Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Kỳ vọng mốc 25/8 cho Hà Nội, 15/9 cho TP.HCM

Virus sẽ còn tồn tại và vì thế chính sách cần hợp lý giữa chống dịch và đảm bảo sinh kế cho dân, hoạt động của doanh nghiệp.

Hà Nội và nỗi niềm phong tỏa

Sáng 10/8, một giám đốc doanh nghiệp ở Hà Nội điện thoại cho tôi: “Tôi vừa đi xin giấy ở phường về nhưng không thể xin được. Mới đầu giờ sáng mà hồ sơ đã lên đến 6.000, chất đầy mấy bàn. Không được đi làm chắc chắn chúng tôi phải đóng cửa. Tôi phải làm gì bây giờ hở anh!?”

Hồ sơ mà vị giám đốc đề cập ở đây là các loại giấy tờ của doanh nghiệp được UBND phường sở tại phê duyệt, mà thiếu nó, người lao động không thể đi qua các chốt kiểm dịch trên đường để tới chỗ làm.

Từ kinh nghiệm trong những lần sửa sai trong ban hành các chính sách tương tự ở TP.HCM, tôi nói với anh chờ thêm một chút vì văn bản đó của Hà Nội chắc không tồn tại lâu. Chỉ sau vài chục tiếng ban hành, Hà Nội đã lại ra văn bản sửa sai văn bản đó.

Nhưng ở góc độ khác, tôi hiểu các thủ tục của Hà Nội thể hiện sự quyết tâm, thậm chí nôn nóng của lãnh đạo Thủ đô trong chống dịch. Hà Nội đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 từ rất sớm, và đã thực hiện Chỉ thị 16 được gần 3 tuần, nên mới giữ được tình thế hiện nay.

Xếp hàng chờ xin giấy xác nhận ở phường Mỹ Đình 1, Hà Nội. Ảnh: Đoàn Bổng

Hồi cuối tháng 7, khi Hà Nội thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị 16 lần 2, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố phải “tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian vàng 15 ngày” để khống chế dịch, đưa TP trở lại trạng thá bình thường mới.

Thế nhưng, chủng Delta với hệ số lây nhiễm lên tới 9-10 đang đe dọa những nỗ lực đó. Tính từ làn sóng thứ tư từ cuối tháng 4 đến hôm qua, Hà Nội ghi nhận 2.025 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.139, chiếm đa số.

Trong bối cảnh những ngày cuối cùng của Chỉ thị 16 đang đến gần, những con số lây nhiễm ngoài cộng đồng là đáng lo ngại. Trước thực tế đó, trong khoảng 9 - 17/8, Hà Nội tiến hành xét nghiệm 3,3 triệu mẫu nhằm sàng lọc, bóc tách mầm bệnh Covid-19 khỏi cộng đồng “nhanh nhất”.

Theo Nghị quyết 86/NQ-CP, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố được yêu cầu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8 - tức là chỉ 2 tuần nữa.

Theo các nguồn tin đáng tin cậy, đến nay Hà Nội tiêm được 1,5 triệu liều vắc xin các loại, một con số khá khiêm tốn so với dân số hơn 8-10 triệu người. Vì lẽ đó, Hà Nội không phong tỏa chặt, không tận dụng “thời cơ vàng” để “ai ở đâu ở đó”, thậm chí hy sinh kinh tế, thì làm sao sàng lọc được các ca bệnh!

Tôi rất thông cảm với vị doanh nghiệp và kể cho anh thực tế đó rồi hỏi: “Anh có chấp nhận 'toang' hay không?”. Vị giám đốc, tất nhiên, đồng tình.

Hà Nội, như Nghị quyết số 86/NQ-CP yêu cầu, không thể thực thi Chỉ thị 16 mãi được. Đâu là con đường cho Thủ đô trong cân bằng giữa chống dịch và mở cửa lại để người dân mưu sinh, doanh nghiệp hoạt động?

Con đường vắc xin cho TP

Đó là câu trả lời cho cả TP.HCM, tâm dịch của cả nước, mà Nghị quyết 86/NQ-CP đã yêu cầu “phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9”.

Người dân TP.HCM được tiêm vắc xin trong đợt 6. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Vấn đề là dịch Covid-19 ở TP.HCM đã “nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu”, như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định cách đây tròn 2 tuần.

Sau hơn một tháng phong tỏa rất chặt, số ca lây nhiễm không giảm đi, thậm chí còn tăng thì có thể hiểu là mầm bệnh đã lan sâu rộng vào cộng đồng. Nếu bắt đầu nới lỏng các hoạt động kinh tế vào cuối tháng 8 thì có thể tỷ lệ lây nhiễm sẽ còn tăng cao, tiếp tục làm hệ thống y tế của TP quá tải.

Vì thế, bên cạnh chiến lược đang thực hiện, cần bổ sung vắc xin cho TP.

Hôm 11/8, báo chí đăng tin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường gửi văn bản cho TP.HCM về việc, vắc xin Vero Cell đã qua kiểm định chất lượng, có giấy chứng nhận xuất xưởng, sinh phẩm y tế nên “đủ điều kiện sử dụng”.

1 triệu liều vắc xin Vero Cell và thêm 4 triệu liều nữa, bên cạnh các loại vắc xin khác, sẽ về tới đây cần được sử dụng càng sớm càng tốt để cứu sinh mạng của người dân.

Theo tính toán, giải pháp tốt nhất cho TP.HCM là phải tiêm cho càng nhiều người càng tốt. Sang tháng 9 bắt đầu tiêm mũi 2 và làm sao cuối tháng 10 phải tiêm đủ 2 mũi cho ít nhất 6,5-7 triệu người trên 18 tuổi (tổng số người trên 18 tuổi khoảng 8 triệu). Số người trưởng thành còn lại, trừ trường hợp đặc biệt, cũng phải được tiêm 1 mũi.

Với tỷ lệ tiêm chủng cao như vậy, trong trường hợp tỷ lệ ca nhiễm tăng vọt lên 20% hoặc hơn, tức là có thể 2 triệu người bị nhiễm, thì sẽ giảm được tỷ lệ tử vong xuống 0,2% (tức là 4.000-5.000 người), thay vì 1% như hiện nay.

Đó là trong trường hợp TP có 5 triệu liều vắc xin để tiêm ngay trong tháng 8 này.

Xin trích dẫn lời khuyên của Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park: “Thông điệp từ WHO rất rõ ràng, đó là hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt bạn. Vắc xin giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh”.

Trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vắc xin Sinopharm. Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vắc xin Sinopharm tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ hai.

Ông nói: “WHO kết luận rằng lợi ích mà vắc xin Sinopharm đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra. WHO khuyến nghị sử dụng vắc xin Sinopharm dựa trên lộ trình ưu tiên của WHO, với tất cả các biến thể đang có ở Việt Nam hiện nay”.

Thông điệp đó cũng đang rất cần cho các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… những nơi đang bùng dịch nhưng có vẻ chưa được báo chí truyền thông đủ và đúng. Họ cũng cần vắc xin, cần hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng không thể quay lại tình trạng Zero Covid. Vì thế, tất cả, từ Nhà nước đến từng người dân, phải học sống chung với virus. Ý thức và kỹ năng phòng dịch của mỗi cá nhân phải được đề cao và tôn trọng “như mỗi pháo đài” chống dịch.

Nhận thức như vậy thì chính sách sẽ nhân văn, nhịp nhàng, hợp lý giữa chống dịch và đảm bảo sinh kế cho dân, hoạt động của doanh nghiệp. 

Tư Giang/VietNamNet

------------

Mời xem bài liên quan:

1. Nhân ngày 26/3: TỰ HÀO VÌ CHÚNG TÔI- NHỮNG THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN TRÊN MẶT TRẬN CHỐNG DỊCH

14 nhận xét:

  1. "TP.HCM đặt ra mục tiêu đến 15/9 sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh với các tiêu chí cụ thể. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, TP đang khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm soát dịch bệnh.

    Và theo hướng này, vài ngày tới TP sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16”, ông Mãi thông tin.

    Ông Phan Văn Mãi cho rằng, từ đây đến 30/8, TP cố gắng sàng lọc, đánh giá địa bàn để có nỗ lực từ xét nghiệm đến củng cố vùng xanh, cô lập vùng đỏ. Từ đó áp dụng biện pháp giãn cách cho phù hợp từng địa bàn.

    "Dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội có thể kéo dài, TP đã nỗ lực và đạt được kết quả. Chúng ta phải có tinh thần và tâm thế trường kỳ kháng chiến. Trước mắt là đến 15/9 nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị tâm lý dài hơi ở những cấp độ khác nhau", ông Mãi nói.

    “Trọng tâm 30 ngày tới là giảm F0 với hai chiến lược điều trị và chăm sóc F0 tại nhà”, ông Mãi thông tin.

    Trả lờiXóa
  2. VN hôm nay: Tổng số vaccine: 18,721,990 Số mũi đã tiêm: 14,083,168

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cho rằng Hà Nội vẫn lấn cấn giữa Dập dịch với Làm ăn kinh tế.
    Thật buồn khi thấy ngày hôm qua, người người tấp nập trên đường phố Hà Nội "như chưa hề có covid"!

    Phố phường Hà Nội lại đông trong ngày giãn cách
    13/08/2021 19:26 GMT+7
    Sau gần 3 tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, số lượng người ra đường ở Hà Nội có dấu hiệu tăng lên, nhất vào giờ cao điểm sáng và chiều.
    https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/pho-phuong-ha-noi-tap-nap-ngay-gian-cach-765671.html

    Trả lờiXóa
  4. Chính phủ vừa thành lập Tổ công tác "ngoại giao vắc xin" do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm tổ trưởng, một số thứ trưởng ngoại giao (y tế, quốc phòng, công an...) làm tổ phó.
    Tổ công tác này có nhiệm vụ ngoại giao với tất cả các nước vận động viện trợ vắc xin và các thiết bị y tế cho VN; thúc đẩy các quá trình đàm phán với các nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho VN tại VN.
    Như vậy, chúng ta ngoại giao với tất cả các nước chứ không riêng nước nào để tránh bị lệ thuộc.
    Độc lập, chủ quyền VN vẫn là trên hết.

    Trả lờiXóa
  5. “Anh có chấp nhận 'toang' hay không?”?
    Chắc chả ai chấp nhận, trừ lũ rận chấy và bọn cờ vàng cali.

    Trả lờiXóa
  6. Tin vui: Sáng 14.8, Hà Nội chỉ ghi nhận 2 ca Covid-19

    Sở Y tế Hà Nội cho biết, sáng nay, 14.8, chỉ ghi nhận 2 ca mắc mới Covid-19 đã được cách ly từ trước.

    2 ca mắc mới Covid-19 ghi nhận tại Q.Ba Đình và Q.Long Biên, đều thuộc chùm ho, sốt thứ phát.
    Trong đó, bệnh nhân L.H.C (nam, 42 tuổi, đường Bưởi, P.Cống Vị, Q.Ba Đình) là F1 của bệnh nhân 128536, được cách ly tập trung từ 29.7 và xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 10.8, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho, đau họng và được lấy mẫu lần 3, kết quả dương tính.
    Bệnh nhân P.Q.A (nam, 15 tuổi, P.Ngọc Lâm, Q.Long Biên) là F1 của bệnh nhân 215402, được lấy mẫu lần 1 âm tính và chuyển cách ly tập trung từ 7.8. Ngày 9.8, bệnh nhân xuất hiện ho, sốt được chuyển cách ly tại Bệnh viện Đức Giang, xét nghiệm lần 2 âm tính. Ngày 13.8, bệnh nhân được lấy mẫu lần 3 kết quả dương tính.
    Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27.4) là 2.128 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.178 ca, số mắc là trường hợp đã được cách ly 950 ca.
    Q.Đống Đa hôm qua, 13.8, cũng đã quyết định cách ly y tế một phần khu vực P.Thổ Quan, từ ngày 13.8 đến 27.8, khu vực cách ly có khoảng 106 hộ gia đình.
    Ngoài ra, Q.Đống Đa cũng ban hành quyết định cách ly y tế một phần P.Văn Chương với tổng số hộ dân trong vùng cách ly là 1.460 hộ với 4.750 nhân khẩu.
    Quyết định cách ly một phần P.Văn Miếu tại 4 điểm phong tỏa: ngõ 221 Nguyễn Khuyến, 40 Nguyễn Khuyến, 26 Quốc Tử Giám và 18 Ngô Tất Tô, với 492 nhân khẩu. Thời gian cách ly được áp dụng tại 2 phường trên từ 19 giờ ngày 13.8 đến 19 giờ ngày 27.8.
    Đây cũng là các khu vực phát sinh nhiều ca dương tính Covid-19 trong thời gian qu tại Q.Đống Đa.

    Trong khi đó, do dịch bệnh tại khu vực này tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND Q.Hoàn Kiếm quyết định kéo dài thời gian cách ly y tế P.Chương Dương thêm 14 ngày, tính từ 0 giờ ngày 14.8 đến 0 giờ ngày 28.8.
    Trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế, người dân tại vùng cách ly không tiếp xúc với người khác, không ra khỏi vùng cách ly, trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo quy định hoặc những trường hợp đặc biệt khác được phép.

    Trả lờiXóa
  7. Ngày 14/8, Việt Nam ghi nhận thêm 9.716 ca Covid-19, là mức cao nhất từ trước tới nay, nâng số ca mắc cả nước lên trên 265.000 người.

    Trả lờiXóa
  8. rang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 14/8 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 206,9 triệu người, xấp xỉ 4,4 triệu ca tử vong. Song, hơn 185,5 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

    - Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 37,3 triệu ca mắc và 637.132 bệnh nhân không qua khỏi.

    - Thái Lan hôm 13/8 ghi nhận thêm 23.418 ca nhiễm mới, mức tăng kỷ lục trong một ngày kể từ đầu dịch. Tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này đã lên tới 863.189 ca, bao gồm 7.126 trường hợp tử vong.

    - Cùng ngày, Chính phủ Philippines thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả các du khách đến từ Ấn Độ và 9 nước khác từ ngày 16 - 31/8 nhằm ứng phó với diễn biến dịch phức tạp. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 13.177 ca mắc mới và 299 bệnh nhân thiệt mạng, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên hơn 1,7 triệu người, trong đó 29.838 ca tử vong.

    Trả lờiXóa
  9. Người dân Đà Nẵng không ra khỏi nhà 7 ngày từ 16/8 ( từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 23/8)

    Chiều 14/8, UBND TP Đà Nẵng có bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19.

    Từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 23/8, Đà Nẵng dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn TP. Người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà, nơi đang cư trú, “ai ở đâu thì ở đó”, không được di chuyển đi lại ngoài đường. Thực hiện tuyệt đối nhà cách ly với nhà; mọi người không được di chuyển ra, vào TP, trừ những người được phép tham gia và các hoạt động quy định.

    Trong thời gian này những người thực hiện các hoạt động sau đây được phép ra ngoài gồm: làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; làm vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh đô thị, xử lý sự cố điện, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông.
    Thực hiện vận chuyển, cung ứng dược phẩm, vật tư y tế, hóa chất cho các cơ sở y tế; vận chuyển phân phối lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu cho người dân; vận chuyển giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng đến địa điểm giao hàng và ngược lại; vận chuyển công vụ; bưu chính nhà nước.

    Đi cấp cứu; khám, chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; xét nghiệm SARS-CoV-2; tiêm chủng Covid-19; người đi cách ly, hoàn thành cách ly y tế tập trung; xuất viện; đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài khi đã có vé. Thực hiện tác nghiệp báo chí. Hoạt động tang lễ phải đảm bảo theo quy định.

    Trả lờiXóa
  10. Thủ tướng: TP.HCM dứt khoát thực hiện cho được việc kiểm soát dịch trước 15/9!

    Trả lờiXóa
  11. Nguyễn Thị Vân Anhlúc 15:50 15 tháng 8, 2021

    Xác định phát triển vaccine Covid-19 trong nước, bao gồm cả vaccine chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ quan trọng của Ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp với Tập đoàn VinGroup, đối tác chuyển giao Arcturus, các đơn vị thử nghiệm lâm sàng vaccine (Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Học viện Quân Y), các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, kiểm định vaccine, các tổ chức hỗ trợ nghiên cứu để xây dựng, thống nhất đề cương, hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam.
    Ngày 15-8, Trường Đại học Y Hà Nội đã khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên đến từ Hà Nội.
    Bộ Y tế mong muốn cuối năm 2021 hoàn thiện cả pha 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng, gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine ở khu Công nghệ cao Hoà Lạc.
    Như vậy, đến nay, Việt Nam sẽ có 3 vaccine Covid-19 thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Trong đó có 2 vaccine Covid-19 do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất là vaccine Nano Covax và Covivac. Vaccine Nano Covax đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 3a. Vắc xin Coviac dự kiến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 từ ngày 10-8.

    Trả lờiXóa
  12. Nguyễn Thị Vân Anhlúc 15:57 15 tháng 8, 2021

    Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai công tác tuyên truyền kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945/19-8-2021) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2-9-1945/2-9-2021).
    Các hoạt động trang trí tuyên truyền được triển khai đan xen với hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911/ 25-8-2021) và phòng, chống dịch Covid-19.

    Tại khu vực trung tâm thành phố và các trục đường chính, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ triển khai công tác tuyên truyền cổ động trực quan bao gồm: Trang trí các cụm pano tại khu vực Cát Linh-Giảng Võ, Trần Nhân Tông, các vườn hoa, quảng trường, khu vực Nhà hát Lớn, Ngân hàng Nhà nước…
    Ngoài ra, duy trì trang trí chiếu sáng tại 12 tuyến đường gồm: Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Thanh Niên, Ngô Quyền, Hàng Bài, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Nguyễn Chí Thanh, Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng và Đại lộ Thăng Long.

    Trang trí Quốc kỳ, Đảng kỳ và hồng kỳ tại hệ thống cột trước khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, UBND thành phố và Ngân hàng Nhà nước. Sở cũng huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện tuyên truyền các ngày kỷ niệm trên các bảng quảng cáo tấm lớn, màn hình led theo quy định. Tổ chức triển lãm ảnh có nội dung kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Nhà Triển lãm thành phố.

    Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ triển khai trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan bằng nhiều hình thức phù hợp như: Lắp dựng các cụm pano, băng rôn dọc, biểu ngữ… theo maket trang trí đã được Thành phố phê duyệt; vận động nhân dân treo cờ Tổ quốc đảm bảo trang trọng, an toàn.

    Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan sẽ được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên địa bàn toàn thành phố và tuân thủ các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19.

    Trả lờiXóa
  13. Cơ sở nào để đặt mục tiêu TP HCM kiểm soát dịch COVID -19 trước 15/9?
    Trao đổi với báo chí bên hành lang buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết việc đặt mục tiêu các mốc kiểm soát dịch bệnh COVID -19 ở TP HCM và các địa phương dựa trên tỷ lệ mắc cũng như sự đáp ứng trong công tác phòng chống dịch.
    Tỉ lệ mắc COVID -19 đang có xu hướng đi ngang

    + Trong Nghị quyết 86 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID -19, Chính phủ đặt mục tiêu, TP HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9; Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước ngày 1/9; các tỉnh, TP khác trước ngày 25/8. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ Y tế có thể nói rõ hơn về cơ sở để đưa ra các mốc thời gian như vậy?

    Nội dung này được nêu trong Nghị quyết 86 của Chính phủ dựa trên đề xuất của Bộ Y tế. Chúng tôi đề xuất dựa trên tình hình hiện tại về tỷ lệ mắc cũng như đáp ứng cho công tác phòng, chống dịch của các tỉnh, thành với sự hỗ trợ của toàn bộ hệ thống chính trị.

    Hiện tại một số tỉnh, TP, đặc biệt TP HCM, tỉ lệ mắc đang có xu hướng đi ngang. Chính tôi hy vọng sẽ thực hiện thực sự nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhất là những vùng đỏ, càng đỏ thì cần phải thực hiện nghiêm. Đồng thời, phải bảo vệ chắc những “vùng xanh”.

    Đối với “vùng vàng, vùng đỏ”, chúng ta phải có chiến lược xét nghiệm phù hợp, khi nào thì dùng test nhanh, khi nào dùng xét nghiệm PCR, từng bước xanh hóa vùng đỏ và vùng vàng, kết hợp với đáp ứng chăm sóc, điều trị, cấp cứu bệnh nhân các tầng 1 đến 3.

    + Để chủ động nguồn vaccine, mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo về việc rút gọn quy trình để cấp phép cho vaccine Nanocovax. Ông có thể thông tin rõ hơn về việc này?

    Chúng tôi cho rằng cơ chế đó hoàn toàn hợp lý và là một trong những nội dung trong Nghị quyết 86.

    Vaccine và thuốc sản xuất trong nước khi chúng ta đánh giá ở ngưỡng giai đoạn 3, nếu thấy hiệu quả, đặc biệt tính sinh miễn dịch cao và tốt, thì sẽ được xem xét cấp phép dựa trên ý kiến tư vấn, đề xuất của Hội đồng Đạo đức quốc gia và Hội đồng Cấp phép thuốc, sinh phẩm và vaccine quốc gia…

    Với vaccine Nanocovax, mới đây nhất, ngày 7/7, chúng tôi đã xin phép Hội đồng Đạo đức quốc gia để nghiệm thu pha 1 và giữa pha 2. Qua nghiệm thu cho thấy vaccine này bước đầu an toàn và có sinh miễn dịch tương đối.

    Sau đó, Hội đồng cho phép tiếp tục thực hiện pha 3. Cuối tuần tới khi có kết quả giữa kỳ pha 3, chúng tôi sẽ tiếp tục họp với Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Cấp phép, nếu kết quả tốt, an toàn, sinh miễn dịch cao, bước đầu đánh giá hiệu quả bảo vệ thì dự kiến cấp phép trong tình trạng khẩn cấp…

    Việc nghiên cứu vaccine trên tinh thần nhanh chóng nhưng đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ để sớm có vaccine an toàn, hiệu quả. Đến đầu 2022, dự kiến chúng ta có đủ khả năng để tự chủ vaccine.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa áp dụng tiêm dịch vụ vaccine phòng

      + TP HCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và khẳng định có thể tiêm phủ cho tất cả người 18 tuổi trở lên. Vậy nguyên tắc phân bổ của Bộ Y tế như thế nào để đảm bảo cho TP HCM cũng như các địa phương khác?

      Chúng tôi sẽ phân bổ dựa trên tình hình mắc bệnh của từng địa phương. Hiện tại, TP HCM là nơi có số người mắc cũng như tỷ lệ mắc cao nhất nước, đương nhiên sẽ được ưu tiên phân bổ nhiều nhất.

      Ngoài ra, Bộ Y tế phân bổ vaccine dựa vào tiêu chí khác, ví dụ theo dân số hay một số yếu tố như tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp. Quan điểm là phân bổ cố gắng hài hòa, hợp lý nhất. Tôi hy vọng sớm đủ vaccine để giảm bớt áp lực trong phân bổ vaccine cho các tỉnh, TP

      + Hiện một số bệnh viện tư nhân đề xuất tiêm vaccine dịch vụ. Quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

      Chúng tôi cho rằng, quan điểm tiêm vaccine dịch vụ cũng hợp lý, tuy nhiên chúng ta phải cân nhắc, tiến hành ở thời điểm nào cho phù hợp. Nhất là trong bối cảnh hiện tại chúng ta chưa có nhiều vaccine. Đến thời điểm tiệm cận đủ vaccine, Bộ Y tế sẽ xem xét, cân nhắc đề xuất đó.

      + Vậy còn việc bệnh viện muốn thu thêm một phần kinh phí thì sao?

      Hiện tại, chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng là tiêm miễn phí cho người dân. Việc huy động các bệnh viện, đơn vị y tế ngoài công lập vào công tác phòng, chống dịch là hết sức cần thiết. Chúng tôi rất mong hệ thống ngoài công lập cùng chung tay phòng, chống dịch.

      Việc thu thêm phí phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Vào thời điểm này, với vaccine thì không nên. Đương nhiên với bệnh viện, hay phòng khám tư nhân cũng có thể sẽ có hình thức tài trợ của doanh nghiệp. Cái đó chúng tôi không có ý kiến.

      Còn hiện tại, Nhà nước chưa trả chi phí cho việc hỗ trợ này của tuyến y tế ngoài công lập.

      + Xin cảm ơn ông!
      https://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/co-so-nao-de-dat-muc-tieu-tp-hcm-kiem-soat-dich-covid-19-truoc-15-9-186016.html

      Xóa