Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Tìm xuất xứ câu ca “Công cha như núi Thái Sơn…”

598816_318174248267866_1857840901_n

Bài 1. "Công cha như núi Thái Sơn" - Tìm gốc gác và niên đại Hùng Vương

  •   Hà Văn Thuỳ
  • Chủ nhật, 24 Tháng 6 2012 18:00
VHNA: Thực ra công việc này từ khá lâu đã được giới sử học, khảo cổ học VN, và cả nước ngoài, quan tâm nghiên cứu và có những kết quả khả quan đáng khích lệ.
 Bài viết sau của Hà Văn Thuỳ là nhận thức riêng, quan điểm riêng, cách nhìn riêng của ông và chúng tôi giới thiệu bài để hy vọng có những trao đổi học thuật để dần tiến đến sự thật lịch sử khách quan bằng tư duy khoa học.
*************************
Dẫn nhập.
Vào thập niên 70 thế kỷ trước, từ những phát hiện mới về văn hóa Đông Sơn, giới sử học Việt Nam đã đưa thời đại Hùng Vương từ truyền thuyết vào chính sử. Tuy nhiên, vì chưa đủ tự tin, các sử gia đã nương theo cổ thư Trung Hoa, bỏ niên đại truyền thuyết (2879 TCN) để cho rằng thời Hùng Vương vào khoảng 700 năm TCN. Mặt khác cũng chưa cho biết, nguồn gốc các vua Hùng từ đâu ra. Vì vậy, thời Hùng Vương vẫn gây hoài nghi, như nhận xét có phần mỉa mai của nhà sử học người Mỹ gốc Việt Tạ Chí Đại Trường trên tạp chí Xưa&nay số 378, tháng 4 năm 2011:
“Các biến động mới cùng sự thất bại không thú nhận của việc nối kết thành quả khảo cổ học với thời Hùng Vương ở miền Bắc, khiến cho vấn đề lại buông thả cho cảm tính, cho những khẩu hiệu chính trị cấp thời của sử học…”
Công bằng mà nói, hạn chế trên không chỉ thuộc riêng các nhà khoa học Việt Nam mà là giới hạn của tri thức nhân loại ở thế kỷ cũ. Ngay cả Meacham (1), của Hội Khảo cổ học Hồng Kông, trong công trình lớn về Bách Việt cũng chưa đưa ra lý giải thỏa đáng.
Chỉ sang thế kỷ XXI, nhờ công nghệ di truyền, nhiều vấn đề về tiền sử loài người dần dần được sáng tỏ.
Kết nối những tri thức di truyền học mới nhất về cội nguồn dân cư Đông Á với những tài liệu khảo cổ, cổ nhân và văn hóa học đã có, tôi  đưa ra nhận định sau về gốc gác vua Hùng và niên đại thời Hùng Vương.
 Rất mong được nghe lời thảo luận của các sử gia.

Từ truyền thuyết…
Dường như chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng truyền thuyết Đế Minh phong vương, chia đất cho con. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ, người con trưởng của Lạc Long Quân là Hùng Vương lập nước Văn Lang: “phía bắc tới Động Đình Hồ, tây giáp Ba Thục, phía đông giáp biển Đông, nam giáp nước Hồ Tôn, đóng đô ở Phong Châu...”
Ngọc phả đền Hùng ghi: “Những người từ biển đổ bộ vào vùng Rào Rum, Ngàn Hống. Họ rất hiền lành nên được mọi người tiếp đón rồi bầu người tài giỏi nhất làm vua, hiệu là Hùng Vương, lúc đầu đóng đô ở Nghệ An, sau dời lên vùng Hạc Trắng.”
Một câu ca phổ biến trong dân gian Việt:
 Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong Nguồn chảy ra.
Truyền thuyết không phải là lịch sử nhưng là ký ức của cộng đồng dân cư về những sự kiện quan trọng xảy ra trong quá khứ. Như vậy, có dấu vết trong ký ức dân tộc cho thấy, cội nguồn người Việt gắn bó với đất Trung Hoa, từ Ngũ Lĩnh tới vùng Sơn Đông. Ký ức cũng ghi nhận có cuộc di cư bằng thuyền của tổ tiên chúng ta vào Nghệ An.
Tới khảo cổ…
Khảo sát sưu tập 76 sọ cổ phát hiện ở Việt Nam từ thời Đồ Đá tới thời Đồ Đồng, giới nhân chủng học xác nhận:
1. Thoạt kỳ thủy, trên đất nước ta có mặt hai đại chủng người tiền sử Australoid và Mongoloid. Họ lai giống với nhau, cho ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc nhóm loại hình Australoid.
2. Suốt thời kỳ Đồ Đá, từ di chỉ Sơn Vi 32000 năm trước, trên toàn Đông Nam Á không có người Mongoloid mà độc tôn nhóm loại hình Australoid.
3. Sang thời Đồ Đồng, người Australoid biến dần khỏi nước ta. Người Mongoloid xuất hiện và giữ vai trò chủ thể, không biết do nhập cư hay đồng hóa? (2).
Tại khu mộ cổ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình, khai quật đầu năm 2005, phát hiện 30 di hài của người Australoid và Mongoloid được chôn chung. Các nhà khảo cổ kết luận: “Cho tới 2000 năm TCN, quá trình Mongoloid hóa dân cư Việt Nam hoàn thành” (3).
Như vậy là, có sự xâm nhập của người Mongoloid vào Việt Nam. Họ từ đâu tới và vào thời gian nào?
Cho đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhiều người đoán định là từ phương Bắc. Nhưng từ nơi chốn cụ thể nào còn là bí ẩn. Chính điều này dẫn tới ý tưởng: người Hán đồng hóa người Việt vào thời Bắc thuộc!
Di truyền học vào cuộc…
Ngày 19-9-1998, tờ Los Angeles Times đưa bản tin làm chấn động giới khoa học Mỹ: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, người tiền sử từ châu Phi theo ven biển Nam Á tới Việt Nam khoảng 60 -70000 năm trước. Sau đó họ đi lên Trung Quốc rồi vượt eo Berinh sang châu Mỹ” (4).
Đó là những dòng trích từ Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of Chinese Population), của nhóm 13 nhà nghiên cứu do Giáo sư Y. Chu, nhà di truyền học gốc Hoa của Đại học Texas, lãnh đạo, sau nhiều năm làm việc bằng số tiền 1.000.000 USD do Quỹ Phát triển Khoa học tự nhiên Trung Quốc tài trợ.
Cụ thể hơn, Giáo sư Y. Chu cho biết: “Tới Việt Nam, họ hòa huyết, tăng số lượng. Khoảng 50000 năm trước, di cư tới châu Úc và các hải đảo Đông Nam Á. Khoảng 40000 năm trước, khi khí hậu phía bắc thuận lợi hơn, họ đi lên Trung Quốc và 30000 năm trước, vượt qua các cầu đất của eo Berinh, sang chiếm lĩnh châu Mỹ”. (5)
Một nghiên cứu khác của S.W. Ballinger cho thấy: “Người Mông Cổ cũng từ Đông Nam Á đi lên” (6).
Từ thông tin này, có thể đoán rằng, ngoài những nhóm gặp gỡ, hòa huyết với người Australoid, còn có những nhóm nhỏ Mongoloid di cư riêng rẽ tới Tây Bắc Việt Nam rồi khi thời tiết ấm lên, đã theo đường Ba Thục tới sống ở Tây Bắc Trung Quốc, bảo tồn nguồn gen Mongoloid, sau này được gọi là chủng Mongoloid phương Bắc. Việc khảo cổ học phát hiện di cốt chủng Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid) 40.000 năm tuổi trên đất Mông Cổ xác nhận điều này. Từ săn bắn hái lượm, khoảng 10.000 năm trước, khi băng hà tan, vùng Gô-bi thành đồng cỏ, họ chuyển sang du mục.
Nối kết những thông tin trên với tư liệu nhân chủng sẵn có, ta rút ra:
1. Người tiền sử từ châu Phi di cư tới Việt Nam 70.000 năm trước gồm hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Con số 70.000 năm là chắc chắn vì phát hiện bộ xương người Mongoloid ở Lưu Giang, Quảng Tây 68.000 tuổi.
2. Người Mongoloid và Australoid hòa huyết cho ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Về nguyên lý, chủng Indonesian phải là Mongoloid điển hình. Nhưng do số lượng Australoid áp đảo, sự hòa huyết giữa con cháu họ diễn ra tiếp tục sau đó khiến cho yếu tố Mongoloid lặn, còn Australoid trội, trở thành độc tôn suốt thời Đồ Đá. Do tỷ lệ máu Mongoloid cao trong chủng Indonesian nên khi đo sọ xảy ra lầm lẫn, cho là thuộc chủng Mongoloid (7).
Do thời Đồ Đá ở Đông Nam Á, cả đất liền, hải đảo, lẫn châu Úc và tiểu lục địa Ấn Độ không có người Mongoloid nên có thể khẳng định, người Mongoloid chỉ có thể từ phía bắc xuống. Vấn đề là từ địa điểm cụ thể nào?
Khảo sát bản đồ dân cư Đông Á cổ đại, ta thấy, ngoài chủng Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sống ở Tây Bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ, còn có hai địa điểm xuất hiện chủng Mông Cổ phương Nam (South Mongoloid) khoảng 5000 năm TCN là ở di chỉ Ngưỡng Thiều, huyện Thằng Trì tỉnh Hà Nam và Hà Mẫu Độ vùng cửa sông Chiết Giang. 
Câu hỏi tiếp: trong bối cảnh toàn bộ vùng Đông Á độc tôn chủng Australoid thì hai khối dân cư khác chủng này từ đâu ra?
Giả định sự hình thành hai khối dân cư này như sau:
Ngưỡng Thiều, vùng hoàng thổ nam sông Hoàng Hà, có người Việt sinh sống từ rất sớm. Tại di chỉ Bán Pha 2 gần Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, người ta tìm thấy bình gốm 12.000 năm tuổi, có khắc chữ cổ, gần về tự dạng với chữ trên giáp cốt đời nhà Thương. Rất có thể từ thời này, tổ tiên chúng ta đã đưa cây kê lên trồng ở đây.
Mùa khô, một bộ phận dân du mục Mông Cổ tập trung về bờ bắc Hoàng Hà chăn thả gia súc. Như bản tính dân du mục, họ thường xuyên vượt sông cướp phá dân Việt phía nam. Cố nhiên sự hiếp tróc xảy ra và những đứa trẻ lai Mông-Việt ra đời. Qua hàng ngàn năm như thế, số lượng người lai tăng lên và khoảng 5000 năm TCN chiếm ưu thế trong dân cư Ngưỡng Thiều (6).
Ở Hà Mẫu Độ có thể diễn ra tình hình sau: khoảng 40.000 năm trước, có những nhóm riêng lẻ Mongoloid, từ Việt Nam theo ven biển đi tới vùng cửa sông Dương Tử (8) rồi dừng lại, sống biệt lập thời gian dài bằng săn bắn, hái lượm mà nghề quan trọng là đánh cá. Khoảng 5000 năm TCN, người Việt Indonesian (Lạc Việt) mở rộng cư trú ra vùng này, đem nghề nông tới. Họ gặp người Mongoloid bản thổ, hòa huyết, cho ra lớp người Mongolod phương Nam. Cũng như trên vùng Ngưỡng Thiều, nhân số người lai Mongoloid phương Nam tăng lên, trở thành chủ nhân văn hóa Hà Mẫu Độ.
Truyền thuyết cũng như chính sử Trung Quốc ghi nhận, khoảng 2600 năm TCN, họ Hiên Viên thống lĩnh các bộ lạc du mục Mông Cổ tấn công liên quân Việt của Đế Lai và Lạc Long Quân ở Trác Lộc trên sông Hoàng Hà. Lãnh tụ quân Việt Đế Lai (Si Vưu) tử trận, quân du mục tràn vào chiếm vùng hoàng thổ, tôn Hiên Viên làm Hoàng đế với nghĩa vua của vùng hoàng thổ.
Nối kết sự kiện này với những tư liệu hiện có, ta hình dung kịch bản sau:
Việc xâm lăng của quân du mục diễn ra dai dẳng hàng nghìn năm. Quân Việt thường xuyên đánh trả, ngăn bước kẻ xâm lược. Trác Lộc là trận lớn, mang tính chiến lược quyết định. Sự bại trận của dân nông nghiệp như là hệ quả tất yếu của cuộc sống. Nhận thức được điều này, Lạc Long Quân, trị vì nước Xích Quỷ, chuẩn bị phương án chiến lược là chuyển về hậu phương phía nam lập kế lâu dài. Vì vậy, sau khi Đế Lai hy sinh, ông và bộ phận tinh hoa của quân dân Việt lên thuyền xuôi Hoàng Hà ra biển rồi theo gió mùa đông bắc xuống phía nam, đổ bộ vào vùng Nghệ An. Do cùng nòi giống và tiếng nói - có lẽ là ngôn ngữ Môn-Khmer như khoa học xác định sau này, đoàn thuyền nhân của Lạc Long Quân được người bản địa tiếp nhận, như được ghi trong Ngọc phả Đền Hùng.
Trong đoàn quân của Lạc Long Quân có người Mongoloid phương Nam. Tại Việt Nam, họ hòa huyết với người Australoid địa phương, sinh ra lớp người Mongoloid phương Nam mới, là tổ tiên của người Việt hiện đại. Việc lai giống xảy ra như phản ứng dây chuyền, khiến cho số lượng người Mongoloid phương Nam tăng lên. Về mặt di truyền học, ta biết rằng, người Indonesian (Lạc Việt), chủng đa số trong dân cư Việt, vốn có tỷ lệ máu Mongoloid cao. Sau nhiều năm bị lặn dưới ưu thế của yếu tố Australoid, nay được bổ sung, dù chỉ lượng không nhiều gen Mongoloid, cũng làm cuộc lội ngược dòng, dẫn tới sự trội của gen Mongoloid. Vì vậy, sự chuyển hóa sang Mongoloid trở nên dễ dàng.
Một vấn đề được đặt ra: người Mongoloid phương Nam này là người Ngưỡng Thiều hay Hà Mẫu Độ? Trong một vài bài viết trước, tôi cho là người Ngưỡng Thiều. Nhưng sau khi tham khảo nhiều nghiên cứu di truyền học về sự hình thành người Austranesian, dân cư các đảo Nam Thái Bình Dương, cho thấy, đó chính là người Hà Mẫu Độ (9). Người Hà Mẫu Độ là chủ nhân của nền nông nghiệp lúa nước phát triển cao, đồng thời cũng là những tay đi biển cừ khôi, tham gia mạng lưới buôn bán ngọc quanh Biển Đông, tới Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Mã Lai, Indonesia khoảng 5000 năm trước (10). Khoảng thời gian này, họ di cư theo bờ biển xuống Việt Nam rồi tới Mã Lai, Indonesia. Việc phát hiện văn hóa kiểu Hà Mẫu Độ ở Philippine ủng hộ những khám phá di truyền học, khẳng định có sự di cư này (11).
Hà Mẫu Độ thuộc địa bàn nước Xích Quỷ của Lạc Long Quân. Người Hà Mẫu Độ vốn là dân đi biển giỏi, sẽ giữ vai trò chủ lực trong hạm đội của liên quân Việt. Vì vậy, việc họ có mặt trong đoàn di dân của Lạc Long Quân là điều dễ hiểu. Nhiều tài liệu di truyền học cho thấy khoảng 5000 năm trước đã có sự di cư của người Hà Mẫu Độ xuống phía nam. Cuộc xâm lăng của Hiên Viên đẩy nhanh quá trình này.
Đấy là một kịch bản. Nhưng theo ý tưởng mới nhất của tôi, kịch bản sau có vẻ hợp lý hơn:
Vào thời điểm năm Nhâm Tuất 2879 TCN, người mang gen Mongoloid phương Nam đã là chủ thể của dân cư Việt ở duyên hải phía đông Trung Quốc mà trung tâm là vùng núi Thái Sơn. Sau trận Trác Lộc, một bộ phận dân cư ở đây đã theo Lạc Long Quân di cư xuống Việt Nam. Chính những người di cư này đã góp máu huyết sinh ra người Việt hiện đại, tổ tiên gần nhất của người Việt Nam ngày nay.
Những phân tích trên cho thấy, lịch sử tộc Việt có hai thời kỳ:
- Thời kỳ đầu, khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ Australoid từ đất Việt đi lên khai phá Trung Hoa.
- Thời kỳ thứ hai, từ sau 2.600 năm TCN, người Việt từ lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử trở về Việt Nam dựng nước Văn Lang. Người trở về mang theo nguồn gen Mongoloid phương Nam, làm chuyển hóa đại bộ phận dân cư Việt Nam thành người Việt hiện đại. Do vậy, có thể kết luận là, “người trở về đã chuyển hóa di truyền dân cư Việt mà không phải là sự đồng hóa.”
Sự kiện này phù hợp với câu ca:
 Công cha như núi Thái Sơn,
 Nghĩa mẹ như nước trong Nguồn chảy ra.
Khi trở về Việt Nam, tổ tiên của chúng ta ghi nhớ nơi phát tích trực tiếp là Núi Thái, sông Nguồn vùng Sơn Đông nên đặt thành câu ca truyền đời cho con cháu. Cũng như truyền thuyết, câu ca mang vẻ bí ẩn. Nhưng về mặt tâm linh, một số người trong chúng ta cảm nhận rằng, núi ấy, sông ấy có gì đó gắn bó với tổ tiên mình.
Nay tôi đoán rằng, do sống quá lâu, khoảng 40.000 năm trên đất Bắc, tổ tiên trực tiếp của chúng ta Kinh Dương vương, Lạc Long Quân chỉ biết tới Phục Hy, Thần Nông vùng Thái Sơn mà không biết tới gốc gác xa hơn. Nay, trong điều kiện mới của trí tuệ nhân loại, ta khám phá ra dòng chảy liên tục của lịch sử nòi giống Việt, bắt đầu từ 70.000 năm trước…
    Kết luận
Có thể nhận định như sau:
- Vua Hùng thuộc dòng người Việt cư trú ở vùng Sơn Đông, nơi có Núi Thái, Sông Nguồn, một trong bốn trung tâm của người Việt trên địa bàn Trung Hoa cổ.
- Vua Hùng về Việt Nam và lên ngôi khoảng 2600 năm TCN, tương đương với thời điểm họ Hiên Viên lập vương triều Hoàng đế. Niên đại này không xa với niên đại năm Nhâm Tuất 2879 trong truyền thuyết, là năm Kinh Dương Vương lên ngôi. Điều này khẳng định thời điểm lập quốc của dân tộc ta là năm Nhâm Tuất 2879 TCN.
Phân trích trên chứng tỏ, từ Sơn Vi qua Hòa Bình, Phùng Nguyên, dân cư trên đất Việt Nam là người Việt cổ, thuộc nhóm loại hình Australoid. Sang thời Đồ Đồng, dân cư Việt Nam là người Việt hiện đại, chủng Mongoloid phương Nam. Sự chuyển hóa này do người Việt chủng Mongoloid phương Nam từ vùng Ngũ Lĩnh di cư xuống, hòa huyết với người tại chỗ trong thời gian lâu dài. Hoàn toàn không có chuyện người Mongoloid nhập cư lớn, chiếm đất, tiêu diệt, xua đuổi người bản địa Nguyên Đông Dương như có ý kiến đề xuất trước đây.
 Như vậy, cả về dân cư, cả về văn hóa trên đất Việt Nam là liên tục 70.000 năm qua. Điều này cũng chứng tỏ, không hề có chuyện người Việt bị Hán hóa trong thời kỳ Bắc thuộc. Sự thật là, hơn 2000 năm, trước khi quân của Lộ Bác Đức tiến vào Nam Việt, người Việt và người Hoa Hạ đã cùng chủng Mongoloid phương Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. William Meacham. Defining the Hundred Yue. Hong Kong Archaeological Society.
2. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á, Hà Nội, 1983
3. Rosslyn Beeby. Research, Conservation and Science Reporter. The Canberra Times, 10 Feb. 2005,  http://www.iol.co.za/index.php?set_id=1&click_id=588&art_
id=qw1108019521878B213
4. Jin Li. Los Angeles Times  29.9.1998.
5. Chu, J. Y. et al, Genetic relationship of populations in China, Proc. Natl. Acad. Sci, USA 95, 11763-11768 (1998).
6. S. W. Ballinger et al: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130
 ===============================
Bài 2: "Nghĩa mẹ như nước trong Nguồn chảy ra"
Trong bài 1 Tìm gốc gác và niên đại Hùng Vương, chúng tôi công bố khảo cứu cho thấy, vùng Thái Sơn tỉnh Sơn Đông Trung Quốc là nơi phát tích của người Việt hiện đại. Tuy nhiên do hạn chế về tài liệu, chúng tôi mới lý giải được nửa câu ca Công cha như núi Thái Sơn mà còn nợ, chưa làm rõ nửa sau Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nay xin được trả món nợ hầu bạn đọc.
*******************************

Trong phần lớn trường hợp, ở vế sau của câu ca, chữ trong nguồn không viết hoa. Điều này cho thấy, trong quan niệm phổ cập, đó không phải là danh từ riêng. Có nghĩa đó là từ dùng chung cho mọi sông suối, nguồn nước. Suốt nhiều năm tháng, chúng tôi cũng cho là như vậy. Nhưng khi suy nghĩ kỹ lại thì thấy không phải thế. Câu ca là một câu đối nghiêm chỉnh. Một khi Thái Sơn là địa danh cụ thể, không phải là “núi lớn” chung chung thì trong nguồn bắt buộc cũng phải là một địa danh! Chúng tôi cho đó là dòng suối, dòng sông trong vùng Thái Sơn. Tuy nhiên tìm khắp vùng Thái Sơn không hề có địa danh này. Vì vậy, trong chuyên luận trên, chúng tôi không thể nói thêm được gì!
Rất may, trong một lần trao đổi qua điện thoại, nhà nghiên cứu Đỗ Thành từ Sacramento cho biết: “Trong Nguồn là tiếng Việt gọi vùng đồng bằng miền trung của sông Hoàng Hà. Hiện nay tên Hán Việt là Trung Nguyên. Nhiều địa danh Việt trên đất Trung Hoa vẫn được ghi theo lối nói chính trước, phụ sau của người Việt: Sơn Đông – vùng đất ở phía đông núi; Sơn Tây – vùng đất phía tây núi hay Hà Bắc, Hà Nam… Vùng đồng bằng miền trung sông Hoàng Hà, người Việt gọi là Trong Nguồn. Khi người Mông Cổ vào chiếm rồi con cháu họ là người Hoa Hạ, chỉ cần “phang ngang” trong à trung; nguồn à nguyên là có địa danh Hán Việt: Trung Nguyên.” Ông còn cho biết: “Sở dĩ người Việt gọi vùng đất này là Trong Nguồn là do có con sông Nguồn hay Ngọn Nguồn. Do người Hoa Hạ không nói được phụ âm “ng” nên gọi trại là sông Hon hay Hòn theo giọng cao thấp khác nhau. Sau này chuyển hóa dần Hon, Hòn thành Hớn rồi thành Hán Thủy vào thời Đường. Vì vậy, trên bản đồ Trung Quốc hiện nay không có sông Nguồn cũng như Trong Nguồn mà chỉ có Trung Nguyên với Hán Thủy.” Hán Thủy còn gọi là Hán Giang, nằm ở tả ngạn sông Dương Tử với chiều dài khoảng 1.532 km, diện tích lưu vực của nó khoảng 174.300 km². Sông Hán Thủy bắt nguồn từ miền tây nam tỉnh Thiểm Tây, tại khu vực Bàn Trủng Sơn thuộc huyện Ninh Cường sau đó chảy tới tỉnh Hồ Bắc. Nó tiếp nhận nước của các sông Tư Thủy Hà, Đổ Hà, Đan Giang, Đường Bạch Hà rồi đổ vào sông Dương Tử tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Trong khi những con sông khác nhận nước từ tuyết tan của các dãy núi thì Ngọn Nguồn nhận nước mạch từ lòng đất của dãy Tần Lĩnh chảy theo nhiều con suối tạo thành. Trong các chi lưu làm nên sông Nguồn có dòng Đan Giang dài 800 km, nước xanh đen nên ngày xưa tiếng Việt gọi là sông Đen, sau này người Hoa gọi trại đi thành Đan Giang. Nhưng sau khi đổ vào sông Nguồn (Hán Thủy) thì nước trở nên trong suốt và cho đến nay, Hán Thủy là con sông ít bị ô nhiễm nhất ở Trung Quốc.
Phát hiện của nhà nghiên cứu Đỗ Thành giúp chúng tôi nhìn thấy sự thực lịch sử sau:
Năm 2700 TCN, người Mông Cổ thắng trận ở Trác Lộc (nay là huyện Trác Lộc, bờ nam Hoàng Hà, phía bắc Bắc Kinh) vào chiếm đất Trong Nguồn của người Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Do đồng bằng phì nhiêu nên đây được coi là đất phát tích của người Hoa Hạ. Người Hoa Hạ đã đổi tên đất thành Trung Nguyên, tên sông thành Hán Thủy.
Còn người Việt, do thua trận Trác Lộc, Đế Lai hy sinh (sau này do căm thù ông nên người Mông Cổ gọi ông là Si Vưu với nghĩa xấu.) Lạc Long Quân cùng đoàn quân dân Việt dùng thuyền xuôi Hoàng Hà, ra biển rồi đổ bộ vào Nghệ Tĩnh. Có thể diễn ra cuộc chạy loạn lâu dài của một bộ phận người Việt ở đất Trong Nguồn về Việt Nam. Đó là vào năm 1400 TCN, vua Bàn Canh nhà Thương đánh chiếm đất của người Việt, lập nhà Ân rồi từ đây tiếp tục mở rộng vùng chiếm đóng. Trong cuộc chống lại nhà Ân xâm lăng đã xuất hiện hình tượng anh hùng cứu nước trẻ tuổi. Người về Việt nam mang theo hình tượng này trong truyền thuyết Thánh Dóng.
Như đã trình bày ở bài trước, người Việt vùng Thái Sơn và Trong Nguồn di cư về Việt Nam đã chuyển hóa di truyền người Việt cổ Australoid ở Việt Nam thành người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam.
Để ghi nhớ cội nguồn, tổ tiên ta đã khắc địa danh Núi Thái – Trong Nguồn vào tấm bia miệng bền vững mà hôm nay, nhờ ánh sáng của khoa học nhân loại, chúng ta giải mã được. Và câu ca quen thuộc được viết như sau:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra

-Hà Văn Thùy-
Thứ bẩy ngày 9 tháng 3 năm 2013 4:46 AM

7 nhận xét:

  1. "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" là câu cao dạo đậm tình nghĩa gia đình của Việt Nam được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Công cha, nghĩa mẹ là tình cảm thiêng liêng và cao quý.

    Trả lờiXóa
  2. Liên kết giữa Bạn và tôi đang bị "kẹt", sao vậy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng không hiểu.
      Có lẽ do lỗi kỹ thuật gì đó bên bác chăng?
      Bác đăng thêm bài mới chắc sẽ hết!

      Xóa
  3. Tồn tại trong đời sống người Việt có chính sử và huyền sử. Chính sử nằm trên trục hoành. Nó có sự kiện, nhân vật, địa danh, thời gian. Nó là cái cốt. Huyền sử nằm trên trục tung. Nó là cái hồn, là tưởng tượng bay bổng của nhân gian, đậm tính tâm linh. Khảo sát hay bàn một vấn đề khoa học nhưng lại men theo trục tung, trộn pha hồn với cốt, xưa nay không thấy ai làm. Thánh Gióng là huyền sử. Thánh Trần là chính sử. Thánh Gióng là ước mơ bảo vệ tổ quốc của một dân tộc nhỏ bé trước rợ ngoại xâm thường trực, to lớn, là ước mơ có được hiền tài, là vẫy gọi, kêu gào nhân dân đoàn kết chống giặc. Thánh Trần là nhân vật có nhân thân, gốc gác,
    có chiến công cụ thể.
    Thái Sơn? Khi từ này xuất hiện, nó là khẩu ngữ, là thái sơn. Thái là trên, là cao. Trên Thủy Tổ là Thái Thủy Tổ. Trên Thượng Hoàng là Thái Thượng Hoàng. Thái sơn vân ám là núi cao bị che mây (bóng gió về người cha vừa chết). Không cần và cũng không thể đi tìm thái sơn là núi ở đâu làm gì !
    Trong Nguồn? Lại cố ép để tạo cho được thành Trung Nguyên. Quan sát câu" Nghĩa mẹ như nước TRONG nguồn chảy RA", ai cũng thấy sờ sờ trạng từ chỉ nơi chốn"trong" và"ra". Tác giả chỉ chăm chăm vào "trong" để thỏa cái chủ quan ngu tối của mình còn"ra" thì bỏ mặc cho chó ăn à?
    Lớp trẻ rất có nhu cầu tìm hiểu, gom góp tri thức. Phải cẩn trọng trong việc cung cấp tri thức,
    thông tin.
    Tóm: Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra là câu ca dao Việt, tôn vinh, ca ngợi công lao to lớn, lai láng của cha, mẹ. Bấy nhiêu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
    2. Tán thành ý kiến này. Các nhà bác học thường mắc bệnh bác học hóa mọi vấn đề, như các bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vấn đề của vi trùng, bệnh tật.
      Xin ghi chú thêm: thái trong thái sơn là lớn chứ không phải là trên như bạn giải nghĩa. Nó đồng nghĩa với từ Đại (trái nghĩa với tiểu).

      Xóa