Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

KỶ NIỆM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ NGHE LẠI PHÁT BIỂU CỦA TƯỚNG DE CASTRIES

Tướng De Castries dưới hầm ngầm ở Điện Biên Phủ
Lời dẫn: Trong dịp Đại lễ 30/4 vừa qua, Google.tienlang đã đăng một số bài lên án hiện tượng "viết lại lịch sử", "vinh danh chế độ ngụy quyền VNCH" và "chạy tội cho đế quốc Mỹ. Tiếp nối chủ đề này, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về giai đoạn cuối của cuộc Kháng chiến Chống Pháp với đỉnh điểm là thắng lợi ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ thể, chúng ta hãy nghe lại những tâm sự của viên tướng chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ De Castries để thấy rằng ngay từ thời điểm đó, Mỹ đã chỉ huy cả người Pháp để rồi sa lầy ngày càng sâu rộng vào cuộc xâm lược bẩn thỉu kéo dài 21 năm sau đó, và để cuối cùng chịu thất bại thê thảm ngày 30/4/1975....
Cảm ơn nhà báo
- Đạo diễn Xô Viết Roman Karmen đã kịp thời ghi lại những lời tâm sự này của tướng De Castries ngay sau Chiến dịch Điện Biên Phủ và cảm ơn anh Phan Việt Hùng đã dịch, giới thiệu bài phỏng vấn trên báo VTC.

***********************************  
Phỏng vấn độc quyền bại tướng De Castries
(VTC News) – Đạo diễn Xô Viết Roman Karmen đã công bố cuốn hồi ký, trong đó có cuộc phỏng vấn được coi là độc quyền với bại tướng De Castries ở lán trại tù binh tại Điện Biên.
Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 24/5/1954, một nhóm đoàn làm phim Liên xô đã đến Việt Nam để giúp chúng ta ghi lại những giờ phút quyết định của cuộc kháng chiến chống Pháp, tái hiện lại một giai đoạn oai hùng trong lịch sử của dân tộc.
Trưởng đoàn làm phim là đạo diễn nổi tiếng Roman Karmen, ngoài ra còn có hai nhà quay phim Evgheny Mukhin và Vladimir Esurin. Roman Karmen là nhà đạo diễn đã có mặt và làm phim tại những điểm nóng của thế kỷ XX như Stalingrad trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên xô, nội chiến Tây Ban Nha, cuộc cách mạng Cuba…

Mang theo 900 kg thiết bị, ở lại Việt Nam gần 8 tháng, quay gần 4 vạn mét phim, các nhà điện ảnh Xô viết đã có một kho tư liệu vô giá để dựng thành bộ phim tài liệu nghệ thuật màu “Việt Nam”. Trước năm 2004, khán giả Việt Nam đã biết đến bộ phim này (bản đen trắng) với tựa đề “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Năm 2004, Đài truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền bộ phim màu giá trị này và đã giới thiệu trên sóng VTV.

Đặc biệt, trong những ngày ở Việt Nam, Roman Karmen đã có những ghi chép để sau này xuất bản cuốn sách “Ánh sáng trong rừng thẳm”. Mở đầu cuốn hồi ký, Roman Karmen cho biết ông bắt đầu những ghi chép này vào tháng 4/1954, sau khi làm một bộ phim về những người thợ dầu khí ở biển Kaspi. 

Về nước, sau khi hoàn thành bộ phim “Việt Nam”, Roman Karmen bắt đầu biên soạn lại các ghi chép của mình thành cuốn sách “Ánh sáng trong rừng thẳm”, dày  327 trang,  được Nhà xuất bản “Nhà văn Xô viết” ấn hành năm 1957. Cuốn đầu tiên, ông đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh với bức thư có đoạn viết:
“Cuốn sách này là kết quả hoạt động khiêm tốn của tôi-một nhà báo, nhà điện ảnh Liên xô, hết lòng yêu mến đất nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Tôi xin dành cuốn sách này cho những người Việt Nam hào hiệp và cao quý, những chiến sĩ vì tự do, những người lao động”.

Trong cuốn hồi ký của mình, Roman Karmen đã dành tình cảm và có ấn tượng đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể chi tiết về hành trình làm phim của mình với muôn vàn khó khăn, vất vả…Đặc biệt, ông có dành một chương kể về cuộc gặp với tướng De Castries tại khu lán trại đặc biệt giam giữ vị chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ…

Tại cuộc trò chuyện này với nhà làm phim Xô viết, De Castries đã có những quan điểm thẳng thắn, đề cao chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu đánh giá về tướng Navarre, chỉ huy lính viễn chinh Pháp tại Đông Dương và không quên những lời biện hộ cho thất bại…
 
Tại cuộc trò chuyện này với nhà làm phim Xô viết, De Castries đã có những quan điểm thẳng thắn, đề cao chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu đánh giá về tướng Navarre, chỉ huy lính viễn chinh Pháp tại Đông Dương và không quên những lời biện hộ cho thất bại…
Phỏng vấn độc quyền bại tướng De Castries
Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong phim Việt Nam của đạo diễn Roman Karmen
Cuộc gặp, phỏng vấn của đạo diễn nổi tiếng Roman Karmen với tướng De Castries được thực hiện tại lán trại, nơi giam giữ vị chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một chương trong cuốn hồi ký “Ánh sáng trong rừng thẳm” của Roman Karmen, xuất bản năm 1957.

Dưới đây là trích đoạn hồi ký:

“…Hai ngày liền chúng tôi quay phim ở trại tù binh. Chỉ còn lại mỗi việc là ghi hình tướng De Castries, hiện đang ở cách đó mấy cây số. Chỉ cần có sự đồng ý của vị tướng này nữa là xong. Hôm nay, người ta báo với tôi là ông ta không phản đối, nhưng ông ta muốn gặp tôi trước để bàn về những cảnh quay sẽ triển khai.

Chúng tôi phải đi bộ 3 tiếng đồng hồ mới tới ngôi làng. Chiều muộn, chúng tôi đến một cái lán, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp với vị tướng cựu chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ông ta bước vào, cao và gầy, miệng ngậm tẩu, tay chống một chiếc gậy tre. Cặp mắt màu xanh rong biển, lạnh lẽo của ông ta đang nhìn tôi, y hệt như trong hàng trăm tấm hình tôi đã nhìn thấy trước đó trong các họa báo Pháp. Cần cổ gầy, và những ngón tay mảnh mai, quý tộc.

 Tướng De Castries trong phim Việt Nam của đạo diễn Roman Karmen
Người phiên dịch giới thiệu nhà làm phim Liên xô với De Castries. Chúng tôi bắt tay nhau, và ông ta nhìn tôi rất chăm chú. Tôi những tưởng rằng cuộc gặp này sẽ hết sức chóng vánh, tuy nhiên nó kéo dài và mãi đến tận khuya chúng tôi mới chia tay nhau.

Tôi hỏi ông ta đang nghĩ gì. De Castries liền nói ngay là ông ta muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các sĩ quan và binh lính Việt Nam đã đối xử nhân đạo với tù binh Pháp.

-Ngài vẫn có thể viết thư về nhà chứ?

 -Trong trại chúng tôi vẫn có quyền viết thư. Cá nhân tôi sau khi bị bắt đã gửi thư về Hà Nội, nhưng chưa nhận được phản hồi từ vợ tôi. Có lẽ cô ấy đã trở về Pháp, và lá thư có lẽ vẫn đang trên đường theo cô ấy.

Tôi đề cập đến nội dung chính. Chúng tôi đang làm một bộ phim phản ánh những sự kiện ở Việt Nam. Tôi muốn ghi hình cảnh vị tướng này đang ở trong những điều kiện sống như thế nào ở nơi giam giữ.

-Tôi không phản đối.

-Ngoài ra, tôi còn muốn đề nghị ngài trả lời phỏng vấn, nói vài câu trước micro.


De Castries mỉm cười:

-Có lẽ ngài muốn tôi đưa ra một tuyên ngôn nào đó?

-Ngài có thể nói, thưa tướng quân, bất cứ điều gì mà ngài muốn.

-Thí dụ như về điều gì?

-Tất nhiên là không phải về khí hậu rồi. Tôi muốn được nghe ngài chia sẻ ý kiến về chiến tranh và hòa bình ở Đông Dương.

-Vâng, tôi sẽ nói. Tôi nói về điều này khá dễ dàng, bởi sự trải nghiệm, sự tham gia của cá nhân tôi trong cuộc chiến này đã hình thành niềm tin của tôi về chiến tranh và hòa bình. Tôi sẽ nói.

Rõ ràng là vị tướng này vẫn muốn tiếp tục cuộc trò chuyện. Tôi nói thêm rằng tôi không chỉ làm phim, mà còn sẽ viết một cuốn sách về thời gian của mình ở Đông Dương. 


- Sau chiến tranh, nếu ngài cần thêm các tư liệu cho cuốn sách đó, tôi sẽ kể thêm cho ngài khá nhiều chuyện. Tôi phải chắc chắn rằng, cuộc trò chuyện hôm nay của chúng ta sẽ không được công bố cho đến khi kết thúc chiến tranh. Ngài có thể hứa với tôi điều đó không? Tôi luôn sẵn sàng kể cho ngài nhiều thứ..

-Tôi hứa, thưa tướng quân-Tôi nói.

Và cuộc trò chuyện cởi mở với một tù binh Điện Biên Phủ-Tướng De Castries đã bắt đầu như thế trong một căn lán tre nứa, khi ngoài trời vẫn rả rích cơn mưa nhiệt đới. Trên bàn là một chai "Dubon" và một ấm cà phê đặc.
Tôi kể với De Catries về cuộc trò chuyện trước đó với một viên đại úy Pháp. Ông này cho rằng, Điện Biên Phủ - nhìn chung đó không phải là chiến thắng của người Việt Nam. 

Đó đơn giản chỉ là kết quả của sự tập trung lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam chống lại các đơn vị đồn trú nhỏ.
 Hồi ức người phỏng vấn độc quyền bại tướng De Castries
 Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong phim Việt Nam của đạo diễn Roman Karmen
De Castries mỉm cười:

-Viên đại úy này có lẽ là một kẻ thất học. Bởi đây chính là nghệ thuật chiến tranh. Napoleon cũng từng tập trung một lực lượng lớn quân để đánh tan lực lượng nhỏ của đối phương đấy thôi. 

Quân đội Việt Nam đã cho thấy một chiến lược cao trong trận chiến này. Tướng Navarre đã tập trung một "nắm đấm" quân sự quan trọng ở Điện Biên Phủ, nhưng chiến thuật tập trung của ông ta đã bị chiến lược của tướng Võ Nguyên Giáp bẻ gẫy. 

Tướng Giáp đã khiến cho Navarre phải nghiền nát quân của mình. Chiến sự ở Luang Prabang và ở đồng bằng đã khiến Navarre bị chia cắt lực lượng và phá sản kế hoạch tác chiến. Tôi nói điều này không phải vì tôi không kính trọng Navarre với tư cách một nhà cầm quân. 

Ông ấy là một chiến lược gia có tài. Tôi biết ông ấy rất rõ. Từ khi là một người lính, cho đến khi mang hàm cấp tướng, tôi luôn dưới sự chỉ huy của ông. 

Chính ông ấy đã thuyết phục tôi đến Việt Nam. Nhưng lần này thì Navarre đã sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi, những quân nhân thực thụ, cần phải trung thực nói rằng: Chúng tôi đã thua trận ở Điện Biên Phủ.

Chúng tôi cùng im lặng. Vị tướng đưa tách cà phê lên môi nhấm nháp, tôi để ý tay ông ta hơi run run.

- Ngài có cho rằng, thưa tướng quân, sự thất bại của quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ là đánh dấu sự khởi đầu của một chuỗi của thất bại trong tương lai? Sự thất bại này liệu có phải là dấu hiệu cho sự sụp đổ tinh thần của đạo quân viễn chinh Pháp?

-Hoàn toàn đúng như vậy! Không phải bây giờ tôi mới nói điều này, mà đã nhiều lần nói với Navarre:" Nếu ngài mất Điện Biên Phủ, ngài sẽ thua trong cuộc chiến Đông Dương". Bất kỳ một kết quả nào ở Điện Biên Phủ - thắng hay thua - cũng sẽ là dấu chấm hết cho cuộc chiến.

-Ngài đang nói về sự vô vọng của chiến tranh, nhưng không lẽ có thể xóa đi khỏi lịch sử những năm tháng chiến tranh này, và cả những khó khăn mà nhân dân Pháp phải chịu đựng? Mỗi ngày của cuộc chiến, nước Pháp đã tiêu tốn 2 tỷ franc, có đúng vậy không?

-Vâng, nếu không nói là nhiều hơn. Và thật khủng khiếp là các chàng trai Pháp đã thiệt mạng tại Việt Nam!

-Liệu hàng triệu người Pháp có được biết tình hình thật sự ở Đông Dương? Tại sao một cô gái thường dân là Raimond Dien đã nằm chắn ngang đường ray xe lửa, ngăn đoàn tàu chở vũ khí, trong khi Chính phủ, các chính trị gia, các vị bộ trưởng lại không hay biết gì vậy? Cứ như những gì ngài nói, thì ngài cũng vì một nền hòa bình cho Đông Dương?


-Ôi các chính trị gia của chúng tôi! Họ từng không muốn và bây giờ cũng không muốn biết bất cứ điều gì. Suốt năm năm qua, tất cả người Pháp đều yêu cầu chấm dứt chiến tranh.

Trước đây, nhiều người nghĩ rằng đó là một cuộc chiến tranh vì lợi ích của nước Pháp. Một sai lầm bi thảm! Hầu hết các nghị sĩ cũng không hiểu, và chỉ có những người cộng sản, chỉ có những người như Raymond Dien, biết sự thật. 

Tôi có quen nhiều nghị sĩ mà sau này họ trở thành Bộ trưởng. Không ai dạy cho họ về Việt Nam cả. Chỉ đến khi hàng ngàn người Pháp đã thiệt mạng trong chiến tranh, khi nhiều gia đình phải khoác áo tang, người ta mới bắt đầu suy nghĩ ... Bây giờ mới là bước ngoặt. Tôi đang đặt niềm hy vọng vào thủ tướng mới Mendes France...
-Ở Pháp từng thay đổi nhiều thủ tướng, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn...

-Vâng, chúng tôi đã có nhiều chính phủ. Và mỗi chính phủ có một quan điểm khác nhau. Nhưng vẫn chưa có chính phủ nào đủ dũng cảm để kêu gọi sự tự chủ cho nước Pháp. 

Tất cả chính phủ của chúng tôi  khi xây dựng chính sách đều nhìn qua nước Mỹ. Nước Pháp, trên thực tế, đã bị quân lính Mỹ chiếm đóng và họ làm như đó là nhà họ. 

Nước Pháp nhận tiền của Mỹ, thực thi đường lối của Mỹ và hy vọng là về sau không phải chi trả gì cả. Từ lâu rồi, đã có ai đó lo sợ cả việc đến ngày đội quân viễn chinh Pháp sẽ trở về đất nước. Tôi xin nói thẳng với ngài: Trong số đó có cả những người có uy tín rất lớn trong quần chúng.

-Tuy nhiên, đội quân viễn chinh đó đến giờ vẫn ngoan ngoãn thực thi đường lối chính trị của nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam...

De Castries phẩy tay:

-Không có một đường lối chính trị duy nhất nào cả ở Đông Dương. Chúng tôi chỉ là những quân nhân thuần túy... Các ngài có quan điểm khác nên khó hiểu về điều này... Trong quân đội của chúng tôi, ai mà dính vào chính trị là bị tống cổ ngay... Chúng tôi chỉ thực thi những nhiệm vụ quân sự.

1 nhận xét:

  1. Hồ sơ mật về trận ĐIỆN BIÊN PHỦ
    1 năm sau thất bại tại ĐIỆN BIÊN PHỦ Nước pháp điều tra ai phải chịu trách nhiệm thua trận trong chiến dịch ĐIỆN BIÊN PHỦ.ban báo cáo này không được công khai.va nó trở thành bí mật quốc gia của PHÁP.
    https://www.youtube.com/watch?v=v9jCJ6HQpo4&feature=youtu.be

    Trả lờiXóa