Người
Việt luôn sẵn lòng làm từ thiện đối với người gặp hoạn nạn, khó khăn. (Trong
ảnh: Trao quà từ thiện cho bà con vùng lũ Quảng Bình)
Để trở thành một “nhà từ thiện” ở Việt Nam rất đơn giản. Vì thế, vô
số tổ chức từ thiện do cá nhân tự lập đều có những bất cập về tính minh bạch và
quản lý. Thậm chí, từ thiện đang có xu hướng biến tướng thành một “nghề” mang
lại thu nhập.
Từ thiện quốc tế: minh bạch và chiến lược tầm xa
Do tính chất nhạy cảm, tại các nước châu Âu và Mỹ, cá nhân bị nghiêm cấm
đứng ra quyên góp từ thiện. Nếu cố tình, có thể bị quy tội ăn mày (mendicité),
lừa đảo, trốn thuế và bị nghiệm trị trước pháp luật.
Để thành lập một tổ chức từ thiện không khó về mặt thủ tục, tuy nhiên
buộc phải tuân thủ các quy định chặt chẽ. Ví dụ như tại Pháp, theo điều luật ra
đời năm 1901, các Tổ chức phi lợi nhuận (Association sans but lucrative - ASBL)
bắt buộc phải có tối thiểu 2 người cùng đứng tên chính thức. Họ được phép nhận
tiền lương theo công sức của mình bỏ ra, có kê khai mức thu nhập chịu thuế
nhưng tuyệt đối không được kiếm lợi nhuận trong các hoạt động của mình.
Các tổ chức từ thiện đều có mục đích phi lợi nhuận nên được
miễn thuế, tuy nhiên nếu phát hiện có gian dối bất minh trong thu chi tài
chính, những người đứng tên sẽ bị truy tố tội trốn thuế, lừa đảo… Mỗi năm đều
có các công ty kiểm toán độc lập kiểm tra và chứng thực tài khoản công khai.
Chính vì thế, người dân rất yên tâm khi quyên góp tiền bạc cho họ. Các tổ chức
từ thiện phi chính phủ lớn như Arnée du Salut, Médecins Sans Frontières… đểu
nhận được sự ủng hộ tài chính rất lớn từ dân chúng và cho tới nay đã chứng minh
được những hiệu quả to lớn họ mang lại cho cộng đồng.
Hoạt động của các tổ chức từ thiện quốc tế thường rất rộng, nhưng luôn
chú trọng đầu tư vào các giải pháp căn cơ và tận gốc. Ví dụ, thay vì cho người
nghèo một bữa no cơm với thịt để ngày mai lại đối diện với ‘ngõ cụt’ đói kém,
các tổ chức từ thiện quốc tế thường tập trung nghiên cứu triển khai các dự án
đào tạo nghề nghiệp, phát triển công ăn việc làm, tạo chiếc ‘cần câu’ xung
quanh môi trường sống của người được giúp đỡ. Hay quỹ từ thiện tư nhân của các
tỉ phú thường tập trung vào việc nghiên cứu bệnh nan y.
Việt Nam:
Từ thiện bát nháo như… chợ trời
Đó là một thực trạng khi hoạt động từ thiện đang được thả lỏng về mặt
quản lý như hiện giờ. Nhìn toàn cảnh, những tổ chức từ thiện có quy củ và tầm
hoạt động chiến lược chuyên nghiệp theo mô hình các tổ chức quốc tế tại Việt Nam vẫn chỉ đếm
trên đầu ngón tay. Vô số những tổ chức từ thiện do cá nhân tự lập đều đang có
những bất cập về tính minh bạch và quản lý. Thậm chí, từ thiện đang có xu hướng
biến tướng thành một “nghề” mang lại siêu thu nhập. Đã có không ít những ồn ào
tai tiếng xung quanh vấn đề này.
Để trở thành một “nhà từ thiện” ở Việt Nam rất đơn giản. Chỉ cần có vài
bức hình chụp một hoàn cảnh thương tâm đưa lên mạng xã hội, kèm ít lời than vãn
lay động lòng trắc ẩn của cộng đồng, hoặc hình ảnh một nhân vật chụp cùng những
người khuyết tật tại một trung tâm bảo trợ xã hội, lập tức người kêu gọi đã
được gọi là nhà từ thiện và có quyền nhận những đóng góp vào tài khoản cá nhân
mà không cần qua bất cứ một sự kiểm soát nào.
Vì người người đều trở thành nhà từ thiện dễ dàng như vậy mà môi trường
hoạt động từ thiện Việt Nam đang rơi vào tình trạng cạnh tranh khốc liệt, đôi
khi mất hẳn đi tính chất nhân văn như vốn dĩ tên gọi. Các nhà từ thiện cũng có
đủ các chiêu trò thu hút sự chú ý của dư luận, thu hút nhà tài trợ. Có người
chọn cách luôn tạo ồn ào tai tiếng cho chính những nơi mình đi giúp đỡ, sử dụng
hình ảnh thương tâm của người khuyết tật, thậm chí cả hình ảnh lõa thể của
người tâm thần để quảng bá hoạt động của mình… Điều mà không một nước phát
triển nào chấp nhận, thậm chí phạt rất nặng.
Do không có luật cụ thể nào kiểm soát, mà nhiều người làm nghề quyên góp
từ thiện cũng tự đặt ra những lệ làng không giống ai. Mạng xã hội hiện nay đang
ồn ào về câu chuyện một nhà từ thiện tại Nghệ An đi tố cáo tiêu cực nhưng lại
có các biểu hiện bất minh trong các hoạt động thu chi tiền đóng góp của nhà hảo
tâm. Khi bất cứ ai có ý kiến về việc minh bạch tài chính đều bị chị ta xóa hết
các ý kiến và chặn người tố cáo. Mới đây nhất, một người sống tại Vinh đã rất
bức xúc trước việc chị này “tịch thu” luôn cả một số tiền lớn gia đình anh ủng
hộ tận tay một bệnh nhân, và được chị giải thích rằng do là người có công quảng
bá nên chị có quyền quyết định những khoản đóng góp cho nhân vật theo ý cá nhân…
Vậy những người bỏ tiền ra đóng góp cho nhân vật đó có được biết rằng đồng tiền
mình chi ra đã được sử dụng không đúng mục đích, và biết bao khoản dư ra như
thế làm sao kiểm soát khi người thu, chi chỉ nằm trong một đầu mối cá nhân
không bị ràng buộc bởi bất cứ cơ sở pháp lý nào?
Đừng tạo cơ hội cho lòng tham nảy nở
Điều đáng nói, ngoài những kẽ hở về luật pháp tạo điều kiện cho những
người lợi dụng lòng trắc ẩn của cộng đồng để trục lợi, còn có phần lỗi lớn của
những người cho tiền từ thiện khi họ vô trách nhiệm với chính đồng tiền
của mình một cách thật sự khó hiểu. Có thể bởi người Việt ngây thơ và cả tin
tới mức bất cứ ai hô hào hai chữ “từ thiện” đều là thiên thần, hoặc văn hóa cả
nể cố hữu đã không cho phép họ được đặt ra những câu hỏi về sự minh bạch. Đôi
khi tôi có cảm giác người Việt làm từ thiện chỉ để thỏa mãn cá nhân chứ không hề
quan tâm số tiền đó có được dùng đúng mục đích thiện nguyện của mình hay không…
Chính họ đã góp phần làm hoạt động nhân văn như từ thiện bị biến tướng dữ dội
như hiện giờ.
Nghệ sỹ Kim Cương, người sáng lập Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, có
lần đã tâm sự với tôi về lý do chị phải mời kiểm toán độc lập Hội bảo trợ của
mình vài ba tháng một lần, bởi “không phải chị không tin những nhân viên của
mình, vì khi bắt đầu công việc thiện nguyện ai cũng xuất phát bằng cái tâm
trong sáng cả, nhưng khi tiếp xúc với đồng tiền họ có thể tha hóa nhanh lắm.
Cho nên, minh bạch chính là giải pháp giúp tâm người luôn sáng”.
Hy vọng kinh nghiệm của nghệ sỹ Kim Cương cũng nhắc nhở trách nhiệm của
chính những người có tâm bỏ tiền làm từ thiện trong bối cảnh luật quản lý hoạt động
từ thiện còn lỏng lẻo như hiện giờ.
Hương Vũ
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người từng làm
báo, hiện sống tại Neuchâtel, Thụy Sĩ.
Ha ha!!!
Trả lờiXóaLàm Từ thiện như Lan Đàm thì ...
Có lẽ tui cũng theo nghề này thôi!
Từ thiện và Công đức là vài trong nhiều hoạt động cần có bàn tay quản lý của Nhà nước để tránh lòng tốt không bị lợi dụng.
Trả lờiXóaVề Công đức không chỉ các hòm Công đức nơi chùa chiền thánh thất.Tuy không phổ biến nhưng một số con nhang đệ tử thường tiếp cận những nhân vật giầu nhanh để thuyết giáo công đức vào xây dựng tín ngưỡng .Tâm lý những ông giầu nhanh thường cũng lo bị bể mánh nên thường tin tưởng ngả theo ý con nhang đệ tử (thực chất cũng chỉ là cò)mà cúng dường với số tiền hoặc hiện vật có giá trị rất lớn bởi với họ đó là số tiền mua bình an và cũng không hề hấn gì so với bổng lộc kiếm được nên họ luôn an tâm cung tiến và thường vô danh luôn (tiền mất Phật biết mà)vì sợ bị lộ ra nguồn lợi lộc cần giấu giếm .
Đến lượt các thày chùa ,số này thường rất minh bạch nhưng kinh phí xây cất trùng tu chùa chiền lại do một ban quản lý dân sự chụi trách nhiệm ;những ban quản lý này thường thướng lại cho người vận động được nguồn tiền bằng hiện vật,bằng các tuore du lịch chi tâm linh đắt tiền ...để tăng nhanh nguồn thu...và số con nhang đề tử suất sắc này sống cũng rất khỏe với "nghề",chả phải thuế má gì .
Đã là từ thiện sao lại ngây thơ hay cả tin? Từ thiện lại phải khôn hay hiii ....
Trả lờiXóaCái nào nó cũng có hai mặt của nó , chỉ vì khổ quá ! người ta không nhận ra mà thôi !
Trả lờiXóa( trừ những người có tấm lòng thật , đồng cảm .)