng nhất trong tuần thứ 2 của tháng 8 năm đó không phải
ngày 6 mà là ngày 9 tháng 8. Đó là ngày Hội đồng Tối cao đã họp – lần đầu tiên
trong cả cuộc chiến – để bàn về việc đầu hàng vô điều kiện. Hội đồng Tối cao là
một nhóm gồm 6 thành viên cao cấp nhất của chính phủ – giống như một “nội” nội
các – và trên thực tế là nhóm người đã cai trị Nhật Bản trong năm 1945. Giới
lãnh đạo Nhật Bản đã không cân nhắc một cách nghiêm túc đến việc đầu hàng cho
đến tận ngày đó. Đầu hàng vô điều kiện (điều mà phe Đồng Minh yêu cầu) là một
viên thuốc đắng. Hoa Kỳ và Anh Quốc khi đó đã đang tổ chức những phiên tòa xét
xử tội phạm chiến tranh ở châu Âu. Sẽ thế nào nếu như họ quyết định đưa Thiên
Hoàng Nhật Bản – vốn được coi như thánh sống – ra trước tòa? Sẽ thế nào nếu họ
phế truất Thiên Hoàng và thay đổi hoàn toàn hình thức chính quyền? Kể cả khi
tình hình trong mùa hè năm 1945 đã rất tồi tệ, thì các nhà lãnh đạo Nhật Bản
vẫn không sẵn sàng cân nhắc việc từ bỏ truyền thống, tín ngưỡng, hay lối sống
của họ. Cho đến ngày 9 tháng 8. Chuyện gì đã có thể xảy ra để làm họ phải đổi ý
một cách bất ngờ và quyết đoán như vậy? Điều gì đã khiến họ phải ngồi xuống và
họp bàn một cách nghiêm túc về việc đầu hàng lần đầu tiên sau 14 năm chiến
tranh?
Điều đó không thể nào là Nagasaki . Vụ ném bom
Nagasaki diễn ra vào cuối buổi sáng ngày 9 tháng 8, sau khi Hội đồng Tối cao đã
bắt đầu họp bàn chuyện đầu hàng, và tin về vụ ném bom chỉ đến tai các nhà lãnh
đạo Nhật Bản vào đầu buổi chiều – sau khi cuộc họp của Hội đồng Tối cao đã kết
thúc trong bế tắc và toàn bộ nội các đã được triệu tập để tiếp tục họp bàn. Chỉ
dựa trên yếu tố thời gian thôi, thì Nagasaki
không thể nào là động cơ khiến họ đầu hàng.
Tổng thống John F. Kennedy còn
đang ngồi trên giường đọc báo vào khoảng 8:45 sáng ngày 16 tháng 10 năm 1962
khi McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia của ông, chạy vào để báo rằng Liên
Xô đang bí mật lắp đặt tên lửa hạt nhân ở Cuba. Trong vòng hai giờ bốn mươi lăm
phút, một ủy ban đặc biệt đã được thành lập, các thành viên trong hội đồng đã
được xét chọn, liên lạc, đưa đến Nhà Trắng, và ngồi quanh bàn họp nội các để
thảo luận xem nên làm gì.
Tổng thống Harry Truman đang đi
nghỉ tại Independence, Missouri vào ngày 25 tháng 6 năm 1950 khi Bắc Triều Tiên
đưa quân vượt qua vĩ tuyến 38 và xâm lược Nam Triều Tiên. Ngoại trưởng Acheson
đã gọi ngay cho Truman vào sáng thứ 7 đó để báo tin cho ông. Trong vòng 24 giờ,
Truman đã bay nửa vòng qua nước Mỹ và có mặt tại Nhà Blair[2] (Nhà
Trắng khi đó đang được tu sửa) cùng các cố vấn quân sự và chính trị hàng đầu để
bàn tính nên làm gì tiếp theo.
Thậm chí Tướng George Brinton
McClellan – tổng tư lệnh Binh đoàn Potomac thuộc quân miền bắc vào năm 1863
trong thời Nội Chiến Mỹ, người mà Tổng thống Lincoln nhận xét một cách đáng
buồn rằng “Anh ta là người chậm chạp” – cũng chỉ mất 12 giờ để phản ứng sau khi
thu giữ được một bản quân lệnh của Tướng Robert E. Lee về việc xâm lược
Maryland.
Những vị lãnh đạo này đều đã phản
ứng bởi nhu cầu cấp bách mà một cuộc khủng hoảng tạo ra – như các lãnh đạo của
bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phản ứng. Họ đều có những bước đi quyết đoán trong
một khoảng thời gian rất ngắn. Làm thế nào có thể lắp ghép cách hành xử này với
phản ứng của những nhà lãnh đạo Nhật Bản? Nếu Hiroshima thực sự châm ngòi cho
một cuộc khủng hoảng mà cuối cùng đã buộc Nhật Bản phải đầu hàng sau 14 năm
chiến tranh, thì sao họ lại phải mất đến 3 ngày mới cùng họp mặt để bàn về nó?
Có người có thể lập luận rằng sự
trì hoãn này là hoàn toàn hợp lý. Có lẽ họ đã chỉ nhận thức được tầm quan trọng
của vụ ném bom này một cách chậm rãi. Có lẽ họ chưa biết đó là vũ khí hạt nhân
và khi đã biết và đã nhận ra tác động khủng khiếp của loại vũ khí này, thì họ
đã tự nhiên kết luận rằng họ phải đầu hàng. Không may thay, cách lý giải này
không phù hợp với các bằng chứng.
Trước hết, tỉnh trưởng Hiroshima đã báo cáo cho Tokyo
vào ngay ngày Hiroshima
bị ném bom rằng khoảng một phần ba dân số thành phố đã bị giết trong vụ tấn
công và khoảng hai phần ba thành phố đã bị phá hủy. Thông tin này không hề thay
đổi trong những ngày sau đó. Vậy nên kết quả cuối cùng của vụ ném bom đã rõ
ràng ngay từ đầu. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã biết tương đối rõ hậu quả của vụ
tấn công ngay từ ngày đầu tiên, vậy mà họ vẫn không phản ứng.
Thứ hai, báo cáo sơ bộ của nhóm
điều tra của Lục quân (Nhật) về vụ ném bom Hiroshima, bản báo cáo rất chi tiết
về chuyện đã xảy ra ở đó, đã không được trình nộp cho đến ngày 10 tháng 8. Nói
cách khác, bản báo cáo này đã không được đưa đến Tokyo cho đến sau khi đã có quyết định đầu
hàng. Mặc dù họ đã báo cáo bằng miệng (cho quân đội) về vụ đánh bom vào ngày 8
tháng 8, song vẫn không có chi tiết về vụ ném bom này cho đến hai ngày sau. Do
đó, đưa ra quyết định đầu hàng không phải xuất phát từ sự sợ hãi sâu sắc trước
nỗi kinh hoàng ở Hiroshima .
Thứ ba, quân đội Nhật Bản có
hiểu, ít nhất là một cách sơ sài, vũ khí hạt nhân là gì. Nhật Bản cũng có một
chương trình vũ khí hạt nhân. Một vài quân nhân đã viết trong nhật ký của họ
rằng một quả bom nguyên tử đã hủy diệt Hiroshima .
Tướng Anami Korechika, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, thậm chí đã tham vấn với người
đứng đầu chương trình vũ khí hạt nhân của Nhật Bản vào tối ngày 7 tháng 8. Vì
vậy cho rằng các nhà lãnh đạo Nhật Bản không biết gì về vũ khí hạt nhân là
không hợp lý.
Cuối cùng, một dữ kiện khác về
chuyện thời gian cho thấy một vấn đề rất lớn. Ngày 8 tháng 8, Ngoại trưởng Togo
Shigenori đã đến gặp Thủ tướng Suzuki Kantaro và yêu cầu triệu tập Hội đồng Tối
cao để họp bàn về vụ ném bom Hiroshima, nhưng các thành viên trong Hội đồng đã
từ chối. Vậy là cuộc khủng hoảng đã không lớn lên từng ngày cho đến khi bùng
phát toàn diện vào ngày 9 tháng 8. Bất kỳ cách lý giải nào về những hành động
của các lãnh đạo Nhật Bản dựa trên cơ sở cơn “sốc” từ vụ ném bom Hiroshima phải
lý giải được vì sao họ đã cân nhắc họp mặt vào ngày 8 tháng 8 để bàn về vụ ném
bom, quyết định rằng nó là không quan trọng, và rồi đột nhiên quyết định họp
bàn chuyện đầu hàng ngay ngày hôm sau. Hoặc là tất cả bọn họ đều bị chung một
dạng bệnh tâm thần phân liệt tập thể nào đó, hoặc là một sự kiện nào khác mới
thực sự là động cơ để họ bàn tính chuyện đầu hàng.
Quy mô
Xét về mặt lịch sử, việc sử dụng
bom nguyên tử có thể được xem như sự kiện riêng lẻ quan trọng nhất trong cuộc
chiến. Tuy nhiên, nếu xét từ quan điểm của Nhật Bản tại thời điểm đó, có thể
không dễ gì phân biệt được vụ ném bom nguyên tử với những sự kiện khác. Sau
cùng thì đâu dễ gì phân biệt được một hạt mưa giữa một cơn giông bão.
Mùa hè năm 1945, Không lực Lục
quân Hoa Kỳ đã thực hiện một trong những chiến dịch hủy diệt thành thị dữ dội
nhất trong lịch sử thế giới. Sáu mươi tám thành phố của Nhật Bản đã bị không
kích và tất cả đều bị hủy diệt một phần hoặc toàn bộ. Ước tính khoảng 1,7 triệu
người đã mất nhà cửa, 300.000 người chết, và 750.000 người bị thương. Sáu mươi
sáu trong tổng số những vụ tấn công đó được thực hiện bằng bom thông thường,
hai vụ bằng bom nguyên tử. Sự hủy diệt từ những vụ tấn công thông thường là rất
lớn. Hết đêm này qua đêm khác, suốt cả mùa hè, các thành phố đều chìm trong
khói lửa. Giữa cơn hủy diệt nhiều như thác đổ như vậy, sẽ chẳng đáng ngạc nhiên
nếu một vụ tấn công đơn lẻ nào đó không gây được ấn tượng gì nhiều – kể cả nếu
nó được thực hiện bằng một loại vũ khí mới đáng chú ý nào đó.
Một máy bay ném bom B-29 xuất
phát từ quần đảo Mariana có thể mang theo khoảng 16.000 đến 20.000 pound[3] bom,
tùy thuộc vào vị trí mục tiêu và cao độ tấn công. Một vụ không kích điển hình
thường cần đến 500 đợt máy bay ném bom. Điều này nghĩa là trong một cuộc không
kích thông thường sẽ có khoảng 4 – 5 kiloton bom được thả xuống mỗi thành phố.
(Một kiloton tương đương với một ngàn tấn và là đơn vị tiêu chuẩn để đo sức
công phá của vũ khí hạt nhân. Sức công phá của quả bom được thả xuống Hiroshima là 16,5
kiloton, của quả bom được thả xuống Nagassaki là 20 kiloton). Do việc sử dụng
nhiều quả bom sẽ phân bổ sự hủy diệt ra đều hơn (và do đó sẽ hiệu quả hơn),
trong khi một quả bom duy nhất, dù mạnh hơn, sẽ lãng phí phần lớn sức công phá
ở khu vực trung tâm vụ nổ – trên thực tế là làm cho đống đổ nát bị bật lại –
thì có thể lập luận rằng một số vụ không kích bằng bom thông thường đã đạt đến
mức độ hủy diệt gần bằng hai vụ ném bom nguyên tử.
Vụ không kích thông thường đầu
tiên, diễn ra vào đêm 9-10 tháng 3 tại Tokyo, đến nay vẫn là vụ tấn công có mức
độ hủy diệt lớn nhất nhằm vào một thành phố trong lịch sử chiến tranh. Khoảng
16 dặm vuông[4] diện
tích thành phố đã bị phá hủy. Khoảng 120.000 người Nhật đã thiệt mạng – con số
thương vong lớn nhất trong số bất kỳ vụ không kích đô thị nào.
Vì cách kể lại câu chuyện mà
chúng ta thường tưởng tượng rằng vụ ném bom Hiroshima có hậu quả kinh khủng hơn rất
nhiều. Chúng ta tưởng tượng rằng số người bị giết trong vụ đó là cao chưa từng
có. Nhưng nếu thống kê số người thiệt mạng trong số tất cả 68 thành phố bị
không kích vào mùa hè năm 1945, thì bạn sẽ thấy Hiroshima xếp thứ hai về số
thường dân thiệt mạng. Nếu thống kê theo số diện tích bị phá hủy, thì bạn sẽ
thấy Hiroshima
xếp thứ tư. Nếu thống kê số phần trăm diện tích thành phố bị phá hủy, thì Hiroshima xếp thứ 17. Rõ
ràng là Hiroshima
nằm trong phạm vi phạm vi mức độ hủy diệt của những vụ không kích thông thường
diễn ra trong mùa hè năm đó.
Từ quan điểm của chúng ta, vụ Hiroshima có vẻ đặc biệt,
phi thường. Nhưng nếu bạn đứng vào vị trí của những nhà lãnh đạo Nhật Bản trong
khoảng ba tuần trước vụ ném bom Hiroshima ,
thì toàn cảnh sẽ khác đi đáng kể. Nếu bạn là một thành viên chủ chốt trong
chính phủ Nhật Bản vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, trải nghiệm của bạn về
những vụ ném bom thành thị sẽ như thế này: Sáng ngày 17 tháng 7, bạn sẽ thức dậy
và nhận được báo cáo rằng trong đêm qua bốn thành phố đã bị tấn công: Oita,
Hiratsuka, Numazu, và Kuwana. Trong số này, Oita
và Hiratsuka bị
hủy diệt hơn 50%. Kuwana bị hủy diệt hơn 75% và Numazu còn phải chịu hậu quả
nặng nề hơn, với khoảng 90% thành phố bị san phẳng.
Ba ngày sau đó bạn tỉnh dậy và
biết tin rằng ba thành phố nữa đã bị tấn công. Fukui bị hủy diệt hơn 80%. Một tuần sau đó,
thêm ba thành phố nữa bị tấn công trong đêm trước đó. Hai ngày sau, thêm sáu
thành phố bị tấn công trong một đêm, trong đó Ichinomiya bị hủy diệt 75%. Vào
ngày 2 tháng 8, bạn đến phòng làm việc và nhận được báo cáo rằng thêm bốn thành
phố nữa đã bị tấn công. Và trong những báo cáo này sẽ bao gồm thông tin rằng
Toyama (xấp xỉ kích thước Chattanooga, Tennessee vào năm 1945) đã bị hủy diệt
99,5%. Gần như toàn bộ thành phố đã bị san thành bình địa. Bốn ngày sau đó và
thêm bốn thành phố nữa bị tấn công. Ngày 6 tháng 8, chỉ có một thành phố,
Hiroshima, bị tấn công nhưng các báo cáo viết rằng thiệt hại là rất lớn và có
một loại bom mới được sử dụng. Một vụ tấn công mới này có thể nổi bật hơn là
bao so với hàng loạt những vụ ném bom thành thị đã diễn ra suốt hàng tuần trước
đó?
Trong ba tuần trước khi Hiroshima
bị ném bom, 26 thành phố đã bị Không lực Lục quân Hoa Kỳ tấn công. Trong số đó,
tám thành phố – gần một phần ba tổng số – bị tàn phá ở mức độ ngang bằng hay
thậm chí là hơn cả Hiroshima (tính theo tỉ lệ phần trăm diện tích thành phố bị
hủy diệt). Việc Nhật Bản có đến 68 thành phố bị phá hủy trong mùa hè năm 1945
đưa ra một thách thức lớn cho những người cho rằng vụ ném bom Hiroshima là
nguyên nhân Nhật Bản đầu hàng. Câu hỏi là: Nếu họ đầu hàng vì một thành phố bị
phá hủy, thì tại sao họ không đầu hàng khi 66 thành phố kia bị phá hủy?
Nếu các lãnh đạo Nhật Bản định
đầu hàng vì Hiroshima và Nagasaki, bạn sẽ cho rằng họ cũng quan tâm đến các vụ
ném bom thành thị nói chung, rằng những vụ tấn công nhằm vào các thành phố của
họ đã gây áp lực buộc họ phải đầu hàng. Nhưng có vẻ không phải như vậy. Hai
ngày sau khi Tokyo bị không kích, cựu Ngoại trưởng Shidehara Kijuro đã bày tỏ
một quan điểm mà dường như cũng được rất nhiều thành viên cấp cao trong chính
phủ Nhật Bản lúc bấy giờ chia sẻ. Shidehara nói rằng “người dân sẽ quen dần với
việc ngày nào cũng phải hứng chịu bom. Dần dần tinh thần đoàn kết và quyết tâm
của họ sẽ mạnh mẽ hơn nữa”. Trong một lá thư gửi một người bạn ông viết rằng
quan trọng là người dân phải cam chịu khổ cực vì “kể cả nếu hàng trăm ngàn
người không trực tiếp tham chiến bị giết, bị thương, hoặc chết đói, kể cả nếu
hàng triệu tòa nhà bị phá nát hay thiêu hủy”, thì vẫn cần có thêm thời gian vì
mục đích ngoại giao. Cần phải nhớ rằng Shidehara là một nhân vật ôn hòa.
Những lãnh đạo ở cấp cao nhất
trong chính phủ – trong Hội đồng Tối cao – dường như cũng có thái độ như vậy.
Mặc dù Hội đồng Tối cao đã bàn tính đến tầm quan trọng của việc Liên Xô vẫn còn
trung lập, song họ chưa hề thảo luận kỹ lưỡng về tác động của những vụ ném bom
thành thị. Trong những ghi chép được lưu giữ lại, những vụ ném bom thành thị
thậm chí còn không được nhắc đến trong các cuộc thảo luận của Hội đồng Tối cao
ngoại trừ hai lần: một lần được nhắc đến vào tháng 5 năm 1945 và một lần trong
cuộc họp bàn về nhiều vấn đề trong đêm 9 tháng 8. Dựa trên các bằng chứng, thật
khó có thể chứng minh được rằng các lãnh đạo Nhật Bản cho rằng những vụ ném bom
thành thị có ý nghĩa quan trọng hơn so với những vấn đề cấp bách khác trong
thời chiến.
Tướng Anami vào ngày 13 tháng 8
đã nhận xét rằng hai vụ ném bom nguyên tử chẳng mấy đe dọa hơn những vụ ném bom
thông thường mà Nhật Bản đã phải chịu đựng hàng tháng trời. Nếu Hiroshima và
Nagasaki chẳng tệ hại hơn những vụ ném bom thông thường là mấy, và nếu các lãnh
đạo Nhật Bản không cho rằng chúng đủ quan trọng để mang ra thảo luận kỹ lưỡng,
thì sao mà những vụ ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki có thể làm họ sợ đến
mức đầu hàng được?
———————
[1] Không
lực Lục quân Hoa Kỳ (U.S. Army Air Forces) là đơn vị không quân trực thuộc Lục
quân Hoa Kỳ (U.S. Army). Phải đến năm 1947 đơn vị này mới tách ra khỏi Lục quân
và trở thành một quân chủng riêng biệt là Không lực Hoa Kỳ (U.S. Air Force)
(ND).
[2] Nhà
Blair là một tòa nhà lịch sử tại Washington, D.C. và nằm trong quần thể Nhà
khách Tổng thống. Năm 1942, chính phủ Hoa Kỳ mua lại tòa nhà này và sử dụng để
tiếp đón khách của Tổng thống hay làm nơi ở tạm thời cho Tổng thống bên cạnh
Nhà Trắng (ND).
[3] 1
pound xấp xỉ 0,45 kg (ND).
[4] 1
dặm xấp xỉ 1,6 km, 1 dặm vuông xấp xỉ 2,58 km2 (ND).
-
See more at:
http://nghiencuuquocte.org/2016/01/04/nhat-dau-hang-vi-stalin-khong-phai-bom-nguyen-tu-p1/#sthash.kALCoRey.dpuf
Nguồn: Ward Wilson, “The Bomb Didn’t Beat Japan… Stalin Did”, Foreign Policy, 30/5/2013.
Biên dịch: Lê Hoàng Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét